Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2071/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KHUNG KẾ HOẠCH THỜI GIAN NĂM HỌC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VÀ GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN ÁP DỤNG TỪ NĂM HỌC 2017-2018

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 - 2018 trong toàn quốc như sau:

1. Tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8 hằng năm.

2. Tổ chức khai giảng vào ngày 05/9 hằng năm.

3. Kết thúc học kỳ I trước ngày 20/01, học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giáo dục) trước ngày 25/5 và kết thúc năm học trước ngày 31/5 hằng năm.

4. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) trước ngày 15/6 hằng năm.

5. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 31/7 hằng năm.

6. Thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, thi học sinh giỏi quốc gia và thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ.

Điều 2. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương

1. Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học:

a) Đối với cấp mầm non và cấp tiểu học, có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần);

b) Đối với cấp THCS và cấp THPT, có ít nhất 37 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 19 tuần, học kỳ II có ít nhất 18 tuần);

c) Đối với giáo dục thường xuyên (THCS và THPT), có ít nhất 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có ít nhất 16 tuần).

2. Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương.

3. Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.

4. Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.

5. Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trong trường phổ thông có nhiều cấp học, các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt là đối với cấp tiểu học và cấp THCS.

Điều 3. Nội dung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ở các địa phương bao gồm:

1. Ngày tựu trường, ngày khai giảng; ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ I; ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ II; ngày kết thúc năm học.

2. Ngày thi học sinh giỏi, ngày xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, ngày xét công nhận tốt nghiệp THCS.

3. Ngày hoàn thành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học.

4. Các ngày nghỉ lễ, tết.

5. Thời gian nghỉ đối với giáo viên trong năm học.

6. Các ngày nghỉ khác (nghỉ giữa học kỳ, nghỉ cuối học kỳ, nghỉ theo mùa, vụ, nghỉ tết của đồng bào dân tộc thiểu số, nghỉ lễ hội truyền thống của địa phương).

Điều 4. Trách nhiệm thực hiện

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định:

a) Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.

b) Thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt.

2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.

b) Báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tình hình chuẩn bị năm học và tình hình tổ chức khai giảng trước ngày 10/9; sơ kết học kỳ I trước ngày 31/01; tổng kết năm học, báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí thi đua và đề nghị xét khen thưởng năm học trước ngày 25/6 hằng năm.

c) Báo cáo về những quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Các ông (bà) Chánh Văn phòng, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- Hội Cựu Giáo chức Việt Nam;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố;
- Như Điều 6;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ;
- Lưu: VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa