Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1780/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 27 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CẤP NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2011-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007 về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 và Thông tư số 48/2008/TTLT-BTC-BNN ngày 12 tháng 6 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT- BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Quyết định số 3295/QĐ-BNN-TL ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn rà soát điều chỉnh quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 493/QĐ-UBND ngày 01 tháng 3 năm 2001 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 122/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020;

Căn cứ Thông báo số 389/TB-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh về việc cho phép lập dự án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2008 của UBND tỉnh về việc Đề cương dự toán kinh phí lập dự án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Báo cáo số 364/BC- SKHĐT ngày 12 tháng 10 năm 2011),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020, với các nội dung chính như sau:

I. TÊN QUY HOẠCH

Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020 (trước đây là Dự án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên đến năm 2020).

II. CHỦ ĐẦU TƯ

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên.

III. MỤC TIÊU ĐẦU TƯ

1. Mục tiêu tổng quát

- Tăng cường sức khỏe cho cộng đồng dân cư nông thôn: bằng cách giảm thiểu các bệnh có liên quan đến nước và vệ sinh nhờ cải thiện việc cấp nước sạch, nhà vệ sinh và nâng cao thực hành vệ sinh của nhân dân.

- Nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn, thông qua cải thiện các dịch vụ cấp nước sạch, vệ sinh; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về bảo vệ môi trường, vệ sinh công cộng và vệ sinh cá nhân. Các công trình cấp nước và vệ sinh hiện nay nếu được cải tiến và nhân rộng sẽ đem lại tiện ích to lớn, nâng cao điều kiện sống cho người dân nông thôn, làm giảm bớt sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.

- Giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do phân người và phân gia súc chưa được xử lý làm ô nhiễm môi trường, gây mùi hôi thối, phát sinh ruồi muỗi, cũng như giảm ô nhiễm hữu cơ các nguồn nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với nước sạch nông thôn:

- Đến năm 2015 có 90% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh;

- Đến năm 2020 tất cả dân cư nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày và sử dụng hố xí hợp vệ sinh nhờ huy động cộng đồng tham gia mạnh mẽ và áp dụng cách tiếp cận dựa vào nhu cầu.

b) Đối với vệ sinh môi trường nông thôn:

- Đến năm 2015 có trên 95% gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; 90% số hộ nông dân có chuồng trại hợp vệ sinh;

- Đến năm 2020, hầu hết dân cư nông thôn thực hành tốt vệ sinh cá nhân và giữ sạch vệ sinh môi trường làng xã nhờ các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông;

- Thu gom và xử lý được trên 90% chất thải sinh hoạt và xử lý về cơ bản chất thải nguy hại, các vùng nông thôn đều có cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn môi trường.

IV. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn

a) Phân vùng cấp nước sạch, hợp vệ sinh nông thôn:

* Vùng có khả năng cấp nước rất thuận lợi (Vùng I):

- Gồm các xã đồng bằng, có địa hình bằng phẳng, có nguồn nước mặt, nước ngầm rất dồi dào. Vùng có các công trình thủy lợi lớn, chủ động nước tưới cho cây trồng và bổ sung nước ngầm. Sử dụng được cả 02 nguồn nước mặt và nước ngầm thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Tổng số dân cư nông thôn trong vùng năm 2015: 266,4 nghìn người và năm 2020: 246,6 nghìn người.

- Giải pháp khai thác nước hợp vệ sinh hợp lý nhất là xây dựng hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn, vừa và nhỏ khai thác bằng nguồn nước ngầm, nước mặt. Ngoài ra còn sử dụng các loại hình như giếng khoan, giếng đào...

* Vùng có khả năng cấp nước tương đối thuận lợi (Vùng II):

- Gồm các xã thuộc vùng đồng bằng ven biển và vùng trung du, có địa hình đồi núi thấp, có tài nguyên nước mặt, nước ngầm tương đối phong phú. Vùng có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và bổ sung lượng nước ngầm. Tổng số dân cư nông thôn trong vùng năm 2015: 161,3 nghìn người và năm 2020: 147,4 nghìn người.

- Giải pháp khai thác nước hợp vệ sinh hợp lý nhất là xây dựng hệ thống cấp nước tập trung quy mô vừa và nhỏ dùng nước mặt, nước ngầm, bên cạnh đó có thể sử dụng các loại hình: giếng khoan đường kính nhỏ, giếng đào.

