Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2084/2004/QĐ-UB

Đông Hà, ngày 05 tháng 7 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật khoa học và Công nghệ ngày 09/6/2000;
- Căn cứ Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 1/7/1998 của Chính phủ Quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ.
- Căn cứ Nghị định 119/1999/NĐ-CP nsày 18/09/1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ.
- Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoa học và Công nghệ;
- Căn cứ Thông tư 55/2002/TT-BKHCN ngày 23/07/2002 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc hướng dẫn thẩm định công nghệ và môi trường trong các dự án đầu tư;
- Căn cứ Thông tư Liên tịch 15/2003/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/07/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở địa phương;
- Theo đề nghị của ông Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy chế về hoạt động và quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.

Điều 2: Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

- Các Quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2.
- T.vụ Tỉnh uỷ, TT/HĐND tỉnh
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh
- Chánh, PVP UBND tỉnh
- Cục KTVB Bộ Tư pháp
- Lưu VT, các CV

TM/ UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

QUY CHẾ

VỀ HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2084/2004/QĐ-UB, ngày 5/7/2004 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng và phạm vi áp dụng.

Tất cả các hoạt động liên quan đến công nghệ, các dự án đầu tư đổi mới và phát triển công nghệ (sau đây gọi tắt là dự án đầu tư) của các ngành, địa phương, đơn vị, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2: Quản lý nhà nước về công nghệ:

UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN) giúp UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Điều 3: Nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ gồm:

1. Ban hành và hướng dẫn các văn bản quản lý công nghệ tại địa phương;

2. Xây dựng chính sách , quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghệ;

3. Xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ về quản lý công nghệ;

4. Thẩm định công nghệ các dự án đầu tư trước khi trình UBND tỉnh quyết định;

5. Thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ vào địa bàn tỉnh hoặc từ tỉnh chuyển giao cho các đơn vị ngoài tỉnh, trình UBND tỉnh quyết định;

6. Tuyên truyền phổ biến kiến thức và cung cấp thông tin công nghệ;

7. Quản lý các hoạt động đánh giá, thẩm định, giám định tư vấn chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;

8. Quản lý các hoạt động sáng kiến, sáng chế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ;

9. Giám định hoặc tổ chức giám định công nghệ, chất lượng thiết bị, phương tiện kỹ thuật, của các dự án đầu tư để phục vụ cho mục đích quản lý;

10. Đánh giá hoặc tổ chức đánh giá trình độ công nghệ sản xuất cho các ngành, đơn vị sản xuất kinh doanh, theo nhu cầu:

11. Kiểm tra, thanh tra đối với các hoạt động chuyển giao công nghệ;

12. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về chuyển giao công nghệ;

13. Hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ;

Chương II

THẨM ĐỊNH CÔNG NGHỆ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Điều 4: Tất cả các dự án cấp tỉnh quản lý đều phải được qua thẩm định công nghệ (nếu dự án có bao hàm yếu tố công nghệ) trước khi trình UBND tỉnh cấp phép đầu tư.

Điều 5: Cơ sở pháp lý để thẩm định công nghệ:

1. Các quy trình, quy phạm kỹ thuật của nhà nước;

2. Hệ thống các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quốc tế;

3. Hồ sơ xin thẩm định công nghệ của dự án đầu tư;

Điều 6: Các nội dung thẩm định:

1. Các sản phẩm do công nghệ tạo ra;

2. Thị trường sản phẩm tham gia;

3. Cơ sở và phương pháp lựa chọn công nghệ;

4. Các thiết bị trong dây chuyền công nghệ;

5. Nguyên, nhiên vật liệu, linh kiên phụ tùng cho sản xuất;

6. Tổ chức quản lý công nghệ, quản lý sản xuất;

7. Đào tạo nhân viên kỹ thuật, quản lý công nghệ, quản lý sản xuất, năng lực của công nhân viên sau khi được đào tạo, sử dụng lao động;

8. Hiệu quả của công nghệ:

9. An toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ;

10. Chuyển giao công nghệ (sau khi tổ chức đấu thầu và xây dựng hợp đồng chuyển giao công nghệ trình UBND tỉnh phê duyệt);

11. Đánh giá ảnh hưởng của công nghệ đối với môi trường;

Điều 7: Phương pháp thẩm định:

Tuỳ theo yêu cầu đối với từng dự án, Sở KH & CN có thể tiến hành thẩm định theo các phương pháp sau:

1 Chuyên viên tự thẩm định:

Phương pháp này áp dụng đối với các trường hợp sau:

- Dự án đầu tư có nội dung công nghệ rõ ràng;

- Dự án có tính chuyên ngành hoặc ý kiến của ngành liên quan đã rõ;

- Chuyên viên thẩm định nắm vững lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư;

2. Hội đồng thẩm định:

Phương pháp này áp dụng đối với các trường hợp sau:

- Chuyên viên thẩm định tuy am hiểu lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư, nhưng chưa đủ thông tin. Cần tham khảo ý kiến chuyên gia để cập nhật thông tin;

- Nội dung công nghệ đòi hỏi phải phải có chuyên môn sâu, cần tham khảo ý kiến chuyên gia trong ngành liên quan để có ý kiến nhận xét đầy đủ, chính xác về dự án;

- Dự án có tính liên ngành hoặc có phạm vi ảnh hưởng rộng;

- Dự án có những vấn đề phức tạp về công nghệ, môi trường, còn có nhiều ý kiến khác nhau;

Điều 8: Hồ sơ xin thẩm định công nghệ bao gồm:

1. Đơn xin thẩm định công nghệ;

2. Thuyết minh công nghệ;

3. Danh mục thiết bị theo quy trình công nghệ với đầy đủ các đặc trưng kỹ thuật kèm theo;

4. Các xác nhận về tình trạng chất lượng của thiết bị;

5. Tiêu chuẩn, chất lượng của thiết bị;

6. Dự án đầu tư và các tài liệu liên quan khác. Chủ đầu tư có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu của hội đồng thẩm định về việc làm rá, bổ sung hoặc sửa đổi các nội dung công nghệ của dự án;

Điều 9: Thời gian thẩm định công nghệ:

Thời gian thẩm định công nghệ của một dự án đầu tư từ 20 – 30 ngày, kể từ khi chủ đầu tư nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của UBND tỉnh thì thời gian thẩm định không quá 15 ngày.

Điều 10: Kinh phí thẩm định công nghệ:

Kinh phí thẩm định công nghệ được tính trong tổng mức chi phí của dự án, tuân thủ các quy định về tài chính hiện hành.

Chương III

THẨM ĐỊNH HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Mục 1: Các vấn đề về hợp đồng chuyển giao công nghệ:

Điều 11: Đối tượng phải lập hợp đồng chuyển giao công nghệ:

Nếu trong dự án đầu tư có một hoặc nhiều nội dung sau đây (gọi là nội dung chuyển giao công nghệ) thì chủ dự án đầu tư phải lập hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;

1. Chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá đang trong thời gian được pháp luật Việt Nam bảo hộ và được phép chuyển giao;

2. Chuyển giao các bí quyết, kiến thức kỹ thuật công nghệ dưới dạng phương án quy trình công nghệ, tài liệu kỹ thuật;

3. Chuyển giao các giải pháp hợp lý hoá sản xuất, cải tiến đổi mới công nghệ;

4. Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ;

5. Lựa chọn, hướng dẫn, lắp đặt, vận hành thử dây chuyền thiết bị, công nghệ;

6. Tư vấn quản lý công nghệ, quản lý kinh doanh, hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển giao;

7. Quản lý sản xuất kèm theo nội dung đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật;

8. Đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật chuyên môn và quản lý công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý;

9. Cung cấp thông tin về công nghệ, về sản xuất kinh doanh. Cung cấp thiết bị, phương tiện kỹ thuật;

Điều 12: Các công nghệ không được chuyển giao.

1. Những công nghệ không đáp ứng các yêu cầu trong các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn lao động, vệ sinh lao động, sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường;

2. Những công nghệ có tác động và gây hậu quả xấu đến văn hoá, quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

3. Những công nghệ không đem lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và xã hội;

4. Các công nghệ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

Điều 13: Tài chính trong chuyển giao công nghệ:

Tài chính liên quan đến chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/1998/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm:

1. Giá của công nghệ được chuyển giao

2. Phương thức thanh toán

3. Hạch toán các chi phí chuyển giao công nghệ

4. Thuế chuyển giao công nghệ

Điều 14: Hồ sơ xin phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm:

1. Đơn xin phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ;

2. Hợp đồng chuyển giao công nghệ và các phụ lục kèm theo;

3. Bản giải trình về mục tiêu và khả năng thực hiện công nghệ, các giải pháp an toàn, vệ sinh lao động. Các luận cứ về thị trường, nguyên liệu, kinh tế tài chính và hiệu quả của công nghệ;

4. Những thông tin về: Tư cách pháp lý cña người đại diện, xác nhận chữ ký của người đại diện các bên tham gia; các tài liệu chứng thực quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam;

5. Trường hợp bên tham gia hợp đồng là doanh nghiệp liên doanh hoạt động theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hồ sơ xin phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ phải kèm theo văn bản xác nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được hội đồng quản trị thông qua theo nguyên tắc nhất trí;

6. Bản sao giấy phép đầu tư, phiếu thu phí thẩm định hợp đồng;

Điều 15: Hợp đồng chuyển giao công nghệ sau đây không qua thủ tục phê duyệt nhưng phải đăng ký:

1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ trong nước mà trong đó: không có bên nào là tổ chức Nhà nước hoặc có vốn của nhà nước đóng góp.

2. Hợp đồng chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Quảng Trị đối với dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước.

3. Hợp đồng chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Quảng Trị đối với dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước mà tổng giá trị thanh toán (không kể giá trị thiết bị) tương đương dưới 30 ngàn đô la Mỹ.

Điều 16: Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm:

1. Đơn đăng ký Hợp đồng (theo mẫu)

2. Bản gốc Hợp đồng có dấu và chữ ký của đại diện các Bên trong từng trang của Hợp đồng (gồm cả phụ lục kèm theo nếu có).

3. Bản giải trình về nội dung chuyển giao công nghệ hoặc bản sao Báo cáo nghiên cứu khả thi.

4. Bản dự toán tổng giá trị tiền thanh toán cho chuyển giao công nghệ trong thời hạn Hợp đồng.

5. Giấy phép đầu tư hoặc Quyết định đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập của bên nhận công nghệ và Giấy chứng nhận khác của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành (nếu có).

6. Phiếu thu lệ phí đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Điều 17: Các hình thức hợp đồng chuyển giao công nghệ:

1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ;

2. Hợp đồng Li xăng;

3. Hợp đồng tư vấn đào tạo, trợ giúp kỹ thuật sản xuất, quản lý công nghệ, quản lý kinh doanh;

4. Hợp đồng góp vốn bằng công nghệ;

5. Hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ sản xuất;

6. Hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh (Franchise);

7. Bản thoả thuận giấy phép công nghệ sản xuất;

8. Hợp đồng sản xuất nhượng quyền;

Điều 18: Nghiệm thu đánh giá hợp đồng.

1. Bên giao và bên nhận phải lập biên bản đánh giá kết quả đối với từng giai đoạn chuyển giao công nghệ như:

- Đánh giá nghiệm thu máy móc thiết bị. Đối với máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phải được đăng ký, cấp giấy phép sử dụng trước khi hoạt động chính thức;

- Đánh giá việc thực hiện hợp đồng của các bên theo các nội dung công nghệ cần chuyển giao quy định trong từng giai đoạn của hợp đồng;

- Đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra khi hợp đồng kết thúc.

Các biên bản này gửi cho Sở KH & CN trong vòng 15 ngày kể từ ngày thực hiện xong việc đánh giá;

2. Định kỳ: Ngày 25 tháng 10 hàng năm bên nhận công nghệ phải báo cáo việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng văn bản cho Sở Khoa học và Công nghệ.

Điều 19: Kinh phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ

Phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ được tính trong tổng kinh phí của dự án. Mức thu phí, thực hiện theo Pháp lệnh về phí và lệ phí; Thông tư liên tịch 139/1998/ TTLT-BTC-BKHCNMT.

Mục 2: Quản lý hợp đồng chuyển giao công nghệ:

Điều 20: Thủ tục và thời hạn xem xét hồ sơ xin phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ:

1. Sở KH & CN có nhiệm vụ hướng dẫn các chủ đầu tư xây dựng hợp đồng chuyển giao công nghệ các dự án đầu tư; Tiếp nhận hồ sơ xin phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ. Thẩm định hoặc tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ các dự án đầu tư theo phân cấp của nhà nước;

2. Thời gian thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;

3. Các bên tham gia hợp đồng có nghĩa vụ đáp ứng các yêu cầu của cơ quan thẩm định về cung cấp tài liệu, sửa đổi điều chỉnh nội dung hợp đồng cho phù hợp với pháp luật Việt Nam;

4. Cơ quan ra Quyết định phê duyệt có quyền thu hồi Quyết định phê duyệt của mình.

Điều 21: Thủ tục và thời hạn xem xét hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ:

1. Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận hồ sơ đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các đối tượng thuộc điều 15 quy chế này;

2. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận hồ sơ Hợp đồng chuyển giao công nghệ, nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì Hợp đồng chuyển giao công nghệ đương nhiên được chấp nhận và có hiệu lực thi hành. Cơ quan tiếp nhận Hồ sơ gửi phiếu xác nhận đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ cho Bên nhận công nghệ (theo mẫu).

3. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận Hồ sơ Hợp đồng chuyển giao công nghệ, nếu Cơ quan tiếp nhận Hồ sơ Hợp đồng có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì Hợp đồng chuyển giao chưa có hiệu lực thi hành. Các bên tham gia Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu và gửi đến Cơ quan tiếp nhận Hồ sơ Hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Điều 22: Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ:

Các bên tham gia hợp đồng chuyển giao công nghệ có quyền khiếu nại với cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ nếu xét thấy cơ quan tiếp nhận không thực hiện đúng thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của mình; Cơ quan bị khiếu nại phải giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Chương IV

ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT, SẢN PHẨM

Điều 23: Yêu cầu về đánh giá trình độ công nghệ:

Trong thời gian từ 2 đến 5 năm tuỳ theo yêu cầu của kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, các cơ quan đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc tỉnh quản lý đều phải đánh giá trình độ công nghệ sản xuất và sản phẩm của đơn vị mình; Kết quả đánh giá trình độ công nghệ sản xuất, sản phẩm báo cáo UBND tỉnh bằng văn bản;

Điều 24: Tổ chức đánh giá:

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức, hướng dẫn nội dung và nghiệp vụ đánh giá trình độ công nghệ sản xuất, sản phẩm cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh;

Điều 25: Các nội dung phải đánh giá;

1. Trình độ, năng lực, môi trường và nhu cầu công nghệ của một ngành hoặc một lĩnh vực sản xuất;

2. Chất lượng sản phẩm do công nghệ tạo ra;

Điều 26: Phương pháp đánh giá:

1. Phương pháp đánh giá gián tiếp:

- Xác định hệ số đóng góp của 04 thành phần cơ bản của công nghệ (phương tiện, năng lực, dữ liệu, tổ chức);

- So sánh trình độ công nghệ sản xuất đó với mức thiết kế lý thuyết tối ưu và trình độ công nghệ sản xuất tương ứng trong thực tế;

2. Phương pháp đánh giá trực tiếp:

Xác định kết quả đạt được trong sản xuất thực tế bao gồm: kiểm tra, kiểm định, kiểm định chất lượng sản phẩm, giám định chất lượng thiết bị.

Chương V

ỨNG DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ

Điều 27. Trên cơ sở kết quả đánh giá nghiệm thu của hội đồng khoa học, Sở KH&CN tổ chức công bố, sử dụng và chuyển giao những kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Khuyến khích sáng kiến, cải tiến kỷ thuật, hợp lý hoá sản xuất: Sở KH&CN , các Sở, Ngành, UBND các huyện thị xã, Lãnh đạo các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh phải có biện pháp thúc đẩy phong trào sáng kến, cải tiến kỷ thuật, hợp lý hoá sản xuất, phát triển dịch vụ khoa học và công nghệ để nâng cao dân trí về khoa học và công nghệ; Dành ngân sách sự nghiệp khoa học cũng như kết quả của các cuộc thi sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Điều 29: Khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ:

1. Tổ chức cá nhân ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng theo quy định tại điều 42 và 43 nghị định 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ khi chuyển nhượng, chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển của mình vào sản xuất và đời sống, được tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu, trình diễn kết quả nghiên cứu và phát triển, tham gia triển lãm, hội chợ.

3. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ được tạo ra trong nước, được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ xác nhận về mặt công nghệ để được hưởng ưu đãi khi vay tín dụng tại ngân hàng.

4. Hàng năm, Sở khoa học và công nghệ hướng dẫn kịp thời cho các doanh nghiệp xây dựng chương trình nghiên cứu và đổi mới công nghệ và một số chính sách, cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ theo nghị định 119/1999/NĐ/CP của Chính phủ và thông báo, hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và đổi mới công nghệ.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 30:

Các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy chế có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành. Nếu vi phạm thì bị xử lý theo pháp luật;

Điều 31:

Hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế quản lý công nghệ tỉnh Quảng Trị báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.