ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1541/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 23 tháng 7 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006;
Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 98/2012/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 18/6/2012 của liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”;
Căn cứ Quyết định số 3321/QĐ-BGDĐT ngày 12/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình thí điểm Tiếng Anh Tiểu học;
Căn cứ Quyết định số 3456/QĐ-BGDĐT ngày 5/9/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình GDPT môn tiếng Anh thí điểm cấp THCS tại 88 trường THCS của 30 tỉnh/thành phố từ năm học 2012-2013;
Căn cứ Kế hoạch số 855/KH-BGDĐT ngày 08/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tham gia thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 của Chương trình phát triển giáo dục trung học;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 78/TTr-SGDĐT ngày 11/7/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2010-2020, với nội dung chủ yếu sau:
1.1. Mục tiêu chung:
- Tăng cường và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ một cách đồng bộ và hệ thống trong các cơ sở giáo dục theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2008 về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc gia giai đoạn 2008-2020”;
- Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục, triển khai Chương trình dạy và học ngoại ngữ 10 năm ở các cấp học, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình;
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Quy định môn ngoại ngữ được dạy và học trong các cơ sở giáo dục ở Thái Bình là tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác khi có đủ điều kiện;
- Xác định tầm chiến lược đối với môn ngoại ngữ chính là tiếng Anh;
- Dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học dựa theo Khung năng lực ngoại ngữ (KNLNN) chi tiết gồm 6 bậc tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế thông dụng do Hiệp hội các tổ chức khảo thí - ngoại ngữ châu Âu ban hành (bậc 1 là bậc thấp nhất và bậc 6 là bậc cao nhất);
- Triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông, đạt các bậc trình độ như sau: tốt nghiệp Tiểu học đạt trình độ bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ, tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ, tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt bậc 3 Khung năng lực ngoại ngữ;
- Đến năm 2019-2020, hầu hết các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dạy học theo chương trình ngoại ngữ 10 năm;
- Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp;
- Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục thường xuyên với nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với các cấp học, trình độ đào tạo góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức; thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học;
- Xây dựng và phát huy mạnh mẽ các môi trường tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh Thái Bình;
- Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, số lượng và trình độ giáo viên theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2.1. Tổ chức dạy và học ở các cấp học
2.1.1. Đối với cấp tiểu học
- Từ năm học 2011-2012 mở rộng quy mô các trường dạy theo chương trình mới ở các trường thuộc địa bàn thuận lợi. Phấn đấu đến năm học 2019-2020 tất cả các trường tiểu học, trung học dạy theo chương trình tiếng Anh 10 năm từ lớp 3.
2.1.2. Đối với cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
- Bảo đảm sự liên thông trong việc dạy học ngoại ngữ giữa các cấp học phổ thông theo hệ thống 7 năm cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông;
- Từ năm 2013 triển khai dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tại 3 trường Trung học cơ sở theo Quyết định số 3456/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 9 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Từ năm học 2013-2014 triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình 10 năm ở các trường Trung học cơ sở trên địa bàn có học sinh tiểu học đã học hết lớp 5 theo chương trình mới;
- Năm học 2017-2018 triển khai dạy theo chương trình mới ở các trường Trung học phổ thông có học sinh Trung học cơ sở học xong chương trình mới;
- Từng bước triển khai việc dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ ở một số trường Trung học cơ sở chất lượng cao và Trung học phổ thông Chuyên;
- Các trường Trung học phổ thông dựa vào tình hình thực tế của nhà trường và ngoại ngữ mà học sinh đã học ở Trung học cơ sở để tổ chức cho học sinh học tiếng Anh theo chương trình 7 năm hoặc chương trình 10 năm.
2.1.3. Đối với các trường chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên
Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo dạy học phù hợp với nhu cầu và đối tượng đào tạo.
2.2. Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên
2.2.1. Phát triển đội ngũ giáo viên
a. Đối với cấp tiểu học
- Phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo đúng chuẩn về trình độ đào tạo nhằm thực hiện kế hoạch phát triển quy mô dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới ở bậc phổ thông. Tuyển dụng giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: giáo viên có trình độ Cao đẳng Sư phạm trở lên và có chứng chỉ theo tiêu chuẩn TOEFL hoặc IELTS;
- Hàng năm, theo lộ trình phát triển dạy học ngoại ngữ ở các trường tiểu học; Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng mới biên chế giáo viên đảm bảo số lượng và tiêu chuẩn.
b. Đối với trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đội ngũ giáo viên ngoại ngữ hiện tại cơ bản đủ về số lượng. Tuy nhiên cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn giáo viên dạy ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
c. Đối với các trường chuyên nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên
Có kế hoạch bổ sung giáo viên có trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn giáo viên dạy ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
2.2.2. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên
a. Đào tạo:
- Từ năm học 2011-2012: Đã tổ chức đào tạo bổ sung, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về nghiệp vụ sư phạm tiểu học đang giảng dạy tại các trường tiểu học; khảo sát và bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, tổ chức thi chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS cho giáo viên đăng ký tuyển dụng dạy tiểu học.
- Từ năm học 2012-2013: Đã tiếp tục tổ chức đào tạo bổ sung, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về nghiệp vụ sư phạm tiểu học đang giảng dạy tại các trường tiểu học; khảo sát và bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, tổ chức khảo sát cho giáo viên THPT theo khung năng lực Châu Âu.
- Các năm tiếp theo liên kết với trường Đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ để mở các lớp đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh cho giáo viên dạy Toán và một số môn khoa học tự nhiên để tiến tới có thể dạy một số môn ở các trường Trung học cơ sở chất lượng cao và Trung học phổ thông Chuyên.
b. Đào tạo lại:
- Tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực giáo viên, hỗ trợ giáo viên tự đánh giá năng lực, lập kế hoạch bồi dưỡng về trình độ ngoại ngữ cho giáo viên các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Trong thời gian từ năm 2013 đến 2015 tập trung mở lớp bồi dưỡng cho gần 1.200 giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở chưa đạt chuẩn theo khung trình độ năng lực ngoại ngữ.
- Hằng năm, cử từ 2 đến 3 giáo viên đang giảng dạy các môn khoa học tự nhiên ở các trường Trung học cơ sở chất lượng cao và trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Bình tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; kết hợp tham gia các lớp đào tạo, bổ sung kiến thức cùng giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học và Trung học cơ sở trong tỉnh để có thể dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.
c. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ:
- Tập huấn về chương trình và phương pháp dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới ở các cấp học: Mỗi năm theo tiến độ mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ ở bậc phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch mở lớp tập huấn trực tiếp cho giáo viên;
- Tăng cường tổ chức hội thảo về chuyên môn để giáo viên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, cập nhật các kỹ thuật dạy học tích cực; tạo điều kiện để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao; khuyến khích giáo viên tham gia các khóa tập huấn trong nước và ngoài nước, được cấp chứng chỉ quốc tế.
- Đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm chất lượng đối với đội ngũ giáo viên như đánh giá định kỳ, đánh giá qua dự giờ, khảo sát chất lượng học sinh; tổ chức các câu lạc bộ giáo viên ngoại ngữ theo từng cấp học để trao đổi kinh nghiệm, tạo môi trường giao tiếp, học hỏi lẫn nhau;
- Xây dựng kế hoạch mời giáo viên dạy ngoại ngữ là người bản ngữ dạy tập huấn cho giáo viên nhằm giúp giáo viên tăng cường khả năng nghe nói.
2.3. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học
- Theo kế hoạch mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ đến năm 2020, các đơn vị trên cơ sở khảo sát thực trạng cơ sở vật chất, phòng học hiện có để có kế hoạch nâng cấp hoặc xây dựng mới phòng học tiếng, đảm bảo tối thiểu 01 phòng/trường đối với trường dưới 20 lớp, 02 phòng/ trường đối với trường từ 20 lớp trở lên;
- Trang thiết bị dạy học phòng học tiếng: Căn cứ vào danh mục tối thiểu dạy học ngoại ngữ và tiêu chuẩn phòng học tiếng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (Hướng dẫn số 7110/BGDĐT-CSVCTBTH, về việc hướng dẫn mua sắm, sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học môn Ngoại ngữ trong các trường phổ thông), Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch mua sắm, trang bị phòng học tiếng đạt tiêu chuẩn theo tiến độ mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ ở tiểu học và các cấp học khác;
- Xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ về công tác sử dụng thiết bị dạy và học ngoại ngữ, bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường.
3. Các giải pháp thực hiện Kế hoạch:
- Thành lập Ban chỉ đạo triển khai Kế hoạch “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2010-2020” các cấp;
- Tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng về tầm quan trọng, sự cần thiết và chủ trương dạy và học ngoại ngữ theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhằm nâng cao năng lực quản lý, thay đổi nhận thức trong chỉ đạo hoạt động dạy và học nói chung, dạy học tiếng Anh nói riêng. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và trình độ đạt chuẩn quy định. Tạo điều kiện cho giáo viên cốt cán tiếng Anh của các trường phổ thông, dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp được đi tham quan học, bồi dưỡng chuyên môn ở các nước bản ngữ hoặc có ngôn ngữ quốc gia là tiếng Anh;
- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh tuyển dụng giáo viên đạt chuẩn đào tạo và chuẩn trình độ theo Khung năng lực ngoại ngữ; từ năm học 2012-2013, chỉ tuyển dụng giáo viên có đủ trình độ và chứng chỉ Khung năng lực ngoại ngữ theo tiêu chuẩn chung châu Âu. Ưu tiên tuyển dụng giáo sinh các môn khoa học tự nhiên đạt chuẩn trình độ đào tạo và sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp, có chính sách khuyến khích giáo viên dạy các môn khoa học học thêm tiếng Anh để dạy môn học của mình;
- Xây dựng mạng lưới giáo viên cốt cán, thành lập các cụm chuyên môn tiếng Anh theo cụm trường, cụm huyện, thành phố để giáo viên được trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ nhằm không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao chất lượng dạy học. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả công tác khảo thí kiểm định chất lượng trong dạy học ngoại ngữ;
- Xây dựng môi trường tiếng Anh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh, thành lập các câu lạc bộ nói tiếng Anh, câu lạc bộ giáo viên tiếng Anh, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và sử dụng tiếng Anh; tổ chức khuyến khích học sinh các cấp học tham gia các cuộc thi tiếng Anh trực tuyến, Olympic tiếng Anh trên mạng Internet, thi hùng biện tiếng Anh... thúc đẩy học xây dựng môi trường tự học, tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập;
- Đối với giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác dạy và học tiếng Anh; phát triển mở rộng các loại hình cơ sở đào tạo ngoại ngữ có chất lượng;
- Khuyến khích đầu tư, hợp tác nước ngoài, đa dạng hóa hình thức dạy học trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận giữa người dạy và người học nhằm tạo ra môi trường học ngoại ngữ thuận lợi cho mọi người dân. Thu hút sự giúp đỡ, tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các tổ chức, đội ngũ giáo viên tình nguyện có chất lượng từ những nước nói tiếng Anh, Pháp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tình nguyện viên của các tổ chức quốc tế đến dạy học tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.
4. Lộ trình triển khai thực hiện
4.1. Giai đoạn 2011 - 2015.
- Xây dựng kế hoạch triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trong giai đoạn 2011-2015; trọng tâm là triển khai dạy học thí điểm và dạy học chính thức Chương trình 10 năm ở cấp tiểu học; đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ;
- Bố trí kinh phí thực hiện các mục tiêu Kế hoạch trong giai đoạn 2011- 2015 và các năm tiếp theo; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếng Anh cấp tiểu học; tiếp tục trang bị cơ sở vật chất, phòng học ngoại ngữ cho các cấp học;
- Lập kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp để triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm ở cấp Tiểu học vào năm học 2013-2014; Trung học cơ sở và Trung học phổ thông vào những năm tiếp theo. Cử giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trong nước và nước ngoài;
- Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và triển khai Chương trình dạy tiếng Anh tăng cường cho từ 10% đến 50% số học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, trường nghề.
4.2. Giai đoạn 2016 - 2020
- Trọng tâm của giai đoạn này là triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên quy mô toàn tỉnh và triển khai Chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường nghề; tập trung các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ;
- Từ năm học 2015-2016, thực hiện dạy học chính thức chương trình 10 năm ở cấp Trung học cơ sở bắt đầu từ lớp 6; dạy học thí điểm và dạy học chính thức ở trường Trung học phổ thông Chuyên từ lớp 10 theo Kế hoạch triển khai của Ban điều hành Đề án - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2019-2020, thực hiện dạy học chính thức chương trình 10 năm ở cấp Trung học phổ thông từ lớp 10, tùy theo thực tiễn về cơ sở vật chất và năng lực giáo viên để có thể quyết định dạy học chính thức ở 100% các trường Trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh;
- Tiếp tục tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực của giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học; cử giáo viên đi tập huấn ở trong nước, khu vực và ngoài nước;
- Tiếp tục bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng các phòng dạy và học ngoại ngữ, phòng nghe nhìn và phòng đa phương tiện cho các trường học;
- Dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh ở một số trường Trung học cơ sở chất lượng cao và trường Trung học phổ thông Chuyên;
- Triển khai Chương trình dạy tiếng Anh tăng cường cho từ 60% đến 100% số học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, trường nghề vào năm học 2019-2020.
5. Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch:
5.1. Kinh phí thực hiện khoảng: 340 tỷ đồng
5.2. Nguồn vốn:
- Cân đối từ ngân sách nhà nước được bố trí trong chương trình mục tiêu quốc gia và dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp quản lý quy định tại Luật ngân sách hiện hành;
- Các nguồn vốn vay, tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
(có Phụ lục chi tiết kèm theo)
6. Tổ chức thực hiện Kế hoạch.
6.1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí chi tiết thực hiện Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo các nguồn (Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt gửi các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Hằng năm, căn cứ dự toán ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao về kinh phí thực hiện Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng phương án phân bổ dự toán kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
- Là cơ quan thường trực chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch; Phối hợp với các sở, cơ quan liên quan và các địa phương cụ thể hóa nội dung Kế hoạch để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch trong toàn tỉnh theo hằng năm và từng giai đoạn, định kỳ báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định;
- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung hoàn thiện các quy định về định mức biên chế giáo viên ngoại ngữ; các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý việc dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch ngân sách và bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện dạy học và kinh phí tiền lương, phụ cấp tăng thêm theo lộ trình phát triển quy mô dạy học ngoại ngữ hàng năm.
6.2. Sở Tài chính:
Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chi kinh phí thực hiện Kế hoạch theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
6.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp các kế hoạch triển khai hoạt động và đầu tư thực hiện kế hoạch hằng năm và từng giai đoạn. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
6.4. Sở Nội vụ:
- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng định mức biên chế giáo viên ngoại ngữ phù hợp trên địa bàn tỉnh;
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách thu hút, khuyến khích, mời hoặc tuyển dụng các công dân Việt Nam có trình độ ngoại ngữ giỏi đang sống ở nước ngoài hoặc người nước ngoài bản ngữ về dạy tại các trường phổ thông.
6.5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội để thực hiện Kế hoạch. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Kế hoạch trong lĩnh vực dạy nghề phù hợp với lộ trình, kế hoạch triển khai chung.
6.6. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về các Chương trình đổi mới công tác giáo dục, đào tạo ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu mới; tạo môi trường văn hóa, điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học ngoại ngữ.
6.7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng ở địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua cơ quan thường trực - Sở Giáo dục và Đào tạo).
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành để chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, kế hoạch chung toàn tỉnh.
6.8. Các cơ sở giáo dục:
Quán triệt và tích cực chủ động tổ chức thực hiện nghiêm túc hiệu quả các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo ngoại ngữ trong cơ sở mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Kế hoạch.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ sở giáo dục, các cấp, các ngành kịp thời phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, thống nhất chỉ đạo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các Giám đốc Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
KHÁI TOÁN TỔNG MỨC VỐN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Kèm theo Quyết định số 1541/QĐ-UBND ngày 23/7/2013 của UBND tỉnh)
Số TT | Các mục đầu tư kinh phí | Số tiền |
1 | Khảo sát, đánh giá NLNN của giáo viên | 884,5 |
2 | Bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ | 18583,25 |
3 | Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, tập huấn thực hiện chương trình mới | 91,6 |
4 | Bồi dưỡng giáo viên sử dụng đồ dùng, thiết bị | 84,8 |
5 | Tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài đối với đội ngũ giáo viên cốt cán của các cấp học | 3979,358376 |
6 | Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh | 625 |
7 | Trang bị cơ sở vật chất, thiết bị cho phòng học thông thường để dạy ngoại ngữ | 63200 |
8 | Trang bị cơ sở vật chất, thiết bị cho phòng học bộ môn ngoại ngữ | 222530 |
9 | Công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn khác (10%) | 30997,850837 |
10 | Tổng cộng | 340976,35921 |
- 1 Quyết định 2130/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 2 Kế hoạch 2180/KH-UBND năm 2016 triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trong trường phổ thông tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020
- 3 Quyết định 1402/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Xây dựng môi trường văn hóa trong các trường mầm non, phổ thông, Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015-2020
- 4 Quyết định 17/2014/QĐ-UBND về cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020
- 5 Nghị quyết 25/2014/NQ-HĐND phê duyệt cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020
- 6 Công văn 7110/BGDĐT-CSVCTBTH hướng dẫn mua sắm, sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học môn Ngoại ngữ trong trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7 Thông tư liên tịch 98/2012/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Quyết định 1400/QĐ-TTg về Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 do Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8 Nghị định 31/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục
- 9 Kế hoạch 855/KH-BGDĐT tham gia thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 của Chương trình phát triển giáo dục trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 10 Quyết định 3321/QĐ-BGDĐT năm 2010 ban hành Chương trình thí điểm Tiếng Anh tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 11 Quyết định 1400/QĐ-TTg năm 2008 về việc phê duyệt đề án "dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12 Nghị định 75/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục
- 13 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 14 Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 1 Quyết định 17/2014/QĐ-UBND về cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020
- 2 Nghị quyết 25/2014/NQ-HĐND phê duyệt cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020
- 3 Quyết định 1402/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Xây dựng môi trường văn hóa trong các trường mầm non, phổ thông, Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015-2020
- 4 Kế hoạch 2180/KH-UBND năm 2016 triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trong trường phổ thông tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020
- 5 Quyết định 2130/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định