Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2134/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 21 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2012-2020

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2006/NĐ-CP việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Số 58/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020; Số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 22/11/2011 của Tỉnh Uỷ tỉnh Thái Nguyên về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2012-2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1201/TTr-SKHĐT ngày 31 tháng 8 năm 2012 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2012-2020 (Có Đề án cụ thể kèm theo Quyết định này) với những nội dung chính như sau:

I. Quan điểm và mục tiêu phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020

1. Quan điểm phát triển

Phát triển kinh tế gắn với phát triển nhân lực và lấy phát triển nhân lực là động lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Phát triển nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Mở rộng quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo phát triển nhân lực, đặc biệt coi trọng xây dựng, phát triển nhân lực có trình độ cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh.

2. Mục tiêu phát triển nhân lực đến năm 2020

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Xác định nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực trong từng giai đoạn phát triển đối với ngành, lĩnh vực mà tỉnh Thái Nguyên có lợi thế so sánh. Nâng cao chất lượng nhân lực, phát huy vai trò quyết định của yếu tố con người để cải thiện chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, đưa nhân lực trở thành lợi thế quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo yêu cầu nhân lực để tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

- Tạo nguồn nhân lực có thể lực tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, có năng lực tự học cao, có khả năng thích ứng trong các môi trường làm việc; từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng chuẩn khu vực và từng bước đạt chuẩn quốc tế.

- Giữ vững vai trò Thái Nguyên là một trong ba trung tâm đào tạo nhân lực có chất lượng cao của cả nước.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao trình độ học vấn làm tiền đề cho đào tạo nhân lực. Trước năm 2020, dân số trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 21 tuổi đạt tiêu chuẩn phổ cập bậc trung học là 90% ở khu vực thành phố, thị xã và 80% ở khu vực nông thôn.

- Về đào tạo nhân lực

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt mức 55% và đến năm 2020 đạt 70%.

+ Xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật theo 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề). Tăng quy mô số người tuyển mới dạy nghề và tham gia học nghề hàng năm khoảng trên 8% để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 70%. Đảm bảo 100% người lao động thất nghiệp có nhu cầu đào tạo nghề mới hoặc đào tạo nâng cao để tìm kiếm việc làm mới.

+ Tăng số sinh viên đại học, cao đẳng là người dân Thái Nguyên khoảng 400 sinh viên/10.000 dân vào năm 2020. Tổ chức đào tạo kỹ sư thực hành với cơ cấu ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh.

- Về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức

Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có đủ số lượng và cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa và phát triển; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Cụ thể:

+ Đến năm 2015: toàn tỉnh có 31.300 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, khoảng 15.000 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm khoảng 48% so với tổng số. Đến năm 2020: toàn tỉnh có 38.500 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, khoảng 22.000 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm khoảng 57% so với tổng số.

+ Giai đoạn 2012-205 có khoảng 20% cán bộ, công chức, viên chức cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Giai đoạn 2016-2020 có khoảng 15% cán bộ, công chức, viên chức cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

- Về xây dựng mạng lưới đào tạo nhân lực

+ Xây dựng được mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực theo hướng hiện đại đa trình độ, đa ngành nghề, đa hình thức sở hữu và phân bố hợp lý trên địa bàn tỉnh.

+ Tổ chức điều tra, cập nhật nhu cầu đào tạo của xã hội, đào tạo theo địa chỉ, hợp tác, liên kết đào tạo nhân lực có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của tỉnh.

II. Phương hướng phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020

1. Nâng cao trình độ dân trí tạo điều kiện tiền đề cơ sở về trình độ học vấn để phát triển đào tạo nhân lực

2. Đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn-nghiệp vụ và kỹ năng làm việc cho người lao động

3. Giải quyết việc làm, tuyển dụng lực lượng lao động và tăng năng suất lao động

4. Phát triển các nhóm nhân lực trọng điểm

III. Giải pháp phát triển nhân lực của tỉnh

1.    Tăng cường quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực.

- Đổi mới tổ chức và phương pháp quản lý nhà nước về phát triển nhân lực.

- Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý phát triển nhân lực.

2.    Cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực:

- Chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực.

- Chính sách trọng dụng và thu hút nhân tài.

- Chính sách ưu tiên phát triển nhân lực các dân tộc thiểu số, vùng cao và vùng sâu, vùng xa.

- Chính sách xã hội hoá phát triển nhân lực.

- Chính sách xây dựng và phát triển hệ thống công cụ thông tin và thị trường lao động.

- Mở rộng, tăng cường hợp tác để phát triển nhân lực.

3.    Đào tạo, nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng lao động

- Tăng cường cơ sở vật chất, đồng bộ hoá, chuẩn hoá theo hướng hiện đại mạng lưới giáo dục để tiếp tục nâng cao trình độ học vấn và chất lượng giáo dục làm cơ sở vững chắc cho phát triển đào tạo nhân lực.

- Xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực.

4.    Nhu cầu vốn và giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực

- Nhu cầu vốn cho phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2020 bao gồm nhu cầu vốn cho đào tạo nhân lực và nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực.

- Nhu cầu vốn đào tạo nhân lực giai đoạn 2012-2015 là 1.345 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 1.990 tỷ đồng.

- Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực giai đoạn 2012-2015 là 1.685 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 2.130 tỷ đồng

- Tiến hành xây dựng và thực hiện các đề án, dự án.

(có danh mục 29 đề án, dự án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TT. Tỉnh uỷ, TT. HĐND tỉnh;
- Các thành viên BCĐ QHPT NL tỉnh;
- Như Điều 3 (Thực hiện);
- Lưu: VT, VX.
Vyhd.QĐ04.09.12/27b

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ma Thị Nguyệt

 

DANH MỤC CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN

(Kèm theo Quyết định số: 2134/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 của UBND tỉnh )

STT

Tền đề án, dự án

01

Đề án mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá Đại học Thái Nguyên thành đại học vùng trọng điểm của cả nước.

02

Đề án thành lập Trường đại học Văn hoá-Nghệ thuật Việt Bắc trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hoá-Nghệ thuật Việt Bắc

03

Đề án nâng cấp, hiện đại hoá Trường cao đẳng sư phạm Thái Nguyên

04

Đề án nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt-Đức

05

Đề án nâng cấp, thành lập trường Đại học Kinh tế kỹ thuật trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật.

06

Đề án nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp.

07

Đề án nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Bắc TKV.

08

Đề án nâng cấp, hiện đại hoá phân hiệu Trường Đại học Công nghệ GTVT miền núi.

09

Đề án thành lập trường Đại học điều dưỡng trên cơ sở nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên.

10

Đề án thành lập trường Đại học Tài chính kế toán trên cơ sở nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên.

11

Nâng cấp hiện đại hoá Trường trung cấp Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin Miền núi thành phân hiệu Học viện Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin.

12

Nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng cơ khí-luyện kim

13

Nâng cấp hiện đại hoá Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên

14

Nâng cấp hiện đại hoá Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch

15

Dự án xây dựng “Công viên thể thao” (Khu liên hợp thể thao cao cấp)

16

Xây dựng y tế Thái Nguyên trở thành trung tâm y tế khu vực các tỉnh vùng Đông Bắc

17

Dự án Trung tâm văn hoá vùng Việt Bắc

18

Đề án xây dựng Trung tâm Thông tin thị trường lao động - mạng lưới giới thiệu việc làm vùng TD-MN Bắc Bộ tại Thái Nguyên.

19

Dự án xây dựng trường trung cấp nghề Nam Thái Nguyên.

20

Đầu tư xây dựng hoàn thiện Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh.

21

Dự án xây dựng khu đô thị sinh viên tại xã Quyết Thắng TP Thái Nguyên.

22

Thành lập trường Đại học Việt Bắc.

23

Thành lập mới Trường Đại học Quốc tế.

24

Xây dựng và phát triển CNTT&TT Thái Nguyên trở thành trung tâm vùng Đông Bắc.

25

Dự án xây dựng Khu công nghệ cao và phần mềm Quyết Thắng tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên; Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm dữ liệu quốc gia, Trường Đại học Thông tin và Truyền thông quốc gia tại Khu tổ hợp công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và đô thị Yên Bình, Thái Nguyên.

26

Dự án Trường Phổ thông Trung học Chuyên Thái Nguyên.

27

Xây dựng cơ sở đào tạo nghề chơi golf.

28

Tái thành lập Trung tâm dạy nghề huyện Phổ Yên.

29

Thành lập mới Trường Trung cấp nghề Cienco 8.

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết xây dựng quy hoạch

Nhân lực không chỉ là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mà sự phát triển của quốc gia còn được đo bằng chính mức độ phát triển của nguồn nhân lực.

Quy hoạch phát triển nhân lực là khâu quan trọng hàng đầu đối với quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, cạnh tranh kinh tế diễn ra rất quyết liệt, mỗi nước đều tìm cách khai thác tốt nhất các lợi thế so sánh sẵn có, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, đồng thời, tạo lập các lợi thế cạnh tranh mới. Tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý là những lợi thế so sánh sẵn có, tuy rất quan trọng nhưng không phải là quyết định nhất. Thực tiễn đã khẳng định nguồn lực con người là yếu tố nội sinh năng động, quyết định lợi thế cạnh tranh dài hạn của mỗi quốc gia. Điều này đặc biệt đúng trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ và nền kinh tế tri thức phát triển nhảy vọt trong thời đại ngày nay. Do đó nhân lực phải được coi là lực lượng sản xuất quan trọng hàng đầu của mỗi nền kinh tế, là yếu tố đột phá đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương và cả quốc gia.

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, con người, tài nguyên và các tiềm năng phát triển khác. Để khai thác có hiệu quả các lợi thế và nguồn lực sẵn có cũng như tận dụng được các cơ hội và các điều kiện thuận lợi trong hoàn cảnh mới, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

Việc xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2020 là nhiệm vụ trọng tâm, làm luận cứ khoa học để góp phần vào hoạch định các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội dài hạn, 5 năm, hằng năm của tỉnh, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2012-2020 và những năm tiếp theo.

2- Mục đích, yêu cầu và phạm vi quy hoạch

2.1. Mục đích

Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực trong tỉnh, tiến tới tiếp cận với trình độ trong khu vực và thế giới, đưa nhân lực thành lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế và ổn định xã hội.

Kiểm kê, đánh giá hiện trạng phát triển nhân lực về số lượng, chất lượng, trong đó xác định rõ những điểm mạnh và yếu kém của nhân lực so với nhu cầu phát triển. Dự báo nhu cầu và khả năng cung ứng, xác định phương hướng phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2012-2020, đưa ra những giải pháp khắc phục tồn tại, yếu kém nhằm có được nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm nói chung và kế hoạch phát triển nhân lực nói riêng của tỉnh. Đồng thời, trên cơ sở mục tiêu và giải pháp thực hiện quy hoạch, triển khai xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nhân lực của tỉnh.

2.2. Yêu cầu

- Quán triệt những nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Cụ thể hóa các mục tiêu, phương hướng và giải pháp của Chiến lược vào Quy hoạch trên cơ sở tính toán, cân nhắc những điều kiện và đặc điểm phát triển của tỉnh.

- Nhận thức được tầm quan trọng, nắm rõ nhu cầu nhân lực trong 10 năm tới, phát triển nhân lực trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và phát triển nhân lực, làm rõ hiện trạng, dự báo làm rõ cả cung và cầu để lập quy hoạch và có quy hoạch phát triển nhân lực cho từng ngành, phân ngành.

- Đề xuất định hướng giải pháp, nhất là giải pháp về các nguồn lực và bước đi tổ chức thực hiện quy hoạch.

2.3. Phạm vi quy hoạch:

Chủ yếu đề cập đến nhân nhân lực trong độ tuổi lao động (theo bộ Luật Lao động ngày 23/6/1994- nam giới từ 15 đến hết 60 tuổi, nữ giới từ 15 đến hết 55 tuổi gồm: Toàn bộ nhân lực trên địa bàn tỉnh với những nội dung về phát triển trí lực (bao gồm trình độ học vấn, trình độ chuyên môn - kỹ thuật, kỹ năng làm việc, quản lý...), tình hình sử dụng nhân lực, trong đó đặt trọng tâm vào các nhóm đối tượng đặc biệt có vai trò quyết định và đột phá trong phát triển nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (nhân lực lãnh đạo, quản lý, nhân lực khoa học - công nghệ, công nhân kỹ thuật và doanh nhân).

3. Những căn cứ chủ yếu xây dựng quy hoạch

- Chiến lược quốc gia về giáo dục- đào tạo;

- Chiến lược đào tạo nghề;

- Quyết định số 58/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

- Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2006/NĐ-CP việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH;

- Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;

- Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 22/11/2011 của Tỉnh uỷ Thái Nguyên về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

- Các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm của tỉnh đã được phê duyệt giai đoạn đến năm 2020;

- Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã đã được phê duyệt giai đoạn đến năm 2020;

- Căn cứ Thông báo số 243/TB-VPCP ngày 08/9/2010 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tại Hội nghị toàn quốc triển khai việc lập Quy hoạch phát triển nhân lực và công tác dự báo phục vụ nhu cầu nhân lực qua đào tạo của các Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2020;

- Số liệu thống kê tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010.

4. Kết cấu của quy hoạch:

Bao gồm các phần chính như sau:

- Phần Mở đầu.

- Phần I: Đặc điểm kinh tế xã hội và nhân lực của tỉnh Thái Nguyên.

- Phần II: Phương hướng phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020.

- Phần III: Giải pháp thực hiện quy hoạch.

- Phần IV: Tổ chức thực hiện quy hoạch, kết luận và kiến nghị.

Phần I

ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ NHÂN LỰC CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN

1. Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội

Thái Nguyên có diện tích tự nhiên 3.541,5Km2, dân số 1.137,6 nghìn người, là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội của vùng TDMN Bắc Bộ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng TDMN Bắc Bộ với vùng đồng bằng Bắc Bộ (Nghị quyết số 37/NQ-TW của Bộ chính trị ngày 01/7/2004 đã xác định phát triển Thái Nguyên thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của vùng).

Trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá cao và phát triển tương đối toàn diện, bình quân đạt 11,11% (2006-2010) cao hơn giai đoạn 2001-2005 là 2% và cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Năm 2010 so với năm 2005 tỷ trọng công nghiệp xây dựng tăng từ 38,71% lên 41,6%; khu vực dịch vụ tăng từ 35,08% lên 37,32%; khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản từ 26,2% xuống còn 21,08%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 17,5 triệu đồng (tương đương 950 USD), gấp 2,9 lần so với năm 2005 và gấp 6,1 lần so với năm 2000.

Thái Nguyên với 09 trường Đại học và 01 khoa đại học thuộc Đại học Thái Nguyên, 12 trường Cao đẳng, 08 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề đang đóng vai trò trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật - giáo dục đào tạo của vùng TDMN Bắc Bộ và cả nước.

Tuy nhiên kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cơ cấu kinh tế tuy có sự chuyển dịch theo hướng tích cực song tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chậm quy mô của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp còn thấp, trình độ công nghệ, thiết bị lạc hậu, chưa đồng bộ. Công tác phát triển nhân lực của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập: mạng lưới cơ sở đào tạo và đào tạo nghề chưa được quy hoạch đồng bộ, một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô, năng lực, chất lượng; hệ thống cơ sở đào tạo chất lượng cao chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu của xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để khai thác có hiệu quả các lợi thế và nguồn lực sẵn có cũng như tận dụng được các cơ hội và điều kiện thuận lợi trong hoàn cảnh mới, việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 là cần thiết. Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, " Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2020 " sẽ góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì yếu tố con người là khâu đột phá mang tính quyết định nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.

1.1. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn (2001-2005) đạt 9,05% trong đó Công nghiệp - Xây dựng 12,45; Dịch vụ: 10,0; Nông lâm nghiệp, thuỷ sản: 4,55%; giai đoạn (2006-2010) đạt 11,11% trong đó Công nghiệp – Xây dựng 16,5; Dịch vụ: 13,0; Nông lâm nghiệp, thuỷ sản: 5,5%.

- Ngành công nghiệp - xây dựng có sự chuyển dịch đúng hướng, song tốc độ chuyển dịch còn chậm, năm 2006 là 38,7%, năm 2007 là 39,54%, năm 2008 là 39,78%...Trong nội ngành công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng từ 86,5% lên 88,11%, công nghiệp khai thác giảm, công nghiệp sản xuất và và phân phối điện nước cư mức tăng tương đương công nghiệp chế biến.

- Ngành thương mại dịch vụ: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 11,86%, chuyển dịch cơ cấu trong các năm 2006-2009 từ 35,08% tăng lên 36,92%. Riêng năm 2006 có mức chuyển dịch rõ nét, tăng 1,44% so với năm 2005, các năm tiếp theo chuyển dịch không đáng kể. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản có xu hướng tăng nhanh, lĩnh vực dich vụ xã hội như giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học có mức tăng về giá trị tuyệt đối, song chưa có chuyển biến rõ nét. Đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo trong giai đoạn 2005-2009 có xu hướng giảm (từ 7% GDP năm 2005 xuống còn 6,9% GDP năm 2009) điều này chứng tỏ Thái Nguyên chưa phát huy được lợi thế về phát triển giáo dục và đào tạo với vai trò là trung tâm vùng.

- Ngành nông lâm nghiệp - thuỷ sản: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2001-2005) là 4,6%, giai đoạn (2006-2010) đạt 4,2% thấp hơn mục tiêu đề ra (5,5%/năm). Cơ cấu kinh tế có mức giảm nhanh so với mức bình quân chung của cả nước, song chưa đạt mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân do chỉ số giá ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2006-2010 tăng nhanh hơn khu vực công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt năm 2008 có tốc độ trượt giá cao, cơ cấu nội ngành chậm chuyển dịch do lĩnh vực chăn nuôi không ổn định, sản xuất theo hướng trang trại, chăn nuôi công nghiệp còn nhiều hạn chế.

Bảng 1: Tăng trưởng kinh tế 2001-2005 và 2006-2010 (%/năm)

Nghành

2001 - 2005

2006 - 2010

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh

9,1

11,1

I. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

4,6

4,2

1.1. Nông nghiệp

4,6

4,2

1.2. Lâm nghiệp

4,8

2,5

1.3. Thuỷ sản

1,9

5,5

II. Công nghiệp và xây dựng

12,5

15,2

2.1 . Công nghiệp khai thác mỏ

18,1

8,2

2.2. Công nghiệp chế biến

13,3

15,6

2.3. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước

14,1

19,6

2.4. Xây dựng

6,5

14,6

III. Ngành dịch vụ

10,3

11,4

3.1. Thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình

13,9

12,6

3.2. Khách sạn và nhà hàng

5,9

8,1

3.3. Vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc

8,9

18,3

3.4. Tài chính, tín dụng

18,2

25,9

3.5. Hoạt động khoa học và công nghệ

21,5

15,6

3.6. Các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn

5,4

8,3

3.7. Các hoạt động Đảng, đoàn thể,Quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh, đảm bảo xã hội bắt buộc

9,5

8,7

3.8. Giáo dục và đào tạo

9,3

7,7

3.9. Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội

13,3

11,6

3.10. Hoạt động văn hoá và thể thao

14,1

12,1

3.11. Các hoạt động hiệp hội

2,6

9,3

3.12. Hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng

7,4

10,5

3.13. Hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ tư nhân

6,9

15,9

(Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2001- 2010)

1.2. Cơ cấu GDP và cơ cấu lao động:

Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng dần lên, tỷ trọng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống trong cơ cấu GDP. Giai đoạn 2001-2005 công nghiệp - xây dựng chiếm 38,64%; dịch vụ chiếm 34,82%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,54%. Đến giai đoạn 2006-2010, cơ cấu kinh tế tương ứng là công nghiệp - xây dựng chiếm 45%; dịch vụ chiếm 38,5%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,5%;

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2001, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 76,48%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 9,42%, lĩnh vực dịch vụ chiếm 14,08%. Đến năm 2005, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tỷ lệ lao động chiếm 72,31%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 11,65%, lĩnh vực dịch vụ chiếm 16,3%. Năm 2010, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 67,88%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 15,08%, lĩnh vực dịch vụ chiếm 17,05%.

Tỷ trọng GDP trong lĩnh vực nông lâm nghiệp - thuỷ sản năm 2001 : 31,8%; năm 2005: 26,27%; năm 2010: 21,83%. Tỷ trọng này giảm nhanh qua các năm, phù hợp với đường lối chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá của tỉnh.

Tỷ trọng GDP trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng năm 2001: 33,56%; năm 2005:39,34%, năm 2010: 41,47%; trong lĩnh vực này đã có sự chuyển dịch đúng hướng, là ngành đóng góp lớn nhất cho GDP của tỉnh, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh

Tỷ trọng GDP trong lĩnh vực dịch vụ năm 2001: 34,63%, năm 2005: 34,39%, năm 2010: 36,42%. Trong lĩnh vực này sự chuyển dịch chậm, tỷ trọng GDP thấp, chưa thể hiện rõ nét.


Bảng 2: Cơ cấu GDP và cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh

Ngành

2001

2005

2010

GDP (tỷ đồng)

Lao động (người)

GDP (tỷ đồng)

Lao động (người)

GDP (tỷ đồng)

Lao động (người)

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Tổng số

3329,4

100

538288

100

6482,8

100

603575

100

19714

100

679623

100

I. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1059,1

31,8108

411721

76,4871

1703,05

26,27

435707

72,314

4305,4

21,8395

459884

67,88

1.1. Nông nghiệp

993,8

29,85

411721

76,4871

1629,23

25,13

 

 

4075,7

20,67

 

 

1.2. Lâm nghiệp

39,7

1,19

 

 

48,14

0,74

 

 

106,26

0,54

 

 

1.3. Thuỷ sản

25,6

0,77

 

 

25,68

0,40

 

 

123,51

0,63

 

 

II. Công nghiệp và xây dựng

1117,3

33,56

50755

9,42897

2550,3

39,34

70217

11,65

8229

41,74

102144

15,08

2.1. Công nghiệp khai thác mỏ

78,76

2,37

6496

1,21

179,9

2,78

4420

0,73

437,56

2,22

8700

1,28

2.2. Công nghiệp chế biến

791,9

23,79

36041

6,70

1927,6

29,73

47819

7,94

6152,8

31,21

55370

8,17

2.3. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước

58,6

1,76

1446

0,27

120,48

1,86

1746

0,29

376,12

1,91

4106

0,61

2.4. Xây dựng

188,05

5,65

6772

1,26

322,26

4,97

16232

2,69

1262,5

6,40

33968

5,01

III. Ngành dịch vụ

1153

34,63

75812

14,08

2229,5

34,39

97651

16,03

7179,5

36,42

115511

17,05

3.1. Thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình

223,4

6,71

20861

3,88

476,7

7,35

34205

5,50

1455,4

7,38

44673

6,37

3.2. Khách sạn và nhà hàng

56,4

1,69

5035

0,94

88,69

1,37

8254

1,37

263,82

1,34

12879

1,81

3.3. Vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc

135,1

4,06

5648

1,05

238,28

3,68

5058

0,84

873,51

4,43

9758

1,44

3.4. Tài chính, tín dụng

36

1,08

703

0,13

98,09

1,51

957

0,16

557,21

2,83

2366

0,35

3.5. Hoạt động khoa học và công nghệ

0,9

0,03

652

0,12

2,76

0,04

652

0,11

10,45

0,05

1725

0,25

3.6. Các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn

126

3,78

1468

0,27

198,92

3,07

2248

0,37

516,29

2,62

1136

0,17

3.7. Quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh, đảm bảo xã hội bắt buộc

266,5

8,00

18004

3,34

502,69

7,75

14716

2,44

1634,3

8,29

13105

1,93

3.8. Giáo dục và đào tạo

230,2

6,91

17286

3,21

460,36

7,10

22898

3,80

1347

6,83

22522

3,32

3.9. Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội

45,1

1,35

3205

0,60

101,31

1,56

4886

0,81

334,77

1,70

4767

0,70

3.10. Hoạt động văn hoá và thể thao

9,5

0,29

667

0,12

21,7

0,33

673

0,11

68,66

0,35

795

0,12

3.11. Các hoạt động và hiệp hội

1,26

0,04

210

0,04

1,67

0,03

237

0,04

4,54

0,02

504

0,07

3.12. Hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng

22

0,66

1791

0,33

37,22

0,57

2200

0,37

109,31

0,55

2250

0,33

3.13. Hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ tư nhân

0,6

0,02

282

0,05

1,06

0,02

667

0,11

4,27

0,02

1115

0,16

(Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2001- 2010)


1.3. Các lĩnh vực kinh tế của tỉnh

1.3.1. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng

Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp - xây dựng, trong đó giai đoạn 2001-2005 tăng nhanh đạt 12,45%/năm, riêng ngành công nghiệp tăng nhanh hơn với tốc độ 13,65%/năm.

Tỷ trọng của ngành trong GDP toàn tỉnh liên tục tăng lên qua các năm và cho tới nay ngành này vẫn đóng góp nhiều nhất cho GDP tỉnh. Giai đoạn 2001- 2005 ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 38,64% GDP toàn tỉnh, giai đoạn 2006-2010 chiếm 41,54%. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, từng bước khẳng định xu thế đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Ngành xây dựng của tỉnh mặc dù nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và đầu tư dân doanh tăng nhanh qua các năm, song mức độ đóng góp của ngành chưa tương xứng, mới chỉ tương ứng khoảng 6% GDP, nguyên nhân chủ yếu là do các Doanh nghiệp trong ngành xây dựng của địa phương năng lực quản lý, tài chính còn hạn chế do vậy khi tham gia đấu thầu rộng rãi, các gói thầu có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp thường đạt tỷ lệ trúng thầu thấp…mức đóng góp cho tăng trưởng GDP còn thấp.

