Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1560/QĐ-BNN-TCLN

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH DANH MỤC CÔNG NGHỆ CAO ỨNG DỤNG TRONG LÂM NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục công nghệ cao ứng dụng trong lâm nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các Vụ: Pháp chế, Kế hoạch, Tài chính; KHCN&MT;
- Lưu: VT, TCLN (25).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

DANH MỤC

CÔNG NGHỆ CAO ỨNG DỤNG TRONG LÂM NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 1560/QĐ-BNN-TCLN, ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Lĩnh vực phát triển rừng

a) Chọn, tạo và nhân giống cây lâm nghiệp

- Công nghệ tế bào, công nghệ di truyền phân tử, công nghệ gen để chọn, tạo các giống cây lâm nghiệp mới có các đặc tính ưu việt (năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu, bệnh hại và thích ứng với biến đổi khí hậu).

- Công nghệ nhân giống cây lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô tế bào, đột biến phóng xạ, phối dinh dưỡng để tạo cây giống lâm nghiệp ở quy mô công nghiệp phục vụ trồng rừng và trồng cây lâm sản ngoài gỗ.

b) Vườn ươm cây giống

- Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sử dụng vật liệu mới, không dùng đất: Tạo ruột bầu ươm cây giống bằng vật liệu mới, nhẹ, giàu dinh dưỡng.

- Công nghệ cơ giới hóa, tự động và bán tự động trong khâu đóng bầu, ươm cây lâm nghiệp.

- Ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, điều khiển tự động hoặc bán tự động trong hệ thống vườn ươm cây giống lâm nghiệp.

- Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động để ươm cây giống lâm nghiệp.

c) Trồng, chăm sóc, thâm canh rừng

- Công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong khâu làm đất, trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng trồng.

- Công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp như: Phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng, v.v...

- Công nghệ vi sinh, enzym và protein ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp tạo ra các chế phẩm sinh học nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng đất và bảo vệ cây trồng lâm nghiệp.

2. Lĩnh vực quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng

- Ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, di động) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; giám sát đa dạng sinh học; quản lý và phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng lâm nghiệp; giám sát và cảnh báo nguy cơ cháy rừng.

- Ứng dụng công nghệ gen/ADN để phân loại thực vật rừng, động vật rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu, ngân hàng gen về các loài động, thực vật rừng, đa dạng sinh học.

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại cây trồng lâm nghiệp và phòng, chống lửa rừng.

- Công nghệ sinh học trong giám định, chẩn đoán bệnh hại cây trồng; công nghệ sản xuất các và ứng dụng các bộ KIT để chuẩn đoán nhanh bệnh hại cây trồng lâm nghiệp.

3. Lĩnh vực khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản

- Ứng dụng công nghệ cơ giới hóa, tự động hoặc bán tự động trong khai thác, vận xuất và vận chuyển lâm sản thân thiện với môi trường.

- Ứng dụng công nghệ biến tính gỗ, công nghệ nano, công nghệ sấy sinh thái, công nghệ ngâm, tẩm để bảo quản gỗ thân thiện với môi trường; Công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bảo quản lâm sản, chế phẩm chống mối, mọt thế hệ mới cho lâm sản; công nghệ sản xuất chất phủ bề mặt, keo dán trong chế biến và bảo quản lâm sản thân thiện với môi trường.

- Công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa nhằm tiết kiệm nguyên liệu, thời gian và nâng cao hiệu quả sử dụng trong chế biến và bảo quản lâm sản.

- Ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động để sản xuất quy mô công nghiệp các loại nguyên, vật liệu phụ trợ: Keo dán, sơn phủ bề mặt, phụ kiện cơ khí, chế tạo máy và thiết bị phục vụ ngành công nghiệp chế biến và bảo quản gỗ, lâm sản ngoài gỗ.

- Ứng dụng công nghệ vật liệu mới tạo các sản phẩm gỗ-composite chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho xây dựng và ngành công nghiệp chế biến đồ mộc.

- Ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động sử dụng phế liệu, phụ phẩm trong lâm nghiệp để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, thân thiện với môi trường.

- Ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên (năng lượng mặt trời, gió, nước, v.v..) để chế biến và bảo quản lâm sản (gỗ và lâm sản ngoài gỗ).

- Công nghệ vi sinh, công nghệ enzym để sản xuất các chế phẩm sinh học thế hệ mới đáp ứng yêu cầu chất lượng và nhu cầu sử dụng trong chế biến và bảo quản lâm sản./.