Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1686/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 05 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GIAI ĐOẠN 2013 - 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20/6/2012;

Căn cứ Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 09/KL-TW ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI);

Căn cứ Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các Đề án tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Hội Luật gia tỉnh tại Tờ trình số 33/TTr-HLG ngày 27/10/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- NC (A);
- Lưu: VT, L04/11.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GIAI ĐOẠN 2013 - 2016” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1686/QĐ-UBND ngày 05/11/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

I. YÊU CẦU, MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN CỦA KẾ HOẠCH

1. Yêu cầu:

- Thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời những nội dung đã được quy định trong Kế hoạch và Đề án; các hoạt động đề ra phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và hoạt động của Hội.

- Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch phải bảo đảm khả thi, có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu của Đề án.

- Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả giữa Hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch và Đề án.

2. Mục tiêu:

2.1. Mục tiêu chung:

Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL), cung cấp kịp thời, có chất lượng dịch vụ công về PBGDPL và TGPL cho người dân trên cơ sở phát huy vai trò của luật gia, Hội Luật gia và các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu về quyền được thông tin và cung cấp dịch vụ pháp lý của nhân dân, góp phần tăng cường hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, thực hiện thắng lợi chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Đẩy mạnh triển khai các mô hình PBGDPL và TGPL của Hội Luật gia các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp; phấn đấu đến năm 2016, Hội Luật gia tỉnh và các huyện, thành phố đều tổ chức thực hiện công tác PBGDPL và TGPL; các mô hình điểm PBGDPL và TGPL hoạt động và phát huy hiệu quả tốt.

- Nâng cao năng lực PBGDPL và TGPL cho hội viên Hội Luật gia để tăng cường và đẩy mạnh hoạt động này. Phấn đấu đến hết năm 2016, các hội viên Hội Luật gia các cấp; hội viên Hội Luật gia tham gia làm tư vấn viên pháp luật, báo cáo viên pháp luật, luật sư được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật, PBGDPL và TGPL.

3. Phạm vi:

Kế hoạch được triển khai trong phạm vi toàn tỉnh, tập trung ở một số địa bàn làm điểm, ưu tiên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa bàn có nhiều bức xúc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

II. NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế xã hội hóa hoạt động PBGDPL và TGPL, nhất là khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ kinh phí cho các hoạt động này.

- Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Các tổ chức, cá nhân.

- Thời gian thực hiện: Năm 2014 - 2016.

2. Xây dựng mô hình tổ chức hoạt động PBGDPL và TGPL của Hội Luật gia tại trụ sở sinh hoạt văn hóa của khóm, ấp, ở một số tổ chức xã hội và doanh nghiệp gắn với đặc thù về chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của từng chủ thể để sơ kết, rút kinh nghiệm.

2.1. Tiến hành khảo sát, đánh giá các mô hình thực hiện PBGDPL và TGPL đã triển khai; thực hiện lồng ghép, hỗ trợ hoạt động, huy động sự tham gia của hội viên Hội Luật gia các cấp, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện PBGDPL và TGPL miễn phí, phát huy trách nhiệm xã hội của lực lượng này.

- Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2014 - 2016

2.2. Tổ chức mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng tại Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh, Nhà văn hóa thể thao và học tập cộng đồng cấp xã hoặc tại trụ sở sinh hoạt văn hóa của khóm, ấp... để thực hiện các hoạt động truyền thông pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí, kết hợp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ cho nhân dân theo Luật Hòa giải cơ sở. Phát huy việc phục vụ của tủ sách pháp luật khóm, ấp để những người làm công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cơ sở nghiên cứu, nhất là những luật mới có hiệu lực, các luật gần gũi đời sống nhân dân.

- Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

3. Đánh giá tình hình thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh, các tổ chức, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để nhân rộng hệ thống này theo nguyên tắc đảm bảo phù hợp với đặc thù chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của hệ thống và tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động:

3.1. Hội Luật gia tỉnh đánh giá hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và công tác trợ giúp pháp lý của tổ chức Hội cấp huyện.

3.2. Hội Luật gia tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đánh giá hoạt động của các tổ chức này.

Trên cơ sở đánh giá để có biện pháp phát huy hoạt động có hiệu quả, thiết thực, nhân rộng mô hình có hiệu quả.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016.

4. Nâng cao năng lực cho các cấp Hội, các tổ chức xã hội trong các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý:

4.1. Biên soạn, in ấn và cung cấp các tài liệu bổ trợ về PBGDPL và trợ giúp pháp lý.

- Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: Năm 2014 - 2016.

4.2. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật, PBGDPL và TGPL.

- Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: Năm 2014 - 2016.

4.3. Hỗ trợ, tạo điều kiện cần thiết về trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí cho các cấp Hội Luật gia và một số tổ chức liên quan khác để tổ chức thực hiện hoạt động PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho nhân dân.

- Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính và Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: Năm 2014 - 2016.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Luật gia tỉnh:

- Chủ trì thực hiện và phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, các tổ chức, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý theo Kế hoạch này.

- Hàng năm xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.

- Đề xuất UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án.

2. Sở Tư pháp:

Phối hợp với Hội Luật gia tỉnh hướng dẫn việc triển khai thực hiện kế hoạch; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung liên quan trong Kế hoạch này.

3. Sở Tài chính:

Hàng năm, căn cứ khả năng ngân sách và tình hình thực tế tại địa phương, cân đối kinh phí cấp cho Hội Luật gia tổ chức thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước. Phối hợp với Hội Luật gia tỉnh hướng dẫn các địa phương, các cơ quan liên quan về cơ chế tài chính trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

4. Đề nghị các tổ chức, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực phối hợp với Hội Luật gia tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này trong các tổ chức thành viên.

5. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Hội Luật gia tỉnh thực hiện Kế hoạch này.

6. Tiến độ thực hiện và chế độ báo cáo:

6.1. Tiến độ thực hiện:

a) Giai đoạn 1: Năm 2014 xây dựng kế hoạch và triển khai các văn bản. Cuối năm 2014 sơ kết.

b) Giai đoạn 2: Năm 2015 và năm 2016 tiếp tục thực hiện các nội dung Kế hoạch. Cuối năm 2016 tổng kết báo cáo.

6.2. Chế độ thông tin, báo cáo:

Các cơ quan, đơn vị; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, gửi Hội Luật gia tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Luật gia Việt Nam theo quy định (trước ngày 15/10). Cuối năm 2016, Hội luật gia tổng kết phục vụ Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội luật gia Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Hội Luật gia tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.