Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/2017/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, BẢO TRÌ, KHAI THÁC CẦU, ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN; PHÊ DUYỆT QUY TRÌNH QUẢN LÝ, BẢO TRÌ, KHAI THÁC CẦU VÀ CÁC CÔNG TRÌNH ĐẶC BIỆT TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và Bảo trì Công trình Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010;

Căn cứ vào Thông tư số 13/VBHN-BGTVT ngày 03 tháng 7 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 767/TTr-SGTVT ngày 12 tháng 5 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phân công, phân cấp và trách nhiệm quản lý, bảo trì, khai thác cầu, đường giao thông nông thôn; phê duyệt quy trình quản lý, bảo trì, khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây Dựng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

QUY ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, BẢO TRÌ, KHAI THÁC CẦU, ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN; PHÊ DUYỆT QUY TRÌNH QUẢN LÝ, BẢO TRÌ, KHAI THÁC CẦU VÀ CÁC CÔNG TRÌNH ĐẶC BIỆT TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 96/2017/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế )

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định phân công, phân cấp và trách nhiệm quản lý, bảo trì, khai thác hệ thống cầu, đường trên đường giao thông nông thôn; phê duyệt Quy trình quản lý, bảo trì, khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ thực hiện theo Thông tư số 13/VBHN-BGTVT ngày 03/7/2014 của Bộ Giao thông vận tải.

3. Việc quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn thực hiện theo Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29/4/2014 của Bộ Giao thông vận tải.

4. Việc quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn thực hiện theo Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT ngày 08/8/2014 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn quản lý, bảo trì và khai thác đường giao thông nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, bảo trì, khai thác hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đường giao thông nông thôn (sau đây gọi tắt là đường GTNT) là tên gọi chung của các tuyến: Đường trục xã, đường liên xã, đường trục thôn; đường trong ngõ xóm và các điểm dân cư tương đương; đường trục chính nội đồng.

2. Cầu trên đường giao thông nông thôn (sau đây gọi tắt là cầu) bao gồm: Cầu treo, cầu có kết cấu nhịp dạng dầm, dàn, khung, vòm được xây dựng trên các tuyến đường giao thông nông thôn.

3. Công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn là tên gọi chung của hầm đường bộ, bến phà đường bộ và đường ngầm trên đường giao thông nông thôn.

4. Công trình đường giao thông nông thôn gồm: Đường, các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn, cầu, cống, rãnh thoát nước, nơi dừng xe, đỗ xe, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.

5. Bảo trì công trình là tập hợp các công việc bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong suốt quá trình khai thác thác, sử dụng.

6. Quy trình bảo trì công trình đường bộ là quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc bảo trì công trình đường bộ.

7. Cơ quan quản lý đường bộ là Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

8. Chủ quản lý sử dụng đường giao thông nông thôn là tên gọi chung của tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, bảo trì và khai thác và sử dụng đường GTNT do nhà nước đầu tư; Chủ đầu tư đối với đường GTNT không do Nhà nước góp vốn đầu tư; cộng đồng dân cư đối với đường GTNT do cộng đồng đóng góp hoặc các tổ chức, cá nhân đóng góp vốn đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì và khai thác và bảo trì.

9. Đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác đường giao thông nông thôn (sau đây gọi chung là Đơn vị quản lý đường GTNT) là tổ chức, cá nhân được Chủ quản lý sử dụng đường GTNT giao nhiệm vụ, ký kết hợp đồng thực hiện việc quản lý, bảo trì và khai thác đường GTNT, bảo dưỡng thường xuyên đường GTNT.

Chương II

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, BẢO TRÌ, KHAI THÁC CẦU, ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 4. Phân công, phân cấp quản lý, bảo trì, vận hành khai thác cầu, đường giao thông nông thôn

1. Đối với đường thuộc sở hữu Nhà nước:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Chủ quản lý sử dụng đối với các loại công trình sau:

- Đường giao thông nông thôn, cầu giao thông nông thôn do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ vốn đầu tư hoặc nhận bàn giao do cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân đầu tư thuộc hệ thống đường do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

- Cầu trên đường giao thông nông thôn do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý có quy mô gồm: Cầu treo mọi khẩu độ, cầu dàn thép mọi khẩu độ, cầu dầm bê tông có khẩu độ nhịp từ 36m trở lên.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã làm Chủ quản lý sử dụng đối với đường giao thông nông thôn, cầu giao thông nông thôn do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ vốn đầu tư hoặc nhận bàn giao do cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân đầu tư thuộc hệ thống đường do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý trừ các công trình quy định tại Điểm a Khoản này.

