ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1895/QĐ-UBND | Hải Phòng, ngày 22 tháng 11 năm 2011 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 1345/QĐ-UBND ngày 14/7/2009 của Ủy ban nhân thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt Đề cương Đề án phát triển công nghiệp phần cứng thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng 2020;
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 20/TTr-STTTT ngày 10/10/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp phần cứng thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng 2020 (có Đề án kèm theo)
Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông công bố, quản lý và triển khai thực hiện theo quy định.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Chủ tịch Hội Vô tuyến, Điện tử và Tin học Hải Phòng; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHẦN CỨNG THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1895/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Phát triển công nghiệp phần cứng thành phố Hải Phòng trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng của thành phố theo hướng hiện đại với tốc độ tăng trưởng bền vững, gắn kết mối quan hệ với các ngành kinh tế khác, trước hết là với các ngành kinh tế biển, kinh tế dịch vụ mà thành phố có nhiều lợi thế, tạo cơ sở đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, góp phần xây dựng phát triển thành phố Hải Phòng trở thành thành phố Cảng công nghiệp hiện đại, văn minh.
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, phần cứng máy tính song song với phát triển sản phẩm phần cứng chủ lực.
Thu hút đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng trong việc phát triển công nghiệp phần cứng tại thành phố Hải Phòng.
Hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Hải Phòng, hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp công nghiệp phần cứng vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu.
Mục tiêu đến năm 2015:
Xây dựng mới Khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút doanh nghiệp sản xuất phần cứng, điện tử đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Khu.
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, phần cứng máy tính đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, phần cứng máy tính.
Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp phần cứng đạt khoảng 25 - 30%/năm. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm phần cứng đạt 30%.
Định hướng đến năm 2020:
Tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp phần cứng đạt khoảng 30 - 35%/năm. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm phần cứng đạt 50%.
Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phần cứng theo hướng ngành sản xuất mũi nhọn.Thu hút các dự án sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn, điện thoại di động, lắp ráp máy vi tính.
Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử - tin học, thiết bị hàng hải phục vụ hoạt động tàu biển.
Tăng cường thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển công nghiệp phần cứng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung của thành phố.
Hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghiệp phần cứng chủ lực, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp phần cứng.
3.1. Nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp phần cứng
Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của thành phố trong đó có phát triển công nghiệp phần cứng.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, các phương án phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung của thành phố.
Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp phần cứng tại địa phương.
Đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, hỗ trợ triển khai các dự án phát triển công nghiệp phần cứng tại địa phương, gồm: điều tra, khảo sát, thu thập, đánh giá số liệu thống kê về hoạt động công nghiệp phần cứng trên địa bàn; đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp phần cứng tại địa phương; xây dựng kế hoạch tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực cho công nghiệp phần cứng trên địa bàn; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm phần cứng trọng điểm.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia đầu tư phát triển công nghiệp phần cứng trên địa bàn thành phố.
Xây dựng cơ chế tăng cường sự liên kết giữa các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các trường đại học.
Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư xây dựng các khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung để có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, thuận lợi, áp dụng các cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào đây.
3.2. Nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng, tổ chức hoạt động, nhân lực, cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, hiệu quả của các đơn vị công nghiệp phần cứng
a) Về cơ sở hạ tầng:
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển, xúc tiến thương mại công nghiệp điện tử.
Đầu tư phát triển dây chuyền lắp ráp các sản phẩm thiết bị văn phòng, tin học, điện tử viễn thông.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng giải pháp phần mềm vào các quy trình tác nghiệp, dây chuyền sản xuất của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp công nghiệp phần cứng.
Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp với dây chuyền lắp ráp tự động, bán tự động, công nghệ tiên tiến và tự động hóa, áp dụng hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế.
b) Về nhân lực:
Tập trung thu hút và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng:
- Các chuyên gia thiết kế, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, có giá trị gia tăng cao và có tính cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
- Các kỹ sư công nghệ có trình độ cao, có khả năng tiếp thu công nghệ tiên tiến, ứng dụng có hiệu quả tại Việt Nam và có thể sáng tạo các công nghệ mới.
- Đội ngũ công nhân lành nghề thực thi nhiệm vụ sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
- Các nhà quản lý cấp trung gian giỏi, quản lý có hiệu quả các quá trình sản xuất.
- Liên kết đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao về điện tử, viễn thông, máy tính cho các khu công nghiệp.
- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và yêu cầu của doanh nghiệp; liên kết với các đơn vị, hiệp hội đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng quản lý dự án, phân tích, thiết kế, quản trị mạng,...
- Tạo mọi điều kiện để thu hút lực lượng cán bộ, kỹ sư công nghệ thông tin có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc phát triển công nghiệp phần cứng.
c) Về tổ chức hoạt động:
Tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng các doanh nghiệp công nghiệp phần cứng. Ưu tiên tập trung phát triển mạnh công nghiệp phần cứng tại các khu công nghiệp, đặc biệt xây dựng và thu hút đầu tư vào khu công nghệ thông tin tập trung.
Tận dụng lợi thế của thành phố và khu vực để củng cố và hình thành doanh nghiệp phần cứng mới theo nhiều quy mô nhiều thành phần; trong đó đặc biệt chú ý hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn đủ khả năng cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2020, các doanh nghiệp công nghiệp phần cứng lớn của thành phố đều có mối liên kết, hỗ trợ trên toàn vùng.
d) Về cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, hiệu quả hoạt động:
Tập trung sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử chuyên dùng, sản phẩm điện tử gia dụng, sản phẩm thiết bị văn phòng, tin học, điện tử viễn thông có mức độ phức tạp vừa phải, mẫu mã đa dạng.
Rà soát, đánh giá đúng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng đóng góp lớn vào tăng trưởng để tạo điều kiện phát triển; xác định một số sản phẩm trọng điểm, chủ lực để tập trung cao đầu tư, phát triển mạnh, đứng vững tại thị trường nội địa và có thương hiệu, thị phần trên thị trường khu vực và thế giới.
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp phần cứng máy tính bao gồm sản xuất các thiết bị như: board mạch chủ, bộ vi xử lý, ổ cứng, RAM, ổ đĩa ngoài, bàn phím, con chuột, màn hình, thùng máy, bộ nguồn...
Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực của công nghiệp phụ trợ như: chế tạo khuôn mẫu, đúc, ép nhựa, đột dập kim loại, xử lý bề mặt (sơn, mạ...) phục vụ quá trình sản xuất phụ tùng linh kiện cho ngành công nghiệp điện tử.
Thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với sản lượng sản xuất lớn.
Đẩy mạnh, gắn kết hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghiệp điện tử chủ lực.
4.1. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách
Bổ sung cơ chế chính sách ưu đãi cho các dự án cần khuyến khích đầu tư và biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ điền đầy đủ các khu công nghiệp, khu công nghiệp thông tin tập trung.
Ban hành quy định quản lý chặt chẽ, thống nhất việc quyết định cho thuê đất ở các khu công nghiệp, khu công nghiệp tập trung
Đề ra những tiêu chuẩn phi kỹ thuật thích hợp như tỷ lệ % trên doanh số nhập khẩu để đóng góp cho việc hình thành quỹ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Các tiêu chuẩn kỹ thuật và phi kỹ thuật được các công ty tư vấn đánh giá, cấp giấy chứng nhận.
Xúc tiến đầu tư, thu hút các công ty phần cứng lớn trên thế giới vào thành phố như IBM, Sun, Motorola; thu hút đầu tư và chất xám của Việt Kiều vào công nghiệp phần cứng.
Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phần cứng trên địa bàn theo hướng sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, phù hợp với hệ thống quản lý môi trường tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế.
Xác định các giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp chủ lực, có lợi thế của Hải Phòng.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ di chuyển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phần cứng trong nội thành, gần khu vực dân cư ra các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung.
4.2. Nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, nhân lực, tổ chức hoạt động
a) Giải pháp về cơ sở hạ tầng
Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất và kỹ thuật, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông và Internet.
Quy hoạch quỹ đất cho việc xây dựng, phát triển khu công nghệ thông tin tập trung thành phố. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Công nghệ thông tin tập trung: xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước, hạ tầng viễn thông; nhà xưởng, phòng thí nghiệm, khu hội thảo, ký túc xá trong khu công nghệ thông tin tập trung của thành phố. Đầu tư ngân sách Nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông hiện đại.
Phân bố mạng lưới các khu công nghiệp đảm bảo khai thác các lợi thế về quỹ đất, nguồn cung ứng nguyên liệu và lao động, đặc biệt chú trọng việc kết hợp phát triển các khu công nghiệp với quy hoạch, chỉnh trang lại đô thị, hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, tập trung để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, sắp xếp lại các cơ sở hiện có, cải tạo, chuyển hướng sản xuất và có kế hoạch di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm, kỹ thuật giản đơn đến khu vực xa dân cư. Nâng cao, mở rộng, tiếp nhận và đẩy mạnh, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp đã được thành lập.
Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình quản lý chất lượng về sản phẩm.
Thành phố hàng năm tăng cường nguồn cho Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp từng bước đổi mới, hiện đại hóa thiết bị, đầu tư chiều sâu phát triển sản xuất.
b) Giải pháp về nguồn nhân lực
Tiến hành rà soát điều chỉnh và quy hoạch lại hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn thành phố theo hướng đào tạo phải gắn với yêu cầu, mục tiêu của sự phát triển công nghiệp phần cứng của thành phố.
Tiếp tục đầu tư đồng bộ, nâng cấp một số trường dạy nghề hiện có với các trang thiết bị hiện đại.
Tập trung vào đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, đội ngũ quản lý và các chủ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong cạnh tranh và hội nhập. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực. Mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế về đào tạo công nhân kỹ thuật. Tranh thủ các nguồn tài trợ của nước ngoài về vốn, chuyên gia kỹ thuật để đào tạo thợ bậc cao.
Có chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại Hải Phòng nói chung trong đó có ngành công nghiệp phần cứng.
Đến năm 2015, cần tập trung thực hiện tốt xã hội hóa công tác đào tạo nghề nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
c) Giải pháp về tổ chức
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp công nghệ thông tin trong đó có công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp phần cứng:
- Tăng cường sự quan tâm và chỉ đạo của thành phố đối với phát triển sản xuất công nghiệp phần cứng. Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho công tác đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp phần cứng. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, quyền sở hữu công nghiệp, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp, tạo sự công bằng, thu hút được các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước.
- Tổ chức, triển khai công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp phần cứng thành phố là cơ sở quan trọng cho mọi cấp, ngành, doanh nghiệp định hướng phát triển.
Công tác đổi mới sắp xếp lại các doanh nghiệp:
- Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức lại bộ máy quản lý điều hành sản xuất cho phù hợp với cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện của thành phố theo các tiêu chí: quy mô vốn, năng lực sản xuất, năng lực công nghệ, trình độ nhân lực, vai trò đầu tầu lan tỏa, hiệu quả sản xuất.
- Hình thành và đẩy mạnh hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp: khuyến khích thành lập các hiệp hội doanh nghiệp theo quy mô, ngành nghề, địa bàn hoạt động...
4.3. Nhóm giải pháp về cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, hiệu quả hoạt động
a) Giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ
Nâng cao năng lực các ngành gia công thiết yếu như: đột dập chi tiết kim loại, đúc, mạ, chế tạo khuôn mẫu trong khuôn khổ chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ quốc gia.
Đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp quốc doanh trong ngành cơ khí, nhựa, đúc thành các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho công nghiệp phụ trợ với mức độ chuyên môn hóa cao.
Ngoài việc thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp lớn, các công ty FDI, thành phố cần quan tâm và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm bằng tay hoặc số lượng khiêm tốn nhưng mang giá trị gia tăng cao, trong đó hàm lượng về chất xám, kiểu dáng, chất liệu cao cấp sẽ tạo nên nét riêng.
b) Giải pháp về sản phẩm chủ lực
Xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư từ kinh phí sự nghiệp công nghệ thông tin và các nguồn huy động khác cho công đoạn nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp điện tử chủ lực.
c) Giải pháp về thị trường
Có chiến lược và bước đi cụ thể để mở rộng và làm chủ thị trường trong nước của doanh nghiệp; trước mắt tập trung cho thị trường địa phương, tiếp đến là các thị trường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, vùng Bắc Bộ.
Tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm có chất lượng quốc tế, hướng mạnh vào xuất khẩu, đồng thời chú trọng sản xuất các sản phẩm mới thay thế hàng nhập khẩu.
d) Giải pháp về công nghệ: giai đoạn đầu nên ưu tiên cho chuyển giao công nghệ
Hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất, đặc biệt các công đoạn có tính quyết định đến chất lượng sản phẩm.
Không nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu, đã qua sử dụng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế.
Đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức áp dụng khoa học công nghệ, lựa chọn và tập trung phát triển công nghệ nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của thành phố.
Mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đa dạng hóa các loại hình hợp tác để tranh thủ tối đa sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ nước ngoài cho phát triển công nghiệp phần cứng.
e) Giải pháp hỗ trợ thương hiệu, hình ảnh
Hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng và nâng cao thương hiệu, vì việc này mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Ví dụ như việc làm thương hiệu của các công ty đa quốc gia như: 3M, Acer, Dell... là những điển hình về giá trị thương hiệu. Hình thức hỗ trợ là cho vay lãi suất thấp đồng thời không giới hạn và không có định mức chi phí quảng bá thương hiệu.
f) Giải pháp về phát triển dịch vụ phần cứng
Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm phần cứng như: dịch vụ tư vấn, trợ giúp khách hàng lắp đặt các sản phẩm phần cứng; dịch vụ lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm phần cứng; dịch vụ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm phần cứng; dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.
Phát triển thị trường lao động.
5. 1. Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin thành phố
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo việc tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Đề án.
5.2. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành liên quan cụ thể hóa thành kế hoạch từng năm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện.
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc; tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
5.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cân đối, bố trí nguồn ngân sách thành phố chi đầu tư phát triển để thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, bố trí, phân bố kinh phí đầu tư phát triển thực hiện Đề án; hướng dẫn quản lý đầu tư thực hiện các nội dung thuộc Đề án này.
5.4. Sở Tài chính
Cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách thành phố; chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp ngân sách sự nghiệp công nghệ thông tin, phân bổ, hướng dẫn, cấp phát kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ ngân sách thành phố và các nguồn huy động khác.
- 1 Quyết định 960/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Quyết định 2107/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 3 Quyết định 35/2014/QĐ-UBND Quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 35/2014/QĐ-UBND Quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 2 Quyết định 2107/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- 3 Quyết định 960/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030