Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1976/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 08 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH THÚ Y TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thú y số 79/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thú y;

Căn cứ Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 22/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành Thú y giai đoạn 2012-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 870/TTr-SNNPTNT ngày 05/7/2016.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành Thú y Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016 - 2020, với các nội dung chính sau:

1. Tên đề án: Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2020.

2. Phạm vi: Đề án được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh

3. Mục tiêu của đề án:

Nâng cao năng lực ngành Thú y về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức và năng lực quản lý nhà nước nhằm đáp ứng công tác phát triển chăn nuôi bền vững, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản hiệu quả góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; cung cấp thực phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng; bảo vệ sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái.

4. Nội dung nhiệm vụ chủ yếu:

a) Củng cố tổ chức, nâng cao năng lực trình độ của cán bộ trong ngành đáp ứng với nhiệm vụ trong điều kiện hội nhập hiện nay.

- Bổ sung đề án vị trí việc làm, tuyển dụng thay thế cán bộ biên chế nghỉ hưu.

- Đào tạo nâng cao trình độ thạc sỹ về chuyên môn ngành Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản và bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ trẻ.

- Bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ kiêm nhiệm nhiệm vụ thú y Thủy sản.

- Đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực: Giống vật nuôi; An toàn vệ sinh thực phẩm; Thanh tra pháp chế; Chẩn đoán xét nghiệm; Dịch tễ học.

- Đào tạo công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ dịch tễ, quản lý số liệu và chia sẻ thông tin.

b) Đào tạo và nâng cao năng lực cho lực lượng Thú y cơ sở về số lượng và chất lượng.

- Đào tạo mới thú y cơ sở để bổ sung cho các xã thiếu cán bộ thú y và có thú y viên lớn tuổi.

- Rà soát và củng cố Ban chăn nuôi thú y cấp xã.

- Ban hành quy chế hành nghề theo Luật Thú y 2015

- Củng cố, quản lý, nâng cao năng lực cho lực lượng Thú y cơ sở.

c) Tăng cường cơ sở vật chất bằng xây mới các công trình sau:

- Xây dựng Khu cách ly kiểm dịch: tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc.

- Xây dựng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phong Điền và Trạm Chăn nuôi và Thú y Phú Lộc.

- Xây dựng Phòng xét nghiệm, bảo quản và cung cấp vắc xin tại Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quảng Điền.

- Xây dựng Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật phía Nam tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang.

- Xây dựng các Phòng xét nghiệm, phòng bảo quản, cung cấp vắc xin cho Trạm Chăn nuôi và Thú y Phú Vang tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.

- Xây dựng văn phòng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tại Đường Nguyễn Văn Linh, Phường An Hòa, Thành phố Huế (nằm trong khuôn viên của Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật).

d) Tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, cải cách hành chính để đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

- Thiết lập cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: như trang bị thêm máy vi tính, nâng cấp đường truyền Internet; nâng cấp trang web xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về: chăn nuôi; dữ liệu về dịch bệnh; cơ sở dữ liệu về mạng lưới thú y; cơ sở dữ liệu về kiểm dịch động vật...

- Tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn như: trang bị máy tiêu độc khử trùng; tủ lạnh bảo quản vắc xin; seranh tự động tiêm phòng gia cầm; trang bị các trang thiết bị làm việc khác.

- Tăng cường công tác cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân: như rà soát và cắt giảm các thủ tục, hồ sơ không thật sự cần thiết trong các thủ tục hành chính; xử lý nhanh, đúng quy trình thủ tục hành chính một cửa theo tiêu chuẩn lSO; phấn đấu 100% các hồ sơ được giải quyết và hoàn trả thủ tục trước thời hạn quy định. Tiếp tục đổi mới tác phong làm việc của cán bộ khoa học, hiệu quả.

đ) Tăng cường năng lực chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật.

- Xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải xét nghiệm, mô khám bệnh động vật theo quy định về an toàn phòng thí nghiệm tại các cơ sở chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật.

- Trang bị thêm thiết bị máy móc, dụng cụ, môi trường đủ điều kiện xét nghiệm các chỉ tiêu; tiến đến thực hiện xét nghiệm thêm một số chỉ tiêu trong lĩnh vực thú y và thủy sản; chăn nuôi, an toàn thực phẩm, các chất cấm, dư lượng kháng sinh cấm, vi sinh vật gây hại, môi trường, nước thải...

- Xây dựng và thực hiện các quy trình chẩn đoán xét nghiệm theo tiêu chuẩn: quy trình mổ khám, lấy mẫu, chẩn đoán bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; quy trình chẩn đoán các bệnh do vi khuẩn; quy trình chẩn đoán điều kiện vệ sinh Thú y; quy trình chẩn đoán về an toàn thực phẩm; quy trình chẩn đoán các bệnh thủy sản; quy trình chẩn đoán các bệnh bệnh ký sinh trùng; quy trình làm kháng sinh đồ...

e) Tăng cường quản lý nhà nước về giống vật nuôi và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi giết mổ, kinh doanh, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm.

- Quản lý cơ sở sản xuất và kinh doanh tinh dịch để phối giống cho gia súc bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

- Quản lý chặt các nguồn tinh dịch nhập vào địa bàn tỉnh phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo cho lợn và bò.

- Tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm.

+ Thực hiện cam kết không sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi tại các trang trại, gia trại và tổ chức kiểm tra theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Mua sắm dụng cụ, hóa chất, kít chẩn đoán để xét nghiệm chất cấm, vi sinh vật gây hại tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm.

+ Tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành thực hiện việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

- Xây dựng mô hình vận chuyển thịt gia súc, gia cầm bằng xe chuyên dùng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai nhân rộng.

+ Tổ chức tập huấn các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm.

+ Đầu tư mô hình cho chủ phương tiện vận chuyển thịt động vật; hỗ trợ 50% kinh phí đóng thùng bằng lnox cho một số chủ phương tiện vận chuyển trong năm 2017 và 2018, từ đó nhân rộng vào các năm sau.

5. Giải pháp tổ chức thực hiện:

a) Kiện toàn cơ cấu tổ chức đơn vị

- Bổ sung đề án vị trí việc làm theo chức năng nhiệm vụ mới tại Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 28/10/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về chức năng nhiệm vụ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y; ổn định số lượng cán bộ biên chế và thực hiện đề án tinh giản biên chế đến năm 2020, đơn vị còn lại 46 cán bộ công chức và viên chức.

- Xây dựng quy hoạch cán bộ, kế hoạch luân chuyển, bố trí công việc hợp lý nhằm phát huy tối đa sở trường, năng lực của cán bộ trên phương châm một người làm hiệu quả nhiều việc.

- Xây dựng kế hoạch tuyển dụng cán bộ biên chế thay thế các cán bộ nghỉ hưu trong giai đoạn 2016-2020.

- Ổn định số cán bộ hợp đồng hiện nay là 46 người trong điều kiện thực hiện thêm chức năng nhiệm vụ bằng việc sắp xếp tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao vai trò trách nhiệm để làm việc hiệu quả cao.

b) Đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực

- Xây dựng kế hoạch đào tạo và thường xuyên cập nhật các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài đối với công tác chuyên môn của ngành.

- Tiếp tục đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn trên đại học; đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ và đào tạo chuyên sâu các lĩnh vực.

- Tổ chức đào tạo chuyên đề về thú y thủy sản cho cán bộ kiêm nhiệm thêm lĩnh vực thú y thủy sản.

- Thiết lập các tiêu chuẩn kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ nhân dân cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực Chăn nuôi và Thú y.

- Tổ chức chiêu sinh và đào tạo thú y cơ sở tại các huyện để thuận lợi cho người học; tập trung tại các địa phương còn thiếu lực lượng thú y và địa phương có số cán bộ thú y lớn tuổi để thay thế.

d) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống vật nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm

- Ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới, tiến bộ vào lĩnh vực: chẩn đoán xét nghiệm dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm nhanh, chính xác.

- Xây dựng và thực hiện các quy trình quản lý phòng xét nghiệm; quy trình lấy mẫu bệnh phẩm; quy trình phân tích, xét nghiệm từng chỉ tiêu về chẩn đoán bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; Quy trình xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; dần dần tiến tới xây dựng phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi; hướng dẫn các cơ sở tự công bố chất lượng giống vật nuôi, công bố chất lượng tinh dịch và thường xuyên kiểm tra chất lượng con giống, chất lượng tinh dịch sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở giết mổ, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT; thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật. Thực hiện cam kết không sử dụng chất cấm và kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

đ) Ứng dụng công nghệ thông tin

- Áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước của đơn vị; thực hiện cải cách hành chính và duy trì giải quyết các thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn lSO 9001:2008, Tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục, hồ sơ không cần thiết trong các thủ tục, đồng thời xử lý nhanh, đúng quy trình đã được công bố.

- Nâng cao hiệu quả điều hành công việc thông qua việc sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong quản lý, lưu trữ, báo cáo, chỉ đạo các nhiệm vụ. 100% cán bộ biên chế sử dụng thành thạo công nghệ thông tin đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn; Tổ chức tập huấn, đào tạo cách sử dụng các phần mềm chuyên dụng gồm: Phần mềm dùng chung của UBND tỉnh, phần mềm QGIS trong lưu trữ, vẽ bản đồ và xử lý thông tin về chuyên môn.

- Tăng cường trang thiết bị làm việc, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin.

6. Các dự án triển khai:

- Dự án Củng cố tổ chức, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ tỉnh, huyện và mạng lưới thú y cơ sở.

- Dự án Tăng cường cơ sở hạ tầng của Ngành Thú y.

- Dự án Tăng cường năng lực chẩn đoán xét nghiệm và trang thiết bị làm việc.

- Dự án Tăng cường quản lý nhà nước về giống vật nuôi và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm.

7. Nhu cầu kinh phí thực hiện đề án: 26.686 triệu đồng.

8. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2016-2020.

9. Tổ chức thực hiện:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tổ chức triển khai thực hiện đề án.

- Hàng năm xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể, gửi cơ quan chức năng liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện;

- Phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện Đề án.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án đảm bảo đúng nội dung, tiến độ, kết quả; kịp thời phản ảnh, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Tổ chức họp sơ kết, tổng kết hàng năm để đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện đạt hiệu quả; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

b) Sở Nội vụ:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, bổ sung đề án vị trí việc làm theo Chức năng nhiệm vụ của Chi cục tại Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 28/10/2015 của UBND tỉnh và thực hiện kế hoạch tuyển dụng thế biên chế nghỉ hưu, đào tạo cán bộ theo đề án đã phê duyệt.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính:

- Căn cứ khả năng ngân sách để bố trí kinh phí thực hiện.

- Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đề án; hướng dẫn Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Thú y;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- VP: Lãnh đạo, CV XDKH, TC;
- Lưu VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao