Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1488/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 15 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ BẢO TRỢ XÃ HỘI TRÊN CƠ SỞ BỔ SUNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ TỔ CHỨC LẠI TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI THUỘC SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 63/TTr-SLĐTBXH ngày 16 tháng 5 năm 2013 và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 255/TTr-SNV ngày 02 tháng 7 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội trên cơ sở bổ sung nhiệm vụ công tác xã hội và tổ chức lại Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu và mở tài khoản riêng, chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Trụ sở làm việc đặt tại: xã Quang Minh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Điều 2. Nhiệm vụ của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội

1. Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, gồm:

a) Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 78 của Bộ luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo.

Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên.

b) Người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo (theo chuẩn nghèo được Chính phủ quy định cho từng thời kỳ).

c) Người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ, thuộc hộ gia đình nghèo;

d) Người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm và có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo;

đ) Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, thuộc hộ gia đình nghèo;

e) Con đẻ của người tham gia kháng chiến bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam;

g) Các đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp: Trẻ em bị bỏ rơi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động;

h) Những người không thuộc các nhóm đối tượng nêu trên, nhưng không có điều kiện sống ở gia đình và có nhu cầu vào sống ở Trung tâm, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí (gọi chung là đối tượng tự nguyện);

i) Các đối tượng xã hội khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng.

3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách.

4. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.

5. Cung cấp một số dịch vụ về công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình có vấn đề xã hội.

Điều 3. Tổ chức bộ máy của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội

1. Ban Giám đốc: Giám đốc và 02 Phó Giám đốc.

2. Các phòng chuyên môn (4 phòng):

- Phòng Tổ chức hành chính - Tổng hợp;

- Phòng Nuôi dưỡng, y tế - Phục hồi chức năng;

- Phòng Đào tạo - Dạy chữ dạy nghề;

- Phòng Tư vấn - Phát triển cộng đồng.

Điều 4. Vị trí việc làm, số lượng người làm việc của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm.

Điều 5. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ, viên chức theo cơ cấu tổ chức tại Điều 3 Quyết định này; xây dựng Quy chế hoạt động của Trung tâm trình Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội phê duyệt để triển khai thực hiện.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh