Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1927/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 08 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 - 2010);
Căn cứ Công văn số 7093/BKH-HTX ngày 26/9/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn chỉnh, phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Sở Kế Hoạch Đầu Tư tại Tờ trình số 1103/TTr-SKHĐT ngày 23/10/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 - 2010) trên địa bàn tỉnh Bình Phước với các nội dung như sau:

I. Quan điểm phát triển:

1. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nồng cốt là HTX nhằm góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Các sở, ngành, UBND huyện, thị xã trong tỉnh hướng dẫn về mặt pháp lý, thực hiện các chính sách theo quy định của Luật HTX và Nghị Định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Thủ tướng Chính Phủ.

3. Các tổ chức kinh tế tập thể phát huy nội lực là chính, đồng thời với sự hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

II. Mục tiêu phát triển:

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Đổi mới và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phải theo quy định của pháp luật về HTX.

b) Nâng cao tốc độ tăng trưởng đưa kinh tế tập thể cùng kinh tế của các thành viên, hộ xã viên đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong kinh tế của tỉnh.

c) Góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho xã viên, cộng đồng dân cư ở địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Trên cơ sở các điểm mạnh đã làm được trong các năm qua, cần phải tiếp tục vận động các hộ dân tham gia vào các HTX và tổ hợp tác mới, đến năm 2010 dự kiến khoảng 85 HTX và 6.600 tổ hợp tác.

- Đào tạo cán bộ quản lý các HTX, tổ hợp có trình độ từ trung cấp đến năm 2010 là 40%; trình độ đại học là 25%.

- Nâng thu nhập bình quân của một lao động trong kinh tế tập thể từ 7 triệu năm 2005 lên 14 triệu vào năm 2010.

III. Định hướng và phát triển:

Trên cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà phát triển kinh tế tập thể một cách tương ứng và vững chắc, khắc phục những yếu kém hiện nay và từng bước nâng cao vai trò, vị thế của kinh tế tập thể trong nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Định hướng phát triển kinh tế tập thể trên các ngành, lĩnh vực như sau:

1. Về HTX nông nghiệp: (Bao gồm nông, lâm, thuỷ, sản)

a) Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX đã chuyển đổi và thành lập mới, mở rộng dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của xã viên theo hướng cung cấp vốn, giống, làm đất, thuỷ lợi nội đồng, vật tư nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ đời sống... mà xã viên và cộng đồng có nhu cầu.

b) Khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh đa ngành, tập trung phát triển HTX trong khu vực kinh tế trang trại và tổ hợp tác.

c) Tạo điều kiện để các HTX liên kết kinh tế với các thành phần kinh tế khác trong và ngoài tỉnh, hình thành các liên hiệp HTX.

2. Về công nghiệp xây dựng:

a) Gắn kết với chương trình khuyến công tạo điều kiện cho các HTX công nghiệp, xây dựng hình thành và phát triển nhằm cung cấp dịch vụ phục vụ cho sản xuất của hộ xã viên tiến tới việc xây dựng làng nghề phù hợp với truyền thống và đặc điểm của địa phương, thí điểm xây dựng HTX nhà ở, HTX sản xuất vật liệu xây dựng.

b) Củng cố và nâng cao hiệu quả của các HTX hiện có, hiện đại hoá máy móc, thiết bị thi công, đổi mới mẫu mã, rèn luyện tay nghề HTX để tồn tại và có sức cạnh tranh ở thị trường trong cũng như ngoài tỉnh.

3. Về thương mại dịch vụ:

Tạo điều kiện để củng cố và mở rộng hoạt động của các HTX thương mại dịch vụ hiện có, thí điểm phát triển HTX chợ, HTX thu mua nông sản, HTX bán buôn ở các thị xã, thị trấn.

4. Về giao thông vận tải:

Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX vận tải theo hướng cung cấp tốt hơn các dịch vụ vốn, cơ khí sửa chữa, nhiện liệu và bến bãi cho xã viên và phục vụ tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân.

5. Về tín dụng:

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và mở rộng qui mô 2 quỹ tín dụng nhân dân hiện có bên cạnh phát triển hệ thống tín dụng nhân dân ở các nơi có nhu cầu và đủ điều kiện để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sử dụng vốn của các thành viên, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của một bộ phận nhân dân, tiến tới xoá tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn.

6. Về tổ hợp tác:

- Phát triển rộng rãi các hình thức tổ hợp tác ở các ngành và lĩnh vực nhằm động viên sức mạnh của người lao động, hộ gia đình để hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn trong sản xuất và đời sống để sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả tốt hơn, góp phần to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.

- Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ của các Tổ hợp tác phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, hạ giá thành và nâng cao chất lượng các dịch vụ của Tổ hợp tác cung cấp cho xã viên và nhân dân địa phương;

- Khuyến khích các Tổ hợp tác phát triển các dịch vụ đa dạng ngành nghề gồm: Tổ hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ khuyến nông; tổ hợp tác xã vận tải; tổ hợp tác xã tín dụng, dịch vụ chế biến, tiêu thụ nông lâm sản, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn…

IV. Một số giải pháp chủ yếu:

1. Triển khai Luật HTX, các văn bản hướng dẫn, Luật Dân sự có liên quan đến việc tổ chức hoạt động và quản lý đối với kinh tế tập thể trong các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân.

2. Triển khai thực hiện Nghị Định 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX như hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, tín dụng, giao đất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, xúc tiến thương mại, miễn giảm thuế.

3.Liên minh HTX lập Chương trình cụ thể về tuyên truyền, vận động phát triển rộng rãi các hình thức kinh tế tập thể, vị trí và vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã đối với phát triển kinh tế hộ và đời sống, xã hội nông thôn để nông dân tự nguyện tham gia, xây dựng hợp tác xã.

4. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý hợp tác xã, cán bộ QLNN về hợp tác xã, có chính sách thu hút cán bộ về công tác tại các hợp tác xã và làm công tác QLNN về HTX.

5. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ở cấp tỉnh (các sở), các huyện thị (có bộ phận chuyên trách) để theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chính sách, nghiệp vụ, đồng thời kiểm tra giám sát khu vực kinh tế này. Tạo điều kiện thuận lợi cho Liên minh HTX tỉnh làm tốt nhiệm vụ được phân công, thành lập quỹ hổ trợ kinh tế tập thể.

V. Tổ chức chỉ đạo thực hiện:

1. Các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh, UBND các huyện, thị xã tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 - 2010), hàng năm của sở, ngành và địa phương mình trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế tập thể của tỉnh đã được phê duyệt, hàng năm có báo cáo kết quả việc thực hiện theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh.

2. Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng, đôn đốc việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, phối hợp cùng với Sở Tài chính hàng năm bố trí kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước để thực hiện, định kỳ báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh biết về việc thực hiện quyết định này.

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốcSở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thương mại và Du lịch, Sở Công nghiệp, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Liên minh HTX, Chủ tịch UBND các huyện, thị và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Phong