BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1626/1999/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 1626/1999/QĐ-BGTVT NGÀY 06 THÁNG 7 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ QUI ĐỊNH TRONG CÔNG TÁC ĐẤU THẦU XÂY LẮP ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng được ban hành theo Nghị định số 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 và Nghị định số 92/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Qui chế đấu thầu được ban hành theo Nghị định số 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ và Nghị định số 93/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Qui chế đấu thầu;
Xét tình hình thực tế thực hiện Qui chế đấu thầu xây lắp trong ngành GTVT, để nâng cao chất lượng tổ chức đấu thầu đảm bảo tuyển chọn được nhà thầu vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng và tiến độ thi công xây lắp vừa tiết kiệm hạ giá thành nhưng vẫn duy trì và phát triển năng lực của nhà thầu;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành "Một số quy định trong công tác đấu thầu xây lắp đối với các dự án đầu tư thuộc ngành Giao thông vận tải quản lý" kèm theo quyết định này.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các quy định trước đây trái với những quy định này đều bị hủy bỏ.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng các vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Chánh thanh tra Bộ, Cục trưởng các Cục quản lý chuyên ngành, Tổng giám đốc Liên hiệp đường sắt Việt nam, Tổng giám đốc các Ban QLDA trực thuộc Bộ, Tổng giám đốc các Tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở GTVT và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phạm Quang Tuyến (Đã ký) |
|
MỘT SỐ QUI ĐỊNH TRONG CÔNG TÁC ĐẤU THẦU XÂY LẮP ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1626/1999/QĐ-BGTVT ngày 06 /7/1999)
Điều 1:Về việc phân chia gói thầu:
Gói thầu là căn cứ để tổ chức đấu thầu và xét thầu. Việc phân chia dự án thành các gói thầu phải hợp lý, phải đảm bảo sự đồng bộ về mặt kỹ thuật công nghệ và trình tự thực hiện các hạng mục trong dự án đảm bảo khả năng khai thác sử dụng ngay sau khi hoàn thành gói thầu.
Không chia dự án thành các gói thầu quá nhỏ ( trừ một số trường hợp đặc biệt). Dự án được phân chia thành các gói thầu theo qui mô vốn như sau:
a. Dự án nhóm C: 1 đến 2 gói thầu. Dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ chia thành 1 gói thầu.
b. Dự án nhóm B: các gói thầu có giá trị ít nhất khoảng 30 tỷ đồng.
c. Dự án nhóm A: các gói thầu có giá trị ít nhất khoảng 50 tỷ đồng.
Điều 2: Về việc lựa chọn nhà thầu khi tiến hành sơ tuyển hoặc đưa vào danh sách ngắn:
1- Số lượng nhà thầu tham dự đấu thầu sau khi sơ tuyển (đối với hình thức đấu thầu rộng rãi) hoặc được lựa chọn đưa vào danh sách ngắn (đối với hình thức đấu thầu hạn chế) không được ít hơn 4 nhà thầu và không được nhiều hơn 8 nhà thầu.
2- Việc lựa chọn nhà thầu đưa vào danh sách ngắn, đối với đấu thầu hạn chế:
Tùy theo qui mô gói thầu và mức độ phức tạp về mặt kỹ thuật của công trình để mời các nhà thầu có đủ năng lực và cùng chuyên ngành tham dự đấu thầu. Cụ thể như sau:
a. Đối với các gói thầu thuộc dự án nhóm A: tổ chức đấu thầu ở cùng cấp tổng công ty và liên danh các công ty.
b. Đối với các gói thầu thuộc dự án nhóm B: tổ chức đấu thầu ở cùng cấp công ty hoặc cùng cấp tổng công ty và liên danh các công ty.
c. Đối với các gói thầu thuộc dự án nhóm C: tổ chức đấu thầu ở cùng cấp công ty.
d. Tổng công ty và công ty thành viên của mình không được độc lập dự thầu trong cùng một gói thầu.
e. Không được tổ chức đấu thầu mà tất cả các nhà thầu tham dự trong một gói thầu đều là các công ty trong cùng 1 Tổng công ty.
3- Khi tiến hành sơ tuyển hoặc lựa chọn danh sách ngắn phải quy định tiêu chuẩn ưu tiên theo số năm, số lượng công trình đạt chất lượng tốt và số lượng công trình tương tự đã và đang thực hiện cho ngành giao thông vận tải tại Việt nam nhằm đảm bảo chất lượng của các công trình xây dựng chuyên ngành giao thông:
a. Đối với các công trình thuộc dự án nhóm A,B và các công trình thuộc dự án nhóm C có tính chất chuyên ngành đặc biệt, yêu cầu nhà thầu phải có ít nhất 5 năm tham gia xây dựng chuyên ngành và phải có công trình tương tự đã thi công được công nhận là công trình chất lượng tốt và đảm bảo tiến độ.
b. Đối với các công trình thuộc dự án nhóm C còn lại yêu cầu nhà thầu phải có ít nhất 2 năm tham gia xây dựng chuyên ngành giao thông hoặc có công trình tương tự đã thi công được chủ đầu tư xác nhận đạt chất lượng tốt và đảm bảo tiến độ.
Điều 3: Giá dự thầu:
1- Đối với các doanh nghiệp Nhà nước để bảo toàn vốn của Nhà nước và phát triển năng lực doanh nghiệp, khi tính toán giá dự thầu, nhà thầu phải đảm bảo chế độ về tính khấu hao phương tiện, thiết bị thi công, chế độ chính sách đối với người lao động, chế độ về thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước và các loại phí kể cả lệ phí giao thông .
Trong phương pháp đánh giá thầu, bên mời thầu phải nghiên cứu đề xuất giải pháp thích hợp để bảo trợ cho nhà thầu Việt nam có được sự công bằng với nhà thầu nước ngoài khi thực hiện chủ trương nêu trên.
2- Trong hồ sơ dự thầu , các nhà thầu bắt buộc phải có phân tích chi tiết đơn giá dự thầu kèm theo đơn giá ca máy, giá vật liệu các loại đến chân công trình để có cơ sở đánh giá thầu được hợp lý khách quan,
3- Khi xét thầu và công nhận trúng thầu ngoài các điều kiện đã quy định, cần phải xem xét mức độ khả thi, hợp lý về giá của các hồ sơ dự thầu.
Đặc biệt cần xem xét kỹ sự bất hợp lý của các đơn giá dự thầu đối với các hạng mục có tính chất quan trọng hoặc hạng mục có giá trị chiếm tỷ trọng từ 15% giá xét thầu trở lên hoặc các hạng mục có khả năng phát sinh lớn do điều kiện khảo sát ban đầu chưa lường hết (như vét bùn, nạo vét dưới đáy sông, biển, xử lý nền yếu v.v...)
4- Đối với dự án sử dụng vốn trong nước, Nhà thầu tự cân đối các chi phí phục vụ tạo điều kiện thuận lợi cho tư vấn giám sát làm việc tại hiện trường để phân bổ trong giá dự thầu của mình một cách thích hợp.
5- Các quy định nêu trên phải được nêu rõ trong hồ sơ mời thầu và được cụ thể hóa trong phương pháp đánh giá hoặc bằng tiêu chuẩn điểm đánh giá. Tiêu chuẩn đánh giá phải được công bố trước khi mở thầu.
Điều 4:Về thầu phụ
1- Trường hợp có sử dụng nhà thầu phụ, nhà thầu chính phải giới thiệu bằng văn bản trong hồ sơ dự thầu và chịu trách nhiệm về các nhà thầu phụ cùng tham gia. Nhà thầu phụ cũng phải có đủ tư cách pháp nhân, năng lực tương ứng với phần công việc được giao. Tổng giá trị công việc do các nhà thầu phụ đảm nhận không được vượt quá 50% giá trị hợp đồng và phải có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể của nhà thầu chính cho từng nhà thầu phụ.
2- Nhà thầu chính phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng và tiến độ thi công công trình thuộc phạm vi hợp đồng xây dựng. Việc thay đổi nhà thầu phụ phải được Chủ đầu tư chấp thuận.
Điều 5: Về liên danh
1- Trong trường hợp liên danh để dự thầu, tất cả các nhà thầu tham gia liên danh phải có đủ tư cách pháp nhân và năng lực. Đơn dự thầu do 1 đại diện của nhà thầu đứng đầu liên danh có giấy ủy quyền hợp pháp đứng tên. Mỗi liên danh chỉ được nộp 1 đơn dự thầu cho 1 gói thầu . Giấy ủy quyền người đứng đầu liên danh hoặc thỏa thuận liên danh phải được công chứng xác nhận.
2- Mỗi liên danh không được có quá 3 thành viên.
Mỗi nhà thầu chỉ đuợc tham gia vào 1 liên danh trong 1 gói thầu.
3- Nhà thầu đứng đầu liên danh phải là một ứng thầu hợp pháp của gói thầu đó, thực sự có năng lực xây lắp, năng lực điều hành thi công xây lắp gói thầu và được đảm nhận phần khối lượng công việc theo tỷ lệ quy định sau:
* lớn hơn 50% giá trị gói thầu, nếu liên danh có 2 thành viên;
* lớn hơn 35% giá trị gói thầu, nếu liên danh có 3 thành viên.
4- Các thành viên còn lại trong liên danh phải đảm nhận khối lượng công việc có giá trị ít nhất bằng 25% giá trị gói thầu.
5- Trong hồ sơ dự thầu phải có bản cam kết giữa các thành viên của liên danh (thỏa thuận liên danh) của các thành viên trong liên danh thầu. Thỏa thuận liên danh phải quy định rõ nhà thầu đứng đầu liên danh, tỷ lệ đóng góp trong liên danh, phân chia lợi nhuận, phân chia khối lượng công việc, phân rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên trong liên danh.
Liên danh không được thay đổi tỷ lệ công việc được phân công của mỗi thành viên quy định trong hợp đồng liên danh, trừ khi có sự chấp thuận của Chủ đầu tư.
6- Tất cả các thành viên trong liên danh phải cùng nhau chịu trách nhiệm chung về tất cả các nghĩa vụ phải đảm đương trong quá trình thực hiện hợp đồng, kể cả những công việc được bổ sung. Nhà thầu đứng đầu liên danh chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về mọi công việc, mọi giao dịch có liên quan đến việc thực hiện gói thầu.
7- Người đứng đầu liên danh có quyền điều động phương tiện, thiết bị, nhân lực, tiền vốn (kể cả vốn ứng trước) trong liên danh để đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện gói thầu.
Điều 6: Về dàn xếp thầu, mua bán thầu
1- Nghiêm cấm các nhà thầu dàn xếp thầu khi tham gia dự thầu
2- Cấm bán lại thầu sau khi trúng thầu. Việc giao lại công việc cho nhà thầu không có tên trong danh sách nhà thầu đã đăng ký trong hồ sơ dự thầu hoặc cho nhà thầu phụ chưa được chủ đầu tư chấp thuận được hiểu là bán thầu.
Điều 7:Trách nhiệm chủ đầu tư
1- Các chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện các quy định hiện hành của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng, Qui chế đấu thầu, các văn bản pháp qui của các Bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý đấu thầu và các quy định về đấu thầu của các tổ chức tài trợ quốc tế ( đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài).
2- Không được tổ chức đấu thầu khi dự án chưa được ghi kế hoạch vốn.
3- Không cho phép phát hành hồ sơ mời thầu khi hồ sơ thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu chưa được duyệt.
Điều 8:Phạm vi áp dụng
1- Những quy định này được áp dụng đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định trong Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
2- Đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA, nếu có quy định khác biệt sẽ được thực hiện theo quy định của Hiệp định đã ký giữa Chính phủ Việt nam với tổ chức tài trợ nước ngoài .
Điều 9:Điều khoản thi hành
1- Các trường hợp đặc biệt trái với quy định nêu trong văn bản này phải được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho phép.
2- Những quy định trước đây trái với bản quy định này đều bị bãi bỏ.
3- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo Bộ Giao thông vận tải để giải quyết.
- 1 Quyết định 06/2005/QĐ-BGTVT về "Một số quy định trong công tác đấu thầu xây lắp các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trong nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Quyết định 4194/QĐ-BGTVT năm 2007 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giao thông vận tải ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Quyết định 1291/QĐ-BGTVT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đến hết ngày 31/01/2014
- 4 Quyết định 1567/QĐ-BGTVT năm 2006 công bố danh mục văn bản đã hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5 Quyết định 1567/QĐ-BGTVT năm 2006 công bố danh mục văn bản đã hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1 Công văn 6101/BKHĐT-QLĐT năm 2015 về báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2 Chỉ thị 24/CT-BGTVT năm 2013 chấn chỉnh công tác đấu thầu do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Quyết định 06/2005/QĐ-BGTVT về "Một số quy định trong công tác đấu thầu xây lắp các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trong nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4 Nghị định 93-CP năm 1997 sửa đổi Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 43/CP
- 5 Nghị định 42-CP năm 1996 ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng
- 6 Nghị định 43-CP năm 1996 ban hành quy chế đấu thầu
- 1 Công văn 6101/BKHĐT-QLĐT năm 2015 về báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2 Chỉ thị 24/CT-BGTVT năm 2013 chấn chỉnh công tác đấu thầu do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Quyết định 06/2005/QĐ-BGTVT về "Một số quy định trong công tác đấu thầu xây lắp các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trong nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành