Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1553/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 18 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT TRONG KHAI THÁC HẢI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản;

Căn cứ Kế hoạch số 2228/KH-BNN-TCTS ngày 04/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Quyết định số 375/QĐ-TTg;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 342/TTr-SNN ngày 07/10/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ NN&PTNT;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, TC, KH&ĐT, KH&CN, TN&MT;
- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Các tổ chức Đoàn thể tỉnh;
- Báo, Đài tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- PVP Nguyễn Văn Quân;
- CVTS (L);
- Lưu: VT, Mi38/10.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Lê Dũng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT TRONG KHAI THÁC HẢI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1553/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản; Kế hoạch số 2228/KH-BNN-TCTS ngày 04/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai thực hiện Quyết định số 375/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng vùng biển trên ngư trường tỉnh Cà Mau, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và thu nhập của ngư dân, đồng thời hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn từ 2013-2015:

- Khoảng 1.200 - 1.440 tàu, đạt từ 25% đến 30% tổng số tàu cá của tỉnh hoạt động trên các vùng biển được tổ chức theo các mô hình liên kết. Trong đó, có khoảng 942 - 1.015 tàu, chiếm từ 65% đến 70% tàu cá hoạt động ở vùng khơi được tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường.

- Giám sát, quản lý được khoảng 3.840 tàu, chiếm 80% tàu cá hoạt động trên các vùng biển; quan sát hành trình hoạt động trên biển khoảng 430 tàu, chiếm 30% tàu cá ở vùng khơi.

- Có 4.800 tàu, chiếm 100% tàu cá được cung cấp bản tin dự báo ngư trường hạn dài (30 ngày/bản tin).

- Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khai thác, bảo quản, đến chế biến và tiêu thụ đối với tàu khai thác một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Giảm số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển xuống dưới 36 trường hợp, chiếm khoảng 50% so với năm 2011.

b) Giai đoạn từ 2016-2020:

- Khoảng 40% tàu cá hoạt động theo các mô hình liên kết. Trong đó, 90- 100% tàu cá hoạt động ở vùng khơi tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường.

- Phấn đấu giám sát, quản lý được khoảng 4.800 tàu, chiếm 100% tàu cá hoạt động trên các vùng biển; quan sát hành trình hoạt động trên biển đối với 100% tàu cá hoạt động ở vùng khơi.

- 100% tàu cá hoạt động ở vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường hạn ngắn (07 - 15 ngày/bản tin).

- Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%. Mở rộng việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khai thác, bảo quản, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với các tàu khai thác một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế khác.

- Giảm số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển còn dưới 18 trường hợp, chiếm khoảng 75% so với năm 2011.

II. CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Điều tra: Về các vấn đề về kinh tế - xã hội, về cơ sở vật chất, công nghệ - kỹ thuật, nguồn nhân lực, tàu cá trong nghề khai thác hải sản để làm cơ sở tổ chức lại nghề khai thác hải sản và dịch vụ, hậu cần phục vụ khai thác hải sản.

2. Tổ chức lại sản xuất trên vùng biển ven bờ và vùng lộng:

- Tổ chức, sắp xếp lại tàu cá vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch của ngành và của tỉnh.

- Sắp xếp, kiện toàn lực lượng Thanh tra chuyên ngành cấp tỉnh; thành lập, củng cố các Đội quản lý khai thác và BVNLTS cấp huyện phối hợp với lực lượng Biên phòng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản ở vùng bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Cà Mau. Tổ chức và xây dựng 5 Trạm Thanh tra chuyên ngành đóng ở các cửa biển trọng điểm (Thực hiện tiểu dự án hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát trong hợp phần về quản lý bền vững ngành đánh bắt thủy sản ven bờ thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững - Dự án CRSD).

- Trao đổi, thống nhất với 2 tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu để điều chỉnh hoặc ký lại các Bản thỏa thuận phân định ranh giới quản lý hoạt động khai thác thủy sản giữa tỉnh Cà Mau với tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu cho phù hợp với quy định hiện hành.

- Lựa chọn và giao vùng nước ven bờ cho cộng đồng ngư dân để phát triển các mô hình đồng quản lý nghề cá. Thực hiện các tiểu dự án về đồng quản lý trên lĩnh vực thủy sản thuộc Dự án CRSD, hướng dẫn, hỗ trợ các huyện xây dựng và phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động khai thác hải sản tại vùng bờ. Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình đồng quản lý bảo vệ, khai thác, ương nuôi nghêu giống thuộc Đề án Bảo vệ, phát triển và khai thác hợp lý nguồn lợi nghêu giống tự nhiên ven biển Mũi Cà Mau. Các đơn vị chức năng liên quan phối hợp với Hội Thủy sản tỉnh, Liên minh Hợp tác xã và chính quyền cơ sở thành lập, phát triển, kiện toàn các Chi hội Thuỷ sản, Tổ hợp tác, Hợp tác xã... làm cơ sở để củng cố, xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá của tỉnh.

- Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp chuyển đổi các nghề xâm hại đến môi trường và nguồn lợi ở vùng biển ven bờ và vùng lộng; giảm số lượng tàu dư thừa theo quy hoạch của tỉnh; tạo sinh kế thay thế cho ngư dân từ các chính sách của Nhà nước, các Chương trình, đề tài, dự án có liên quan của Trung ương… kế thừa và vận dụng những kết quả đạt được từ Đề án “Khảo sát hiện trạng các hộ dân khai thác thủy sản ven bờ, đề xuất phương án chuyển đổi sinh kế đảm bảo cuộc sống người dân kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản” thuộc Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với từng nghề, từng địa phương.

- Củng cố và phát triển các làng nghề ngư nghiệp truyền thống, gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng ven biển. Sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình Nông thôn mới (Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010- 2020; Quyết định số 56/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009-2015) để triển khai thực hiện.

- Hỗ trợ các huyện thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá và vùng biển ven bờ đã được phân cấp, nhằm giảm cường lực khai thác hải sản, phù hợp với khả năng nguồn lợi cho phép khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng.

3. Tổ chức lại sản xuất trên vùng biển khơi:

- Trên cơ sở số liệu điều tra nguồn lợi hải sản ở vùng khơi, xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá, xác định số lượng tàu cá khai thác tối đa trên từng vùng biển, theo nhóm nghề, đối tượng khai thác.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển; mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản...

- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai các nội dung có liên quan tại tỉnh Cà Mau.

4. Tổ chức lại dịch vụ, hậu cần phục vụ khai thác hải sản:

- Có chính sách hỗ trợ các Doanh nghiệp được giao đất trong cảng, khu công nghiệp... tham gia hoạt động dịch vụ hậu cần, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và phát triển các Hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh thủy sản và dịch vụ hậu cần, tạo mối liên kết chia sẻ lợi ích giữa ngư dân khai thác với tổ chức, doanh nghiệp thu mua, cung cấp dịch vụ tại cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao giá trị của sản phẩm và lợi nhuận cho ngư dân khai thác.

- Tiếp tục xây dựng các cảng cá, khu neo đậu trú bão kết hợp bến cá, đồng thời nâng cấp, hoàn chỉnh đưa vào hoạt động có hiệu quả các điểm đã xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Phối hợp với Trung tâm quan sát tàu cá; Dự án MOVIMAR; xây dựng Trạm bờ và mở rộng việc quan sát, quản lý tàu cá, nhất là các tàu xa bờ...

- Phát triển và nhân rộng các mô hình bảo quản sản phẩm khai thác hải sản tiên tiến như: bảo quản bằng nước biển lạnh tuần hoàn, bọt xốp Polyurethane (PU), lót hầm tàu cá bằng inox... Xem xét điều chỉnh, bổ sung thực hiện các mô hình từ Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2011-2015”.

- Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở đóng, sửa tàu cá, sản xuất ngư cụ, trang thiết bị máy móc khai thác trên tàu cá... tại các cửa biển trọng điểm, cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão kết hợp bến cá của tỉnh, từng bước cung cấp các trang thiết bị trên tàu cá được sản xuất trong nước, đồng thời tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương.

III. CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN

1. Dự án Điều tra, khảo sát, quy hoạch khai thác hải sản trên ngư trường thuộc tỉnh Cà Mau quản lý:

a) Mục tiêu: Quy hoạch đội tàu khai thác hải sản hoạt động ở vùng biển ven bờ và vùng lộng theo công suất, cơ cấu ngành nghề... phù hợp với trữ lượng và khả năng cho phép khai thác của vùng biển tỉnh Cà Mau.

b) Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Viện nghiên cứu, Ủy ban nhân dân các huyện ven biển.

d) Thời gian thực hiện: 2013-2015.

2. Dự án Chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường:

a) Mục tiêu: Chuyển 80- 90% tàu lưới kéo, te, đáy biển... hoạt động vùng ven bờ và vùng lộng sang làm các nghề dịch vụ, du lịch, các nghề khai thác thân thiện với môi trường.

b) Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Viện nghiên cứu, Ủy ban nhân dân các huyện ven biển.

d) Thời gian thực hiện: 2013-2020:

Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển từ các nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, không thân thiện với môi trường, sang các nghề thân thiện với môi trường, nuôi trồng, dịch vụ và phi nông nghiệp, nhằm bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển. Trước mắt, trong giai đoạn 2013 - 2015 xây dựng các mô hình chuyển các nghề ảnh hưởng đến môi trường, sát hại nguồn lợi như: đáy, te, cào... sang các nghề ít sát hại nguồn lợi hơn như: lưới, câu, hậu cần nghề cá... hoặc nghề nuôi trồng thủy sản.

3. Dự án Tổ chức sản xuất, thu mua, bảo quản, sơ chế nguyên liệu thủy sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong khai thác hải sản:

a) Mục tiêu: Hình thành tổ chức thu mua, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm hải sản đảm bảo chất lượng. Tăng thời gian hoạt động khai thác hải sản trên biển đối với phương tiện tàu thuyền của ngư dân, hạn chế tình trạng tư thương ép giá sản phẩm hải sản. Tăng cường công tác quản lý bảo quản sau thu hoạch. Góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ an ninh quốc phòng.

b) Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Viện nghiên cứu, Ủy ban nhân dân các huyện ven biển.

d) Thời gian thực hiện: 2013-2020:

Trong khi chờ Thủ tướng ban hành chính sách hỗ trợ phát triển tổ, đội sản xuất trên biển, hợp tác xã và các mô hình liên kết sản xuất trong khai thác hải sản xa bờ gắn kết với hậu cần dịch vụ trên biển. Trước mắt, trong giai đoạn 2013-2015 xây dựng mô hình tổ chức sản xuất, thu mua, bảo quản, sơ chế nguyên liệu thủy sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong khai thác hải sản.

4. Dự án xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên biển:

a) Mục tiêu: tổ chức cho 40% tàu cá hoạt động theo các mô hình liên kết để hỗ trợ nhau trong sản xuất, vận chuyển sản phẩm cũng như khi gặp sự cố, rủi ro trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

b) Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân các huyện ven biển.

d) Thời gian thực hiện: 2013-2020.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Điều tra nguồn lợi hải sản, quy hoạch khai thác hải sản:

Phối hợp với các Viện, Trường điều tra nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh Cà Mau; khảo sát, điều tra thực trạng tàu thuyền khai thác hải sản ở vùng bờ và vùng lộng của tỉnh... Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển cơ cấu ngành nghề khai thác hải sản phù hợp với trữ lượng và khả năng cho phép khai thác của vùng bờ và vùng lộng tỉnh Cà Mau, từng bước giảm và ổn định số tàu cá và quản lý khai thác theo hạn ngạch, phân bổ số lượng giấy phép khai thác theo nghề, phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi đối với từng vùng biển.

2. Về cơ chế, chính sách:

- Tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, đề tài, đề án, dự án của Trung ương có liên quan... cùng với vốn đối ứng từ Ngân sách tỉnh thực hiện các nội dung của Kế hoạch được phê duyệt.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp, áp dụng trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm phát triển khai thác hiệu quả, an toàn và bền vững.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ thành lập và phát triển Tổ, đội sản xuất trên biển, hợp tác xã và các mô hình liên kết sản xuất trong khai thác hải sản, nhất là khai thác xa bờ gắn kết với hậu cần dịch vụ trên biển; hỗ trợ rủi ro cho ngư dân khi tham gia sản xuất trên biển như: hỗ trợ về máy thông tin liên lạc; tập huấn về kỹ thuật khai thác, sử dụng máy điện hàng hải; tập huấn cho Ban Chủ nhiệm về quản lý và hoạt động của Hợp tác xã, Tổ hợp tác...

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển đồng quản lý nghề cá ven bờ; chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển từ các nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, không thân thiện với môi trường, sang các nghề thân thiện với môi trường, nuôi trồng, dịch vụ và phi nông nghiệp, nhằm bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích đóng tàu cá bằng vật liệu mới thay thế tàu vỏ gỗ; đầu tư phát triển cơ sở đóng tàu, sản xuất ngư lưới cụ, máy móc, trang thiết bị khai thác,... trên địa bàn tỉnh.

3. Về cơ chế tài chính và huy động vốn:

Vốn thực hiện Kế hoạch được huy động từ nhiều nguồn: vốn thực hiện các chương trình, đề tài, đề án... của Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn của các thành phần kinh tế, vốn đối ứng của dân...

Trong đó:

a) Vốn của Trung ương thực hiện:

- Tiếp tục thực hiện các dự án thuộc Đề án 47; chương trình đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá theo quy hoạch.

- Đầu tư cho các dự án hình thành và phát triển các trung tâm nghề cá lớn theo quy hoạch.

- Hỗ trợ tỉnh đầu tư cho các dự án xây dựng các công trình, cơ sở kỹ thuật thiết yếu phục vụ khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần; các dự án hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá, phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với hậu cần dịch vụ trên biển; phát triển mô hình chuyển đổi nghề khai thác ven bờ sang các nghề khác.

b) Vốn ngân sách tỉnh:

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương đầu tư cho các dự án xây dựng các công trình, cơ sở kỹ thuật thiết yếu phục vụ khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần; các dự án hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá, phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với hậu cần dịch vụ trên biển; phát triển mô hình chuyển đổi nghề khai thác ven bờ sang các nghề khác.

Tổ chức điều tra, khảo sát, quy hoạch khai thác hải sản trên ngư trường thuộc tỉnh Cà Mau quản lý; xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường; xây dựng mô hình tổ chức thu mua, bảo quản, sơ chế nguyên liệu thủy sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong khai thác hải sản; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển.

Cân đối nguồn ngân sách của tỉnh hàng năm để triển khai các nội dung của Kế hoạch này, đặc biệt nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu quả đối với các hoạt động khai thác hải sản.

c) Vốn của các thành phần kinh tế và cá nhân:

Huy động vốn của các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đầu tư phát triển sản xuất: đóng mới và nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần, tàu khai thác, thay thế tàu nhỏ, cũ; về cơ khí sửa chữa tàu cá, sản xuất trang thiết bị trên tàu, chuyển đổi nghề khai thác... theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững.

Phát triển hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư để phát triển sản xuất và dịch vụ hiệu quả.

d) Lồng ghép các dự án của Kế hoạch này với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

e) Huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước, đồng thời vận động sự hỗ trợ từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) để phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản...

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai, quán triệt nội dung Kế hoạch thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến các tổ chức và cá nhân có liên quan.

- Xây dựng kế hoạch, dự án, chính sách cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thực hiện Đề án; kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả.

- Theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch cho năm tiếp theo.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nhà tài trợ thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch này.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác điều tra, khảo sát, lập quy hoạch về khai thác thủy sản của tỉnh Cà Mau.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp nhu cầu kinh phí, cân đối, bố trí nguồn vốn trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định để triển khai thực hiện các Dự án ưu tiên, các nội dung của Kế hoạch đúng tiến độ và có hiệu quả.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Tiếp nhận chuyển giao và nhân rộng các quy trình kỹ thuật khai thác hải sản, bảo quản sản phẩm khai thác tiên tiến từ nước ngoài, từ các Viện, Trường.

- Xem xét, tuyển chọn Đề tài nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng về khai thác hải sản, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... trên địa bàn tỉnh.

5. Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Đài Phát thanh - Truyền hình:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng phóng sự, nêu gương người tốt, việc tốt liên quan đến công tác quản lý khai thác thủy sản.

6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các ngành, lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên khu vực biên giới biển. Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào làm ăn trên biển. Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, nhất là lĩnh vực thủy sản. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy sản; đảm bảo cho người, phương tiện và công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

7. Các tổ chức Đoàn thể chính trị, xã hội:

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Thủy sản tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn,... tham gia các hoạt động tuyên truyền các quy định về khai thác thủy sản. Xây dựng và triển khai chương trình phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để đạt các mục tiêu của Kế hoạch đề ra.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch cụ thể ở địa phương; theo dõi, giám sát đánh giá hiệu quả các nội dung của Kế hoạch, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan có liên quan để kịp thời tháo gỡ./.