Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1575/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 02 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TIÊU CHÍ NHỮNG DỰ ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG VẬN TẢI THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM TAI NẠN GIAO THÔNG, ÙN TẮC GIAO THÔNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 75/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021;

Căn cứ Thông tư 26/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ tnh số 1516/TTr-SKHĐT ngày 12 tháng 6 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành tiêu chí những dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông với những nội dung chủ yếu sau:

1. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Điểm đen tai nạn giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là “điểm đen”) là nơi mà tại đó thường xảy ra tai nạn giao thông.

b) Điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ là nơi mà tại đó có thể xảy ra tai nạn giao thông.

c) Điểm ùn tắc giao thông là nơi mà tại đó nhu cầu sử dụng tiếp cận hoặc vượt quá khả năng thông hành thực tế.

d) Từ “điểm” ở điểm a, điểm b, điểm c Khoản này được hiểu là một vị trí, một đoạn đường hoặc trong khu vực nút giao.

đ) Cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ là Sở Giao thông Vận tải; Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế; Ban quản lý khu Kinh tế- Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế; UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện); UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

2. Tiêu chí xác định điểm đen

Tiêu chí xác định điểm đen là tình hình tai nạn giao thông xảy ra trong một năm (12 tháng), thuộc một trong các trường hợp sau:

a) 02 vụ tai nạn giao thông có người chết;

b) 03 vụ tai nạn trở lên, trong đó có 01 vụ có người chết.

c) 04 vụ tai nạn trở lên, nhưng chỉ có người bị thương.

3. Tiêu chí xác định điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông

Tiêu chí xác định điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông là hiện trạng công trình đường bộ, hiện trạng khu vực và tình hình tai nạn giao thông xảy ra trong một năm (12 tháng), thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Hiện trạng công trình đường bộ, hiện trạng tổ chức giao thông và xung quanh vị trí có yếu tố gây mất an toàn giao thông;

b) Xảy ra 05 vụ va chạm trở lên hoặc có ít nhất 01 vụ tai nạn nhưng chỉ có người bị thương.

4. Tiêu chí xác định điểm ùn tắc giao thông

Tiêu chí xác định điểm ùn tắc giao thông là tình hình giao thông xảy ra ít nhất một lần trong ngày, bao gồm cả 3 tiêu chí sau:

- Vận tốc trung bình dòng xe thấp hơn hoặc bằng 5 km/h;

- Ùn tắc kéo dài trên 30 phút;

- Chiều dài dòng xe kéo dài từ 200 - 300m.

5. Thứ tự ưu tiên phân bố nguồn vốn

a) Những dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông là những dự án xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm ùn tắc giao thông.

b) Thứ tự ưu tiên phân bố nguồn vốn: Ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho những dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông theo thứ tự: dự án xử lý điểm đen, dự án xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, dự án xử lý điểm ùn tắc giao thông. Ưu tiên phân bổ kinh phí để xử lý các điểm đen, tiềm ẩn giao thông, điểm ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố;

c) Điều kiện để được xem xét ưu tiên bố trí nguồn: Căn cứ thành phần hồ sơ, các bước xử lý theo quy định, hướng dẫn tại Thông tư 26/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp cơ quan Công an (định kỳ, đột xuất) để thống nhất số liệu, thống kê vụ va chạm, tai nạn giao thông và lập hồ sơ điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

2. Cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ căn cứ vào số vụ va chạm, số vụ tai nạn giao thông trong một năm (12 tháng), mức độ nghiêm trọng về số người chết, số người bị thương, giá trị tài sản hư hỏng, số vụ ùn tắc giao thông đối chiếu với tiêu chí quy định tại Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 1 của Quyết định này, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên xử lý, đề xuất những dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

3. Hàng năm, căn cứ nguồn lực, nhu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội của tại địa phương và các quy định hiện hành, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham UBND tỉnh cân đối nguồn lực, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để triển khai những dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải thực hiện mục tiêu giảm tai nạn thông, ùn tắc giao thông.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải; Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh; Giám đốc Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh; Trưởng Ban quản lý khu Kinh tế- Công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Tổng Cục đường bộ Việt Nam;
- Cục Quản lý Đường bộ II;
- VP: CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, XD, GT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương