Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2007/QĐ-UBND

Tân An, ngày 04 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THỨ BA CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg ngày 28/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án chi tiết thuộc chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại tờ trình số: 46/TT-TTr ngày 12/4/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án thứ ba của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010.

Điều 2. Giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận :
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, P. CT UBND tỉnh;
- Cục KTVB -Bộ Tư pháp;
- Như Điều 3;
- Phòng NCTH(NC);
- Lưu: VT;TT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Dương Quốc Xuân

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THỨ BA CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 04/5/2007 của UBND tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005-2010 (sau đây gọi tắt là Đề án ba của Thủ tướng Chính phủ); UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án ba của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn như sau:

I/. Mục đích, yêu cầu:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức phù hợp và thiết thực; tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); kịp thời ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội ngay tại cơ sở.

2. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và đề cao trách nhiệm của cán bộ làm công tác tiếp dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo; giúp cho cán bộ, nhân dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; lập lại trật tự kỷ cương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phê phán các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối hoặc giải quyết không đúng pháp luật.

3. Xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ và có hiệu quả giữa cơ quan thanh tra với cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng và chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; đề cao trách nhiệm quản lý chỉ đạo của UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc tổ chức thực hiện phải kết hợp đồng bộ với các kế hoạch trong chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở cấp xã từ năm 2005-2010.

II/. Nội dung và biện pháp tiến hành:

1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã:

- Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tập huấn kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật định kỳ mỗi năm một lần cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở.

- Thanh tra tỉnh phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật về tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo cho cán bộ hội.

- Tăng cường, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, đào tạo bồi dưỡng nâng cao hơn nữa ý thức chính trị, ý thức trách nhiệm và trình độ năng lực, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả.

2. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phát huy vai trò của cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở:

- Tập trung nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có chế độ bồi dưỡng thích hợp đối với cán bộ tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong những trường hợp vận động, thuyết phục, giải thích cho người khiếu nại hiểu rõ chính sách của Nhà nước, quy định của pháp luật và đồng ý rút đơn khiếu nại, hạn chế phát sinh khiếu nại từ cấp cơ sở, nhằm khuyến khích động viên cán bộ đảm nhiệm công tác này làm việc có chất lượng và hiệu quả cao.

- Tăng cường trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu bộ máy chính quyền cấp xã; Chủ tịch UBND cấp xã phải trực tiếp tiếp dân theo quy định và đột xuất, tổ chức đối thoại với người khiếu nại để góp phần làm giảm lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo tại cơ sở. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất để trụ sở tiếp dân ở cơ sở được khang trang, lịch sự.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở, kiên trì giáo dục thuyết phục người khiếu nại hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm hạn chế các vụ khiếu nại kéo dài, khiếu nại vượt cấp, tránh tạo ra những điểm nóng, khiếu kiện đông người.

- Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

3. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

- Thanh tra tỉnh phối hợp với Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình xây dựng và nâng cao chất lượng tuyên truyền các chuyên trang, chuyên mục… tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, giải đáp thắc mắc pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; đưa tin bài, thực hiện các phóng sự điều tra về tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả hoạt động tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước; tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi học tập kinh nghiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phản ánh gương điển hình tiên tiến đối với các tổ chức và cá nhân làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở.

- Đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền với nhiều loại hình đa dạng, phong phú để nâng cao chất lượng hoạt động; xây dựng và tăng cường sinh hoạt các câu lạc bộ pháp luật; tổ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, quản lý và khai thác, sử dụng có hiệu quả tủ sách pháp luật, túi sách pháp luật, luân chuyển sách pháp luật; thực hiện tốt mô hình phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là Luật đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương …; kết hợp tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, thi báo cáo viên giỏi; tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoạt động hòa giải ở cơ sở, sử dụng có hiệu quả hệ thống đài truyền thanh ở địa phương và đội thông tin lưu động ở cơ sở.

- Xây dựng trang thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh nhằm cung cấp thông tin giúp người dân tiếp cận các quy định pháp luật về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

4. Biên soạn, cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở cấp xã:

- Thanh tra tỉnh chủ trì và phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hóa thông tin, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh định hướng nội dung thông tin, tuyên truyền, biên soạn các tài liệu hỏi đáp, tìm hiểu các văn bản pháp luật có liên quan đến khiếu nại, tố cáo.

- Căn cứ vào nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, năng lực của cán bộ cơ sở để soạn thảo và cung cấp tài liệu hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền cho phù hợp, chủ yếu biên soạn và cung cấp tài liệu với hình thức: sổ tay hướng dẫn, đề cương giới thiệu, tài liệu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật … với nội dung xúc tích, cô đọng, dễ hiểu.

5. Xây dựng quy chế phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở cấp xã:

Trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay, Thanh tra tỉnh chủ trì và phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hoá- Thông tin, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Long An xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cấp xã trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở cơ sở; hướng dẫn cấp huyện xây dựng quy chế phối hợp thực hiện kế hoạch. Triển khai và thực hiện quy chế mẫu qua thí điểm và nhân rộng điển hình. Đảm bảo cơ chế tổ chức điều hành, phối hợp, chỉ đạo hướng dẫn và kiểm tra các hoạt động thực hiện một cách có hiệu quả.

III/. Tổ chức thực hiện:

1. Kế hoạch được triển khai thực hiện tại cấp xã trong phạm vi toàn tỉnh cho các đối tượng gồm:

- Cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã.

- Nhân dân ở cấp xã.

2. Phương pháp thực hiện:

- Tổ chức các hoạt động khảo sát, đánh giá phục vụ cho việc triển khai thực hiện kế hoạch, trong đó chú trọng khảo sát nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đánh giá năng lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức thanh tra và cán bộ chuyên môn, để có cơ sở biên soạn các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, nội dung tuyên truyền và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế.

- Chỉ đạo điểm việc thực hiện kế hoạch để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng giữa tỉnh với huyện, cơ sở; giữa các ngành.

- Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện chế độ thông tin trong việc triển khai thực hiện kế hoạch; định kỳ đánh giá tác động, hiệu quả của kế hoạch đối với việc nâng cao nhận thức của cán bộ và hiệu quả hoạt động của chính quyền, tổ chức, đoàn thể ở xã, phường, thị trấn trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Phối hợp với các chương trình, dự án khác đang triển khai tại cơ sở và các kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện các Đề án của Thủ tướng Chính phủ như: Kế hoạch thực hiện Đề án về đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hoá - thông tin cơ sở”; kế hoạch thực hiện Đề án về xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”; kế hoạch thực hiện Đề án về phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện tốt việc khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong thực hiện kế hoạch theo chuyên đề, đột xuất, qua đợt tập trung hoặc định kỳ hàng năm, gắn nội dung thực hiện kế hoạch này với tiêu chí xét thi đua hàng năm.

3. Tổ chức điều hành kế hoạch :

Giao Thanh tra tỉnh - cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch có trách nhiệm tổ chức điều hành, phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án thứ ba (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo cấp tỉnh) gồm Lãnh đạo Thanh tra tỉnh - Trưởng Ban và các thành viên là đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Văn hoá-Thông tin, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.

UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch này, phát huy vai trò của tổ chức thanh tra và cán bộ chuyên môn của cấp mình trong thực hiện kế hoạch; đảm bảo mỗi huyện, thị xã đều có chỉ đạo thực hiện điểm ở xã (ngoài điểm mà tỉnh đã chọn). Chịu trách nhiệm đánh giá và phản ánh tình hình triển khai thực hiện kế hoạch cho Thanh tra tỉnh.

4. Tiến độ thực hiện :

Việc thực hiện kế hoạch bắt đầu từ Quý II năm 2007 và kết thúc vào năm 2010, cụ thể :

- Quý I, quý II/2007 :

- Tổ chức triển khai tổng thể kế hoạch này và kế hoạch chi tiết của năm 2007.

- Tiến hành các hoạt động khảo sát, đánh giá phục vụ cho việc thực hiện kế hoạch.

- Tỉnh chọn 3 xã, thị trấn để chỉ đạo điểm. Cụ thể: xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng; xã Tân Lân, huyện Cần Đước; thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ.

- Quý III, quý IV/2007 :

- Thực hiện một số hoạt động như : tập huấn, bồi dưỡng; biên soạn tài liệu phục vụ cho các đối tượng; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong các chuyên mục của Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Long An; nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với các cơ quan có liên quan và các cơ quan, tổ chức Đoàn thể ở cấp xã; hướng dẫn cấp huyện xây dựng quy chế phối hợp thực hiện kế hoạch.

Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp, thanh tra tỉnh có kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan.

- Tiến hành sơ kết chỉ đạo điểm, mô hình điểm, làm cơ sở nhân ra diện rộng.

- Từ tháng 01/2008 đến hết năm 2010 :

- Tiếp tục thực hiện kế hoạch một cách toàn diện.

- Tổng kết việc thực hiện kế hoạch vào cuối năm 2010.

5. Thực hiện chế độ báo cáo:

- Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định. Nội dung báo cáo gửi về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch - Thanh tra tỉnh) theo định kỳ 6 tháng, 1 năm. Báo cáo sơ kết việc thực hiện kế hoạch giai đoạn 1 phải thực hiện trước ngày 10/10/2007.

6. Kinh phí xây dựng và thực hiện kế hoạch:

Căn cứ Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các quy định hiện hành, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp kinh phí để phục vụ kịp thời cho việc triển khai thực hiện và quyết toán từng năm theo đúng quy định.

Nhận được kế hoạch này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.