Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1937/QĐ-BCĐLNATTP

Nghệ An, ngày 05 tháng 5 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH NGHỆ AN

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH
VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP , ngày 25/4/2012 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT , ngày 09/4/2014 của Liên bộ Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Công thương về việc hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) tại Tờ trình số 917/TTr-SYT ngày 25/4/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm, tỉnh Nghệ An”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Công an tỉnh; Các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh; Thành viên tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm;
- Chi cục Quản lý chất lượng NLS và Thủy sản;
- Chi cục Quản lý thị trường;
- CV: VX, NN; NC;
- Lưu: VT.

TRƯỞNG BAN




PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Lê Minh Thông

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

CỦA BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1937/QĐ-BCĐLNATTP ngày 05/5/2016 của Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Nghệ An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định chế độ hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và Tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo (sau đây gọi tắt là Tổ giúp việc).

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động

1. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Phó Trưởng ban chỉ đạo sử dụng con dấu của Sở chủ quản để chỉ đạo, điều hành thực hiện theo các chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO

Điều 3. Trách nhiệm chung

1. Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

2. Tổ chức quán triệt, thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Kết luận của Ban Chỉ đạo trong nội bộ ngành, cơ quan, đơn vị.

3. Kịp thời đề xuất các biện pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong chỉ đạo, tổ chức phối hợp các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

4. Định kỳ (hoặc đột xuất theo yêu cầu) báo cáo Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện an toàn thực phẩm của ngành, cơ quan, đơn vị phụ trách.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo phân công.

Điều 4. Trách nhiệm cụ thể

1. Trưởng ban

Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo;

b) Triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo;

c) Chỉ đạo, điều hành và kiểm tra việc triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.

2. Phó Trưởng Ban thường trực

a) Là thường trực Ban Chỉ đạo, thay mặt Trưởng Ban điều hành công việc và chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng Ban ủy quyền;

b) Chỉ đạo chuẩn bị nội dung các cuộc họp định kỳ, đột xuất của Ban Chỉ đạo và đề xuất các yêu cầu cần xử lý, báo cáo Trưởng ban;

c) Điều hành hoạt động cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

3. Phó Trưởng ban

a) Thay mặt Trưởng ban điều hành công việc thuộc thẩm quyền được phân công theo quy định;

b) Phối hợp Phó Trưởng ban thường trực chỉ đạo chuẩn bị nội dung các cuộc họp định kỳ, đột xuất của Ban Chỉ đạo và đề xuất các yêu cầu cần xử lý báo cáo Trưởng Ban.

4. Thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các đơn vị:

a) Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo

- Thường trực, triển khai điều phối các hoạt động liên ngành bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp của Ban Chỉ đạo;

- Tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo các vấn đề cần giải quyết, tập hợp các kiến nghị, đề xuất để trình Ban Chỉ đạo;

- Chủ trì triển khai thực hiện và tổ chức quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với: Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn và đối tượng theo phân cấp quản lý.

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa bàn: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành, Quỳ Châu, Quế Phong.

- Tổng hợp kết quả hoạt động Chương trình mục tiêu, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành xây dựng kế hoạch, kinh phí hàng năm trình Thường trực Ban Chỉ đạo.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Tham mưu Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, thủy sản. Kiểm soát dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi;

- Chỉ đạo phát triển các vùng sản xuất nông sản an toàn, tập trung, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh từ khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến áp dụng các chương trình quản lý bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tiên tiến như: GMP, GHP, HACCP, SSOP....

- Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; ca cao; hạt tiêu; điều; các nông sản thực phẩm khác; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; nước đá sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa bàn: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp;

- Tuyên truyền giáo dục kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong nông nghiệp.

- Tổng hợp kết quả hoạt động báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định.

c) Sở Công thương

- Tham mưu Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện và áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến tại các cơ sở, nhà máy sản xuất, chế biến các mặt hàng Rượu, bia, bánh kẹo, dầu ăn, tinh bột ... đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trên thị trường đặc biệt là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ..

- Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh mứt, kẹo, bao bì chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa bàn: Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương;

- Tuyên truyền giáo dục kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong cộng đồng.

- Tổng hợp kết quả hoạt động báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định.

d) Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các Sở, ngành liên quan nâng cao năng lực kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến và lưu thông trên thị trường.

- Hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

- Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành liên quan, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

- Tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ.

- Quan tâm, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ngành các cấp.

- Tổng hợp kết quả hoạt động báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định.

e) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tuyên truyền công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các ngành liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo thực phẩm theo quy định pháp luật

- Tổng hợp kết quả hoạt động báo cáo về thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định.

g) Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tham gia các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, xác định nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp về an toàn thực phẩm.

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các Sở, Ngành liên quan khác tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của các phương tiện vận chuyển thực phẩm, kiểm soát thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu,...

- Tham gia giải quyết các sự kiện phát sinh về an toàn thực phẩm.

- Tổng hợp kết quả hoạt động báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định.

h) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các Sở, Ngành liên quan quản lý nguồn chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, vận chuyển thực phẩm.

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi,

i) Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh phân bổ tài chính cho hoạt động bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm đã được phê duyệt.

- Theo dõi, kiểm tra việc sử dụng nguồn tài chính đã được phân bổ.

k) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp các cấp các ngành lập, xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn lực cho hoạt động an toàn thực phẩm. Lồng ghép các chương trình, đề án trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Thu hút đầu tư các chương trình, dự án liên quan đến an toàn thực phẩm.

- Theo dõi, giám sát và tham gia đánh giá kết quả hoạt động các dự án trong Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm.

l) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Chỉ đạo đưa tin các hoạt động về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan đưa tin kịp thời đến mọi người dân trên địa bàn về tình trạng thực phẩm không an toàn đối với người tiêu dùng lưu thông trên thị trường toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng.

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương và các Sở, Ban, Ngành liên quan xây dựng và phát trên hệ thống truyền thanh, truyền hình các phóng sự về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm bao gồm: Gương người tốt việc tốt; mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch, an toàn; tình trạng ô nhiễm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm,...

m) Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, Ban, Ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm trong học sinh, sinh viên; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể cho các cháu mầm non và học sinh nội trú.

- Chỉ đạo việc bố trí thời gian, thời lượng cho các bậc học được học tập ngoại khóa các nội dung về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Chỉ đạo tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống vệ sinh, khoa học, thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu không có lợi cho sức khỏe,

Chương III

TRÁCH NHIỆM TỔ GIÚP VIỆC

Điều 5. Trách nhiệm chung

- Giúp Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

- Giúp các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công.

Điều 6. Trách nhiệm cụ thể

1. Tổ trưởng

a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các hoạt động của Tổ giúp việc theo nhiệm vụ được giao; duy trì thường xuyên mối quan hệ công tác với các thành viên trong Tổ; cập nhật thông tin cần thiết trình Trưởng ban giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

b) Giúp Ban Chỉ đạo đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn thực phẩm của các Sở, Ngành, cơ quan liên quan, định kỳ báo cáo hoạt động với Ban Chỉ đạo.

c) Theo dõi và tổ chức triển khai kế hoạch về an toàn thực phẩm theo đúng mục tiêu, tiến độ và nhiệm vụ đột xuất khác khi được Trưởng ban giao; tổ chức kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm.

2. Tổ phó

a) Giúp Tổ trưởng triển khai các hoạt động của Tổ giúp việc.

b) Thay mặt Tổ trưởng điều hành họp Tổ giúp việc khi Tổ trưởng đi vắng.

3. Các tổ viên

a) Đề xuất góp ý trong điều hành thực hiện công tác an toàn thực phẩm.

b) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc các Sở, Ngành, cơ quan đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ phụ trách và các lĩnh vực khác được phân công; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

c) Tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành và thông tin kịp thời về các hoạt động liên quan đến công tác an toàn thực phẩm; được khai thác sử dụng thông tin, số liệu về an toàn thực phẩm theo quy định của Nhà nước.

Chương IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, THÔNG TIN BÁO CÁO VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Điều 7. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc

1. Thường trực Ban chỉ đạo (Trưởng ban, các Phó ban và thành phần Công an tỉnh) họp định kỳ 3 tháng 1 lần hoặc họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban để thống nhất chỉ đạo.

2. Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc họp định kỳ 6 tháng 1 lần. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu công tác có thể họp bất thường hoặc nhóm họp một số thành viên của Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc theo quyết định của Trưởng ban hoặc Tổ trưởng.

3. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thảo luận, Trưởng ban chỉ đạo hoặc Tổ trưởng tổ giúp việc là người có ý kiến quyết định cuối cùng;

4. Thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc khi có thay đổi về nhân sự thì cơ quan chủ quản phải thông báo và cử người thay thế bằng văn bản cho Trưởng ban hoặc Tổ trưởng theo phân công nhiệm vụ.

5. Định kỳ 6 tháng và một năm triển khai họp Ban chỉ đạo tỉnh với Trưởng Ban chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị để tổ chức đánh giá và triển khai công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Điều 8. Chế độ thông tin báo cáo

Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu. Các thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện an toàn thực phẩm của cơ quan đơn vị mình về Thường trực Ban chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 9. Kinh phí hoạt động

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm hàng năm và các nguồn kinh phí khác.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Triển khai thực hiện quy chế

Các thành viên của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc căn cứ vào quy chế này để thực hiện, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan đơn vị báo cáo Sở Y tế tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định./.