2. Đối với đường giao thông nông thôn, cầu giao thông nông thôn do cộng đồng dân cư đóng góp hoặc các tổ chức, cá nhân đóng góp vốn đầu tư xây dựng, Chủ đầu tư là Chủ quản lý sử dụng.

Trường hợp cộng đồng dân cư, cá nhân sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, cầu giao thông nông thôn nhưng không đủ khả năng làm Chủ quản lý sử dụng thì cơ quan được phân cấp tại Khoản 1 Điều này thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ quản lý sử dụng.

3. Trường hợp đường giao thông nông thôn, cầu giao thông nông thôn được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn thì các bên góp vốn thống nhất lựa chọn Chủ quản lý sử dụng.

Điều 5. Trách nhiệm quản lý, bảo trì, khai thác cầu, đường giao thông nông thôn

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Quản lý nhà nước về quản lý, bảo trì, khai thác cầu, đường giao thông nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh.

b) Kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ quản lý sử dụng công trình trong việc thực hiện trách nhiệm trong việc quản lý, bảo trì, khai thác cầu, đường đường giao thông nông thôn theo phân cấp.

c) Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/12 phương án xử lý các kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và Chủ quản lý, sử dụng công trình đối với cầu và đường giao thông nông thôn trên địa bàn khi bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Quản lý nhà nước về quản lý, bảo trì, khai thác cầu, đường trên đường giao thông nông thôn thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo trì, khai thác cầu, đường giao thông nông thôn và tổ chức giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn theo Quy định này và các quy định khác có liên quan.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ quản lý sử dụng công trình thực hiện trách nhiệm trong việc quản lý, bảo trì và khai thác cầu, đường đường giao thông nông thôn theo phân cấp.

d) Tổng hợp tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo trì, bảo trì và khai thác cầu, đường đường giao thông nông thôn trên địa bàn trước ngày 15/12; báo cáo, kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải xử lý đối với cầu và đường giao thông nông thôn trên địa bàn khi bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn khi lưu thông.

e) Hàng năm bố trí kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì và khai thác cầu, đường giao thông nông thôn thuộc cấp huyện quản lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Tổ chức quản lý, bảo trì, vận hành khai thác cầu, đường trên hệ thống đường trục xã, đường liên xã, đường trục thôn, đường trong ngõ xóm và các điểm dân cư tương đương, đường trục chính nội đồng.

b) Kiểm tra, đôn đốc chủ quản lý sử dụng công trình trong việc thực hiện trách nhiệm trong việc quản lý, bảo trì, khai thác cầu, đường đường giao thông nông thôn theo phân cấp.

c) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo trì, vận hành khai thác cầu, đường đường giao thông nông thôn trên địa bàn;

d) Báo cáo, kiến nghị với Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 01/12 giải pháp xử lý đối với cầu và đường giao thông nông thôn trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn.

d) Phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân phá hoại công trình cầu, đường giao thông nông thôn, các công trình giao thông khác, xâm phạm hành lang an toàn đường bộ và các hành vi bị nghiêm cấm khác.

e) Hàng năm xây dựng kế hoạch vốn và cân đối ngân sách cho quản lý, bảo trì, khai thác đường giao thông nông thôn, cầu giao thông nông thôn theo phân công, phân cấp.

4. Chủ quản lý, sử dụng công trình:

a) Tổ chức quản lý, bảo trì, vận hành khai thác cầu, đường trên các tuyến đường, cầu do mình làm chủ quản lý, sử dụng.

b) Thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý, bảo trì, vận hành khai thác cầu, đường và tổ chức giao thông để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình; báo cáo, kiến nghị các biện pháp giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Chương III

PHÊ DUYỆT QUY TRÌNH QUẢN LÝ, BẢO TRÌ VÀ KHAI THÁC CẦU VÀ CÁC CÔNG TRÌNH ĐẶC BIỆT TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 6. Nguyên tắc chung về lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng

1. Quy trình bảo trì phải được chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi là Nghị định số 46/2015/NĐ-CP) trước khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng; phải phù hợp với mục đích sử dụng, loại và cấp công trình xây dựng, hạng mục công trình, thiết bị được xây dựng và lắp đặt vào công trình.

2. Việc bảo trì công trình phải bảo đảm an toàn đối với công trình, người và tài sản.

3. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng.

4. Bảo trì công trình xây dựng, thiết bị công trình phải được thực hiện theo kế hoạch bảo trì và quy trình bảo trì được phê duyệt. Các nội dung về quy trình bảo trì và kế hoạch bảo trì thực hiện theo quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 39 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

5. Việc quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư số 03/2017/TT-BXD ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Bộ Xây dựng: Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự toán bảo trì công trình hoặc thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định để lập, thẩm tra dự toán bảo trì công trình xây dựng làm cơ sở phê duyệt dự toán bảo trì công trình xây dựng.

Điều 7. Trách nhiệm lập và phê duyệt quy trình quản lý, bảo trì, vận hành khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ đầu tư là chủ quản lý sử dụng công trình lập, thẩm định, phê duyệt Quy trình quản lý, bảo trì, khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn.

b) Chấp thuận bằng văn bản đối với Quy trình quản lý, bảo trì, khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn khi có đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ đầu tư là chủ quản lý sử dụng (đối với công trình cầu và công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn do cộng đồng dân cư hoặc các tổ chức, cá nhân đóng góp vốn đầu tư xây dựng).

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy trình quản lý, bảo trì, khai thác, bảo trì các cầu và công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn có sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn quản lý (sau khi lấy ý kiến và được Sở Giao thông vận tải chấp thuận bằng văn bản).

b) Kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ quản lý sử dụng công trình lập, thẩm định, phê duyệt Quy trình quản lý, bảo trì và khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn theo phân cấp quản lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Tổ chức lập Quy trình quản lý, bảo trì và khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, phê duyệt.

b) Kiểm tra, đôn đốc Chủ quản lý sử dụng công trình lập, thẩm định, phê duyệt Quy trình quản lý, bảo trì và khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn theo phân cấp quản lý.

4. Đối với công trình cầu và công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn do cộng đồng dân cư hoặc các tổ chức, cá nhân đóng góp vốn đầu tư xây dựng thì Chủ đầu tư là chủ quản lý sử dụng (người đại diện cho cộng đồng dân cư hoặc tổ chức) có trách nhiệm:

- Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy trình quản lý, bảo trì, khai thác, bảo trì do mình quản lý (sau khi lấy ý kiến và được Sở Giao thông vận tải chấp thuận bằng văn bản).

5. Trường hợp chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình không đủ năng lực thẩm định quy trình thì có thể thuê đơn vị tư vấn đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện thẩm tra, làm cơ sở để thẩm định, phê duyệt.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Xử lý chuyển tiếp

Đối với các cầu đã đưa vào khai thác phải có Quy trình quản lý, bảo trì và khai thác theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29/4/2014 và các công trình đặc biệt đã đưa vào khai thác phải có Quy trình quản lý, bảo trì và khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT ngày 08/8/2014 của Bộ Giao thông vận tải.

Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì rà soát, có văn bản chỉ đạo, các phòng ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ quản lý, sử dụng công trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt ban hành Quy trình quản lý, bảo trì và khai thác cầu và các công trình đặc biệt theo Quy định này; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giao thông vận tải.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:

- Hướng dẫn, kiểm tra theo thẩm quyền việc thực hiện các quy định về quản lý, bảo trì và khai thác và tổ chức giao thông đối với hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn, thống kê phân loại đường giao thông nông thôn.

- Hàng năm, tổng hợp, phân loại cầu, đường giao thông nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giao thông vận tải; tổng hợp tình hình quản lý, bảo trì và khai thác cầu, đường giao thông nông thôn trên toàn tỉnh, danh sách các công trình trên đường giao thông nông thôn hư hỏng, xuống cấp không đủ điều kiện khai thác an toàn để báo cáo, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tuyên truyền, phổ biến đến chủ quản lý, sử dụng công trình về trách nhiệm trong quản lý, bảo trì và khai thác cầu, đường giao thông nông thôn; trách nhiệm lập Quy trình quản lý, bảo trì và khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn theo Quy định này.

- Hàng năm, rà soát, tổng hợp danh sách các công trình cầu, công trình đặc biệt phải lập Quy trình quản lý, bảo trì và khai thác, báo cáo Sở Giao thông vận tải.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến chủ quản lý, sử dụng công trình về trách nhiệm trong quản lý, bảo trì và khai thác cầu, đường giao thông nông thôn; lập Quy trình quản lý, bảo trì và khai thác cầu và các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn quản lý theo đúng Quy định này.

Điều 10. Sửa đổi, bổ sung

Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi tình hình triển khai thực hiện Quy định này của các địa phương, tổ chức, các nhân có liên quan. Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, các địa phương, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.