Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2057/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 11 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Giám đốc Sở Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Cần Thơ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, với các nội dung cơ bản sau:

1. Vị trí địa lý: địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Quan điểm phát triển:

- Phát triển công nghiệp của Cần Thơ gắn với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và quy hoạch phát triển tổng thể công nghiệp của cả nước;

- Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến theo hướng tinh chế với phương châm nội lực là quyết định; đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư từ bên ngoài để xây dựng các công trình công nghiệp như: chế biến nông, thủy sản, thực phẩm và đồ uống, cơ khí, điện - điện tử, phân bón, hóa chất, hóa dầu, công nghiệp đóng tàu, gắn liền với xây dựng vùng nguyên liệu với sự kết hợp với nâng cao hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng;

- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp. Tích cực tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư từ Trung ương, từ các tỉnh và các thành phần kinh tế trong và ngoài thành phố;

- Tích cực phối hợp, liên doanh liên kết với các Tập đoàn công nghiệp, các Tổng công ty chuyên ngành của cả nước để tận dụng khả năng về đầu tư vốn, thị trường tiêu thụ, năng lực, trình độ quản lý nhằm tránh rủi ro đầu tư cũng như có điều kiện để phát huy tiềm năng công nghiệp cũng như phát triển vùng nguyên liệu;

- Trong phát triển công nghiệp, coi trọng lợi ích bộ phận, cục bộ để phát triển nhanh, nhưng phải đảm bảo yêu cầu công bằng xã hội; đảm bảo lợi ích của sản xuất công nghiệp, đảm bảo lợi ích ổn định của người sản xuất nguyên liệu. Chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, phát triển mạnh công nghiệp nông thôn để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn;

- Đa dạng hóa về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp: công nghiệp chủ đạo, công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp làng nghề truyền thống, công nghiệp gia đình,… khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ;

- Công nghệ cần phải phù hợp với quy mô sản xuất, phù hợp với xu hướng phát triển nhằm đảm bảo cạnh tranh của sản phẩm kể cả về chất lượng và giá cả;

- Phát triển công nghiệp phải hài hòa với các ngành kinh tế khác, không gây thiệt hại và tổn thương đến môi trường sinh thái, đến kinh tế nông nghiệp, du lịch và an ninh quốc phòng.

Với hàng loạt dự án công nghiệp quy mô lớn được đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, công nghiệp thành phố Cần Thơ phát triển với tốc độ cao. Tuy nhiên, để công nghiệp phát triển bền vững cần tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường như: phát triển công nghiệp phải gắn kết chặt chẽ cùng lúc với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển xã hội bền vững; thực hiện các biện pháp phòng chống, xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh sản xuất sạch hơn trong các cơ sở công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 14000 nhằm kết hợp các tiêu chuẩn hiệu quả sản xuất cao với các tiêu chuẩn môi trường quốc tế; đổi mới công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải; thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường để giảm thiểu tác động đến sức khỏe con người trong cộng đồng.

3. Mục tiêu phát triển:

3.1. Mục tiêu tổng quát:

Ngành công nghiệp thành phố Cần Thơ phấn đấu đóng góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế với tốc độ phát triển nhanh và bền vững; sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ, hình thành các ngành công nghiệp chủ lực, các ngành công nghiệp mũi nhọn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tập trung đầu tư có trọng điểm; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp và của cả nền kinh tế thành phố, phấn đấu đến năm 2020 thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp như Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

a. Khai thác và phát huy tối đa tiềm lực và lợi thế để thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội:

- Giá trị sản xuất công nghiệp đạt (giá so sánh năm 1994) 18.344 tỷ đồng năm 2010, tăng bình quân 18,2%/năm (công nghiệp và xây dựng tăng 20%/năm); đạt 45.060 tỷ đồng năm 2015, tăng bình quân 19,7%/năm (công nghiệp và xây dựng tăng 20,6%/năm); đạt 99.371 tỷ đồng năm 2020, tăng bình quân 17,1%/năm (công nghiệp và xây dựng tăng 19,3%/năm).

- Cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng trong nền kinh tế thành phố Cần Thơ năm 2010 đạt 45,1% (trong đó công nghiệp là 36,53%) và năm 2020 đạt 53,8% (trong đó công nghiệp là 39,70%);

- Đến năm 2020, trong cơ cấu ngành công nghiệp bao gồm: nhóm ngành công nghiệp chế biến, ngành cơ khí chiếm 17,9%, ngành hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất chiếm 17,7%, ngành thực phẩm đồ uống chiếm 13,7%, ngành sản xuất máy móc thiết bị văn phòng, máy tính chiếm 8,4%, ngành nhựa chiếm 8,2%, ngành năng lượng chiếm 5,3%; ngành thiết bị điện, điện tử 5,2%, ngành khoáng chất và vật liệu xây dựng chiếm 3,6%; ngành dệt may da giày chiếm 2,1% và các ngành khác chiếm 17,8%.

b. Hình thành các ngành công nghiệp cơ bản:

- Công nghiệp lọc dầu, hóa chất - phân bón;

- Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm - đồ uống;

- Công nghiệp cơ khí, điện tử và gia công kim loại;

- Công nghiệp sản xuất và phân phối điện;

- Công nghiệp dệt may - da giày;

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng;

- Công nghiệp công nghệ cao;

- Công nghiệp phụ trợ.

4. Định hướng phát triển Công nghiệp thành phố Cần Thơ đến 2015, định hướng đến năm 2020:

4.1. Định hướng chung:

- Công nghiệp thành phố Cần Thơ tiếp tục phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long;

- Thực hiện khâu đột phá, đẩy nhanh sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp. Hình thành rõ nét các vùng kinh tế công nghiệp động lực để tạo ra sự liên kết giữa nông thôn, giữa vùng nguyên liệu với các cơ sở sản xuất công nghiệp. Gắn kết việc phát triển kinh tế xã hội với an ninh quốc phòng, đồng thời phải đảm bảo môi trường sinh thái cho con người và cho thiên nhiên;

- Ngành công nghiệp Cần Thơ phát triển phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, con người; hỗ trợ phát triển và phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của thành phố; đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy hải sản, cơ khí đóng tàu, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phân bón - hóa chất, điện - điện tử, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thu hút nhiều lao động, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách trên; đồng thời, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân;

- Phát triển ngành công nghiệp phù hợp với cơ cấu kinh tế định hướng của thành phố là nền kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp;

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước, nhằm xây dựng, hình thành một cơ cấu kinh tế, cơ cấu công nghiệp một cách hợp lý. Khôi phục, phát triển nghề truyền thống, đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp. Phát huy nội lực, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng. Tạo ra một môi trường nội bộ thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp của thành phố gắn liền với thị trường cả nước và quốc tế;

- Phát triển công nghiệp thành phố Cần Thơ trên cơ sở nền tảng của khoa học công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo, làm tiêu chuẩn cơ bản trong việc phát triển; gắn liền việc phát triển với quy hoạch đô thị và phân bổ dân cư với xóa đói, giảm nghèo;

- Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trước tiên tập trung vào nơi có điều kiện thuận lợi về xây dựng kết cấu hạ tầng, nguồn nguyên liệu và các dịch vụ.

- Song song với phát triển công nghiệp ở các khu vực trung tâm, khu kinh tế động lực - cần phát triển công nghiệp nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

4.2. Nhiệm vụ quy hoạch:

4.2.1. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và đồ uống:

- Tăng cường năng lực chế biến, nâng cấp trang thiết bị và công nghệ nhằm tăng cường chế biến sản phẩm tinh, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước;

- Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, đồ uống đạt 9.617 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) vào năm 2010, đạt 17.680 tỷ đồng vào năm 2015 và đạt 31.006 tỷ đồng vào năm 2020;

- Vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2010 là 2.038 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 1.391 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 5.000 tỷ đồng.

4.2.2. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước đến năm 2020:

- 100% hộ dân được sử dụng điện lưới; cải tạo điện lưới không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cơ cấu sử dụng điện công nghiệp lên 61%;

- 96,5% dân số được sử dụng nước sạch tập trung (100% dân số thành thị và 90% dân số nông thôn). Sản lượng nước của các nhà máy nước đô thị sẽ tăng từ 44,7 triệu m3 năm 2005 lên 155,1 triệu m3 năm 2020, tăng bình quân 6,9%/năm.

Dự kiến vốn đầu tư cho giai đoạn 2006 - 2010 là 9.984 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994); giai đoạn 2011 - 2015 là 24.378 tỷ đồng và giai đoạn 2011 - 2020 là 34.139 tỷ đồng.

4.2.3. Công nghiệp hóa chất, phân bón:

- Nhu cầu đối với các sản phẩm hóa chất, phân bón của vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn; dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp của ngành này đạt 2.412 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) vào năm 2010, đạt 8.955 tỷ đồng vào năm 2015 và 26.252 tỷ đồng vào năm 2020;

- Vốn đầu tư cho các giai đoạn 2006 - 2010 là 738 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2015 là 17.825 tỷ đồng và giai đoạn 2011 - 2020 là 25.000 tỷ đồng.

4.2.4. Quy hoạch phát triển ngành cơ khí, điện tử và gia công kim loại:

- Xây dựng ngành sản xuất cơ khí, điện tử và gia công kim loại của thành phố trở thành ngành kinh tế chủ lực đáp ứng đủ nhu cầu thiết bị máy móc, phụ tùng thay thế phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải, chế biến nông, thủy sản, sắt thép xây dựng, cơ khí tiêu dùng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long;

- Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành này đạt 2.484 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) vào năm 2010, đạt 8.534 tỷ đồng vào năm 2015 và đạt 21.235 tỷ đồng vào năm 2020;

- Vốn đầu tư cho giai đoạn 2006 - 2010 là 1.120 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 2.125 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 1.500 tỷ đồng.

4.2.5. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:

- Tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên của thành phố cũng như của các tỉnh có nhiều tiềm năng, duy trì các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, kết hợp với đầu tư mới đáp ứng nhu cầu xây dựng ngày càng cao trên địa bàn;

- Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành vật liệu xây dựng đạt 1.343 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) vào năm 2010; 2.263 tỷ đồng vào năm 2015 và đạt 3.813 tỷ đồng vào năm 2020. Vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2010 là 351 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 1.665 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 1.600 tỷ đồng.

4.2.6. Công nghiệp dệt may, da giày:

- Là ngành có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu lớn, thu hút nhiều lao động. Phát triển sản xuất hàng may mặc, da giày trên địa bàn thành phố Cần thơ nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu da của đàn trâu, bò cùng với một lực lượng lớn lao động chưa có việc làm của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long;

- Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành này đạt 940 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994) vào năm 2010, 1.891 tỷ đồng vào năm 2015 và 3.186 tỷ đồng vào năm 2020;

- Vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2010 là 370 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 200 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 200 tỷ đồng.

4.2.7. Quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn:

- Đẩy nhanh sự phát triển ngành nghề nông thôn để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng ngành nghề, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản;

- Tăng số lao động ngành nghề để thu hút lao động nông thôn, giảm tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn; gia tăng sản phẩm hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy ngành du lịch phát triển; đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất của nhân dân với chất lượng và giá cả phù hợp; góp phần tăng thu nhập ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị về thu nhập.

- Vốn đầu tư: 2010 2015 2020 (tỷ đồng) 21,5 25 25

4.3. Quy hoạch phát triển khu, cụm, điểm công nghiệp:

4.3.1. Giai đoạn 2006 - 2010: quy hoạch thêm 03 khu công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 1.500 ha, hướng theo sông Hậu về phía Bắc tại quận Ô Môn và huyện Thốt Nốt. Dự kiến số lượng và quy mô diện tích như sau:

+ Khu công nghiệp Ô Môn, diện tích 500 ha;

+ Khu công nghiệp Thốt Nốt, diện tích 600 ha;

+ Khu công nghệ cao, diện tích 400 ha;

Bên cạnh các khu công nghiệp quy hoạch nêu trên, thành phố sẽ hình thành các cụm công nghiệp sau đây: Ô Môn (30 ha), Cái Răng (40 ha), Bình Thủy (66 ha), Vĩnh Thạnh (10 ha), Cờ Đỏ (10 ha) và Phong Điền (10 ha).

4.3.2. Giai đoạn 2011-2015: xây dựng thêm 02 khu công nghiệp và mở rộng các khu công nghiệp ở giai đoạn trước, dự kiến số lượng và quy mô diện tích như sau:

- Xây dựng mới:

+ Khu công nghiệp Nông trường Sông Hậu: quy hoạch một phần đất 4.000 ha chuyển sang đất công nghiệp.

+ Khu công nghiệp Nông trường Cờ Đỏ: quy hoạch một phần đất 1.000 ha chuyển sang đất công nghiệp.

- Mở rộng thêm:

+ Khu công nghiệp Ô Môn: 300 ha;

+ Khu công nghiệp Thốt Nốt: 500 ha;

+ Khu công nghệ cao: 100 ha.

Tại các quận, huyện sẽ hình thành các cụm công nghiệp sau: Ô Môn (25 ha), Cái Răng (25 ha), Bình Thủy (30 ha), Cờ Đỏ (20 ha), Vĩnh Thạnh (10 ha) và Phong Điền (10 ha).

4.3.3. Giai đoạn 2016 - 2020: Sau khi Khu công nghệ cao được lắp đầy thì mở rộng thêm khu công nghệ cao với diện tích 500 ha.

- Tổng hợp toàn bộ vốn đầu tư mở rộng và xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp thành phố Cần Thơ:

Giai đoạn: 2010 2015 2020

Tổng đầu tư (tỷ đồng): 7.800 30.680 2.600

5. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp:

Để đạt những mục tiêu của ngành công nghiệp, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2020 cần 170.784,5 tỷ đồng (theo giá hiện hành) được chia ra:

- Giai đoạn 2006 - 2010: 22.422,5 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2011 - 2015: 78.298,0 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2016 - 2020: 70.064,0 tỷ đồng.

Trung ương sẽ đầu tư khoảng trên 40.000 tỷ đồng chủ yếu vào các dự án về sản xuất, phân phối điện - nước; chiếm 23,42 % tổng vốn đầu tư cả giai đoạn 2006 - 2020.

6. Những giải pháp và chính sách thực hiện:

6.1. Các giải pháp cơ bản:

6.1.1. Giải pháp về vốn:

Thực hiện Quyết định số 42/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 64/2006/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Bộ Tài chính về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố Cần Thơ như hỗ trợ về vốn từ ngân sách nhà nước cho các dự án quan trọng, chính sách huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển công nghiệp bao gồm: vốn từ ngân sách, vốn huy động từ dân và doanh nghiệp, vốn vay và hợp tác với bên ngoài, vốn đầu tư nước ngoài FDI và nguồn vốn ODA.

6.1.2. Giải pháp khoa học - công nghệ:

Xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển khoa học công nghệ và thực hiện các chương trình phát triển khoa học vào sản xuất công nghiệp. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là đưa các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, các giống cây trồng vật nuôi tới các hộ nông dân, để họ có thể tiếp nhận, thực nghiệm và áp dụng trực tiếp vào sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Về lâu dài, xác định việc lựa chọn các công nghệ tiên tiến là hướng ưu tiên, nhưng trước mắt phải lựa chọn phương án sử dụng công nghệ hợp lý để vừa khắc phục tình trạng công nghệ lạc hậu, vừa phù hợp với nhu cầu giải quyết lao động dư thừa của địa phương, cũng như khả năng hạn chế vốn đầu tư.

6.1.3. Giải pháp về thị trường:

Phát triển thị trường cung ứng nguyên vật liệu, vật tư đầu vào và hàng hóa khác phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong thành phố. Tập trung xây dựng các chợ đầu mối kiêm chức năng làm trung tâm giao dịch nông - thủy sản tại các quận, huyện có nguồn nguyên liệu dồi dào như: quận Cái Răng, huyện Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ.

Bên cạnh đó, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa do thành phố sản xuất, nhất là thị trường các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và thị trường xuất khẩu sang các nước láng giềng; đồng thời, cũng phải từng bước hình thành các thị trường khác như thị trường vốn, thị trường lao động…

6.1.4. Giải pháp về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và các giải pháp đảm bảo vật tư nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến:

- Xây dựng các chương trình trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy hải sản phát triển vùng nguyên liệu và chương trình phát triển công nghiệp chế biến cần được gắn liền với nhau;

- Các nhà máy chế biến cần xây dựng bộ phận nguyên liệu đủ mạnh để có thể theo dõi chặt chẽ việc phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo cho nhà máy hoạt động hiệu quả;

- Hướng dẫn nông dân trong việc chọn giống, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong thâm canh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và vận chuyển sau thu hoạch để tạo nguồn nguyên liệu sạch cho công nghiệp chế biến;

- Đối với một số địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển, có các mặt hàng nông sản nhạy cảm với biến động giá ở thị trường thế giới cần xây dựng các giải pháp thu mua hỗ trợ nông dân các sản phẩm nông nghiệp một khi giá cả xuống quá thấp.

6.1.5. Giải pháp về khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố:

- Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư hoặc liên kết, liên doanh phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố bằng cách: tổ chức cấp giấy phép đầu tư, thỏa thuận địa điểm cấp đất, đền bù giải tỏa, cấp giấy phép xây dựng một cách nhanh chóng cho các doanh nghiệp;

- Hình thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn nhằm tập hợp các đơn vị sản xuất trên địa bàn và liên hệ với nhau về sản xuất và cơ sở hạ tầng và ban hành một số chính sách ưu đãi:

+ Khuyến khích các doanh nghiệp lớn gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp vốn công nghệ và nguyên liệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

+ Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ về thủ tục thuê đất, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp xúc vay tín dụng ưu đãi với ngân hàng, tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ đào tạo;

+ Hỗ trợ các cơ sở sản xuất bố trí tập trung, di dời tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, rút ngắn thời gian thẩm định dự án ngắn hơn so với quy định.

- Nâng cao chất lượng quy hoạch khu công nghiệp, ngoài các điều kiện và tiêu chí xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch khu công nghiệp còn bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương với nhau, tránh cạnh tranh không lành mạnh và phải chú ý tới tính bền vững, khả năng lan tỏa cho các khu vực khác.

6.1.6. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực:

- Đào tạo nghề, chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động trong các ngành công nghiệp. Mở rộng các cơ sở dạy nghề có chất lượng và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với ngành nghề ưu tiên phát triển trên địa bàn thành phố trong thời gian tới như sản xuất điện, dệt may, da giày, chế biến nông - lâm - thủy hải sản, sản xuất cơ khí, hóa chất. Tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp phải có kế hoạch và thực hiện việc đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp, các bộ phận nghiệp vụ và công nhân cho đơn vị;

- Điều tra đánh giá lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật để sắp xếp, sử dụng đúng chuyên môn, năng lực. Tiếp tục bổ sung đào tạo, đào tạo lại để hình thành một đội ngũ cán bộ, chuyên gia công nghệ, công nhân kỹ thuật bậc cao đáp ứng được tình hình thực tế.

6.1.7. Giải pháp bảo vệ môi trường:

- Quy hoạch, bố trí các khu, cụm công nghiệp tập trung nhằm bảo vệ các khu vực có tính nhạy cảm với môi trường như khu dân cư, khu vực bệnh viện, khu hành chính, khu vực sông rạch thiên nhiên; giữ cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học…dành diện tích đất thích hợp cho việc trồng cây xanh, tạo thành vùng đệm xung quanh khu công nghiệp;

- Bố trí các khu chức năng hợp lý trong các khu, cụm công nghiệp tập trung theo từng nhóm lĩnh vực, ngành nghề để thuận lợi cho việc xử lý, giảm thiểu thấp nhất ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp gây ra để đáp ứng được tiêu chí khu cụm công nghiệp thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó cần xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường như: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, giao thông,..;

- Từng bước thực hiện chương trình di dời các cơ sở công nghiệp trong khu dân cư vào các khu công nghiệp tập trung, đi kèm theo đó là các chính sách ưu đãi cho việc di dời như thuê đất, thuế, vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, nhất là các công trình bảo vệ môi trường…

6.2. Các chính sách chủ yếu:

6.2.1. Chính sách đất đai:

- Thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai cấp thành phố và cấp quận, huyện; đồng thời, quy hoạch sử dụng đất đai tại các phường, các khu trung tâm và các tụ điểm dân cư trước năm 2010;

- Cải thiện hệ thống quản lý sử dụng đất đai từ cấp xã, phường và xây dựng khung giá đất hàng năm.

6.2.2. Chính sách thu hút đầu tư:

- Xây dựng chính sách cho các khu, cụm công nghiệp để đẩy nhanh thu hút đầu tư và quy hoạch đến đâu thì lắp đầy đến đó. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tín dụng xây dựng nhà ở, khu chung cư cho công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp;

- Xây dựng chính sách giải tỏa đền bù thỏa đáng; chủ động tạo ra quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

Ngoài ra, thành phố cần có chính sách đầu tư tập trung hoàn chỉnh nhanh các hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo các thể thức BOT, BO…;

- Đối với đầu tư nước ngoài: đầu tư công nghệ cao được ưu đãi đặc biệt như miễn giảm thuế, lựa chọn địa điểm xây dựng thích hợp. Ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp chế biến nông - thủy sản; đặc biệt, trong trường hợp có đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

6.2.3. Chính sách huy động vốn:

- Tăng hạn mức vốn tín dụng từ ngân hàng phát triển và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định để phát triển sản xuất;

- Có cơ chế huy động vốn trước của dân và doanh nghiệp (khách hàng) cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trước hết cho việc cung cấp điện và nước.

6.2.4. Chính sách khoa học công nghệ:

- Hỗ trợ doanh nghiệp về thu thập và quảng bá thông tin;

- Xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức và nhà khoa học trong và ngoài nước hoạt động và đóng góp, chính sách liên kết các viện, trường, trung tâm, nhà khoa học, liên kết các đề tài, dự án, phòng thí nghiệm;

- Thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;

- Hỗ trợ ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học công nghệ;

- Đẩy mạnh đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trường học, cơ quan quản lý để tạo thế phát triển cho ngành công nghệ thông tin và các các ngành công nghiệp có liên quan;

- Mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề về khoa học và công nghệ.

6.2.5. Chính sách đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực:

- Chính sách nhập cư vào đô thị cho các đối tượng ưu tiên;

- Chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cơ bản về quản lý, đài thọ toàn phần hoặc một phần học phí cho các học viên trường nghề, các lớp đào tạo thợ chuyên môn kỹ thuật và quản lý;

- Chính sách thu hút cộng tác viên là các nhà khoa học và chuyên gia trong các lĩnh vực;

- Chính sách đầu tư bằng ngân sách thành phố nhằm phát triển cơ sở vật chất, phương tiện, mạng lưới tuyển dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ có trình độ cao;

- Xây dựng chế độ hỗ trợ đặc biệt gồm: lương, trợ cấp,.. đối với những người có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật.

6.2.6. Chính sách phát triển các vùng nguyên liệu:

- Các nhà máy chế biến nông - thủy sản được để lại từ 2% đến 3% giá trị nguyên liệu trong giá thành để phát triển vùng nguyên liệu;

- Khuyến khích người sản xuất nguyên liệu đóng góp cổ phần bằng giá trị nguyên liệu với nhà máy (hoặc đóng góp cổ phần ban đầu);

- Nhà nước tạo thuận lợi tối đa trong việc giao đất và cho vay vốn có lãi suất ưu đãi không cần thế chấp đối với các hộ trồng cây nguyên liệu, nuôi trồng thủy hải sản.

Điều 2. Sở Công nghiệp là cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch; nhằm hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển công nghiệp theo quy hoạch đã đề ra.

Các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Công nghiệp trong quá trình thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020 với các quy hoạch ngành, các lĩnh vực của địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Phước Như