Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1533/2009/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 8 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Thông tư 03/2004/TT-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định 1228-QĐ/TU ngày 23/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện chế độ ưu tiên xét tuyển, tiếp nhận và bổ nhiệm ngạch công chức không qua thi tuyển;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 3077/2004/QĐ-UB ngày 03/9/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh “Về việc ban hành Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ quyết định, thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- Như­ Điều 3 (thực hiện);
- Lưu: VT, TH1.
 60 bản, Hg-QĐ 105

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
CHỦ TỊCH




Vũ Đức Đam

 

QUY CHẾ

TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 1533 /2009/QĐ-UBND ngày 8 tháng 5 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này được áp dụng cho việc thi tuyển hoặc xét tuyển công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Việc tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) phải căn cứ vào nhu cầu, vị trí làm việc, tiêu chuẩn nghiệp vụ, số lượng chức danh công chức được tuyển và tổng số định biên cán bộ, công chức được cấp thẩm quyền phê duyệt và phải qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

Điều 3. Phạm vi và đối tượng được xét tuyển.

1. Việc xét tuyển công chức xã chỉ thực hiện cho từng địa bàn, từng thời gian và từng đối tượng cụ thể do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Nội vụ.

2. Những trường hợp sau đây Uỷ ban nhân dân huyện xem xét, quyết định tuyển dụng công chức xã (sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Nội vụ) không qua thi tuyển:

2.1. Các đối tượng được quy định tại khoản 2, Điều 5 Quyết định số 2871/2004/QĐ-UB ngày 19/8/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh “V/v ban hành quy định về chính sách khuyến khích đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức và thu hút nhân tài”.

2.2. Người vào làm việc ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (đặc điểm địa bàn các đơn vị hành chính trên do Uỷ ban Dân tộc miền núi và Thủ tướng Chính phủ quy định và không áp dụng hình thức xét tuyển đối với các phường, thị trấn); người có trình độ thạc sĩ và tương đương trở lên phù hợp với vị trí công việc đang cần tuyển dụng công chức.

2.3. Cán bộ chuyên trách thuộc các chức danh được quy định tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và phải được Uỷ ban nhân dân xã đề nghị.

2.4. Người đã đạt điểm yêu cầu trong kỳ thi công chức vào cơ quan hành chính Nhà nước thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, cấp huyện nhưng chưa được tuyển do không còn chỉ tiêu biên chế mà người đó có đơn xin làm công chức cấp xã (vị trí công tác phù hợp với chuyên môn đào tạo) và được Uỷ ban nhân dân xã đề nghị.

2.5. Cán bộ, công chức trong biên chế thuộc các cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có đơn xin tự nguyện làm công chức xã.

2.6. Cán bộ, viên chức là lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác trong các đơn vị lực lượng vũ trang 5 năm trở lên, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có nguyện vọng làm công chức xã.

Điều 4. Việc thi tuyển hoặc xét tuyển phải đảm bảo nguyên tắc công khai, công bằng. Mọi công dân có đủ điều kiện và tiêu chuẩn đều có cơ hội tham gia dự tuyển. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi tuyển công chức phải thông báo trước 30 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện về số lượng cần tuyển, vị trí cần tuyển, thủ tục, hồ sơ, thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ, mức lệ phí, thời gian thi, nội dung thi theo quy định hiện hành.

Điều 5. Hội đồng tuyển dụng công chức xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định thành lập theo đề nghị của Trưởng phòng Nội vụ có từ 5 đến 9 thành viên. Hội đồng tuyển dụng thành lập Ban ra đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi để giúp việc (đối với trường hợp thi tuyển).

Điều 6. Những người tham gia dự tuyển nộp hồ sơ về Hội đồng tuyển dụng, Hội đồng tuyển dụng đối chiếu với tiêu chuẩn chức danh theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNVngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ để xem xét lập danh sách và thông báo tới những người đủ tiêu chuẩn dự tuyển.

Điều 7. Hình thức thi tuyển gồm 2 môn: Môn thi viết về hành chính nhà nước (120 phút) và môn thi trắc nghiệm tin học hoặc thi thực hành tin học (30 phút). Điểm thi được tính theo hệ số 1; điểm của mỗi môn thi được tính theo thang điểm 100. Những người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển là người thi đủ các môn thi, có số điểm mỗi môn thi từ 50 điểm trở lên và được lấy từ người có số điểm cao nhất cho đến hết chỉ tiêu của chức danh được tuyển.

Kết quả điểm thi cuối cùng được tính theo công thức:

Kết quả điểm thi cuối cùng = Tổng điểm thi 2 môn (viết + tin học) + điểm ưu tiên (nếu có).

Điều 8. Ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức xã.

1. Ưu tiên trong thi tuyển:

1.1. Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được cộng 30 điểm vào tổng kết quả thi tuyển;

1.2. Con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, con Anh hùng lực lượng vũ trang, con Anh hùng lao động được cộng 20 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.

1.3. Người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ hai năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ được cộng 10 điểm vào tổng kết quả thi tuyển.

2. Ưu tiên trong xét tuyển

2.1. Người dân tộc thiểu số

2.3. Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động

2.4. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh

2.5. Con liệt sĩ

2.6. Con thương binh, con bệnh binh, con của người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa (từ 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động.

2.7. Người có học vị từ đại học trở lên (ngoài đối tượng quy định tại Quyết định số 2871/2004/QĐ-UB ngày 19/8/2004 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh)

2.8. Bộ đội xuất ngũ, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ hai năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

Hội đồng tuyển dụng xây dựng thang điểm để cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển theo thứ tự trên đây. Nếu một người có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ở tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất. Đối với những trường hợp số người dự tuyển có số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của chức danh cần tuyển thì Hội đồng tuyển dụng thống nhất bổ sung điều kiện xét tuyển để chọn được người trúng tuyển.

Chương II

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG VÀ CÁC BAN CHUYÊN MÔN:  BAN RA ĐỀ THI, BAN COI THI, BAN PHÁCH, BAN CHẤM THI

MỤC 1 - HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG

Điều 9. Hội đồng tuyển dụng công chức xã được sử dụng con dấu của Uỷ ban nhân dân huyện để hoạt động và tự giải thể khi việc thi tuyển, xét tuyển đã hoàn thành.

Điều 10. Thành phần của Hội đồng tuyển dụng gồm:

- Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện, làm Chủ tịch Hội đồng

- Lãnh đạo phòng Nội vụ, làm Phó chủ tịch Hội đồng

- Cán bộ phụ trách theo dõi công tác cán bộ, công chức của Uỷ ban nhân dân huyện làm thư ký Hội đồng

- Các Uỷ viên gồm: Lãnh đạo một số phòng chuyên môn có liên quan thuộc Uỷ ban Nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã có nhu cầu tuyển dụng công chức.

Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tuyển dụng:

1. Đối với việc tuyển dụng công chức xã phải qua thi tuyển:

- Xây dựng và hướng dẫn công khai thủ tục, hồ sơ, thể lệ, quy chế, nội quy, nội dung thi, tài liệu nghiên cứu, thời hạn và địa điểm nộp hồ sơ, thời gian và địa điểm thi cho người dự tuyển.

- Xem xét các hồ sơ dự tuyển, nếu đủ điều kiện thì lập danh sách và thông báo đến người dự tuyển.

- Thành lập Ban ra đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi và chỉ đạo hoạt động của các Ban này. Những người đã tham gia Ban coi thi, Ban phách không được tham gia Ban chấm thi. Căn cứ vào số lượng người thi, vị trí và số lượng các chức danh cần tuyển, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng quyết định số lượng thành viên của các Ban cho phù hợp.

- Tổ chức việc ra đề thi, chọn đề thi đảm bảo bí mật, sát với nội dung đã hướng dẫn và yêu cầu nghiệp vụ của chức danh dự tuyển; tổ chức thi tuyển.

- Tổng hợp kết quả thi và thông báo kết quả đến người dự thi chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày thi.

- Tổ chức việc phúc tra, giải quyết khiếu nại về kết quả thi tuyển (nếu có).

- Báo cáo kết quả thi, danh sách những người trúng tuyển với Uỷ ban nhân dân huyện để xem xét, quyết định.

2. Trường hợp xét tuyển thực hiện theo quy định hiện hành và Điều 3 của quy định này:

- Xây dựng và hướng dẫn công khai thủ tục, hồ sơ, thể lệ, quy chế xét tuyển, thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ cho người dự tuyển.

- Xem xét các hồ sơ dự tuyển, nếu đủ điều kiện thì lập danh sách để đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

- Xây dựng quy chế xét tuyển, chế độ ưu tiên cho từng chức danh cần tuyển, đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ của chức danh cần tuyển dụng.

- Tổ chức họp Hội đồng để xem xét các hồ sơ dự tuyển theo quy chế, lập biên bản kết quả xét tuyển, công bố kết quả xét tuyển.

- Trả lời khiếu nại về kết quả xét tuyển (nếu có).

- Báo cáo kết quả xét tuyển với Uỷ ban nhân dân huyện để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Điều 12. Nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng tuyển dụng:

1. Chủ tịch Hội đồng:

- Chịu trách nhiệm về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng tuyển dụng.

- Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Hội đồng

- Tổ chức việc ra đề thi, lựa chọn đề thi, niêm phong đảm bảo bí mật đề thi.

2. Phó chủ tịch Hội đồng:

- Điều hành những công việc do Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng phân công.

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc quá trình thi tuyển, xét tuyển

- Cùng với Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng xem xét, công bố kết quả thi tuyển, xét tuyển.

3. Thư ký Hội đồng, giúp Chủ tịch Hội đồng trong việc:

- Đề xuất, phân công nhiệm vụ cho các Uỷ viên Hội đồng

- Tiếp nhận hồ sơ của người dự tuyển

- Tổ chức hướng dẫn cho người dự tuyển các nội dung ôn tập trước khi thi

- Chuẩn bị các tài liệu cho Hội đồng tuyển dụng và ghi biên bản các cuộc họp của Hội đồng tuyển dụng.

- Xây dựng nội quy phòng thi.

- Tổ chức thu nhận bài thi, tài liệu liên quan và thực hiện các thủ tục giao, nhận bài thi cho Ban phách, Ban chấm thi theo từng khâu công việc.

- Tiếp nhận, quản lý các tài liệu liên quan kết quả bài thi, tổng hợp chung bảng điểm, danh sách kết quả thi.

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng về việc giữ gìn bí mật kết quả điểm thi của thí sinh trước khi được phép công bố theo quy định.

- Trong trường hợp xét tuyển: Tổ chức việc xem xét hồ sơ dự tuyển, lập biên bản xét tuyển theo quy chế, lập danh sách để Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng báo cáo với Uỷ ban nhân dân huyện để xem xét, quyết định.

4. Các uỷ viên thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công.

MỤC 2 - BAN RA ĐỀ THI

Điều 13. Ban ra đề thi có trách nhiệm giúp Hội đồng tuyển dụng tổ chức việc ra đề thi, xây dựng đáp án, biểu điểm. Thành viên của Ban ra đề thi không đồng thời là thành viên của Ban coi thi, Ban phách và Ban chấm thi.

Điều 14. Ban ra đề thi có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Ra đề thi theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng, làm đáp án, thang điểm cho từng câu hỏi, đảm bảo mỗi lĩnh vực có từ 5 câu hỏi trở lên để Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng lựa chọn, quyết định.

- Bàn giao đề thi, đáp án cho Hội đồng tuyển dụng và đảm bảo bí mật đề thi theo quy định.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban ra đề thi:

1. Trưởng Ban:

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng về chất lượng, nội dung, bí mật của đề thi, đáp án.

- Phân công các Uỷ viên ra đề thi, làm đáp án và biểu điểm theo lĩnh vực và nhận đề thi, đáp án, biểu điểm từ các Uỷ viên.

- Tổng hợp các đề thi, sửa đổi, bổ sung nội dung đáp án, thang điểm và bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng.

2. Các Uỷ viên:

- Xây dựng đề thi, đáp án, thang điểm theo phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về chất lượng, nội dung, bí mật của đề thi, đáp án.

MỤC 3 - BAN COI THI, BAN CHẤM THI

Điều 16. Ban coi thi có trách nhiệm giúp Hội đồng tuyển dụng tổ chức cho người coi thi (giám thị) làm việc và giám sát, kiểm tra việc thi tuyển. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban coi thi thực hiện theo khoản 2 - Điều 5 của Quyết định số 10/2006/QĐ-BNV ngày 05/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Quy chế tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban coi thi:

1. Trưởng ban:

- Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Ban coi thi

- Phân công giám thị trong phòng thi, giám thị biên

- Nhận và bảo quản đề thi theo quy chế thi

- Phát đề thi cho các giám thị phòng thi.

- Tạm đình chỉ việc coi thi của giám thị hoặc việc thi của thí sinh nếu có hành vi vi phạm quy chế, nội quy thi, báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng quyết định.

- Tập hợp các bài thi để bàn giao cho thư ký Hội đồng tuyển dụng.

2. Giám thị trong phòng thi:

- Kiểm tra giấy chứng minh nhân dân của người dự thi, hướng dẫn vị trí ngồi theo số báo danh. Trường hợp không có giấy chứng minh nhân dân, nhưng có giấy tờ pháp lý khác để chứng minh, báo cáo Trưởng Ban coi thi để xin ý kiến giải quyết).

- Đánh số báo danh tại các bàn thi.

- Phổ biến nội quy thi, phát giấy thi, ký vào giấy thi.

- Nhận đề thi, phát đề thi (hoặc đọc, ghi chính xác lên bảng)

- Mở bì đựng đề thi khi có hiệu lệnh. Trước khi mở đề thi, giám thị phòng thi cho những người dự thi chứng kiến đề thi được niêm phong, không được giải thích đề thi hoặc trao đổi riêng với bất kỳ người dự thi nào.

- Thực hiện nhiệm vụ coi thi trong phòng thi đúng nội quy.

- Thu bài thi (yêu cầu người dự thi ký xác nhận) và các tài liệu khác liên quan và bàn giao cho Trưởng Ban coi thi.

- Không bố trí giám thị coi ở phòng thi có người thân dự thi.

3. Giám thị biên:

- Giữ gìn trật tự, an toàn bên ngoài phòng thi

- Phát hiện, nhắc nhở, lập biên bản giám thị trong phòng và người dự thi nếu có hành vi vi phạm quy chế khi ở ngoài phòng thi, báo cáo Trưởng ban coi thi giải quyết.

- Không được vào trong phòng thi.

- Giám thị biên có thể giám sát cả hai phòng thi liền kề.

Điều 18. Ban chấm thi có trách nhiệm giúp Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng tổ chức và chấm thi theo quy chế. Ban chấm thi có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Trao đổi thống nhất đáp án, thang điểm được Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng quy định

- Bố trí người chấm thi, đảm bảo mỗi bài thi phải có 02 người chấm (trừ trường hợp thi thực hành môn tin học).

- Nhận và phân chia bài thi đã rọc phách cho giám khảo chấm điểm.

- Bàn giao bản chấm thi, kết quả thi của từng người dự thi theo mã phách cho Thư ký Hội đồng thi.

- Phát hiện các bài thi có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, lập biên bản báo cáo Hội đồng tuyển dụng giải quyết.

- Giữ bí mật kết quả điểm thi khi Hội đồng tuyển dụng chưa công bố.

- Phúc tra bài thi theo yêu cầu của Hội đồng tuyển dụng.

Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban chấm thi:

1. Trưởng ban:

- Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban chấm thi

- Phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban chấm thi

- Quyết định điểm chính thức khi 2 giám khảo chấm điểm có sự chênh lệch

- Tổng hợp kết quả chấm thi để bàn giao cho Thư ký Hội đồng tuyển dụng

2. Giám khảo:

- Chấm điểm thi viết, thi trắc nghiệm hoặc thực hành nghiêm túc theo đáp án và thang điểm đã được duyệt.

- Báo cáo các dấu hiệu vi phạm trong các bài thi với Trưởng ban chấm thi và đề nghị hình thức xử lý.

- Mỗi bài thi viết, trắc nghiệm được 02 giám khảo chấm độc lập và thống nhất cho điểm cuối cùng. Nếu điểm của hai giám khảo chênh lệch dưới 10% so số điểm tối đa thì lấy điểm bình quân. Nếu chênh lệch trên 10% so với số điểm tối đa thì bài thi đó được chấm điểm lại bởi 02 thành viên chấm thi khác. Nếu vẫn chênh lệch trên 10% so với số điểm tối đa thì chuyển 2 kết quả chấm thi trên đến trưởng Ban chấm thi để xem xét, quyết định.

MỤC 4–BAN PHÁCH

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban phách:

1.Trưởng Ban phách:

a) Trưởng Ban phách có trách nhiệm giúp Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng tổ chức việc đánh mã phách, rọc phách và quản lý phách theo đúng quy định;

b) Nhận bài thi của thí sinh từ Thư ký Hội đồng và bàn giao bài đã rọc phách cho Thư ký Hội đồng;

c) Nhận bài thi rọc phách đã chấm xong từ Thư ký Hội đồng và tổ chức việc ghép phách, báo cáo kết quả thi với Chủ tịch Hội đồng.

d)Tổ chức tập hợp bài thi đã ghép phách của thí sinh để bàn giao cho Thư ký Hội đồng thi theo đúng thủ tục quy định. Giữ gìn bí mật kết quả điểm thi của thí sinh theo quy định.

2. Thành viên Ban phách:

a) Thực hiện việc đánh mã phách, rọc phách theo sự phân công của Trưởng ban phách; Giữ gìn bí mật về phách theo quy định.

b) Thực hiện việc ghép phách, tổng hợp kết quả thi báo cáo Trưởng ban phách. Giữ gìn bí mật kết quả điểm thi của thí sinh theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THI TUYỂN, XÉT TUYỂN

Điều 21. Việc tổ chức thi tuyển (hoặc xét tuyển) công chức xã được tổ chức riêng cho mỗi huyện, thị xã, thành phố. Trong trường hợp địa phương có số thí sinh dự thi dưới 20 người thì có thể kết hợp thi cùng Hội đồng thi tuyển viên chức của huyện, nhưng phải đảm bảo đề thi, đáp án riêng với đối tượng dự thi làm công chức xã.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện căn cứ vào nhu cầu, vị trí làm việc, tiêu chuẩn nghiệp vụ, số lượng chức danh công chức và tổng số định biên được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định thời gian tổ chức thi tuyển, trình tự thi tuyển (hoặc xét tuyển) sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Nội vụ.

Điều 22. Hội đồng tuyển dụng bố trí phòng thi, các phòng thi được đánh số thứ tự, có niêm yết danh sách người dự thi, nội quy thi. Mỗi phòng thi có 02 giám thị và 01 giám thị biên và không bố trí quá 20 người trong 01 phòng thi.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Nội vụ hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Quy chế này và thực hiện việc giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với quá trình thi tuyển hoặc xét tuyển. Trường hợp Hội đồng tuyển dụng nào thực hiện việc thi tuyển, xét tuyển trái với quy định thì bị huỷ bỏ kết quả thi tuyển, xét tuyển.

Điều 24. Uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định tuyển dụng cụ thể đối với công chức xã trên cơ sở kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển đã có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ. Khi ra quyết định tuyển dụng, Uỷ ban nhân dân huyện đồng gửi Sở Nội vụ biết, để theo dõi.

Điều 25. Kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển được lấy từ nguồn ngân sách và lệ phí do những người dự tuyển đóng góp theo quy định hiện hành.

Điều 26. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thi tuyển, xét tuyển công chức cấp xã theo Quy chế này.

Quá trình thực hiện có vướng mắc, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.