Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2109/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 07 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC CÁC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BỔ SUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NĂM 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 21/3/2016 của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh của tỉnh Quảng Ngãi; Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 về việc quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 2817/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 997/TTr-SKHCN ngày 06/11/2017 về việc phê duyệt danh mục các đề tài, dự án khoa học và công nghệ bổ sung triển khai thực hiện năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt danh mục 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh bổ sung triển khai thực hiện năm 2018 (chi tiết tại Danh mục kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

1. Tổ chức các Hội đồng khoa học và công nghệ xét duyệt thuyết minh, đề cương các đề tài, dự án khoa học và công nghệ về sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, tính chất nghiên cứu, khả năng ứng dụng kết quả sau khi nghiên cứu đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và khả năng nhân rộng đối với dự án khoa học và công nghệ theo đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sau khi xét duyệt Thuyết minh, Đề cương đạt yêu cầu (đã hoàn chỉnh Đề cương theo ý kiến của Hội đồng xét duyệt Thuyết minh Đề cương và thông qua Hội đồng thẩm định về tài chính).

3. Đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sau khi xét duyệt Đề cương không đạt yêu cầu, giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ quyết định việc không thực hiện và báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Trường Đại học Duy Tân - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT. Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh;
- Các Ban: Tuyên giáo, Nội chính Tỉnh ủy;
- Các Ban: VHXH, KTNS HĐND tỉnh;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi,
Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: PCVP(VX), các phòng N/cứu, CB;
- Lưu: VT, CNXD. pbc468

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Dũng

 

DANH MỤC

CÁC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BỔ SUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NĂM 2018
(Kèm theo Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 07/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Tên nhiệm vụ

Phương thức thực hiện

Tính cấp thiết

Định hướng mục tiêu và yêu cầu đối với sản phẩm

Thời gian thực hiện

I

Lĩnh vực xã hội và nhân văn

1.

Đề tài: Thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch tỉnh tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Giao trực tiếp: Trường Đại Học Duy Tân - Đại học Đà Nẵng

Quảng Ngãi là một tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, tuy nhiên việc đầu tư, khai thác và phát triển ngành “công nghiệp không khỏi” của tỉnh thời gian qua chưa tương xứng. hệ thống các di tích lịch sử văn hóa cách mạng (Bảo tàng Ba Tơ, Đá Bàn, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng, Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng - Núi Thiên Ấn, Khu lưu niệm Trương Định,...), di tích lịch sử văn hóa như: Khu chứng tích Sơn Mỹ, Địa đạo Đám Toái, các điểm di tích văn hóa, tín ngưỡng tại huyện đảo Lý Sơn có giá trị lịch sử gắn với minh chứng chủ quyền biển đảo: Âm Linh Tự, đình làng An Hải, đình làng An Vĩnh, nhà trưng bày Hoàng Sa Bắc Hải; Thành cổ Châu Sa, di tích khảo cổ Văn Hóa Sa Huỳnh trên địa bàn tỉnh có giá trị rất lớn nhưng chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng.

Các ngành, các cấp đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thu thu hút đầu tư vào phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi: Quyết định số 2350/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ đến 2020, tầm nhìn đến 2030; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19/10/2016 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn (2016-2020); Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Tỉnh ủy về Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 20/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến 2020, tầm nhìn đến 2025; Chương trình hành động số 23-Ctr/TU của Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Nghị quyết số 38/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; Đề án phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 ban hành tại Quyết định số 557/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy nhiên việc thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ chưa đầu tư đúng mức; sản phẩm du lịch và các loại hình du lịch chưa phong phú, đa dạng chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi còn hạn hẹp và đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển hiện nay của xã hội đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, nên việc xây dựng đề tài: Thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết.

* Định hướng mục tiêu:

- Đánh giá thực trạng, tình hình thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2005 đến nay (tập trung làm rõ nguyên nhân của những hạn chế yếu kém).

- Xác định nhu cầu, khả năng và phương thức thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ngãi trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế.

- Đề xuất giải pháp và cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

- Nghiên cứu đề xuất một số công trình, dự án du lịch trọng điểm có tính chất đột phá từ nay đến năm 2025 và cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm đó.

- Bản kiến nghị với các cấp ủy và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi.

* Yêu cầu đối với sản phẩm:

- Báo cáo kết quả khảo sát;

- Các báo cáo chuyên đề liên quan;

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học;

- Báo cáo đánh giá thực trạng, tình hình thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2005 đến nay (tập trung làm rõ nguyên nhân của những hạn chế yếu kém).

- Báo cáo xác định nhu cầu, khả năng và phương thức thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ngãi trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế.

- Báo cáo đề xuất giải pháp và cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

- Báo cáo đề xuất một số công trình, dự án du lịch trọng điểm có tính chất đột phá từ nay đến năm 2025 và cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư của từng công trình, dự án đề xuất nêu trên.

- Bản kiến nghị với các cấp ủy và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi.

- Báo cáo toàn diện đề tài (Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt đề tài).

- 02 Bài báo khoa học.

24 tháng

II

Lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ

2.

Đề tài: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục các nhược điểm của tường xây bằng gạch xi măng cốt liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Giao trực tiếp: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng chủ trì thực hiện.

Ở nước ta, gạch xây dựng chủ yếu là gạch đất sét nung nhưng quá trình sản xuất gạch đất sét nung cần sử dụng một số lượng lớn nguồn nguyên liệu đất sét, nhiên liệu hóa thạch (than đá) sẽ phát sinh rất nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường... Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên cần phải thúc đẩy phát triển công nghệ sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung.

Ngày 28/4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 với mục tiêu “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội”.

Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, đã quy định: Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây)…

Để thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công, ngày 26/9/2013 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-UBND ban hành kế hoạch triển khai chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò gạch thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Kể từ ngày 01/01/2016 tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh sử dụng vốn nhà nước phải tuân thủ sử dụng vật liệu xây không nung là 100%.

Theo báo cáo sơ kết 6 năm triển khai thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Thủ tướng Chính phủ và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi của Sở Xây dựng (8/2017), thông qua công tác thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng trong thời gian qua cho thấy các công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung đã tuân thủ thực hiện theo đúng quy định. Riêng đối với các công trình dân sinh người dân vẫn chưa quan tâm sử dụng, còn nghi ngờ về chất lượng đối với vật liệu xây không nung, hơn nữa sử dụng vật liệu xây bằng đất sét nung truyền thống đã trở thành tập quán sử dụng của người dân, họ cho rằng giá cả của loại vật liệu này lại rẻ hơn, trọng lượng viên gạch nhẹ hơn và dễ thi công hơn.

Hiện nay, tại Quảng Ngãi sử dụng gạch không nung chủ yếu là gạch xi măng cốt liệu tại các công trình xây dựng thường xảy ra các hiện tượng như nứt tường, thấm nước, bong lớp vữa trát, nặng, độ thấm nước cao, độ bắt vít kém và khó tạo rãnh để lắp đặt hệ thống điện nước,.. nên người tiêu dùng chưa yên tâm trong việc sử dụng gạch xi măng cốt liệu. Cần phải có sự tổng kết, đánh giá thực trạng và bổ sung, hoàn chỉnh các cơ sở khoa học từ các đơn vị nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước để tăng tính thuyết phục đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục các nhược điểm của tường xây bằng gạch xi măng cốt liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” là hết sức cấp thiết.

*Định hướng mục tiêu:

Khảo sát, đánh giá toàn diện tình hình sản xuất, tiêu thụ và phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến nhược điểm của tường xây bằng gạch xi măng cốt liệu, đề xuất giải pháp khắc phục các nhược điểm của tường xây bằng gạch xi măng cốt liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Cụ thể:

- Khảo sát thực tế, đánh giá đầy đủ và phân tích làm rõ nguyên nhân (chủ quan và khách quan) các nhược điểm của tường xây bằng gạch xi măng cốt liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Thử nghiệm, đánh giá tính chất cơ lý hóa, đặc tính kỹ thuật (chất liệu, kích thước, trọng lượng, khả năng chịu lực,...) của gạch xi măng cốt liệu đang được sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Thử nghiệm, đánh giá vật liệu đầu vào, tính chất cơ lý hóa của vữa xây, phân tích rõ các yếu tố ảnh hưởng của vữa xây đến các nhược điểm của tường xây bằng gạch xi măng cốt liệu, thiết kế cấp phối vữa xây phù hợp với gạch xi măng cốt liệu.

- Khảo sát, đánh giá và phân tích làm rõ quy trình sản xuất gạch xi măng cốt liệu, thiết kế xây dựng và kỹ thuật thi công xây tường sử dụng gạch xi măng cốt liệu hiện nay trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp kết quả phân tích, đánh giá và thử nghiệm đề xuất giải pháp để khắc phục hầu hết các nhược điểm của tường xây bằng gạch xi măng cốt liệu (nứt tường, thấm nước, nặng, độ bám vít kém, khó tạo rãnh để lắp đặt hệ thống điện nước,...).

- Xây dựng các Hướng dẫn quy trình kỹ thuật: Sản xuất gạch xi măng cốt liệu, sản xuất vữa xây dùng cho gạch xi măng cốt liệu, thiết kế và thi công tường bằng gạch xi măng cốt liệu.

- Xây dựng mô hình mẫu (phối hợp với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện) địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để kiểm chứng hiệu quả của giải pháp đề xuất.

*Yêu cầu đối với sản phẩm:

1. Sản phẩm khoa học:

- Các báo cáo tổng hợp khảo sát, đánh giá và phân tích các nội dung liên quan.

- Các Chuyên đề khoa học liên quan.

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học.

- Phim tư liệu.

- 01 Bài báo khoa học.

- Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài.

- Bản Kiến nghị giải pháp khắc phục các nhược điểm của tường xây bằng gạch xi măng cốt liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho các cấp chính quyền.

- Các Hướng dẫn quy trình kỹ thuật: Sản xuất gạch xi măng cốt liệu, sản xuất vữa xây dùng cho gạch xi măng cốt liệu, thiết kế và thi công tường bằng gạch xi măng cốt liệu được cấp có thẩm quyền thẩm định ban hành.

2. Sản phẩm vật chất:

- Cấp phối vữa xây dùng cho gạch xi măng cốt liệu.

- Mô hình mẫu.

18 tháng

Danh mục gồm 02 đề tài