UBND TỈNH THÁI BÌNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 128/QĐ-BCĐ | Thái Bình, ngày 19 tháng 9 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH
AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;
Căn cứ Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 31/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành, các Tiểu ban và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 133/TTr-SYT ngày 07/9/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 128/QĐ-BCĐ ngày 19/9/2016 của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Quy chế này quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Điều 2. Nguyên tắc làm việc, trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có trách nhiệm triển khai thực hiện và báo cáo Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm ATTP của ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách.
Điều 3. Tổ chức hoạt động của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo
Sở Y tế là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ:
1. Tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 31/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành, các Tiểu ban và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh.
2. Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo định kỳ theo giai đoạn, kế hoạch năm hoặc đột xuất. Tổ chức các kỳ họp định kỳ, đột xuất theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo. Đôn đốc, trực tiếp nhận báo cáo định kỳ, đột xuất của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân huyện thành phố, tổng hợp báo cáo các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO
Điều 4. Trưởng Ban Chỉ đạo:
1. Chịu trách nhiệm chung các hoạt động của Ban Chỉ đạo; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.
2. Chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Điều 5. Các Phó trưởng Ban Chỉ đạo:
1. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực y tế, Phó trưởng Ban thường trực kiêm Trưởng Tiểu ban Y tế:
- Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về những nội dung, công việc được phân công;
- Thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền;
- Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh;
- Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo theo lĩnh vực được phân công; trực tiếp chỉ đạo công tác ATTP thuộc lĩnh vực ngành y tế.
2. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo kiêm Trưởng Tiểu ban Nông nghiệp:
Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo theo lĩnh vực được phân công; trực tiếp chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, giải quyết những công việc của Ban Chỉ đạo khi được ủy quyền.
3. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách khối Công thương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo kiêm Trưởng Tiểu ban Công thương:
Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo theo lĩnh vực được phân công; trực tiếp chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP thuộc lĩnh vực ngành Công thương. Thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết những công việc của Ban Chỉ đạo khi được ủy quyền.
Điều 6. Thành viên thường trực Ban Chỉ đạo
1. Giám đốc Sở Y tế:
- Chịu trách nhiệm quản lý ATTP thuộc lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật và theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo;
- Chủ trì, phối hợp với các thành viên thường trực khác để triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch của Ban Chỉ đạo và các công việc được phân công phụ trách;
- Tổ chức, triển khai các hoạt động ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành và theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chịu trách nhiệm quản lý ATTP thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật và theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo;
- Chủ trì, phối hợp với các thành viên thường trực khác để triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch của Ban Chỉ đạo và các công việc được phân công phụ trách;
- Tổ chức, triển khai các hoạt động ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành và theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
3. Giám đốc Sở Công thương:
- Chịu trách nhiệm quản lý ATTP thuộc lĩnh vực Công thương theo quy định của pháp luật và theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo;
- Chủ trì, phối hợp với các thành viên thường trực khác để triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch của Ban Chỉ đạo và các công việc được phân công phụ trách;
- Tổ chức, triển khai các hoạt động ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành và theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Điều 7. Các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo
1. Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về những nội dung, công việc được phân công; trực tiếp chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động liên quan đến công tác bảo đảm ATTP theo lĩnh vực phụ trách.
2. Tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo trong việc điều hành, triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP theo từng lĩnh vực chuyên ngành.
3. Phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong Ban Chỉ đạo liên ngành để tổ chức, triển khai có hiệu quả các hoạt động liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.
4. Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công với Trưởng Ban Chỉ đạo; chủ động tham mưu, đóng góp ý kiến về triển khai công tác bảo đảm ATTP.
5. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo kết quả triển khai công tác bảo đảm ATTP và gửi về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành theo quy định.
Điều 8. Cơ chế triển khai phối hợp: Các thành viên Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ cụ thể đã được phân công. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, các thành viên xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện Quy chế, thường xuyên trao đổi thông tin, báo cáo về Cơ quan thường trực. Các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân huyện thành phố có trách nhiệm triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình kế hoạch, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 9. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo
- Ban Chỉ đạo họp toàn thể định kỳ ít nhất 2 lần/năm gồm: Sơ kết 6 tháng và tổng kết năm. Thành viên Ban Chỉ đạo vắng phải báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó trưởng Ban thường trực và phải cử cán bộ dự họp thay. Ban Chỉ đạo họp đột xuất khi cần do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó trưởng Ban thường trực triệu tập, thành phần toàn thể hoặc đại diện một số sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định.
- Các Tiểu ban chủ động tổ chức họp thành viên Tiểu ban hoặc mời thêm các thành viên Tiểu ban khác để thảo luận, thống nhất những chủ trương, biện pháp để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, báo cáo kết quả thực hiện về Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo.
- Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trưởng Ban Chỉ đạo là người có ý kiến quyết định cuối cùng. Các thành viên Ban Chỉ đạo được sử dụng bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và con dấu của cơ quan mình để thực hiện các nhiệm vụ được phân công và báo cáo kết quả hoạt động định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.
Điều 10. Chế độ thông tin báo cáo
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo có trách tổng hợp báo cáo về kết quả hoạt động của ngành mình gửi Cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo các cấp theo quy định, cụ thể:
- Báo cáo định kỳ quý: Gửi trước ngày 25 của tháng cuối Quý.
- Báo cáo 6 tháng đầu năm: Gửi trước ngày 25 tháng 6 hàng năm.
- Báo cáo tổng kết năm: Gửi trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.
- Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể hình thức, nội dung các loại báo cáo theo quy định của cấp trên và chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh. Báo cáo được gửi về: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, số 239 Phố Hai Bà Trưng, thành phố Thái Bình.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 113/QĐ-BCĐTCCNN năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 1937/QĐ-BCĐLNATTP năm 2016 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm, tỉnh Nghệ An
- 4 Quyết định 626/QĐ-UBND năm 2016 về kiện toàn Ban chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 5 Quyết định 627/QĐ-UBND năm 2016 về kiện toàn Ban chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện tỉnh Bình Phước
- 6 Quyết định 3393/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Quy chế hoạt động của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
- 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 1 Quyết định 3393/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Quy chế hoạt động của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
- 2 Quyết định 626/QĐ-UBND năm 2016 về kiện toàn Ban chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 3 Quyết định 627/QĐ-UBND năm 2016 về kiện toàn Ban chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện tỉnh Bình Phước
- 4 Quyết định 113/QĐ-BCĐTCCNN năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 5 Quyết định 1937/QĐ-BCĐLNATTP năm 2016 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm, tỉnh Nghệ An