TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1908/QĐ-TLĐ | Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2016 |
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012; Điều lệ Công đoàn Việt Nam Khóa XI;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; Luật Kế toán năm 2015; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn;
Căn cứ Nghị quyết số 07b/NQ-TLĐ ngày 21/01/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Khóa XI về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Ban Tài chính Tổng Liên đoàn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Bãi bỏ các văn bản Tổng Liên đoàn đã ban hành sau đây:
Hướng dẫn 258/HD-TLĐ ngày 07/3/2014 về đóng đoàn phí công đoàn; Quyết định số 270/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 Quy định về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn; Quyết định số 271/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 Quy định khen thưởng, xử phạt về thu, nộp tài chính công đoàn; Quyết định số 269/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 Quy chế quản lý tài chính Công đoàn.
Điều 3. Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn các cấp, các đơn vị sự nghiệp của công đoàn có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CÔNG ĐOÀN, THU, PHÂN PHỐI NGUỒN THU VÀ THƯỞNG, PHẠT THU, NỘP TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn)
Quy định này quy định chi tiết về quản lý tài chính, tài sản công đoàn; phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn; đóng đoàn phí công đoàn và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn.
1. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn;
2. Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công đoàn ngành địa phương; Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; Công đoàn Tổng Công ty và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đặc thù khác (sau đây gọi chung là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở);
3. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương (sau đây gọi chung là Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương);
4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi chung là Tổng Liên đoàn);
5. Đơn vị sự nghiệp công đoàn.
Điều 3. Các nguyên tắc về tài chính công đoàn
1. Tài chính công đoàn là điều kiện bảo đảm cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn theo Luật Công đoàn.
2. Tài chính công đoàn được quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn và trách nhiệm của công đoàn các cấp.
3. Các cấp công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.
4. Phân cấp thu tài chính công đoàn để chủ động trong việc thu tài chính công đoàn. Đơn vị được phân cấp thu phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phải thu theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn. Đối với đơn vị được phân cấp thu để xảy ra tình trạng thất thu, không hoàn thành kế hoạch thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn; không nộp đủ nghĩa vụ lên công đoàn cấp trên nếu không có lý do chính đáng thì tập thể, cá nhân có liên quan phải bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.
5. Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn phải đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện chủ động cho các cấp công đoàn trong việc khai thác và sử dụng nguồn thu tài chính công đoàn đúng quy định.
6. Định mức chi của đơn vị nộp kinh phí về công đoàn cấp trên cao hơn định mức chi của đơn vị tự cân đối; định mức chi của đơn vị tự cân đối cao hơn định mức chi của đơn vị được công đoàn cấp trên cấp hỗ trợ theo quy định của Tổng Liên đoàn.
7. Thưởng thu, nộp tài chính công đoàn nhằm động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác thu, nộp tài chính công đoàn; đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời; nộp đầy đủ lên công đoàn cấp trên; sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính công đoàn; Đơn vị hoàn thành kế hoạch thu, nộp trong năm mới được trích thưởng, trường hợp vì lý do khách quan sang quý I năm sau mới hoàn thành kế hoạch thu, nộp, thì việc trích thưởng do Ban Thường vụ công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.
Trong Quy định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
- Mức lương cơ sở: áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
- Các cấp trên cơ sở: bao gồm: Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, công đoàn ngành địa phương, công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, công đoàn Tổng Công ty và một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đặc thù khác; Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CÔNG ĐOÀN
Mục 1. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
Điều 5. Thu, chi tài chính công đoàn
1. Thu tài chính công đoàn:
Nguồn thu tài chính công đoàn theo Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn, bao gồm:
a) Thu đoàn phí công đoàn.
b) Thu kinh phí công đoàn.
c) Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.
d) Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án, chương trình do nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; lãi tiền gửi ngân hàng, kho bạc (nếu có), tiền thanh lý, nhượng bán tài sản; tiền thu hồi các khoản chi sai chế độ từ nguồn tài chính công đoàn đã quyết toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
2. Chi tài chính công đoàn:
Chi tài chính công đoàn thực hiện theo Khoản 2 Điều 27 Luật Công đoàn năm 2012 và quy định của Tổng Liên đoàn.
Điều 6. Hệ thống tổ chức quản lý tài chính công đoàn
1. Cấp Tổng dự toán Tổng Liên đoàn.
2. Cấp Tổng dự toán Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương.
3. Cấp Tổng dự toán Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
4. Đơn vị dự toán bao gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công đoàn.
Điều 7. Phân cấp quản lý tài chính công đoàn
1. Ban Chấp hành (Ban Thường vụ) công đoàn cơ sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính theo phân cấp của Tổng Liên đoàn; xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán; công khai dự toán, quyết toán thu, chi tài chính công đoàn; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu của công đoàn cơ sở.
2. Ban Thường vụ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn theo phân cấp của Tổng Liên đoàn; xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán; quyết toán; công khai dự toán, quyết toán; kiểm tra, hướng dẫn đơn vị cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn và nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên; phê duyệt báo cáo dự toán, quyết toán của các đơn vị cấp dưới.
3. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn theo phân cấp của Tổng Liên đoàn; quyết định nguyên tắc xây dựng, phân bổ, duyệt dự toán cho các đơn vị cấp dưới theo quy định của Tổng Liên đoàn; xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán; công khai dự toán, quyết toán; kiểm tra, hướng dẫn đơn vị cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn và nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên; phê duyệt báo cáo dự toán, quyết toán của các đơn vị cấp dưới.
4. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính của công đoàn Việt Nam; quyết định nguyên tắc xây dựng, xét duyệt, phân bổ dự toán tài chính công đoàn hàng năm; tổng hợp phê duyệt dự toán, quyết toán cấp Tổng dự toán, các đơn vị cấp dưới; kiểm tra, hướng dẫn đơn vị cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn, thực hiện nộp kinh phí về Tổng Liên đoàn; ban hành các quy định, quy chế, hướng dẫn về thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính công đoàn theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn; phê duyệt dự toán, quyết toán thu, chi tài chính công đoàn hàng năm.
a) Thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn:
- Phê duyệt chủ trương đầu tư tài chính (trừ tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng), cấp vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng.
- Phê duyệt chủ trương sử dụng nguồn tài chính công đoàn cho các đơn vị trong tổ chức công đoàn vay.
- Phê duyệt đề án vay vốn trên 2 tỷ đồng cho các đơn vị trong tổ chức công đoàn.
b) Thẩm quyền của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương:
- Phê duyệt chủ trương sử dụng nguồn tài chính công đoàn đầu tư tài chính (trừ tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng), cấp vốn điều lệ cho doanh nghiệp công đoàn theo quy chế tổ chức, quản lý tài chính doanh nghiệp công đoàn đến 2 tỷ đồng.
- Phê duyệt chủ trương sử dụng nguồn tài chính công đoàn cho các đơn vị trực thuộc vay vốn đến 2 tỷ đồng.
- Phê duyệt đề án vay vốn theo quy định của pháp luật cho các đơn vị trực thuộc đến 2 tỷ đồng.
* Đối với Ban Công đoàn Quốc phòng không có Ban Thường vụ thì thẩm quyền do Thủ trưởng đơn vị quyết định.
c) Thẩm quyền của Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn
Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp được vận dụng cơ chế tài chính Công ty TNHH MTV công đoàn được quyết định vay vốn, huy động vốn từ 02 tỷ đồng trở xuống, mức trên 02 tỷ đồng trở lên trình Chủ sở hữu phê duyệt để thực hiện.
- Thu tài chính công đoàn phải đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời.
- Thủ trưởng đơn vị dự toán quyết định chi tài chính công đoàn đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước và Tổng Liên đoàn quy định. Công đoàn các cấp, các đơn vị không được đặt ra các khoản thu, chi trái với quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
- Các cấp công đoàn phải lập dự phòng tài chính khi xây dựng dự toán hàng năm, tỷ lệ dự phòng kinh phí tối thiểu là 10%/Tổng chi thường xuyên.
Điều 9. Các khoản thu, chi tài chính công đoàn; nguồn kinh phí hoạt động xã hội, nguồn kinh phí dự án... phải được theo dõi trong sổ kế toán của đơn vị, quyết toán đầy đủ, kịp thời; chứng từ kế toán đảm bảo nguyên tắc theo chế độ kế toán đơn vị HCSN do Nhà nước quy định và Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn
Các đơn vị kế toán công đoàn được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước để quản lý thu, chi tài chính công đoàn. Kế toán quản lý chặt chẽ các khoản tiền gửi ngắn hạn, dài hạn, đối chiếu số dư với ngân hàng; phản ánh chính xác, kịp thời các khoản tiền gốc, tiền lãi vào sổ kế toán, báo cáo của đơn vị.
Mỗi đơn vị kế toán chỉ tổ chức một quỹ tiền mặt. Quỹ tiền mặt phải được quản lý chặt chẽ, kiểm kê quỹ hàng tháng và đột xuất, hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt. Định mức tồn quỹ tiền mặt cuối tháng tối đa bằng 2%/Tổng chi cho hoạt động thường xuyên theo dự toán được duyệt, phải được quy định trong quy chế chi tiêu và quản lý tài chính của đơn vị.
Điều 10. Dự toán, quyết toán thu, chi tài chính năm của công đoàn các cấp phải báo cáo với Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra cùng cấp; thực hiện công khai tài chính công đoàn theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn.
Điều 11. Năm tài chính công đoàn tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 năm dương lịch
1. Đối với các cấp công đoàn, thời hạn báo cáo dự toán, quyết toán thu, chi tài chính quy định như sau:
a) Dự toán thu, chi tài chính công đoàn năm sau của Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương báo cáo về Tổng Liên đoàn trước ngày 30/11. Quyết toán thu, chi tài chính công đoàn năm trước, báo cáo về Tổng Liên đoàn trước ngày 31/3 của năm sau.
b) Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương quy định cụ thể thời gian nộp báo cáo dự toán, quyết toán của cấp dưới, đơn vị trực thuộc cho phù hợp với quy định tại Điều này.
2. Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn: Dự toán của năm sau báo cáo Chủ sở hữu trước ngày 15/11 hàng năm. Quyết toán thu, chi của năm trước báo cáo Chủ sở hữu trước ngày 15/3 năm sau.
Điều 12. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tích lũy
1. Tài chính công đoàn tích lũy đến thời điểm 31/12 được chuyển sang năm sau để sử dụng.
2. Các cấp công đoàn được sử dụng nguồn tài chính công đoàn tích lũy để đầu tư tài chính theo quy định của pháp luật, cấp vốn Điều lệ cho các đơn vị trực thuộc theo Quy chế tổ chức và quản lý tài chính doanh nghiệp công đoàn; Đầu tư XDCB, mua sắm và cân đối cho các yêu cầu chi của năm dự toán nhưng tối đa không quá 50% số dư tích lũy đến cuối năm trước (bao gồm cả số dư đầu tư tài chính, cấp vốn điều lệ, đầu tư XDCB lũy kế). Sử dụng tài chính công đoàn tích lũy đến cuối năm trước chi cho hoạt động thường xuyên và XDCB, mua sắm tài sản của năm tài chính phải đưa vào dự toán và phải được công đoàn cấp trên có thẩm quyền duyệt.
3. Đối với tiền gửi ngân hàng, gửi có kỳ hạn không tính định mức sử dụng nêu trên, việc chuyển tiền gửi không kỳ hạn sang tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng do đơn vị có tiền gửi quyết định.
4. Việc sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để cấp vốn điều lệ, đầu tư XDCB, mua cổ phần theo quy định của Nhà nước, căn cứ theo quyết định của cấp có thẩm quyền ghi giảm nguồn tài chính công đoàn tích lũy của đơn vị khi kết thúc năm tài chính, đồng thời tăng nguồn vốn tương ứng và theo dõi, thanh quyết toán theo chế độ tài chính, kế toán của Nhà nước và quy định của Tổng Liên đoàn, đảm bảo tính minh bạch về quản lý nguồn kinh phí.
Mục 2. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG ĐOÀN
Điều 13. Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên, từ nguồn tài chính công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của công đoàn. Tổng Liên đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm sở hữu tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật và giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng.
Điều 14. Tài sản công đoàn ở các đơn vị phải thực hiện chế độ quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012; các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 15. Tiếp nhận và chuyển giao tài sản
1. Trước khi điều chuyển tài sản của công đoàn sang các đơn vị khác ngoài tổ chức công đoàn theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các đơn vị được phân cấp quản lý, sử dụng tài sản phải xin ý kiến của Tổng Liên đoàn.
2. Điều chuyển tài sản trong nội bộ cơ quan và giữa các công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương do Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương quyết định sau khi có ý kiến của đơn vị có tài sản điều chuyển và đơn vị tiếp nhận.
3. Điều chuyển tài sản giữa các Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương do Tổng Liên đoàn quyết định sau khi có ý kiến của đơn vị có tài sản điều chuyển và đơn vị tiếp nhận.
1. Thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn:
- Phê duyệt chủ trương đầu tư XDCB, mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp qua Tổng Liên đoàn và nguồn tài chính của Tổng Liên đoàn cấp.
- Phê duyệt chủ trương đầu tư XDCB, mua sắm tài sản bằng nguồn tài chính công đoàn (bao gồm cả nguồn khác nhưng công đoàn quyết định đầu tư) trên 2 tỷ đồng trở lên và ủy quyền cho Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương thực hiện quy trình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về XDCB và đấu thầu.
- Phê duyệt chủ trương mua ô tô mới, thanh lý xe ô tô cũ của các cấp công đoàn, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp công đoàn (bao gồm cả công ty cổ phần công đoàn giữ cổ phần chi phối).
- Phê duyệt chủ trương sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp trực thuộc công đoàn các cấp theo quy định của pháp luật có giá trị của hợp đồng trên 2 tỷ đồng.
2. Thẩm quyền của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương:
- Phê duyệt chủ trương đầu tư XDCB, mua sắm bằng nguồn tài chính công đoàn của đơn vị đến 2 tỷ đồng. Thực hiện quy trình đầu tư xây dựng và đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng nguồn tài chính của đơn vị trên 2 tỷ đồng, sau khi được Tổng Liên đoàn phê duyệt chủ trương.
- Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương phê duyệt chủ trương sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật có giá trị của hợp đồng đến 2 tỷ đồng.
3. Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư XDCB, mua sắm tài sản của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn:
- Dự án XDCB, mua sắm tài sản cố định bằng nguồn tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn phê duyệt.
- Dự án XDCB, mua sắm tài sản (trừ ô tô) từ quỹ hoạt động sự nghiệp; sử dụng quỹ hoạt động sự nghiệp đầu tư tài chính (trừ tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng), góp vốn liên doanh, liên kết: các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên quyết định giá trị từ 02 tỷ đồng trở xuống, các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên quyết định giá trị tối đa 01 tỷ đồng, các đơn vị được ngân sách đảm bảo chi thường xuyên quyết định giá trị tối đa 500 triệu đồng.
4. Cấp quyết định đầu tư, mua sắm tài sản, quyết định việc thanh lý tài sản.
Điều 17. Quản lý xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm, tài sản
Quản lý xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm tài sản của các cơ quan công đoàn phải tuân thủ trình tự, thủ tục đầu tư; Thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư XDCB và đấu thầu.
Khi tổng hợp quyết toán vốn đầu tư XDCB, mua sắm tài sản vào báo cáo quyết toán thu, chi tài chính công đoàn của đơn vị với công đoàn cấp trên, phải kèm theo hồ sơ quyết toán đầu tư XDCB, mua sắm tài sản.
Đối với công trình xây dựng cơ bản, sửa chữa có mức đầu tư từ 200 triệu đồng trở lên phải có dự toán, thiết kế và báo cáo thẩm định dự toán trước khi thực hiện. Khi công trình hoàn thành phải được kiểm toán hoặc thẩm định quyết toán của cơ quan có chức năng.
Đối với công trình xây dựng cơ bản, sửa chữa có mức đầu tư từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng phải có hồ sơ thiết kế, dự toán, thẩm định dự toán trước khi thực hiện, phê duyệt báo cáo quyết toán công trình hoàn thành sau khi được thẩm định.
Điều 18. Các đơn vị kế toán công đoàn phải theo dõi việc quản lý, sử dụng tài sản công đoàn; hạch toán chính xác, đầy đủ, kịp thời nguyên giá, tăng, giảm, giá trị hao mòn, khấu hao TSCĐ vào sổ sách, báo cáo quyết toán; Thực hiện công khai việc quản lý, sử dụng tài sản hàng năm theo quy định của Nhà nước.
QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP THU, PHÂN PHỐI NGUỒN THU TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
Mục 1. QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP THU VÀ PHƯƠNG THỨC THU KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
Điều 19. Phân cấp thu và phương thức thu kinh phí công đoàn
Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng cho tổ chức công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn. Tổng Liên đoàn thống nhất thu và phân cấp cho các cấp công đoàn thu kinh phí công đoàn như sau:
1. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp do ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và tương đương thu đối với các đơn vị do mình quản lý trực tiếp và thông báo cho đối tượng đóng kinh phí công đoàn để thực hiện; đồng thời thông báo cho Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố hoặc Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để phối hợp thu.
2. Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp không thụ hưởng kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước có công đoàn cơ sở hoặc chưa thành lập công đoàn cơ sở
Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương trực tiếp thu hoặc phân cấp cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thu và thông báo cho đối tượng đóng kinh phí công đoàn để biết thực hiện.
- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước
- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có từ 5.000 lao động trở lên, có tài khoản, có kế toán công đoàn chuyên trách, ba năm liền kề thực hiện tốt việc thu kinh phí công đoàn, báo cáo dự toán, quyết toán thu chi tài chính công đoàn, nộp nghĩa vụ lên công đoàn cấp trên đầy đủ, kịp thời
- Các đơn vị thuộc đối tượng thực hiện Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường, lâm trường quốc doanh
4. Các cấp công đoàn phải ban hành Quyết định phân cấp thu kèm theo danh sách đối tượng đóng kinh phí công đoàn được phân cấp để công đoàn các cấp dưới thực hiện
5. Phương thức thu kinh phí công đoàn đối với tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp không thụ hưởng kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước Tổng Liên đoàn có hướng dẫn riêng.
