Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
T
ỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/QĐ-UBND

Quảng Ngãi , ngày 26 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ LỘ TRÌNH XÓA BỎ LÒ GẠCH THỦ CÔNG, LÒ GẠCH THỦ CÔNG CẢI TIẾN, LÒ ĐỨNG LIÊN TỤC VÀ LÒ VÒNG SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/03/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung;

Căn cứ Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 349/QĐ-UBND ngày 17/8/2009 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1099/TTr-SXD ngày 05/9/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này ”Kế hoạch triển khai chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng (báo cáo);
- Thường trực tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Ban Quản lý KKT Dung Quất;
- Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi;
- Cục Thuế tỉnh;
- VPUB: C,PCVP, CBTH;
- Lưu VT, CN-XD. tls.351

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Khoa

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ LỘ TRÌNH XÓA BỎ LÒ GẠCH THỦ CÔNG, LÒ THỦ CÔNG CẢI TIẾN, LÒ ĐỨNG LIÊN TỤC VÀ LÒ VÒNG SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 26/9 /2013 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phát triển sản xuất và sử dụng loại VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020.

- Sử dụng phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao,... ) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm đất nông nghiệp và diện tích đất chứa phế thải của địa phương.

- Tiến tới chấm dứt hoạt động hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí).

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY ĐẾN NĂM 2020

1. Đối với vật liệu xây bằng gạch không nung

a) Về chủng loại sản phẩm

- Gạch xi măng - cốt liệu: tỷ lệ gạch xi măng - cốt liệu trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

- Gạch nhẹ: tỷ lệ gạch nhẹ trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020. Trong đó:

+ Gạch từ bê tông khí chưng áp (AAC), gạch bê tông khí không chưng áp: tỷ lệ gạch AAC và gạch bê tông khí không chưng áp trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 16% vào năm 2015 và 20% vào năm 2020.

+ Gạch từ bê tông bọt: tỷ lệ gạch từ bê tông bọt trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 5% từ năm 2015.

- Gạch khác: Tấm tường thạch cao, tấm 3D, đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicat,... đạt tỷ lệ khoảng 5% từ năm 2015 trên tổng số vật liệu xây không nung:

- Dự kiến sản lượng gạch không nung.

Đơn vị tính: triệu viên

Loại vật liệu xây

Giai đoạn

Năm 2012

Năm 2015

Năm 2020

Sản lượng
Tr. viên

Tỷ lệ
%

Sản lượng
Tr. viên

Tỷ lệ
%

Sản lượng
Tr. viên

Tỷ lệ
%

Gạch xi măng - cốt liệu

7, 5

65, 2

90

75

160

72, 7

Gạch nhẹ

-

-

25

20, 8

50

22, 7

Gạch không nung khác

4

34, 8

5

4, 2

10

4, 6

b) Về công nghệ và quy mô sản xuất

Phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung bằng công nghệ tiên tiến với quy mô công suất phù hợp với điều kiện địa phương. Số lượng dây chuyền sản xuất:

STT

Loại vật liệu dây chuyền

Công suất (triệu viên/năm)

Giai đoạn

Năm 2015

Năm 2020

Số lượng dây chuyền

Số lượng dây chuyền

1

Gạch xi măng – cốt liệu

> 1

5 - 10

10 - 15

< 7

10 - 15

15 - 20

2

Gạch nhẹ

> 7

1 - 2

3 - 5

3

Gạch không nung khác

-

1 - 2

3 - 5

c) Sử dụng vật liệu xây không nung

Các công trình xây dựng bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung

+ Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình sau:

Tại khu vực thành phố Quảng Ngãi phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ năm 2014.

Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ năm 2014 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

+ Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

- Khuyến khích sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt địa bàn, không phân biệt số tầng.

2. Đối với vật liệu xây bằng gạch đất sét nung

- Không tiếp tục đầu tư sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò tuynel.

- Đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò tuynel hiện có, cần phát huy đầy đủ năng lực sản xuất đã đầu tư. Trên cơ sở đó tiếp tục đầu tư cải tạo lò nung, hệ thống chế biến và hệ thống sân bãi để nâng sản lượng lên từ 1, 2 - 1, 5 lần so với công suất thiết kế, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản phẩm, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

III. LỘ TRÌNH CHẤM DỨT SẢN XUẤT GẠCH ĐẤT SÉT NUNG

1. Với lò thủ công, lò thủ công cải tiến

- Các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây, Minh Long và huyện Lý Sơn lâu nay không sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến thì tiếp tục không cho phép sản xuất gạch đất sét nung dưới mọi hình thức trên địa bàn huyện.

- Kể từ ngày 31/12/2013: chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến trong khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu, phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi, di tích văn hóa hoặc gây ảnh hưởng đến thoát lũ ở bãi sông tại các huyện đồng bằng: Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP. Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và Đức Phổ.

- Kể từ ngày 31/12/2014: chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến tại các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và Đức Phổ.

- Kể từ ngày 31/12/2017: chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến tại huyện Sơn Hà.

2. Đối với lò đứng liên tục (VSBK)

- Các huyện lâu nay không sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò đứng liên tục thì không cho phép đầu tư mới.

- Các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ đã có đầu tư xây dựng lò đứng liên tục thì nay không cho phép đầu tư mới và kể từ ngày 31/12/2017 chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò đứng liên tục.

3. Với lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí)

- Không cấp giấy phép cho các dự án mới.

- Đối với các dự án đang xây dựng trái phép, không phép phải đình chỉ xây dựng, buộc tháo dỡ.

- Đối với dự án chưa xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa triển khai đầu tư thì không được tiếp tục đầu tư hoặc cho phép chuyển sang xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung.

- Đối với các dự án đã hoàn thành xây dựng thì lên kế hoạch dừng sản xuất (chậm nhất vào tháng 12/2015) hoặc chuyển đổi sang dây chuyền sản xuất gạch không nung.

4. Với lò vòng, lò vòng cải tiến (lò Hoffman) không sử dụng nguyên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp (trấu, mùn cưa,...)

Tùy điều kiện cụ thể, có thể cho phép tồn tại.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chủ yếu

- Tổ chức thực hiện đúng các nội dung lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch này.

- Thành lập ban chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công, phân công cụ thể cho từng thành viên trực tiếp theo dõi và chỉ đạo thực hiện việc chấm dứt sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục (VSBK), lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Xây dựng bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết phù hợp với pháp luật và thực tiễn; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả.

- Thống kê đầy đủ, chính xác hiện trạng sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn từng huyện về số lượng lò, số lượng lao động, trên cơ sở đó triển khai việc xóa bỏ lò gạch, ngói thủ công tại các huyện theo lộ trình này.

- Nghiên cứu, lựa chọn các lò gạch có công nghệ mới trong sản xuất gạch nung, đảm bảo các quy định, quy chuẩn hiện hành để tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng, triển khai trên địa bàn tỉnh.

2. Giải pháp thực hiện

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

- Bổ sung các văn bản hướng dẫn, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện, kịp thời giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiên quyết xử lý triệt để những trường hợp vi phạm theo quy định.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch này.

- Phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo giới thiệu các mô hình sản xuất gạch không nung và kinh phí thực hiện các công nghệ này.

- Đưa VLXKN vào các công trình từ khâu lập dự án, thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, thẩm định, phê duyệt dự án.

- Không sử dụng gạch đất sét nung bằng lò thủ công vào các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 31/12/2013.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng

- Chủ trì tổ chức phổ biến đến các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định này.

- Xây dựng và công bố đơn giá xây dựng cơ bản của tỉnh, trong đó có đơn giá sử dụng VLXKN trên cơ sở định mức của Bộ Xây dựng, để các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

- Phổ biến chủ trương, chính sách, nội dung phát triển vật liệu xây dựng không nung, định mức, đơn giá xây dựng và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy phạm thiết kế, thi công nghiệm thu đối với các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây dựng không nung.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất VLXKN để trình duyệt theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng trực thuộc Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, quy định và các chương trình nêu trên; đôn đốc, nhắc nhở, giám sát việc thực hiện, phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá tình hình đầu tư sản xuất và sử dụng VLXKN của các tổ chức, cá nhân; báo cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh; đề xuất khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong việc tham gia thực hiện Chương trình phát triển VLXKN trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói nung; quy hoạch các nguồn nguyên liệu cung ứng cho việc sản xuất vật liệu xây không nung; tăng cường kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên đất sét để sản xuất gạch;

- Định kỳ kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định.

- Hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia để sản xuất VLXKN đảm bảo quy định về môi trường trong quá trình vận chuyển, lưu trữ và sản xuất.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các ngành, các cấp liên quan rà soát, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch nung lên mức tối đa.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Quản lý và hướng dẫn quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, nhất là đất trồng lúa và rau màu theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các quy định liên quan khác của pháp luật.

- Quản lý và nghiêm cấm các hành vi như: Chia nhỏ vùng hoặc xứ đồng có cùng điều kiện cải tạo như nhau đưa vào nhiều công trình cải tạo đồng ruộng riêng lẻ để phù hợp với thẩm quyền phê duyệt; chuyển đất từ ngoài vùng ruộng cải tạo vào vùng cải tạo để trang mặt bằng; lợi dụng việc cải tạo đồng ruộng để khai thác đất sét.

- Phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất nông nghiệp để khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói nung theo Quyết định số 48/2009/QĐ-UBND ngày 28/9/2009 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quy định về quản lý hoạt động cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét để làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; kịp thời phát hiện xử lý theo quy định các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh phòng, chống lụt bão và các trường hợp gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới cho người lao động đang làm việc tại các lò gạch, ngói thủ công sau khi bị xóa bỏ theo Kế hoạch này, đồng thời lồng ghép chương trình này với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

4. Sở Giao thông vận tải

Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với Thanh tra Xây dựng, Thanh tra môi trường, Công an, quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm của các phương tiện vận chuyển gây ô nhiễm môi trường từ các điểm khai thác đất làm gạch, kinh doanh vật liệu xây dựng trong đó có gạch thủ công, gây cản trở giao thông, gây bụi bẩn trên đường phố.

5. Sở Công Thương

- Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng thực hiện chính sách khuyến công hàng năm vào việc hỗ trợ chuyển đổi công nghệ cho các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng.

- Không sử dụng kinh phí khuyến công hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục (VSBK), lò vòng.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xử lý các vi phạm kinh doanh vật liệu xây dựng mà không đăng ký kinh doanh, hoạt động không có giấy phép đầu tư hoặc không đúng nội dung giấy phép đầu tư đã được cấp; kinh doanh, mua bán đất làm gạch trái quy định.

- Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ hàng năm trước ngày 05 tháng 12 hoặc đột xuất về các hoạt động và chương trình xúc tiến đầu tư liên quan đến sản xuất và sử dụng VLXKN để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan liên quan nơi có lò gạch thủ công, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân, trong đó có tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới cho người lao động đang làm việc tại các lò gạch, ngói thủ công sau khi bị xóa bỏ theo Kế hoạch này. Hướng dẫn chính sách hỗ trợ học nghề ở địa phương theo Đề án”Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 1662/QĐ-UBND ngày 11/11/2011.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây không nung, ưu tiên sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương; lĩnh vực sản xuất gạch, ngói bằng đất sét nung theo công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức các hoạt động về khoa học công nghệ, giới thiệu các công nghệ sản xuất VLXKN tiên tiến, hiện đại đến các nhà đầu tư; hướng dẫn nhà đầu tư lựa chọn dây chuyền, công nghệ đảm bảo về môi trường, phù hợp với quy mô sản xuất, ưu tiên lựa chọn thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư sản xuất VLXKN đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ mới, chuyển giao công nghệ, các dự án ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực VLXKN, chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN được hưởng các ưu đãi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, áp dụng ưu đãi về chuyển giao công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 18/02/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011 - 2015.

- Không sử dụng vốn khoa học hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục (VSBK) và lò vòng.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN; các dự án sản xuất VLXKN.

- Tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án sản xuất VLXKN đảm bảo điều kiện: dự án phù hợp với Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh, có công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu thấp, sản phẩm đạt chất lượng cao, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường

9. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định phương án hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công chuyển đổi công nghệ hoặc chấm dứt hoạt động theo lộ trình. Hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch thủ công trong thời gian chờ chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động tại các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công.

10. Cục thuế tỉnh

- Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất VLXKN; chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi đối với các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên theo điểm 5. 1, khoản 4, Điều 1 - Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ trì nghiên cứu, trình UBND tỉnh giải pháp chống thất thu, thất thoát nguồn kinh phí từ thu thuế khai thác đất, sản xuất, sử dụng gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh.

11. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất

- Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện về công nghệ, môi trường và quy mô được đầu tư các nhà máy sản xuất VLXKN trong các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đến năm 2020.

- Cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng định kỳ 06 tháng (trước ngày 05/6), một năm (trước ngày 05/12) hoặc đột xuất về tình hình đầu tư, sản xuất VLXKN, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp hoạt động trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Thành lập ban chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công, phân công cụ thể cho từng thành viên trực tiếp theo dõi và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch này, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở xây dựng).

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh về lộ trình xóa bỏ lò gạch, ngói thủ công, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn.

- Lập phương án triển khai thực hiện việc xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn, đề xuất phương án xử lý, giải tỏa lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Kiên quyết chỉ đạo, tập trung ngăn chặn, xử lý các tình trạng khai thác, sử dụng đất sét trái phép để sản xuất gạch đất sét nung, cưỡng chế lò gạch thủ công theo đúng Kế hoạch này.

- Không cho phép đầu tư xây mới hoặc tái sản xuất (đối với các cơ sở đã chấm dứt hoạt động) các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn. Không được sử dụng các loại đất sét sau để sản xuất gạch ngói đất sét nung: Đất sản xuất nông nghiệp, đất trong phạm vi các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất thuộc phạm vi bảo vệ hành lang đường giao thông, đê, kè, cầu, cống, đường sắt, đường điện cao thế, khi cần thiết cải tạo đồng ruộng thì phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo thẩm quyền.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công chuyển đổi nghề nghiệp theo Đề án ”Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của UBND tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ.

- Báo cáo cho Sở Xây dựng định kỳ 06 tháng (trước ngày 05/6), một năm (trước ngày 05/12) hoặc đột xuất về danh sách các chủ đầu tư và dự án trên địa bàn có sử dụng VLXKN, loại VLXKN, số lượng sử dụng và tỷ lệ sử dụng (%) trên tổng số vật liệu xây của công trình, đặc biệt là các đối tượng bắt buộc sử dụng, để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh.

13. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn và yêu cầu Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi:

Xây dựng chương trình, thời lượng cụ thể và đăng tải các nội dung tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách; pháp luật của Nhà nước về quản lý, đầu tư sản xuất kinh doanh, định hướng sản xuất vật liệu xây dựng, lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Khuyến khích sản xuất, ưu tiên sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ vào Kế hoạch này, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan nêu trên có trách nhiệm triển khai thực hiện./.