Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2019/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 11 tháng 9 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ SỬ DỤNG MẠNG TRUYỀN SỐ LIỆU CHUYÊN DÙNG CẤP II TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư 27/2017/TT-BTTTT ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn an ninh thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 38/TTr-STTTT ngày 19 tháng 8 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 9 năm 2019 và thay thế Quyết định số 484/2012/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu - trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cục kiểm tra Văn bản QPPL - Bộ tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên Ban chỉ đạo CQĐT tỉnh;
- Chánh Văn phòng, các PCVP;
- Trung tâm Thông tin - Công báo;
- VNPTiOffice;
- Lưu: VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ SỬ DỤNG MẠNG TRUYỀN SỐ LIỆU CHUYÊN DÙNG CẤP II TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 17/2019/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2019 của UBND tỉnh Hà Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Quy chế này quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh Hà Giang (sau đây viết tắt là mạng TSLCD).

b) Những nội dung không quy định tại Quy chế này thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20/10/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, vận hành và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Mạng TSLCD là hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, được sử dụng riêng trong hoạt động truyền số liệu và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước do Cục Bưu điện Trung ương là chủ mạng, quản lý, điều hành hoạt động mạng.

2. Đơn vị sử dụng mạng TSLCD cấp II là các cơ quan thuộc hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang được kết nối vào mạng TSLCD cấp II.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

1. Là cơ quan quản lý mạng TSLCD cấp II trên địa bàn tỉnh Hà Giang, có trách nhiệm tham mưu, triển khai chương trình, dự án trong hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước trên mạng truyền số liệu chuyên dùng.

2. Là đầu mối phối hợp Cục Bưu điện Trung ương kết nối mạng TSLCD cấp II của tỉnh Hà Giang với mạng TSLCD cấp I theo quy định hiện hành.

3. Chủ trì, phối hợp với các Doanh nghiệp Viễn thông và các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh trong việc cung cấp, khai thác và sử dụng mạng Truyền số liệu chuyên dùng.

4. Thực hiện kết nối mạng TSLCD cấp II thông suốt với Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, phục vụ truy cập ứng dụng nội bộ trong hoạt động cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

5. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai dịch vụ internet chuyên dùng trên mạng TSLCD cấp II của tỉnh;

6. Quy hoạch và triển khai địa chỉ IP v6 trên mạng TSLCD cấp II của tỉnh.

Điều 4. Trách nhiệm của Doanh nghiệp Viễn thông cung cấp hạ tầng và dịch vụ cho mạng TSLCD cấp II

1. Thực hiện báo cáo và chịu sự giám sát, thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông đối với các dịch, vụ cung cấp trên mạng TSLCD cấp II tại tỉnh Hà Giang.

2. Xây dựng hệ thống tương lửa bảo vệ Hệ thống nội bộ mạng TSLCD cấp II, ngăn chặn các truy cập trái phép từ bên ngoài. Có chính sách quản lý Internet thông qua mạng TSLCD cấp II.

3. Huy động hạ tầng, năng lực của doanh nghiệp để ứng cứu khẩn cấp sự cố kỹ thuật theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.

4. Thực hiện niêm yết, công khai giá cước dịch vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Trách nhiệm của đơn vị sử dụng mạng TSLCD cấp II

1. Chịu trách nhiệm quản lý, vận hành và bảo vệ các thiết bị mạng đầu cuối được bàn giao cho đơn vị.

2. Cử cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin để quản trị mạng và tham gia đầy đủ các cuộc họp, hội nghị, lớp tập huấn, các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin do Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.

3. Không thay đổi kết nối, thông số thiết lập mạng của các thiết bị liên quan đến mạng TSLCD khi không thuộc thẩm quyền; không kết nối thiết bị phát wireless vào mạng TSLCD; không gây xung đột tài nguyên ảnh hưởng đến hoạt động mạng TSLCD.

Điều 6. Trách nhiệm của cá nhân sử dụng mạng TSLCD cấp II

1. Tuân thủ những quy định về quản lý, vận hành và sử dụng mạng TSLCD cấp II.

2. Không được tiết lộ mật khẩu truy cập các ứng dụng trên mạng TSLCD cấp II cho tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền.

3. Khi gặp sự cố phải thông báo kịp thời cho Quản trị mạng hoặc bộ phận chuyên trách CNTT của cơ quan, đơn vị để được giải quyết.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Chế độ thông tin báo cáo

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những vấn đề khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh với Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.