Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1787/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 11 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2014

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 14/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

Xét đề nghị của Bảo hiểm xã hội tỉnh tại Tờ trình số 561/TTr-BHXH ngày 23/7/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2014.

Điều 2. Giao

1. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội đoàn thể và UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án này.

- Tổng hợp tình hình thực hiện, thường xuyên báo cáo kết quả và đề xuất các giải pháp thực hiện cụ thể về UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch và phân bổ kinh phí hàng năm để thực hiện Đề án này.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành, kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Phong

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2012 – 2014
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1787/QĐ-UBND ngày 11/9/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC NĂM 2011

I. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI

Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới; các quy định của pháp luật về công tác bảo hiểm y tế; chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo hiểm y tế, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện như sau:

- Tập trung tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách thích hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn ngân sách để củng cố và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh, (KCB), đặc biệt là mạng lưới y tế cấp cơ sở đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa phương; thực hiện tốt công tác quản lý quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo việc cân đối thu, chi quỹ bảo hiểm y tế nhằm xây dựng tính bền vững của quỹ; tăng cường và thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế ở các cấp, các ngành, các đoàn thể, các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp; từng bước hạn chế tình trạng không tham gia hay nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài của các doanh nghiệp; thực hiện tốt việc kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để phát hiện, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ bảo hiểm y tế.

- Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và củ tỉnh; tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung nguồn nhân lực và cải cách hành chính để phục vụ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

- Đảm bảo kinh phí hỗ trợ toàn phần hoặc một phần cho các đối tượng mua thẻ BHYT theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng kế hoạch và chủ động phối hợp liên ngành hướng dẫn xác định hộ nghèo, cận nghèo và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện bảo hiểm y tế cho các đối tượng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách và đối tượng hộ cận nghèo.

- Chỉ đạo các phương tiện truyền thông đại chúng, ưu tiên dành thời lượng thích hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm y tế để vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế.

- Ngành BHXH phân cấp mạnh cho cấp huyện, thị về nghiệp vụ chuyên môn để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia BHYT.

Nhìn chung, các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ NĂM 2011

1. Chỉ tiêu về số người tham gia và số thu

Năm 2011 đã có thêm 93.734 người tham gia BHYT, tăng 27,6% so với năm 2010 (từ 339.240 người, lên 432.974 người).

Tỷ lệ đạt được so với dân số như sau:

Năm

Dân số

Thực hiện

Số người

% dân số

2011

887.881

432.974

48,76

Năm 2011, ngân sách nhà nước (NSNN) đã hỗ trợ đóng 100% giá trị thẻ BHYT cho 201.484 người (cán bộ xã hưởng trợ cấp từ NSNN; người có công với cách mạng; cựu chiến binh; đại biểu quốc hội, HĐND; bảo trợ xã hội; thân nhân Quân đội, công an, cơ yếu; trẻ em dưới 6 tuổi); đối tượng được NSNN hỗ trợ mức đóng 50% (hộ cận nghèo) là 351 người; đối tượng được hỗ trợ mức đóng 30% (học sinh, sinh viên) là 93.745 người; đối tượng tham gia BHYT bắt buộc khác (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…) trích từ lương và thu nhập là: 69.004 người; đối tượng tham gia BHYT tự nguyện (nhân dân chưa có hỗ trợ từ NSNN, tự đóng 100%): 37.448 người.

2. Kết quả về tuyên truyền vận động

Thông qua nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, số người được tiếp cận thông tin về chính sách BHYT ngày càng nhiều. Bước đầu, một bộ phận nhân dân ở vùng nông thôn, vùng sâu đã tiếp cận được với các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.

3. Công tác phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành

Công tác phối hợp trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHYT của các cấp, các ngành ngày một tốt hơn, ngành Y tế và BHXH đã phối hợp vận động, phát triển đối tượng, quản lý quỹ BHYT, tổ chức khám, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT.

Kết quả thực hiện khám, chữa bệnh BHYT:

Năm

Số lượt người khám, chữa bệnh BHYT

Bình quân số lần KCB/năm

Tổng chi phí KCB BHYT

Tổng số

Nội trú

Ngoại trú

2011

653.807

56.922

596.885

1,51

138.401.000.000

Số lượt người khám, chữa bệnh BHYT tăng 9%; số tiền thanh toán, chi trả tăng 40,3% so với năm 2010.

III. TỒN TẠI, YẾU KÉM

Thực tiễn quá trình triển khai chính sách pháp luật về BHYT trong những năm qua, kể cả sau khi luật BHYT có hiệu lực, cho thấy một số nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng không thực hiện nghiêm các quy định của luật. Đồng thời, trong tổ chức thực thi luật BHYT, việc thiếu đồng bộ về phương pháp cũng như sự phối hợp dẫn đến hạn chế trong mở rộng đối tượng đối với một số nhóm đặc thu, cụ thể:

1. Đối với người lao động trong các doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân) không đóng, trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT cho người lao động, nguyên nhân chính là do nhận thức của chủ sử dụng lao động về chính sách BHYT chưa đầy đủ, trách nhiệm thực thi pháp luật chưa nghiêm. Người lao động còn thiếu thông tin về quyền lợi BHYT hoặc hiểu biết về chính sách BHYT hạn chế nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi hoặc không muốn tham gia vì sợ ảnh hưởng tới thu nhập; tổ chức công đoàn ở nhiều nơi chưa thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động theo quy định của Luật BHYT.

2. Đối với học sinh, sinh viên:

Sự phối hợp giữa Sở Giáo dục – đào tạo và BHXH tỉnh trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật BHYT đối với học sinh, sinh viên chưa chặt chẽ và hiệu quả. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cũng đang tham gia nhiều loại hình bảo hiểm thương mại khác nên ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT.

3. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi:

Công tác lập danh sách, bàn giao danh sách trẻ em dưới 6 tuổi giữa UBND cấp xã, phường, cơ quan Lao động – Thương binh và xã hội và cơ quan BHXH còn chậm.

Tình trạng trẻ em dưới 6 tuổi đi KCB không có thẻ BHYT, sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh còn khá phổ biến gây khó khăn trong việc quản lý sử dụng thẻ BHYT, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

4. Đối với người tự nguyện tham gia BHYT:

- Số người tự nguyện tham gia BHYT còn thấp, đa số người tham gia BHYT là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh có chi phí điều trị cao.

- Tại một số địa phương, chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức trong vận động hay tổ chức phối hợp với cơ quan BHXH trong tuyên truyền vận động, người dân thiếu thông tin để được tham gia BHYT; chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của một số cơ sở KCB BHYT chưa thật tốt, đã làm giảm lòng tin của người tham gia BHYT.

5. Chính sách đối với hộ cận nghèo chưa thúc đẩy việc tham gia BHYT

Điều kiện kinh tế của nhóm đối tượng cận nghèo thực sự không có khác biệt nhiều so với nhóm đối tượng nhưng các chính sách ưu đãi cho nhóm đối tượng cận nghèo lại hạn chế hơn nhiều so với đối tượng người nghèo. Mặt khác, mức cùng chi trả 20% như quy định hiện nay và không có trần giới hạn mức cùng chi trả trong 1 năm cũng được xem là một rào cản hạn chế sự tiếp cận của người cận nghèo đối với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

6. Công tác truyền thông, tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu

- Công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách BHYT thực hiện chưa thường xuyên và phương thức chưa phù hợp, chưa có chiều sâu dẫn tới việc tiếp cận với thông tin về chính sách BHYT còn rất hạn chế.

- Một số địa phương chưa thấy rõ trách nhiệm tuyên truyền về chính sách BHYT, UBND các cấp coi đây là trách nhiệm của riêng ngành BHXH nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

- Chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các Đoàn thể quần chúng trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tham gia BHYT.

7. Khả năng đáp ứng và tiếp cận dịch vụ y tế

Chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung còn chưa đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân nhất là tuyến y tế cơ sở và các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy định phạm vi chuyên môn, năng lực cán bộ còn hạn chế.

Thủ tục khám chữa bệnh BHYT còn phiền hà, chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế, quyền lợi còn bị giới hạn, quy trình chuyển tuyến còn phiền hà hoặc thẻ BHYT chỉ có giá trị tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT nên đã làm giảm đi phần nào ý nghĩa và giá trị khi tham gia BHYT. Đây cũng là nguyên nhân làm cho người dân không muốn tham gia BHYT, với nhiều người, BHYT chỉ thực sự có giá trị khi mắc bệnh nặng hoặc phải vào điều trị nội trú.