Các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh bao gồm: Công nghiệp sản xuất cơ khí; Công nghiệp khai khoáng, luyện kim; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; May xuất khẩu; Công nghiệp nhẹ: Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; Công nghiệp điện tử tin học. Về sản phẩm công nghiệp truyền thống của tỉnh như xi măng, sắt thép, sản phẩm may mặc, kim loại màu chiếm tỷ trọng chủ yếu trong giá trị SXCN, các sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao có tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu giá trị sản xuất, công nghiệp chế tạo, lắp ráp điện tử, công nghiệp phụ trợ còn nhỏ bé. Cơ cấu ngành sản xuất chủ đạo vẫn là các ngành luyện kim, sản xuất vật liệu sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản.

1.3.2 Lĩnh vực dịch vụ - thương mại

Dịch vụ thương mại đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 11,86%, chuyển dịch cơ cấu trong các năm 2006-2009 từ 35,08% tăng lên 36,92%. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản có xu hướng tăng nhanh.

Kết cấu hạ tầng thương mại của tỉnh còn nhiều hạn chế: Hệ thống chợ phát triển chưa theo quy hoạch, chưa đúng tiêu chuẩn quy định, một số chợ đạt hiệu quả thấp, trung tâm thương mại, siêu thị đang dần phát triển.

Dịch vụ Du lịch - khách sạn - nhà hàng: Điểm đáng lưu ý là mặc dù ngành du lịch được xác định là một ngành kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh và được quan tâm nhiều hơn trong những năm qua nhưng tỷ trọng ngành này trong GDP dịch vụ tỉnh lại không tăng lên trong suất giai đoạn 2000-2002 (chiếm 4,7) và giảm đáng kể từ sau đó, năm 2005 phân ngành này chỉ chiếm 3,74 GDP toàn ngành dịch vụ. Dịch vụ du lịch Thái Nguyên tuy có nhiều tiến bộ trong những năm qua nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia về một số mặt (cơ sở vật chất, trình đô phục vụ...), sản phẩm du lịch của tỉnh chưa đa dạng. Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho số khách du lịch đến tỉnh chưa nhiều và thời gian lưu trú của khách đạt thấp so với nhiều địa phương khác trong nước.

Thái Nguyên với tiềm năng và thế mạnh là du lịch lịch sử (du lịch về nguồn), du lịch sinh thái và nguồn thu dịch vụ từ hơn 10 vạn học sinh, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn. Trong những năm qua các ngành dịch vụ của tỉnh có những bước phát triển tốt. Các lĩnh vực dịch vụ đều được đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Kinh tế dịch vụ phát triển đã tạo được nhiều việc làm cho người lao động trong tỉnh, thu hút thêm lao động từ ngoại tỉnh, đồng thời tạo tiền đề và động lực cho các ngành kinh tế khác của tỉnh phát triển.

Tuy nhiên, kinh tế dịch vụ của tỉnh những năm qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh do nhiều nguyên nhân như kết cấu hạ tầng của tỉnh chưa đáp ứng đủ yêu cầu; thiếu vốn cho đầu tư phát triển; trình độ cán bộ quản lý kinh doanh và đội ngũ lao động ở lĩnh vực này còn hạn chế…

1.3.3 Lĩnh vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2001-2005) là 4,6%, giai đoạn (2006-2010) đạt 4,2% thấp hơn mục tiêu đề ra (5,5%/năm). Cơ cấu kinh tế có mức giảm nhanh so với mức bình quân chung của cả nước, song chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ngành sản xuất nông - lâm nghiệp - thuỷ sản tuy chiếm tỷ trọng ngày càng giảm dần trong nền kinh tế tỉnh nhưng vẫn là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, ngành này đang từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hoá, các sản phẩm chủ yếu của tỉnh là chè, thóc, lạc, đậu tương, gia súc, gia cầm, hoa quả tươi.

Chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, hình thành các vùng chuyên canh, trang trại hướng vào các loại cây, con có sản lượng và giá trị kinh tế cao đã được hình thành như vùng chè, lợn, gà, trâu bò và rừng nguyên liệu. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người trong toàn tỉnh liên tục tăng qua các năm.

+ Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam năm 2011 đã khẳng định tiềm năng và triển vọng của cây chè và sản phẩm trà của Thái Nguyên. Sản xuất chè ngày càng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, áp dụng quy trình sản xuất chế biến chè an toàn, mở rộng diện tích chè thương phẩm, đồng thời xây dựng và phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.

+ Sản lượng lương thực đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời hình thành và phát triển được những vùng lúa đặc sản hàng hoá. Diện tích trồng lúa trong tỉnh giảm đi từ năm 2003, năm 2005 tổng diện tích lúa cả năm của tỉnh còn 70.066 ha nhưng do năng suất lúa tăng lên qua các năm nên sản lượng lúa liên tục tăng từ năm 2000 đến nay, đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực.

+ Diện tích trồng ngô tăng nhanh 10.716ha năm 2000 lên 15.934ha năm 2005, trong khi diện tích trồng khoai liên tục giảm kể từ năm 2001. Diện tích trồng sắn sau khi giảm còn 3.706 ha vào năm 2002 lại có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, đạt 4.000 ha vào năm 2010.

+ Ngành chăn nuôi tăng trưởng nhanh và đang chuyển dịch theo hướng hàng hoá. Tuy nhiên tỷ trọng của chăn nuôi trong tổng GDP nông nghiệp chưa cải thiện đáng kể.

+ Ngành thuỷ sản vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị nông – lâm – thuỷ sản của tỉnh. Sản xuất thuỷ sản chủ yếu là sản phẩm nuôi trồng, trong đó sản phẩm chủ yếu là cá các loại. Giá trị thuỷ sản khai thác tuy tăng lên trong những năm gần đây nhưng mới chiếm chưa đầy 3% tổng GTSX ngành thuỷ sản.

Bảng 3: Các lĩnh vực kinh tế của tỉnh.

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Ngành

2001

2005

2010

GDP

Lao động

GDP

Lao động

GDP

Lao động

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

I. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1059

31,81

411721

76,49

1703

26,27

435707

72,3

4305

21,83

459884

67,88

II. Công nghiệp và xây dựng

1117

33,56

50755

9,42

2550

39,34

70217

11,65

8229

41,74

102144

15,08

III. Dịch vụ

1153

34,63

75812

14,08

2229

34,39

97651

16,03

7179

36,42

115511

17,05

(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên)

1.3.4. Các đặc điểm kinh tế đáng lưu ý của tỉnh

- Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2006 đạt 845,3 tỷ đồng, chiếm 10,42% GDP và tăng 17% so với so năm 2005, đến năm 2009 đạt 1.730,7 tỷ đồng tăng 23,1% so với thực hiện năm 2008, năm 2010 ước đạt 2.220,8 tỷ đồng. Như vậy tổng thu ngân sách 4 năm từ 2006-2010 đạt trên 8.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách không tăng do việc thực hiện các chính sách miễn giảm thuế và không đưa vào tổng thu ngân sách một số khoản thu, do vậy ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động GDP và NSNN. Việc thu hút đầu tư đặc biệt là là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã bước đầu phát huy hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách.

- Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn dân cư và doanh nghiệp, vốn ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện đầu tư vào phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn: Năm 2006 đạt 4.723 tỷ đồng, năm 2009 đạt 7.359,6 tỷ đồng, năm 2010 9.123 tỷ đồng tăng 16,1% so với năm 2009. . Cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có nguồn vốn trong nước chiếm tỷ trọng cao, trong đó vốn thuộc NSNN chiếm khoảng 20%, vốn tự có của Doanh nghiệp, vốn vay và vốn đầu tư của dân cư chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn và có xu thế tăng dần qua các năm, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu vốn đầu tư.

- Từ khi tái lập (năm 1997) đến nay, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Đến hết năm 2010 có 31 khu, cụm công nghiệp được thành lập, thu hút được được nhiều dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư nước ngoài.

- Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua đã được duy trì củng cố vững chắc, có nhiều bước phát triển quan trọng và toàn diện ở trên tất cả các cấp, bậc, ngành học và trên các lĩnh vực công tác. Các chỉ tiêu nhiệm vụ lớn đặt ra trong giai đoạn 2006-2010 đều đạt và vượt. Quy mô trẻ mầm non đến trường cao, chất lượng đảm bảo. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS luôn được duy trì và nâng cao.

+ Có hệ thống mạng lưới các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học và Trung tâm GDTX, Trung tâm HTCĐ phát triển khoa học và hợp lý đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có 334 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt tỷ lệ 51,9%) ở các cấp học và nhiều trường có điều kiện để đầu tư xây dựng thành trường chuẩn Quốc gia giai đoạn tiếp theo. Công tác xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD đã được chú trọng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành đã ổn định và có những chuyển biến tích cực. Định mức giáo viên/lớp đạt tỉ lệ theo quy định đảm bảo giảng dạy đầy đủ các môn trong các trường học. Tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành đạt 46%, đa số đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp giữ vững phẩm chất chính trị, có tinh thần và trách nhiệm trong công tác và giảng dạy.

+ Về xây dựng cơ sở vật chất trường học: Trong 5 năm qua toàn ngành giáo dục đã huy động được trên một nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn: Vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh, vốn thu tiền sử dụng đất, vốn chương trình 135, vốn viện trợ quốc tế, vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng trên hai nghìn phòng học, nhà làm việc ban giám hiệu, phòng học bộ môn… Đến nay đa số các trường đã được xây dựng kiên cố hóa, khang trang đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tạo ra chất lượng và hiệu quả giáo dục- đào tạo cao.

+ Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và thực hiện ngày càng có hiệu quả cao. Các loại hình giáo dục, đào tạo được mở ra theo hướng đa dạng hóa các loại hình trường lớp ngày càng thích ứng và đạt hiệu quả.

+ Hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp ở Thái Nguyên có số lượng khá lớn so với các tỉnh thành trong cả nước, các cấp độ và ngành nghề đào tạo tương đối toàn diện; nhiều trường có uy tín cao trong đào tạo. Thái Nguyên là một trung tâm giáo dục lớn thứ 3 của cả nước. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 09 trường Đại học trong đó Đại học Thái Nguyên gồm 1 khoa và 7 đại học thành viên; 12 trường Cao đẳng; 08 trường trung cấp chuyên nghiệp và nhiều cơ sở dạy nghề của Trung ương và tỉnh đóng trên địa bàn. Hàng năm đào tạo khoảng trên 112.550 người thuộc các hệ nghiên cứu sinh, thạc sỹ, đại học, cao đẳng, trung cấp, nghề dài hạn, ngành nghề đào tạo thuộc các nhóm kỹ thuật, kinh tế - tài chính, văn hóa, du lịch...

Bảng 4: Một số chỉ tiêu kinh tế đáng chú ý của tỉnh

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2001

2005

2010

- Cân đối ngân sách

 

 

 

 

+ Thu ngân sách trên địa bàn

Tỷ đồng

757,697

1814,3

6076,7

+ Chi ngân sách trên địa bàn

Tỷ đồng

756,207

1752,6

5095,3

- Số lượng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Khu

1

5

31

- Số dự án đầu tư nước ngoài

Dự án

32

37

43

- Giá trị kinh ngạch xuất khẩu

Triệu USD

23,400

35,433

94,128

- Giá trị kinh ngạch nhập khẩu

Triệu USD

 

135,025

228,014

- Số trường đại học, cao đẳng

Trường

4

10

21

- Số trường dạy nghề

Trường

7

6

38

(Nguồn: Niên giám thống kê 2001-2010 và Sở Lao động TBXH)

2. Đặc điểm phát triển nhân lực

2.1. Xu hướng biến động dân cư trên địa bàn tỉnh

Dân số tỉnh Thái Nguyên năm 2001 là 1.063,568 nghìn người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động có 722,68 nghìn người, chiếm 67,95% tổng dân số. Năm 2010, dân số toàn tỉnh là 1.131,278 nghìn người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 768,688 nghìn người, chiếm 67,95% tổng dân số. Số lao động đang tham gia hoạt động kinh tế là 679,623 nghìn người chiếm 60,07% dân số. Tốc độ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2001-2010 là 0,62%. Dân số khu vực thành thị là 293,557 nghìn người (chiếm 25,95%), dân số khu vực nông thôn 837,721 nghìn người (chiếm 74,05%).

Lực lượng lao động bình quân giai đoạn 2001-2005 tăng 2,9%, giai đoạn 2006-2010 tăng 2,4%, giai đoạn (2001-2010) là 2,36%/năm có xu hướng giảm dần so với tổng số lao động, nhưng về số tuyệt đối thì lực lượng lao động sau 10 năm của tỉnh tăng 141.335 người.

Theo giới tính: Năm 2001 dân số nữ trung bình là 533,709 nghìn người, chiếm 50,18%; năm 2005 là 549,434 nghìn người, chiếm 50,01%; năm 2010 có 572,364 nghìn người, chiếm 50,59%. Lực lượng lao động nữ năm 2001 là 276,506 nghìn người, chiếm 51,37%, năm 2005 là 310,042 nghìn người, chiếm 51,37%; năm 2010 là 341,710 nghìn người, chiếm 50,28%. Tỷ lệ lực lượng lao động nữ có xu hướng giảm, do Thái Nguyên là tỉnh có khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên và nhiều ngành công nghiệp nặng nên có xu hướng thu hút lao động nam giới trong lĩnh vực này.

