Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 162/1998/QĐ-UBDTMN

Hà Nội, ngày 4 tháng 12 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CỦA TRƯỞNG BAN BAN DÂN TỘC (HOẶC BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI)

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI

- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
- Căn cứ Nghị định số 59/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi;

Được sự thoả thuận của Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tại Công văn số 366/TCCP- TCCB ngày 27 tháng 11 năm 1998, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tại Công văn 1361/CVTC- TW ngày 25 tháng 11 năm 1998 và Hội đồng Dân tộc Quốc hội khoá X tại Công văn số 222/CV-HĐDT ngày 19 tháng 11 năm 1998 về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của Trưởng ban Ban Dân tộc (hoặc Ban Dân tộc và Miền núi)

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của người đứng đầu cơ quan Ban Dân tộc (hoặc Ban Dân tộc và Miền núi) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có bản tiêu chuẩn nghiệp vụ kèm theo).

Điều 2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ của Trưởng ban Dân tộc (hoặc Trưởng ban Dân tộc và Miền núi) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được áp dụng trong việc sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng bậc theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI




Hoàng Đức Nghi

 

TIÊU CHUẨN

NGHIỆP VỤ TRƯỞNG BAN DÂN TỘC HOẶC TRƯỞNG BAN BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI CỦA TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

I. CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ

Trưởng ban Dân tộc hoặc Trưởng ban Dân tộc và Miền núi là công chức lãnh đạo đứng đầu của Ban Dân tộc và Miền núi (sau đây gọi tắt là Ban) thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh), chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và miền núi và làm tham mưu cho tỉnh uỷ về chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của Ban đã được cấp có thẩm quyền quy định và những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức chỉ đạo xây dựng đề án, phương án quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dài hạn, trung hạn, hàng năm đối với vùng dân tộc và miền núi thuộc tỉnh. Chủ trì hoặc phối hợp với ngành liên quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thẩm định các vấn đề trên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức chỉ đạo xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm cụ thể hoá các chế độ chính sách, các quy định của Nhà nước về công tác dân tộc và miền núi để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

3. Giúp Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì hoặc phối hợp với các ngành dự thảo Nghị quyết, Chỉ thị và các văn bản của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh về tổ chức thực hiện các chế độ chính sách dân tộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh.

4. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các đề án, phương hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chế độ chính sách và pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực dân tộc và miền núi ở các cấp, các ngành thuộc địa phương.

5. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và chính sách đãi ngộ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số và phối hợp với các cơ quan có liên quan ở tỉnh đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

6. Tổ chức theo dõi, tổng hợp tình hình các mặt hoạt động thuộc lĩnh vực dân tộc và miền núi ở địa phương. Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất ý kiến sửa đổi bổ sung các văn bản nhằm đưa các chủ trương của Đảng chế độ chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống đồng bào các dân tộc và miền núi (kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biên giới và hải đảo) có hiệu quả.

Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác dân tộc và miền núi ở địa phương với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban Dân tộc và Miền núi theo định kỳ và đột xuất.

7. Tổ chức việc phối hợp công tác trong Ban với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác dân tộc và miền núi nhằm phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân trí, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

8. Trực tiếp hoặc phối hợp với các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, mô hình điểm trên địa bàn do Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Uỷ ban Dân tộc và Miền núi giao.

9. Chịu trách nhiệm tổ chức, tiếp đón thăm hỏi, nắm yêu cầu nguyện vọng của đồng bào và chủ trì hoặc phối hợp với mặt trận, các ngành có liên quan của tỉnh giải quyết nguyện vọng chính đáng, các khiếu nại, tố cáo của đồng bào các dân tộc thiểu số về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban theo quy định của pháp luật.

10. Trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức quản lý việc phân công nhiệm vụ cho các công chức, viên chức, thực hiện tốt việc quản lý cán bộ (cán bộ lãnh đạo đơn vị); công chức của đơn vị bằng quy chế chặt chẽ, đề xuất việc thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức trong đơn vị.

Quản lý tài sản, tài chính của Ban theo phân cấp Uỷ ban nhân dân tỉnh và quy định của pháp luật.

II. TRÌNH ĐỘ NĂNG LỰC VÀ PHẨM CHẤT

1. Về phẩm chất.

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, tận tuỵ với sự nghiệp dân tộc và miền núi, không cục bộ, bản vị, được nhân dân các dân tộc tin yêu.

- Có khả năng đoàn kết, tập hợp cán bộ công chức trong đơn vị, sống lành mạnh, được cán bộ công chức tín nhiệm.

- Có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành có liên quan.

2. Về trình độ và năng lực.

- Có trình độ nghiệp vụ từ chuyên viên trở lên.

- Đã qua công tác trong lĩnh vực dân tộc và miền núi từ 3 năm trở lên.

- Có trình độ lý luận chính trị Trung cấp trở lên.

- Am hiểu sâu tình hình dân tộc và miền núi. Nắm vững đặc điểm, địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Có khả năng nắm bắt và phân tích thông tin về đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số; biết một trong các thứ tiếng dân tộc thiểu số.

- Nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, các văn bản luật pháp, cơ chế chính sách quy định của Nhà nước và các vấn đề có liên quan đến dân tộc và miền núi. Chấp hành nghiêm túc các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước và có khả năng vận dụng cụ thể các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước vào địa phương.

- Đề xuất được những vấn đề thuộc về chủ trương, giải pháp, cơ chế chính sách để xử lý vấn đề dân tộc và miền núi ở địa phương.

- Có năng lực tổ chức quản lý, tập hợp được các vấn đề trong địa bàn tỉnh.

- Phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong nhiệm vụ đoàn kết các dân tộc, có khả năng tổng kết, rút kinh nghiệm nhanh nhạy./.