8. Hệ thống tổ chức thực hiện BHYT

Công tác phối hợp của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện chính sách BHYT có nơi, có lúc còn nặng về hình thức, ít chú trọng chất lượng, hiệu quả. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện về chính sách BHYT tại cơ sở, đặc biệt chính quyền cấp xã, thôn, ấp.

IV. NGUYÊN NHÂN

1. Nguyên nhân kết quả đạt được

- Luật Bảo hiểm y tế được ban hành ngày 14/11/2008 đã tạo hành lang pháp lý trong triển khai thực hiện chính sách BHYT.

- Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 12/01/2010 của Tỉnh ủy Bình Phước đã đề ra quan điểm, định hướng và giải pháp hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng trong thực thi chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua BHYT.

- Chính sách BHYT ngày càng thể hiện rõ vai trò trong việc bảo đảm an sinh xã hội, được các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm thực hiện.

- Bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định tính ưu việt và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống nhân dân.

- Nhận thức của nhân dân về chính sách BHYT được nâng lên, nhân dân đã tự giác tham gia, đề cao tính cộng đồng chia sẻ rủi ro trong khám, chữa bệnh BHYT.

- Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội, bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo, học sinh sinh viên… mua thẻ BHYT; quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được đảm bảo và ngày càng được mở rộng.

- Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan trong việc tổ chức vận động nhân dân tham gia, giám sát bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong khám, chữa bệnh, kiểm soát tình hình sử dụng quỹ BHYT, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT… trên địa bàn từng bước có nhiều chuyển biến tích cực.

- Sự nỗ lực rất lớn của phần đông cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế và ngành BHXH tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương cải cách hành chính, đề cao ý thức phục vụ nhân dân.

2. Nguyên nhân tồn tại, yếu kém

- Việc phát triển đối tượng tham gia BHYT chưa đồng bộ với chính sách chi hỗ trợ từ Trung ương, với ngân sách địa phương và vận động từ cộng đồng. Một số chỉ tiêu không phù hợp với lộ trình phát triển các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

- Cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới trong những năm qua đã tác động mạnh đến nền kinh tế của tỉnh, đời sống nhân dân gặp khó khăn, một bộ phận nhân dân không có khả năng tài chính để mua thẻ BHYT, trong đó có hộ cận nghèo.

- Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của các đối tượng tham gia BHYT.

- Quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan chưa thực hiện nghiêm; sự phối hợp giữa ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội chưa được thống nhất cao, chưa tạo được đồng thuận giữa hai ngành trong thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

 - Một số quy định về mức đóng, giá dịch vụ, giá thuốc, mức hưởng, điều kiện chi trả, thanh toán… chưa hợp lý, chậm sửa đổi.

- Nhận thức về BHYT của một bộ phận không ít người dân còn hạn chế, chưa có thói quen phòng xa và ý thức cùng chia sẻ trong cộng đồng, chỉ khi nào có bệnh mới tham gia.

Tuy còn một số tồn tại nhất định, song về cơ bản, tình hình phát triển BHYT trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả, sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã tạo tiền đề và điều kiện hết sức quan trọng để làm căn cứ xây dựng Đề án phát triển BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012 - 2014.

Phần II

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH, CƠ SỞ, SỰ CẦN THIẾT, MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2012 - 2014

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

- Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam bộ, diện tích tự nhiên 6.857,35 km2; có 3 huyện, 15 xã biên giới và 240 km đường biên giới tiếp giáp vương quốc Campuchia; có 02 huyện, 8 xã tiếp giáp với 2 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Nông, Lâm Đồng); là điểm nối các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Campuchia. Toàn tỉnh hiện có 41 thành phần dân tộc, với 905.326 người; trong đó, dân tộc thiểu số có 40 dân tộc, với 177.966 người, chiếm 19,7% dân số của tỉnh;

- Tình hình kinh tế - xã hội đất nước nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen; mặc dù tình hình kinh tế đang phục hồi, đời sống nhân dân ổn định và tiếp tục được cải thiện sau khủng hoảng và suy thoái kinh tế, nhưng Bình Phước cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, tình hình ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…diễn biến phức tạp.

- Tỉnh đã tích lũy nhiều kinh nghiệm qua thời gian triển khai thực hiện chính sách BHYT; thành tựu của công tác BHYT hiện nay là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển BHYT trong thời gian tới.

- Cơ cấu nhóm đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn (đến cuối năm 2011) như sau:

Đơn vị tính: người

Các nhóm đối tượng

Năm 2011

Dân số

Thực hiện

Đạt kỷ lệ (%)

I. Đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT

534.220

395.526

74%

1. Do người lao động và NSDLĐ đóng

100.086

92.852

92,7%

Hành chính sự nghiệp

29.095

29.095

100%

DN và tổ chức khác, trong đó:

70.991

63.757

89,8%

- Doanh nghiệp Nhà nước

25.670

2.712

96,2%

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

8.324

7.190

86,3%

- Doanh nghiệp tư nhân

12.207

7.057

57,8%

- Cơ quan, tổ chức khác

24.790

24.790

100%

2. Do BHXH đóng

7.094

7.094

100%

Hưu trí, trợ cấp BHXH

7.047

7.047

100%

Trợ cấp thất nghiệp

47

47

100%

3. Do NSNN đóng

213.659

201.484

94,3%

CB xã hưởng trợ cấp từ NSNN

32

32

100%

Người có công với cách mạng

11.978

11.978

100%

Cựu chiến binh

2.503

2.503

100%

Đại biểu quốc hội, HĐND

1.266

1.266

100%

Bảo trợ xã hội

10.346

10.346

100%

Người nghèo, dân tộc thiểu số

85.418

85.418

100%

Thân nhân Quân đội, Công an, cơ yếu

2.256

2.256

100%

Trẻ em dưới 06 tuổi

99.860

87.685

87,8%

4. Tự đóng và NSNN hỗ trợ

213.381

94.096

44%

Cận nghèo

45.008

351

0,78%

Học sinh, sinh viên

168.373

93.745

55,7%

II. Đối tượng tự nguyện tham gia BHYT

353.661

37.448

10%

Tổng cộng

887.881

432.974

48,76%

- Tổ chức mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn hiện có 02 bệnh viện tuyến tỉnh, 13 Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện và Bệnh viện Đa khoa khu vực, 141 Trạm y tế xã và tương đương. Tổng số giường bệnh hiện có 2.161 giường, bình quân hơn 18 giường/10.000 dân (không tính giường trạm y tế xã, phường, thị trấn). Nếu tổ chức tốt và điều chỉnh hợp lý thì có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh BHYT cho các đối tượng trong thời điểm hiện nay.

II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã ghi: “kết hợp phát triển y tế nhà nước với y tế tư nhân; thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm lo sức khỏe”. Đây là định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi. Luật BHYT được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2008 đã quy định trách nhiệm tham gia BHYT của các nhóm đối tượng theo lộ trình. Theo đó, đến ngày 01/01/2014 là thời điểm được xem là tất cả các công dân Việt Nam đều có trách nhiệm tham gia BHYT.

Sau gần 20 năm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và 03 năm Luật BHYT có hiệu lực, BHYT đã bao phủ 48,76% dân số trên địa bàn tỉnh, trong đó người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Bảo hiểm y tế đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho công tác khám, chữa bệnh, cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.

Mặc dù kết quả thực hiện Luật BHYT là rất quan trọng, song với tỷ lệ 48,76% dân số trên địa bàn tỉnh tham gia tại thời điểm năm 2011 cho thấy thách thức để tiến tới BHYT toàn dân là rất lớn. Kinh nghiệm thực hiện BHYT trong thời gian qua cho thấy, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh và tăng cường, những kết quả tích cực và rất quan trọng của chính sách BHYT đã được khẳng định, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến việc tham gia BHYT của các đối tượng có trách nhiệm theo quy định, cũng như người tự nguyện tham gia BHYT.

Những yếu tố liên quan đến việc tham gia BHYT là điều kiện về kinh tế - xã hội, sự đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của hệ thống khám, chữa bệnh, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về quyền lợi, vai trò và trách nhiệm thực thi Luật BHYT. Để khắc phục những tồn tại, những hạn chế của các vấn đề trên đây đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ và cụ thể, cách thức triển khai mạnh mẽ, phù hợp với từng thời điểm phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Phước với sự tham gia của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh mới đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Đề án được xây dựng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, quyết tâm thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

III. CƠ SỞ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008;

- Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới;

- Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

- Thông tư Liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT;

- Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT;

- Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước;

- Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo;

- Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám và chữa bệnh cho người nghèo;

IV. MỤC TIÊU, LỘ TRÌNH, CHỈ TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

- Phát triển số lượng đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình của Luật BHYT.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh đối với các đối tượng tham gia BHYT.

- Dự toán, bảo đảm cân đối các nguồn kinh phí (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vận động cộng đồng) hỗ trợ cho các nhóm đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT.

- Thông qua việc thực hiện tốt chính sách BHYT nhằm đảm bảo nâng cao sức khỏe cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm an sinh xã hội cho các tầng lớp nhân dân.

2. Lộ trình

- Căn cứ vào Điều 13 của Luật BHYT quy định “Mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT” và quy định tại Khoản 5, Điều 3 của Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ về “ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cho các đối tượng”, lộ trình thực hiện BHYT cho các đối tượng theo Luật BHYT được xây dựng như sau:

Đơn vị tính: người

Đối tượng

Năm

2012

2013

2014

Dân số

Thực hiện

Đạt tỷ lệ

Dân số

Thực hiện

Đạt tỷ lệ

Dân số

Thực hiện

Đạt tỷ lệ

I. Đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT

557.111

454.243

80,3%

585.679

501.908

85,7%

609.352

534.895

87,8%

1. Do người lao động và NSDLĐ đóng

103.912

97.880

94,2%

104.150

98.955

95%

106.448

102.079

95,9%

Hành chính sự nghiệp

30.800

30.800

100%

32.900

32.900

100%

34.700

34.700

100%

DN và tổ chức khác, trong đó:

73.112

67.088

91,7%

71.250

66.055

92,7%

71.748

67.379

93,9%

- Doanh nghiệp Nhà nước

27.012

26.014

96,3%

31.217

30.014

96,1%

32.760

31.689

96,7%

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

10.295

8.985

87,2%

11.578

11.002

95%

12.997

12.780

98,3%

- Doanh nghiệp tư nhân

14.317

10.593

73,9%

16.705

13.289

79,5%

17.181

14.100

82%

- Cơ quan, tổ chức khác

21.488

21.488

100%

11.750

11.750

100%

8.810

8.810

100%

2. Do BHXH đóng

7.763

7.763

100%

12.047

12.047

100%

13.471

13.471

100%

Hưu trí, trợ cấp BHXH

7.181

7.181

100%

10.285

10.285

100%

11.555

11.555

100%

Trợ cấp thất nghiệp

582

582

100%

1.762

1.762

100%

1.916

1.916

100%

3. Do NSNN đóng

217.599

206.099

93,04%

251.389

234.139

93,1%

263.044

247.594

94,1%

CB xã hưởng trợ cấp từ NSNN

30

30

100%

45

45

100%

60

60

100%

Người có công với cách mạng

13.053

13.053

100%

13.053

13.053

100%

13.053

13.053

100%

Cựu chiến binh

2.227

2.227

100%

2.437

2.437

100%

2.437

2.437

100%

Đại biểu quốc hội, HĐND

1.337

1.337

100%

1.457

1.457

100%

1.565

1.565

100%

Bảo trợ xã hội

11.639

11.639

100%

12.967

12.967

100%

13.425

13.425

100%

Người nghèo, dân tộc thiểu số

84.567

84.567

100%

94.015

94.015

100%

92.786

92.786

100%

Thân nhân Quân đội, Công an, cơ yếu

4.246

4.246

100%

4.915

4.915

100%

5.218

5.218

100%

Trẻ em dưới 06 tuổi

100.500

89.000

88,5%

122.500

105.250

85,9%

134.500

119.050

88,5%

4. Tự đóng và NSNN hỗ trợ

227.837

122.501

56%

228.093

156.767

68,7%

226.389

171.751

75,8%

Cận nghèo

41.852

1.220

3%

36.921

17.212

46,6%

30.189

20.715

68,6%

Học sinh, sinh viên

185.985

121.281

65,2%

191.172

139.555

73%

196.200

151.036

76,9%

II. Đối tượng tự nguyện tham gia BHYT

348.215

45.098

12,9%

331.679

61.330

18,5%

330.525

62.348

18,8%

Tổng cộng

905.326

479.341

52.94%

927.358

563.238

60,7%

939.877

597.243

63,5%

3. Chỉ tiêu

Số người tham gia BHYT đạt % so với dân số trong tỉnh:

Năm

2012

2013

2014

Dân số trung bình trong năm

905.326

927.358

939.877

Số người tham gia BHYT

479.341

563.238

597.243

Tỷ lệ % đạt được

52,94%

60,7%

63,5%

Phần III

GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. GIẢI PHÁP

1. Xây dựng, triển khai Đề án

Căn cứ Đề án phát triển BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012 - 2014 của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; cấp xã, phường, thị trấn căn cứ Kế hoạch của huyện xây dựng Kế hoạch để tổ chức thực hiện.

2. Công tác tuyên truyền, vận động

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT thông suốt trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ tính ưu việt, vai trò, vị trí quan trọng của chính sách BHYT trong thực hiện an sinh xã hội. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, chuyển tải thông tin về chính sách BHYT đến các đối tượng cần tham gia, nhất là nhân dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế tư nhân; trong đó, chú ý đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng ở cơ sở, phát hành tờ rơi, tờ gấp chuyển đến tay đối tượng, tổ chức các buổi tọa đàm và hỏi đáp về chính sách BHYT, về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT.

3. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn phần hoặc một phần cho các đối tượng tham gia BHYT

Ngoài phần tự đóng của đối tượng tham gia BHYT, ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn phần và một phần theo quy định tại Điều 13 của Luật BHYT và Khoản 5, Điều 3 của Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ và Công văn số 978/BYT-KHTC ngày 28/02/2012 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo như sau:

Đơn vị tính: đồng

Nhóm đối tượng

Năm

2012

2013

2014

1. Hỗ trợ toàn phần

63.987.651.000

70.293.258.000

69.925.842.000

Cán bộ xã hưởng trợ cấp từ NSNN

17.010.000

25.515.000

34.020.000

Người có công với cách mạng

7.401.051.000

7.401.051.000

7.401.051.000

Cựu chiến binh

1.262.709.000

1.381.779.000

1.381.779.000

Đại biểu quốc hội, HĐND

758.079.000

826.119.000

887.355.000

Bảo trợ xã hội

6.599.313.000

7.352.289.000

7.611.975.000

Người nghèo, dân tộc thiểu số

47.949.489.000

53.306.505.000

52.609.662.000

II. Hỗ trợ một phần

14.237.483.400

22.656.979.800

25.349.265.900

Cận nghèo

484.218.000

6.831.442.800

8.221.783.500

Học sinh, sinh viên

13.753.265.400

15.825.537.000

17.127.482.400

Tổng cộng

78.225.134.400

92.950.237.800

95.275.107.900

4. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực

Tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực, cải cách thủ tục khám chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế, ngành BHXH đề cao ý thức phục vụ người bệnh theo phương châm “Bảo hiểm y tế - Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế phát động. Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1610/QĐ-UBND ngày 09/7/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Bình Phước giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, theo đó:

* Thời kỳ đến năm 2015:

- Vận động và đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế. Khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập.

- Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế cả hệ điều trị và dự phòng các tuyến. Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên 600 giường, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trường Trung cấp Y tế lên Trường Cao đẳng Y tế; các Bệnh viện Đa khoa khu vực và tuyến huyện: từng bước đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị để phát triển các kỹ thuật giám sát, kiểm tra… nâng cao năng lực cho các đơn vị y tế thuộc hệ y tế dự phòng tuyến tỉnh và huyện.

- Tiếp tục đầu tư các nguồn lực cho y tế xã đạt chuẩn quốc gia, tăng nhanh tỷ lệ Trạm y tế xã có bác sỹ. Phát triển các phòng khám đa khoa tại các cụm, khu công nghiệp.

- Ước vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị trong 05 năm (2011 - 2015) của ngành y tế là 884,8 tỷ đồng.

5. Nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức ngành y tế, ngành BHXH tỉnh và đẩy mạnh cải cách hành chính

Tích cực vận động phát triển đối tượng tham gia BHYT; quản lý tốt quỹ BHYT, kiểm soát, giám định sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bệnh có thẻ BHYT; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục, quy định trong thanh toán khám, chữa bệnh BHYT theo hướng thuận lợi cho người bệnh và bệnh viện, đổi mới phương thức thanh toán, tạo chủ động và trách nhiệm cho cơ sở khám, chữa bệnh, tiếp tục phấn đấu có kết dư quỹ BHYT trong các năm tiếp theo.

6. Thực hiện cơ chế phối hợp

Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong triển khai, tổ chức thực hiện Đề án; chú ý nhiều hơn công tác phối hợp triển khai tới dân ở cấp xã, địa bàn dân cư, nhóm đối tượng. Thực hiện việc sơ kết, tổng kết, đánh giá định kỳ để rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp thực hiện.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lãnh đạo ngành Y tế và BHXH tỉnh tham mưu UBND ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012 - 2014 của UBND tỉnh.

2. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT và lộ trình thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014.

3. Phân công trách nhiệm:

3.1. Sở Y tế:

- Chủ trì, tham mưu, đề xuất cấp ủy tiếp tục tổ chức quán triệt Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương; Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 12/01/2010 của Tỉnh ủy Bình Phước về triển khai quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương;

- Phối hợp với ngành BHXH và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia BHYT để thực hiện đúng lộ trình đã đề ra;

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn UBND các cấp thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về BHYT; chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trong ngành y tế đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả trong khai thác, sử dụng.

- Xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án nhằm khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, lạm dụng việc sử dụng thuốc trong khám và điều trị BHYT; phân luồng, phân tuyến trong khám và điều trị bệnh hợp lý để hạn chế quá tải ở các bệnh viện.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, đề cao ý thức quản lý quỹ BHYT, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi quỹ dưới mọi hình thức, triển khai đầy đủ các chủ trương về cải cách hành chính, nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân… của đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở khám chữa bệnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng mua thẻ BHYT theo phân cấp, tổ chức việc chuyển trả kịp thời vào quỹ BHYT để thanh toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, thực hiện đào tạo nâng cao, đào tạo mới; tiếp tục tăng cường đội ngũ cán bộ y, bác sỹ cho các Trạm y tế xã.

- Tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt công tác đấu thầu thuốc khám, chữa bệnh, xây dựng danh mục thuốc tại các tuyến y tế trong khám chữa bệnh (KCB) nói chung, KCB BHYT nói riêng.

3.2. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách về BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tốt công tác vận động, tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các đoàn thể trong hệ thống chính trị, cơ quan báo, đài tổ chức phổ biến chính sách BHYT đến các nhóm đối tượng bằng hình thức tuyên truyền miệng (thông qua hội họp, vận động trực tiếp), xây dựng chuyên mục, chuyên trang trên báo, đài, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở… đảm bảo thông tin được chuyển tải kịp thời đến người dân, nhất là vùng nông thôn.

- Xây dựng và tổ chức mạng lưới vận động, thu và phát thẻ BHYT từng bước theo hướng chuyên nghiệp, vừa đảm bảo công tác quản lý tài chính quỹ vừa đảm bảo thời gian phát hành thẻ để người dân sử dụng khi phát sinh nhu cầu KCB.

- Nghiên cứu và sớm đề xuất các nhóm giải pháp gắn trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của hệ thống đại lý thu BHYT cơ sở, chú ý việc tạo quyền lợi vật chất để kích thích việc tích cực vận động được nhiều người dân tham gia BHYT.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, đổi mới về hợp đồng KCB BHYT, công tác giám định, thủ tục thanh toán, quản lý điều tiết quỹ KCB BHYT theo hướng an toàn trong quản lý tài chính, bảo vệ quyền lợi của người tham gia, thuận lợi cho cơ sở KCB BHYT.

- Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành các hướng dẫn về việc đăng ký nơi KCB ban đầu, về cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi…

- Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của công chức, viên chức, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, đáp ứng ngang tầm với xu hướng phát triển BHYT toàn dân trong thời gian tới.

- Phối hợp với Ban thi đua khen thưởng tỉnh tham mưu UBND tỉnh biểu dương kịp thời đối với những đơn vị, tổ chức và các địa phương thực hiện tốt công tác BHYT; đồng thời, kiểm điểm lãnh đạo các đơn vị, địa phương thực hiện không tốt chính sách BHYT ở cơ sở.

3.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở, các ngành có liên quan, tổ chức điều tra, thống kê và cung cấp số liệu các nhóm đối tượng được hỗ trợ mua thẻ BHYT do ngành quản lý theo quy định như: trẻ em dưới 6 tuổi, người già từ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, cựu chiến binh, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo… kịp thời, đúng thời gian quy định cho cơ quan BHXH các cấp đã được phân cấp quản lý để phát hành thẻ BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng;

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn khác theo đặc thù riêng của tỉnh (nếu có) để báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Tỉnh ủy, trình HĐND quyết nghị hỗ trợ;

- Tham gia, phối hợp với các ngành liên quan thanh tra, kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT cho người lao động.

3.4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

 Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện BHYT bắt buộc đối với học sinh, sinh viên theo lộ trình; tổ chức kiện toàn mạng lưới y tế trường học, thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên.

3.5. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, BHXH tỉnh thực hiện các chính sách, pháp luật về tài chính liên quan đến BHYT; xây dựng dự toán, bố trí kinh phí hỗ trợ mua BHYT cho các nhóm đối tượng từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với BHYT, quỹ BHYT.

3.6. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Phước:

- Phối hợp với BHXH tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn.

- Xây dựng chuyên mục, chuyên trang về bảo hiểm y tế; bố trí thời lượng phát sóng phục vụ mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền triển khai thực hiện Đề án phát triển BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012-2014 vào 6 tháng cuối năm 2012; phối hợp với Sở Y tế, BHXH tỉnh xây dựng đề cương tuyên truyền giúp hệ thống Đài Phát thanh, Truyền thanh huyện, Trạm Truyền thanh xã chuyển tải thông tin, chính sách BHYT đến đông đảo nhân dân.

3.7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng chương trình vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia BHYT; thực hiện vai trò giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án và các chính sách của nhà nước có liên quan về BHYT trên địa bàn tỉnh; chủ trì, đề xuất và tổ chức vận động cộng đồng hỗ trợ các đối tượng khó khăn có điều kiện tham gia BHYT (người cận nghèo…).

3.8. Các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên Đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Liên minh hợp tác xã ...): Phối hợp với ngành Y tế và BHXH tỉnh xây dựng kế hoạch liên tịch để tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và gia đình tích cực tham gia BHYT, xây dựng chỉ tiêu vận động giao cho các cấp hội cơ sở, phối hợp với cơ quan BHXH và UBND xã tổ chức đại lý thu và phát hành thẻ BHYT.

3.9. UBND các huyện, thị xã (gọi tắt là huyện): Có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHYT trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển BHYT toàn dân trên địa bàn huyện, chú ý xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng từng năm theo lộ trình của tỉnh; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn; đưa nội dung thực hiện Đề án phát triển BHYT toàn dân vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện, định kỳ chỉ đạo thực hiện công tác sơ kết đánh giá kết quả thực hiện; chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT trên địa bàn; sử dụng có hiệu quả phương tiện phát thanh, truyền thanh xã để tuyên truyền về BHYT; củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự cho các trạm y tế xã để đảm bảo khám chữa bệnh BHYT cho các đối tượng theo phân cấp./.

 

PHỤ LỤC:

THUYẾT MINH SỐ LIỆU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2012-2014

1. Nguồn số liệu:

Do các ngành cung cấp gồm: Sở LĐTB&XH, Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Cục Thống kê, BHXH tỉnh.

2. Cách tính mức hỗ trợ từ NSNN để mua thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng tính từ năm 2012 như sau:

- Trẻ em dưới 6 tuổi, người già từ 80 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, người thuộc hộ nghèo:

Số tiền = (số người) x (1.050.000 đ/người x 4,5% x 12th)/ng x 100%.

- Người cận nghèo:

Số tiền = (số người) x (1.050.000 đ/người x 4,5% x 12th)/ng x 70%.

- Học sinh, sinh viên:

Số tiền = (số người) x (1.050.000 đ/người x 3% x 12th)/ng x 30%.