* Vùng có điều kiện cấp nước khó khăn (Vùng III):

- Thuộc các xã vùng đồng bằng ven biển và vùng trung du có địa hình đồi núi trung bình. Đây là vùng có khả năng xuất hiện các đơn vị chứa nước ngầm có triển vọng nhưng trữ lượng rất hạn chế, trữ lượng nước mặt thấp. Trong vùng chỉ có các công trình thủy lợi nhỏ khả năng bổ sung lượng nước ngầm tại chỗ hạn chế. Vùng ven biển nước ngầm thường bị nhiễm mặn, phèn. Tổng số dân nông thôn trong vùng này vào năm 2015: 167 nghìn người và năm 2020: 152 nghìn người.

- Giải pháp khai thác nước sạch hợp lý là giếng khoan, giếng đào sử dụng chung cho nhiều hộ, hệ thống cấp nước tập trung quy mô vừa và nhỏ, hệ tự chảy.

* Vùng điều kiện cấp nước rất khó khăn (Vùng IV):

- Đây là vùng thuộc phía Tây các huyện miền núi, có nguồn nước ngầm, nước mặt rất khan hiếm vào mùa khô, kinh tế vùng này kém phát triển, mật độ dân cư thấp nhất trong tỉnh. Trong vùng rải rác có một vài công trình thủy lợi nhỏ, bổ sung lượng nước ngầm tại chỗ rất hạn chế (hầu như không có). Tổng số dân nông thôn trong vùng này đến năm 2015: 31,3 nghìn người và năm 2020: 30 nghìn người.

- Giải pháp khai thác nước sạch hợp lý nhất là cấp nước tập trung quy mô nhỏ và hệ tự chảy. Nơi có điều kiện, xây dựng một số giếng khoan, giếng đào sử dụng chung cho nhiều hộ.

b) Các giải pháp công nghệ cấp nước sạch, hợp vệ sinh nông thôn:

* Cấp nước tập trung:

- Hệ thống cấp nước tự chảy: Đây là một trong những các loại hình cấp nước tập trung dẫn nước nhờ trọng lực từ nơi có độ cao lớn hơn về nơi có độ cao nhỏ hơn. Nước từ mạch lộ (hoặc sông, suối) ở vị trí cao hơn khu vực sử dụng nước, được dẫn qua hệ thống xử lý, đưa đến bể chứa nước và cuối cùng đến điểm sử dụng.

- Hệ thống cấp nước bơm dẫn:

+ Sử dụng nguồn nước mặt: Hệ thống cấp nước cho nhiều hộ gia đình, nước được bơm từ sông, suối, hồ qua khâu xử lý chất lượng nước và được chứa trong bể có dung tích lớn. Sau đó nước được bơm lên tháp cao hoặc trực tiếp đẩy thẳng vào hệ thống đường ống dẫn đến các hộ sử dụng (trường hợp không cần tháp chứa). Thường được áp dụng ở vùng dân cư tập trung và có nguồn nước ngầm hạn chế hoặc không sử dụng được cho mục đích ăn uống và sinh hoạt.

+ Sử dụng nguồn nước ngầm: Hệ thống cấp nước cho nhiều hộ gia đình; nước được bơm từ giếng khoan qua khâu xử lý chất lượng nước rồi được chứa trong bể có dung tích lớn. Sau đó nước được bơm lên tháp cao hoặc trực tiếp đẩy thẳng vào đường ống đến các hộ sử dụng (trường hợp không cần tháp chứa). Loại hình cấp nước này giảm được nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và thích hợp vùng đồng bằng đông dân cư có nguồn nước ngầm dồi dào.

- Hệ thống cấp tập trung quy mô nhỏ: Tận dụng giếng khoan đường kính nhỏ, giếng đào, thay bơm tay bằng lắp bơm điện đưa lên tháp nước có thể tích nhỏ, độ cao từ 5 - 7 m, dùng đường ống dẫn đến hộ gia đình, có lắp đồng hồ đo nước phục vụ khoảng 50 - 100 hộ. Loại hình cấp nước này giảm được nguy cơ ô nhiễm nguồn nước có thể áp dụng vùng đồng bằng, vùng núi.

* Cấp nước đơn lẻ:

- Giếng khoan lắp bơm tay: Được áp dụng cho những vùng có tầng chứa nước ngọt. Là giếng thu nước ngầm tầng nông hoặc tầng sâu thường được khoan bằng tay hoặc bằng máy, đường kính nhỏ (thường nhỏ hơn 150 mm).

- Giếng đào: Giếng thu nước ngầm tầng nông thường được gọi là giếng đào hay giếng khơi. Phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện ở nhiều vùng nông thôn.

Áp dụng rộng rãi ở vùng đồng bằng, bán sơn địa.

c) Phương án đầu tư cấp nước cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố:

* Huyện Đồng Xuân: Tỷ lệ cấp nước sạch hợp vệ sinh đến năm 2015 là: 90%, năm 2020 là: 100%.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho các thôn: trong xã Xuân Lãnh, thôn Phú Xuân (xã Xuân Phước), thôn Kỳ Lộ, Suối Cối 1, Suối Cối 2, Đồng Hội (xã Xuân Quang 1), thôn Thạnh Trung, Thạnh Hạ, Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3).

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa và nâng cấp cải tạo, hệ thống xử lý nước: Công trình cấp nước Tân An (xã Xuân Sơn Nam), công trình cấp nước tự chảy thôn Tân Phước (xã Xuân Sơn Bắc), công trình cấp nước bơm dẫn Xuân Quang 2 (xã Xuân Quang 2), công trình cấp nước bơm dẫn thôn Long Thạch (xã Xuân Long), công trình cấp nước tự chảy thôn Phú Tiến để cấp cho 3 thôn Phú Lợi, Phú Hải, Phú Đồng (xã Phú Mỡ), công trình cấp nước bơm dẫn Đa Lộc (xã Đa Lộc).

- Đầu tư mới, cải tạo sửa chữa các công trình giếng đào, giếng khoan rải rác tại các thôn.

* Huyện Sông Hinh: Tỷ lệ cấp nước sạch hợp vệ sinh đến năm 2015 là: 90%, năm 2020 là: 100%.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho các thôn: thôn Nam Giang, Vĩnh Lương (xã Sơn Giang), thôn Tân Lập, Đức Hòa, Đức Hiệp, Chí Thán (xã Đức Bình Đông), công trình cấp nước tập trung quy mô nhỏ ở buôn Thứ, buôn Trinh, buôn Quen, buôn Chung (xã EaBar), thôn Tân Yên, Tân Lập, Tân Bình, Tân Sơn, 2/4, buôn Zô (xã Ealy), buôn Tổng Chính, buôn Mhum (xã EaBia).

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa và nâng cấp cải tạo, hệ thống xử lý nước: Công trình cấp nước Tụy Bình, để cấp nước cho thôn Đồng Phú, Quang Dù (xã Đức Bình Tây), công trình cấp nước bơm dẫn EaLâm; để cấp nước cho buôn Bưng A, B, buôn Gao, buôn Học, buôn Bai (xã EaLâm), công trình cấp nước EaTrol (xã EaTrol), công trình cấp nước bơm dẫn xã Sông Hinh (xã Sông Hinh).

- Đầu tư mới, cải tạo sửa chữa các công trình giếng đào, giếng khoan rải rác tại các thôn.

* Huyện Sơn Hòa: Tỷ lệ cấp nước sạch hợp vệ sinh đến năm 2015 là: 81%, năm 2020 là: 100%.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho các thôn: thôn Nguyên An, Nguyên Cam (xã Sơn Nguyên), thôn Đá Bàn, Gia Trụ, Ma Giấy, Tân Hải (xã Phước Tân), thôn Ma Lưng, Ma Lúa, Ma Đao (xã Cà Lúi).

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa và nâng cấp cải tạo, hệ thống xử lý nước: Công trình cấp nước Ngân Điền, Suối Cau (xã Sơn Hà), công trình cấp nước tự chảy Sơn Nguyên (xã Sơn Nguyên), công trình cấp nước cho Sơn Xuân (xã Sơn Xuân), công trình cấp nước Vân Hòa, Phong Hậu (xã Sơn Long), công trình cấp nước Hòa Bình (xã Sơn Định), công trình cấp nước bơm dẫn thôn Tân Hội (xã Sơn Hội), công trình cấp nước Thống Nhất (xã Suối Trai), công trình cấp nước Krông Pa (xã Krông Pa).

- Đầu tư mới, cải tạo sửa chữa các công trình giếng đào, giếng khoan rải rác tại các thôn.

* Thị xã Sông Cầu: Tỷ lệ cấp nước sạch hợp vệ sinh đến năm 2015 là: 89,4%, năm 2020 là: 100%.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho các thôn: thôn Long Phước, khu dân cư thôn Bình Tây, khu dân cư thôn Cao Phong (xã Xuân Lâm), thôn Long Phước (xã Xuân Lộc), thôn Bình Thạnh Nam, Bình Thạnh, Tuyết Diêm (xã Xuân Bình), thôn Hòa Hội, Hòa Mỹ, Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh), cho chợ thôn 2, chợ thôn 4 (xã Xuân Hải), thôn Phú Dương (xã Xuân Thịnh), thôn Triều Sơn, thôn Tân Thanh, thôn An Thanh (xã Xuân Thọ 2).

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa và nâng cấp cải tạo, hệ thống xử lý nước: Công trình cấp nước tự chảy thôn Lệ Uyên và công trình cấp nước tự chảy thôn Dân Phú (xã Xuân Phương). Đấu nối mở rộng hệ thống cấp nước đô thị của thị trấn Sông Cầu cho thôn Chánh Bắc, Chánh Nam, kéo dài về thôn Nhiêu Hậu và Phương Lưu.

- Đầu tư mới, cải tạo sửa chữa các công trình giếng đào, giếng khoan rải rác tại các thôn.

* Huyện Tuy An: Tỷ lệ cấp nước sạch hợp vệ sinh đến năm 2015 là: 90%, năm 2020 là: 100%.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho các thôn: thôn Phú Thịnh, Hòa Hậu (xã An Thạch), thôn Phú Hạnh (xã An Ninh Đông), thôn Bình Thạnh, Diêm Điền, thôn Hội Phú (xã An Ninh Tây), trong xã An Nghiệp, thôn Tân Long (xã An Cư), thôn Mỹ Quang Bắc, Mỹ Quang Nam (xã An Chấn).

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa và nâng cấp cải tạo, hệ thống xử lý nước: Công trình cấp nước bơm dẫn thôn Cần Lương (xã An Dân), công trình cấp nước bơm dẫn thôn Tân Hòa (xã An Hòa), công trình cấp nước bơm dẫn Đồng Môn (xã An Hải), công trình cấp nước bơm dẫn An Xuân (xã An Xuân).

- Đầu tư mới, cải tạo sửa chữa các công trình giếng đào, giếng khoan rải rác tại các thôn.

* Huyện Phú Hòa: Tỷ lệ cấp nước sạch và hợp vệ sinh đến năm 2015 là: 100%.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho các thôn:

thôn Vĩnh Phú (xã Hòa An), thôn Long Tường, Phụng Tường, Quy Hậu (xã Hòa Trị), thôn Phong Niên, Mỹ Thành, Mỹ Hòa, Đông Lộc (xã Hòa Thắng), thôn Phú Sen Đông, Phú Sen Tây (xã Hòa Định Tây), thôn Phong Hậu (xã Hòa Hội), thôn Mậu Lâm Nam (xã Hòa Quang Nam).

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa và nâng cấp cải tạo, hệ thống xử lý nước: công trình cấp nước để cấp nước cho thôn Mậu Lâm Bắc, Ngọc Sơn Đông (xã Hòa Quang Bắc).

- Đầu tư mới, cải tạo sửa chữa các công trình giếng đào, giếng khoan rải rác tại các thôn.

* Huyện Tây Hòa: Tỷ lệ cấp nước sạch và hợp vệ sinh đến năm 2015 là: 97%, năm 2020 là: 100%.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho các thôn: thôn Phước Nông (xã Hòa Bình 1), thôn Xuân Thạnh 2, TT chợ chiều Hội Cư, khu dịch vụ thôn Phú Khánh, UBND xã, trường Phạm Đình Quy (xã Hòa Tân Tây), trong xã Hòa Phong, trong xã Hòa Đồng, thôn Mỹ Phú, Mỹ Trung, Mỹ Xuân (xã Hòa Thịnh), thôn Phú Nhiêu (xã Hòa Mỹ Đông), trong xã Hòa Mỹ Tây, thôn Lương Phước (xã Hòa Phú), trong xã Sơn Thành Đông, đấu nối với công trình cấp nước Sơn Thành Đông để cấp nước cho thôn Lạc Đạo, Đá Mài (xã Sơn Thành Tây).

- Đầu tư mới, cải tạo sửa chữa các công trình giếng đào, giếng khoan rải rác tại các thôn.

* Huyện Đông Hòa: Tỷ lệ cấp nước sạch và hợp vệ sinh đến năm 2015 là: 98,6%, năm 2020 là: 100%.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho các thôn: thôn Phước Lộc 1, thôn Lộc Đông (xã Hòa Thành), thôn Phước Lâm, thôn Mỹ Hòa, thôn Uất Lâm (xã Hòa Hiệp Bắc), thôn Phú Hiệp 1, thôn Phú Hiệp 2, thôn Phú Hòa (xã Hòa Hiệp Trung), thôn Đa Ngư, thôn Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam), thôn Phú Lương, thôn Đồng Thạnh, thôn Vĩnh Xuân, thôn Cảnh Phước (xã Hòa Tân Đông), thôn Thạnh Tuân 1, thôn Thạnh Tuân 2, thôn Hiệp Đồng, thôn Phú Khê 2, thôn Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Đông), thôn Thạch Chẩm, thôn Nam Bình 2, thôn Bàn Nham Bắc (xã Hòa Xuân Tây), thôn Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam), thôn Phước Giang (xã Hòa Tâm).

- Đầu tư mới, cải tạo sửa chữa các công trình giếng đào, giếng khoan rải rác các thôn.

* Thành phố Tuy Hòa: Tỷ lệ cấp nước sạch hợp vệ sinh đến năm 2015 là: 98%, năm 2020 là: 100%.

- Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho các thôn: thôn Phú Lương, thôn Phú Liên, thôn Xuân Dục (xã An Phú), thôn Minh Đức, thôn Ngọc Phong, thôn Cẩm Tú, Sơn Thọ, Thọ Nưa (xã Hòa Kiến).

- Đầu tư mới, cải tạo sửa chữa các công trình giếng đào, giếng khoan rải rác các thôn.

d) Nhu cầu vốn đầu tư:

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho nước sạch, hợp vệ sinh: 450 tỷ đồng.

- Phân ra từng giai đoạn:

+ Giai đoạn 2011-2015: 255 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2016-2020: 195 tỷ đồng.

e) Các dự án ưu tiên đầu tư: Theo phụ lục đính kèm.

4. Quy hoạch vệ sinh môi trường nông thôn

a) Những giải pháp công trình bảo vệ vệ sinh môi trường nông thôn:

* Các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh:

- Nhà tiêu khô: Áp dụng thích hợp với hộ gia đình vùng miền núi, trung du…, nơi đất đủ rộng, đất ít thấm và hiếm nước sinh hoạt;

- Nhà tiêu đào cải tiến (Nhà tiêu chìm có ống thông hơi): Áp dụng cho những vùng nguồn nước và điều kiện địa lý khó khăn. Thích hợp với hộ gia đình vùng miền núi, trung du…, nơi đất đủ rộng, đất ít thấm và hiếm nước;

- Nhà tiêu sinh thái (Nhà tiêu hai ngăn ủ phân tại chỗ): Chi phí đầu tư không cao, kỹ thuật xây dựng và vận hành đơn giản, phù hợp tập quán sử dụng phân bón nông nghiệp, không làm ô nhiễm môi trường;

- Nhà tiêu dội nước:

+ Nhà tiêu thấm, dội: Áp dụng nơi có nguồn nước dồi dào, chất đất dễ thấm, không có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm;

+ Nhà tiêu tự hoại: Áp dụng nơi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, dân cư đông đúc, nguồn nước dồi dào và không có nhu cầu sử dụng phân.

b) Các công trình chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh:

* Công trình chuồng trại hợp vệ sinh: Yêu cầu:

- Không làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước xung quanh;

- Không có mùi hôi thối, không làm mất mỹ quan ngoại cảnh;

- Không có ruồi, nhặng và côn trùng truyền bệnh khác;

- Có hệ thống thoát nước, ngăn ủ phân riêng;

- Dễ sử dụng, dễ bảo quản và sửa chữa;

- Phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như phong tục tập quán của người dân địa phương;

- Giá thành hạ phù hợp với thu nhập của người dân, đồng thời tận dụng nhân lực và nguyên vật liệu sẵn có của địa phương.

* Xử lý chất thải chăn nuôi hộ gia đình:

- Bón phân tươi;

- Dùng làm thức ăn cho cá;

- Thức ăn tái chế cho gia súc;

- Sản xuất phân hữu cơ;

- Sản xuất sinh khối giun đất.

* Công nghệ Biogas: Biogas là công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi có hiệu quả vừa xử lý các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, hạn chế các nguy cơ truyền bệnh vừa tạo ra khí để sử dụng đun nấu.

c) Mô hình xử lý chất thải nông thôn:

* Mô hình xử lý rác:

- Theo tập quán xử lý rác nông thôn: Quá trình thu gom và xử lý rác: Rác thải được phân loại và xử lý trong không gian mỗi nhà, công trình công cộng. Các hộ dân sẽ tiến hành phân loại rác thải gia đình ngay tại nhà, với các loại rác như thức ăn thừa, lá cây,... được ủ làm phân bón hoặc chôn lấp ngay trong vườn nhà; Với các loại rác thải vô cơ như chai nhựa, chai thủy tinh, lon bia, nước giải khát, một số đồ nhựa, bìa carton, giấy... có thể đem bán cho người thu mua phế liệu. Còn lại các loại khác như vật liệu phế thải xây dựng, bao nylon, sành sứ,... sẽ tái sử dụng hoặc dồn một góc vườn;

- Theo dịch vụ thu gom rác: Quá trình thu gom và xử lý rác: Rác thải được thu gom tại các hộ gia đình, công trình công cộng, sau đó được vận chuyển và xử lý tại bãi chứa rác thải.

* Mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn:

- Mô hình xử lý nước thải trong khuôn viên hộ gia đình:

+ Cách 1: Quá trình xử lý nước thải: Nước thải sinh hoạt cho chảy theo rãnh, đường ống tập trung vào một hố góc vườn, lắng lọc và phân hủy tự nhiên;

+ Cách 2: Quá trình xử lý nước thải: Nước thải sinh hoạt cho chảy theo rãnh, đường ống, tập trung vào một công trình chứa nước (xây ngầm) rồi chảy vào công trình thấm (xây ngầm) lắng lọc tự nhiên và phân hủy tự nhiên;

- Mô hình xử lý nước thải ngoài khuôn viên hộ gia đình: Quá trình xử lý nước thải: Nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, công trình công cộng theo rãnh, cống dọc theo đường làng chảy tập trung vào công trình xử lý chất thải tập trung.

d) Các giải pháp bảo quản và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

- Quản lý hoạt động buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

- Giải pháp bảo quản thuốc bảo vệ thực vật;

- Giải pháp tuyên truyền sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

e) Phân vùng vệ sinh môi trường nông thôn:

- Vùng miền núi: Gồm 03 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và các xã An Xuân, An Lĩnh, An Thọ (Tuy An); Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa); Hòa Hội (Phú Hòa); Xuân Lâm (Sông Cầu). Tổng số hộ vùng núi năm 2020 khoảng 37.362 hộ;

- Vùng ven biển: Gồm 04 huyện, thị xã, thành phố ven biển (trừ các xã thuộc vùng miền núi), tổng số hộ vùng này vào năm 2020 khoảng 45.950 hộ;

- Vùng đồng bằng: Gồm 02 huyện Phú Hòa và Tây Hòa (trừ các xã thuộc vùng miền núi), tổng số hộ gia đình vùng này năm 2020 khoảng 37.708 hộ;

Các loại hình chủ yếu là hố xí hai ngăn, một ngăn và hố xí dội nước tự hoại.

g) Nhu cầu vốn đầu tư:

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho vệ sinh môi trường nông thôn: 530 tỷ đồng.

- Phân ra từng giai đoạn:

+ Giai đoạn 2011-2015: 304 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2016-2020: 226 tỷ đồng.

5. Một số giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Về vốn đầu tư:

* Ước tính nhu cầu vốn và dự kiến nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2011-2020: Tổng vốn đầu tư: 1.010 tỷ đồng.

Trong đó:

- Cấp nước sạch, hợp vệ sinh: 450 tỷ đồng.

- Vệ sinh môi trường nông thôn: 530 tỷ đồng.

- Đào tạo, tuyên truyền,…: 30 tỷ đồng.

* Giải pháp huy động vốn đầu tư:

- Nguồn từ ngân sách đầu tư, hỗ trợ chiếm tỷ lệ 35%.

- Nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ 10%.

- Vốn vay tín dụng chiếm tỷ lệ 25%.

- Các nguồn khác (ODA, JICA,…) chiếm tỷ lệ 30%.

* Đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó xã hội hóa nguồn lực tài chính làm trọng tâm bằng cách vận động, ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích sự tham gia của nhân dân, các thành phần kinh tế và toàn xã hội đầu tư vào nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Khai thác tốt nguồn vốn ngân sách đầu tư tập trung, tranh thủ các nguồn đầu tư của các Bộ, ngành, Trung ương; vốn tín dụng Nhà nước và các Chương trình mục tiêu. Sử dụng nguồn vốn của ngân sách Nhà nước tạo ra nhiều mô hình kinh tế thực hiện cấp nước và vệ sinh nông thôn, triển khai áp dụng các công trình mẫu tạo ra môi trường đầu tư thấp, thu hút các thành phần kinh tế khác đầu tư.

- Khuyến khích khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung bằng các chính sách ưu đãi như chính sách về đất đai, giảm thuế, miễn thuế, vay tín dụng…Thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, chủ động tìm kiếm các nhà tài trợ, tăng cường quan hệ với các Bộ, ngành Trung ương để tiếp nhận thông tin, chuẩn bị các dự án từ nguồn ODA thích hợp.

- Thực hiện lồng ghép với các dự án khác của chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tập hợp các nguồn lực nhằm giải quyết cơ bản tình trạng khan hiếm nước ở các xã khó khăn về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

* Xây dựng và ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2020, mở rộng các dự án đầu tư theo hình thức BOT.

b) Truyền thông giáo dục:

- Hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông được tiến hành thực hiện trên quy mô rộng lớn và ở tất cả các cấp từ tuyến tỉnh, huyện đến xã, thôn, buôn.

- Hình thức truyền thông được tổ chức đa dạng, từ phương thức truyền thông trực tiếp đến truyền thông đại chúng và các chiến dịch truyền thông phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, văn hóa giữa các vùng; đồng thời phải được lồng ghép vào các hoạt động khác tạo điều kiện cho người dân cùng một lúc có thể tiếp cận được với nhiều loại thông tin mà họ cần, trên cơ sở đó giúp họ đưa ra được quyết định hợp lý nhất.

- Bên cạnh đó cần tập trung tổ chức các hoạt động nhằm thay đổi hành vi vệ sinh của người dân đối với việc sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường, nguồn nước, giữ gìn vệ sinh công cộng và vệ sinh cá nhân.

- Nâng cao năng lực của hệ thống truyền thông giáo dục đến cơ sở. Đảm bảo tài chính, cơ sở làm việc và trang thiết bị cho hoạt động truyền thông, tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ truyền thông cấp xã, thôn.

c) Về đào tạo nguồn nhân lực:

- Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực được thực hiện đối với mọi cấp và với tất cả cán bộ nhân viên trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường như: cán bộ chỉ đạo, cán bộ quản lý, lập kế hoạch, chương trình, kỹ thuật, tài chính, tín dụng, đặc biệt là đào tạo cho nhân viên quản lý và công nhân vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng công trình cấp nước sạch và vệ sinh.

- Cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực ở cấp huyện, xã để thực hiện tốt hơn vai trò mới của mình vì cấp huyện và đặc biệt là cấp xã không có cán bộ chuyên trách về công tác này.

- Nội dung đào tạo lưu ý tập trung vào một số lĩnh vực: Nâng cao năng lực lập kế hoạch, quản lý, giám sát, đánh giá cho cán bộ; Nâng cao năng lực về kỹ thuật xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh tại cộng đồng; Kỹ năng truyền thông; Giám sát đánh giá dự án.

d) Về cơ chế quản lý và điều hành:

Kiện toàn, sắp xếp hợp lý các tổ chức cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở các cấp, đặc biệt là đơn vị cơ sở, nhất là thôn, bản. Tập trung vào việc tổ chức thực hiện, đề xuất kế hoạch, quản lý và giám sát, đào tạo cho cán bộ cơ sở, huy động cộng đồng, đánh giá thực hiện, báo cáo, khảo sát thực tế, xây dựng các tài liệu truyền thông phù hợp với địa bàn, tổ chức các hoạt động truyền thông và hướng dẫn kỹ thuật ở các cấp.

e) Về khoa học công nghệ:

- Đa dạng hóa các loại hình công nghệ khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý và nâng cao chất lượng nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, đảm bảo nguyên tắc bền vững. Ưu tiên tìm kiếm và tận dụng các nguồn nước ổn định đối với các vùng khó khăn, cấp nước tập trung cho những vùng dân cư đông và tập trung, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước hiện có.

- Phát triển đội ngũ lao động làm công tác khoa học công nghệ trong các lĩnh vực công nước sạch, vệ sinh môi trường.

- Tiếp tục nghiên cứu, điều tra cơ bản về các nguồn tài nguyên nước như trữ lượng nước mặt, nước ngầm, nước mưa, khả năng khai thác, số lượng khai thác, khả năng phục hồi nguồn nước. Các cơ sở dữ liệu trên tạo điều kiện thuận lợi phục vụ khai thác và sử dụng tổng hợp có hiệu quả tài nguyên nước, quản lý tài nguyên nước. Đồng thời vận động mọi người không phá rừng, sử dụng các loại hình vệ sinh môi trường được chuẩn hóa tạo điều kiện bảo vệ và cải thiện môi trường, tránh bệnh tật, lũ lụt, hạn hán.

g) Về xã hội hóa trong đầu tư và khai thác:

- Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển thị trường nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nhà nước khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế thông qua các cơ chế chính sách đảm bảo nguyên tắc các thành phần kinh tế được coi trọng và đối xử bình đẳng.

- Thực hiện tốt các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế xã hội đầu tư phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo định hướng của nhà nước: chính sách đất đai; chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách thuế, phí, lệ phí. …

- Huy động sự tham gia của cộng đồng, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong tất cả các giai đoạn của dự án.

- Tăng cường tính pháp lý và chế tài xử phạt đối với các vi phạm trong hoạt động cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

h) Về cơ chế, chính sách:

- Xây dựng chương trình hành động và ưu tiên hơn cho công trình vệ sinh và tăng kinh phí cho vấn đề liên quan đến nghèo đói, môi trường và sức khỏe.

- Phân cấp quản lý cho cấp huyện, xã đảm bảo cho các địa phương điều hành và kiểm soát được chi tiết việc lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Xây dựng một chương trình riêng cho việc đầu tư các công trình vệ sinh, được cung cấp ngân sách tận tình và năng lực thể chế tốt để giải quyết khó khăn, thách thức của mảng vệ sinh.

- Hỗ trợ có hiệu quả cho các vùng và những người đang cần nhất, dựa trên cải tiến việc lập kế hoạch chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn xuất phát từ cơ sở.

- Tiến hành rà soát, sửa đổi và đề nghị bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thúc đẩy thực hiện chương trình và tạo cơ sở pháp lý để quản lý tốt các thành quả về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đạt được.

- Củng cố Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó phải có 2 đơn vị gồm: “cấp nước” và “vệ sinh nông thôn”.

k) Về điều hành và tổ chức thực hiện:

- Công khai hóa quy hoạch: Sau khi quy hoạch đã được phê duyệt cần tổ chức giới thiệu công khai quy hoạch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn.

- Tổ chức thực hiện quy hoạch:

+ Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn là cơ quan thường trực, phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh về triển khai và điều hành thực hiện Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020.

+ Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn của mình, trên cơ sở đó xác định các dự án thứ tự ưu tiên đầu tư và thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch:

+ Thiết lập hệ thống và tăng cường kiểm tra giám sát ở cấp huyện, xã. Giám sát và đánh giá tập trung vào kết quả thực hiện các mục tiêu trong quy hoạch, về số lượng, chất lượng công trình, chất lượng nước bao gồm cả giám sát quá trình thực hiện từ khảo sát lập dự án, xây dựng, quản lý vận hành. Tăng cường tham gia của cộng đồng đảm bảo minh bạch, công khai dân chủ trong quá trình thực hiện.

+ Tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát thực hiện quy hoạch.

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Xây dựng; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố; Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự