ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2097/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH XỬ LÝ, GIẢI TỎA CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29/11/2006;
Căn cứ Pháp lệnh, Phòng, chống lụt, bão ngày 8/3/1993 và Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi một số điều của Pháp lệnh, phòng, chống lụt, bão ngày 24/8/2000;
Căn cứ Pháp lệnh xử phạt hành chính;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đê điều; số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh, Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24/8/2000; số 129/2007/NĐ-CP ngày 02/8/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính về đê điều; số 04/2010/NĐ-CP ngày 15/01/2010 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt bão;
Căn cứ Chỉ thị số 447/CT-UBND ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 640/SNN-ĐĐ ngày 29/4/2011;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Thường trực Ban chỉ huy PCLB Thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
XỬ LÝ, GIẢI TỎA CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐÊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Kèm theo Quyết định 2097/QĐ-UBND ngày 10/5/2011 của UBND thành phố Hà Nội)
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Đảm bảo an toàn công trình đê , đảm bảo hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống lụt bão.
- Nâng cao nhận thức của nhân dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão.
- Xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng; ngăn chặn các trường hợp vi phạm mới phát sinh.
2. Yêu cầu:
- Việc xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều phải tiến hành đồng bộ, các đơn vị được phân giao nhiệm vụ phải có sự phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng.
- Tiến hành xử lý, giải tỏa phải dứt điểm theo tuyến đê, hoặc theo địa bàn từng xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã.
- Thực hiện đúng trình tự theo quy định của pháp luật hiện hành.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH:
1. Các căn cứ pháp lý áp dụng:
- Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Luật Đê điều ngày 29/11/2006;
- Pháp lệnh, Phòng, chống lụt, bão ngày 8/3/1993 và Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi một số điều của Pháp lệnh, phòng, chống lụt, bão ngày 24/8/2000;
- Pháp lệnh xử phạt hành chính;
- Nghị định 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đê điều; Nghị định 129/2007/NĐ-CP ngày 02/8/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính về đê điều;
- Nghị định 08/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh, Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24/8/2000; Nghị định 04/2010/NĐ-CP ngày 15/01/2010 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt bão;
- Chỉ thị số 447/CT-UBND ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chỉnh phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều
2. Phạm vi giải tỏa:
Toàn bộ các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Thành phố (như làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, lều quán, đào xẻ đê, làm dốc lên đê, chứa chất vật tư chất tái lên đê… Trên mặt đê, mái đê cơ đê và trong phạm vi 5m tính từ chân đê, trong hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ…).
Tập trung xử lý vi phạm trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp Đặc biệt (như hữu Đà, tả-hữu Hồng, tả-hữu Đuống, tả-hữu Đáy, tả-hữu Cà Lồ, hữu Cầu, đê Vân Cốc, Ngọc Tảo, La Thạch, Tiên Tân…)
3. Thời gian thực hiện kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm:
Từ ngày 25/5/2011 đến 25/7/2011.
4. Lực lượng, phương tiện tham gia xử lý, giải tỏa:
- Lực lượng:
+ UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng Công an, Thanh tra xây dựng…và các cơ quan chức năng của quận, huyện bố trí đủ lực lượng tham gia cưỡng chế giải tỏa vi phạm.
+ UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng công an, an ninh, dân quân tự vệ, thanh tra Xây dựng tham gia xử lý, giải tỏa vi phạm.
- Phương tiện:
Các Ban chỉ đạo huy động đầy đủ cơ số về phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ kế hoạch giải tỏa như: máy xúc, máy san, ô tô vận tải….các phương tiện và dụng cụ cầm tay như búa, cuốc, xẻng, cưa…
5. Kinh phí tổ chức thực hiện:
- Kinh phí chi cho công tác tổ chức thực hiện giải tỏa vi phạm (bao gồm Ban chỉ đạo các cấp và lực lượng, phương tiện trực tiếp tham gia) được tính theo chế độc ủa lực lượng tuần tra canh gác và chế độ của cacsn bộ viên chức khi tham gia trực ban chống lụt bão.
- Về nguồn: trích từ ngân sách Thành phố và các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Cấp Thành phố:
1.1. Ủy ban nhân dân Thành phố:
Thành phố thành lập Ban chỉ đạo xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thành phố gồm: lãnh đạo Thành phố làm Trưởng ban, các thành viên trong Ban chỉ đạo bao gồm: Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực, các ngành: Công an Thành phố; Thanh tra nhà nước Thành phố; Viện kiểm sát nhân dân Thành phố; Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vân tải, Sở Tài nguyên và Môi trường. Thời gian xong trước ngày 20/5/2011.
1.2. Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông Vân tải, Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố, Viện kiểm sát nhân dân Thành phó theo chức năng nhiệm vụ thực hiện đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành phối hợp, hỗ trợ các quận, huyện, thị xã thực hiện kế hoạch.
1.3. Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo, Đài phát thanh và Truyền hình đưa tin phản ánh kịp thời việc triển khai thực hiện kế hoạch.
2. UBND các quận, huyện, thị xã (cấp huyện) và xã, phường, thị trấn (cấp xã):
2.1. Thành lập Ban chỉ đạo xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều ở quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn do một đồng chí lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn làm trưởng ban, phòng, ban phụ trách nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực, thành viên là lãnh đạo các ngành: Công an, Quân sự, Thanh tra nhà nước, Thanh tra xây dựng, Tư pháp, Viện kiểm sát, Tài nguyên và Môi trường (các ban chỉ đạo ở xã, phường, thị trấn có thêm trưởng thôn, trưởng khu, bí thư chi bộ thôn và khu). Thời gian xong trước ngày 25/5/2011.
2.2. Lập kế hoạch xử lý, giải tỏa cụ thể, chi tiết; trực tiếp chỉ đạo thực hiện giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn đảm bảo theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Thời gian xong trước 05/6/2011.
2.3. Các Ban chỉ đạo phối hợp với các Hạt quản lý đê rà soát và lên danh sách các hộ vi phạm; phân loại các trường hợp vi phạm và hoàn thiện hồ sơ về vi phạm theo quy định. Thời gian xong trước 10/6/2011.
- Thông báo kế hoạch xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều của địa phương tới từng hộ vi phạm và cộng đồng, yêu cầu các hộ có hành vi vi phạm tự giác tháo gỡ, giải tỏa vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh của quận, huyện, đài truyền thanh các xã, phường, các cơ quan văn hóa thông tin tổ chức công tác tuyên truyền Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão. Thời gian từ 11/6/2011 đến 20/6/2011.
- Tổ chức kiểm tra công tác tự tháo dỡ, giải tỏa các hộ vi phạm, tiếp tục vận động các hộ chấp hành quy định của pháp luật, tự tháo dỡ, giải tỏa. Thời gian từ 21/6/2011 dến 25/6/2011.
- Tiếp hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hộ vị phạm cố tình không chấp hành. Thời gian từ 26/6/2011 đến 30/6/2011.
- Đồng loạt tổ chức ra quân cưỡng chế xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm cố tình không tự giác giải tỏa, giải tỏa:
Đợt 1: Từ ngày 01/7/2011 đến hết ngày 10/7/2011.
Xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm trên thân đê (mặt đê, mái đê, cơ đê) và trong phạm vi 5m tính từ chân đê
Đợt 2: Từ ngày 11/7/2011 đến hết ngày 25/7/2011.
Xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ và các trường hợp vi phạm khác.
3. Chế độ báo cáo thông tin tổng hợp:
3.1. Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn có trách nhiệm báo cáo kết quả xử lý, giải tỏa hàng ngày, hàng tuần về Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã (Phòng Nông nghiệp và PTNT là đầu mối tổng hợp).
3.2. Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã báo cáo kết quả hàng ngày, hàng tuần và cả đợt xử lý, giải tỏa về Ban chỉ đạo Thành phố qua Văn phòng Ban chỉ huy PCLB Thành phố (Địa chỉ: số 197 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ; Điện thoại: 04. 37199248; Fax: 04. 37199247).
Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
3.3. Kết thúc đợt xử lý, giải tỏa: Ban chỉ đạo xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn phải tiến hành tổng hợp kết quả, sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch phòng chống vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão trong thời gian tiếp theo.
UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và PTNT – cơ quan thường trực có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các Quận, Huyện, Thị xã, tổng hợp kết quả, báo cáo UBND Thành phố./.
- 1 Quyết định 52/2015/QĐ-UBND Quy chế Phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều tỉnh Hà Tĩnh
- 2 Công văn 2966/UBND-NNNT năm 2015 về tăng cường ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 14/2014/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội
- 4 Nghị quyết 21/2013/NQ-HĐND thông qua quy hoạch đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 5 Nghị định 04/2010/NĐ-CP năm 2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão
- 6 Nghị định 129/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về đê điều
- 7 Nghị định 113/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đê điều
- 8 Luật Đê điều 2006
- 9 Nghị định 08/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão sửa đổi
- 10 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 11 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- 12 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 2000
- 13 Pháp lệnh Phòng chống lụt bão năm 1993
- 1 Quyết định 52/2015/QĐ-UBND Quy chế Phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều tỉnh Hà Tĩnh
- 2 Công văn 2966/UBND-NNNT năm 2015 về tăng cường ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 14/2014/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội
- 4 Nghị quyết 21/2013/NQ-HĐND thông qua quy hoạch đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050