Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1697/QĐ-UBND

An Giang, ngày 22 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẦU NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG, GIAI ĐOẠN 2021-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn chiến lược đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 149/QĐ-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1454/TTr-SGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng Cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- TT. UBND tỉnh;
- UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực cấp ủy: huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VP. UBND tỉnh: Lãnh đạo VP, TH, KTTH, KGVX;
- Lưu: VT, KTN.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

ĐỀ ÁN

XÃ HỘI HÓA ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẦU NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG, GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1697/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

PHẦN 1: MỞ ĐẦU

I. Khái quát hệ thống giao thông tỉnh An Giang:

An Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; diện tích tự nhiên trên 3.536 km2, dân số hiện có trên 1,9 triệu người. Có gần 100 km đường biên giới giáp 02 tỉnh Kandal và Tàkeo (Vương quốc Cam-pu- chia), với 02 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên và Vĩnh Xương), 02 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông) và nhiều cửa khẩu phụ dọc biên giới hai nước.

1. Hệ thống giao thông đường bộ:

Mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh An Giang bao gồm đường Quốc lộ, Đường tỉnh, đường Đô thị, đường chuyên dùng và đường GTNT (giao thông nông thôn), có tổng chiều dài 5.616,56Km; có 1.911 cầu/73.998mét.

1.1. Đường Quốc lộ:

- Số tuyến: 04 tuyến/153 Km, hiện trạng mặt đường nhựa.

- Số cầu: 66 cầu/5.838 mét.

- Tổng cục đường bộ Việt Nam đã ủy thác cho Sở Giao thông vận tải An Giang quản lý 02 tuyến Quốc lộ 91C, N1 và 16km Quốc lộ 91 đoạn đi qua thành phố Long Xuyên.

1.2. Đường tỉnh:

- Số tuyến: 19 tuyến dài 530 Km.

- Số cầu: 169 cầu/6.799 mét.

1.3. Đường Đô thị:

- Số tuyến: 1.324 tuyến/692 Km.

- Số cầu: 128 cầu/3.392 mét

1.4. Đường chuyên dùng:

Số tuyến: 3 tuyến/8 Km, hiện trạng mặt đường láng nhựa 6 Km; mặt đường đá, gạch 1 Km; mặt đường cấp phối 1 Km.

1.5. Đường GTNT (gồm đường huyện, đường xã):

- Số tuyến: 1.190 tuyến/4.233 Km.

Trong đó: mặt đường nhựa dài 1.390 km; mặt đường bê tông xi măng dài 356 km; mặt đường đá, gạch dài 8 km; mặt đường cấp phối dài 852 km; đường đất dài 1.628 km.

- Số cầu: 1.548 cầu/57.967 mét.

Trong đó: cầu bê tông 344 cầu/11.822 mét; cầu sắt 229 cầu/7.456 mét; cầu gỗ 263 cầu/7.585 mét; cầu treo 372 cầu/15.216 mét; chia theo hệ thống đường huyện và đường xã:

1.5.1. Đường huyện:

- Có 96 tuyến, dài 1.021 Km.

Trong đó: mặt đường nhựa dài 703 km; mặt đường bê tông xi măng dài 67 km; mặt đường cấp phối dài 129 km; đường đất dài 121 km.

- Số cầu: 383 cầu/14.008 mét.

Trong đó: cầu bê tông: 214 cầu/7.481 mét; cầu sắt: 82 cầu/2.803 mét; cầu gỗ: 38 cầu/1.333 mét; cầu treo: 49 cầu/2.389 mét.

1.5.2. Đường xã:

- Có 1.094 tuyến, dài 3.213 Km.

Trong đó: mặt đường nhựa dài 685,7km; mặt đường bê tông xi măng dài 290 km; mặt đường đá, gạch dài 8 km; mặt đường cấp phối dài 723 km; đường đất 1.507 km;

- Số cầu: 342 cầu/10.049 mét.

Trong đó: cầu bê tông: 135 cầu/3.914 mét; cầu sắt: 78 cầu/2.444 mét; cầu gỗ: 91 cầu/2.284mét; cầu treo: 38 cầu/1.407 mét.

2. Hệ thống giao thông đường thủy:

Trên toàn tỉnh hiện có 314 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 2.708 km. Trong đó, Trung ương quản lý có 14 tuyến dài 372 km (một số tuyến chính gồm: sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao, kênh Rạch Giá - Long Xuyên...); Sở Giao thông vận tải quản lý 22 tuyến dài 512km; các huyện, thị xã, thành phố quản lý 278 tuyến dài 1.823km.

II. Sự cần thiết xây dựng Đề án Xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025:

Thời gian qua, tỉnh An Giang đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, với mục tiêu sớm hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thôn nông thôn đạt tiêu chí số 2, Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho khu vực nông thôn, làm tiền đề phát triển công nghiệp và hiện đại hóa khu vực nông thôn, để đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo Nghị Quyết số 23/NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đã đặt ra.

Sự thành công của Đề án Xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2016-2020 (thực hiện hoàn thành 581 cầu/481 cầu, theo Đề án vượt 100 cầu) đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, mức thu nhập của người dân vùng nông thôn và thành thị dần được thu hẹp. Qua đó, đã nâng cao được đời sống về vật chất lẫn tinh thần. Người dân vùng nông thôn từng bước tiếp cận được lối sống văn minh đô thị và góp phần hạn chế việc di dân ra các đô thị lớn.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; mức tăng trưởng của các loại phương tiện vận tải và để đáp ứng yêu cầu theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu nhu cầu cần xây dựng mới cầu GTNT tổng hợp được từ các địa phương đăng ký 160 cầu đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản của nông dân. Vì vậy, việc thực thực hiện tiếp Đề án xã hội hóa xây dựng cầu GTNT giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết.

III. Các căn cứ xây dựng Đề án:

Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn chiến lược đến năm 2030;

Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ huyện nông thôn mới;

Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường GTNT phục vụ Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020”;

Quyết định số 3379/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020;

Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách sửa đổi lần 1 năm 2015;

Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Quyết định số 948/QĐ-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2017 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành hướng dẫn phương pháp xác định, đánh giá mức độ đạt tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định 2548/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2017 UBND tỉnh An Giang về việc ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020;

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10380:2014 Đường GTNT - Yêu cầu thiết kế;

Quyết định số 149/QĐ-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2015 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

PHẦN 2:

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẦU GTNT GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. Tình hình Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2016-2020 (Đề án số 426/ĐA-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2017)

1. Kết quả đạt được:

Sau 05 năm thực hiện Đề án xã hội hóa xây dựng cầu GTNT (Đề án 426) giai đoạn từ 2016-2020, đã có 581 cầu/481 cầu (theo Đề án vượt 100 cầu) được thực hiện hoàn thành, đạt tỷ lệ 120,7% kế hoạch đề ra. Trong đó, Long Xuyên 50 cầu/23 cầu, Châu Đốc 16 cầu/14 cầu, Tân Châu 36 cầu/36 cầu, Chợ Mới 148 cầu /99 cầu, Phú Tân 31 cầu/27 cầu, An Phú 26 cầu/26 cầu, Châu Phú 47cầu/46 cầu, Châu Thành 55 cầu/55 cầu, Thoại Sơn 79 cầu/64 cầu, Tri Tôn 74 cầu/74 cầu, Tịnh Biên 19 cầu/17 cầu.

Chi tiết kết quả thực hiện ở từng địa phương như sau:

Số TT

Tên địa phương

Theo Đề án (2016-2020)

Kết quả thực hiện (2016-2020)

Số lượng theo kế hoạch (cầu)

Số lượng đã hoàn thành (cầu)

Tỷ lệ đạt được so với Đề án (%)

Ghi chú

1

TP. Long Xuyên

23

50

217,39

 

2

TP. Châu Đốc

14

16

114,29

 

3

Thị xã Tân Châu

36

36

100,00

 

4

Huyện Chợ Mới

99

148

149,49

 

5

Huyện Phú Tân

27

31

114,81

 

6

Huyện An Phú

26

26

100,00

 

7

Huyện Châu Phú

46

47

102,17

 

8

Huyện Châu Thành

55

55

100,00

 

9

Huyện Thoại Sơn

64

79

123,44

 

10

Huyện Tri Tôn

74

74

100,00

 

11

Huyện Tịnh Biên

17

19

111,76

 

 

Tổng cộng

481

581

120,79

 

2. Tổng vốn đầu tư cầu xã hội hóa giai đoạn 2016-2020

Đã huy động được nguồn lực với tổng vốn đầu tư là 806 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội là 585 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 72,56%), Nhân dân đóng góp 117.164 ngày công và 1.523m2 đất để làm cầu. Qua đó cho thấy, kết quả vận động xã hội hóa, đã vượt xa dự kiến ban đầu là 480 tỷ đồng của Đề án (dự kiến tổng kinh phí xây ban đầu của Đề án là 1.577 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách Trung ương là 647 tỷ đồng; địa phương là 450 tỷ đồng và vốn xã hội hóa là 480 tỷ đồng).

Cụ thể:

- Nguồn vốn Trung ương: 72.264 triệu đồng.

- Nguồn vốn tỉnh: 40.330 triệu đồng.

- Nguồn vốn huyện, thị xã, thành phố: 68.088 triệu đồng.

- Nguồn vốn xã, thị trấn: 40.562 triệu đồng.

- Nguồn vốn dân đóng góp: 153.091 triệu đồng.

- Ngày công huy động: 117.164 công.

- Dân hiến đất: 1.523 m2.

- Doanh nghiệp đóng góp: 369.043 triệu đồng.

- Nguồn vốn khác: 53.970 triệu đồng.

3. Đánh giá kết quả đạt được:

Đề án xã hội hóa xây dựng cầu GTNT giai đoạn 2016 - 2020 được thực hiện thắng lợi chính là nhờ nguồn lực từ các nhà mạnh thường quân, cũng như tất cả các tầng lớp Nhân dân trong xã hội. Tuy nhiên, chính quyền địa phương ở các cấp vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng, trong việc định hướng và tập hợp nguồn lực để xây dựng. Quá trình thực hiện vừa qua cho thấy, địa phương nào có Cấp ủy, Chính quyền địa phương thật sự quan tâm, theo dõi sát sao thì địa phương đó hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.

Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện Đề án, là tinh thần chia sẻ cộng đồng. Người dân có điều kiện, sẵn sàng góp công, góp của để cùng Nhà nước xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc. Đặc biệt, khi triển khai hoàn thành Đề án xã hội hóa, đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn đối với người dân khu vực nông thôn, tạo được ý thức tự xây dựng và bảo vệ các công trình cầu, đường GTNT.

Trong đó, có nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tài lực để xây dựng cầu GTNT. Đáng chú ý nhất là Chương trình cầu GTNT do Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tạp chí nông thôn Việt vận động các nhà tài trợ hỗ trợ xây dựng cầu khu vực biên giới tổng số là 52 cầu bê tông cốt thép với tổng kinh phí là 82,9 tỷ đồng. Trong đó: vốn tài trợ là 54,6 tỷ đồng, vốn địa phương đối ứng là 28,3 tỷ đồng, cụ thể các cầu đã hoàn thành như sau:

Huyện An Phú: 16 cầu, tổng vốn là 29,3 tỷ đồng (vốn tài trợ 18,5 tỷ đồng, vốn đối ứng là 10,8 tỷ đồng)

Thị xã Tân Châu: 9 cầu, tổng vốn là 14,9 tỷ đồng (vốn tài trợ 11,6 tỷ đồng, vốn đối ứng là 3,3 tỷ đồng)

Huyện Tri Tôn: 16 cầu, tổng vốn là 19,5 tỷ đồng (vốn tài trợ 13,5 tỷ đồng, vốn đối ứng là 6 tỷ đồng)

Huyện Tịnh Biên: 11 cầu, tổng vốn là 19,2 tỷ đồng, (vốn tài trợ 11 tỷ đồng, vốn đối ứng là 8,2 tỷ đồng).

II. Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng GTNT:

1. Thuận lợi:

Mặc dù tình hình kinh tế của tỉnh trong nhiều năm qua còn gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách có hạn, nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, sự vận động tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị xã hội, sự đồng thuận chung sức chung lòng của Nhân dân, đã đầu tư phát triển hệ thống giao thông rộng khắp trong tỉnh như ngày hôm nay.

Với truyền thống “ý đảng, lòng dânˮ và phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làmˮ, đã được các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các địa phương. Nhiều tập thể, doanh nghiệp và người dân đã đóng góp rất tích cực trong xây dựng cầu đường nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Kết hợp chặt chẽ với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên phong trào sâu rộng trong nhân dân và được các Sở, Ngành chuyên môn quan tâm đến chất lượng, kỹ thuật và hiệu quả của GTNT.

Một thực tế đã chứng minh, giao thông phát triển đến đâu thì bộ mặt nông thôn, nhất là vùng sâu thay đổi đến đó. Phong trào xã hội hóa GTNT là phong trào thiết thực, hiệu quả, được lòng dân, kết quả đạt được trong thời gian vừa qua cần nhân rộng.

Từ những cách làm thiết thực và hiệu quả, cùng với sự quan tâm đầu tư của cấp trên, mạnh thường quân, nhà hảo tâm và những đóng góp thiết thực của người dân đã giúp hệ thống giao thông trên địa bàn xã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, góp phần trong công tác xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày thêm phát triển, làm cho diện mạo nông thôn ngày thêm đổi mới.

2. Khó khăn:

Địa hình của tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vùng đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long, dân cư sống tập trung theo tuyến, mỗi con sông kênh có hai tuyến đường bộ hai bên, nên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ tốn rất nhiều kinh phí, đặc biệt là hệ thống cầu.

Hệ thống GTNT đã được đầu tư xây dựng qua nhiều giai đoạn, qua nhiều năm sử dụng, không có nguồn kinh phí bảo trì sửa chữa theo quy định nên bị xuống cấp, phải đầu tư lại rất tốn kém.

Hệ thống GTNT tuy có phát triển đáng kể, nhưng chưa tương xứng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh; phát triển chưa đồng bộ về tải trọng cầu, đường trên cùng tuyến; hệ thống cầu gỗ, cầu xuống cấp vẫn còn chiếm tỉ lệ lớn.

Công tác quản lý xây dựng của cơ quan nhà nước chưa được thực hiện tốt, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân trong quá trình xây dựng cầu, cầu xây dựng không có hồ sơ thiết kế, cầu xây dựng xong không biết được khả năng chịu tải là bao nhiêu, nên không đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác.

Các chương trình mục tiêu trước đây còn đầu tư dàn trãi, chưa tập trung; vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, doanh nghiệp lớn không nhiều ..vv.. nên việc huy động nguồn lực còn nhiều khó khăn.

Đầu tư trước đây mang tính tự phát, không đồng bộ tải trọng giữa cầu và đường, không phát huy hiệu quả đầu tư, làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất ở nông thôn.

Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nông dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, khoảng cách giàu nghèo, giữa thành thị và nông thôn ngày càng gia tăng, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới ..vv..

PHẦN 3:

NỘI DUNG ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA XÂY DỰNG CẦU NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. Tên đề án:

“Xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025”

II. Phạm vi đề án:

Thực hiện đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang.

III. Mục tiêu của đề án:

1. Mục tiêu tổng quát:

Phát huy nội lực trong nhân dân theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, cũng như để lồng ghép các Chương trình mục tiêu vào cùng thực hiện Đề án. Đây được xem là nguồn lực bổ sung kịp thời, giúp khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng sớm hoàn thành.

Đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất kinh doanh của nhân dân khu vực nông thôn theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các cầu xã hội hóa phải được nâng cao về chất lượng lẫn quy mô, đáp ứng yêu cầu tiêu chí số 2 (về giao thông) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, hiện đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Thay thế một số cầu GTNT hiện đang bị xuống cấp, không còn đảm bảo an toàn giao thông, hoặc không đáp ứng được nhu cầu lưu thông cho các loại phương tiện phục vụ sản xuất, kinh doanh theo xu hướng phát triển mới của khu vực nông thôn. Tạo dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GTNT đồng bộ, bền vững, thống nhất quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật trên phạm vi toàn tỉnh. Qua đó, góp phần tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các Doanh nghiệp và Nhà đầu tư gia tăng sản xuất, kinh doanh vào khu vực nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể:

Phạm vi thực hiện chủ yếu trên các tuyến đường đến Trung tâm xã, đường liên xã, liên ấp và các tuyến đường ra cánh đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Các cầu GTNT xã hội hóa đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 phải được thực hiện kiên cố, vững chắc, đạt chất lượng và tuổi thọ theo tiêu chuẩn thiết kế cầu GTNT quy định.

Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thực hiện xã hội hóa hoàn thành tối thiểu 160 cầu GTNT trên toàn tỉnh.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện hoàn thành Đề án là: 404.749 triệu đồng

3. Quy mô và kết cấu cầu:

3.1. Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng:

Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường GTNT phục vụ Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020”.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10380:2014 về Đường GTNT - Yêu cầu thiết kế.

Tiêu chuẩn thiết kế cầu 22 TCN 272-05.

3.2. Quy mô tải trọng và kết cấu:

Quy mô xây dựng của các công trình được chọn để thực hiện, phải phù hợp với Quy hoạch; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới; tải trọng tối thiểu 8 tấn; mặt cầu phần xe lưu thông không nhỏ hơn 4m.

Về kết cấu cầu thực hiện trong giai đoạn này, sẽ được ưu tiên kết cấu bằng bê tông cốt thép hoặc cầu thép mạ kẽm.

4. Suất đầu tư:

4.1. Căn cứ lập đơn giá:

Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Viêt Nam;

Luật số 62/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng;

Nghị định số 15/2021/ND-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 2 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Thông tư số 10/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng;

Thông tư số 11/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng;

Thông tư số 15/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng;

Thông tư số 16/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;

Thông tư số 02/2020/TT-BXD ngày 20/7/2020 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Thông tư có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Quyết định số 3489/QĐ-UBND ngày 21/11/2017 của UBND tỉnh công bố cước vận chuyển hàng hóa dùng cho công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang;

Quyết định số 2179/QĐ-UBND ngày 14/9/2020 của UBND tỉnh công bố lần 2 đơn giá nhân công xây dựng và bảng giá ca máy năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang;

Giá vật liệu xây dựng và trang trí nội thất trên địa bàn tỉnh An Giang được Sở Xây dựng công bố hàng tháng;

4.2. Vật liệu:

Cát, đá các loại: là vật liệu đã có của địa phương.

Sắt, xi măng: tại các địa phương trong tỉnh đều có các đại lý, cửa hàng cung cấp.

Dầm cầu định hình đúc sẵn: mua của nhà máy trong và ngoài tỉnh, đảm bảo chất lượng.

5. Số lượng cầu và nguồn vốn đầu tư:

5.1. Số lượng cầu cần đầu tư:

Đầu tư xây dựng 160 cầu.

Trong đó:

- Thành phố Long Xuyên: 18 cầu.

- Thành phố Châu Đốc: 3 cầu.

- Thị xã Tân Châu: 2 cầu.

- Huyện Chợ Mới: 40 cầu.

- Huyện Phú Tân: 11 cầu.

- Huyện An Phú: 6 cầu.

- Huyện Châu Phú: 8 cầu.

- Huyện Châu Thành: 38 cầu.

- Huyện Tri Tôn: 21 cầu.

- Huyện Tịnh Biên: 1 cầu.

- Huyện Thoại Sơn: 12 cầu.

5.2. Nguồn vốn đầu tư:

Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư: 404.749 triệu đồng

Trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách: 134.178 triệu đồng

- Nguồn vốn xã hội hóa: 270.571 triệu đồng

Vốn ngân sách: các địa phương phân bổ theo kế hoạch hàng năm.

Nguồn vốn dự kiến xã hội hóa: vốn doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp, ngày công lao động, hiến đất và các nguồn huy động hợp pháp khác.

5.2.1. Số cầu nguồn vốn xã hội hóa và vốn ngân sách: 101 cầu

- Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư: 285.889 triệu đồng

Trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách: 134.178 triệu đồng

- Nguồn vốn xã hội hóa: 151.711 triệu đồng

5.2.2. Số cầu nguồn vốn xã hội hóa (100%): 59 cầu

- Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư: 118.860 triệu đồng

* Kèm theo:

- Biểu 1: Tổng hợp cầu GTNT cần đầu tư giai đoạn 2021-2025.

- Biểu 2: Danh mục công trình cầu GTNT cần đầu tư giai đoạn 2021-2025.

- Biểu 3: Danh mục công trình cầu GTNT cần đầu tư nguồn vốn xã hội hóa và vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025.

- Biểu 4: Danh mục công trình cầu GTNT cần đầu tư nguồn vốn xã hội hóa giai đoạn 2021-2025.

6. Phân kỳ đầu tư hàng năm:

Năm 2021: Đầu tư xây dựng 42 cầu, kinh phí 103.720 triệu đồng.

Năm 2022: Đầu tư xây dựng 37 cầu, kinh phí 95.939 triệu đồng.

Năm 2023: Đầu tư xây dựng 35 cầu, kinh phí 92.230triệu đồng.

Năm 2024: Đầu tư xây dựng 26 cầu, kinh phí 65.889 triệu đồng.

Năm 2025: Đầu tư xây dựng 20 cầu, kinh phí 46.971 triệu đồng.

PHẦN 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. Trách nhiệm của các Sở, Ngành và địa phương:

1. Sở Giao thông vận tải:

Xây dựng và triển khai Đề án Xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Giao thông vận tải, hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng xây dựng công trình giao thông.

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch theo đề án. Đồng thời, giúp UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất các biện pháp, cơ chế chính sách thực hiện để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, tham mưu UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách hàng năm cho các địa phương tổ chức thực hiện.

Phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, vận động các nguồn tài trợ của các doanh nghiệp.

Tìm các nguồn vốn từ các Chương trình, Dự án của Bộ Giao thông vận tải để hỗ trợ cho các địa phương.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Đối với danh mục sau khi các huyện, thị, thành phố báo cáo, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu kế hoạch vốn và danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phân bổ vốn cho các địa phương dựa trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được cấp thẩm quyền thông qua.

Tham mưu UBND tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để bảo đảm triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan tham mưu, trình cấp thẩm quyền lồng ghép, phân bổ các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các công trình, dự án thuộc Đề án.

Căn cứ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn cho các dự án thuộc Đề án đúng theo quy định.

Hướng dẫn cơ chế thanh toán vốn nhà nước tham gia vào công trình có sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp.

4. UBND huyện, thành phố, thị xã:

Là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện Đề án tại địa phương, xây dựng kế hoạch hàng năm để thực hiện Đề án.

Chỉ đạo cấp xã tổ chức vận động, huy động các nguồn vốn đóng góp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia xây dựng Đề án.

Ưu tiên bố trí ngân sách của địa phương để tham gia cùng với các nguồn vận động để thực hiện Đề án.

5. UBND xã, phường, thị trấn:

Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương cùng tham gia đầu tư xây dựng cầu GTNT phục vụ giao thông thông suốt cho người dân.

Tổ chức, quản lý và thực hiện việc đầu tư xây dựng cầu GTNT; vận động sự đóng góp của người dân cùng tham gia xây dựng.

Có trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình sau khi xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng trên địa bàn.

II. Trách nhiệm của tổ chức xã hội, đoàn thể và các đơn vị có liên quan:

Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động trong các thành viên, đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia đóng góp về vật chất, tinh thần và ngày công để tham gia xây dựng cầu nông thôn.

Tuyên truyền vận động Nhân dân hưởng ứng tích cực thực hiện Đề án với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động các nguồn đóng góp của nhân dân và giám sát tổ chức thực hiện tốt Đề án.

Tuyên truyền vận động Nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ công trình.

Tùy theo chức năng nhiệm vụ, các đơn vị có liên quan, lồng ghép các chương trình, dự án của ngành cùng tham gia thực hiện Đề án.

Phối hợp kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và chất lượng công trình.

Đề xuất các biện pháp, cơ chế chính sách thực hiện, để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án.

III. Trách nhiệm của công dân:

Mọi công dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, trật tự an toàn giao thông, hành lang an toàn giao thông; kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm đến công trình.

Hưởng ứng tham gia đóng góp công sức, kinh phí theo quy định để xây dựng và bảo trì cầu nông thôn trên địa phương mình.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, phản ánh qua Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.