Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 165/QĐ-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 22 tháng 01 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ XÉT CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ VÀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ VỀ NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP SẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04 ngày 05 tháng 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 05/TTr-SNN ngày 08 tháng 01 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) thuộc các khu, vùng đất được quy hoạch phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (Nhà đầu tư) đăng ký thực hiện dự án đầu tư phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 3. Nguyên tắc chung:

Quy định này là cơ sở để lựa chọn dự án đầu tư, nhà đầu tư đáp ứng các tiêu chí được ban hành ở bước xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án NNUDCNC trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nông nghiệp sạch:

- Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí xác định chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

- Dự án đầu tư phải đảm bảo về môi trường, phát triển bền vững theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của tỉnh.

Điều 5. Lĩnh vực và công nghệ ưu tiên xét chọn

1. Lĩnh vực ưu tiên:

a) Trồng trọt:

- Sản xuất giống và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt, tập trung vào các đối tượng chủ lực như giống rau, củ, quả các loại, hồ tiêu, nấm, cây dược liệu... phục vụ cho người dân, xuất khẩu và thay thế nhập khẩu;

- Sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao, áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), VietGAP, tập trung vào các loại cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực;

- Sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính;

- Nhân giống và sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô tập trung.

b) Chăn nuôi:

- Sản xuất giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào một số loại vật nuôi chủ lực như: Bò, heo (lợn), gia cầm;

- Chăn nuôi gia cầm, lợn, bò quy mô công nghiệp.

c) Thủy sản:

- Nhân nhanh và sản xuất giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào một số đối tượng thủy sản chủ yếu như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loại cá nước ngọt, cá biển có giá trị cao, nhuyễn thể hai mảnh vỏ;

- Nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tự động kiểm soát và xử lý môi trường bằng các công nghệ tiên tiến (chemicalfog, biofloc, lọc sinh học) trong nuôi trồng một số loài thủy sản như: Cá, tôm.

d) Trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản:

- Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong vận hành chế biến và bảo quản sau thu hoạch;

- Ứng dụng công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước nóng, công nghệ xử lý nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản.

2. Công nghệ ưu tiên xét chọn.

Theo quy định tại Phụ lục Danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí xác định chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

Điều 6. Tiêu chí xét chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư

1. Tiêu chí xét chọn dự án của nhà đầu tư và dự án đầu tư:

Các tiêu chí xét chọn dự án được thực hiện theo Điều 3 Quyết định số 2214/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài tiêu chí theo Quyết định số 2214/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2016 của UBND tỉnh và tiêu chí về dự án NNUDCNC theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các dự án đầu tư NNUDCNC, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện theo Điều 4, 5 của Quyết định này và ưu tiên thực hiện thêm tiêu chí tổ chức liên kết giữa nhà đầu tư với nhà khoa học, nhà nông, nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm NNUDCNC, còn phải dựa vào dự án có qui mô và vốn đầu tư như sau:

a) Quy mô và vốn đầu tư của dự án:

- Trồng trọt:

+ Quy mô: Sản xuất giống và trồng các sản phẩm nông nghiệp có quy mô phù hợp với quy hoạch phân khu chức năng khu, vùng sản xuất NNUDCNC được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc diện tích đất được quy hoạch phát triển sản xuất trồng trọt UDCNC trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

+ Vốn đầu tư: Từ 02 tỷ đồng/ha trở lên đối với dự án đầu tư nhà màng, nhà lưới, nhà kính và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và các công nghệ có liên quan khác; từ 800 triệu đồng/ha trở lên đối với dự án đầu tư không làm nhà màng, nhà lưới, nhà kính.

- Chăn nuôi:

+ Quy mô: Diện tích xây dựng chuồng trại từ 2.000 m2 trở lên.

+ Vốn đầu tư (bao gồm chi phí xây dựng chuồng trại, chi phí lắp đặt thiết bị, chi phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải; không kể chi phí mua con giống, nhà ở công nhân và đất đai):

- Đối với trại chăn nuôi gia cầm: Tối thiểu 2.800.000 đồng/m2

- Đối với trại chăn nuôi heo: Tối thiểu 4.500.000 đồng/m2

- Đối với trại chăn nuôi trâu bò: Tối thiểu 2.600.000 đồng/m2

- Thủy sản:

* Khu sản xuất giống thủy sản:

+ Quy mô: Tối thiểu 01 ha trở lên.

+ Vốn đầu tư: Tối thiểu 5 tỷ đồng/ha trở lên.

* Khu nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh:

+ Quy mô: Từ 03 ha trở lên.

+ Vốn đầu tư: Tối thiểu 3 tỷ đồng/ha trở lên.

b) Về năng lực tài chính của nhà đầu tư:

- Nhà đầu tư phải cung cấp hồ sơ chứng minh được có vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án và cung cấp hồ sơ chứng minh có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại khoản 2, điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và cung cấp tài liệu chứng minh năng lực tài chính theo khoản 1, điều 33 Luật đầu tư 2014.

- Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư theo quy định tại Điều 27, Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Phần vốn đầu tư để tính tiền ký quỹ của dự án không bao gồm tiền thuê đất nộp cho nhà nước).

c) Về tiến độ triển khai thực hiện dự án: Do nhà đầu tư đề xuất theo phương án đầu tư và quy hoạch được duyệt. Thời gian triển khai hoàn thành đầu tư không quá 24 tháng sau khi được Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ các hợp phần của dự án.

2. Tiêu chí xét chọn dự án của nhà đầu tư khi cùng vị trí đầu tư có 02 nhà đầu tư trở lên:

Trường hợp trên cùng một vị trí đất có từ 02 nhà đầu tư trở lên cùng lập dự án đầu tư thì việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, trong hồ sơ mời thầu, cần xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo các tiêu chí xét chọn dự án NNUDCNC, nông nghiệp sạch của các nhà đầu tư (theo Phụ lục bảng thang điểm đính kèm Quyết định này).

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức thực hiện đấu thầu chọn lựa nhà đầu tư trong trường hợp tại 01 vị trí có 02 nhà đầu tư trở lên xin lập dự án theo quy định và gửi kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp tại 01 vị trí có 01 nhà đầu tư xin lập dự án; Trường hợp tại 01 vị trí có 02 nhà đầu tư trở lên xin lập dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đấu thầu.

3. Đối với dự án đầu tư phát triển NNUDCNC của các nhà đầu tư có diện tích từ 50 ha trở lên; Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy xem xét, trước khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư.

4. Trong quá trình thực hiện Quyết định này, nếu có khó khăn vướng mắc phát sinh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh để xem xét, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Điều 8. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 9. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 9;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TTr-Tỉnh ủy (b/c);
- TTr-HĐND tỉnh (b/c);
- CT và các PCT -UBND tỉnh (b/c);
- Trung tâm Công báo- Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, KT8.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Tuấn Quốc

 

PHỤ LỤC:

BẢNG ĐIỂM TIÊU CHÍ XÉT CHỌN DỰ ÁN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP SẠCH CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
(Đính kèm Quyết định số 165/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh)

PHIẾU ĐÁNH GIÁ THANG ĐIỂM XÉT CHỌN DỰ ÁN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP SẠCH

1. Tên dự án:

 

2. Tên tổ chức, cá nhân chủ dự án:

 

Tiêu chí thang điểm đánh giá các dự án về NNUDCNC, công nghệ sạch

Điểm tối đa

TV Hội đồng chấm điểm

1. Phù hợp vị trí, quy hoạch NNUDCNC

(theo QĐ phê duyệt của UBND tỉnh)

2

 

2. Bảo đảm về môi trường

3

 

3. Năng lực tài chính (căn cứ theo Điểm b, Khoản 1, Điều 6 của Quyết định này)

10

 

4. Năng lực kinh nghiệm

10

 

- Đã có sản xuất NNUDCNC trong nước hoặc nước ngoài

5

 

- Đã có thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước hoặc nước ngoài (thị trường tiêu thụ, cam kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm..)

5

 

5. Cam kết ký quỹ đầu tư (theo quy định tại Điều 27, Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ)

5

 

6. Cam kết ứng vốn để bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất

2

 

7. Có cam kết hỗ trợ không hoàn lại việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án

2

 

8. Liên kết, hợp đồng với nông dân, HTX xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (theo Khoản 1, Điều 6 của Quyết định này)

4

 

9. Sản xuất có kết hợp xây dựng nhà máy hoặc cơ sở chế biến, bảo quản nông sản phẩm

10

 

10. Hiệu quả kinh tế - xã hội

7

 

a) Doanh thu/ha

2

 

b) Lợi nhuận/ha

1

 

c) Thu hút, ưu tiên đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương

3

 

d) Nộp ngân sách nhà nước

1

 

11. Ứng dụng công nghệ cao, tích hợp nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm giá trị, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

45

 

 

Trồng trọt

Chăn nuôi

Thủy sản

 

a) Ứng dụng công nghệ sinh học (Tổng cộng là 6 điểm)

- Công nghệ lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử để tạo ra các giống cây, con mới có các đặc tính ưu việt (năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu).

3

3

3

 

- Công nghệ sinh học, công nghệ viễn thám trong quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại cây trồng nông lâm nghiệp.

3

 

 

 

- Công nghệ sinh học phân tử và miễn dịch học, vi sinh vật học trong phòng, trị một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm và thủy sản.

 

3

3

 

b) Ứng dụng kỹ thuật canh tác (Tổng cộng là 20 điểm)

- Ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất: thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng.

5

 

 

 

- Ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động.

6

 

 

 

- Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động.

6

 

 

 

- Ứng dụng công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản an toàn theo VietGAP.

3

7

7

 

- Ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh thủy sản, gia súc gia cầm.

 

7

7

 

- Ứng dụng công nghệ xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

 

6

6

 

c) Ứng dụng công nghệ tự động hóa (Tổng cộng là 19 điểm)

- Công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch.

5

5

5

 

- Công nghệ tự động hóa trong tưới tiêu, kết hợp dinh dưỡng trong canh tác cây trồng quy mô hàng hóa.

5

 

 

 

- Công nghệ tự động hóa, bán tự động trong quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, thâm canh nuôi trồng thủy sản, trồng trọt.

5

10

10

 

- Công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành sản xuất, giám sát, đánh giá mùa màng.

4

4

4

 

Tổng cộng

100