Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/1999/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 1999 


QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU TRONG " QUY ĐỊNH VỀ LÀM ĐỀ THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC, TRUNG HỌC CHUYÊN BAN VÀ BỔ TÚC TRUNG HỌC " BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 44/1998/QĐ-BGD&ĐT, NGÀY 05/8/1998 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02 /3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 15/1998/QĐ-BGD&ĐT, ngày 01/4/1998 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành " Quy chế thi tốt nghiệp Phổ thông trung học, Trung học chuyên ban và Trung học cơ sở "
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi một số điều trong “ Quy định về làm đề thi tốt nghiệp Phổ thông trung học, Trung học chuyên ban và Bổ túc Trung học ”ban hành kèm theo Quyết định số 44/1998/QĐ-BGD&ĐT, ngày 05/8/1998 như sau:

1. Điều 1 sửa đổi như sau :

“ Điều 1 : Đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học ( PTTH), trung học chuyên ban (THCB) và Bổ túc trung học phổ thông( BTTHPT ) phải đạt các yêu cầu:

- Kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi mỗi loại chương trình ( chủ yêú là ở lớp cuối

cấp ) .

- Nội dung đề thi phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ thể hiện đúng mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng được xác định trong chương trình của mỗi môn học. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót.

- Phân loại được trình độ học sinh và phù hợp với thời gian thi quy định cho từng môn.

- Mức độ đề thi phù hợp với yêu cầu trung bình của chương trình, có tính đến thực tiễn học sinh từng năm học .

Nếu đề thi gồm nhiều câu hỏi, phải ghi số điểm của mỗi câu vào đề thi : Điểm toàn bài là 10 điểm “.

2. Điều 6 sửa lại như sau :

“ Điều 6 : Hội đồng làm đề thi tốt nghiệp gồm các thành phần :

- Chủ tịch : Là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm chung về việc tổ chức làm đề thi; Ký duyệt các đề thi được phép sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp .

- Các phó chủ tịch : Là lãnh đạo các Vụ Trung học phổ thông và Vụ Giáo dục thường xuyên ; giúp Chủ tịch trong công tác điều hành Hội đồng và những việc được Chủ tịch Hội đồng uỷ quyền bằng văn bản .

- Các thư ký : Là chuyên viên các Vụ Trung học phổ thông và Vụ Giáo dục thường xuyên; giúp ban lãnh đạo hội đồng tổ chức các phần việc và do lãnh đạo hội đồng trực tiếp điều hành

- Các uỷ viên ra đề thi : Là người nắm vững chương trình và trình độ học sinh. Các uỷ viên ra đề chịu trách nhiệm soạn thảo đề thi tốt nghiệp (đề chính thức và đề dự bị) để trình Chủ tịch hội đồng ký duyệt. Uỷ viên ra đề chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Hội đồng và trước pháp luật về tính tuyệt mật, tính chính xác, khoa học, sư phạm và các yêu cầu khác của đề thi môn mình phụ trách.

Mỗi môn thi lập một tổ gồm 2 uỷ viên ra đề thi (có 1 tổ trưởng) chịu trách nhiệm tập thể về đề thi bộ môn mình phụ trách . Tổ trưởng chịu trách nhiệm việc phân công và điều hành công việc của tổ trong quá trình làm đề.

- Phụ trách máy vi tính : Là chuyên viên sử dụng máy tính một cách thành thạo. Chuyên viên vi tính có nhiệm vụ chuẩn bị các trang thiết bị tin học (về mặt kỹ thuật) trước khi Hội đồng làm việc như kiểm tra máy tính, máy in, diệt virus, cài đặt phần mềm,... Chuyên viên vi tính chịu trách nhiệm trước Chủ tịch hội đồng và trước pháp luật về tính tuyệt mật của mã khoá đĩa mềm chứa đề thi.

- Nhân viên đánh máy vi tính : Là người giúp các Uỷ viên ra đề (những người không tự làm được) đánh máy đề thi , hướng dẫn chấm trên máy vi tính trước khi trình Chủ tịch ký duyệt . Nhân viên đánh máy chịu trách nhiệm giữ bí mật tuyệt đối các đề thi mình tham giá đánh máy.”

3. Sửa lại Khoản 3 của Điều 10 như sau :

“ Điều 10 : Việc soạn thảo đề thi chính thức tiến hành theo các bước sau

3) Uỷ viên ra đề nhận đủ số lượng đĩa đề và tờ chìa khoá từ chuyên viên máy tính và cùng chuyên viên máy tính tiến hành kiểm tra lô đĩa đề thi môn mình bằng cách tự giải mã, in thử theo bản hướng dẫn giải mã do Chuyên viên máy tính viết để gửi đi các Hội đồng sao in đề thi. Nếu không phát hiện sai sót gì, Uỷ viên ra đề tự đóng gói, niêm phong đĩa mềm đề thi và chìa khoá giải mã trong 2 bì riêng biệt .

4)...”

4.. Sửa lại Điều 12 như sau :

“ Điều 12: Hướng dẫn chấm làm theo quy trình sau:

1) Hướng dẫn chấm các môn thi do Uỷ viên ra đề (cùng nhân viên đánh máy - nếu cần thiết) soạn thảo trên máy tính, in thử để kiểm tra không có sai sót và sao ra đĩa mềm ( đĩa gốc). Chuyển đĩa gốc cho chuyên viên máy tính.

2) Chuyên viên máy tính dồn hướng dẫn chấm các môn của từng loại đề thi Phổ thông trung học, Trung học chuyên ban, Bổ túc trung học vào các đĩa mềm ứng với từng loại đề theo thức tự lịch thi đã quy định.

3) Hội đồng sao in đề chi của địa phương chỉ mở niêm phong Đĩa hướng dẫn chấm và sao in khi đã thi xong môn cuối cùng của kỳ thi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông Chánh Văn phòng , Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên ,Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và các thành viên trong Hội đồng làm đề thi tốt nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ.
-Ban KHTƯ
-Ban TT - VHTƯ.
-Uỷ ban VH-GD - TTNNĐ của QH
(để báo cáo)
- Như điều 3 (để thực hiện)
- Công báo
- Lưu VP, Vụ THPT, Vụ GDTX

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 



Nguyễn Minh Hiển