ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2048/QĐ-UBND | An Giang, ngày 11 tháng 11 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2011-2015
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Thông tư số 22/2009/TT-BTC ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Bộ Tài chính về Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 112/2011/TTLT/BTC-BKHCN ngày 02 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Chỉ thị số 11/2010/CT-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Kế hoạch hành động số 09/KH-UBND ngày 22/4/2010 của UBND tỉnh An Giang về việc triển khai kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ giải pháp triển khai khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số: 493/TTr-SKHCN ngày 26/10/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
CHƯƠNG TRÌNH
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số:2048/QĐ-UBND ngày 11/11/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
I. SỰ CẦN THIẾT
Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 562/QĐ-UBND ngày 06/3/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh An Giang giai đoạn 2006-2010: Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ toàn tỉnh là 550/930 tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng đăng ký sở hữu trí tuệ (537 nhãn hiệu, 10 kiểu dáng công nghiệp, 01 sáng chế, 01 giải pháp hữu ích, 01 chỉ dẫn địa lý). Chương trình cũng đã hỗ trợ được 351 nhãn hiệu (trong đó có 305 nhãn hiệu cá thể, 46 nhãn hiệu tập thể), 04 nhãn hiệu đăng ký tại Campuchia, 01 chỉ dẫn địa lý; tổ chức lớp tập huấn nâng cao cho cơ sở và doanh nghiệp, tập huấn phổ thông tại địa phương, tuyên truyền các chuyên mục và tọa đàm trên Đài Phát thanh Truyền hình An Giang; cập nhật và phổ biến các chính sách, hoạt động của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên website của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang với tổng kinh phí thực hiện khoảng 900 triệu đồng.
Ngoài ra, Chương trình của tỉnh còn tranh thủ sự hỗ trợ của Chương trình 68 của Trung ương và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 02 dự án: (1) Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể mắm thái Châu Đốc (2) Dự án tuyên truyền phổ biến kiến thức trên Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang. Tổng kinh phí của 02 dự án là: 1.444.110.000 đồng, kinh phí hỗ trợ từ Trung ương là 543.290.000 đồng, kinh phí sự nghiệp khoa học tỉnh là 87.880.000 đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp là 812.941.000 đồng.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế trong nước, khu vực và toàn cầu, kết quả trên còn quá khiêm tốn. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, đã có những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác, làm thiệt hại đến uy tín của chính doanh nghiệp và thiệt hại cho nền kinh tế của tỉnh nói chung. Tại An Giang, số doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), số lượng văn bằng được cấp của doanh nghiệp, hộ đăng ký kinh doanh còn rất thấp khoảng 2% (1051/1660 văn bằng của 77.969 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh không kể các chi nhánh theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang tháng 12/2010) và số được cấp văn bằng chỉ ước khoảng 1,3%.
Nhìn chung, nhận thức và hiểu biết của tầng lớp nhân dân trong xã hội từ doanh nhân, người dân về lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người dân am hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ chưa cao. Trước tình hình trên, cho thấy việc tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 tại An Giang là rất cần thiết.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân trong tỉnh về tạo lập, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của địa phương, trong đó ưu tiên hỗ trợ sản phẩm chiến lược, đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Tập huấn cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có sản phẩm/dịch vụ, kinh doanh hoặc có xuất khẩu trên địa bàn tỉnh xác lập, khai thác, định giá, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, sẽ hướng dẫn thủ tục đăng ký 1.000 nhãn hiệu, 100 sáng chế, 100 kiểu dáng công nghiệp bảo hộ trong nước; 50 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Hỗ trợ hồ sơ cho 100% làng nghề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.
b) Phấn đấu hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ Trường Đại học, Cao đẳng, các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về hướng dẫn, tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với các đặc sản của địa phương, trong đó có làng nghề truyền thống và làng nghề tiểu thủ công nghiệp; Hàng năm tăng 12% -15% số lượng doanh nghiệp và cơ sở sản xuất được hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
c) Trong 05 năm, hoạt động của Chương trình có khoảng 500 nhãn hiệu, 50 nhãn hiệu tập thể, 20 nhãn hiệu chứng nhận, 25 sáng chế, 50 kiểu dáng công nghiệp đăng ký bảo hộ trong nước; 25 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ nước ngoài (EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan); 50 gian hàng tham gia hội chợ thương hiệu nổi tiếng trong nước (10 gian hàng/năm); chọn 15 sản phẩm dự giải thưởng chất lượng Việt Nam; 5000 tài liệu in tuyên truyền, tập huấn về sở hữu trí tuệ; 05 chuyên đề Sở hữu trí tuệ đăng trên tạp chí khoa học công nghệ tỉnh An Giang...
III. THỜI GIAN THỰC HIỆN:
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 được bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 01/10/2011 đến hết ngày 31/12/2015.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Để thực hiện chương trình, sử dụng phương pháp truyền thông, điều tra khảo sát thu thập nhu cầu hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ 500 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh An Giang. Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình và phân công công việc cụ thể. Đồng thời, đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ chuyên gia tập huấn các nội dung như: định giá tài sản trí tuệ, sử dụng internet trong tìm kiếm và khai thác thông tin sáng chế. Tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm định kỳ (năm/lần) để tìm phương hướng triển khai thực hiện có hiệu quả cao.
2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử và các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường quảng bá sản phẩm. Doanh nghiệp cần có chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm cho công chúng qua việc tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và các phương tiện buôn bán lưu động đến người tiêu dùng hàng hóa trong tỉnh. Tham gia hội chợ quốc tế thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn thủ tục, theo dõi thời gian đăng ký, tổ chức đoàn tham dự hội thảo giới thiệu sản phẩm tiềm năng của tỉnh thông qua các kỳ hội chợ trong và ngoài nước.
3. Hội thảo kết hợp nghiên cứu thị trường: Các ngành liên quan thường xuyên tổ chức hội thảo về thương hiệu, sức mạnh của thương hiệu, nhất là thông tin phản hồi của người tiêu dùng sẽ là điều kiện giúp cho doanh nghiệp có kế hoạch tốt cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc các doanh nghiệp xây dựng thành công thương hiệu về trao đổi hướng dẫn các doanh nghiệp trong tỉnh học tập rút kinh nghiệm. Nội dung hội thảo được lựa chọn kỹ theo từng nhóm sản phẩm. Có thể linh động kết hợp trong các kỳ hội chợ triển lãm tại các địa phương hoặc ngoài nước, nghiên cứu các chợ biên giới nhằm phát triển du lịch và tăng biên mậu của địa phương.
4. Hàng năm hướng dẫn, tập huấn và hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh Truyền hình An Giang và phương tiện thông tin đại chúng.
5. Phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo giới thiệu các giải pháp đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhằm kích thích phong trào sáng tạo, nghiên cứu sản xuất trong tỉnh An Giang, tổ chức tại 3 huyện/năm.
V. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC ƯU TIÊN HỖ TRỢ
1. Đối tượng được hỗ trợ
- Các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa/dịch vụ trong tỉnh đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước;
- Các tổ hợp tác sản xuất, Hợp tác xã, làng nghề đặc sản và làng nghề thủ công mỹ nghệ trong tỉnh có đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý;
- Cá nhân và tổ chức có sáng chế/giải pháp hữu ích hoặc có kiểu dáng công nghiệp, đặc biệt là tác giả tham gia đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật.
2. Điều kiện được hỗ trợ
- Đối với nhãn hiệu: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đăng ký và đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ;
- Đối với sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp: Tổ chức, cá nhân phải đăng ký và được cấp bằng bảo hộ độc quyền.
- Đối với Chỉ dẫn địa lý phải có chỉ đạo, đề xuất đối với sản phẩm đặc thù của tỉnh An Giang và sẽ được hỗ trợ kinh phí từ lúc triển khai cho đến khi được cấp giấy chứng nhận.
VI. NỘI DUNG, DANH MỤC ĐƯỢC XEM XÉT HỖ TRỢ
1. Các sản phẩm hàng hóa/dịch vụ có trong danh mục hàng hoá và dịch vụ Ni-xơ 9 theo quy định hiện hành (Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm hướng dẫn việc triển khai và công bố danh mục này với các sản phẩm hàng hóa/dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương).
2. Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thủ tục về sở hữu trí tuệ (SHTT).
- Trên tạp chí khoa học và công nghệ tỉnh An Giang với chuyên đề Sở hữu trí tuệ, phát hành 1 kỳ/năm; biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn về SHTT có sự hỗ trợ của Trung tâm hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ thuộc Cục Sở hữu trí tuệ và WIPO (Tổ chức SHTT thế giới).
- Trên website khoa học và công nghệ An Giang cập nhật tin về các hoạt động của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như: Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, sáng chế/giải pháp hữu ích; tra cứu thông tin về các nhãn hiệu trong tỉnh đã được đăng ký trong và ngoài nước, cập nhật, thống kê đơn và bằng đăng ký được Cục Sở hữu trí tuệ cấp trên địa bàn tỉnh An Giang.
- Tổ chức hỗ trợ cho địa phương các lớp tập huấn cho các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước, ban ngành đoàn thể, các doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ của Trung ương, các kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ, các điều ước quốc tế liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ… Cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn trong và ngoài nước do Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương tổ chức.
3. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
- Hỗ trợ hướng dẫn bảo hộ, khai thác quyền sở hữu công nghiệp, bảo vệ và phát triển giá trị của các giống cây trồng mới;
- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển phần mềm máy tính, tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
- Hỗ trợ tra cứu thông tin ban đầu cho các đối tượng đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng mới.
- Hỗ trợ xây dựng và khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản của làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã, …
- Hỗ trợ xây dựng và khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với Chỉ dẫn địa lý gạo Nàng Nhen thơm Bảy Núi, nhãn hiệu tập thể đặc sản nếp Phú Tân; nhãn hiệu tập thể gạo thơm Châu Phú trong 03 dòng sản phẩm của thương hiệu gạo An Giang.
4. Hỗ trợ cá nhân và tổ chức có sáng chế/giải pháp hữu ích, hoặc có kiểu dáng công nghiệp, đặc biệt là tác giả tham gia đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong tỉnh, chương trình sẽ được:
- Hỗ trợ khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo khoa học công nghệ.
- Hỗ trợ tổ chức Hội thảo giới thiệu sản phẩm tham gia đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang hàng năm tại 03 địa điểm trong tỉnh.
5. Hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ
- Hỗ trợ hướng dẫn thủ tục nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép các đối tượng sở hữu trí tuệ như vi phạm nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích …..
- Hỗ trợ điều tra, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ;
- Hợp tác quốc tế về xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ và bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, Công ty có đăng ký bảo hộ quốc tế.
6. Hỗ trợ khai thác thông tin khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ phục vụ nghiên cứu ứng dụng, sản xuất, kinh doanh.
- Phối hợp với thư viện Trường Đại học An Giang triển khai việc tổ chức, hướng dẫn tra cứu, khai thác các nguồn thông tin khoa học công nghệ, các luận án tốt nghiệp của sinh viên, các đề tài, dự án của cán bộ giảng dạy và gốc thư viện sở hữu trí tuệ.
- Tổ chức các hoạt động dịch vụ cung cấp thông tin khoa học công nghệ và thông tin sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân; Cung cấp các thông tin sáng chế nước ngoài không bảo hộ tại Việt Nam phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, cho cơ sở và doanh nghiệp.
- Hỗ trợ ứng dụng thông tin sáng chế phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng nhằm tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới.
7. Danh mục các dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện hàng năm. Trong đó có Dự án tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý.
VII. KINH PHÍ VÀ ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ
A. Nguồn kinh phí hỗ trợ
Hàng năm, ưu tiên bố trí khoảng 3,5% kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh để triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015.
B. Định mức hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:
- Hỗ trợ 50% tổng lệ phí đăng ký (theo mức thu quy định hiện hành) đối với nhãn hiệu cá thể/01 nhóm/6 sản phẩm, dịch vụ do cá thể đăng ký trong nước nhưng không vượt quá 01 triệu đồng.
- Đối với nhãn hiệu cá thể đăng ký nước ngoài, theo quy định bắt buộc thông qua đại diện sở hữu công nghiệp là Công ty tư vấn thì hỗ trợ 50% lệ phí (trên cơ sở biên lai thu lệ phí của tổ chức thu) đăng ký nhãn hiệu/01 nhóm/6 sản phẩm, dịch vụ nhưng không vượt quá 30 triệu đồng tại các nước Châu Âu và Hoa Kỳ, không vượt quá 12 triệu đồng tại Trung Quốc, không vượt quá 04 triệu đồng tại Campuchia và không vượt quá 10 triệu đồng tại Thái Lan.
2. Hỗ trợ 100% chi phí xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, bao gồm: Chi phí khảo sát, xây dựng quy chế, họp các thành viên, thiết kế mẫu nhãn hiệu logo, nộp lệ phí đăng ký bảo hộ theo chế độ quy định hiện hành, nhưng tối đa không vượt quá 05 triệu đồng/nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.
3. Hỗ trợ cho một Sáng chế/Giải pháp hữu ích không quá 6,5 triệu đồng/01 sáng chế, không quá 1,4 triệu đồng/01 kiểu dáng công nghiệp.
4. Hỗ trợ 100% trên tổng chi phí thuê gian hàng cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia Hội chợ thương hiệu nổi tiếng hàng năm, nhưng không vượt quá 8 triệu đồng/gian hàng (theo phiếu thu của Ban Tổ chức hội chợ).
5. Hỗ trợ 100% chi phí xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh An Giang từ lúc triển khai cho đến khi được cấp giấy chứng nhận, nhưng không vượt quá 400 triệu.
6. Hỗ trợ chi phí tập huấn tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền trên Đài, Báo, cập nhật dữ liệu, khảo sát, in chuyên đề, hoạt động hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước về đào tạo, trao đổi thông tin, đăng ký xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng lực, phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ... (cân đối theo kế hoạch dự toán chi tiết kinh phí hàng năm).
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan và địa phương tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; xác định nhu cầu và hướng dẫn thủ tục liên quan đến các biểu mẫu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định hiện hành.
2. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và phê duyệt các biểu mẫu về hồ sơ hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tượng là nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích; quy trình hỗ trợ, hướng dẫn khác có liên quan theo quy định.
3. Định kỳ hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình và tổ chức sơ kết (vào đầu quý II/2013) để có chấn chỉnh kịp thời và hoàn thiện có hiệu quả việc thực hiện Chương trình; tổ chức tổng kết khi kết thúc Chương trình (tháng 12/2015) để đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất thực hiện trong thời gian tới./.
- 1 Quyết định 516/QĐ-UBND năm 2013 ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2011 - 2015
- 2 Quyết định 433/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt kết quả tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện và kinh phí dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể mật ong Sơn La, dùng cho sản phẩm mật ong tỉnh Sơn La thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011- 2015 do Trung ương ủy quyền địa phương quản lý thực hiện năm 2013 -2014
- 3 Quyết định 1215/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt chính sách chi hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 – 2015 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
- 4 Thông tư liên tịch 112/2011/TTLT/BTC-BKHCN hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 do Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 5 Quyết định 2204/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Chỉ thị 11/2010/CT-UBND đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh An Giang
- 7 Kế hoạch 09/KH-UBND thực hiện Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ giải pháp triển khai khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 8 Thông tư 22/2009/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 9 Quyết định 562/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ tỉnh An Giang giai đoạn 2006-2010 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 10 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 1215/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt chính sách chi hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 – 2015 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
- 2 Quyết định 433/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt kết quả tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện và kinh phí dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể mật ong Sơn La, dùng cho sản phẩm mật ong tỉnh Sơn La thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011- 2015 do Trung ương ủy quyền địa phương quản lý thực hiện năm 2013 -2014
- 3 Quyết định 516/QĐ-UBND năm 2013 ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2011 - 2015