ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 154/QĐ.UB | Lào Cai, ngày 24 tháng 04 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ QUY ĐỊNH THỰC HIỆN DỰ ÁN HỖ TRỢ CHẤT LỢP VÀ GIẢI QUYẾT NƯỚC ĂN CHO HỘ ĐÓI NGHÈO VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TỈNH LÀO CAI (TỪ: 2002 - 2005) - THAY THẾ QUYẾT ĐỊNH SỐ 238/2001/QĐ.UB NGÀY 23/7/2001 CỦA UBND TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994.
Căn cứ Nghị quyết số 24/2001/NQ.HĐND ngày 19/7/2001 của HĐND tỉnh khóa XII - Kỳ họp thứ 4 về việc phê chuẩn dự án Hỗ trợ chất lợp và giải quyết nước ăn cho hộ đói nghèo ở vùng ĐBKK tỉnh Lào Cai (giai đoạn 2001 - 2005);
Sau khi sơ kết, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thí điểm dự án Hỗ trợ chất lợp và giải quyết thức ăn cho hộ đói nghèo vùng đặc biệt khó khăn tại 18 xã trong năm 2001; xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 207/TT.KHĐT ngày 18/4/2002;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Quy định thực hiện dự án Hỗ trợ chất lợp và giải quyết nước ăn cho hộ đói nghèo vùng đặc biệt khó khăn - tỉnh Lào Cai giai đoạn 2002 - 2005 như sau:
I. Đối tượng:
Hộ diện đói nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn: 138 xã Chương trình 135, ưu tiên cho hộ gia đình chính sách, gia đình có công với nước, gia đình chấp hành tốt đường lối chủ trương chính sách của Đảng, chịu khó lao động nhưng hoàn cảnh neo đơn, khó khăn do nguyên nhân khách quan.
1- Đối tượng hỗ trợ chất lợp: Hộ đói nghèo có nhu cầu thực sự về chất lợp. Căn cứ vào danh sách hộ đói nghèo theo kết quả tổng điều tra kinh tế hộ gia đình ngày 16/4/2001.
2- Đối tượng hỗ trợ nước ăn: Hộ đói nghèo có nhu cầu thực sự về nước ăn (nơi chưa có công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ nay đến 2005). Những nơi đã có công trình cấp nước sinh hoạt; nằm trong quy hoạch cấp nước tập trung đến năm 2005, có thể xây dựng hệ thống cấp nước tự chảy hoặc đào giếng sẽ không được thực hiện theo dự án này.
3- Hộ đói nghèo thuộc cả 2 đối tượng trên đồng thời được hỗ trợ chất lợp và nước ăn. Riêng những hộ ở rải rác phân tán xa thôn, bản, chưa giải quyết theo quyết định này, để thực hiện sắp xếp lại nơi định cư mới.
II. Phương thức thực hiện dự án:
Phương thức chung: Nhà nước hỗ trợ; nhân dân tự làm.
1. Nhà nước hỗ trợ:
+ Hỗ trợ chất lợp mái nhà, vận chuyển tới trung tâm xã, cụm xã (nơi có đường ô tô).
+ Hỗ trợ làm lu, chum đựng nước ăn: Vật liệu chủ yếu ở địa phương không có, vận chuyển về trung tâm xã, cụm xã (nơi có đường ô tô) và 1 phần nhân công kỹ thuật.
2. Hộ gia đình tự làm hoặc địa phương vận động tương trợ giúp đỡ nhau:
+ Khung nhà đảm bảo lợp được tấm lợp, công và các vật liệu: đá, cát, sỏi …
- Với những hộ có nhu cầu lớn hơn định mức thì phải tự túc 100 % phần kinh phí bổ sung theo đơn giá quy định của tỉnh.
- Những hộ gia đình không tự nguyện tham gia theo phương thức trên, sẽ không được hỗ trợ.
III. Định mức – hình thức hỗ trợ:
1 - Hỗ trợ chất lợp: Mỗi hộ tối đa không quá 80 tấm lợp Fi brô xi măng + 10 viên nóc úp (hỗ trợ bằng hiện vật).
2 - Hỗ trợ nước ăn: Hỗ trợ làm Lu hoặc chum bê tông cho những hộ chỉ có duy nhất nguồn nước mưa: Chum hoặc lu nước 4 m3 / 2 cái cho một hộ, gồm: Xi măng và các vật liệu ở địa phương không có, một phần công kỹ thuật, do cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp, huyện, xã hướng dẫn nhân dân thực hiện. Nguồn vốn bao gồm: Ngân sách Nhà nước; vốn UNICEF; các tổ chức hỗ trợ và nhân dân đóng góp.
IV. Tổ chức thực hiện:
1- Các huyện, thị xã: Tổ chức quán triệt, giải thích cho nhân dân hiểu đúng về chủ trương, về đối tượng, tiêu chuẩn hộ được hỗ trợ chất lợp và nước ăn theo dự án này.
Chủ tịch UBND huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ chất lợp và giải quyết nước ăn cho hộ đói nghèo vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn của mình theo kế hoạch UBND tỉnh giao trong năm.
2- Chủ tịch UBND xã: Hướng dẫn, tập hợp nhu cầu từ các thôn bản, qua hội đồng xét duyệt của xã (Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã và Trưởng các đoàn thể xã) gửi danh sách đề nghị lên UBND huyện, thị xã; nhận vật tư hỗ trợ của tỉnh và cấp cho các hộ đã được phê duyệt, tổ chức phong trào của nhân dân giúp đỡ nhau thực hiện dự án này.
Việc xét các hộ được hỗ trợ theo dự án phải công khai, dân chủ và tập hợp từ thôn, bản trở lên (phải có đơn đăng ký của từng hộ).
3- Giao cho Sở Xây dựng hướng dẫn các mẫu nhà phù hợp với tập quán địa phương.
4- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, xã triển khai hướng dẫn về xây dựng lu hoặc chum bê tông đựng nước cho các hộ.
5- Giao cho Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn việc cấp phát thanh toán vốn và chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng đơn giá vật tư, vật liệu trình UBND tỉnh phê duyệt cho từng khu vực. Riêng giá tấm lợp, ngói nóc Fibrô xi măng đến trung tâm các xã ĐBKK, cụm xã bằng: Giá tại nhà máy + Giá vận chuyển + Tỷ lệ hao hụt 2,5% (bao gồm cả thuế VAT).
6- Sở Lao động - TB & XH theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát Ban xóa đói giảm nghèo các huyện, xã tổ chức thực hiện dự án này.
7- Các tổ chức, đoàn thể, Cơ quan Báo chí, Văn hóa-TT, Phát thanh - Truyền hình và lực lượng vũ trang: Tổ chức thành phong trào các đoàn thể giúp nhau làm nhà, làm chum, lu chứa nước ăn. Tuyên truyền về chủ trương chính sách hỗ trợ chất lợp, nước ăn cho các hộ đói nghèo trên phương tiện thông tin đại chúng, để nhân dân biết và ủng hộ.
8- Khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai cử cán bộ, công nhân kỹ thuật tình nguyện xuống hướng dẫn kỹ thuật nhân dân lợp nhà, xây lu, chum bê tông, giúp đỡ nhân dân các xã.
10- Nguồn cung ứng vật tư: Tấm lợp Fibrô xi măng, ngói úp nóc giao Công ty Xi măng Lào Cai sản xuất và cung ứng, phải đảm bảo theo yêu cầu chất lượng quy định, có trách nhiệm bảo hành 12 tháng và vận chuyển đến trung tâm xã, cụm xã (có đường ô tô), giao cho huyện, xã tiếp nhận và cấp cho dân theo định mức quy định.
11- Cấp phát, thanh toán vốn: Nguồn vốn hỗ trợ được cấp phát, thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và UBND tỉnh. Đối với tấm lợp phải có biên bản nhận giữa UBND huyện, thị xã, UBND xã và Công ty xi măng Lào Cai mới được cấp phát, thanh toán.
12- Chế độ báo cáo, kiểm tra: Trong quá trình tổ chức thực hiện, hàng tháng, quý, năm các cấp xã, huyện, thị xã và các ngành có liên quan phải có báo cáo lên cấp trên về tình hình triển khai thực hiện theo quy định.
V- Kế hoạch triển khai:
Trên cơ sở kế hoạch hàng năm UBND tỉnh giao (tổng số hộ và mức vốn), UBND huyện, thị xã quyết định cụ thể kế hoạch chi tiết của huyện, thị xã làm căn cứ triển khai thực hiện, đồng thời lập báo cáo gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt, chính thức để tổ chức thực hiện và thanh quyết toán.
Kết thúc hàng năm tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cho công tác triển khai các năm tiếp theo (đầu Quý I năm sau).
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - TBXH để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Điều 2: Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế Quyết định 238/2001/QĐ.UB ngày 23/7/2001, những văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
(Được tuyên truyền trên báo, đài)
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI |