ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2009/QĐ-UBND | Tân An, ngày 23 tháng 04 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản ;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
Xét tờ trình số 477/TTr-SNN ngày 14/4/2009 của Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy định về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp các ngành, các cấp tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Điều 1 của quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1992/QĐ-UB ngày 11/6/1997 của UBND tỉnh Long An về việc ban hành quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, thủ trưởng các sở ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo quyết định số 16/2009/QĐ-UBND ngày 23/4/2009 của UBND tỉnh Long An)
Chương I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Quy định này quy định về nội dung quản lý các hoạt động khai thác thủy sản và các dịch vụ khai thác thủy sản của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong việc thực thi pháp luật về thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An.
2. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ngoài việc tuân thủ quy định này còn phải tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến khai thác thủy sản.
Điều 2. Nguyên tắc khai thác thủy sản
1. Khai thác thủy sản ở vùng ven biển, sông, kênh, rạch và các vùng nước tự nhiên khai thác phải đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, phải tuân theo quy định về mùa vụ khai thác, thời hạn khai thác, chủng loại và kích cỡ thủy sản được khai thác, sản lượng cho phép khai thác hàng năm, phải đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường và phải tuân thủ theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
2. Sử dụng các loại ngư cụ, phương tiện khai thác thủy sản có kích cỡ phù hợp với các loài thủy sản được phép khai thác.
Chương II.
NỘI DUNG QUẢN LÝ KHAI THÁC THỦY SẢN, ĐĂNG KÝ VÀ ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ
Điều 3. Các loại nghề và phương tiện khuyến khích chuyển đổi
1. Đối với hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng nước khuyến khích chuyển sang các nghề đánh bắt có tính chọn lọc như nghề câu, lưới rê và các loại ngư cụ có kích thước mắt lưới không nhỏ hơn quy định tại phụ lục 2 và phụ lục 3 Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản (gọi tắt là Thông tư số 02/2006/TT-BTS và Nghị định số 59/2005/NĐ-CP).
2. Đối với hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề đáy, đẩy te, cào sông khuyến khích không tăng số lượng sở đáy, khẩu đáy và số lượng tàu cá khai thác thủy sản.
Điều 4. Đóng mới, cải hoàn tàu cá
Tổ chức, cá nhân được đóng mới, mua đăng ký mới tàu cá làm các loại nghề khuyến khích phát triển. Đối với tàu cá thuộc nhóm khuyến khích không tăng số lượng thì hạn chế đóng mới, mua để thay thế phương tiện đã hư hỏng; khi đóng mới, mua tàu cá phải có đầy đủ thủ tục, hồ sơ theo quy định (có hồ sơ gốc).
Điều 5. Những hoạt động khai thác thủy sản bị cấm
Các hoạt động khai thác thủy sản bị cấm theo quy định tại điều 6 Luật Thủy sản năm 2003, khoản 2 Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2006/TT-BTS (gọi tắt là Thông tư số 62/2008/TT-BNN) và theo quy định sau:
1. Sử dụng chất nổ, hóa chất độc hại, chất gây mê, mồi thuốc dẫn dụ, thực vật có độc tố, sử dụng xung điện dưới mọi hình thức.
2. Sử dụng ngư cụ đánh bắt các loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định tại Thông tư số 62/2008/TT-BNN, phụ lục sửa đổi, bổ sung phụ lục 7 kích thước tối thiểu của một số loài thủy sản kinh tế sống trong vùng nước tự nhiên được phép khai thác của Thông tư số 02/2006/TT-BTS.
3. Các nghề khai thác cá con (cá rô non, cá ròng ròng,…), nghề câu sử dụng vịt con nhấp, bắt cá lóc đang giữ cá ròng ròng.
Điều 6. Các loại nghề, đối tượng khai thác thủy sản bị cấm
Các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản tại các vùng nước tự nhiên phải tuân theo quy định của pháp luật và các quy định sau:
1. Tàu cá làm nghề cào khung không được phép hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ, cửa sông, sông, kênh, rạch.
2. Khai thác những đối tượng bị cấm khai thác và đối tượng bị cầm khai thác có thời hạn được quy định tại Thông tư số 62/2008/TT-BNN, phụ lục sửa đổi bổ sung, bổ sung phụ lục 5 về những đối tượng bị cấm khai thác của Thông tư số 02/2006/TT-BTS và phụ lục sửa đổi, bổ sung phụ lục 6 những đối tượng bị cấm khai thác có thời hạn trong năm của Thông tư 02/2006/TT-BTS.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn lập kế hoạch điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản trình UBND tỉnh xem xét, quyết định bổ sung những đối tượng bị cấm khai thác và đối tượng bị cấm khai thác có thời hạn.
3. Quy định tàu cá hoạt động tại các vùng biển theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.
Điều 7. Vùng cấm khai thác thuỷ sản, thời gian cấm khai thác thuỷ sản
1. Tàu cá khai thác thuỷ sản không được phép hoạt động tại các khu bảo tồn nội địa, trong khu vực Nhà nước quy hoạch nuôi cá lồng, bè (trừ hoạt động thu hoạch của cơ sở nuôi). Vùng quy hoạch thuỷ sản do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện và các ngành có liên quan khảo sát, trình UBND tình ra quyết định công bố quy hoạch.
2. Quy định các khu vực cấm khai thác có thời hạn trong năm, thời hạn một số loại nghề không đựơc phép hoạt động khai thác trong một số khu vực xác định để bảo vệ sự phát triển nguồn lợi tuỳ theo tình hình xuất hiện con giống. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản trình UBND tỉnh quyết định khu vực cấm khai thác có thời hạn trong năm.
Điều 8. Đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên
1. Đăng kiểm tàu cá thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản (gọi tắt là Nghị định số 66/2005/NĐ-CP) và theo quy định tại Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN ngày 28/11/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy chế Đăng kiểm tàu cá (gọi tắt là Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN).
2. Đăng ký tàu cá:
a) Điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký, đăng ký lại, xoá đăng ký tàu cá theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 66/2005/NĐ-CP và Điều 8, Điều 9, Điều 10 Quyết định số 10/2006/QĐ-BTS ngày 03/7/2006 của Bộ Thuỷ sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc ban hành Quy chế Đăng ký tàu cá và thuyền viên (gọi tắt là Quyết định số 10/2006/QĐ-BTS).
b) Đối với tàu cá có chiều dài đường nứơc thiết kế nhỏ hơn 15 mét mà không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa thì đựơc cấp Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá theo quy định tại Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 66/2005/NĐ-CP và Khoản 2, Mục II Thông tư số 02/2006/TT-BTS.
3. Đăng ký thuyền viên theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 66/2005/NĐ-CP và Điều 14, Điều 15, Điều 16 Quyết định số 10/2006/QĐ-BTS. Chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên của phương tiện nghề cá còn phải thực hiện trách nhiệm của mình đựơc quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 66/2005/NĐ-CP.
4. Tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản, lưu hành neo đậu, bốc xếp hàng thuỷ sản hoặc sửa chữa phải chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ, nơi neo trú bão về điều kiện vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường sống và sinh cảnh của các loài thuỷ sản.
5. Chi cục Thuỷ sản là cơ quan thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá, đăng ký thuyền viên và cấp các loại giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm tàu cá và thuyền viên theo thẩm quyền quy định.
Điều 9. Giấy phép khai thác thuỷ sản
1. Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản phải có giấy phép khai thác thuỷ sản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp cá nhân khai thác thuỷ sản bằng tàu có có trọng tải dưới 0,5 tấn hoặc không sử dụng tàu cá.
2. Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khai thác thuỷ sản thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định số 59/2005/NĐ-CP và Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13/02/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 14/2009/NĐ-CP).
Điều 10. Quản lý hoạt động đáy sông
1. Hoạt động đáy sông do UBND huyện, thị xã quản lý và cấp giấy phép.
2. Thủ tục, quy trình cấp Giấy phép nghề đáy sông do UBND huyện, thị xã quy định. Nội dung giấy phép gồm có toạ độ, sở đáy tứ cận, số lưọng khẩu đáy, kích thước mắt lưới nhỏ nhất cho phép, số đăng ký phương tiện kèm theo và thời gian hiệu lực.
Điều 11. Tổ chức hội nghề nghiệp khai thác thuỷ sản
Khuyến khích ngư dân hoạt động khai thác thuỷ sản cùng loại nghề thành lập hội nghề nghiệp hoặc ban quản lý cộng đồng dưới sự tư vấn và hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhằm mục đích chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, khai thác có trách nhiệm, ngăn chặn hoạt động vi phạm quy định bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo đảm quyền lợi chính đáng đồng thời tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp bền vững.
Chương III.
NỘI DUNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ KHAI THÁC THUỶ SẢN
Điều 12. Thu mua, vận chuyển thuỷ sản
Phương tiện thu gom, vận chuyển thuỷ sản phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định tại Nghị định số 66/2005/NĐ-CP và Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN; tuân thủ quy định về tiêu chuẩn cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh phòng dịch. Không thu mua, vận chuyển các sản phẩm thuỷ sản thuộc giống, loài cấm khai thác, thuỷ sản có kích thước nhỏ hơn quy định cho phép khai thác, các đối tượng bảo tồn, hoặc khai thác bằng các loại nghề cấm.
Điều 13. Trách nhiệm của chủ tàu cá
Chủ tàu cá có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường đối với các hoạt động nghề cá. Tạo điều kiện để các ngành chức năng thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các đối tượng làm việc trên tàu cá.
Điều 14. Cơ sở sản xuất, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản phải thực hiện đúng quy định tại Điều 9 Nghị đinh số 59/2005/NĐ-CP, Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 14/2009/NĐ-CP và Khoản 1, Mục III của Thông tư số 02/2006/TT-BTS.
Điều 15. Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá
Cơ sở đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu cá phải thực hiện đúng quy định tại Điều 10 Nghị định số 59/2005/NĐ-CP, Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 14/2009/NĐ-CP và Khoản 2, Mục III Thông tư số 02/2009/TT-BTS.
Chương IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nứơc
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
a) Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho ngư dân nghèo sử dụng nghề cấm để khai thác thuỷ sản có điều kiện chuyển đổi nghề. Quản lý các hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; xử lý kịp thời chính xác các hành vi vi phạm trong quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản theo đúng quy định của pháp luật.
c) Phối hợp các ngành chức năng trong thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường quy hoạch các khu bảo tồn thuỷ sản, vùng nuôi thuỷ sản lồng, bè tập trung; đánh giá tác động, ảnh hưởng của các loại nghề khai thác thuỷ sản tầng đáy đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng công cụ cấm để khai thác thuỷ sản; lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng tái phạm nhiều lần về sử dụng nghề cấm để khai thác thuỷ sản hoặc vi phạm mang tính chất nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thuỷ sản.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung quy định này và các quy định của nhà nước về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản để nhân dân biết, thực hiện tốt.
- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Long An tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của nhà nước về quản lý khai thác thuỷ sản; thường xuyên đưa tin người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để nâng cao nhận thức của người dân.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện quy định này trên địa bàn quản lý
a) Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn.
b) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động dịch vụ, khai thác thuỷ sản trên địa bàn cấp huyện, thị xã.
c) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra và xử lý các vi phạm về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Khen thưởng và xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện nội dung quy định này sẽ được xét khen thưởng, biểu dương theo quy định chung. Các tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy định này tuỳ theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Khiếu nại, tố cáo
Việc khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm quy định này, các quy định pháp luật khác có liên quan và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 19. Điều khoản thi hành
1. Thủ trưởng các Sở ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm triển khai, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định này và các quy định pháp luật khác về thuỷ sản có liên quan.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc, kiểm tra khi cần thiết đề xuất trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định này./.
- 1 Nghị định 14/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản
- 2 Thông tư 62/2008/TT-BNN sửa đổi Thông tư 02/2006/TT-BTS thi hành Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Quyết định 96/2007/QĐ-BNN về Quy chế Đăng kiểm tàu cá do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Nghị định 123/2006/NĐ-CP về việc quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển
- 5 Quyết định 10/2006/QĐ-BTS về Quy chế Đăng ký tàu cá và Thuyền viên do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành
- 6 Thông tư 02/2006/TT-BTS hướng dẫn Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản do Bộ thủy sản ban hành
- 7 Quyết định 09/2006/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 8 Nghị định 66/2005/NĐ-CP về bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh cá hoạt động thuỷ sản
- 9 Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản
- 10 Luật Thủy sản 2003