Điều 20. Phân cấp thu đoàn phí công đoàn, thu khác
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng và phân cấp cho công đoàn cơ sở thu.
2. Nguồn thu khác theo Khoản 4 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 phân cấp thu cho đơn vị có phát sinh nguồn thu này.
Mục 2. PHÂN PHỐI NGUỒN THU TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
Điều 21. Phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn cơ sở
2. Nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn.
Công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn nộp lên công đoàn cấp trên (cấp được phân cấp quản lý tài chính công đoàn) tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Trong năm nộp theo dự toán, khi có quyết toán nộp theo số thu quyết toán.
3. Cấp kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở không được phân cấp thu kinh phí công đoàn.
Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí công đoàn của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng có trách nhiệm cấp cho công đoàn cơ sở (đơn vị nộp kinh phí công đoàn) trong vòng 05 ngày làm việc.
4. Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở: Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trong tổng số thu kinh phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này. Cuối năm số kinh phí sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết phải quản lý, theo dõi và trả lại cho công đoàn cơ sở khi đơn vị đó thành lập tổ chức công đoàn; Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở đã phá sản, giải thể thì số thu kinh phí công đoàn được ghi tăng nguồn thu tài chính công đoàn tại cấp trên cơ sở được phân cấp thu.
Điều 22. Phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn các cấp trên cơ sở
Công đoàn các cấp trên cơ sở được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Nguồn thu khác của đơn vị nào đơn vị đó được sử dụng.
1. Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn giữa Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở do Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương quy định cho đến khi có hướng dẫn của Tổng Liên đoàn.
2. Phân phối nguồn thu tài chính công đoàn giữa Tổng Liên đoàn với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương như sau:
a) Đơn vị nộp kinh phí về Tổng Liên đoàn.
Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương có số thu kinh phí và đoàn phí công đoàn về cấp trên chênh lệch trên 10% so với số chi của đơn vị (bao gồm công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương) tính theo định mức chi Tổng Liên đoàn thông báo hàng năm, phải nộp kinh phí về Tổng Liên đoàn.
Số kinh phí nộp về Tổng Liên đoàn = (Tổng hợp toàn bộ số thu kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn của đơn vị) x mức nộp như sau:
- Số thu đến 500 tỷ đồng.
Bậc | Số thu | Mức nộp (%) |
1 | Từ 450 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng | 5 |
2 | Từ 400 tỷ đồng đến dưới 450 tỷ đồng | 4,5 |
3 | Từ 350 tỷ đồng đến dưới 400 tỷ đồng | 4 |
4 | Từ 300 tỷ đồng đến dưới 350 tỷ đồng | 3,5 |
5 | Từ 250 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng | 3 |
6 | Từ 200 tỷ đồng đến dưới 250 tỷ đồng | 2,5 |
7 | Từ 150 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng | 2 |
8 | Từ 100 tỷ đồng đến dưới 150 tỷ đồng | 1,5 |
9 | Từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng | 1 |
10 | Dưới 50 tỷ đồng | 0,5 |
- Số thu trên 500 tỷ đồng.
Đơn vị có số thu trên 500 tỷ đồng trở lên ngoài kinh phí nộp theo mức 1 của bảng trên thì phần chênh lệch tăng thêm thực hiện mức nộp về Tổng Liên đoàn là 5,5%.
Trong năm nộp theo dự toán, khi có báo cáo quyết toán nộp theo số quyết toán.
Trường hợp số thu quyết toán vượt trên mức thu của bậc giao dự toán thì ngoài kinh phí nộp theo mức đã giao dự toán, phần chênh lệch tăng thêm thực hiện mức nộp của bậc trên liền kề.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét, điều chỉnh mức nộp đối với các đơn vị không thực hiện được mức nộp theo quy định trên khi giao dự toán hàng năm.
b) Đơn vị tự cân đối thu, chi
Các đơn vị có số thu kinh phí và đoàn phí công đoàn về cấp trên cân đối được thu, chi hoặc chênh lệch từ 10% trở xuống so với số chi (bao gồm cả công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương) tính theo định mức chi Tổng Liên đoàn thông báo hàng năm được xác định là đơn vị tự cân đối thu, chi.
c) Đơn vị được cấp hỗ trợ.
Các đơn vị có số thu kinh phí và đoàn phí công đoàn về cấp trên không cân đối được thu, chi tính theo định mức cán bộ công đoàn chuyên trách, định mức chi, hệ số điều chỉnh đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do Tổng Liên đoàn thông báo hàng năm, được cấp hỗ trợ phần chênh lệch.
Trường hợp số cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở tính theo định mức và hệ số điều chỉnh nêu trên cao hơn số cán bộ công đoàn chuyên trách do Tổng Liên đoàn thông báo thì lấy số cán bộ công đoàn chuyên trách Tổng Liên đoàn thông báo làm căn cứ tính cấp hỗ trợ.
Đối với các đơn vị không cân đối được thu, chi phải hỗ trợ ngoài quy định trên, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét, quyết định.
3. Sử dụng số thu của Tổng Liên đoàn.
Số thu của Tổng Liên đoàn được sử dụng để cấp cho Văn phòng Tổng Liên đoàn, các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn; cấp hỗ trợ cho các đơn vị theo quy định trên; dự phòng của Tổng Liên đoàn và hỗ trợ khác cho các đơn vị theo quyết định của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
4. Kinh phí chỉ đạo phối hợp (thực hiện theo Quyết định số 887/QĐ-TLĐ ngày 02/7/2015 của Tổng Liên đoàn)
a) Công đoàn ngành trung ương và tương đương nộp kinh phí chỉ đạo phối hợp về Tổng Liên đoàn bằng 4% số thu kinh phí công đoàn phần công đoàn cấp trên được sử dụng.
b) Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nộp kinh phí chỉ đạo phối hợp về Tổng Liên đoàn bằng 4% số thu kinh phí công đoàn của đơn vị chỉ đạo phối hợp phần công đoàn cấp trên được sử dụng.
QUY ĐỊNH ĐÓNG ĐOÀN PHÍ CÔNG ĐOÀN
Điều 23. Đối tượng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí
1. Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở cơ quan nhà nước; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Khi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn thay đổi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
2. Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối): mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
3. Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối); Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước
4. Các công đoàn cơ sở tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được thu đoàn phí công đoàn của đoàn viên hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên) hoặc quy định mức thu cao hơn 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu được Ban Chấp hành công đoàn cơ sở mở rộng (từ tổ trưởng công đoàn trở lên) đồng ý bằng Nghị quyết, có văn bản và được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở. Tiền đoàn phí công đoàn phần thu tăng thêm so với quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được để lại 100% cho công đoàn cơ sở bổ sung chi hoạt động theo đúng quy định; khi báo cáo quyết toán, công đoàn cơ sở phải tách riêng số tiền đoàn phí công đoàn tăng thêm theo mẫu quy định để có cơ sở tính số phải nộp về cấp trên.
5. Đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội: đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1 % mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
6. Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.
Điều 24. Phương thức đóng và quản lý tiền đoàn phí
1. Phương thức đóng đoàn phí
a) Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng trực tiếp hàng tháng cho tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn (theo phân cấp của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn).
b) Đoàn phí công đoàn thu qua lương hàng tháng (tiền mặt hoặc chuyển khoản) sau khi có ý kiến thỏa thuận của đoàn viên. Trong trường hợp này, số thu đoàn phí công đoàn phải có xác nhận của phòng kế toán đơn vị và có danh sách chi tiết đoàn viên đóng đoàn phí.
c) Khuyến khích đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở đổi mới phương thức thu, nộp đoàn phí công đoàn bằng công nghệ hiện đại (thu qua tài khoản cá nhân, qua thẻ ATM...) trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa đoàn viên với công đoàn cơ sở và được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý bằng văn bản.
2. Quản lý tiền đoàn phí:
Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn được giao nhiệm vụ thu tiền đoàn phí do đoàn viên đóng phải mở sổ sách, ghi chép, phản ánh đầy đủ, kịp thời việc nộp tiền đoàn phí hàng tháng của đoàn viên theo danh sách đoàn viên của đơn vị; bảo quản, lưu trữ sổ thu đoàn phí theo đúng quy định của luật kế toán; tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi tài chính với công đoàn cấp trên. Việc phân phối, sử dụng, quản lý tiền đoàn phí thực hiện theo quy định của Tổng Liên đoàn.
QUY ĐỊNH THƯỞNG, PHẠT THU, NỘP TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
1. Tập thể, cá nhân trong các cơ quan công đoàn, công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thu, nộp tài chính công đoàn, tham gia nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu, chi, quản lý tài chính công đoàn.
2. Cán bộ quản lý, kế toán của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp đóng kinh phí công đoàn cho tổ chức công đoàn; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các cấp công đoàn.
3. Tập thể, cá nhân giúp chấn chỉnh, hướng dẫn công tác tài chính công đoàn đúng quy định (kiểm tra, kiểm toán, thanh tra).
4. Cán bộ trong các cơ quan nhà nước tham gia, phối hợp xây dựng cơ chế thu, chi, quản lý tài chính công đoàn.
5. Tập thể, cá nhân của các cơ quan nhà nước: Kho bạc, Tài chính, Thuế, Thanh tra lao động, Bảo hiểm xã hội... các cấp phối hợp thu, kiểm tra đóng kinh phí công đoàn.
6. Các trường hợp khác có liên quan đến thu, nộp tài chính công đoàn.
1. Thưởng thu tài chính công đoàn.
1.1. Thưởng thu kinh phí và đoàn phí công đoàn.
a) Công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được phân cấp thu kinh phí công đoàn (nếu có), đoàn phí công đoàn được trích thưởng bằng 1% tổng số kinh phí, đoàn phí công đoàn thu được.
b) Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được phân cấp thu kinh phí công đoàn (nếu có) và đoàn phí công đoàn được trích thưởng bằng 2% tổng số kinh phí và đoàn phí công đoàn thu được.
c) Công đoàn cấp trên cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn của đối tượng quy định tại Điểm b nêu trên được trích thưởng bằng 2% tổng số kinh phí công đoàn thu được để thưởng cho đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 25 quy định này bằng 1%, thưởng cho các đối tượng còn lại bằng 1%.
d) Công đoàn cơ sở chỉ được phân cấp thu đoàn phí công đoàn, được trích thưởng trên tổng số tiền đoàn phí công đoàn thu được theo mức quy định tại Điểm a, b nêu trên.
đ) Công đoàn các cấp trên cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở được trích thưởng bằng 5% tổng số kinh phí công đoàn thu được, trong đó đơn vị trích thưởng xem xét, quyết định thưởng cho đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 25 quy định này tối đa 3%.
e) Thưởng thu kinh phí công đoàn đơn vị HCSN.
e.1. Thưởng thu kinh phí công đoàn đơn vị HCSN thuộc ngân sách nhà nước địa phương.
- Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn của đơn vị HCSN thuộc ngân sách nhà nước địa phương được trích thưởng bằng 1,3% tổng số kinh phí công đoàn thu được. Trong đó:
+ Thưởng đối tượng tại Khoản 2, Điều 25 Quy định này bằng 0,8%
+ Thưởng các đối tượng tại Khoản 1, 3, 4, 5, 6, Điều 25 Quy định này bằng 0,5%
- Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương được trích thưởng bằng 0,2% tổng số kinh phí công đoàn thu được của đơn vị HCSN thuộc ngân sách nhà nước địa phương theo tổng hợp báo cáo quyết toán tài chính công đoàn năm để thưởng cho các đối tượng tại Khoản 1, 4, 5, 6 Điều 25 quy định này (trong năm trích theo dự toán, khi có quyết toán trích thưởng theo số thu quyết toán).
e.2. Thưởng thu kinh phí công đoàn của đơn vị HCSN thuộc ngân sách nhà nước TW:
- Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn của đơn vị HCSN thuộc ngân sách TW được trích thưởng bằng 1,15% tổng số kinh phí công đoàn thu được. Trong đó:
+ Thưởng đối tượng tại Khoản 2, Điều 25 Quy định này bằng 0,8%
+ Thưởng đối tượng tại Khoản 1, 3, 4, 5, 6, Điều 25 quy định này bằng 0,35%
- Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương được trích thưởng bằng 0,2% tổng số kinh phí công đoàn thu được của đơn vị HCSN thuộc ngân sách nhà nước Trung ương theo tổng hợp báo cáo quyết toán tài chính công đoàn năm để thưởng cho các đối tượng tại khoản 1, 4, 5, 6 Điều 25 Quy định này (trong năm trích theo dự toán, khi có quyết toán trích thưởng theo số thu quyết toán).
- Đơn vị kế toán Tổng dự toán Tổng Liên đoàn được trích thưởng bằng 0,15% tổng số kinh phí công đoàn thu được của đơn vị HCSN thuộc ngân sách nhà nước Trung ương theo tổng hợp báo cáo quyết toán tài chính công đoàn năm để thưởng cho các đối tượng tại Khoản 1, 4, 5, 6 Điều 25 quy định này (trong năm trích theo dự toán, khi có quyết toán trích thưởng theo số thu quyết toán).
1.2. Thưởng thu khác.
- Thưởng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,… hỗ trợ hoạt động công đoàn bằng 5% số tiền thu được, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/năm. Mức thưởng cụ thể cho tập thể, cá nhân tham gia huy động và tổ chức, cá nhân hỗ trợ do đơn vị có phát sinh nguồn thu này quyết định.
1.3. Thưởng phối hợp thu kinh phí công đoàn.
Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được phân cấp thu có phối hợp với cơ quan Thuế, Thanh tra lao động, Bảo hiểm xã hội... thu kinh phí công đoàn của doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được trích 7% tổng số kinh phí công đoàn thu được để thưởng cho đơn vị, cá nhân phối hợp tổ chức thu.
1.4. Thưởng kiểm tra truy thu.
Sau khi quyết toán được phê duyệt, nhưng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện trích thiếu, nộp thiếu hoặc chưa nộp, chi sai, đoàn kiểm tra xác định phải thu hồi (kể cả trường hợp đó quá thời hạn báo cáo quyết toán năm theo quy định của Tổng Liên đoàn, nhưng đơn vị chưa có báo cáo quyết toán), thì mức thưởng bằng 5% tổng số tiền thu được cho tập thể, cá nhân tham gia đoàn.
Mức thưởng cho tập thể, cá nhân tham gia đoàn kiểm tra do Thủ trưởng đơn vị tổ chức đoàn kiểm tra quyết định.
2. Thưởng nộp lên công đoàn cấp trên:
2.1. Công đoàn cơ sở.
Mức thưởng bằng 2% tổng số tiền nộp trong kế hoạch. Mức thưởng bằng 4% tổng số tiền nộp vượt kế hoạch.
2.2. Công đoàn cấp trên cơ sở trở lên:
Mức thưởng bằng 1% tổng số tiền nộp trong kế hoạch. Mức thưởng bằng 3% tổng số tiền nộp vượt kế hoạch.
2.3. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công đoàn nộp lợi nhuận.
Doanh nghiệp công đoàn nộp lợi nhuận, đơn vị sự nghiệp công đoàn nộp chênh lệch thu, chi lên công đoàn cấp trên theo quy định của Tổng Liên đoàn, được công đoàn cấp trên trích thưởng bằng 5% số tiền nộp trong kế hoạch, bằng 10% số tiền nộp vượt kế hoạch.
2.4. Đại diện chủ sở hữu nộp lợi nhuận, chênh lệch thu chi thu được từ doanh nghiệp công đoàn, đơn vị sự nghiệp công đoàn, được Chủ sở hữu trích thưởng số tiền nộp trong kế hoạch 5%, số tiền nộp vượt kế hoạch được thưởng 10%
3. Thưởng nộp kinh phí chỉ đạo phối hợp:
Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành kế hoạch nộp kinh phí chỉ đạo phối hợp về Tổng Liên đoàn thì được Tổng Liên đoàn trích thưởng bằng 5% trên số đã nộp.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành kế hoạch nộp kinh phí chỉ đạo phối hợp về Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì được Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trích thưởng bằng 5% trên số đã nộp
Điều 27. Nguồn kinh phí chi thưởng, quyết toán tiền thưởng.
1. Thưởng thu tài chính: Căn cứ vào kết quả thu, mức thưởng theo Điều 26 quy định này các cấp công đoàn được phân cấp thu quyết định trích thưởng, chi tiền thưởng, quyết toán chi tiền thưởng từ nguồn kinh phí của đơn vị.
2. Thưởng nộp kinh phí: Đơn vị nhận kinh phí của đơn vị cấp dưới nộp lên quyết định trích thưởng, cấp tiền thưởng và quyết toán chi tiền thưởng.
3. Thưởng kiểm tra truy thu: Căn cứ biên bản kiểm tra theo quyết định kiểm tra của cấp có thẩm quyền, đơn vị nhận kinh phí truy thu trích thưởng tính trên số tiền đã thu được, chi thưởng và quyết toán tiền chi thưởng.
4. Mức thưởng cho cá nhân trong các cơ quan công đoàn 1 năm không quá 6 (sáu) tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Nhà nước. Cuối niên độ kế toán nếu số tiền thưởng chi cho tập thể, cá nhân không hết đơn vị được chuyển vào quỹ cơ quan. Đối với các đơn vị không thực hiện thưởng cho các đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 25 thì không được trích thưởng và sử dụng tiền thưởng chi cho các đối tượng khác.
Điều 28. Xử phạt thu, nộp tài chính công đoàn.
Những đơn vị không hoàn thành kế hoạch thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn (trừ trường hợp có lý do chính đáng), không nộp đủ nghĩa vụ lên công đoàn cấp trên thì tập thể, cá nhân, các đồng chí có liên quan được phân công trong công tác thu, nộp kinh phí, đoàn phí công đoàn sẽ không được xét danh hiệu thi đua năm đó, đồng thời thông báo đến Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp.
TỔ CHỨC BỘ MÁY NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
Điều 29. Tổ chức bộ máy nghiệp vụ quản lý tài chính công đoàn
1. Cấp Tổng dự toán Tổng Liên đoàn; Cấp tổng dự toán Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương là Ban Tài chính.
Ban Tài chính Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương vừa làm nhiệm vụ của cấp tổng dự toán vừa làm nhiệm vụ của đơn vị dự toán cơ quan Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương.
2. Cấp Tổng dự toán công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Ban Thường vụ phân công người làm công tác kế toán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
3. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn phân công người làm công tác kế toán công đoàn.
4. Các đơn vị sự nghiệp công đoàn tổ chức bộ máy kế toán hoặc phân công người làm kế toán.
5. Trưởng ban Tài chính, Trưởng phòng kế toán làm nhiệm vụ của Kế toán trưởng và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kế toán trưởng theo quy định của pháp luật về kế toán.
Đối với các đơn vị kế toán không có các chức danh nêu trên, người được phân công làm công tác kế toán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm nhiệm vụ của Kế toán trưởng.
Người làm kế toán không được kiêm thủ quỹ, thủ kho, mua sắm vật tư, hàng hóa. Lãnh đạo đơn vị không được bố trí những người thân trong gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, con) làm công tác tài chính, kế toán, thủ quỹ, thủ kho tại đơn vị.
Kế toán trưởng, phụ trách kế toán, người làm nhiệm vụ Kế toán trưởng, thủ quỹ công đoàn chuyên trách và kiêm nhiệm được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
Điều 31. Khi thành lập đơn vị mới phải tổ chức bộ máy kế toán. Khi giải thể, sáp nhập hoặc chia tách đơn vị, Thủ trưởng và Trưởng ban Tài chính, hoặc Trưởng phòng kế toán hay người phụ trách kế toán phải hoàn thành quyết toán mới được điều động đi nơi khác. Khi thay đổi Chủ tài khoản, kế toán, thủ quỹ công đoàn phải thực hiện việc bàn giao giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Cán bộ mới chịu trách nhiệm về công tác kế toán, quản lý tài chính kể từ ngày nhận bàn giao
Khi có sự thay đổi Chủ tài khoản của đơn vị kế toán công đoàn, Ủy ban Kiểm tra công đoàn đồng cấp hoặc cấp trên trong trường hợp cần thiết kiểm tra tài chính, tài sản của niên độ trước liền kề đến thời điểm thay đổi.
Điều 32. Nhiệm vụ của Ban Tài chính công đoàn các cấp
1. Ban Tài chính Tổng Liên đoàn:
a) Nghiên cứu chế độ tài chính, kế toán của Nhà nước để vận dụng xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chế độ thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, hoạt động kinh tế và đầu tư XDCB của công đoàn.
b) Thực hiện nhiệm vụ của đơn vị kế toán tổng dự toán; xây dựng, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán, quản lý tài chính của cấp tổng dự toán Tổng Liên đoàn; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công đoàn các cấp xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán, quản lý tài chính công đoàn của công đoàn cấp dưới; kiểm tra việc đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để truy thu, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.
c) Tham mưu thực hiện nhiệm vụ của chủ sở hữu tài sản công đoàn đầu tư cho hoạt động kinh tế, chủ quản đầu tư xây dựng cơ bản của công đoàn và quản lý tài chính nguồn viện trợ không hoàn lại của công đoàn theo quy định của pháp luật.
d) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tài chính, kế toán cho công đoàn cấp dưới.
2. Ban Tài chính Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương
a) Thực hiện nhiệm vụ thu kinh phí công đoàn theo phân cấp của Tổng Liên đoàn.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện dự toán thu, chi tài chính hàng năm; xét duyệt và tổng hợp dự toán, quyết toán năm báo cáo Tổng Liên đoàn xét duyệt.
c) Thực hiện chức năng giám đốc tài chính, thông qua công tác tài chính giúp Ban Thường vụ chỉ đạo thực hiện các mặt công tác của công đoàn.
d) Hướng dẫn, kiểm tra tài chính công đoàn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc.
đ) Tham mưu giúp Ban Thường vụ tổ chức quản lý và hướng dẫn công đoàn cấp dưới hoạt động kinh tế công đoàn.
g) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tài chính công đoàn cấp dưới, và các đơn vị trực thuộc.
h) Thực hiện công tác kế toán, thống kê, tổng hợp tình hình thu, chi và quản lý tài chính, tài sản đơn vị kế toán cấp tổng dự toán; thu, chi, quản lý tài chính, tài sản và làm công tác kế toán của cơ quan Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương; tổ chức chi, thanh quyết toán, theo dõi kinh phí chi phục vụ hoạt động của các đơn vị do cấp mình quản lý chưa thành lập công đoàn cơ sở đã đóng kinh phí công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn.
3. Kế toán công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở, các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện dự toán hàng năm; xét duyệt và tổng hợp dự toán, quyết toán của công đoàn cấp dưới báo cáo Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương xét duyệt
- Thực hiện nhiệm vụ thu kinh phí công đoàn theo phân cấp của Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương; tổ chức chi, thanh quyết toán, theo dõi kinh phí chi phục vụ hoạt động của các đơn vị do cấp mình quản lý chưa thành lập công đoàn cơ sở đã đóng kinh phí công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn.
- Thực hiện công tác kế toán, thống kê của đơn vị kế toán công đoàn cấp mình, lập báo cáo quyết toán gửi cấp trên.
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tài chính của công đoàn cấp dưới.
4. Kế toán công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn:
- Lập dự toán hàng năm báo cáo Ban Chấp hành (Ban Thường vụ) công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn gửi cấp trên xét duyệt.
- Tổ chức thực hiện dự toán, làm công tác kế toán, thống kê, lập báo cáo quyết toán gửi cấp trên xét duyệt. Phục vụ công tác kiểm tra, kiểm toán thu, chi tài chính công đoàn
1. Trách nhiệm của Tổng Liên đoàn.
a) Ban hành quy định phân cấp thu cho Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương; nguyên tắc xây dựng dự toán, chỉ tiêu thu, nộp, định mức chi, định mức cán bộ công đoàn chuyên trách làm cơ sở giao dự toán hàng năm.
b) Kiểm tra việc đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
c) Kiểm tra, hướng dẫn các cấp công đoàn việc thu, chi, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính công đoàn; trích, sử dụng, quản lý tiền thưởng theo quy định của Tổng Liên đoàn.
2. Trách nhiệm của Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương.
Căn cứ các quy định của Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương thực hiện việc:
a) Phối hợp với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, huyện và tương đương thu kinh phí công đoàn của đơn vị hành chính sự nghiệp do ngân sách Nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động.
b) Ban hành quy định phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính của công đoàn cấp mình và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Quy định về nguyên tắc xây dựng dự toán, định mức chi, chỉ tiêu thu, nộp, cấp hỗ trợ làm cơ sở giao dự toán hàng năm cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
c) Ban hành quy định về chế độ, định mức chi cho hoạt động công đoàn và hoạt động bảo vệ, chăm lo cho người lao động, quản lý, thanh quyết toán chi nguồn kinh phí công đoàn đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở.
d) Kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị cấp dưới việc thu, chi, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính công đoàn; trích, sử dụng, quản lý tiền thưởng theo quy định của Tổng Liên đoàn
đ) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Tài chính, Thuế, Thanh tra lao động, Thanh tra chuyên ngành cùng cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn.
e) Kiến nghị xử phạt hành chính hoặc khởi kiện đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn theo Điều 24c Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
3. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công đoàn cơ sở thành viên; công đoàn bộ phận; tổ công đoàn thu, chi, thanh, quyết toán, quản lý tiền đoàn phí; trích sử dụng, quản lý tiền thưởng theo quy định của Tổng Liên đoàn và quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.
4. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác tài chính công đoàn được khen thưởng theo quy định của Tổng Liên đoàn.
5. Xử lý vi phạm
Tập thể, cá nhân có sai phạm trong công tác quản lý thu, chi tài chính công đoàn thì căn cứ mức độ vi phạm để xử lý theo pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.
- 1 Hướng dẫn 258/HD-TLĐ năm 2014 về đóng đoàn phí công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 2 Quyết định 269/QĐ-TLĐ năm 2014 về Quy chế quản lý Tài chính Công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 3 Quyết định 270/QĐ-TLĐ năm 2014 về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 4 Quyết định 271/QĐ-TLĐ năm 2014 về khen thưởng, xử phạt thu, nộp tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 5 Quyết định 271/QĐ-TLĐ năm 2014 về khen thưởng, xử phạt thu, nộp tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 1 Công văn 439/TLĐ năm 2020 về lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn từ nguồn thu tài chính công đoàn và các nguồn vốn hợp pháp khác do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 2 Công văn 6471/TCHQ-TVQT năm 2018 hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp khi Quyết định 2718/QĐ-TCHQ có hiệu lực do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Quyết định 2718/QĐ-TCHQ năm 2018 quy định về thẩm quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra nội bộ và lựa chọn nhà thầu trong đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan
- 4 Thông tư 144/2017/TT-BTC về hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5 Quyết định 1913/QĐ-TLĐ năm 2016 về Quy chế tổ chức, quản lý tài chính Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 6 Hướng dẫn 1737/HD-TLĐ năm 2016 thực hiện xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2017 theo tinh thần Nghị quyết 09C/NQ-BCH về "Điều chỉnh giảm tỉ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 7 Nghị quyết 07b/NQ-TLĐ năm 2016 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới
- 8 Luật kế toán 2015
- 9 Nghị định 88/2015/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- 10 Quyết định 887/QĐ-TLĐ năm 2015 Quy định về kinh phí chỉ đạo phối hợp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 11 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 12 Quyết định 273/QĐ-TLĐ năm 2014 về tổ chức bộ máy quản lý tài chính công đoàn; tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm Trưởng ban Tài chính, Trưởng phòng kế toán, bố trí phụ trách kế toán và chế độ phụ cấp trách nhiệm làm nhiệm vụ kế toán trưởng trong đơn vị kế toán công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 13 Nghị định 191/2013/NĐ-CP hướng dẫn về tài chính công đoàn
- 14 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013
- 15 Luật Công đoàn 2012
- 16 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008
- 17 Nghị định 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh
- 18 Thông tư liên tịch 69/TT-LB năm 1993 hướng dẫn Nghị định 133-HĐBT về quản lý và sử dụng tài sản của công đoàn do Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 1 Thông tư liên tịch 69/TT-LB năm 1993 hướng dẫn Nghị định 133-HĐBT về quản lý và sử dụng tài sản của công đoàn do Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 2 Hướng dẫn 258/HD-TLĐ năm 2014 về đóng đoàn phí công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 3 Quyết định 269/QĐ-TLĐ năm 2014 về Quy chế quản lý Tài chính Công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 4 Quyết định 270/QĐ-TLĐ năm 2014 về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 5 Quyết định 271/QĐ-TLĐ năm 2014 về khen thưởng, xử phạt thu, nộp tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 6 Quyết định 273/QĐ-TLĐ năm 2014 về tổ chức bộ máy quản lý tài chính công đoàn; tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm Trưởng ban Tài chính, Trưởng phòng kế toán, bố trí phụ trách kế toán và chế độ phụ cấp trách nhiệm làm nhiệm vụ kế toán trưởng trong đơn vị kế toán công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 7 Quyết định 1913/QĐ-TLĐ năm 2016 về Quy chế tổ chức, quản lý tài chính Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 8 Hướng dẫn 1737/HD-TLĐ năm 2016 thực hiện xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2017 theo tinh thần Nghị quyết 09C/NQ-BCH về "Điều chỉnh giảm tỉ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 9 Thông tư 144/2017/TT-BTC về hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 10 Quyết định 2718/QĐ-TCHQ năm 2018 quy định về thẩm quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra nội bộ và lựa chọn nhà thầu trong đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan
- 11 Công văn 6471/TCHQ-TVQT năm 2018 hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp khi Quyết định 2718/QĐ-TCHQ có hiệu lực do Tổng cục Hải quan ban hành
- 12 Công văn 439/TLĐ năm 2020 về lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn từ nguồn thu tài chính công đoàn và các nguồn vốn hợp pháp khác do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành