Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 1827/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 188/2004/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 281/TTr-SCN ngày 26 tháng 3 năm 2008 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành cơ khí thành phố và Công văn số 64/CV-NCPT ngày 18 tháng 02 năm 2008 của Viện Kinh tế về báo cáo thẩm định Đề án Quy hoạch phát triển ngành cơ khí thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020 và ý kiến của các sở - ngành có liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ khí của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

a) Phát triển ngành cơ khí phù hợp với quy hoạch phát triển chung của công nghiệp thành phố, gắn với cơ khí và công nghiệp của vùng và cả nư­ớc, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

b) Phát triển ngành cơ khí trên cơ sở tận dụng tiềm năng, lợi thế của thành phố, tập trung mọi nguồn lực để hiện đại hóa, nhanh chóng trở thành nền tảng hỗ trợ mạnh mẽ các lĩnh vực khác.

c) Phát triển ngành cơ khí với phương châm tăng cường chuyên môn hóa và hợp tác hóa, tập trung có chọn lọc vào một số chuyên ngành, sản phẩm cơ khí ưu tiên, có giá trị gia tăng cao, tạo thêm nhiều sản phẩm thay thế nhập khẩu và xuất khẩu.

d) Phát triển cơ khí dân sự kết hợp với cơ khí quốc phòng trên địa bàn để phát huy tối đa hiệu quả công nghiệp lư­ỡng dụng.

đ) Phát triển trên cơ sở bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Định hướng phát triển:

a) Định hướng chung:

- Ưu tiên phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, các sản phẩm cơ khí tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, thân thiện môi trường, phát triển dịch vụ cơ khí. Các dự án mang tính chủ lực của ngành cơ khí trên địa bàn cần đi thẳng vào công nghệ hiện đại.

- Tập trung vào những khâu còn rất yếu nhưng lại rất cơ bản là chuyên môn hóa sản xuất phôi đúc, rèn, nhiệt luyện, sơn, mạ, xử lý bề mặt, kiểm tra chất lượng sản phẩm và hiện đại hóa công nghệ chế tạo máy.

- Khai thác tiềm năng và huy động mọi thành phần kinh tế tham gia vào việc đầu tư phát triển ngành cơ khí. Quan tâm đặc biệt đến việc kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn và công nghệ mới. Trong mỗi chuyên ngành cơ khí thành phố hình thành một doanh nghiệp đầu đàn, làm trung tâm hỗ trợ cho các cơ sở cơ khí vệ tinh phát triển.

- Trước mắt vẫn tận dụng hạ tầng kỹ thuật hiện có và phát huy sản xuất thu hút nhiều lao động tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh và đạt tiêu chuẩn chất lượng, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của một số chuyên ngành cơ khí truyền thống.

- Nhà nước có vai trò dẫn dắt thông qua việc góp phần vốn đầu tư chính ở các công ty có vốn Nhà nước đối với các nhóm và chuyên ngành cơ khí nền tảng hoặc có tính xã hội cao nhưng lãi suất thấp.

- Tập trung sản xuất cơ khí lớn vào khu công nghiệp chuyên ngành, chuyển dịch dần cơ khí gia công thô ra khỏi nội đô, đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường một cách triệt để.

b) Định hư­ớng theo sản phẩm:

Ưu tiên sản phẩm trọng điểm gồm:

- Ô tô: Xe buýt, mini buýt, ô tô tải, xe chuyên dùng, một số chủng loại linh kiện chất lượng cao, đặc biệt là nhóm linh kiện động cơ, hộp số.

- Phương tiện vận tải thủy: Tàu tuần tiễu, tàu du lịch tốc độ cao, tàu chở khách, tàu vận tải pha sông biển, tàu thuyền thể thao.

- Máy công cụ: Các loại máy công cụ theo hướng tự động hóa, điều khiển bằng chương trình số có trợ giúp của máy tính (CNC), máy công cụ điều khiển theo chương trình lôgic PLC, tiến tới sản xuất các trung tâm gia công MC, FMC và hệ thống gia công tự động FMS.

- Máy chuyên dùng: Bao gồm thiết bị ngành dược, chế biến lương thực thực phẩm phục vụ xuất khẩu.

- Máy móc thiết bị điện: Các máy điện quay, máy biến áp, các loại khí cụ và dụng cụ điện, dây và cáp điện, thiết bị cơ điện tử và rô bốt công nghiệp.

- Cơ khí chính xác: Khuôn mẫu cho ngành nhựa, tiến tới sản xuất khuôn cho kim loại (ngành ô tô, xe máy...); đồng hồ đo điện, nước, thời gian, thiết bị dụng cụ y tế, đồ chơi mô hình.

- Máy động lực: Động cơ thủy công suất nhỏ, tốc độ cao, động cơ ô tô, xe máy lưỡng hệ (hybrid)...

- Cơ khí tiêu dùng: Duy trì trong một thời gian nhất định những sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ số lượng lớn gồm: quạt điện, xe đạp cao cấp, xe máy, bếp ga, máy điều hòa không khí, nồi cơm điện, bình nước nóng, máy hút bụi, van vòi, đồ dùng nhà bếp...

- Thiết bị toàn bộ: Các máy móc và phụ tùng dây chuyền sản xuất tự động hóa làm bia, nước giải khát, xi măng, thủy điện, dệt may...

- Dịch vụ cơ khí: Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng nâng cấp hiện đại hóa, đầu tư tài chính, thuê mua máy móc thiết bị...

3. Mục tiêu phát triển:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng nhanh và vững chắc tỷ trọng nhóm ngành được ưu tiên lên 65% vào năm 2020 (trong đó đặc biệt là nhóm chuyên ngành cơ khí sản xuất thiết bị kỹ thuật điện, sản phẩm cơ điện tử), giảm dần tỷ trọng nhóm ngành khuyến khích phát triển và giảm nhanh tỷ trọng nhóm ngành phát triển theo thị trường. Tỷ lệ VA/GO ngành cơ khí duy trì ở mức hợp lý và chỉ số ICOR không tăng cao.

- Đến năm 2020, ngành cơ khí thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đạt trình độ công nghệ tương đương các nước hàng đầu trong khu vực, có thể xuất khẩu 40 - 45% giá trị sản lượng hàng năm, đáp ứng trên 80% nhu cầu trang bị sản phẩm cao cấp và dịch vụ cơ khí cho các tỉnh phía Nam.

b) Mục tiêu cụ thể

MỤC TIÊU VỀ GIÁ TRỊ SẢN XUẤT TOÀN NGÀNH CƠ KHÍ THÀNH PHỐ

 

2010

2015

2020

 

Giá trị sản xuất công nghiệp thành phố (tỷ đồng - giá 94)

217.645

393.075

693.121

 

Giá trị sản xuất ngành cơ khí thành phố (tỷ đồng - giá 94)

44.183

96.870

194.748

 

Tỷ trọng giá trị sản xuất cơ khí thành phố/giá trị sản xuất công nghiệp thành phố (%)

20,3

24,6

28,1

 

Giá trị sản xuất ngành cơ khí cả nước (tỷ đồng - giá 94)

141.710

 352.621

877.433

 

Tỷ trọng cơ khí thành phố/cơ khí cả nước (%)

31,2

27,5

22,2

 

 

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG BÌNH QUÂN CỦA GIÁ TRỊ SẢN XUẤT NGÀNH CƠ KHÍ THỜI KỲ 2006 - 2020 (THEO GIÁ CỐ ĐỊNH 1994)

 Đơn vị: %/năm

 

2006 - 2010

2011 - 2015

2016 - 2020

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp thành phố

13,4

12,5

12

Giá trị sản xuất ngành cơ khí thành phố

20,0

17,0

15,0

 

DỰ BÁO CƠ CẤU TRONG GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CỦA CÁC NHÓM NGÀNH THEO THỨ TỰ ƯU TIÊN, KHUYẾN KHÍCH VÀ PHÁT TRIỂN THEO THỊ TRƯỜNG

 

2005

2010

2015

2020

 Nhóm ngành ưu tiên

48,22%

52,15%

59,02%

64,85%

 Nhóm ngành khuyến khích

33,98%

34,16%

30,89%

27,74%

 Nhóm ngành phát triển theo thị trường

17,79%

13,70%

8,10%

7,41%

 

MỤC TIÊU VỀ GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CỦA CÁC NHÓM NGÀNH CẤP II

 

Giá trị sản xuất (triệu đồng - giá cố định 1994)

Tăng trưởng bình quân giai đoạn (%)

2010

2015

2020z

2006-2010

2011-2015

2016-2020

28. Sản xuất các sản phẩm từ kim loại

13.967.486

28.099.183

50.628.759

21,0

15,0

12,5

29. Sản xuất máy móc thiết bị

4.654.140

7.840.741

13.198.943

13,0

11,0

11,0

31. Sản xuất máy móc, thiết bị điện

16.145.708

42.740.780

97.797.069

25,0

21,5

18,0

33. Sản xuất dụng cụ y tế, quang học, đồng hồ…

1.118.990

1.803.275

2.713.683

12,5

10,0

8,5

34. Sản xuất xe có động cơ, rơ moóc

4.173.042

8.958.112

17.612.379

17,5

16,5

14,5

35. Sản xuất phương tiện vận tải khác

4.123.868

7.427.798

12.797.465

15,0

12,5

11,5

 

DỰ BÁO CƠ CẤU GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CHO CÁC NHÓM CHUYÊN NGÀNH CẤP IV

Đơn vị: %

 

2005

2010

2015

2020

Cơ khí phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến

1,74

1,18

1,18

1,27

Sản xuất máy động lực

5,55

3,56

2,27

1,58

Cơ khí ô tô

10,58

9,69

9,75

9,81

Sản xuất máy công cụ

2,16

2,02

1,75

1,57

Cơ khí xây dựng

0,82

0,41

0,24

0,15

Cơ khí đóng tàu

2,48

1,83

1,83

2,00

Sản xuất thiết bị kỹ thuật điện

33,43

39,45

46,26

51,78

Sản xuất thiết bị toàn bộ

3,90

3,21

2,57

2,08

Sản xuất thiết bị y tế, quang học, đồng hồ

2,63

1,93

1,39

1,02

Đúc, cán, rèn, dập, luyện bột kim loại

11,19

14,88

15,75

15,85

Sản xuất dụng cụ gia đình, dụng cụ cầm tay...

15,08

13,07

11,13

8,74

Xử lý và tráng phủ kim loại

1,44

0,89

0,56

0,35

Sản xuất xe máy, xe đạp…

9,01

7,26

5,33

3,81

 

DỰ BÁO GIÁ TRỊ GIA TĂNG NGÀNH CƠ KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

 

2005

2010

2015

2020

VA cơ khí (tỷ đồng - giá cố định 94)

4.794

12.367

29.088

62.297

 

4. Quy hoạch chi tiết các chuyên ngành cơ khí thành phố:

a) Nhóm các chuyên ngành được ưu tiên phát triển:

+ Cơ khí ô tô:

Tập trung lắp ráp các loại xe buýt và mini buýt; xe chuyên dùng, xe tải và chế tạo phụ tùng cho ngành vận tải ô tô không chỉ cho thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho cả Nam Bộ. Phát triển theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa, tránh chế tạo nhiều mẫu sản phẩm. Nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và hạ giá thành sản xuất nhờ phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp linh, phụ kiện sản xuất trong nước, đồng thời phát triển các dịch vụ bảo hành. Phát triển công nghệ riêng để chủ động trong sản xuất và hạ giá thành, phù hợp với nhu cầu, với sức mua và hạ tầng cơ sở của thị trường trong nước, dần vươn ra xuất khẩu, trước mắt là phụ tùng, linh kiện.

Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - Samco trở thành tập đoàn sản xuất nòng cốt, chủ động tham gia cùng các hãng nước ngoài, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, dẫn dắt các doanh nghiệp nhiều thành phần kinh tế thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô của thành phố, mạnh dạn đi đầu trong lĩnh vực chế tạo động cơ.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 4.280.005 triệu đồng, năm 2015 là 9.446.687 triệu đồng, năm 2020 là 19.103.392 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí đóng tàu:

Đặt trọng tâm vào công nghiệp hỗ trợ cho đóng mới tàu: thiết bị trên bong, nghi khí hàng hải, trang thiết bị nội thất... Đóng mới và sửa chữa tàu hải quân, tàu tuần tiễu, tàu vận tải pha sông biển cỡ nhỏ. Tăng cường liên doanh với nước ngoài nhằm tiếp thu, ứng dụng các công nghệ mới đủ khả năng đóng mới và sửa chữa tàu có tính năng phức tạp, có chất lượng quốc tế, giá thành rẻ, có khả năng cạnh tranh được trên thị trường trong và ngoài nước.

Giai đoạn sau năm 2010 tiếp tục đầu tư để nâng khả năng của ngành công nghiệp đóng tàu thành phố đạt tỷ lệ chế tạo nội địa 70% các sản phẩm đóng mới gồm: tàu du lịch, tàu tốc độ cao, sản phẩm tàu thủy xuất khẩu như tàu hút bùn 1.500 m3/h, tàu kéo 1.000 HP, xà lan 2.500 tấn, khách sạn nổi, tàu khách du lịch 45 chỗ bằng vật liệu mới.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 809.980 triệu đồng, năm 2015 là 1.175.839 triệu đồng, năm 2020 là 3.893.436 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí sản xuất thiết bị kỹ thuật điện:

Đầu tư để tối ưu hóa thiết kế theo hướng tăng hiệu suất thiết bị, giảm khối lượng. Sản phẩm chính: Dây và cáp điện; công tơ, khí cụ điện trung thế và hạ thế khác; các loại máy biến thế đặc biệt; các loại động cơ đặc biệt; động cơ servo cho máy công cụ; các loại máy phát điện dùng trong tàu biển, máy phát điện một chiều cho tàu hỏa...

Ứng dụng cơ điện tử trong những lĩnh vực cơ khí trọng điểm mà Nhà nước ưu tiên gồm: thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy công cụ, cơ khí xây dựng, ô tô. Phấn đấu sau khoảng 5 đến 10 năm có được ngành sản xuất rô bốt phục vụ trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu là giảm đến 50% kim ngạch nhập khẩu thiết bị, máy móc từ nước ngoài, chất lượng đạt yêu cầu tương đương so với các thiết bị nước ngoài. Trước hết tập trung vào phần cứng đặc thù (phi tiêu chuẩn) cùng với phần mềm trí tuệ. Gấp rút đào tạo nguồn nhân lực cơ khí cơ điện tử để tiếp cận và vận dụng các thành tựu mới của cơ khí thế giới. Tăng cường liên doanh, liên kết với nước ngoài nhằm thu hút vốn đầu tư và tranh thủ khoa học công nghệ tiên tiến.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 17.429.866 triệu đồng, năm 2015 là 44.808.928 triệu đồng, năm 2020 là 100.835.858 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến:

Tập trung chế tạo các hệ thống thiết bị có điều khiển tự động và năng suất cao trên cơ sở kết hợp các cơ sở nghiên cứu và sản xuất cơ khí với các nhà sản xuất lương thực thực phẩm trong nước (và cả nước ngoài). Trong thời gian tới sẽ là các dây chuyền sản xuất bia, nước giải khát, rau quả, sản xuất ván dăm, thiết bị cho nhà máy bột giấy, chế biến cao su, tơ tằm, máy đóng hộp, đóng chai, máy chọn phân loại hạt bằng màu sắc, một số linh kiện lắp ráp, phụ tùng thay thế đòi hỏi chất lượng cao cho thiết bị phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến. Sau năm 2015, chuyển dần sang các loại thiết bị thông minh, thân thiện môi trường.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 520.962 triệu đồng, năm 2015 là 1.141.017 triệu đồng, năm 2020 là 2.468.489 triệu đồng (giá cố định 1994).

b) Nhóm các chuyên ngành được khuyến khích phát triển:

+ Sản xuất dụng cụ gia đình, dụng cụ cầm tay và đồ kim khí:

Hình thành ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ thực sự mạnh và năng động, tăng cường khả năng chủ động về cung ứng bán thành phẩm, phụ liệu đầu vào, giảm thiểu các tác động từ bên ngoài, giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cơ khí, thúc đẩy mối quan hệ bổ trợ trong ngành và liên ngành. Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất khuôn cho công nghiệp ô tô, khuôn cho các chi tiết nhựa kỹ thuật để chế tạo máy móc thiết bị ngành dệt may, thực phẩm, dược phẩm, cao su... Khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất để cung cấp sản phẩm cơ khí chính xác, đặc biệt là bánh răng, trục răng, bánh vít, trục vít cho các hãng chế tạo máy nước ngoài.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 6.051.912 triệu đồng, năm 2015 là 10.780.930 triệu đồng, năm 2020 là 17.018.724 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí sản xuất máy công cụ:

Tổ chức lại theo hướng hợp tác cao, tránh sản xuất khép kín nhằm phát huy hiệu quả đầu tư chuyên sâu. Hình thành một ngành chế tạo máy công cụ mạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tích cực tìm kiếm thị trường ngách các loại máy gia công đặc thù, máy sửa chữa và triển khai sản xuất thông qua ứng dụng chuyển giao công nghệ. Nghiên cứu thiết kế các mẫu máy hiện đại (PLC, CNC) và các thiết bị gia công đặc biệt, trung tâm gia công, tổ hợp gia công tích hợp mềm. Đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật cho lĩnh vực cơ điện tử.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 890.768 triệu đồng, năm 2015 là 1.691.724 triệu đồng, năm 2020 là 3.051.176 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí sản xuất máy động lực:

Tập trung chế tạo linh kiện, phụ tùng và động cơ diesel, động cơ xăng cũng như đầu máy bơm và máy nén khí. Riêng đối với động cơ cho ô tô khách, giai đoạn từ nay đến năm 2010 cần nghiên cứu thị trường và khả năng thực hiện, tăng cường tiếp xúc với các hãng ô tô nước ngoài, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất lắp ráp 1 loại động cơ. Từ năm 2010 đi vào hoạt động cùng với hệ thống các nhà cung cấp phụ, hướng vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất những chủng loại động cơ công suất lớn cho tàu thủy, đầu máy xe lửa, động cơ hybrid sử dụng đa hệ nhiên liệu thân thiện môi trường, tuốc bin máy phát điện...

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 1.572.017 triệu đồng, năm 2015 là 2.197.782 triệu đồng, năm 2020 là 3.073.502 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí đúc, cán, rèn dập, luyện bột kim loại:

Phát triển mạnh nhóm ngành này dựa trên lợi thế tiềm năng của cơ khí thành phố. Khâu đúc cần ưu tiên đầu tư cho công nghệ khuôn tự hủy. Về luyện bột kim loại, phấn đấu sau năm 2010 ngoài các chi tiết chế tạo máy có thể sản xuất dụng cụ cắt gọt thông thường thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, do đây cũng là nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao (bụi, tiếng ồn...) nên cần bố trí vào các khu, cụm công nghiệp xa dân cư hoặc liên kết với các tỉnh bạn để sản xuất sau khi đã ổn định công nghệ.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 6.576.600 triệu đồng, năm 2015 là 15.256.442 triệu đồng, năm 2020 là 30.873.617 triệu đồng (giá cố định 1994).

c) Định hướng nhóm các chuyên ngành phát triển theo thị trường:

+ Cơ khí xử lý và tráng phủ kim loại:

Khuyến khích các doanh nghiệp mua sắm thiết bị hiện đại (lò ủ, lò tôi, máy phun bi, thiết bị phun phủ...) tạo thành mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cho các chuyên ngành sản xuất cơ khí khác phát triển. Một số doanh nghiệp đầu đàn trong ngành ô tô có thể đầu tư thiết bị cỡ lớn để phục vụ sản xuất riêng, đồng thời đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp khác. Sau năm 2015, chuyển dịch dần nhóm ngành hỗ trợ này sang các vùng phụ cận do thành phố đã giảm tỷ lệ gia công thô.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 393.555 triệu đồng, năm 2015 là 539.205 triệu đồng, năm 2020 là 688.117 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí xây dựng:

Định hướng vào các sản phẩm thiết bị xây dựng công nghệ cao như máy khoan, đóng cọc nhồi, các loại cần trục tháp, bơm bê tông, thang máy... Phương án tốt nhất là liên doanh với các hãng nước ngoài để sản xuất. Ngoài ra, một vấn đề rất cần quan tâm là thiết bị xử lý rác thải, nước thải và lọc bụi để bảo vệ môi trường, yêu cầu trình độ công nghệ tiên tiến.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 180.693 triệu đồng, năm 2015 là 230.615 triệu đồng, năm 2020 là 294.330 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí sản xuất thiết bị toàn bộ:

Cung cấp thiết bị và phụ tùng cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng, đường mía, giấy, hóa chất, phân bón... Trong các dây chuyền đồng bộ này, hướng tập trung chủ yếu là nhóm thiết bị cân, đong, đếm, đóng bao, nhóm thiết bị kiểm tra thí nghiệm và nhóm thiết bị điều khiển tự động. Tuy nhiên, đối với các bộ phận cấu thành có kích thước và khối lượng lớn cần chuyển dần việc gia công thô một cách hợp lý sang các cơ sở ở tỉnh bạn.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 1.418.842 triệu đồng, năm 2015 là 2.487.946 triệu đồng, năm 2020 là 4.051.888 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí sản xuất xe máy, xe đạp và xe thô sơ khác:

Đầu tư nghiên cứu sản xuất các loại xe máy hybrid (sử dụng nhiên liệu xăng - điện hoặc xăng - gas). Một lĩnh vực sản phẩm rất cần quan tâm là xe chuyên dụng (chữa cháy, thư báo, thu gom rác...) và xe cho người tàn tật.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 3.206.924 triệu đồng, năm 2015 là 5.163.384 triệu đồng, năm 2020 là 7.413.196 triệu đồng (giá cố định 1994).

+ Cơ khí sản xuất dụng cụ y tế, quang học, thiết bị điện ảnh và đồng hồ:

Các cơ sở cơ khí thành phố cần đầu tư mạnh hơn cho sản xuất dụng cụ y tế đáp ứng thị trường trong nước và hướng về xuất khẩu. Ngoài ra là sản phẩm cơ khí tinh xảo trong thiết bị quang học, thiết bị điện ảnh và đồng hồ.

Dự báo giá trị sản xuất năm 2010 là 851.109 triệu đồng, năm 2015 là 1.349.389 triệu đồng, năm 2020 là 1.982.696 triệu đồng (giá cố định 1994).

5. Định hướng theo không gian:

Để đầu tư phát triển ngành cơ khí theo các mục tiêu tăng trưởng và có chọn lọc, nhu cầu đất công nghiệp đến năm 2015 khoảng 800 - 820 ha và đến năm 2020 cần thêm 550 - 580ha. Khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí 300 ha tại Củ Chi đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt đến năm 2010. Tại đây ngoài công nghiệp ô tô bố trí thêm các nhà máy sản xuất máy công cụ, cơ khí chính xác, cơ khí nặng, tạo phôi lớn và cơ khí hỗ trợ khác. Khu Công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn II) bố trí cơ khí đóng tàu, thiết bị toàn bộ, đúc phôi, cơ khí nặng. Đăng ký các dự án sản xuất thiết bị cơ - điện tử và trung tâm nghiên cứu về công nghệ cơ khí vào Khu Công nghệ cao thành phố. Tùy theo nhu cầu, khi cần thiết sẽ nghiên cứu đề xuất chuyển đổi một phần diện tích của các khu, cụm công nghiệp đa ngành hiện nay cho mục tiêu sản xuất cơ khí.

6. Nhu cầu vốn đầu tư:

- Giai đoạn 2006 - 2010: 22.717 tỷ đồng (giá cố định 1994);

- Giai đoạn 2011 - 2015: 50.162 tỷ đồng (giá cố định 1994);

- Giai đoạn 2016 - 2020: 99.629 tỷ đồng (giá cố định 1994).

Nguồn vốn dự kiến như sau: 50% vốn vay thương mại, 30% vốn nước ngoài, 20% vốn khác (nguồn vốn thu được từ việc cổ phần hóa, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân, ODA....).

7. Nhu cầu về lao động:

Tổng số lao động ngành cơ khí của thành phố năm 2010 khoảng 265.000 người, năm 2015 khoảng 386.000 người, năm 2020 khoảng 516.000 người, trong đó 80% đã qua đào tạo.

8. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:

- Phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là phương châm chủ yếu. Bố trí các dự án cơ khí lớn vào khu, cụm công nghiệp có xử lý ô nhiễm tập trung. Thực hiện xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quy định ngay từ nguồn phát sinh.

- Khuyến khích, tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất đạt giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” của thành phố.

9. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

a) Giải pháp về quản lý:

+ Tiến hành điều tra đánh giá thực trạng công nghệ và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn, tập hợp các doanh nghiệp cơ khí, xây dựng mô hình D.W.S. với chuyên môn hóa sâu và hợp tác hóa rộng, phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.

+ Tăng cường vai trò của Hội Cơ khí thành phố, tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động mạnh mẽ hơn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển.

+ Nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành nghề và tổ chức một số Hiệp hội chuyên ngành mạnh để hỗ trợ sản xuất theo hướng chuyên môn hóa như Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị công nghiệp; Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện, vật liệu điện, điện lạnh; Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu. Thành phố hỗ trợ 50% nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, thiết kế, chuyển giao công nghệ thuộc Hiệp hội.

+ Cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, tuyển chọn sản phẩm ưu tiên, sản phẩm khuyến khích phát triển để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

+ Đối với những dự án đầu tư đặc biệt mang tính dẫn dắt có sử dụng nguồn vốn lớn của Nhà nước cần nghiên cứu đề ra các tiêu chuẩn đánh giá, tuyển chọn chủ đầu tư thực hiện.

+ Đẩy nhanh tiến độ tin học hóa quản lý của thành phố nói chung và lĩnh vực quản lý công nghiệp nói riêng. Tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành trên địa bàn thành phố để phục vụ công tác quản lý, điều hành, nghiên cứu và để các nhà đầu tư có thể biết thêm thông tin về các chính sách cũng như hướng ưu tiên phát triển các lĩnh vực, các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

+ Tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo thành phố với các tập đoàn xuyên quốc gia để kêu gọi đầu tư. Hoàn thiện nội dung trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả và cải thiện môi trường hấp dẫn đầu tư.

+ Áp dụng một hệ thống định giá công bằng cho tất cả các sản phẩm nhập khẩu để giảm thiểu khả năng khai gian giá, cạnh tranh không lành mạnh.

+ Xác định danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm trên địa bàn, hỗ trợ trong việc sản xuất thử, thiết lập và chuyển giao công nghệ.

+ Hỗ trợ việc tổ chức các hoạt động tư vấn và một phần chi phí tư vấn về thiết kế sản phẩm, đổi mới công nghệ, mua hoặc cải tiến thiết bị, công nghệ.

+ Hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp (hướng dẫn tham gia chương trình xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký sở hữu công nghiệp).

+ Xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án ưu tiên và khuyến khích phát triển.

+ Ban hành khung giá và phí trong các khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí theo hướng khuyến khích các nhà đầu tư có sự hỗ trợ của Nhà nước.

+ Lập quỹ khuyến công theo quy định của Trung ương để hỗ trợ cho các làng nghề cơ khí.

+ Xây dựng hệ thống dịch vụ bảo trì và tân trang máy móc thiết bị chuyên nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng, trước hết trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của thành phố.

b) Giải pháp về đầu tư:

+ Đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên: tạo điều kiện dễ dàng nhất về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cho doanh nghiệp vay vốn hoạt động bảo lãnh bằng giá trị thiết bị và nhà xưởng sẽ đầu tư vào khu công nghiệp.

+ Đối với các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích: Ưu tiên giải quyết mặt bằng sản xuất, cho doanh nghiệp vay vốn với bảo lãnh bằng giá trị thiết bị và nhà xưởng sẽ đầu tư vào khu công nghiệp, có thể thông qua bảo lãnh từ Hiệp hội.

+ Tiếp tục xem xét hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất máy móc, tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp và chế biến nông - lâm - thủy sản thuộc chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam.

+ Hỗ trợ chi phí xúc tiến đầu tư trước khi dự án đi vào hoạt động cho các dự án sản xuất trong chương trình sản phẩm cơ khí chủ lực của thành phố.

+ Các ngân hàng thương mại cải tiến cơ chế cho vay để vốn nhanh chóng đến được tay nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ.

+ Ban hành chính sách hấp dẫn để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân đầu tư vào các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí tiêu dùng và làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn. Về chiến lược lâu dài phải coi đây là nguồn nội lực chủ yếu để phát triển cơ khí, với đặc thù là thành phố có nguồn ngoại hối rất lớn do thân nhân từ nước ngoài gửi về.

+ Nghiên cứu vận dụng hình thức thuê mua tài chính (vay thiết bị sản xuất thông qua ngân hàng) cho các dự án thiếu vốn mua sắm thiết bị.

+ Trong liên doanh với các đối tác nước ngoài cần có sự thận trọng trong việc lựa chọn đối tác, cũng như cử người có năng lực của phía Việt Nam tham gia liên doanh để dự án phát huy được hiệu quả và không làm thua thiệt đến lợi ích của Việt Nam.

+ Sử dụng vốn vay nước ngoài có bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu cho các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí tiêu dùng có tỷ lệ lãi suất cao và vòng quay vốn nhanh.

+ Kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ khí lớn với các điều kiện thật sự ưu đãi, tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và cả ở nước ngoài.

c) Giải pháp về nguồn nhân lực:

+ Quan tâm đầu tư nâng cấp và chuyên môn hóa cao các cơ sở đào tạo hiện có trên địa bàn. Chú trọng mở rộng hình thức đào tạo tại chỗ, gắn kết việc đào tạo với việc sử dụng lao động. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lại nhân lực của mình bằng các hình thức nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đào tạo theo địa chỉ. Tổ chức dạy nghề miễn phí cho cư dân các vùng dự án để tạo việc làm mới và ổn định đời sống xã hội.

+ Đặc biệt chú trọng thu hút các chuyên gia giảng dạy từ các nước công nghệ cao, chuyên gia Việt kiều đến giảng dạy tại các trường đào tạo của Việt Nam, nhất là đối với các ngành nghề yêu cầu kỹ thuật cao, kỹ thuật mới như cơ điện tử, tự động hóa... Khuyến khích các đối tác nước ngoài tổ chức các trường đào tạo dạy nghề trình độ cao tại Việt Nam bằng các biện pháp miễn giảm thuế thu nhập, trợ cấp chi phí thuê mặt bằng xây dựng trường, xưởng thực hành, miễn toàn bộ thuế nhập khẩu các thiết bị, giáo cụ.

+ Đào tạo nghề nghiệp chuyên môn kỹ thuật và cả kiến thức quản lý cho học sinh học nghề để họ có thể trở thành các thợ giỏi về kỹ thuật, có đầu óc kinh doanh và dần trở thành các “chủ doanh nghiệp thế hệ mới”.

+ Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất cho trường dạy nghề công nhân kỹ thuật sẵn có, ổn định tổ chức và quản lý của trường để phát huy hiệu quả đào tạo và xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi.

+ Củng cố và phát triển nâng cao chất lượng đào tạo ngành học cơ khí trong các trường đại học kỹ thuật.

+ Cử học sinh, công nhân giỏi đi đào tạo ở nước ngoài bằng các học bổng từ nguồn ngân sách thành phố, bằng kinh phí của chính doanh nghiệp có người cần đào tạo hoặc từ các nguồn tài trợ của các tổ chức khác.

+ Các Trường Đại học Bách Khoa và Đại học Sư phạm Kỹ thuật có kế hoạch đào tạo ngành chuyên sâu đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật. Kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp được hạch toán vào giá thành sản phẩm các chi phí đào tạo nguồn nhân lực.

+ Phối hợp với các Hội nghề nghiệp thành lập các trường nghề chuyên sâu.

+ Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức các chuyến tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài.

d) Giải pháp về thị trường:

+ Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin công nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp về thị trường, sản phẩm, giá cả, nguồn cung cấp nguyên liệu, chi tiết bán thành phẩm, máy móc sản xuất, nguồn lao động. Quảng cáo, giới thiệu và phổ cập công nghệ mới, tư vấn đầu tư, bồi dưỡng kiến thức quản lý.

+ Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về nghiên cứu và phát triển thị trường như là yếu tố quyết định sự tồn tại lâu dài, đặc biệt trong việc chuẩn bị tích cực cho hội nhập khu vực và thế giới.

+ Giới thiệu doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ xuất khẩu thông qua các hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại của Chính phủ, của thành phố (tham quan, khảo sát thị trường, huấn luyện, hoàn thiện trang web), các Hội nghề nghiệp và qua các Hội chợ triển lãm do thành phố tổ chức.

+ Hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư. Hỗ trợ xác minh đối tác hợp tác đầu tư thương mại cho doanh nghiệp. Tổ chức tham quan khảo sát học tập trong ngoài nước, các lớp chuyên đề, hội thảo...

+ Hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn đối với người sử dụng và sức khỏe cộng đồng.

+ Hạn chế nhập các loại bán thành phẩm mà trong nước đã sản xuất được với chất lượng tốt, giá thành hợp lý.

+ Tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp trong nước nhận được các hợp đồng cung cấp sản phẩm cơ khí theo hình thức tổng thầu đối với các dự án xóa đói giảm nghèo, dự án thuộc vùng sâu vùng xa...

đ) Giải pháp về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:

+ Đảm bảo mức vốn đầu tư cho khoa học - công nghệ từ các nguồn (ngân sách nhà nước thành phố, vốn của các doanh nghiệp, vốn của các tổ chức tài chính, tài trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài) đạt khoảng 3% GDP thành phố. Vốn nghiên cứu khoa học ưu tiên dành cho chương trình trọng điểm của thành phố.

+ Tăng cường hợp tác nghiên cứu với các Viện nghiên cứu về cơ khí, các doanh nghiệp cơ khí của Trung ương để phục vụ phát triển ngành. Đẩy mạnh hoạt động liên kết Hội Cơ khí thành phố với các trường đại học, các doanh nghiệp trong hoạt động thông tin khoa học công nghệ. Tích cực tham gia các chợ công nghệ.

+ Đối với các dự án đầu tư mới cần áp dụng công nghệ tiên tiến, không nhập khẩu công nghệ và thiết bị đã lạc hậu. Ưu tiên cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để đổi mới công nghệ.

+ Hỗ trợ tài chính cho phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin của thành phố phục vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ.

+ Tổ chức đào tạo miễn phí cho các nhà quản lý doanh nghiệp về quản lý công nghệ thông qua Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

+ Thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ thành phố để hỗ trợ nhanh và hiệu quả việc nghiên cứu, thiết kế mẫu, chế tạo sản phẩm mới, hỗ trợ đăng ký sở hữu công nghiệp, sản xuất thử (theo quy định của Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển).

+ Tiếp tục thực hiện các chương trình trọng điểm về khoa học - công nghệ song song với việc tạo lập và phát triển thị trường khoa học công nghệ. Các hoạt động khoa học công nghệ phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển khoa học công nghệ.

e) Giải pháp trợ giúp khác:

+ Thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về ngành cơ khí.

+ Hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp cơ khí sau cổ phần hóa về mặt bằng, vốn sản xuất... theo lộ trình cụ thể.

+ Thành phố thông qua Công ty Đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp chủ động tạo quỹ đất tập trung quy mô lớn theo định hướng ngành nghề, xây sẵn nhà xưởng theo tiêu chuẩn công nghiệp để giúp doanh nghiệp cơ khí có thể thuê và đi vào sản xuất ngay. Công bố các thông tin cập nhật về diện tích còn trống.

+ Đánh giá và kiểm kê lại các nguồn gây ô nhiễm môi trường chính. Hình thành các cơ sở kiểm soát và xử lý tập trung chất thải công nghiệp. Nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng dụng công nghệ sạch và công nghệ thân thiện môi trường. Tổ chức lại các khu công nghiệp, gắn yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp với bảo vệ môi trường. Có kế hoạch bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho đội ngũ Giám đốc các doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiểu biết, năng lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công nghiệp thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Công bố quy hoạch sau khi phê duyệt và chủ trì tổ chức thực hiện quy hoạch này. Xây dựng chương trình cụ thể phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm, sản phẩm cơ khí tiềm năng theo định hướng đã nêu trong quy hoạch.

- Phối hợp với các sở - ban - ngành khác tổ chức tuyển chọn chủ đầu tư các dự án trọng điểm; đề xuất cơ chế ưu đãi và khuyến khích đối với các dự án sản xuất thuộc các nhóm ngành quy hoạch trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Lập các yêu cầu về số liệu thống kê ngành phù hợp với chức năng quản lý nhà nước và chức năng tham mưu của Sở, phù hợp với các tiêu chí thống kê mới của ngành Thống kê.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối vốn ngân sách thành phố để đầu tư cho các dự án trong chương trình trọng điểm của thành phố.

3. Sở Tài chính:

- Chủ trì, kết hợp với các sở - ban - ngành của thành phố nghiên cứu ban hành chính sách tài chính đối với các dự án thuộc các nhóm ngành.

- Chuẩn bị nguồn vốn đầu tư ngắn hạn và dài hạn theo tiến độ sử dụng vốn của ngành cơ khí thành phố.

- Xây dựng nội dung kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố với Chính phủ về việc cho phép doanh nghiệp trên địa bàn được hạch toán vào giá thành sản phẩm các chi phí đào tạo nguồn nhân lực.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Tổ chức thông tin khoa học công nghệ miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trợ giúp tư vấn đổi mới công nghệ.

- Tuyển chọn và giao nhiệm vụ cho các tổ chức chủ trì nghiên cứu các đề tài thuộc chương trình phát triển cơ khí của thành phố. Phân bổ vốn theo thứ tự ưu tiên.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Xem xét đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư mới và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

6. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố:

- Bố trí mặt bằng cho các dự án đầu tư mới tại khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch không gian chung.

- Nghiên cứu, đề xuất khung giá đất và phí hạ tầng các khu công nghiệp chuyên ngành trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và dạy nghề lập chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật tại các trường trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu lao động cho ngành cơ khí.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp đưa vào chương trình phân ban nội dung hướng nghiệp cơ sở ngành cơ khí cho học sinh trung học phổ thông.

9. Cục Thống kê thành phố: Tổng hợp số liệu thống kê về ngành cơ khí theo các yêu cầu về số liệu của Sở Công nghiệp và theo Luật Thống kê. Tổ chức điều tra định kỳ toàn bộ các cơ sở sản xuất cơ khí trên địa bàn để có số liệu chính xác phục vụ công tác đánh giá việc thực hiện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết.

10. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển ngành cơ khí thành phố do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp làm Phó ban Thường trực, có sự tham gia của các sở - ban - ngành liên quan.

11. Giao các Sở nghiên cứu đề xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị với Chính phủ những việc sau:

- Sở Tài chính đề xuất về việc cho phép doanh nghiệp được hạch toán vào giá thành sản phẩm các chi phí đào tạo nguồn nhân lực. Cho phép các dự án của doanh nghiệp (đặc biệt các dự án có tỷ lệ đầu tư cho công nghệ cao) vay vốn tín dụng Nhà nước từ Ngân hàng Đầu tư phát triển.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất về bố trí vốn ODA cho dự án xây dựng các trung tâm nghiên cứu lĩnh vực cơ khí.

- Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất về việc ưu tiên phân bổ vốn khoa học - công nghệ, đầu tư tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm của các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố để tham gia chương trình nghiên cứu cơ khí, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nghiên cứu sản phẩm mới, kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Kiến nghị ban hành bổ sung tiêu chuẩn các sản phẩm đặc thù của ngành để quản lý chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín