UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2011/QĐ-UBND | Ninh Bình, ngày 22 tháng 9 năm 2011 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 65/2010/QĐ- TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương và Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 47/QĐ- UB ngày 19/01/1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép khác.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Ninh Bình; Thủ trưởng các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC SỞ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN VÀ CÁC LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15 /2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Ninh Bình)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy chế này xác định trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành, các lực lượng chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) trong việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác (sau đây gọi tắt là công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại).
Điều 2. Nguyên tắc xác định trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động
1. Về trách nhiệm:
a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định thực hiện việc chỉ đạo, tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 127 tỉnh) về những vi phạm pháp luật xảy ra trong phạm vi ngành, địa phương trực tiếp quản lý.
b) Trong quá trình thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, theo chức năng và thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn có trách nhiệm chủ động tổ chức phối hợp hoạt động, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành công tác, trong đó có phân định cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp.
2. Quan hệ phối hợp:
a) Quan hệ phối hợp phải tuân thủ các quy định của pháp luật; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên liên quan; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.
b) Việc phối hợp hoạt động được tiến hành trên cơ sở yêu cầu của công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong từng thời điểm, địa bàn và lĩnh vực cụ thể.
c) Quan hệ phối hợp hoạt động thực hiện theo nguyên tắc kịp thời, hiệu quả; quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý theo ngành, lĩnh vực của các bên có liên quan và các huyện, thành phố, thị xã.
d) Trưởng Ban Chỉ đạo 127 tỉnh giúp Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tổ chức phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo Quy chế này. Chi cục Quản lý thị trường Ninh Bình là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 127 tỉnh.
đ) Tổ chức bộ máy, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh do UBND tỉnh Quyết định.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
1. Sở Công thương
a) Chịu trách nhiệm chủ trì sự phối hợp trong quản lý và kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với các lĩnh vực: kinh doanh khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, dịch vụ thương mại, quản lý cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, chống bán phá giá, chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
b) Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tổ chức thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường theo quy định của pháp luật:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh, lưu thông hàng hoá trong nước, các hoạt động thương mại trên thị trường, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, dịch vụ thương mại; chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm; chống đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt, tăng giá quá mức; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm tra các vi phạm về giá, ghi nhãn hàng hoá và các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh trái phép khác; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng công nghiệp lưu thông trên thị trường tỉnh; phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc kiểm tra xử lý các vi phạm về sở hữu công nghiệp, đo lường chất lượng, bản quyền tác giả.
- Là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 127 tỉnh; tham mưu giúp Ban Chỉ đạo 127 tỉnh điều hành sự phối hợp giữa các ngành, các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thẩm định giá; xử lý các hành vi vi phạm về giá, thẩm định giá theo thẩm quyền; phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong công tác điều tra, xử lý các sai phạm đối với các hành vi độc quyền và liên kết độc quyền về giá, hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá, hành vi bán phá giá hàng hoá theo quy định của pháp luật; tham mưu, đề xuất chế độ, chính sách hỗ trợ kinh phí bảo đảm điều kiện làm việc, thông tin liên lạc, phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát cho các cơ quan chức năng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá, sở hữu trí tuệ theo lĩnh vực được phân công.
4. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Công an, Thanh tra chuyên ngành hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; phòng, chống kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế nhập lậu; phòng, chống sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế giả, kém chất lượng; phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc, thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các lực lượng chức năng có liên quan thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo và sử dụng các loại vật tư nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giả, kém chất lượng, nhập lậu, cấm sử dụng và ngoài danh mục cho phép; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm.
b) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ lậu, động vật, các sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm và những loài thực vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định của pháp luật.
c) Chỉ đạo Chi cục quản lý nguồn lợi thuỷ sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển và tiêu thụ thực vật, động vật thuỷ sinh nguy cấp, quý hiếm.
d) Chỉ đạo Chi cục thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật các hành vi vận chuyển gia súc, gia cầm bị mắc bệnh ở vùng dịch đi tiêu thụ hoặc từ vùng có dịch đưa vào địa bàn tiêu thụ khi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp.
6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong việc nhận, gửi, chuyển phát thư, kiện, gói hàng hoá; xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm được nhập khẩu, xuất bản, in và phát hành trái phép viễn thông và công nghệ thông tin.
7. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát về quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật; về bản quyền phần mềm; chống buôn lậu văn hoá phẩm, in sang băng đĩa lậu; thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
8. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện vận tải, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại các đầu mối giao thông, nhà ga, bến xe; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát phương tiện tạm nhập mang biển số nước ngoài sử dụng tại Việt Nam.
9. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phát hiện, điều tra, xác minh làm rõ đường dây, ổ nhóm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả có giá trị lớn để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật; đồng thời, có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý những vụ việc chống người thi hành công vụ và buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm theo quy định. Cụ thể:
a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tiến hành các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, điều tra tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm khác để xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, dừng phương tiện và bắt giữ các phương tiện vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy.
c) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ người và phương tiện vận chuyển động, thực vật hoặc sản phẩm động, thực vật mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người, cho động, thực vật; phát hiện và xử lý các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý hiếm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó.
10. Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ trì tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở khu vực cửa sông Đáy và sông Càn, vùng biên giới biển Kim Sơn và hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu Cảng Ninh Bình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; các tụ điểm, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả có tổ chức, quy mô lớn, xuyên quốc gia; phối hợp với cơ quan Hải quan tại cửa khẩu tiến hành kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ... qua cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
11. Cục thuế tỉnh: Chủ trì công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khác ở các ngành, các cấp trong phòng, chống gian lận về thuế; xử lý các hành vi vi phạm về thuế theo thẩm quyền.
12. Chi cục Hải quan Ninh Bình: Chủ trì công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, kể cả hàng hoá và phương tiện xuất nhập cảnh; thực hiện và tổ chức công tác phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá thông qua hoạt động xuất nhập khẩu chuyển cửa khẩu và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
13. Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình: Tổ chức tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, những tác động xấu đối với kinh tế xã hội của hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
14. Các sở, ngành khác: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức việc quản lý sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, phòng, chống các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại nhằm ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng giao lưu hàng hoá.
Điều 4. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã
1. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
2. Thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với các sở, ngành, các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường trong việc tổ chức quản lý thị trường, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn mình quản lý.
4. Thường xuyên tổng hợp kết quả, đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 127 tỉnh (qua Chi cục Quản lý thị trường) sửa đổi, bổ sung các quy chế, biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn, trên từng địa bàn, lĩnh vực và theo chức năng của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát chủ động xác lập quan hệ phối hợp hoạt động theo những nội dung cụ thể.
1. Phân định phạm vi trách nhiệm quản lý và hoạt động.
2. Xây dựng kế hoạch, phương án công tác, các biện pháp quản lý theo ngành, lĩnh vực và địa bàn; những vấn đề có liên quan đến ngành hoặc địa phương khác cần có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất với các cơ quan liên quan.
3. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, giáo dục, tuyên truyền để đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
4. Phát hiện, thu thập trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, gồm:
a) Thông tin về dự báo tình hình thị trường, tình hình kinh tế, cung cầu hàng hoá, giá cả; về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong sở, ngành và trên địa bàn về kết quả công tác trong từng giai đoạn. Trong trường hợp có những vấn đề đột xuất, nổi cộm thì báo cáo về Ban Chỉ đạo 127 tỉnh (đồng thời thông báo cho Chi cục Quản lý thị trường) để xử lý kịp thời.
b) Thông tin về những quy định mới của pháp luật trong hoạt động quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông hàng hoá trong nước, chính sách quản lý đối với từng ngành hàng, mặt hàng...
c) Thông tin về tình hình vi phạm pháp luật, quy luật, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm; về các tổ chức, đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm liên quan đến buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác.
d) Thông tin về quy trình kiểm tra, xử lý mang tính nghiệp vụ của các sở, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng; thông tin về những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm của từng sở, ngành, lực lượng chức năng, các huyện, thị xã, thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác.
đ) Thông tin về kỹ thuật phòng, chống và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật có thể áp dụng, trang bị khi các cơ quan chức năng thi hành nhiệm vụ.
e) Các thông tin, tài liệu khác theo đề nghị của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
5. Chỉ đạo và tổ chức tuần tra, thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, gồm xây dựng kế hoạch kiểm tra, cung cấp thông tin về đối tượng; tổ chức lực lượng kiểm tra, phương tiện để bắt giữ; tư vấn, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn để xử lý vụ việc theo yêu cầu.
a) Phối hợp trong quá trình điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và theo quy định của các cơ quan pháp luật như: mở rộng điều tra, xác lập chuyên án lớn, phức tạp cần đến sự phối hợp của nhiều lực lượng trong và ngoài ngành để có thể thu thập được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan.
b) Khi xử lý có sự bàn bạc thống nhất giữa các bên tham gia; việc kiểm tra, kiểm soát không chồng chéo, trùng lắp, kéo dài thời gian, gây phiền hà, khó khăn cho đối tượng được kiểm tra.
c) Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nếu phát hiện tổ chức, cá nhân được kiểm tra, kiểm soát có những hành vi vi phạm ngoài chức năng, thẩm quyền xử lý của mình thì đơn vị kiểm tra, kiểm soát lập hồ sơ vụ việc ban đầu và bàn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
d) Khi cần thiết có thể tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát liên ngành để phối hợp kiểm tra. Cơ quan quản lý Nhà nước chủ trì kiểm tra liên ngành có trách nhiệm chính trong việc tổ chức kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; các cơ quan tham gia phối hợp có trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn, phương tiện trong quá trình kiểm tra và xử lý các vụ việc có tính chất phức tạp.
đ) Đối với những vụ việc vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp hoặc thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều đơn vị thì báo cáo về Ban Chỉ đạo 127 tỉnh kịp thời xử lý.
6. Khi phát sinh những vấn đề mới, những bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại thì báo cáo về Ban chỉ đạo 127 tỉnh và UBND tỉnh để kiến nghị, đề xuất Ban Chỉ đạo 127/TW, các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cho phù hợp.
7. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, xây dựng lực lượng theo yêu cầu công tác; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi; tổ chức giao lưu, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
8. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng:
Tuyên truyền, phát động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
9. Phối hợp với các doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu, Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng.
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quan hệ phối hợp
1. Ban Chỉ đạo 127 tỉnh giúp UBND tỉnh chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Chủ trì phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Trưởng Ban chỉ đạo 127 tỉnh chịu trách nhiệm:
a) Chỉ đạo công tác phối hợp quy định tại Điều 5 Quy chế này để tạo sự thống nhất trong việc chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn toàn tỉnh.
b) Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình công tác, kế hoạch, phương án, đề án kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh;
c) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ có liên quan; giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành trên địa bàn tỉnh;
d) Tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả hoạt động công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, báo cáo đầy đủ, kịp thời lên Ban chỉ đạo 127/TW, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh;
đ) Kiến nghị Ban chỉ đạo 127/TW; các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh về các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh;
e) Chỉ đạo tổ chức việc phối hợp kiểm tra liên ngành khi cần thiết.
2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai mối quan hệ phối hợp cụ thể như sau:
a) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất với Ban chỉ đạo 127 tỉnh (thông qua Chi cục Quản lý thị trường Ninh Bình) theo quy định chung về tình hình thị trường, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của đơn vị mình.
b) Tham gia phối hợp kiểm tra liên ngành khi cần thiết; trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh thì cung cấp lực lượng, phương tiện kịp thời để ngăn chặn, bắt giữ các vụ việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu; kinh doanh trái phép và các vi phạm khác.
c) Tham dự các phiên họp do các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo 127/TW, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh chủ trì triệu tập và chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho phiên họp theo yêu cầu.
d) Tham gia xử lý các vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của đơn vị mình.
3. Đoàn Kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập.
Căn cứ nhiệm vụ thường xuyên hoặc đột xuất, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của Ban chỉ đạo 127 tỉnh, UBND tỉnh quyết định việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh, yêu cầu các đơn vị có liên quan phối hợp tiến hành kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Đoàn Kiểm tra liên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và nhiệm vụ cụ thể khác theo quyết định của UBND tỉnh.
Điều 7. Công tác báo cáo, sơ kết, tổng kết
1. Các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành tổng kết, đánh giá công tác phối hợp hoạt động theo quy định của Quy chế này và đưa vào báo cáo công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hàng năm để báo cáo Ban Chỉ đạo 127 tỉnh và UBND tỉnh.
2. Ban Chỉ đạo 127 tỉnh giúp UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết các nội dung phối hợp hoạt động theo quy định của Quy chế này; các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tổng kết công tác phối hợp theo các mối quan hệ song phương.
Điều 8. Công tác khen thưởng, kỷ luật
1. Khen thưởng: Định kỳ hoặc đột xuất, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh giúp UBND tỉnh tổ chức bình xét các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp, mang lại hiệu quả cao trong việc thực thi nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đề nghị các cấp khen thưởng theo quy định.
2. Kỷ luật: Tập thể, cá nhân vi phạm Quy chế này, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
1. Căn cứ Quy chế này, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể hàng năm, trong đó có nội dung quan hệ phối hợp để tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thuộc lĩnh vực do cơ quan, đơn vị mình phụ trách;
2. Ban Chỉ đạo 127 tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức sự phối hợp giữa các sở, ngành, lực lượng chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ảnh về Ban Chỉ đạo 127 tỉnh (thông qua Chi cục Quản lý thị trường) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi bổ sung kịp thời./.
- 1 Quyết định 24/2011/QĐ-UBND về Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 2 Quyết định 31/2011/QĐ-UBND về Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 3 Quyết định 65/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 31/2011/QĐ-UBND về Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 2 Quyết định 24/2011/QĐ-UBND về Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành