Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2013/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 29 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI TỈNH NAM ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15/6/2004; Luật Người cao tuổi ngày 23/11/2009; Luật Người khuyết tật ngày 17/6/2010; Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ, về chính sách trợ giúp các đối tượng Bảo trợ xã hội; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 81/2010/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”; Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020”;

Căn cứ Quyết định số 284/QĐ-UB ngày 25/3/1997 của UBND tỉnh, về việc sáp nhập Trung tâm Bảo trợ xã hội với Khu nuôi dưỡng xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thành Trung tâm Bảo trợ xã hội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, tại Tờ trình số 51/TTr-SLĐTBXH ngày 23/7/2013 và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, tại Tờ trình số 919/TTr-SNV ngày 12/8/2013, về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định. Cụ thể như sau:

1. Vị trí, chức năng:

- Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trung tâm có chức năng thực hiện chính sách Bảo trợ xã hội cho đối tượng xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống; cung cấp dịch vụ về công tác xã hội; trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh Nam Định theo quy định của pháp luật;

- Trung tâm chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch.

2. Trung tâm có nhiệm vụ và quyền hạn:

2.1- Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng:

2.1.1. Các đối tượng bảo trợ xã hội, bao gồm:

a) Đối tượng quy định tại Khoản 1, khoản 2, khoản 6, Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi tại Nghị định 13/2010/NĐ-CP):

- Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 78 của Bộ luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo.

Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên.

- Người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo (theo chuẩn nghèo được Chính phủ quy định cho từng thời kỳ).

- Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, thuộc hộ gia đình nghèo.

b) Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống, theo quy định tại khoản 1, Điều 45, Luật Người khuyết tật.

c) Trẻ em bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục, không có nơi cư trú ổn định, theo quy định tại khoản 6, Điều 90, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2.1.2. Các đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp, đã được các cơ sở có chức năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội cung cấp các dịch vụ khẩn cấp, hết thời hạn lưu trú tạm thời tại cơ sở đã cung cấp dịch vụ công tác xã hội, không có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, cần được đưa vào Trung tâm để phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, bao gồm:

a) Trẻ em bị bỏ rơi;

b) Nạn nhân của bạo lực gia đình;

c) Nạn nhân bị xâm hại tình dục;

d) Nạn nhân bị buôn bán;

e) Nạn nhân bị cưỡng bức lao động.

2.1.3. Những người không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội nêu tại điểm 2.1.1 nêu trên, nhưng không có điều kiện sống ở gia đình và có nhu cầu vào sống ở cơ sở bảo trợ xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, tổ chức, cá nhân nhận bảo trợ đóng góp kinh phí (gọi chung là đối tượng tự nguyện):

a) Con của Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, không có điều kiện sống ở gia đình, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, tổ chức, cá nhân nhận bảo trợ đóng góp kinh phí.

b) Người cao tuổi, người khuyết tật dạng tâm thần ở mức độ nặng, đặc biệt nặng, không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có điều kiện sống ở gia đình, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, tổ chức, cá nhân nhận bảo trợ đóng góp kinh phí.

2.1.4. Các đối tượng khác, bao gồm:

a) Người lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh, không xác định được danh tính và nơi cư trú.

b) Người tâm thần lang thang, có hành vi nguy hiểm cho xã hội, không xác định được danh tính và nơi cư trú.

2.2. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của từng nhóm đối tượng.

2.3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách.

2.4. Quyết định đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi Trung tâm trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng.

2.5. Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội đối với:

- Đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp: Trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động.

- Người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp;

2.6. Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần theo Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

2.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao.

3. Tổ chức bộ máy của Trung tâm:

3.1. Lãnh đạo Trung tâm:

Trung tâm có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc.

3.2. Bộ máy của Trung tâm gồm:

- Phòng Hành chính - Tổng hợp (bao gồm cả nhiệm vụ kế toán, tổ chức);

- Phòng Y tế - Phục hồi chức năng;

- Phòng nghiệp vụ công tác xã hội;

- Phòng quản lý, nuôi dưỡng đối tượng xã hội;

- Khoa bệnh truyền nhiễm;

- Khoa bệnh nhân tâm thần nam;

- Khoa bệnh nhân tâm thần nữ.

3.3. Biên chế của Trung tâm nằm trong tổng biên chế sự nghiệp được UBND tỉnh giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo kế hoạch hàng năm.

Điều 2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ; quy định nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Bảo trợ xã hội hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 3. - Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 284/QĐ-UB ngày 25/3/1997 của UBND tỉnh;

- Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tuấn