Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1479/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG KHU BẢO TỒN VÙNG NƯỚC NỘI ĐỊA ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập n­ước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa phải phù hợp với chiến lược phát triển ngành thuỷ sản và quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Công tác điều tra, nghiên cứu khoa học về nguồn lợi thủy sản, đa dạng của hệ sinh thái thủy sinh các vùng nước nội địa phải được thực hiện trước một bước, ưu tiên thực hiện tại những vùng nước có giống loài thủy sinh quý hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

3. Bảo tồn vùng nước nội địa phải được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn xã hội; đồng thời phải có chính sách, biện pháp và coi trọng hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái thủy sinh của các vùng nước nội địa.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Từng bước hình thành hệ thống các khu bảo tồn nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao, bảo vệ các hệ sinh thái thủy sinh tại các vùng nước nội địa; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi, bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học các vùng nước nội địa ở mức độ cao.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2008 - 2010:

- Hoàn thành quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa.

- Thiết lập và đưa vào hoạt động 05 khu bảo tồn đại diện cho lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và Tây Nguyên.

b) Giai đoạn 2011 - 2015:

 Thiết lập và đưa vào hoạt động 25 khu bảo tồn vùng nước nội địa, trong đó có 01 khu bảo tồn loài liên quốc gia.

c) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Thiết lập và đưa vào hoạt động 15 khu bảo tồn vùng nước nội địa.

- Hoàn thiện hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa (Phụ lục quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa đính kèm).

III. PHẠM VI QUY HOẠCH

Hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa được quy hoạch và xây dựng tại 63 tỉnh thành trong cả nước và được phân ra 7 vùng kinh tế nông nghiệp bao gồm: các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

IV. NHIỆM VỤ QUY HOẠCH

1. Giai đoạn 2008 - 2010

- Hoàn thành quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Hoàn thiện quy hoạch chi tiết và xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập 05 khu bảo tồn vùng nước nội địa đại diện ở 3 vùng: Đồng bằng sông Hồng (02 khu bảo tồn, đồng bằng sông Cửu Long (02 khu bảo tồn), Tây Nguyên (01 khu bảo tồn).

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, hiện trạng hệ sinh thái các thủy vực, các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng tại các khu bảo tồn vùng nước nội địa trong cả nước.

2. Giai đoạn 2011 - 2015

- Hoàn thiện quy hoạch chi tiết và xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập thêm 25 khu bảo tồn vùng nước nội địa.

- Tiếp tục cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu về hiện trạng hệ sinh thái các thủy vực, các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng tại các khu bảo tồn vùng nước nội địa trong cả nước.

- Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn có năng lực quản lý, chuyên môn sâu từ Trung ương đến địa phương; tập huấn cho cán bộ và cộng đồng dân cư tại các địa phương có khu bảo tồn về những kiến thức cơ bản liên quan.

3. Giai đoạn 2016 - 2020

- Tiếp tục quy hoạch chi tiết các thủy vực, các khu bảo tồn còn lại;

- Hoàn thiện quy hoạch chi tiết và xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập thêm 15 khu bảo tồn vùng nước nội địa.

- Hình thành mạng lưới hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa tại Việt Nam.

- Giám sát, kiểm soát được các biến động về đa dạng sinh học, hệ sinh thái, các loài thủy sinh quý hiếm tại từng khu bảo tồn; bổ sung, cập nhật tình hình và những biến động của toàn hệ thống khu bảo tồn trên mạng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý.

- Thu hút các nguồn lực của cộng đồng dân cư địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và quản lý các khu bảo tồn vùng nước nội địa nhằm quản lý, khai thác sử dụng các khu bảo tồn có hiệu quả, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh các vùng nước nội địa; phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn trên địa bàn.

2. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án điều tra, nghiên cứu khoa học làm cơ sở xác định, đề xuất các khu bảo tồn và biện pháp bảo vệ cụ thể đối với từng khu bảo tồn. Trước mắt tập trung điều tra, nghiên cứu đối với một số thủy vực có nhiều giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng cao.

3. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của xã hội, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống xung quanh khu bảo tồn, đối với việc giữ gìn, bảo vệ các khu bảo tồn, góp phần bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản vùng nước nội địa. Tổ chức lựa chọn và xây dựng mô hình quản lý các khu bảo tồn dựa vào cộng đồng ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn có năng lực quản lý, chuyên môn sâu từ Trung ương đến địa phưuơng; đồng thời tập huấn cho cán bộ và cộng đồng dân cư tại các địa phương có khu bảo tồn về những kiến thức cơ bản liên quan.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn tài trợ, giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật để điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ; mở rộng việc trao đổi, hợp tác khoa học với các nước, trước hết là quốc gia láng giềng để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn vùng nước nội địa.

5. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các khu bảo tồn nội địa: Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn về quy chế quản lý các khu bảo tồn, tiêu chí phân hạng, trình tự, thủ tục thành lập khu bảo tồn nội địa...

6. Về nhu cầu vốn đầu tư

Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho các công việc quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết cho 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa, xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ hoạt động của Ban Quản lý chương trình và đối với các khu bảo tồn có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế hoặc nằm trên địa bàn nhiều tỉnh. Huy động sự tham gia và tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư, quản lý và khai thác, sử dụng các khu bảo tồn khác.

Dự kiến tổng kinh phí và phân bổ theo các giai đoạn như sau:

Tổng kinh phí dự kiến khoảng: 85.000 triệu VNĐ, trong đó:

- Giai đoạn 2008 - 2010: 15.000 triệu VNĐ;

- Giai đoạn 2011 - 2015: 50.000 triệu VNĐ;

- Giai đoạn 2016 - 2020: 20.000 triệu VNĐ.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan để triển khai thực hiện quy hoạch này.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt các khu bảo tồn vùng nước nội địa theo phân cấp tại các vùng địa lý sinh thái trong cả nước.

- Xây dựng và tổ chức quản lý các khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập.

2. Các Bộ, ngành liên quan

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trên cơ sở quy hoạch này có trách nhiệm bố trí, cân đối vốn đầu tư cho các dự án cụ thể để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương liên quan thực hiện tốt quy hoạch.

- Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và quản lý tốt hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thành lập và tổ chức quản lý các khu bảo tồn vùng nước nội địa theo phân cấp.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, lợi ích, trách nhiệm trong việc bảo vệ, tham gia quản lý các khu bảo tồn; đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này; xây dựng các mô hình quản lý khu bảo tồn vùng nước nội địa dựa vào cộng động tại địa phương.

- Bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu quả các khu bảo tồn tại địa phương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (4b). A.

KT.THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng


PHỤ LỤC

HỆ THỐNG CÁC KHU BẢO TỒN VÙNG NƯỚC NỘI ĐỊA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên khu bảo tồn

Địa phương

Mục tiêu bảo tồn

KHU BẢO TỒN CẤP QUỐC GIA

I

Giai đoạn 2008 – 2010

05 khu

1

Khu vực ngã ba sông Đà – Lô – Thao

Phú Thọ - Vĩnh Phúc – Hà Nội

Bảo vệ bãi đẻ của nhiều loại cá di cư như: cá Mòi, cá Cháy, cá Lăng, cá Chiên, cá Rầm xanh.

2

Cửa sông Hồng

Nam Định – Thái Bình

Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi cư trú, sinh sống của nhiều giống loài thủy sản có giá trị. Ngoài ra, khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

3

Hồ Lak

Đắk Lắk

Bảo vệ loài cá Sấu xiêm và các loài cá đặc hữu quý hiếm khác

4

Sông Hậu

Đồng Tháp – An Giang – Cần Thơ – Vĩnh Long – Sóc Trăng – Trà Vinh

Bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của nhiều loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế: cá Hô, cá Sóc, cá Duồng bay, cá Ét mọi.

5

Ven biển Cà Mau

Cà Mau

Bảo vệ hệ sinh thái đầm lầy ngập mặn, bãi bồi ven biển. Ngoài ra, khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

II

Giai đoạn 2011 – 2015

10 khu

6

Sông Hồng – Ngòi Thia

Lào Cai – Yên Bái

Bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của nhiều loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế như: cá Lợ lớn, cá Anh vũ, cá Rầm xanh.

7

Sông Hồng (sau Việt Trì – cửa Sông Hồng)

Vĩnh Phúc , Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam

Bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của nhiều loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế như: cá Cháy, cá Mòi cờ.

8

Hệ thống hồ chứa trên sông Đà

Lai Châu – Sơn La – Hòa Bình

Bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của nhiều loài cá quý hiếm như: cá Anh vũ, cá Rầm xanh, cá Lăng, cá Chiên.

Bảo vệ hệ thống hồ chứa trên sông Đà với phức hệ thủy sinh vật tiêu biểu cho vùng địa lý Tây Bắc. Ngoài ra khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

9

Sông Tiền

Đồng Tháp – Tiền Giang – Vĩnh Long – Bến Tre – Trà Vinh

Bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của nhiều loài cá quý hiếm, có giá trị như: cá Hô, cá Sóc, cá Duồng bay, cá Ét mọi.

10

Hồ Tây

Hà Nội

Bảo vệ sinh thái hồ tự nhiên,ngoài ra khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

11

Cửa Sông Tiền

Mỹ Tho – Bến Tre – Trà Vinh

Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi cư trú, sinh sống của nhiều giống loài thủy sản có giá trị

12

Cửa Sông Hậu

Trà Vinh – Sóc Trăng

Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi cư trú, sinh sống của nhiều giống loài thủy sản có giá trị như: ngao Bến Tre.

13

Vùng cửa sông Tiên Yên

Quảng Ninh

Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi cư trú, sinh sống của nhiều giống loài thủy sản có giá trị

14

Phá Tam Giang – Đầm Cầu Hai

Thừa Thiên Huế

Bảo vệ hệ sinh thái đầm phá ven biển tiêu biểu của Việt Nam (kiểu đầ m gần kín, cửa mở rộng, nước lợ nhạt) với quần xã thủy sinh vật nước ngọt – nước lợ.

15

Ven biển Cà Mau

Cà Mau

Bảo vệ hệ sinh thái đầm lầy ngập mặn, bãi bồi ven biển. Ngoài ra khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

III

Giai đoạn 2016 – 2020

01 km

16

Hồ Ba Bể

Bắc Kạn

Bảo vệ sinh thái hồ tự nhiên trên vùng núi caxtơ, nơi có quần xã thủy sinh vật phong phú, đa dạng. Ngoài ra khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

KHU BẢO TỒN CẤP TỈNH

I

Giai đoạn 2011 – 2015

15 khu

17

Sông Chảy – hồ Thác Bà

Yên Bái

Bảo vệ nơi cư trú của nhiều loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế như: cá Lăng, cá Chiên, cá Anh vũ, cá Dầm xanh.

18

Sông Lô – Gâm (sau hồ thủy điện Tuyên Quang)

Tuyên Quang

Bảo vệ bãi đẻ nơi, cư trú của nhiều loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế như: cá Lăng, cá Chiên, cá Anh vũ, cá Dầm xanh, Tôm càng.

19

Hồ Hoàn Kiếm

Hà Nội

Bảo vệ nơi cư trú của loài Rùa/giải hồ Gươm và nhiều loài thủy sinh vật khác.

20

Đầm Vân Long

Ninh Bình

Bảo vệ bãi đẻ, nơi cư trú của một số loài như: cá Dầm xanh; Kỳ đà hoa.

21

Cửa sông Thái Bình

Hải Phòng – Thái Bình

Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi ngập triều, bãi ngao dầu

22

Sông và sông ngầm trong vùng núi caxto thuộc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Quảng Bình

Bảo vệ khu hệ thủy sinh vật đặc trưng cho sông, sông ngầm trong túi caxto vùng Bắc Trung Bộ.

Bảo vệ đường di cư đẻ trứng của cá Chình hoa.

23

Sông Đak Rông – Cửa Việt

Quảng Trị

Bảo vệ khu hệ thủy sinh vật sông Bắc Trung Bộ.

Bảo vệ đường di cư đẻ trừng của cá Chình hoa.

24

Sông Vu Gia – Thu Bồn

Quảng Nam

Bảo vệ đường di cư của cá Mòi, cá Chình bông. Ngoài ra khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

25

Đầm Trà Ổ

Bình Định

Bảo vệ hệ sinh thái Đầm ven biển. Bảo vệ nơi cư trú của các loài cá Chình mun, Chình bông.

Ngoài ra, khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

26

Sông Krông A Na (thuộc hệ thống sông Srêpok)

Đắk Lắk

Bảo vệ đường di cư của loài cá Sấu xiêm.

Ngoài ra, khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

27

Sông Đồng Nai – hồ Trị An

Đồng Nai

Bảo vệ nơi cư trú của một số loài cá như: cá Mơn, cá Sóc, cá Duồng xanh, cá Ngựa xám, cá Hường sông, cá Măng rổ, cá Chiên, cá Lóc bông.

28

Cửa sông Đồng Nai

Bà Rịa – Vũng Tàu

Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi phân bố, sinh sống của nhiều gống loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế.

Bảo vệ loài cá Sấu hoa cà.

Ngoài ra khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

29

Sông Sài Gòn – hồ Dầu Tiếng

Tây Ninh

Bảo vệ nơi cư trú của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế.

30

Sông Ông Đốc – đầm Thị Tường

Cà Mau

Bảo vệ hệ sinh thái sông vùng Tây Nam Bộ, đầm nước lợ, nơi cư trú của nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế.

31

U Minh Thượng

Kiên Giang

Bảo vệ hệ sinh thái đầm lầy trên than bùn nội địa ngập nước theo mùa. Bảo vệ một số loài như: cá Lóc bông, Rái cá lông mũi.

Ngoài ra khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục.

II

Giai đoạn 2016 – 2020

14 khu

32

Sông Bằng

Cao Bằng

Bảo vệ nơi cư trú của cá Trầm hương, Anh vũ và nhiều loài thân mềm quý hiếm như Trai cóc bàn chân, Trai cóc vuông.

33

Sông Kỳ Cùng

Lạng Sơn

Bảo vệ nơi cư trú của nhiều loài cá quý hiếm, đặc biệt là cá Chép gốc, cá Anh vũ, cá Măng giả, Trai cóc vuông.

34

Sông Lô

Hà Giang

Bảo vệ bãi đẻ, nơi cư trú của nhiều loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế như: Cá Lăng, cá Chiên.

35

Sông Gâm – hồ thủy điện Tuyên Quang

Tuyên Quang

Bảo vệ bãi đẻ, nơi cư trú của nhiều loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế như: cá Lăng, cá Chiên, cá Anh Vũ, cá Dầm xanh, Tôm càng.

36

Ngã ba sông Thương, Lục Nam – sông Đuống

Hải Dương

Bảo vệ đường di cư, sinh sản của nhiều loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế.

37

Sông Mã

Sơn La

Bảo vệ bãi đẻ của nhiều loài cá quý hiếm như: cá Lăng, cá Chiên, cá Rầm xanh.

38

Sông Mã

Thanh Hóa

Bảo vệ đường di cư, bãi đẻ của nhiều loài cá: cá Trôi, cá Chép, cá Ngạnh, cá Bỗng, cá Hỏa, cá Vền, cá Úc, cá Cháy.

39

Sông Cả

Nghệ An

Bảo vệ nơi cư trú, bãi đẻ của nhiều loài cá quý hiếm như: cá Anh vũ, cá Trôi, cá Chép, cá Ngạnh, cá Bỗng, cá Hỏa, cá Vền, cá Úc, cá Cháy.

40

Hồ Biển Lạc – núi Ông

Bình Thuận

Bảo vệ hệ sinh thái Đầm lầy tự nhiên ngập nước theo mùa trong vùng bán khô hạn.

41

Sông Se San –hồ Ialy

Gia Lai

Bảo vệ loài cá Sấu xiêm

Ngoài ra, khu bảo tồn còn có ý nghĩa về du lịch – nghiên cứu – giáo dục

42

Biển Hồ

Gia Lai

Bảo vệ hệ sinh thái hồ tự nhiên nước ngọt trên cao nguyên có nguồn gốc núi lửa.

43

Sông Ba – hồ Sông Hinh

Phú Yên

Bảo vệ nơi cư trú của loài cá Sấu xiêm, đường di cư của cá Chình Bông, Chình mun

44

Các bàu nước trong VQG Cát Tiên

Đồng Nai

Bảo vệ hệ sinh tháo đầm nước ngọt ngập nước theo mùa. Bảo vệ loài cá Sấu xiêm.

45

Sông Bé – hồ Thác Mơ

Bình Phước

Bảo vệ nơi cư trú của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế.


DANH SÁCH

CÁC LOÀI BẢO VỆ TRONG DANH MỤC HỆ THỐNG CÁC KHU BẢO TỒN VÙNG NƯỚC NỘI ĐỊA ĐẾN NĂM 2020

STT

Tên loài

Tên Việt Nam

Tên Latinh

1

Cá Chình mun

Anguilla bicolor

2

Cá Chình hoa

Anguilla marmorata

3

Cá Úc

Arius sinensis

4

Cá Chiên

Bagarius bagarius

5

Cá Hô

Catlocarpio siamensis

6

Cá Lóc bông

Channa micropeltes

7

Cá Trôi việt

Cirrhina molitorulla

8

Cá Trầm hương

Cirrhinus sp.

9

Cá Duồng bay

Cirrlinus microlepis

10

Cá Mòi cờ

Clupanodon thrissa

11

Cá Hường vện

Coius quadrifasciatus

12

Cá Duồng xanh

Cosmocheilus harmandi

13

Cá Chép

Cyprinus carpio

14

Cá Lợ thân thấp

Cyprinus multitaeniata

15

Cá Lăng

Hemibagrus guttatus

16

Cá Măng giả

Luciocyprinus langsoni

17

Cá Ngạnh

Macrones sinensis

18

Cá Vền

Megalobrama terminalis

19

Cá Ét mọi

Morulius chrysophekadion

20

Cá Trà sóc

Probarbus jullieni

21

Cá Chép gốc

Procypris merus

22

Cá Mơn

Scleropages formosus

23

Cá Anh vũ

Semilabeo obscurus

24

Cá Rầm xanh

Sinilabeo lemassoni

25

Cá Hỏa

Sinilabeo tonkinensis

26

Cá Bỗng

Spinibarbus denticultatus

27

Cá Cháy bắc

Tenualosa reevesii

28

Cá Ngựa xám

Tor tambroides

29

Cá Mang rổ

Toxotes chatareus

30

Cá Sấu hoa cà

Crocodylus porosus

31

Cá Sấu xiêm

Crocodylus siamensis

32

Trai Cánh mỏng

Cristaria bialata

33

Trai cóc dày

Gibbosula crassa

34

Trai cóc vuông

Protunio messageri

35

Trai cóc tròn

Lamprotula nodulosa

36

Trai cóc hình tai

Lamprotula leai

37

Nghêu Bến Tre

Meretrix lyrata

38

Ngao dầu

Meretrix meretrix

39

Rái cá lông mũi

Lutra sumatrana

40

Tôm càng

Macrobrachium hainanensis