Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2104/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 14 tháng 09 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành Ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo phương án đơn giản hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2018;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng trị (có phương án đơn giản hóa kèm theo).

Điều 2. Giao Giám đốc các Sở có liên quan dự thảo Quyết định trình Chủ tịch UBND tỉnh cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo phương án đơn giản hóa kèm theo Quyết định này; dự thảo văn bản thực thi phương án đơn giản hóa đối với các thủ tục hành chính cắt giảm về thành phần, số lượng hồ sơ, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Điều 3. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, đôn đốc các Sở, ngành thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Công thương và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp PTNT, Nội Vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Công thương;
- Cục KSTTHC, VP Chính phủ;
- Lưu VT, NC, KSTTHC(2b).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chính

 

PHƯƠNG ÁN

ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2104/QĐ-UBND, ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)

I. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

1. Thủ tục Phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản (đề án đóng cửa một phần diện tích khai thác khoáng sản) thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh.

1.1. Nội dung đơn giản hoá:

- Về thời hạn giải quyết: Đề nghị cắt giảm thời gian giải quyết như sau: 54 ngày xuống còn 43 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Lý do: Do tính chất thủ tục hành chính này không quá phức tạp, nên có thể rút ngắn thời hạn giải quyết như trên, tạo điều kiện cho tổ chức và cá nhân thuận lợi về thời gian.

1.2. Kiến nghị thực thi:

- Đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 7 Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 như sau:

+ “Trong thời gian không quá 10 ngày, kể từ ngày có Phiếu tiếp nhận hồ sơ” thành “Trong thời gian không quá 7 ngày, kể từ ngày có Phiếu tiếp nhận hồ sơ”

+ "Trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ” thành “Trong thời gian không quá 12 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ.”

- Đề nghị sửa đổi khoản 4 Điều 7 Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 như sau:

“Trong thời gian 7 ngày, kể từ ngày nhận được Tờ trình của cơ quan tiếp nhận hồ sơ” thành “Trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày nhận được Tờ trình của cơ quan tiếp nhận hồ sơ”

- Đề nghị sửa đổi điểm a khoản 6 Điều 7 Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 như sau:

"... trong thời gian 8 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp Hội đồng” thành ” ...trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp Hội đồng”

1.3. Lợi ích của phương án đơn giản hoá:

- Giảm được thời gian tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hoá, tiết kiệm được chi phí và thời gian cho các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.

- Tỷ lệ cắt giảm thời gian giải quyết: 20,4%.

2. Thủ tục Đề nghị đóng cửa mỏ khoáng sản (đóng cửa một phần diện tích khai thác khoáng sản) thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh.

2.1. Nội dung đơn giản hóa:

a) Thành phần hồ sơ: Đề nghị bãi bỏ Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lý do: Trong quá trình giải quyết Hồ sơ phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đã có lưu 01 bộ hồ sơ Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Về thời hạn giải quyết: Đề nghị cắt giảm thời gian giải quyết như sau: 30 ngày xuống còn 24 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Lý do: Do tính chất thủ tục hành chính này không quá phức tạp, nên có thể rút ngắn thời hạn giải quyết như trên, tạo điều kiện cho tổ chức và cá nhân thuận lợi về thời gian

2.2. Kiến nghị thực thi:

- Tại điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 đề nghị bỏ thành phần hồ sơ: Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 8 Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 như sau:

"Trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản ” thành "Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản “

- Đề nghị sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 9 Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 như sau:

“Trong thời gian không quá 03 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản ” thành “Trong thời gian không quá 02 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản "

2.3. Lợi ích của phương án đơn giản hoá:

Giảm được thời gian tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hoá, tiết kiệm được chi phí và thời gian cho các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, cụ thể:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 749.400 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 223.800 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 525.600 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 70,1%,

- Tỷ lệ cắt giảm thời gian giải quyết: 20%.

3. Thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh)

3.1. Nội dung đơn giản hóa:

- Về thời hạn giải quyết: Đề nghị cắt giảm thời gian thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từ 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ xuống còn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.

- Lý do: Do tính chất công việc phù hợp với thời gian thực hiện, cần rút ngắn thời gian thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính.

3.2. Kiến nghị thực thi:

Đề nghị sửa đổi Điểm b, Khoản 2, Điều 14, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

3.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

Giảm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa; tiết kiệm được chi phí và thời gian cho các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 121.680.000 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 81.120.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 40.560.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 33 %.

4. Thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường bổ sung (thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh)

4.1. Nội dung đơn giản hóa:

- Về thời hạn giải quyết: Đề nghị cắt giảm thời gian thẩm định phương án, phương án bổ sung từ 35 (ba mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ xuống còn 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.

- Lý do: Do tính chất công việc phù hợp với thời gian thực hiện, cần rút ngắn thời gian thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính.

4.2. Kiến nghị thực thi:

- Đề nghị sửa đổi Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản

4.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

Giảm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa; tiết kiệm được chi phí và thời gian cho các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 35.490.000 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 25.350.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 10.140.000 đồng/năm

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 29 %.

II. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Thủ tục Đăng ký xe máy chuyên dùng lần đầu

1.1 Nội dung đơn giản hóa: Đơn giản hóa về thời hạn giải quyết Đăng ký xe máy chuyên dùng lần đầu:

Đề nghị cắt giảm thời hạn giải quyết như sau: “Không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ” thành “Không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ”.

Lý do: Do tính chất thủ tục hành chính này không quá phức tạp, hiện nay hầu hết các loại xe máy chuyên dùng được nhập khẩu về Việt Nam đều có hồ sơ đầy đủ ; cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi mua xe máy chuyên dùng cũng tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, hồ sơ của các phương tiện trước khi mua, do đó thành phần hồ sơ khi thực hiện việc đăng ký đầy đủ đúng quy định.

1.2 Kiến nghị thực thi:

Đề nghị sửa đổi Điểm 4, Điều 9 Thông tư số 20/2010/TT-BGTVT thành như sau: Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng, biển số cho chủ sở hữu và vào sổ quản lý theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký, biển số phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

1.3 Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

- Giảm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa; tiết kiệm được chi phí và thời gian cho các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 532.000/01 thủ tục x 150 thủ tục/ năm = 79.800.000.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 297.000/01 thủ tục x 150 thủ tục/ năm = 44.550.000

- Chi phí tiết kiệm: 35.250.000

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 44 %.

(Chi phí thực hiện một TTHC trước đơn giản hóa là 532.000 trong đó: Chi phí đi lại thực hiện TTHC: 20.000, kê khai biểu mẫu, hồ sơ: 1.500, phô tô, công chứng giấy tờ: 8.000, lệ phí: 150.000, thời gian thực hiện 15 ngày x 23.500 / ngày = 352.500). Chi phí thực hiện một TTHC sau khi đơn giản hóa là: 297.000.

2. Thủ tục Sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng trong cùng một tỉnh.

2.1 Nội dung đơn giản hóa: Đơn giản hóa về thời hạn giải quyết thủ tục Sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng trong cùng một tỉnh:

Đề nghị cắt giảm thời hạn giải quyết như sau: “Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ” thành “Không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ".

Lý do: Do tính chất thủ tục hành chính này không quá phức tạp, thành phần hồ sơ ít và tất cả các phương tiện thực hiện thủ tục Sang tên đều đã được Sở GTVT cấp đăng ký.

2.2 Kiến nghị thực thi:

Đề nghị sửa đổi Điểm 3c, Điều 18 Thông tư số 20/2010/TT-BGTVT thành như sau: Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng theo tên của chủ sở hữu mới, giữ nguyên biển số cũ đã cấp; trường hợp không chấp thuận đăng ký sang tên, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2.3 Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

- Giảm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa; tiết kiệm được chi phí và thời gian cho các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 294.0000/ 1 thủ tục x 20 thủ tục/ năm = 5.880.000.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 177.000/ 01 thủ tục x 20 thủ tục / năm = 3.540.000

- Chi phí tiết kiệm: 2.340.000

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 39 %.

(Chi phí thực hiện một TTHC trước đơn giản hóa là 294.000 trong đó: Chi phí đi lại thực hiện TTHC: 20.000, kê khai biểu mẫu, hồ sơ: 1.500, phô tô, công chứng giấy tờ: 8.000, lệ phí: 30.000, thời gian thực hiện 10 ngày x 23.500 / ngày = 235.000). Chi phí thực hiện một TTHC sau khi đơn giản hóa là: 177.000.

3. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

3.1 Nội dung đơn giản hóa: Đơn giản hóa về thời hạn giải quyết thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đề nghị cắt giảm thời hạn giải quyết như sau: “Không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ” thành “ Không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Lý do: Do tính chất thủ tục hành chính này không quá phức tạp, thành phần hồ sơ gồm các biểu mẫu được ban hành theo Thông tư cụ thể.

3.2 Kiến nghị thực thi:

Đề nghị sửa đổi Điểm 1b, Điều 22 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP thành như sau: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép kinh doanh đồng thời phê duyệt phương án kinh doanh kèm theo; trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3.3 Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

- Giảm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa; tiết kiệm được chi phí và thời gian cho các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 352.000/ 01 thủ tục x 200 thủ tục/ năm = 70.400.000.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 305.000/ 01 thủ tục x 200 thủ tục / năm = 61.000.000

- Chi phí tiết kiệm: 9.400.000

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 13,3 %.

(Chi phí thực hiện một TTHC trước đơn giản hóa là 352.000 trong đó: Chi phí đi lại thực hiện TTHC: 20.000, kê khai biểu mẫu, hồ sơ: 2.500, phô tô, công chứng giấy tờ: 12.000, lệ phí: 200.000, thời gian thực hiện 05 ngày x 23.500 / ngày = 117,5.000). Chi phí thực hiện một TTHC sau khi đơn giản hóa là: 305.000.

4. Thủ tục Cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác

4.1 Nội dung đơn giản hóa: Đơn giản hóa về thời hạn giải quyết thủ tục cấp Cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác.

Đề nghị cắt giảm thời hạn giải quyết như sau: “07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định” thành “ 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định”.

Lý do: Do tính chất thủ tục hành chính này không quá phức tạp, thành phần hồ sơ gồm các biểu mẫu được ban hành theo Thông tư hoặc đã được thực hiện tại các thủ tục khác.

4.2 Kiến nghị:

Đề nghị sửa đổi Điểm 4, Điều 14 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT như sau: Thời hạn giải quyết: Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

4.3 Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

- Giảm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa; tiết kiệm được chi phí và thời gian cho các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 194.500/ 01 thủ tục x 20 thủ tục/ năm = 3.890.000.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 147.500/ 01 thủ tục x 20 thủ tục / năm = 2.950.000

- Chi phí tiết kiệm: 940.000

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 24,1 %.

(Chi phí thực hiện một TTHC trước đơn giản hóa là 194.500 trong đó: Chi phí đi lại thực hiện TTHC: 20.000, kê khai biểu mẫu, hồ sơ: 10.000, phô tô, công chứng giấy tờ: 4.000, thời gian thực hiện 07 ngày x 23.500 / ngày = 164.500). Chi phí thực hiện một TTHC sau khi đơn giản hóa là: 147.500.

III THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trung tâm giáo dục thường xuyên

1.1. Nội dung đơn giản hóa

Giảm thời hạn giải quyết từ 40 ngày làm việc kể từ khi dự thảo báo cáo đánh giá ngoài được gửi đến trung tâm giáo dục thường xuyên để lấy ý kiến phản hồi xuống còn 30 ngày.

Lý do:

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo đánh giá ngoài, trung tâm giáo dục thường xuyên phải có ý kiến phản hồi gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của trung tâm giáo dục thường xuyên được đánh giá ngoài, đoàn đánh giá ngoài có văn bản thông báo cho trung tâm giáo dục thường xuyên biết những ý kiến tiếp thu hoặc bảo lưu. Trường hợp bảo lưu ý kiến, đoàn đánh giá ngoài phải nêu rõ lý do.

- Trong thời gian 10 ngày còn lại, Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành các thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trung tâm giáo dục thường xuyên.

1.2. Kiến nghị thực thi

Đề nghị sửa đổi nội dung mục 53.4, phần B, trang 540 của Quyết định số 5756/QĐ-BGDĐT ngày 25/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đề nghị tại mục 1.1 của Công văn này.

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 181.626.420,0 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 176.560.133,0 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 5.066.288,0 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 2,78%,

2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường tiểu học

2.1. Nội dung đơn giản hóa

Giảm thời hạn giải quyết từ 40 ngày làm việc kể từ khi dự thảo báo cáo đánh giá ngoài được gửi đến trường tiểu học để lấy ý kiến phản hồi xuống còn 30 ngày.

