Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1573/2004/QĐ-UB

Bến Tre, ngày 11 tháng 5 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI NGÀNH CHẾ BIẾN DỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư đối với ngành chế biến dừa trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giao Giám đốc các Sở: Công nghiệp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Cục trưởng Cục Thuế và các ngành có liên quan triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
 CHỦ TỊCH 




Cao Tấn Khổng

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI NGÀNH CHẾ BIẾN DỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1573/QĐ-UB ngày 11 tháng 5 năm 2004 của UBND tỉnh Bến Tre)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bản Quy định này áp dụng một số chính sách ưu đãi đầu tư đối với ngành nghề chế biến dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, mọi thành phần kinh tế đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành nghề chế biến dừa trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu nhập quốc dân, tạo thêm nhiều sản phẩm hàng hoá và giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là nhà đầu tư) có hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu chính là thân dừa, trái dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Điều 3. Sản phẩm mới được đề cập trong Quy định này được hiểu như sau:

Là những sản phẩm phù hợp với danh mục A Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 35/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung danh mục A, B và C ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây được công nhận là sản phẩm mới:

- Những sản phẩm chưa được sản xuất tại Bến Tre.

- Sản phẩm có khả năng cạnh tranh được tại thị trường trong nước hoặc nước ngoài chấp nhận.

- Công nghệ thiết bị sản xuất sản phẩm phải tiên tiến, đồng thời bảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường.

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

Điều 4. Các cơ sở sản xuất và chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu chính là thân dừa, trái dừa ngoài việc được hưởng những chính sách ưu đãi đầu tư chung của Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 1276/2002/QĐ-UB và số 1277/2002 QĐ-UB ngày 04 tháng 4 năm 2002 của UBND tỉnh Bến Tre về một số chính sách đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh và các văn bản quy định khác có liên quan về chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi đầu tư theo Quy định này.

Điều 5. Được Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển xem xét giải quyết: (chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước sửa đổi).

- Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án sản xuất, chế biến dừa trong trường hợp chủ đầu tư vay vốn của tổ chức tín dụng để đầu tư tài sản cố định và trong phạm vi tổng số vốn đầu tư tài sản cố định của dự án.

- Được vay vốn tín dụng ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu theo Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg ngày 10 tháng 09 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 0271/2003/QĐ-BTM ngày 13/3/2003 của Bộ Thương mại, với lãi suất hiện hành là 0,36 %/tháng.

Điều 6. Tạm thời không thu thuế đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình sản xuất mặt hàng chỉ xơ dừa, than gáo dừa và các sản phẩm từ chỉ sơ dừa như: lưới chỉ xơ dừa, se chỉ xơ dừa, kết thảm xơ dừa…bán cho các doanh nghiệp của tỉnh theo hợp đồng kinh tế (gia công sản xuất, vệ tinh sản xuất…) cụ thể như sau:

- Đối với sản xuất mặt hàng chỉ xơ dừa, than gáo dừa: sản lượng tối đa không quá 1,5 tấn (một tấn rưởi) thành phẩm/ngày/1 cơ sở hoặc hộ sản xuất gia đình.

- Đối với sản xuất mặt từ hàng chỉ xơ dừa như: lưới chỉ xơ dừa, se chỉ sơ dừa, kết thảm sơ dừa…sản lượng tối đa không quá 100kg chỉ xơ dừa quy ra sản phẩm/ ngày/1 cơ sở hoặc hộ sản xuất gia đình.

Điều 7. Đối với các dự án đầu tư sản xuất và chế biến các sản phẩm mới từ cây dừa:

- Được hỗ trợ 50% kinh phí chuyển giao trang thiết bị, công nghệ, nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng (năm trăm) cho 1 công nghệ.

- Được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho phần vay tín dụng đầu tư trang thiết bị, công nghệ trong 24 tháng.

- Được hỗ trợ kinh phí đào tạo tay nghề 100 nghìn đồng (một trăm ngàn)/1 lao động nếu có sử dụng thường xuyên 15 lao động trở lên.

Điều 8. Các cơ sở sản xuất và chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu chính từ cây dừa được xem xét hỗ trợ 30% chi phí đăng ký áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như: ISO9001-2002, HACCP, TQM…hay hệ thống quản lý chất lượng cần thiết khác để nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập, nhưng không quá 30 triệu đồng (ba mươi) cho một đơn vị.

Chương III

BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Những cơ sở sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây dừa, nếu đầu tư sản xuất tại Bến Tre và thực hiện đúng theo bản Quy định này thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét cho hưởng ưu đãi đầu tư kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Điều 10. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với Giám đốc các Sở: Công nghiệp, Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Lao động - Thương binh - Xã hội, Cục Thuế, các ban ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã tổ chức công bố, triển khai, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện Quy định này; định kỳ 6 tháng 1 lần tổ chức sơ kết, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện và những vấn đề mới nảy sinh cần xử lý./.