Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 17/2010/QĐ-UBND

Thành phố Cao Lãnh, ngày 08 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THU PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh về phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT ngày 06 tháng 9 năm 2007 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT/BTC-BTNMT ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Liên bộ Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
Căn cứ Nghị quyết số 39/2005/NQ-HĐND.K7 ngày 16 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng nhân dân Tỉnh Khóa VII, Kỳ họp thứ 5 về việc về việc thông qua mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp;
Căn cứ Nghị định số 26/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 63/2007/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc ban hành Quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Sở Tài chính triển khai và theo dõi việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (I, II);
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- CT & các PCT/UBND tỉnh;
- LĐVP/UBND tỉnh;
- NC (TH, LTPP);
- Lưu VT.HS.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Trọng Nghĩa

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat trên địa bàn bao gồm: hộ gia đình; cơ quan nhà nước; đơn vị vũ trang nhân dân; trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân; các cơ sở rửa xe ô tô, xe máy; bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

Điều 2. Địa bàn áp dụng

Tất cả các đối tượng quy định tại Điều 1 thuộc các xã, phường, thị trấn có sử dụng chung đường ống cấp nước do các đơn vị cấp nước cung ứng.

Chương II

MỨC THU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ CHỨNG TỪ THU PHÍ

Điều 3. Mức thu

Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat là 5% trên giá bán nước sinh họat (chưa tính thuế giá trị gia tăng).

Điều 4. Quản lý và sử dụng tiền phí

1. Quản lý tiền phí: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat là phí thuộc Ngân sách nhà nước, số tiền phí thu được trích như sau:

a) Trường hợp Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước & Môi trường đô thị tổ chức thu: tiền phí thu được để lại cho đơn vị 10% sử dụng cho công tác thu phí; 90% nộp Ngân sách huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thu phí.

b) Trường hợp Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi có hệ thống cấp nước sạch), tổ chức thu từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh khai thác nước để bán cho các hộ dân (ngoài Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước & Môi trường đô thị): căn cứ tiền phí ghi trên hóa đơn bán nước sạch của các đối tượng, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thu tiền phí nộp Ngân sách. Tiền phí thu được để lại cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn 15% để sử dụng cho công tác tổ chức thu phí; 85% phần còn lại nộp Ngân sách huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thu phí.

2. Mục đích sử dụng tiền phí.

a) Chi phí cho công tác tổ chức thu phí:

Việc quản lý và sử dụng tiền phí được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 17 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; khoản 5, Điều 1 Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ; và hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính.

Đơn vị cung cấp nước sạch, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thu phải mở tài khoản “Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để theo dõi, quản lý tiền phí thu được. Hàng tháng, chậm nhất đến ngày 10 của tháng tiếp theo, đơn vị cung cấp nước sạch, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải đến Kho bạc nhà nước nơi giao dịch lập giấy nộp tiền vào Ngân sách nhà nước đối với số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt đã thu được vào tài khoản “Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” tại Kho bạc nhà nước, sau khi đã trừ đi số trích chi phí để lại cho đơn vị theo quy định.

Đơn vị cung cấp nước sạch, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải mở sổ sách kế toán theo dõi riêng, cập nhật số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat phát sinh để thanh toán với Ngân sách nhà nước. Tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt không được hạch toán vào doanh thu của đơn vị cung cấp nước sạch.

Hàng tháng, đơn vị cung cấp nước sạch căn cứ vào số phí thu được thực hiện tính, lập tờ khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT) gửi Cục thuế để theo dõi, quản lý. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ vào số phí thu được thực hiện tính, lập tờ khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT) gửi Chi cục thuế để theo dõi, quản lý. Cuối năm, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện quyết toán với Chi cục thuế việc thu, nộp theo đúng quy định.

Kho bạc nhà nước thực hiện hạch toán số tiền phí bảo vệ môi trường do đơn vị cung cấp nước sạch, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nộp vào chương, lọai, khoản tương ứng, mục và tiểu mục 2601 của Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành và điều tiết Ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Quy định này.

b) Chi cho mục đích bảo vệ môi trường:

Hàng năm, Ngân sách các cấp phải lập dự toán về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat. Các đơn vị có chức năng thu sử dụng nguồn phí này ở các cấp phải lập dự toán cùng thời điểm với dự toán Ngân sách gửi các cơ quan chức năng để tổng hợp vào dự toán ngân sách.

Tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat của Ngân sách huyện, thị xã, thành phố được sử dụng cho việc bảo vệ môi trường, đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước thuộc cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý.

Tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat của Ngân sách xã, phường, thị trấn được sử dụng cho việc bảo vệ môi trường, đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước thuộc cấp xã, phường, thị trấn quản lý.

Điều 5. Chứng từ thu phí

Đối với trường hợp Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước & Môi trường đô thị thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat: sử dụng hóa đơn thu tiền nước sinh họat của đơn vị cung cấp nước sạch để thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat, trên hóa đơn thu tiền nước phải có một dòng thể hiện số tiền thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat.

Đối với trường hợp tự khai thác nước để sử dụng, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn sử dụng biên lai thu phí theo quy định.

Cơ quan Thuế có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị tổ chức, cá nhân thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat về chứng từ thu phí theo quy định hiện hành.

Các tổ chức, cá nhân cung cấp nước sạch cho sinh họat liên hệ với cơ quan Thuế tại địa phương để được hướng dẫn.

Điều 6. Chế độ kế toán

1. Đơn vị tổ chức thu phí phải mở sổ sách, chứng từ kế toán theo dõi số thu, nộp và sử dụng tiền phí thu được theo đúng quy định về chế độ kế toán, thống kê của Nhà nước.

2. Hàng năm, đơn vị tổ chức thu phí phải lập dự toán thu chi gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính, cơ quan thuế cùng cấp (đối với tổ chức thu là Uỷ ban nhân dân các cấp phải gửi cơ quan tài chính, cơ quan thuế cấp trên), Kho bạc nhà nước nơi tổ chức thu theo quy định.

3. Định kỳ phải báo cáo quyết toán việc thu, nộp, sử dụng số tiền phí thu được theo quy định của Nhà nước.

4. Đối với tiền phí để lại cho đơn vị tổ chức thu, sau khi quyết toán đúng chế độ, tiền phí chưa sử dụng hết trong năm được phép chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp theo chế độ quy định.

5. Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện công khai mức thu phí tại nơi thu phí.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước & Môi trường đô thị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện thu phí theo quy định.

Điều 8. Cơ quan Thuế địa phương nơi đơn vị thu đóng trụ sở có trách nhiệm cấp biên lai thu phí cho đơn vị thu; kiểm tra đôn đốc các đơn vị thu phí thực hiện chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phí theo đúng chế độ quy định.

Điều 9. Sở Tài chính có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc thu phí đúng quy định. Định kỳ 6 tháng, năm, tổng hợp báo cáo tình hình việc thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trên địa bàn Tỉnh; theo dõi mức thu phí, tỷ lệ nộp Ngân sách; đồng thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương./.