Lý do:

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo đánh giá ngoài, trường tiểu học phải có ý kiến phản hồi gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của trường tiểu học được đánh giá ngoài, đoàn đánh giá ngoài có văn bản thông báo cho trường tiểu học biết những ý kiến tiếp thu hoặc bảo lưu. Trường hợp bảo lưu ý kiến, đoàn đánh giá ngoài phải nêu rõ lý do.

- Trong thời gian 10 ngày còn lại, Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành các thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường tiểu học.

2.2. Kiến nghị thực thi

Đề nghị sửa đổi nội dung mục 51.4, phần B, trang 517 của Quyết định số 5756/QĐ-BGDĐT ngày 25/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đề nghị tại mục 2.1 của Công văn này.

2.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 2.721.356.534,0 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 2.648.401.989,0 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 72.954.545,0 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 2,68%.

3. Thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường mầm non

3.1. Nội dung đơn giản hóa

Giảm thời hạn giải quyết từ 40 ngày làm việc kể từ khi dự thảo báo cáo đánh giá ngoài được gửi đến trường mầm non để lấy ý kiến phản hồi xuống còn 30 ngày.

Lý do:

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo đánh giá ngoài, trường mầm non phải có ý kiến phản hồi gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của trường mầm non được đánh giá ngoài, đoàn đánh giá ngoài có văn bản thông báo cho trường mầm non biết những ý kiến tiếp thu hoặc bảo lưu. Trường hợp bảo lưu ý kiến, đoàn đánh giá ngoài phải nêu rõ lý do.

- Trong thời gian 10 ngày còn lại, Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành các thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường mầm non.

3.2. Kiến nghị thực thi

Đề nghị sửa đổi nội dung mục 50.4, phần B, trang 511 của Quyết định số 5756/QĐ-BGDĐT ngày 25/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đề nghị tại mục 3.1 của Công văn này.

3.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 3.621.382.576,0 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 3.531.202.652,0 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 90.179.924,0 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 2,49%.

4. Thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường trung học

4.1. Nội dung đơn giản hóa

Giảm thời hạn giải quyết từ 40 ngày làm việc kể từ khi dự thảo báo cáo đánh giá ngoài được gửi đến trường trung học mầm non để lấy ý kiến phản hồi xuống còn 30 ngày.

Lý do:

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo đánh giá ngoài, trường trung học phải có ý kiến phản hồi gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của trường trung học được đánh giá ngoài, đoàn đánh giá ngoài có văn bản thông báo cho trường trung học biết những ý kiến tiếp thu hoặc bảo lưu. Trường hợp bảo lưu ý kiến, đoàn đánh giá ngoài phải nêu rõ lý do.

- Trong thời gian 10 ngày còn lại, Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành các thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đối với trường trung học.

4.2. Kiến nghị thực thi

Đề nghị sửa đổi nội dung mục 52.4, phần B, trang 527 của Quyết định số 5756/QĐ-BGDĐT ngày 25/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đề nghị tại mục 4.1 của Công văn này.

4.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa (quy mô toàn tỉnh)

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 907.625.473,0 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 882.800.663,0 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 24.824.811,0 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 2,73%.

IV. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1. Thủ tục: “Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng giữa 3 loại rừng đối với những khu rừng do UBND cấp tỉnh xác lập” :

1.1. Nội dung đơn giản hóa: Giảm thời gian thực hiện từ 10 ngày làm việc xuống còn 07 ngày làm việc (giảm 03 ngày)

Lý do: Do tính chất thủ tục này không quá phức tạp nên có thể rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính này.

1.2. Kiến nghị thực thi: Đề nghị sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 7 của Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ngày 01/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng sản xuất như sau: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phải trả kết quả xử lý hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 6.185.400 đồng

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 4.363.080 đồng

- Chi phí tiết kiệm: 1.822.320 đồng/TT

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 29,4%

2. Thủ tục “Chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh”

2.1. Nội dung đơn giản hóa: Giảm thời gian thực hiện từ 15 ngày làm xuống còn 10 ngày làm việc (giảm 5 ngày).

- Lý do: Do tính chất thủ tục này không quá phức tạp nên có thể rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính này.

2.2. Kiến nghị thực thi: Đề nghị sửa đổi điểm b, khoản 2, điều 3 của Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác như sau: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định. Trường hợp cần xác minh thực địa, thời gian thẩm định phương án được kéo dài thêm không quá 5 ngày làm việc.

2.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 6.044.160 đồng

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 4.120.600 đồng

- Chi phí tiết kiệm: 1.923.560 đồng/TT

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 31,8%

3. Thủ tục: Gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y

3.1. Nội dung đơn giản hóa: Rút ngắn thời gian giải quyết TTHC từ 05 ngày xuống còn 04 ngày (giảm 01 ngày).

- Lý do: Do tính chất thủ tục này không quá phức tạp nên có thể rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính này.

3.2. Kiến nghị thực thi: Đề nghị sửa đổi Điểm b, Khoản 3, Điều 97 của Luật Thú y: Trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh kiểm tra điều kiện của cơ sở buôn bán thuốc thú y, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do:

3.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 2.765.325 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 2.259.125 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm cho hộ kinh doanh: 506.200 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí cho hộ kinh doanh: 18,3%.

4. Thủ tục: “Cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá” (thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh)

4.1. Nội dung đơn giản hóa: Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính từ 07 ngày làm việc rút ngắn xuống còn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Lý do: Trong thời gian 5 ngày làm việc cơ quan chuyên môn có thể hoàn thành việc giải quyết thủ tục hành chính nói trên cho tổ chức, cá nhân, và rút ngắn thời gian để thực hiện các thủ tục đóng mới, cải hoán tàu cá cho người dân.

4.2. Kiến nghị thực thi: Đề nghị sửa đổi Mục II, Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13/7/2007 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ như sau: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai hợp lệ cơ quan tiếp nhận Tờ khai căn cứ chủ trương phát triển tàu cá, quy hoạch phát triển nghề cá phải trả lời bằng văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận.

4.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa: Rút ngắn thời gian hoàn thành con tàu để sớm ra khơi khai thác thủy sản; lợi ích về kinh tế (nếu thu nhập bình quân trung bình ngày /tàu là 37.500 đồng thì sau khi rút ngắn thời gian từ 7 ngày xuống còn 5 ngày thì trong một năm tiết kiệm được 33 triệu đồng.

5. Thủ tục: cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất nông lâm sản đủ điều kiện ATTP (thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh) (thủ tục này thay thế thủ tục Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thức ăn chăn nuôi đã hết hiệu lực).

5.1. Nội dung đơn giản hóa: Tại ý 5, điểm 1, khoản (c) Thành phần, số lượng hồ sơ: quy định “ Danh sách chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm đã được cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp xác nhận đủ sức khoẻ ”.

- Đề nghị chia ra 02 trường hợp:

+ Trường hợp 1: Nêu cơ sở sản xuất trồng trọt sản xuất, chế biến ra các sản phẩm ăn liền, ăn sống không qua chế biến thì Đề nghị yêu cầu thành phần hồ sơ “giấy khám sức khỏe” vẫn giữ nguyên (Thành phần hồ sơ không thay đổi so với TTHC đã công khai).

+ Trường hợp 2: Nếu cơ sở sản xuất trồng trọt sản xuất, chế biến ra các sản phẩm phải qua chế biến thì Đề nghị bỏ yêu cầu thành phần hồ sơ “Giấy khám sức khỏe”, thay vào đó là bản cam kết đảm bảo sức khỏe của chủ cơ sở và người sản xuất.

- Lý do: Trong trường hợp: Nếu cơ sở sản xuất trồng trọt sản xuất ra các sản phẩm phải qua chế biến thì yêu cầu giấy khám sức khỏe là không cần thiết. Vì sản phẩm sau khi đã qua chế biến ở nhiệt độ cao thì nguồn bệnh sẽ bị tiêu diệt và không thể lây nhiễm từ người sản xuất sang người tiêu dùng.

5.2. Kiến nghị thực thi: điểm đ, khoản 3, Điều 18, mục 2, Chương 2, Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

5.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

- Đối với trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải qua chế biến:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 12.184.161,5 đồng

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 10.028.772,6 đồng

- Chi phí tiết kiệm 2.155.388,9 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 17,7%.

V. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA SỞ NỘI VỤ

1. Thủ tục thành lập thôn mới, tổ dân phố mới

1.1 Nội dung đơn giản hóa: Giảm thời gian xử lý

Giảm thời gian xử lý tại UBND cấp huyện 03 ngày, từ 15 ngày xuống còn 12 ngày làm việc;

Giảm thời gian xử lý tại Sở Nội vụ 05 ngày, từ 15 ngày xuống còn 10 ngày làm việc.

Lý do đơn giản hóa: Thực hiện theo Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 của UBND tỉnh Quảng Trị

1.2 Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Khoản 4, Điều 8, Chương II, Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

1.3 Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ trước khi đơn giản hóa: 11.280.000đ/năm

- Chi phí tuân thủ sau khi đơn giản hóa: 8.272.000đ/năm

- Chi phí tiết kiệm được: 3.008.000đ/năm

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 26,6%

2. Thủ tục thi tuyển viên chức

2.1 Nội dung đơn giản hóa: Giảm thành phần hồ sơ; bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua mạng hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích và quy định rõ thời gian xử lý tại Sở Nội vụ.

- Giảm thành phần hồ sơ:

+ Bỏ quy định nộp bản sao các văn bằng chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt; Quy định này chỉ áp dụng đối với những người trúng tuyển.

+ Bỏ quy định nộp Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khỏe chứng nhận.

- Thay đổi từ việc không quy định cụ thể thời gian thực hiện bằng quy định “Trong thời hạn chậm nhất 20 ngày làm việc, kể từ ngày công bố kết quả tuyển dụng, đơn vị sự nghiệp công lập phải tiến hành ký hợp đồng làm việc người trúng tuyển

Lý do đơn giản hóa:

- Bỏ quy định nộp bản sao văn bằng, chứng chỉ sẽ giảm được chi phí thực hiện TTHC cho cá nhân; đồng thời chuyển việc rà soát, thẩm định hồ sơ dự thi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm áp lực công việc cho cơ quan tuyển dụng.

- Bỏ quy định nộp Giấy chứng nhận sức khỏe giúp giảm chi phí thực hiện TTHC và người dự thi đã có cam đoan ở phiếu đăng ký dự thi.

2.2 Kiến nghị thực thi: Sửa đổi tại Điều 2, Điều 6 và Điều 9 Chương I, Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

2.3 Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ trước khi đơn giản hóa: 108.300.000 đồng

- Chi phí tuân thủ sau khi đơn giản hóa: 63.240.000 đồng

- Chi phí tiết kiệm được: 45.060.000đ/năm

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 42%

3. Thủ tục xét tuyển viên chức

3.1 Nội dung đơn giản hoá: Giảm thành phần hồ sơ; bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua mạng hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích và quy định rõ thời gian xử lý tại Sở Nội vụ.

- Giảm thành phần hồ sơ:

+ Bỏ quy định nộp bản sao các văn bằng chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt; Quy định này chỉ áp dụng đối với những người trúng tuyển.

+ Bỏ quy định nộp Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khỏe chứng nhận.

- Thay đổi từ việc không quy định cụ thể thời gian thực hiện bằng quy định “Trong thời hạn chậm nhất 20 ngày làm việc, kể từ ngày công bố kết quả tuyển dụng, đơn vị sự nghiệp công lập phải tiến hành ký hợp đồng làm việc người trúng tuyển“.

Lý do đơn giản hóa:

- Bỏ quy định nộp bản sao văn bằng, chứng chỉ sẽ giảm được chi phí thực hiện TTHC cho cá nhân; đồng thời chuyển việc rà soát, thẩm định hồ sơ dự thi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm áp lực công việc cho cơ quan tuyển dụng.

- Bỏ quy định nộp Giấy chứng nhận sức khỏe làm giảm chi phí thực hiện TTHC và người dự thi đã có cam đoan ở phiếu đăng ký dự thi.

3.2 Kiến nghị thực thi: Sửa đổi tại Điều 2, Điều 6 và Điều 9 Chương I, Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

3.3 Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ trước khi đơn giản hóa: 351.975 000 đồng

- Chi phí tuân thủ sau khi đơn giản hóa: 205.530.000 đồng

- Chi phí tiết kiệm được: 146.445.000đ/năm

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 42%

4. Thủ tục Xét tuyển đặc cách viên chức

4.1 Nội dung đơn giản hóa: Giảm thành phần hồ sơ; bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua mạng hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích và quy định rõ thời gian xử lý tại Sở Nội vụ.

- Giảm thành phần hồ sơ: Bỏ quy định nộp Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khỏe chứng nhận.

- Thay đổi từ việc không quy định cụ thể thời gian thực hiện bằng quy định ‘‘Không quá 05 ngày làm việc sau khi có kết quả thực hiện theo các bước của TTHC từ UBND tỉnh“.

Lý do đơn giản hóa: Bỏ quy định nộp Giấy chứng nhận sức khỏe làm giảm chi phí thực hiện TTHC và người dự thi đã có cam đoan ở phiếu đăng ký dự thi.

4.2- Kiến nghị thực thi: Sửa đổi tại Điều 2, Điều 6 và Điều 9 Chương I, Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

4.3 Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ trước khi đơn giản hóa: 45.125.000 đồng

- Chi phí tuân thủ sau khi đơn giản hóa: 205.530.000 đồng

- Chi phí tiết kiệm được: 26.350.000đ/năm

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 42%

VI. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA SỞ TƯ PHÁP

1. Nhóm thủ tục hành chính liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch.

1.1 Nội dung đơn giản hóa: Bãi bỏ Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

Lý do:

- Để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuận lợi thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian không cần thiết trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Cá nhân, tổ chức chỉ cần nộp hồ sơ và trình bày nội dung cần công chứng với người tiếp nhận hồ sơ.

Viên chức tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng, yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu đối với một số loại giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng (Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân), giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng.

1.2 Kiến nghị thực thi đơn giản hóa:

Đề nghị bãi bỏ Điểm a, Khoản 1, Điều 40; Mục 1, Chương V, Luật Công chứng số 53/2014/QH13 ngày 20/6/2014.

1.3 Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ trước khi đơn giản hóa: 1.500.298.705 đồng

- Chi phí tuân thủ sau khi đơn giản hóa: 1.256.656.694 đồng

- Chi phí tiết kiệm được: 243.642.010 đồng

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 16,24%

VII. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA SỞ CÔNG THƯƠNG

1. Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm do Sở Công Thương thực hiện (B-BCT-275173-TT)

1.1. Nội dung đơn giản hóa:

a) Thành phần hồ sơ: Đề nghị bãi bỏ các loại giấy tờ sau:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề sản xuất thực phẩm (Bản sao có xác nhận của cơ sở);

+ Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm (Bản sao).

Lý do: Nhằm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, khi nộp hồ sơ Bộ phận “một cửa” yêu cầu cung cấp bản gốc để đối chiếu. Hoặc Bộ phận “một cửa” tra cứu hồ sơ lưu Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm.

b) Thời hạn giải quyết: Đề nghị cắt giảm thời hạn giải quyết: "22 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ ” thành “75 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ ".

Lý do: Nhằm tạo điều kiện, cắt giảm thời gian chờ đợi cho tổ chức, công dân đến giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, tính chất thủ tục hành chính này không quá phức tạp, nên có thể rút ngắn thời hạn giải quyết, cụ thể như sau:

- Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Công Thương tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở.

- Trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”, Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở sản xuất thực phẩm.

c) Phí, lệ phí: Đề nghị quy định mức thu phí thẩm định theo quy định tại Thông tư 149/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, cụ thể:

- Cơ sở sản xuất thực phẩm doanh thu ≤ 100 triệu đồng/tháng: 1.000.000 đồng/cơ sở”.

- Cơ sở sản xuất thực phẩm doanh thu > 100 triệu đồng /tháng: 2.000.000 đồng/cơ sở”.

Lý do: Hiện nay, việc áp dụng mức thu theo quy định tại Thông tư số 279/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính 3.000.000 đồng/cơ sở” là quá cao và chưa hợp lý. Việc sửa đổi phí thẩm định thành nhiều mức phí khác nhau phù hợp với từng loại hình, đối tượng sản xuất thực phẩm theo tình hình thực tế như đối tượng là doanh nghiệp.

1.2. Kiến nghị thực thi:

- Đề nghị bãi bỏ Điểm b, Khoản 1, Điều 4, Chương II của Thông tư 58/2014/TT-BCT ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương;

- Đề nghị sửa đổi Điểm b, đ, Khoản 1, Điều 5, Chương II của Thông tư 58/2014/TT-BCT ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương thành như sau:

"Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở.

Trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt", cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở theo Mẫu 5a...”.

- Đề nghị sửa đổi, điều chỉnh Điểm đ, Khoản 1, Mục III tại Biểu phí của Thông tư số 279/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành như sau:

Phí thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm:

- Cơ sở sản xuất thực phẩm doanh thu ≤ 100 triệu đồng/tháng: 1.000.000 đồng/cơ sở”.

- Cơ sở sản xuất thực phẩm doanh thu >100 triệu đồng /tháng: 2.000.000 đồng/cơ sở”.

1.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

+ Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 48.229.550 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 37.642.080 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm 10.587.470 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 22,0%.

2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp (BCT-275266)

2.1. Nội dung đơn giản hóa:

a) Thành phần hồ sơ, đề nghị bãi bỏ các loại giấy tờ sau:

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP;

Lý do:

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thể hiện thông tin về Nhà đầu tư tham gia dự án. Bộ phận một cửa và bộ phận thẩm định hồ sơ (Sở Công Thương) phối hợp các ngành liên quan trong đối chiếu các thông tin, quy định có liên quan.

Thủ tục Huấn luyện an toàn hóa chất thuộc thẩm quyền cấp Sở Công Thương, là TTHC con của thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp. Do đó, cán bộ một cửa chỉ việc đối chiếu với hồ sơ lưu.

b) Thời hạn giải quyết: Đề nghị cắt giảm thời hạn giải quyết: “12 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ ” thành "10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ ”.

Lý do: Do tính chất thủ tục hành chính này không quá phức tạp, thực tế giải quyết hồ sơ cấp lại đơn giản hơn. Chỉ cần 10 ngày làm việc, gồm 01 ngày nhận hồ sơ, 07 ngày thẩm định và 02 ngày ban hành giấy chứng nhận hoặc văn bản trả lời là phù hợp.

2.2. Kiến nghị thực thi:

+ Đề nghị bãi bỏ Điểm b, Điểm i, Khoản 2, Điều 10, Chương II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất

+ Đề nghị sửa đổi Điểm c, Khoản 3, Điều 10, Chương II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất thành như sau: “Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ... đăng ký trụ sở chính”.

2.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

+ Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 23.478.960 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 19.622.045 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm 3.856.915 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 16,0%.

(Chi tiết biểu mẫu tính toán đính kèm)

3. Thủ tục Cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương (BCT-275388)

3.1. Nội dung đơn giản hóa:

a) Thành phần hồ sơ:

+ Đề nghị sửa đổi thành phần: “Văn bản đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp” thành “Đơn đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp”.

+ Đề nghị bãi bỏ “Bản sao Quyết định thành lập hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc bản sao Giấy phép thầu do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật”.

Lý do: Yêu cầu nộp “Văn bản đề nghị cấp Giấy phép” là chưa rõ ràng. Do đó, yêu cầu nêu rõ “Đơn đề nghị cấp Giấy phép”. Mặt khác, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Bộ phận một cửa và bộ phận thẩm định hồ sơ (Sở Công Thương) phối hợp các ngành liên quan trong đối chiếu các thông tin, quy định có liên quan.

b) Số lượng hồ sơ: Đề nghị sửa đổi số lượng hồ sơ từ: 02 (bộ) thành 01 (bộ).

Lý do: Yêu cầu tổ chức phải nộp 02 bộ hồ sơ là không cần thiết làm mất thời gian và tốn kém chi phí cho tổ chức, chỉ cần 01 bộ hồ sơ lưu tại cơ quan thẩm định, cấp phép.

c) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

+ Đề nghị sửa đổi tên mẫu đơn thành: Đơn đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do lãnh đạo ký;

3.2. Kiến nghị thực thi:

+ Đề nghị sửa đổi Điểm a, Khoản 1, Điều 3, Chương 2 của Thông tư 85/2018/TT-BCT ngày 23/6/2018 của Bộ Công Thương thành như sau: “Giấy đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Mẫu số 05”.

+ Đề nghị bãi bỏ Điểm b, Khoản 1, Điều 3, Chương 2 của Thông tư 85/2018/TT-BCT ngày 23/6/2018 của Bộ Công Thương: “Bản sao quyết định thành lập đơn vị hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”

+ Đã thực thi phương án tại Khoản 4, Điều 3, Chương 2 của Thông tư 28/2010/TT-BCT ngày 28/6/2010 của Bộ Công Thương: 01 bộ hồ sơ”.

3.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

+ Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 21.924.210 đồng/năm.

+ Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 19.213.298 đồng/năm.

+ Chi phí tiết kiệm 2.710.912 đồng/năm.

+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 12,0%.