Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2017/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 03 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29/11/2006;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15/11/2010;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 87/TTr-SNN ngày 05/7/2017 và Giám đốc Sở Tư pháp tại Báo cáo số 130/BC-STP ngày 20/6/2017 và văn bản số 226/STP-XDKTVBQPPL ngày 04/7/2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 8 năm 2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Chi cục Thủy lợi;
- Lưu VT; VP3,4,5,7,10; TTTH.
QĐ.bh63

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đ
inh Chung Phụng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 03/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm phối hợp hoạt động trong các công tác tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm, kiểm tra phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm, tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả vi phạm, đôn đốc giám sát xử lý vi phạm, rà soát tổng hợp, báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm, kiểm tra phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm, tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả vi phạm, đôn đốc giám sát xử lý vi phạm, rà soát tổng hợp, báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Phối hợp đồng bộ từ cơ sở xã, phường, thị trấn với các Hạt Quản lý đê, các phòng, ban chức năng của các huyện, thành phố, Chi cục Thủy lợi và sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về đê điều trên địa bàn.

2. Việc phối hợp đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành, đơn vị trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về đê điều trên địa bàn. Bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật về đê điều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

3. Các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể trong Chương III, Chương IV Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP, TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

Điều 4. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều; nghiên cứu, đề xuất, triển khai các biện pháp, giải pháp công trình và phi công trình nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều

b) Giao Chi cục Thủy lợi chỉ đạo các Hạt Quản lý đê:

Hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều ở xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý.

Phối hợp cung cấp tin, bài liên quan đến vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) phát trên đài truyền thanh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, cơ quan quản lý đê điều chỉ đạo các ngành, đoàn thể của địa phương để thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đê điều tới từng thôn, phố, xóm, nhất là các hộ dân ven đê.

b) Định kỳ phát các tin, bài về tình hình quản lý và kịp thời thông báo về tình hình vi phạm, vụ việc vi phạm và công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên đài phát thanh, truyền thanh của xã, phường, thị trấn.

3. Các Sở, ngành có liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng theo chức năng và nhiệm vụ tham gia phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Phối hợp trong công tác kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều phải thông báo ngay cho Cơ quan nhà nước quản lý đê điều, UBND cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý.

2. Hạt Quản lý đê chủ trì thực hiện việc kiểm tra, phát hiện kịp thời ngay từ khi mới phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và công trình phòng chống lụt bão. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi được phân công phụ trách, công chức, viên chức Hạt Quản lý đê thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương và chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng của xã, phường, thị trấn tiến hành lập biên bản vi phạm và yêu cầu đình chỉ vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, chậm nhất trong thời hạn 24 giờ phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại quyết định xử lý hoặc để Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xử lý theo thẩm quyền.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo lực lượng chức năng thuộc quyền quản lý chủ động và phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê trong việc kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm pháp luật về đê điều và công trình phòng chống lụt bão tại hiện trường để xử lý kịp thời, khôi phục lại hiện trạng ban đầu ngay từ khi vụ việc mới phát sinh.

Điều 6. Phối hợp trong công tác xử lý vi phạm

1. Ủy ban nhân dân cấp xã:

Khi nhận được hồ sơ vi phạm do Hạt Quản lý đê chuyển đến, chậm nhất trong thời hạn 24 giờ, bằng các biện pháp tiến hành xử lý kịp thời khôi phục lại hiện trạng ban đầu, không để các hành vi vi phạm tiếp diễn, nếu đối tượng không chấp hành phải tiến hành các trình tự, thủ tục quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xử lý theo thẩm quyền.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan công an và các lực lượng chức năng thuộc huyện, thành phố phối hợp, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo đúng thẩm quyền, theo quy định của pháp luật.

b) Khi nhận được hồ sơ vụ việc vi phạm và đề nghị xử lý vi phạm của Ủy ban nhân dân cấp xã, chậm nhất trong thời hạn 24 giờ phải tiến hành trình tự, thủ tục quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

c) Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không có báo cáo nhưng nhận được báo cáo của cơ quan quản lý đê điều hoặc qua các kênh thông tin khác thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với cơ quan quản lý đê điều tiến hành kiểm tra, xác minh ngay và quyết định biện pháp xử lý và tổ chức thực hiện, đảm bảo ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.

d) Trường hợp phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, tổ chức họp liên ngành để phối hợp xử lý. Đối với các vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Chủ tịch UBND cấp huyện thì UBND huyện báo cáo kịp thời, đề xuất biện pháp xử lý với UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT).

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Thủy lợi phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các lực lượng chức năng tổ chức thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đê điều.

Kiến nghị UBND cấp huyện có biện pháp xử lý và báo cáo UBND tỉnh đối với các vi phạm mà Chi cục Thủy lợi đã kiến nghị UBND cấp huyện xử lý nhưng vi phạm vẫn tiếp tục tồn tại, gia tăng hoặc quá thời hạn quy định chưa được xử lý.

b) Chi cục Thủy lợi:

Kiểm tra, xác minh, phân loại các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, chỉ đạo lập hồ sơ, văn bản kiến nghị chính quyền cấp huyện và cấp xã xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Hạt Quản lý đê phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm; xác định hình thức xử lý; biện pháp khắc phục hậu quả; thời gian khắc phục hậu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống, lụt, bão: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của đơn vị mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Điều 7. Phối hợp tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả

1. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm không để vi phạm phát triển; trường hợp đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành, phải tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả theo đúng thẩm quyền và đảm bảo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

b) Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Hạt Quản lý đê xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng cưỡng chế giải tỏa vi phạm. Khi cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo các ngành chức năng của huyện hỗ trợ lực lượng tham gia cưỡng chế giải tỏa vi phạm.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Khi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND cấp huyện và của các ngành chức năng có thẩm quyền xử phạt không được đối tượng vi phạm tự nguyện chấp hành, Chủ tịch UBND cấp huyện ra Quyết định và chủ trì tổ chức thực hiện cưỡng chế; trình tự thủ tục cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật”

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị liên quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: Xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng cưỡng chế giải tỏa vi phạm theo đúng thẩm quyền và đảm bảo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức cưỡng chế giải tỏa các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền cấp huyện.

b) Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi giao Hạt Quản lý đê phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xây dựng kế hoạch cưỡng chế giải tỏa vi phạm; xác định mốc giới bảo vệ công trình đê điều, thoát lũ, phạm vi công trình vi phạm; vấn đề về kỹ thuật liên quan đến an toàn công trình đê điều, thoát lũ.

4. Công an tỉnh, Công an huyện theo chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Điều 8. Phối hợp trong việc đôn đốc, giám sát xử lý vi phạm

1. Kiểm soát viên đê điều được giao trực tiếp quản lý tuyến đê:

Thực hiện giám sát quá trình xử lý và thực hiện quyết định xử lý vi phạm theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn mà chưa xử lý hoặc quá thời hạn quy định mà chưa thực hiện quyết định xử lý, phải tiếp tục báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý tiếp theo với Hạt trưởng Hạt Quản lý đê.

2. Hạt trưởng Hạt Quản lý đê:

Trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn mà chưa xử lý hoặc quá thời hạn quy định mà chưa thực hiện quyết định xử lý, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, phải có văn bản báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện và tổng hợp hồ sơ, báo cáo Chi cục Thủy lợi.

3. Chi cục Thủy lợi:

a) Sau khi nhận được báo cáo của Hạt Quản lý đê, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, phải kiểm tra hiện trường, có văn bản kiến nghị, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đề xuất biện pháp xử lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Tổ chức làm việc với chính quyền địa phương về tình hình vi phạm và kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.

c) Trường hợp vi phạm vẫn tiếp diễn mà chưa xử lý hoặc quá thời hạn xử lý theo quy định mà chưa thực hiện quyết định xử lý, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm pháp luật, có báo cáo đề xuất xử lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kiến nghị kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp huyện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Vụ Quản lý đê điều và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Có văn bản kiến nghị kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xử lý đối với trường hợp tiếp tục vi phạm mà chưa xử lý hoặc quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp hết thời hạn mà chưa thực hiện quyết định xử lý.

b) Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc xử lý và thực hiện quyết định xử lý.

5. Công an Tỉnh chỉ đạo điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều gây hậu quả nghiêm trọng và những trường hợp đã có quyết định xử lý nhưng cố tình tiếp tục vi phạm.

Điều 9. Phối hợp trong công tác rà soát, tổng hợp, báo cáo vi phạm

1. Hạt Quản lý đê:

a) Tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra trên địa bàn quản lý về Chi cục Thủy lợi, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất khi có yêu cầu.

b) Hàng quý, chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn rà soát, phân loại, thống nhất số liệu vi phạm, kiến nghị xử lý cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng trên địa bàn quản lý.

2. Chi cục Thủy lợi:

Định kỳ hàng tháng, quý, năm tổng hợp về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng cục Thủy lợi.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân các xã, phường, thị trấn và các Cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều theo đúng quy định của pháp luật.

2. Kinh phí để tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều do chính quyền các địa phương bố trí theo quy định của Luật Ngân sách.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.