UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1613/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 03 tháng 10 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP , ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH , ngày 26/3/2007 cch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, qủa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức lập, thẩm định quy hoạuy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-TW, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương VII (khoá X) và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết TW số 26 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg , ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 195/QĐ-TTg , ngày 16/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020;
Theo Quyết định số 513/QĐ-UBND , ngày 08/3/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt chủ trương lập quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020;
Theo Quyết định số 1588/QĐ-UBND, ngày 29/6/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện dự án quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 66/TTr-SNNPTNT, ngày 24/7/2012 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt báo cáo quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, với các nội dung cụ thể sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:
Khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn. Tạo sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và thuỷ sản; tăng diện tích rau màu trên đất lúa; nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái.
- Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi chiến lược (trái cây đặc sản: Bưởi, cam, nhãn, xoài, sầu riêng, măng cụt, lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo thơm đặc sản, rau an toàn, tôm, cá, heo, bò,…), trong đó: Mũi nhọn là cây ăn trái và thuỷ sản bằng việc đầu tư đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra hàng hoá có năng suất, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá ở thị trường trong nước và thế giới, song phải chủ động góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo nên cơ cấu cân đối giữa nông nghiệp và thuỷ sản, trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp hợp lý nhất. Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn, xây dựng mô hình canh tác tối ưu trồng trọt, thuỷ sản, chăn nuôi trên từng khu ruộng mảnh vườn, kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái để gia tăng giá trị sản lượng và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.
- Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hợp tác hoá. Đồng thời chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ở nông thôn, tạo ra sự phân công lao động mới, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống, xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn.
- Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải được nghiên cứu chặt chẽ trong mối quan hệ chung của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 195/QĐ-TTg ngày 16/02/2012 và các quy hoạch chuyên ngành khác.
- Nông nghiệp phải đạt đến trình độ chuyên môn hoá cao và thương phẩm hoá, ứng dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật canh tác tối ưu, để hướng đến một nền nông nghiệp an toàn với sản phẩm hàng hoá là nông sản sạch.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:
- Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, tăng trưởng liên tục và bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nhất là thực phẩm an toàn, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường mang lại giá trị sản lượng, lợi nhuận và thu nhập cao ổn định trên một đơn vị diện tích, một đơn vị sản phẩm.
- Phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất (GTSX) nông lâm nghiệp, thuỷ sản bình quân (2011 - 2015) là 5-5,3%/năm và giai đoạn (2016 - 2020) tăng 4 - 4,5%/năm (theo giá cố định năm 1994), được phân ra cụ thể như sau:
Mục tiêu tăng trưởng GTSX nông lâm nghiệp, thuỷ sản (%)
Phân theo ngành | 2011 - 2015 | 2016 - 2020 |
Nông lâm nghiệp, thuỷ sản | 5,0 - 5,3 | 4,0 - 4,5 |
- Trồng trọt | 3,0 - 3,5 | 2,2 - 2,3 |
- Chăn nuôi | 6,8 - 7,0 | 5,4 - 5,5 |
- Dịch vụ nông nghiệp | 5,7 - 6,0 | 5,6 - 5,7 |
- Thuỷ sản | 11,0 - 12,0 | 8,0 - 9,0 |
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển trồng trọt đặc biệt là cây lúa, góp phần cùng cả nước đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chất lượng các loại gạo cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, các loại hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của các đô thị trong khu vực. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái, mà trước hết là những trái cây đặc sản đã có thương hiệu như: Bưởi Năm Roi, cam Sành, xoài cát Hoà Lộc… để trái cây của Vĩnh Long đứng vững trong cơ chế thị trường.
- Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: Trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ tương ứng thời điểm 2015 lần lượt là: 66,08% - 29,17% - 4,75% và đến năm 2020 là: Trồng trọt 61,91%, chăn nuôi 32,92%, dịch vụ nông nghiệp 5,17% (theo giá thực tế).
- Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân trên 01 ha đất nông nghiệp năm 2015 là 152,4 triệu đồng (theo giá thực tế) và năm 2020 là 195,5 triệu đồng/ha/năm, nếu tính theo giá cố định 1994 thì GTSX bình quân trên 01ha đất nông nghiệp năm 2015 là 58,2 triệu đồng; và đến năm 2020 đạt 69,5 triệu đồng/ha.
III. PHÂN VÙNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐẾN NĂM 2020:
3.1. Phân vùng sản xuất nông nghiệp chung:
Tỉnh Vĩnh Long phân chia thành 4 vùng phát triển nông nghiệp (với 13 tiểu vùng):
3.1.1. Vùng 1: Phía Bắc quốc lộ 1A. Chia thành 3 tiểu vùng.
Chủ yếu là trồng lúa, luân canh lúa - khoai lang, đậu nành, dưa hấu và trồng rau màu các loại. Vùng đất cao ven sông trồng cây ăn trái, mương vườn nuôi tôm càng xanh, chăn nuôi gà vịt, heo; trồng lúa cao sản 2 vụ kết hợp nuôi thuỷ sản và phát triển mô hình VAC; rau, hoa, cây cảnh, vườn sinh thái.
3.1.2. Vùng 2: Phía Nam quốc lộ 1A đến Bắc sông Măng Thít hay còn gọi là vùng trung tâm. Chia thành 3 tiểu vùng.
Phương hướng chính của vùng này là: Trồng 2 - 3 vụ lúa chất lượng cao, cây ăn trái đặc sản, lúa đặc sản - rau - bắp + đậu nành. Nuôi thuỷ sản mương vườn, nuôi ao, bãi bồi. Chăn nuôi gà trang trại - nuôi an toàn sinh học, nuôi bò thịt, mô hình VAC.
3.1.3. Vùng 3: Nam sông Măng Thít đến giáp các huyện thuộc tỉnh Trà Vinh. Chia thành 3 tiểu vùng.
Phương hướng chính là: Sản xuất 2 - 3 vụ lúa cao sản, đặc sản; sản xuất lúa giống, vùng đất cao luân canh lúa - bắp, đậu, khoai lang; trồng cây ăn trái đặc sản; vùng đất thấp trồng lúa cao sản kết hợp nuôi thuỷ sản. Chăn nuôi heo, bò thịt, phát triển mô hình VAC.
3.1.4. Vùng 4: Các cù lao trên sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hậu kể cả xã Mỹ Hoà - huyện Bình Minh. Chia thành 4 tiểu vùng.
Phương hướng chính là trồng cây ăn trái đặc sản, xây dựng vườn sinh thái - du lịch; nuôi thuỷ sản mương vườn, bãi bồi; trồng rau sạch đặc sản địa phương.
Trong mỗi tiểu vùng, căn cứ vào vị trí, điều kiện sinh thái, trình độ sản xuất của nông dân, kết hợp với công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn để xây dựng lịch thời vụ gieo trồng và thu hoạch thích hợp, nhằm khai thác tối ưu lợi thế cạnh tranh của sản phẩm theo hướng sản xuất các nông sản mà thị trường cần trong khi nơi khác không sản xuất được để dễ tiêu thụ và có giá trị sản lượng cũng như thu nhập cao nhất.
3.2. Phân vùng nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn:
3.2.1. Đối với đàn bò:
Nuôi tập trung ở các xã thuộc huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và Mang Thít.
- Huyện Vũng Liêm: Các xã Quới An, Trung Chánh, Trung Hiệp, Thanh Bình, Trung Thành, Tân An Luông, Tân Quới Trung;
- Huyện Mang Thít: Các xã Tân An Hội, An Phước, Bình Phước, Chánh Hội, Chánh An;
- Huyện Long Hồ: Các xã Long Phước, Thanh Đức, Long An;
- Huyện Tam Bình: Các xã Loan Mỹ, Hoà Thạnh, Mỹ Thạnh Trung, Hoà Hiệp, Bình Ninh, Tường Lộc, Mỹ Lộc.
3.2.2. Đối với đàn heo:
Nuôi tập trung ở các xã thuộc huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít và Bình Tân.
- Huyện Vũng Liêm: Các xã Hiếu Thành, Trung Nghĩa, Tân An Luông, Quới Thiện, Tân Quới Trung, Quới An, Trung Hiếu;
- Huyện Mang Thít: Các xã Bình Phước, Tân An Hội, Tân Long Hội, Nhơn Phú;
- Huyện Long Hồ: Các xã Long An, Phú Đức, Lộc Hoà, Long Phước;
- Huyện Tam Bình: Các xã Hoà Thạnh, Mỹ Thạnh Trung, Hoà Hiệp, Phú Thịnh, Song Phú, Ngãi Tứ;
- Huyện Bình Tân: Các xã Tân Quới, Tân Bình, Tân Lược, Thành Trung.
3.2.3. Đối với đàn gia cầm:
Nuôi tập trung ở các xã thuộc huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Tam Bình, Bình Tân và Trà Ôn.
- Huyện Vũng Liêm: Các xã Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành, Hiếu Nhơn, Trung Hiếu, Trung Nghĩa, Trung Ngãi, Trung Thành, Tân An Luông, Quới An;
- Huyện Mang Thít: Các xã Bình Phước, Tân An Hội, Tân Long Hội, Nhơn Phú, Chánh Hội, An Phước;
- Huyện Long Hồ: Các xã Long An, Tân Hạnh, Phú Đức, Long Phước, Hoà Phú, Đồng Phú;
- Huyện Tam Bình: Các xã Long Phú, Song Phú, Phú Thịnh, Phú Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Loan Mỹ, Tân Phú, Bình Ninh;
- Huyện Bình Tân: Các xã Tân Quới, Tân An Thạnh, Tân Thành;
- Huyện Trà Ôn: Các xã Hoà Bình, Nhơn Bình, Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ, Tích Thiện, Xuân Hiệp, Hựu Thành.
IV. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH ĐẾN NĂM 2020:
4.1. Định hướng phát triển ngành trồng trọt:
Thực hiện chủ trương giữ vững diện tích đất lúa (hạn chế chuyển đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp) nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; phát triển ngành trồng trọt gắn với đảm bảo kế thừa về tính thích nghi sinh thái ở mức cao, chuyển đổi diện tích cây ăn trái, lúa - màu; lúa - thuỷ sản thay thế đất chuyên canh 2 - 3 vụ lúa, đồng thời cũng mang lại lợi ích kinh tế. Đảm bảo mục tiêu kinh tế - môi trường được giữ vững và mức thích nghi cao về sinh thái.
Đến năm 2020, tổng diện tích đất lúa là 64.500 ha, trong đó: Lúa - màu 30.532 ha, lúa kết hợp nuôi thuỷ sản 900 ha, chuyên canh 2-3 lúa 33.068 ha, nên tổng sản lượng lúa năm 2020 đạt 898.644 tấn (giảm 30.328 tấn so với 2010), phục vụ mục tiêu xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đất trồng cây ăn trái năm 2015 là 35.642 ha và đến năm 2020 là 34.586 ha; sản lượng trái cây năm 2015 là 417.271 tấn, đến năm 2020 là 427.467 tấn.
Để thực hiện các chỉ tiêu trên cần huy động đến mức cao các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới để vừa đạt năng suất, chất lượng sản phẩm cao, vừa giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
4.2. Định hướng phát triển ngành chăn nuôi:
4.2.1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung:
- Xây dựng các vùng chăn nuôi có kiểm soát dịch bệnh: Heo, bò thịt, gà, vịt, tạo bước đột phá về phương thức và kỹ thuật chăn nuôi - giết mổ và tiêu thụ. Nâng cao hiệu quả và gia tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Sản xuất ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao, giá thành hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Chủ động kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng ở gia súc, heo tai xanh giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đảm bảo an toàn dịch tễ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động chăn nuôi, giết mổ động vật, vận chuyển và kinh doanh các sản phẩm chăn nuôi một cách thuận lợi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, đồng thời bảo vệ tốt nhất đàn gia súc gia cầm trong điều kiện tốt nhất.
b) Mục tiêu cụ thể:
* Mục tiêu ngắn hạn đến năm 2015:
- Duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân 7,2%/năm, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đến năm 2015 đạt khoảng 1.315 tỷ đồng (giá 1994); tỷ trọng chiếm 29,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (giá hiện hành).
- Nâng cao chất lượng đàn gia súc - gia cầm: Đàn heo nạc hoá chiếm trên 96% tổng đàn, bò lai Zebu: 45-50% tổng đàn, đàn gia cầm giống mới có năng suất thịt, trứng cao: 60-65% tổng đàn.
- Xây dựng vùng chăn nuôi hàng hoá có kiểm soát dịch bệnh, thực hiện đổi mới tổ chức hệ thống sản xuất ngành chăn nuôi. Tiến hành di dời các cơ sở chăn nuôi và lò mổ gia súc không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường ra khỏi khu dân cư, đưa chuồng trại chăn nuôi ra khu vực ruộng vườn. Chủ động, kiểm soát và khống chế dịch bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gia súc gia cầm.
- Kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là các dịch bệnh có thể lây lan sang người. Hoàn thiện mạng lưới thú y, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi dưỡng - giết mổ - chế biến - bảo quản - phân phối - tiêu thụ - bàn ăn, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, đồng thời bảo vệ đàn gia súc gia cầm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Phấn đấu đến năm 2015 đạt chỉ tiêu số lượng đàn gia súc - gia cầm như sau:
+ Tổng đàn heo: 454.800 con, đàn bò 74.510 con, đàn dê 9.050 con và tổng đàn gia cầm 5,78 triệu con, trong đó: Gà 3,34 triệu con, đàn vịt 2,44 triệu con.
+ Tổng khối lượng thịt hơi các loại 113.070 tấn.
+ Tổng sản lượng trứng: 343 triệu quả.
* Mục tiêu dài hạn đến năm 2020:
- Phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ trọng sản xuất ngành chăn nuôi chiếm khoảng 32,9% giá trị sản xuất nông nghiệp, tốc độ phát triển bình quân GTSX giai đoạn 2016 -2020 là: 5,8%/năm.
- Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung có kiểm soát dịch bệnh cho từng loại gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi hàng hoá lớn theo hướng trang trại với phương thức chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp chiếm từ 60 - 65%.
- Chất lượng đàn gia súc - gia cầm được cải thiện phù hợp với điều kiện và phương thức chăn nuôi tiên tiến, đàn heo nạc hoá chiếm trên 98% tổng đàn, bò lai Zebu đạt trên 65% tổng đàn, đàn gia cầm giống cao sản 83 - 85% tổng đàn.
- Đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đến năm 2020 đạt khoảng 1.890 tỷ đồng (giá 1994), với một số chỉ tiêu sản xuất như sau:
Tổng đàn heo 572.100 con, đàn bò 83.550 con, đàn dê 10.500 con và tổng đàn gia cầm 7,56 triệu con; trong đó, đàn gà 4,6 triệu con, đàn vịt: 2,96 triệu con.
Tổng sản lượng thịt hơi các loại: 142.630 tấn.
Tổng sản lượng trứng: 452,5 triệu quả.
4.2.2. Định hướng phát triển ngành chăn nuôi:
Trên cơ sở tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp để chọn ra quy mô đàn với mức đầu tư phù hợp, coi trọng yếu tố “cung - cầu” của thị trường, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và dành khoảng 50% làm sản phẩm hàng hoá. Đồng thời có chú ý đến lợi nhuận của người chăn nuôi.
V. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP:
Để thực hiện được các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 cần áp dụng hệ thống các giải pháp chính như:
5.1. Đẩy mạnh các chương trình trọng điểm và các dự án ưu tiên đầu tư ngành nông nghiệp:
5.1.1. Các chương trình trọng điểm:
- Chương trình giống nông nghiệp (cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản).
- Chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
- Chương trình cải tạo và thâm canh vườn cây ăn trái.
- Chương trình xây dựng thương hiệu gắn với vùng nguyên liệu.
5.1.2. Các dự án ưu tiên:
- Dự án phát triển vùng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2011-2015: quy mô 30.000ha, vốn đầu tư 180 tỷ đồng;
- Dự án cải tạo và thâm canh nâng cao chất lượng cây ăn trái giai đoạn 2011-2015: quy mô 5.000-5.500ha, vốn đầu tư 95 tỷ đồng;
- Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái giai đoạn 2011-2015: Quy mô 5.000ha, vốn đầu tư 75 tỷ đồng;
- Dự án nâng cấp Trại giống cây trồng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013-2015 quy mô 3,7ha, vốn đầu tư 17 tỷ đồng;
- Dự án đa dạng hoá cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2011-2015: Quy mô 9.500ha, vốn đầu tư 47 tỷ đồng;
- Dự án sản xuất rau an toàn, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn 2012-2015: Quy mô 500-600ha, vốn đầu tư 75 tỷ đồng;
- Dự án phát triển đàn heo chất lượng cao giai đoạn 2011-2015: Quy mô 350.000con, vốn đầu tư 350 tỷ đồng;
- Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2011-2015: Quy mô 30.000con, vốn đầu tư 210 tỷ đồng;
- Dự án đầu tư dịch vụ nhân giống (lúa, cây ăn trái, cá nước ngọt, heo… ) giai đoạn 2011-2015: Quy mô 1.200-1.500ha, vốn đầu tư 150 tỷ đồng.
5.2. Đầu tư nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
5.3. Nghiên cứu xây dựng đề án tiến tới xây dựng dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
5.4. Nâng cao dân trí, đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn lao động nông nghiệp và nông thôn.
5.5. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, tổ chức và cơ chế quản lý trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
5.6. Tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, thực hiện liên kết kinh tế.
5.7. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh.
5.8. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
VI. KHÁI TOÁN ĐẦU TƯ VÀ GIẢI PHÁP VỐN CHO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020:
Với tinh thần là tập trung phát huy nội lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đồng thời chú trọng thu hút nhiều nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước (liên doanh liên kết, các tổ chức quốc tế…).
NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ CHO NÔNG NGHIỆP (theo giá hiện hành)
ĐVT: Tỷ đồng
| Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 | |||
| GTSX | GDP | GTSX | GDP | GTSX | GDP |
1.Nông nghiệp | 13.286 |
| 17.268 |
| 21.678 |
|
2.Lâm nghiệp | 95 |
| 90 |
| 84 |
|
Tổng GTSX | 13.381 |
| 17.358 |
| 21.762 |
|
Tổng GDP |
| 9.424 |
| 12.150 |
| 15.250 |
- Gia tăng GDP |
|
|
| 2.726 |
| 3.100 |
- Hệ số ICOR |
|
|
| 3,0 |
| 2,9 |
Vốn đầu tư |
|
| (2011 - 2015): 8.178 | (2016 - 2020): 8.990 |
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho nông lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 được khái toán là 8.178 tỷ đồng, tập trung đầu tư theo chiều sâu để tăng giá trị sản lượng và lợi nhuận. Vốn đầu tư cho nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là 8.990 tỷ đồng.
Giải pháp cân đối vốn được tính toán trên cơ sở huy động từ nhiều nguồn:
- Vốn ngân sách: Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành và nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chương trình giống…, ước chiếm 20 - 25%.
- Vốn vay tín dụng: Phát triển mở rộng sản xuất cây ăn quả, rau thực phẩm, nuôi thuỷ sản, đa dạng hoá cây trồng trên đất lúa, chăn nuôi heo, bò, gà, vịt ước chiếm khoảng 30 - 35%.
- Vốn của doanh nghiệp và nông hộ, chủ trang trại, hợp tác xã từ 20 - 25%.
Đặc biệt, kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài, liên doanh liên kết khoảng 25 - 30% vốn đầu tư cho việc đổi mới thiết bị và công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, mở rộng sản xuất nhân giống thương phẩm.
Điều 2. Trách nhiệm và quyền hạn:
Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện:
- Tổ chức công bố “Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020” và triển khai thực hiện Quy hoạch được duyệt này theo đúng quy định.
- Tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.
- Tiến hành rà soát, bổ sung các nội dung của “Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020” vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố.
- Triển khai lập các dự án chi tiết, các dự án ưu tiên đầu tư và các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến từng huyện, gắn với quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch xã nông thôn mới.
- Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để thực hiện quy hoạch trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội thực tế của địa phương, chủ động rà soát, cập nhật những vấn đề mới phát sinh để đề xuất, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức thực hiện các nội dung Quy hoạch này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 2079/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Quyết định 531/QĐ-CT năm 2013 phê duyệt đề cương nhiệm vụ quy hoạch phát triển trồng trọt tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3 Quyết định 396/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2015
- 4 Quyết định 2163/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 5 Quyết định 44/2012/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020
- 6 Nghị quyết 11/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020
- 7 Quyết định 195/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 124/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Quyết định 986/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt đề cương và dự toán Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020
- 10 Quyết định 513/QĐ-UBND năm 2010 về phê duyệt chủ trương lập Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020
- 11 Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 13 Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành
- 14 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 15 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 2079/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Quyết định 531/QĐ-CT năm 2013 phê duyệt đề cương nhiệm vụ quy hoạch phát triển trồng trọt tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3 Quyết định 396/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2015
- 4 Quyết định 2163/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 5 Quyết định 44/2012/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020
- 6 Nghị quyết 11/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020
- 7 Quyết định 986/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt đề cương và dự toán Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020