Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2013/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 09 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỨC THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI XE MÔ TÔ ÁP DỤNG TẠI GIA LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh phí, Lệ phí ngày 28-8-2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3-6-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6-3-2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3-6-2002 của Chính phủ; Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13-3-2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27-12-2012 của Liên bộ: Tài chính-Giao thông Vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ;

Căn cứ Nghị quyết số 73/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu phí, tỷ lệ để lại cho đơn vị thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Xét Tờ trình số 361/TTr-BPTT ngày 30-1-2013 của bộ phận thường trực triển khai pháp lệnh phí và lệ phí về việc đề nghị quy định về phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Công văn số 113/STC-QLNS ngày 28-1-2013 của Sở Tài chính về việc đề xuất phương án tổ chức thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô áp dụng trên địa bàn tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Quy định mức thu phí, tỷ lệ (%) để lại cho đơn vị thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh Gia Lai; cụ thể như sau:

1. Mức thu phí (không bao gồm xe máy điện)

STT

Loại phương tiện chịu phí

Mức thu (đồng/năm)

1

2

3

Loại có dung tích xi lanh đến 100 cm3

Loại có dung tích xi lanh trên 100 cm3

Xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xi lanh

50.000

100.000

2.160.000

2. Đối tượng chịu phí: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm: xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (sau đây gọi chung là mô tô) thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

3. Các trường hợp miễn phí: miễn phí sử dụng đường bộ đối với những trường hợp sau đây:

a) Xe mô tô của lực lượng Công an, quốc phòng.

b) Xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo.

4. Người nộp phí: Tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện tại điểm 2 của điều này (sau đây gọi chung là chủ phương tiện) là người nộp phí sử dụng đường bộ.

5. Thời gian thu phí: Từ ngày 1-1-2013.

Điều 2. Phương thức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô:

1. Cơ quan thu phí:

a) Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) là cơ quan thu phí đối với xe mô tô của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (chủ phương tiện) trên địa bàn.

b) Ủy ban Nhân dân cấp xã chỉ đạo thôn, làng, tổ dân phố hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô của chủ phương tiện trên địa bàn theo mẫu 02/TKNP tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính và tổ chức thu phí.

2. Phương thức thu, nộp phí:

Chủ phương tiện thực hiện khai như sau:

a) Đối với xe mô tô phát sinh trưốc ngày 1-1-2013 thực hiện kê khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí là 12 tháng.

b) Đối với xe mô tô phát sinh từ ngày 1-1-2013 trở đi thì việc khai, nộp phí thực hiện như sau:

- Thời điểm phát sinh từ ngày 1-1 đến 30-6 hàng năm, chủ phương tiện thực hiện phải khai, nộp phí đối với xe mô tô, mức thu bằng ½ mức thu năm. Thời điểm khai nộp chậm nhất là ngày 31-7.

- Thời điểm phát sinh từ ngày 1-7 đến 31-12 hàng năm, thì chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất ngày 31-1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.

3. Chứng từ thu phí:

a) Cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho người nộp phí theo quy định.

b) Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại biên lai thu phí sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17-9-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước. Giao Cục Thuế tỉnh hướng dẫn việc triển khai thực hiện.

4. Quản lý và sử dụng phí:

a) Đối với các phường, thị trấn được để lại 10% số phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thu được đối với xe mô tô trên địa bàn để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định.

b) Đối với các xã được để lại 20% số phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thu được đối với xe mô tô trên địa bàn để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định.

c) Số tiền còn lại cơ quan thu phí phải nộp (hàng tuần) vào tài khoản của Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương mở tại Kho bạc Nhà nước (trường hợp địa chỉ chưa lập quỹ bảo trì đường bộ địa phương thì nộp vào ngân sách địa phương) và sử dụng theo quy định tại Thông tư liên tích số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 21-12-2012 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, thanh quyết toán Quỹ Bảo trì đường bộ.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Tránh nhiệm của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh:

a) Đề xuất điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu của Quỹ Bào trì đường bộ địa phương (gọi tắt là Quỹ) và việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ.

b) Phê duyệt kế hoạch tài chính (thu, chi) hàng năm của Quỹ; phê duyệt quyết toán thu chi năm của Quỹ.

c) Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính thực hiện kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng quỹ.

2. Trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải:

a) Quản lý nhà nước về đường bộ theo phân cấp của Luật Giao thông Đường bộ.

b) Cung cấp đầy đủ các nội dung và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phổ biến tuyên truyền đến người dân các nội dung liên quan về phí sử dụng đường bộ để người dân hiểu và đồng thuận trong quá trình thực hiện.

c) Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và quyết toán quỹ bảo trì đường bộ địa phương nói chung và tổ chức thu, quản lý, sử dụng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng theo quy định.

Chịu trách nhiệm tổng hợp các vướng mắc phát sinh, kịp thời phản ánh về Ủy ban Nhân dân tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

3. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh kiểm tra việc quản lý thu phí, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ địa phương đúng quy định hiện hành.

b) Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô và Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương.

4. Trách nhiệm của Cục Thuế tỉnh:

a) Hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý sử dụng biên lai thu phí sử dụng đường bộ theo quy định tại Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17-9-2012 của Bộ Tài chính để cung cấp cho các xã, phường, thị trấn làm chứng từ thu phí.

b) Hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị thu phí thực hiện kê khai, quyết toán phí, quyết toán biên lai thu phí theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, phí, lệ phí. Kiểm tra việc quyết toán phí và quyết toán biên lai thu phí theo quy định hiện hành.

5. Trách nhiệm của Kho Bạc nhà nước:

Thực hiện việc kiểm soát các khoản chi từ Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27-12-2012 của Liên bộ: Tài chính-Giao thông Vận tải về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ.

6. Trách nhiệm của Công an tỉnh:

Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Ủy ban Nhân dân cùng cấp triển khai thực hiện tổ chức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn theo quy định.

7. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời việc thực hiện quyết định này để nhân dân hiểu, đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Xử lý nghiêm, kịp thời theo thẩm quyền các hành vi đưa tin sai sự thật, cố tình đưa tin thất thiệt.

8. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo triển khai việc thu, quản lý, sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn.

b) Hướng dẫn UBND cấp xã báo cáo số thu-nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô; quyết toán chi phần trích để lại đã chi cho việc tổ chức thực hiện thu phí để báo cáo Hội đồng Nhân dân cấp xã, phòng Tài chính-Kế hoạch cấp huyện và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế công khai tài chính và các Thông tư hướngdẫn của Bộ Tài chính về công khai tài chính.

c) Kịp thời tổng hợp tình hình thực hiện, phát hiện các vướng mắc phát sinh để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét; định kỳ hàng quý báo cáo về Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính (trước ngày 10 của tháng đầu quý sau) để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.

9. Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí có trách nhiệm tổ chức thu, nộp, kê khai, quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật về quản lý thuế, phí, lệ phí.

10. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên, các cấp Hội tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức đúng, hiểu rõ, tạo đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện.

Điều 4.

1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu nộp, quản lý, sử dụng chứng từ thu, công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ không quy định tại các quyết định này thì được thực hiện theo Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24-7-2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25-5-2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ; Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28-2-2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28-10-2010 của Chính phủ, Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17-9-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh, các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Giao thông Vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH





Phạm Thế Dũng