Bảng 5. Quy mô dân số và lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh
(giai đoạn 2000-2010)

TT

Chỉ tiêu

2001

2005

2010

Tăng trưởng trung bình (%/năm)

2001-2005

2006-2010

2001-2010

1

Dân số trung bình

1063568

1098491

1131278

0,81%

0,59%

0,62%

 

- Nam

529859

549434

558914

0,91%

0,34%

0,54%

 

- Nữ

533709

549057

572364

0,71%

0,83%

0,70%

 

- Thành thị

239528

263869

293557

2,45%

2,16%

2,05%

 

- Nông thôn

824040

834622

837721

0,32%

0,07%

0,16%

2

Dân số trong độ tuổi lao động

722680

746410

768688

0,81%

0,59%

0,62%

3

Lực lượng lao động (trong độ tuổi chia theo giới tính)

538288

603575

679623

2,90%

2,40%

2,36%

+

Nam

261782

293533

337913

2,90%

2,86%

2,59%

+

Nữ

276506

310042

341710

2,90%

1,96%

2,14%

(Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên)

2.2. Cơ cấu lao động

Lực lượng lao động của tỉnh Thái Nguyên nhìn chung thuộc loại trẻ, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao, trong tổng số 768,688 nghìn người từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, trong đó có 679,623 nghìn người đủ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế, chiếm tỷ lệ 60,08% dân số.

Lực lượng lao động nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất 14,64% tiếp đến là nhóm tuổi từ đủ 20-24, chiếm 14,39%; thấp nhất là nhóm tuổi 55-59, chiếm tỷ lệ 4,19% và 50-54 chiếm 6,49%.

Bảng 6. Cơ cấu theo nhóm tuổi của lực lượng lao động năm 2010

Nhóm tuổi

Tổng số

Thành thị

Nông thôn

Số người

%

Số người

%

Số người

%

1. Tổng số

864220

100

235542

100

628678

100

15-19

126490

14,64

35070

14,89

91420

14,54

20-24

124394

14,39

38865

16,50

85529

13,60

25-29

101099

11,70

24533

10,42

76566

12,18

30-34

91407

10,58

21186

8,99

70221

11,17

35-39

80730

9,34

19639

8,34

61091

9,72

40-44

78562

9,09

17926

7,61

60636

9,65

45-49

73708

8,53

20433

8,67

53275

8,47

50-54

56124

6,49

19402

8,24

36722

5,84

55-59

36174

4,19

12776

5,42

23398

3,72

60+

95532

11,05

25712

10,92

69820

11,11

2. Nguồn nhân lực độ tuổi 6t-14t

165543

14,63 (so với tổng số dân)

 

 

 

 

(Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên)

2.3. Đặc điểm nhân lực của tỉnh:

2.3.1. Trình độ học vấn của nhân lực

Bảng 7. Lực lượng lao động theo trình độ học vấn giai đoạn 2001-2010

Chỉ tiêu

2 001

2 005

2 010

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Tổng số: (1000 người)

538288

100

603575

100

679623

100

1. Chưa biết chữ

5 994

1,11%

3199

0,53%

2 768

0,41%

2. Chưa tốt nghiệp tiểu học

45 057

8,37%

23391

3,88%

32 185

4,74%

3. Tốt nghiệp tiểu học

153 084

28,44%

152272

25,23%

171 183

25,19%

4. Tốt nghiệp trung học cơ sở

242 798

45,11%

281708

46,67%

281 714

41,45%

5. Tốt nghiệp trung học phổ thông

91 355

16,97%

143005

23,69%

191 774

28,22%

(Nguồn: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên)

Trình độ học vấn của nhân lực Thái Nguyên cao hơn mức bình quân của vùng Trung du-Miền Núi Bắc Bộ và của cả nước. Tỷ trọng người tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là 69,6% (trong đó tốt nghiệp trung học cơ sở là 41,45%, tốt nghiệp trung học phổ thông là 28,2%). Các chỉ tiêu tương ứng của cả nước là 53,5%; 32,7% và 20,8%.

Trình độ học vấn của nhân lực được nâng lên đáng kể trong thời gian qua. Tỷ trọng nhóm người có trình độ học vấn cao (tốt nghiệp trung học phổ thông) tăng 2,1 lần về số lượng tuyệt đối (từ 91.355 người năm 2001 lên 191.774 người năm 2010) và tăng gần 1,7 lần về tỷ trọng (từ gần 16,97% năm 2001 lên 28,22% năm 2010), còn tỷ trọng nhóm người có trình độ học vấn thấp (chưa biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học) giảm gần 1/2 lần sau 10 năm (2001-2010), từ 9,68% năm 2000 xuống còn 5,15% năm 2010.

2.3.2. Nhân lực theo trình độ đào tạo

Bảng 8. Lực lượng lao động theo trình độ đào tạo giai đoạn 2001-2010

Năm

Đơn vị tính

2001

2005

2010

Tốc độ tăng bình quân năm

2001-2005

2006-2010

2001-2010

Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân

Người

538288

603575

679623

0,46%

0,48%

0,24%

Tổng số nhân lực qua đào tạo

Người

84511

145824

152643

2,31%

3,02%

1,33%

% so với tổng số lao động đang làm việc

%

15,69

24,16

22,46

 

 

 

Trong đó

 

 

 

 

 

 

 

1) Hệ đào tạo nghề

Người

43440

68264

160183

1,89%

3,72%

1,39%

% so với lao động đang làm việc

%

8,07

11,31

23,57

 

 

 

% so với tổng số nhân lực qua đào tạo

%

50,40%

46,81%

54,32%

 

 

 

+ Sơ cấp và không bằng

Người

22818

42 310

108195

2,63%

4,13%

1,68%

% so với tổng số nhân lực qua đào tạo

%

27,00%

29,01%

36,69%

 

 

 

+ Trung cấp nghề

Người

20621

25 954

43054

0,94%

2,13%

0,76%

% so với tổng số nhân lực qua đào tạo

%

24,40%

17,80%

14,60%

 

 

 

+ Cao đẳng nghề

Người

 

 

8935

 

 

 

% so với tổng số nhân lực qua đào tạo

%

 

 

3,03%

 

 

 

2) Hệ giáo dục và Đào tạo

Người

41071

77560

134705

2,71%

2,33%

1,26%

% so với tổng số nhân lực qua đào tạo

 

48,60%

53,19%

45,68%

 

 

 

+ Trung cấp chuyên nghiệp

Người

22732

35840

39952

1,91%

0,23%

0,53%

% so với tổng số nhân lực qua đào tạo

%

26,90%

24,58%

12,87%

 

 

 

+ Cao đẳng

Người

5616

11264

29017

2,99%

4,17%

1,78%

% so với tổng số nhân lực qua đào tạo

%

6,65%

7,72%

9,84%

 

 

 

+ Đại học

Người

12278

29184

64463

3,78%

3,43%

1,80%

% so với tổng số nhân lực qua đào tạo

%

14,53%

20,01%

21,86%

 

 

 

+ Trên đại học

Người

445

1211

3273

4,43%

4,40%

2,21%

% so với tổng số nhân lực qua đào tạo

%

0,53%

0,83%

1,11%

 

 

 

(Nguồn: Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên)

Lực lượng lao động qua đào tạo của tỉnh Thái Nguyên ở mức trung bình, gần tương đương với cả nước. Tổng số lao động qua đào tạo năm 2010 là 294.888 người, chiếm 43,39% tổng lực lượng lao động của tỉnh.

Số lao động qua đào tạo (có CMKT) tăng nhanh trong thời gian qua. Sau 10 năm (2001-2010) tổng số lao động qua đào tạo tăng thêm được 210.377 người (tốc độ tăng đạt 1,33%/năm, cao hơn 5 lần tốc độ tăng lao động làm việc). Do đó, tỷ trọng lao động qua đào tạo trong tổng số lao động làm việc tăng từ 15,7% (năm 2001) lên 43,39% năm 2010.

2.3.3. Nhóm lao động đặc biệt

a, Đội ngũ cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể:

Những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt, được tăng cường về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt. Tính đến 31/12/2010, tổng số cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện và cấp xã như sau:

Cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện 2.841 người, trong đó khối Đảng, đoàn thể 1041 người, khối Nhà nước 1800 người. Về trình độ chuyên môn 2117 người có trình độ đại học (74,5%); 211 người có trình độ thạc sĩ (7,43%) và 9 người có trình độ tiến sĩ (0,32%).

Cán bộ công chức cấp xã 3550 người, trong đó cán bộ chuyên trách 2055 người, công chức cấp xã 1495 người. Về trình độ chuyên môn đại học 490 người (13,8%), trung cấp, cao đẳng 1413 người (39,8%).

Đa số cán bộ, công chức của tỉnh đều có tinh thần trách nhiệm, có năng lực công tác, phẩm chất đạo đức tốt, nỗ lực cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao, là lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ giai đoạn 2005-2010.

b, Đội ngũ cán bộ, công chức khối quản lý nhà nước

* Đội ngũ cán bộ lãnh đạo

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo có sự gia tăng về mặt số lượng, đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, quản trị, trong các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách của nhà nước. Trong giai đoạn 2000 -2010, số lượng cán bộ lãnh đạo của tỉnh tăng trung bình khoảng 3,83%/ năm (từ 1.858 người năm 1999 lên 2.808 người năm 2010).

Trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo được cải thiện đáng kể. Số người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên tăng trung bình 9,66%/năm giai đoạn 2000-2010 (từ 763 người năm 1999 lên 2.105 người năm 2010), trong đó số người có trình độ đại học tăng 7,86%/năm, số người có trình độ thạc sĩ tăng 16,98%, số người có trình độ tiến sĩ tăng 2,31%.

Bảng 9: Trình độ cán bộ lãnh đạo giai đoạn 1999-2010

Đơn vị tính: Người

Năm

 

 

Chỉ tiêu

1999

2005

2010

Tăng trưởng bình quân (%)

2000-2005

2006-2010

2000-2010

Tổng số cán bộ lãnh đạo

1858

2514

2808

5,17

2,24

3,83

Trình độ đại học trở lên so với tổng số

763

1609

2105

13,24

5,52

9,66

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

- Cử nhân

648

1327

1490

12,69

2,34

7,86

Tỷ lệ (%) đại học so với tổng số

34,88

71,42

80,19

 

 

 

- Thạc sĩ

108

275

606

16,86

17,12

16,98

Tỷ lệ (%) thạc sĩ so với tổng số

5,81

14,80

32,62

 

 

 

- Tiến sĩ

7

7

9

0,00

5,15

2,31

Tỷ lệ (%) tiến sĩ so với tổng số

0,38

0,38

0,48

 

 

 

(Nguồn: Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên)

* Công chức, viên chức

Đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh Thái Nguyên có sự gia tăng về số lượng. Trong vòng 11 năm từ 1999-2010, lực lượng công chức, viên chức của tỉnh đã tăng từ 18.227 người năm 1999 lên 22.251 người năm 2010, tốc độ tăng bình quân 1,83%/năm. Tỷ lệ công chức viên chức có trình độ đại học trở lên tăng từ 23,39% năm 1999 lên 45,22% năm 2010 điều này khẳng định chất lượng công chức của tỉnh ngày càng được củng cố và tăng cường.

Đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh có phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ các tổ chức và công dân tận tình, chu đáo. Ý thức tổ chức kỷ luật tốt, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước. Đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh cơ bản đã cập chuẩn theo yêu cầu của từng lĩnh vực công tác. Tuy nhiên tỷ lệ công chức viên chức đã được đào tạo lại thiếu hụt về lý luận chính trị, trình độ ngoại ngữ còn yếu, phần đông cán bộ trẻ có kiến thức, trình độ học vấn, năng động, sáng tạo nhưng lại thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành.

Bảng 10: Số lượng trình độ đào tạo của đội ngũ công chức, viên chức giai đoạn 1999-2010

Đơn vị tính: Người

Năm

1999

2005

2010

Tăng trưởng bình quân (%)

2000-2005

2006-2010

2000-2010

Tổng số công chức, viên chức

18227

18329

22251

0,09

3,95

1,83

Trình độ cử nhân trở lên so với tổng số

5205

6168

10018

2,87

10,19

6,13

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

- Cử nhân

5086

5881

9403

2,45

9,84

5,75

Tỷ lệ (%) cử nhân so với tổng số

22,86

26,43

42,46

 

 

 

- Thạc sĩ

112

280

606

16,5

16,70

16,59

Tỷ lệ (%) thạc sĩ so với tổng số

0,5

1,26

2,72

 

 

 

- Tiến sĩ

7

7

9

0,00

5,15

2,31

Tỷ lệ (%) tiến sĩ so với tổng số

0,03

0,03

0,04

 

 

 

(Nguồn: Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên)

2.3.4. Đặc điểm tâm lý-xã hội (phong tục, tập quán, truyền thống, lối sống, văn hoá…) của nhân lực

Thái Nguyên là một trong những tỉnh bắt đầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá sớm (từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, khi bắt đầu triển khai xây dựng Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên). Vì vậy, trong quá trình này đã hình thành và xây dựng được đội ngũ nhân lực công nghiệp tương đối sớm (chủ yếu là ở các đô thị và khu công nghiệp).

Tuy nhiên, cho đến nay phần lớn nhân lực vẫn còn tập trung ở khu vực nông thôn, làm nông nghiệp và có một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận lối sống và phong cách lao động mới. Vì vậy, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động của bộ phận nhân lực này còn mang nặng tính tiểu nông, tuỳ tiện, tinh thần, ý thức hiệp đồng, hiệp tác trong lao động còn yếu kém, trong khi đó lại bị tác động tiêu cực bởi những phong tục, tập quán lạc hậu, ý thức cam chịu, dễ thoả mãn với hiện tại... dẫn đến hậu quả là nhân lực của Thái Nguyên chưa được huy động, tổ chức tốt nhằm phát huy hết những khả năng tiềm tàng sẵn có.

3. Hiện trạng đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh

3.1. Đại học-cao đẳng

Thái Nguyên là một trong 3 trung tâm đào tạo sinh viên trình độ đại học, cao đẳng lớn của cả nước. Với vị trí là trung tâm đào tạo trình độ cao của vùng TD-MN Bắc Bộ, mạng lưới trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh phát triển rộng, đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực trình độ cao cho tỉnh và các tỉnh khác trong vùng. Trong giai đoạn 2000-2010 Đại học Thái Nguyên đã đào tạo hệ đại học chính quy cho khu vực trung du miền núi phía bắc 21.237 người, trong đó số con em là người Thái Nguyên 7.568 người.

Bảng 11: Số sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp ra trường giai đoạn 2000-2010 của Đại học Thái Nguyên

Đơn vị tính: Người

TT

Trường

 

 

 

Tỉnh

ĐH Sư phạm

ĐH Nông lâm

ĐH Kỹ thuật CN

ĐH Y Dược

ĐH KT QTKD

ĐH Khoa học

Khoa CNTT

Tổng số

1

Hà Giang

308

93

43

100

12

4

0

560

2

Cao Bằng

704

144

72

150

32

14

11

1127

3

Bắc Kạn

237

135

40

66

33

5

13

529

4

Tuyên Quang

540

300

164

149

65

10

11

1239

5

Lào Cai

229

137

83

157

37

3

15

661

6

Điện Biên

96

18

9

25

8

1

4

161

7

Lai Châu

214

52

55

79

5

0

4

161

8

Sơn La

214

56

68

73

10

7

8

436

9

Yên Bái

358

231

154

175

56

16

14

1004

10

Hoà Bình

358

78

113

121

28

5

16

719

11

Thái Nguyên

2319

1526

1990

528

827

216

252

7568

12

Lạng Sơn

533

128

52

114

52

11

10

900

13

Bắc Giang

1029

749

917

542

190

90

104

3621

14

Phú Thọ

345

201

325

159

119

31

33

1213

15

Quảng Ninh

473

138

191

94

66

98

30

1090

Tổng số

7957

3986

4276

2532

1540

511

525

21237

(Nguồn: Đại học Thái Nguyên)

Trên địa bàn tỉnh có 12 trường cao đẳng (bao gồm cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp) (100% là công lập) với 1.668 giáo viên và 27.483 sinh viên đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng các nhóm nghề công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, y tế, nông-lâm nghiệp... và 09 trường đại học trong đó 07 trường và 01 khoa đại học thuộc Đại học Thái Nguyên, tổng số giáo viên đại học năm 2010 là 2.372 người. Tổng số sinh viên năm 2010 là 86.678.

Các trường cao đẳng, đại học được trang bị những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất-kỹ thuật để triển khai các hoạt động đào tạo và đảm bảo cuộc sống tinh thần cho sinh viên.

3.2. Dạy nghề

Một trong những thế mạnh và thuận lợi của Thái Nguyên là có một số trường dạy nghề thuộc các Tổng Công ty lớn được thành lập từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo công nhân kỹ thuật trình độ cao cho các ngành cơ khí, luyện kim, hoá chất, xây dựng... Những trường dạy nghề này không những có đủ khả năng cung cấp công nhân kỹ thuật trình độ cao cho nhiều ngành, nghề công nghiệp, xây dựng trong tỉnh mà còn có thể cung cấp cho vùng Miền núi-Trung du Bắc Bộ.

Hệ thống cơ sở dạy nghề trong tỉnh gồm nhiều hình thức khác nhau (trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, cơ sở dạy nghề và tổ chức dạy nghề trong các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp...) hàng năm đào tạo khoảng 16.000-18.000 người theo các hình thức khác nhau, trong đó khoảng 22-24% theo hình thức đào tạo dài hạn, 76-78% theo hình thức ngắn hạn.

- Trường dạy nghề và trường chuyên nghiệp: Toàn tỉnh có 33 trung tâm dạy nghề, 7 trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, 12 Trường Cao đẳng.

- Tổ chức dạy nghề trong các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: Có 20 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tổ chức hoạt động dạy nghề theo các hình thức dài hạn và ngắn hạn với quy mô khoảng 4.000-4.500 học sinh/năm.

Bảng 12: Hiện trạng năng lực đào tạo tại tỉnh Thái Nguyên năm học 2009-2010

Trường

Diện tích (ha)

Giáo viên

Sinh viên; học viên

Tổng số

Đại học

Thạc sĩ

Tiến sĩ

GS, PGS

Hệ giáo dục (Bộ GD và ĐT)

 

 

 

 

 

 

 

I. Đại học

 

 

 

 

 

 

 

1. Trương Đại học khoa học

10,5

213

82

118

13

4

4045

2. Trương Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh

20,65

208

77

114

17

4

6320

3. Trường Đại học Y - Dược

3,6

298

118

136

34

10

7855

4. Trường Đại học Sư phạm

16,85

417

93

263

41

20

11057

5. Trường Đại học Nông Lâm

92,5

484

209

142

67

23

11836

6. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp

50,15

534

273

235

18

8

16213

7. Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông

14,5

131

68

43

7

13

6023

8. Trường Đại học công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở Thái Nguyên)

6,5

49

21

23

0

0

2129

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

II. Cao đẳng

 

 

 

 

 

 

 

1. Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính

6

169

90

78

1

0

6800

2. Trường Cao đẳng Sư phạm

6,23

125

46

61

1

0

4073

3. Trường Cao đẳng Y tế

32,56

107

67

35

0

0

3838

4. Trường Cao đẳng Cơ khí luyện kim

7,8

170

74

94

2

0

3444

5. Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật

24,5

187

99

80

7

1

2854

6. Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch

4

115

79

35

1

0

3595

7. Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức

13

222

117

105

0

0

5260

8. Trường Cao đẳng Công nghệ và kinh tế công nghiệp

11

209

125

84

0

0

6200

9. Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc

1,3

49

21

28

0

0

769

10. Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc VINACOMIN

12

112

58

8

0

0

3625

11. Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên

10

130

77

46

2

0

3471

12. Trường Cao đẳng nghề Cơ điện luyện kim

8

168

101

67

0

0

6900

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

III. Trung cấp CN và dạy nghề

 

 

 

 

 

 

 

1.Trường TCN Nam Thái Nguyên

 

40

40

0

0

0

1800

2. Trường TCN Tiến Bộ TB.CO

 

10

10

0

0

0

700

3. Trường TCN Thái Hà

 

35

35

0

0

0

500

4. Trường TCN GTVT Thái Nguyên

 

40

40

0

0

0

1400

5. Trường TH BCVT&CNTT

3,6

40

30

10

0

20

300

6. Trường TCN Thái Nguyên

12

65

28

6

0

0

518

7. Trường TCN số 1 Bộ Quốc phòng

 

139

139

 

 

 

2800

8. Trường Trung cấp Luật

 

30

29

1

 

 

300

9. Trung tâm DN Thanh niên TN

 

5

 

 

 

 

1 200

10. Trung tâm DN Thái Nguyên

 

0

 

 

 

 

1 200

11. Trung tâm DN và HTVL nông dân

 

24

24

 

 

 

760

12. Trung tâm DN 20/10 Phụ nữ TN

 

8

8

 

 

 

1 500

13. Trung tâm DN TX. Sông Công

0,32

5

5

 

 

 

430

14. Trung tâm DN huyện Phú Bình

 

26

26

 

 

 

1 000

15. Trung tâm DN huyện Phú lương

 

5

5

 

 

 

1 000

16. Trung tâm DN huyện Đại Từ

 

16

16

 

 

 

1 000

17. Trung tâm DN huyện Định Hoá

1,2

10

10

 

 

 

400

18. Trung tâm DN huyện Đồng Hỷ

 

10

10

 

 

 

1 000

19. Trung tâm DN huyện Võ Nhai

 

4

4

 

 

 

400

20. Trung tâm DN công-nông-nghiệp TN

 

3

3

 

 

 

200

21. Trung tâm DN VAC Thái Nguyên

 

13

13

 

 

 

350

22. Trung tâm DN Điện tử tin học

 

13

13

 

 

 

500

23. Trung tâm DN và GTVL Việt Bắc

 

4

4

 

 

 

400

24. Trung tâm DN và XKLĐ

 

8

8

 

 

 

400

25. Trung tâm GTVL Thái Nguyên

 

5

5

 

 

 

800

26. Trung tâm GTVL TP. Thái Nguyên

 

3

3

 

 

 

800

27. Trung tâm GTVL các Khu CN tỉnh

 

3

3

 

 

 

200

28. Trung tâm DN Người tàn tật TN

 

13

13

 

 

 

200

29. Trường GD và HTTE bị thiệt thòi

 

4

4

 

 

 

100

30. TT ĐT tin học ngoại ngữ EDULINHK

 

7

7

 

 

 

300

31. Trung tâm ĐT và ứng dụng CNC

 

4

4

 

 

 

220

32. CT. CP Hợp tác quốc tế Thái Nguyên

 

3

3

 

 

 

100

33. CT. CP ĐTN Sông Công

0,15

10

10

 

 

 

160

34. Cơ sở DN doanh nghiệp Phú Thuỷ

 

3

3

 

 

 

50

35. Trung tâm Đào tạo nghề-CTCP may

 

8

8

 

 

 

1 200

36. Doanh nghiệp Thành Tài

 

4

4

 

 

 

100

37. Trung tâm đào tạo kinh doanh NEVI

 

4

4

 

 

 

50

38. Trung tâm đào tạo DELTA

 

3

3

 

 

 

50

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

(Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các Trường cung cấp)

4. Hiện trạng sử dụng nhân lực

4.1. Năng suất lao động

Hiệu quả tổng hợp sử dụng nhân lực thể hiện bằng năng suất lao động. Nhìn chung, hiệu quả sử dụng nguồn lao động thể hiện bằng năng suất lao động của Thái Nguyên còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước.

Xét trên bình diện chung toàn bộ nền kinh tế, năng suất lao động của Thái Nguyên chỉ bằng 60,1% mức trung bình cả nước. Năng suất lao động của ngành công nghiệp Thái Nguyên, mặc dù về số tuyệt đối đạt mức tương đối cao (do có nhiều ngành công nghiệp nặng), nhưng cũng chỉ bằng 69,5% mức trung bình của cả nước. Nguyên nhân chính là do trình độ công nghệ của một số ngành công nghiệp còn thấp, sử dụng lao động thủ công còn phổ biến, cơ cấu ngành chủ yếu là khai thác nguyên liệu, nên hầu hết các sản phẩm công nghiệp của Thái Nguyên đều có giá trị thấp, mẫu mã đơn điệu và chủ yếu sử dụng cho tiêu dùng nội địa. Năng suất lao động của khu vực nông-lâm nghiệp của Thái Nguyên bằng 59,5% mức trung bình của cả nước. Đặc biệt, năng suất lao động khu vực dịch vụ của Thái Nguyên còn rất thấp so với mức trung bình của cả nước (chỉ bằng 42,7%).

Mặc dù, năng suất lao động Thái Nguyên thấp so với mức trung bình của cả nước, song có tốc độ tăng tương đối nhanh. Năng suất lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng tăng nhanh (bình quân giai đoạn 2001-2010 là 15,01%), tiếp đó là khu vực dịch vụ (bình quân giai đoạn 2001-2010 là 12,95%). Song về giá trị tuyệt đối năng suất lao động trong ngành công nghiệp bình quân tăng 6,71 triệu đồng/năm, năng suất lao động trong ngành dịch vụ tăng khoảng 3,74 triệu đồng/ năm. Trong khi năng suất lao động trong ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản tăng thấp bình quân 0,57 triệu đồng/ năm.

Do đó, để tăng cao hơn nữa năng suất lao động, trước hết cần đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động trong các ngành công nghiệp, theo đó cần mở rộng và tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế tác, tăng cường chế biến sâu trên cơ sở đổi mới công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm. Đồng thời, phải chuyển đổi mạnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển mạnh khu vực dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ chất lượng cao có giá trị gia tăng lớn không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn cả khách du lịch và người nước ngoài. Đặc biệt, phải chú trọng thực hiện các giải pháp tăng cường đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng lao động và đổi mới quản lý nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của tỉnh.

Bảng 13: Năng suất lao động của các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh

Đơn vị tính: Triệu đồng

Ngành

2001

2005

2010

Bình quân 2001-2010 (%)

I. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

3,66

3,9

9,36

0,57

9,84%

II. Công nghiệp và xây dựng

22,02

36,18

89,14

6,71

15,01%

2.1 . Công nghiệp khai thác mỏ

12,12

40,7

50,29

3,82

15,29%

2.2. Công nghiệp chế biến

21,97

40,31

111,12

8,92

17,60%

2.3. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước

40,53

69

91,6

5,11

8,50%

2.4. Xây dựng

27,77

20

37,23

0,95

2,97%

III. Ngành dịch vụ

15,72

21,38

53,11

3,74

12,95%

3.1. Thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình

10,71

14,38

33,71

2,30

12,15%

3.2. Khách sạn và nhà hàng

11,2

10,75

21,46

1,03

6,72%

3.3. Vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc

23,92

47,11

89,52

6,56

14,11%

3.4. Tài chính, tín dụng

51,2

102,5

235,5

18,43

16,49%

3.5. Hoạt động khoa học và công nghệ

1,38

4,23

6,06

0,47

15,95%

3.6. Các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn

85,83

88,49

454,48

36,87

18,14%

3.7. Quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh, đảm bảo xã hội bắt buộc

14,8

34,16

124,7

10,99

23,75%

3.8. Giáo dục và đào tạo

13,32

20,1

59,8

4,65

16,20%

3.9. Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội

14,07

20,73

70,23

5,62

17,44%

3.10. Hoạt động văn hoá và thể thao

14,24

32,24

86,36

7,21

19,75%

3.11. Các hoạt động Đảng, đoàn thể và hiệp hội

6

7,04

9

0,30

4,14%

3.12. Hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng

12,28

16,91

45,58

3,33

14,01%

3.13. Hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ tư nhân

2,13

1,59

3,82

0,17

6,02%

(Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên)

4.2. Trạng thái hoạt động của nhân lực

Trạng thái hoạt động của nhân lực (tính theo số người trong tuổi lao động) của tỉnh trong thời gian qua chuyển biến theo xu hướng tiến bộ: Tỷ lệ người không có việc làm (thất nghiệp) giảm (từ 1,37% năm 2001 xuống 1,2% năm 2010).

Tỷ trọng dân số hoạt động kinh tế tăng từ 74,48% năm 2001 lên 89,61% năm 2010 phản ánh quá trình chuyển dịch tiến bộ trong cơ cấu phân bổ dân số trong tuổi lao động theo trạng thái hoạt động.

Bảng 14: Dân số trong độ tuổi lao động theo trạng thái hoạt động

Tình trạng hoạt động kinh tế

2001

2005

2010

Số người

Cơ cấu (%)

Số người

Cơ cấu (%)

Số người

Cơ cấu (%)

Tổng số

722680

100

746410

100

768688

100

A. Hoạt động kinh tế hiện tại (LLLĐ)

548221

75,86%

612626

82,08%

688818

89,61%

a. Có việc làm

538288

74,48%

603575

80,86%

679623

88,41%

b. Thất nghiệp

9933

1,37%

9051

1,21%

9195

1,20%

B. Không hoạt động kinh tế (ngoài LLLĐ)

174459

24,14%

133784

17,92%

79870

10,39%

(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên))

4.3. Trạng thái việc làm của nhân lực

Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành diễn ra tương đối nhanh, do kinh tế tăng trưởng nhanh với sự dẫn dắt đi đầu của khu vực công nghịêp-xây dựng. Tỷ trọng lao động khu vực nông-lâm-ngư giảm nhanh từ 76,49% năm 2001 xuống còn 67,88 năm 2010 khu vực công nghiệp-xây dựng tăng từ 9,43% lên 15,08%; khu vực dịch vụ tăng từ 14,08% lên 17,05%. Trong tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế tăng thêm của thời kỳ 2001-2010 là 141.335 người thì khu vực công nghịêp-xây dựng có 51.389 người (chiếm gần 36,36% tổng mức gia tăng), khu vực dịch vụ có 39.699 người (chiếm 28,09% tổng mức gia tăng), riêng lao động làm việc trong khu vực nông-lâm-ngư nghịêp giảm tuyệt đối, do có một số lượng nhất định đã di chuyển sang các khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Như vậy, đã có sự biến đổi rất quan trọng về chất đã diễn ra trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cầu lao động theo ngành, trong đó cầu lao động khu vực nông-lâm-ngư giảm tuyệt đối và giảm nhanh về tỷ trọng trong tổng số cầu lao động của tỉnh. Điều đó có nghĩa là, trong thời gian tới, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động sẽ diễn ra với cường độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn, tức là số lao động rút ra khỏi khu vực nông-lâm-ngư sẽ ngày càng lớn. Do đó, việc đào tạo nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn phải được đẩy nhanh để có thể bố trí việc làm cho họ trong các ngành, lĩnh vực phi nông nghiệp.

Về cơ cấu cầu lao động theo thành phần kinh tế :

Trong tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế của tỉnh, khu vực ngoài nhà nước chiếm đến 88,33%, khu vực nhà nước chiếm 10,89%, và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài rất thấp-chỉ có 0,78%.

Về thị trường lao động trên địa bàn tỉnh :

Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn chưa phát triển. Trong tổng số người đang làm việc, chỉ có 106 ngàn người (khoảng 16,8% tổng số) tham gia thị trường lao động (là những người làm công ăn lương, thường tham gia ký kết Hợp đồng lao động).

Phần lớn người tham gia thị trường lao động tập trung ở khu vực nhà nước và ở đô thị (trong tổng số người tham gia thị trường lao động thì khu vực nhà nước chiếm 62,3%, còn khu vực tư nhân chiếm 37,7%; khu vực đô thị chiếm 60,4%, còn khu vực nông thôn chiếm 39,6%). Trong tổng số người tham gia thị trường lao động, nam chiếm 49,72%, nữ chiếm 50,28%.

Vẫn còn đến 83,2% trong tổng số người đang làm việc chưa tham gia thị trường lao động. Đó là những người làm chủ kinh tế hộ gia đình, lao động trong gia đình không hưởng tiền lương, tiền công, người lao động tự tạo việc làm cho mình... Phần lớn họ là những người làm việc ở các ngành nông-lâm nghiệp ở khu vực nông thôn và làm việc ở khu vực phi kết cấu ở thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công, các thị trấn...

Những người không tham gia thị trường lao động thường không giao kết hợp đồng lao động, nên thường không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật công đoàn.... Do đó, họ không được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách lao động (bảo hiểm xã hội, điều kiện vệ sinh an toàn lao động, học nghề...). Vì vậy, hiện tượng này cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện quản lý nhà nước về lao động, việc làm.

5. Đánh giá tổng quan, thách thức và thời cơ

Qua phân tích thực trạng phát triển nhân lực và những điều kiện, yếu tố tác động đến thực trạng phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên, có thể đúc kết những thế mạnh, cơ hội, thách thức đối với sự nghiệp phát triển nhân lực của tỉnh như sau:

Các điểm mạnh

Cơ hội

1. Là trung tâm kinh tế, đào tạo, khoa học, văn hoá của vùng TD-MN Bắc Bộ. Có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo rộng. Cơ sở giáo dục cơ bản phân bố rộng khắp đến từng xã/phường và phần lớn các thôn/bản. Trạng thái cơ sở vật chất bước đầu được nâng cấp, cải thiện.

 

2. Trình độ phát triển giáo dục đạt được ở mức khá cao (về cơ bản đã thực hiện phổ cập tiểu học và chuẩn bị hoàn thành phổ cập THCS, tỷ lệ huy động vào THPT ở mức cao). Chất lượng giáo dục- đào tạo được nâng lên một bước trên diện rộng và chiều sâu.

 

3. Có mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, các trường đại học, cao đẳng phát triển. Đại học Thái Nguyên được xác định là đại học vùng trọng điểm của cả nước. Trên địa bàn tỉnh có 10 trường cao đẳng và 2 trường cao đẳng nghề.

 

4. Đội ngũ giáo viên về cơ bản được chuẩn hoá và dần nâng cao về chất lượng.

 

 

5. Nhân dân có truyền thống hiếu học, có nhận thức đúng về tầm quan trọng của tri thức và sự cần thiết của việc học tập, đào tạo để phát triển nhân lực. Xã hội hoá đào tạo nhân lực được phổ biến và bước đầu đạt được kết quả khá, đức kết được kinh nghiệm.

1. Nằm liền kề với các trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối phát triển, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và với nước ngoài.

 

 

2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhanh, thu nhập của người dân tăng, tạo điều kiện cho huy động các nguồn lực cho giáo dục-đào tạo.

 

 

 

3. Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi Mới trong các lĩnh vực xã hội, trong đó có các ngành, lĩnh vực trực tiếp tác động đến phát triển nhân lực (GD-ĐT, y tế, thể dục thể thao...), sẽ có những chính sách mới tạo cơ hội mới cho phát triển nhanh nhân lực.

 

4. Khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển nhanh, tạo ra những phương thức và công cụ dạy, học mới trong đào tạo nhân lực.

 

5. Hội nhập quốc tế và khu vực, kinh tế tri thức tác động tích cực đến phát triển nhân lực.

 

Điểm yếu

Thách thức

1.Trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng làm việc của đại bộ phận nhân lực còn thấp. Cơ cấu lao động lạc hậu thể hiện trình độ phát triển kinh tế thấp.

2. Mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực nhìn chung còn yếu kém, lạc hậu về trang thiết bị, chưa thu hút được lao động có trình độ cao; trình độ, chất lượng đào tạo còn thấp và chưa gắn với nhu cầu thực tế; mức độ phát triển chưa tương xứng và chưa đáp ứng yêu cầu tăng tốc, đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh.

3. Đội ngũ giáo viên, giảng viên trong các cơ sở đào tạo nhân lực còn chưa đồng bộ, mất cân đối về cơ cấu ngành nghề. Mặc dù tỷ lệ đạt chuẩn cao, song còn chưa được cập nhật đầy đủ về kiến thức trình độ và phương pháp giảng dạy mới, đáp ứng những yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình đào tạo gắn với thực tế nhu cầu xã hội.

4. Đa dạng hoá các loại hình trường, lớp chưa đồng đều, định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh còn khó khăn, chất lượng toàn diện so yêu cầu còn thấp, chất lượng giáo dục thường xuyên và ở các trung tâm học tập cộng đồng còn thấp;

5. Nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước của tỉnh hạn chế; xã hội hoá các ngành, lĩnh vực trực tiếp tác động đến phát triển nhân lực (giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục-thể thao...) trên địa bàn tỉnh còn chưa mạnh so với khả năng và tiềm năng, sức hút còn hạn chế.

1. Nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nhân lực để đáp ứng những yêu cầu mới của sự nghiệp CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

2. Đẩy mạnh CNH, HĐH, kinh tế tỉnh tăng trưởng nhanh, chuyển dịch mạnh đòi hỏi chất lượng, trình độ nhân lực nhanh chóng nâng cao để thu hút các nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.

 

 

3. Sự phát triển và hiện đại hoá nhanh ở các tỉnh lân cận (nhất là Hà Nội và Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang... về các ngành, lĩnh vực khoa học-công nghệ mũi nhọn) có thể thu hút nhân lực trình độ cao của Thái Nguyên.

 

 

4. Hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế thị trường và các vấn đề xã hội làm phát sinh những yêu cầu, đòi hỏi mới tác động đến phát triển nhân lực.

 

 

5. Nhanh chóng đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo nhân lực để gắn với nhu cầu xã hội, với yêu cầu của những người sử dụng nguồn nhân lực.

 

Phần II

PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2012-2020

1. Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh

Thực hiện Quyết định số 58/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm vụ phát triển KT - XH tỉnh Thái Nguyên giai đoạn tới được xác định là:

- Phát triển kinh tế - xã hội Thái nguyên trong thế chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế, trong quá trình đổi mới toàn diện của đất nước; trong sự hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các các địa phương trong vùng trung du miền núi bắc bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Đảm bảo thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa Thái Nguyên với mức trung bình của cả nước, nâng cao dần vị thế của Thái Nguyên, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng trung du miền núi Bắc bộ.

- Phát triển kinh tế nhiều thành phần, giải phóng và phát huy mọi nguồn lực nhằm tạo động lực phát triển với tốc độ nhanh, hiệu quả và bền vững. Từng bước chuyển dịch và hiện đại hoá cơ cấu kinh tế theo hướng: Thúc đẩy nhanh phát triển khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, tài chính; phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế tại các khu cụm công nghiệp như công nghiệp khai khoáng, luyện kim, cơ khí, vật liệu xây dựng chế biến lương thực, thực phẩm, lâm sản...; xây dựng một nền nông - lâm nghiệp đa dạng gắn kết với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, phát triển mạng lưới đô thị và điểm dân cư tập trung kiểu đô thị theo hướng hiện đại, gắn với vành đai nông thôn; nông thôn được phát triển theo hướng văn minh, bảo tồn được các giá trị văn hoá của các làng, bản.

- Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với phát triển xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xoá đói nghèo và các tệ nạn xã hội; giảm dần sự chênh lệch giữa vùng nông thôn, vùng núi cao với vùng đô thị. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Kiên quyết xây dựng nền công nghiệp sạch, dịch vụ sạch và nông nghiệp sạch trong mỗi bước phát triển kinh tế của tỉnh.

- Kết hợp đồng bộ giữa phát triển sản xuất với phát triển kết cấu hạ tầng trên các vùng, kể cả nông thôn và miền núi.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng - an ninh, củng cố hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh.

2. Những nhân tố tác động đến phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020

2.1. Những nhân tố bên ngoài

- Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế

Toàn cầu hoá kinh tế phát triển ngày càng rộng và sâu. Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới kể từ tháng 1 năm 2007. Đồng thời với việc thụ hưởng những lợi ích, là phải bắt đầu lộ trình thực hiện những cam kết. Nhiều thời cơ và thách thức mới xuất hiện. Hội nhập kinh tế quốc tế, Thái Nguyên tiếp cận dễ dàng hơn nhiều với những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại của thế giới, trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, luyện kim, cơ khí-tự động hoá, công nghệ giống cây trồng, vật nuôi, chế biến nông-lâm sản… mà Thái Nguyên có thể tiếp cận được, sẽ tạo điều kiện để tỉnh nhanh chóng đổi mới công nghệ để hiện đại hoá nền kinh tế, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, áp dụng các phương thức quản lý và kinh doanh hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Thái Nguyên có nhiều khả năng hợp tác về nghiên cứu và đào tạo với các nước vì là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề.

- Phát triển khoa học - công nghệ và hình thành nền kinh tế tri thức

Khoa học-công nghệ phát triển với tốc độ rất nhanh trên quy mô thế giới, thúc đẩy hình thành nền kinh tế tri thức trên phạm vi toàn cầu. Thế giới chuyển nhanh từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin rất lớn, tạo nhiều việc làm kể cả trực tiếp trong ngành và gián tiếp trong các ngành khác. Công nghệ thông tin và Internet rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, thay đổi phương pháp tổ chức công việc và phương pháp, công nghệ, phương thức giáo dục, đào tạo. Người lao động có thể làm việc tại nhà và cùng một lúc phối hợp với nhiều người trên khắp thế giới. Học tập qua mạng và học từ xa đang phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới.

Tất cả những biến đổi nhanh chóng đó đòi hỏi trình độ và kỹ năng của nhân lực phải không ngừng nâng lên và thường xuyên thay đổi để phù hợp và kịp bắt nhịp với những cái mới do tiến bộ khoa học-công nghệ đem lại. Đào tạo nhân lực có năng lực thích ứng với những cuộc cạnh tranh diễn ra hàng ngày với mức độ ngày càng gay gắt, đào tạo thế hệ mới doanh nhân, lao động có trí thức khoa học, công nghệ hiện đại, năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh trở thành mục đích hàng đầu của phát triển nhân lực ở các nước trên thế giới, mà tỉnh Thái Nguyên cần phải thực hiện.

2.2. Những nhân tố bên trong

2.2.1. Nhân tố trong nước

Trong giai đoạn đến năm 2020, cả nước dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục đạt được ở mức cao bình quân từ 7- 8%/năm. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85%GĐP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP, giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 35%

Với việc Việt Nam là thành viên đầy đủ của WTO, trong những năm sắp tới, sẽ có rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhiều công ty xuyên quốc gia đầu tư vào Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Nhu cầu nhân lực cho khu vực này sẽ rất lớn, ngoài lao động người Việt Nam ở trong nước, đồng thời kéo theo làn sóng mới lao động người nước ngoài vào làm việc, cạnh tranh gay gắt với lao động Việt Nam. Điều đó đòi hỏi phải nhanh chóng đào tạo được nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động đa dạng cho khu vực này, trong đó có bộ phận lao động chất lượng cao.

2.2.2. Phương hướng, quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên

Tại Quyết định số 58/2007/QĐ-TTg ngày 04 tháng 05 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. Đã xác định sự tác động của phương hướng, quy mô, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đến phát triển nhân lực được thể hiện trên những mặt sau:

- Mục tiêu chung là “Xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế (công nghiệp, thương mại, du lịch), văn hóa, giáo dục, y tế của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và đồng bộ; có nền văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc dân tộc; quốc phòng- an ninh vững mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

- Tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, bền vững, GDP bình quân đầu người tăng nhanh.

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt bình quân 11,1%/năm trong giai đoạn 2006-2010, trong khoảng 12-13,%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 12,5-13,0%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tăng trưởng của các ngành trong cả giai đoạn 2012-2020 là: Nông - lâm - thuỷ sản tăng trưởng khoảng 5-5,5%/năm, công nghiệp - xây dựng khoảng 13,5-14,5%/năm, dịch vụ khoảng 12,5-13,5%/năm.

+ GDP/người đạt trên 800 USD vào năm 2010, khoảng 1.300-1.400 USD năm 2015 và khoảng 2.200-2.300 USD vào năm 2020.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng CNH, HĐH. Năm 2010 cơ cấu kinh tế của tỉnh là Nông lâm nghiệp, Thuỷ sản 21,08%; Công nghiệp - xây dựng 41,6%; Dịch vụ 37,32%. Năm 2015 cơ cấu là Nông lâm nghiệp, thuỷ sản 15%; Công nghiệp - xây dựng 46,5%; Dịch vụ 38,5%. Năm 2020 cơ cấu là Nông lâm nghiệp, thuỷ sản 9,8%; Công nghiệp - xây dựng 45,7%; Dịch vụ 44,5%.

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh sẽ chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, đặc biệt khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh hơn hẳn trong giai đoạn sau 2010. Trong tổng GDP, năm 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 45,0%, dịch vụ 38-39% và nông - lâm nghiệp - thủy sản khoảng 16-17%; năm 2015 tương ứng đạt 46 - 47%, 39 - 40% và 13 - 14%; và năm 2020 tỷ trọng các ngành tương ứng là 47-48%, 42-43%, và 9-10%.

- Đảm bảo tốc độ đổi mới công nghệ đạt khoảng 14-16%/năm trong giai đoạn đến năm 2010 và 16-18% năm trong giai đoạn đến năm 2020. Phấn đấu để một số lĩnh vực khoa học - công nghệ của Thái Nguyên đạt trình độ trung bình của các nước trong khu vực vào năm 2020.

Là một tỉnh miền núi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, Thái Nguyên sẽ tiếp tục được hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước về đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế, xoá đói-giảm nghèo... phục vụ cho phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số và nhân dân các cùng núi cao, vùng sâu, vùng xa.

3. Quan điểm và mục tiêu phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020

3.1. Quan điểm phát triển

Phát triển kinh tế gắn với phát triển nhân lực và lấy phát triển nhân lực là động lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Phát triển nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Mở rộng quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo phát triển nhân lực, đặc biệt coi trọng xây dựng, phát triển nhân lực có trình độ cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh.

3.2. Mục tiêu phát triển nhân lực đến năm 2020

3.2.1. Mục tiêu tổng quát

- Xác định nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực trong từng giai đoạn phát triển đối với ngành, lĩnh vực mà tỉnh Thái Nguyên có lợi thế so sánh. Nâng cao chất lượng nhân lực, phát huy vai trò quyết định của yếu tố con người để cải thiện chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, đưa nhân lực trở thành lợi thế quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo yêu cầu nhân lực để tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

- Tạo nguồn nhân lực có thể lực tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, có năng lực tự học cao, có khả năng thích ứng trong các môi trường làm việc; từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng chuẩn khu vực và từng bước đạt chuẩn quốc tế.

- Giữ vững vai trò Thái Nguyên là một trong ba trung tâm đào tạo nhân lực có chất lượng cao của cả nước.

3.2.2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao trình độ học vấn làm tiền đề cho đào tạo nhân lực. Trước năm 2020, dân số trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 21 tuổi đạt tiêu chuẩn phổ cập bậc trung học là 90% ở khu vực thành phố, thị xã và 80% ở khu vực nông thôn.

- Về đào tạo nhân lực

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt mức 55% và đến năm 2020 đạt 70%.

+ Xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật theo 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề). Tăng quy mô số người tuyển mới dạy nghề và tham gia học nghề hàng năm khoảng trên 8% để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 70%. Đảm bảo 100% người lao động thất nghiệp có nhu cầu đào tạo nghề mới hoặc đào tạo nâng cao để tìm kiếm việc làm mới.

+ Tăng số sinh viên đại học, cao đẳng là người dân Thái Nguyên khoảng 400 sinh viên/10.000 dân vào năm 2020. Tổ chức đào tạo kỹ sư thực hành với cơ cấu ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh.

- Về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức

Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có đủ số lượng và cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa và phát triển; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Cụ thể:

+ Đến năm 2015: toàn tỉnh có 31.300 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, khoảng 15.000 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm khoảng 48% so với tổng số. Đến năm 2020: toàn tỉnh có 38.500 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, khoảng 22.000 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm khoảng 57% so với tổng số.

+ Giai đoạn 2012-205 có khoảng 20% cán bộ, công chức, viên chức cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Giai đoạn 2016-2020 có khoảng 15% cán bộ, công chức, viên chức cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

- Về xây dựng mạng lưới đào tạo nhân lực

+ Xây dựng được mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực theo hướng hiện đại đa trình độ, đa ngành nghề, đa hình thức sở hữu và phân bố hợp lý trên địa bàn tỉnh.

+ Tổ chức điều tra, cập nhật nhu cầu đào tạo của xã hội, đào tạo theo địa chỉ, hợp tác, liên kết đào tạo nhân lực có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của tỉnh.

4. Dự báo cung cầu nhân lực đến năm 2020.

4.1. Dự báo tổng số lực lượng lao động (tổng cung lao động) của tỉnh đến năm 2020

Cơ cấu nhân lực theo độ tuổi và theo giới tính:

Dự báo dân số tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở ước lượng giảm tỷ lệ sinh theo xu thế đã được hình thành và tăng cơ học dân số đến năm 2020, được kết quả như sau :

- Về quy mô dân số: năm 2010 có 1.137,6 ngàn người, tăng 39,1 ngàn người so với năm 2005; năm 2015 có 1.190,0 ngàn người, tăng thêm 52,4 ngàn người so với năm 2010 và năm 2020 có 1244,7 ngàn người, tăng thêm 54,8 ngàn người so với năm 2015; Dân số đô thị năm 2010 có khoảng 400-410 ngàn người (chiếm 35% tổng số) và năm 2020 có khoảng 580-600 ngàn người (chiếm trên 45% tổng số).

- Về tốc độ tăng trưởng : tốc độ tăng trưởng dân số bình quân hàng năm thời kỳ 2006-2020 là 0,90-0,95%/năm, trong đó thời kỳ 2006-2010 là 1,10-1,20%/năm, thời kỳ 2011-2015 là 1,00-1,10%/năm và thời kỳ 2016-2020 là 0,80-0,85%/năm. Tốc độ tăng cơ học bình quân khoảng 0,08-0,1%/năm.

Biểu số 15: Dự báo cung lao động giai đoạn 2012-2020

Chỉ tiêu

 

Năm

Dân số (nghìn người)

Lực lượng lao động (nghìn người)

Tỷ lệ LLLĐ/ Dân số (%)

2012

1158,3

723,8

62,5

2013

1168,7

738,4

63,2

2014

1179,3

753,4

63,9

2015

1190

768,7

64,6

2016

1200,7

783,3

65,2

2017

1211,6

798,2

65,9

2018

1222,5

813,4

66,5

2019

1233,6

828,9

67,2

2020

1244,7

844,7

67,9

- Về cơ cấu dân số theo giới, tuổi :

Biểu số 16: Cơ cấu lực lượng lao động theo giới

Năm

LLLĐ

Cơ cấu (%)

LĐ nam

Cơ cấu (%)

LĐ nữ

Cơ cấu (%)

2012

723752

100

367457

50,77

356294

49,23

2013

738417

100

373054

50,52

365364

49,48

2014

753393

100

382170

50,73

371222

49,27

2015

768682

100

390005

50,74

378677

49,26

2016

783286

100

397276

50,72

386010

49,28

2017

798179

100

404636

50,69

393543

49,31

2018

813368

100

412212

50,68

401156

49,32

2019

828857

100

420325

50,71

408532

49,29

2020

844651

100

428309

50,71

416342

49,29

- Kết quả dự báo dân số theo cơ cấu tuổi cho thấy :

Số người trong tuổi lao động tiếp tục tăng về số lượng tuyệt đối cho đến năm 2020.

Nhìn chung, sự thay đổi cơ cấu dân số trong thời kỳ 2012-2020 có thuận lợi như tiếp tục là nguồn cung sức lao động dồi dào. Tuy nhiên, do mức gia tăng dân số trong tuổi lao động giảm dần qua từng thời kỳ 5 năm, nên cần phải có những giải pháp phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động.

4.2 Dự báo nhu cầu lao động giai đoạn 2012-2020 và nhu cầu lao động qua đào tạo:

4.2.1. Dự báo cung lao động giai đoạn 2012-2020

- Tổng số lực lượng lao động (tổng cung lao động)

Kết quả dự báo dân số tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2012-2020 được tính toán dựa trên việc kết hợp Phương pháp nhịp tăng và mục tiêu tăng dân số ghi trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Dự báo lực lượng lao động (cung lao động) trên toàn tỉnh cũng được tính toán theo cách tương tự; theo phương pháp trên tổng cung lao động năm 2015 là 768,7 nghìn người, đến năm 2020 là 844,7 nghìn người. Tỷ lệ lao động/Dân số năm 2015 là 64,6%, năm 2020 là 67,9%.

Biểu số 17: Dự báo cung lao động giai đoạn 2012-2020

Năm

Dân số (nghìn người)

Lực lượng lao động (nghìn người)

Tỷ lệ LLLĐ/ Dân số (%)

2012

1158,3

723,8

62,5

2013

1168,7

738,4

63,2

2014

1179,3

753,4

63,9

2015

1190,0

768,7

64,6

2016

1200,7

783,3

65,2

2017

1211,6

798,2

65,9

2018

1222,5

813,4

66,5

2019

1233,6

828,9

67,2

2020

1244,7

844,7

67,9

4.2.2. Dự báo cầu lao động giai đoạn 2012-2020

- Tổng số (tổng cầu lao động trong nền kinh tế)

Tổng cầu lao động toàn tỉnh được tính toán dựa trên phương pháp hệ số co giãn với biến số độc lập là Giá trị tăng thêm (GDP) của Thái Nguyên trong giai đoạn 2011-2020. GDP được dự báo bằng phương pháp nhịp tăng kết hợp với mục tiêu được duyệt trong Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2012-2020. Tổng cầu lao động năm 2015 là 744,2 nghìn người, đến năm 2020 là 805 nghìn người.

Biểu số 18: Cầu lao động toàn tỉnh giai đoạn 2012-2020

Năm

Tổng cầu lao động (nghìn người)

2012

703,9

2013

717,1

2014

730,5

2015

744,2

2016

756,0

2017

768,0

2018

780,1

2019

792,5

2020

805,0

Cung lực lượng lao động năm 2015 là 768,7 nghìn người đến năm 2020 là 844,7 nghìn người. Cầu lao động năm 2015 là 744,2 đến năm 2020 là 805 nghìn người. Như vậy số người thất nghiệp năm 2015 là 24,5 nghìn người tương đương 3,19%, năm 2020 là 39,7 nghìn người tương đương 4,7%.

Biểu số 19: Cân đối cung – cầu lao động

Năm

Cung lao động (nghìn người)

Cầu lao động (nghìn người)

Thất nghiệp (nghìn người)

Tỷ lệ thất nghiệp (%)

2012

723,8

703,9

19,9

2,75

2013

738,4

717,1

21,3

2,88

2014

753,4

730,5

22,9

3,04

2015

768,7

744,2

24,5

3,19

2016

783,3

756,0

27,3

3,49

2017

798,2

768,0

30,2

3,78

2018

813,4

780,1

33,3

4,09

2019

828,9

792,5

36,4

4,39

2020

844,7

805,0

39,7

4,70

- Phân bố và cơ cấu theo các ngành, lĩnh vực chính.

Đến năm 2015 số lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp là 467,403 nghìn người, ngành công nghiệp xây dựng là 126,532 nghìn người, ngành dịch vụ là 150,308 nghìn người.

Biểu số 20: Cầu lao động trong các ngành cấp I (người)

Năm

LĐ ngành Nông nghiệp

LĐ ngành CN&XD

LĐ ngành Dịch vụ

2011

469025

100306

121550

2015

467403

126532

150308

2020

440365

165003

199652

Biểu số 21: Cầu lao động trong các ngành cấp I (người)

Năm

LĐ ngành Nông nghiệp

LĐ ngành CN&XD

LĐ ngành Dịch vụ

2012

468845

106569

128438

2013

468521

113022

135522

2014

468044

119674

142810

2015

467403

126532

150308

2016

462106

134111

159802

2017

456763

141746

169474

2018

451365

149438

179333

2019

445902

157189

189389

2020

440365

165003

199652

Biểu số 22: Cầu lao động trong một số ngành cấp II thuộc ngành Công nghiệp – Xây dựng (người)

Năm

CN khai thác mỏ

CN chế biến

SX& phân phối điện, khí đốt & nước

Xây dựng

2012

8691

64277

3599

30001

2013

9190

67326

3636

32870

2014

9649

71425

3806

34794

2015

10059

76725

4127

35621

2016

10761

80838

4414

38098

2017

11431

85184

4629

40502

2018

12024

89741

4847

42826

2019

12621

94548

5106

44914

2020

13238

99402

5383

46981

Biểu số 23: Cầu lao động trong một số ngành cấp II thuộc ngành Dịch vụ (người)

Ngành

Năm

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

2012

45957

12619

10523

1624

1614

31

16230

26917

5392

799

5620

1111

2013

48331

13529

11432

1782

1711

29

16830

28129

5704

859

6001

1186

2014

50959

14108

12025

1880

1778

29

17759

29681

6044

909

6387

1249

2015

53535

14631

12192

1897

1807

34

19112

31665

6416

947

6777

1296

2016

57012

15664

13121

2041

1960

36

20158

33499

6777

1005

7142

1387

2017

60475

16684

14023

2181

2099

38

21293

35429

7168

1068

7543

1473

2018

63959

17661

14867

2316

2215

39

22505

37471

7597

1133

8009

1560

2019

67546

18601

15646

2437

2329

41

23817

39625

8033

1196

8472

1645

2020

71199

19586

16430

2558

2448

44

25163

41828

8472

1259

8932

1732

Ghi chú:

1.    Thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình

2.    Khách sạn và nhà hàng

3.    Vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc

4.    Tài chính, tín dụng

5.    Hoạt động khoa học và công nghệ

6.    Các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn

7.    Các hoạt động Đảng, đoàn thể và hiệp hội, Quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh, đảm bảo xã hội bắt buộc

8.    Giáo dục và đào tạo

9.    Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội

10. Hoạt động văn hoá và thể thao

11. Hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng

12. Hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ

4.2.3. Dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo:

Bảng 24: Dự báo nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn

Năm

Chưa qua đào tạo

Tỷ lệ (%)

Qua ĐT nghề & tương đương

Tỷ lệ (%)

THCN

Tỷ lệ (%)

CĐ, ĐH
 trở lên

Tỷ lệ (%)

2012

513771

72.99

112249

15.95

49535

7.04

28296

4.02

2013

521647

72.75

115531

16.11

50975

7.11

28912

4.03

2014

532366

72.87

117252

16.05

51462

7.04

29448

4.03

2015

545440

73.29

117157

15.74

51580

6.93

30066

4.04

2016

552550

73.09

120127

15.89

52846

6.99

30496

4.03

2017

560613

73.00

122479

15.95

53930

7.02

30960

4.03

2018

569490

73.00

124418

15.95

54760

7.02

31467

4.03

2019

578900

73.05

126128

15.92

55484

7.00

31968

4.03

2020

588342

73.08

127907

15.89

56293

6.99

32478

4.03

Biểu số 25: Dự báo nguồn nhân lực phân theo TĐCM trong ngành Nông nghiệp

Năm

Chưa qua đào tạo

Tỷ lệ (%)

Qua ĐT nghề và tương đương

Tỷ lệ (%)

THCN

Tỷ lệ (%)

CĐ, ĐH
 trở lên

Tỷ lệ (%)

2012

413704

88.24

37210

7.94

16383

3.49

1547

0.33

2013

412612

88.07

37468

8.00

16737

3.57

1704

0.36

2014

412798

88.20

37221

7.95

16328

3.49

1696

0.36

2015

413491

88.47

36500

7.81

15763

3.37

1650

0.35

2016

408113

88.32

36480

7.89

15884

3.44

1629

0.35

2017

403124

88.26

36166

7.92

15863

3.47

1609

0.35

2018

398376

88.26

35722

7.91

15657

3.47

1610

0.36

2019

393726

88.30

35216

7.90

15375

3.45

1585

0.36

2020

388928

88.32

34730

7.89

15148

3.44

1559

0.35

Biểu số 26: Dự báo nguồn nhân lực phân theo TĐCM trong ngành Công nghiệp và Xây dựng

Năm

Chưa qua đào tạo

Tỷ lệ (%)

Qua ĐT nghề và tương đương

Tỷ lệ (%)

THCN

Tỷ lệ (%)

CĐ, ĐH
 trở lên

Tỷ lệ (%)

2012

46337

43.48

39971

37.51

13192

12.38

7068

6.63

2013

48984

43.34

42443

37.55

14088

12.46

7507

6.64

2014

51918

43.38

44920

37.54

14890

12.44

7945

6.64

2015

55227

43.65

47375

37.44

15553

12.29

8377

6.62

2016

58372

43.53

50277

37.49

16571

12.36

8891

6.63

2017

61624

43.48

53162

37.51

17558

12.39

9402

6.63

2018

64967

43.47

56046

37.50

18513

12.39

9912

6.63

2019

68379

43.50

58938

37.50

19449

12.37

10423

6.63

2020

71817

43.52

61855

37.49

20393

12.36

10939

6.63

Bảng 27: Dự báo nguồn nhân lực phân theo TĐCM trong ngành Dịch vụ

Năm

Chưa qua đào tạo

Tỷ lệ (%)

Qua ĐT nghề và tương đương

Tỷ lệ (%)

THCN

Tỷ lệ (%)

CĐ, ĐH
 trở lên

Tỷ lệ (%)

2012

42984

33.47

41205

32.08

22342

17.40

21906

17.06

2013

45056

33.25

44009

32.47

23515

17.35

22942

16.93

2014

47564

33.31

46224

32.37

24796

17.36

24225

16.96

2015

50657

33.70

47593

31.66

26217

17.44

25841

17.19

2016

53579

33.53

51092

31.97

27818

17.41

27313

17.09

2017

56689

33.45

54421

32.11

29475

17.39

28889

17.05

2018

59981

33.45

57598

32.12

31188

17.39

30566

17.04

2019

63420

33.49

60693

32.05

32952

17.40

32324

17.07

2020

66929

33.52

63853

31.98

34753

17.41

34117

17.09

+ Theo dự báo, lao động ngành công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ tăng khoảng 126.871 người, trong đó lao động ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 102.144 người năm 2010 lên 126.532 người vào năm 2015 và 165.003 người vào năm 2020; lao động khu vực dịch vụ tăng từ 115.511 người năm 2010 lên 150.308 người vào năm 2015 và 199.652 người vào năm 2020, tính bình quân tăng 8.809 người/năm.

+ Theo đăng ký nhu cầu sử dụng thêm lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng năm cần khoảng 10.000 người để thay thế cho lao động nghỉ chế độ và cơ sở sản xuất kinh doanh bố trí thêm chỗ làm mới.

+ Hàng năm số người có nhu cầu học nghề để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài là từ 2.000 – 3.000 người/năm.

+ Theo thống kê, hàng năm có khoảng 3.000 quân nhân xuất ngũ, trở về địa phương cần đào tạo nghề.

+ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi năm khoảng 13.000 người.

+ Ngoài ra nhu cầu đào tạo lại cho số lao động hiện đã có nghề ở các doanh nghiệp là rất lớn.

Như vậy, hàng năm nhu cầu về lao động cần được đào tạo vào khoảng 50.000 người.

- Dự báo nhu cầu học nghề bình quân mỗi năm: Giai đoạn 2009-2010 mỗi năm khoảng 25.000 người (22.000 người đào tạo nghề mới và 3.000 người đào tạo lại), Giai đoạn 2012-2015 mỗi năm khoảng 27.000 người (23.000 người đào tạo nghề mới và 4.000 người đào tạo lại), Giai đoạn 2016-2020 mỗi năm khoảng 30.000 người (25.000 người đào tạo nghề mới và 5.000 người đào tạo lại).

- Đối tượng học nghề:

+ Học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học THPT, bổ túc trung học, học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp lên cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp.

+ Nông dân chuyển đổi nghề do thiếu đất canh tác.

+ Bộ đội xuất ngũ.

+ Lao động có nghề cần chuyển đổi nghề do nghề cũ không phù hợp.

- Một số nghề, nhóm nghề đang có nhu cầu về lao động qua đào tạo nghề như: thợ may; thợ vận hành máy và thiết bị; thợ cơ khí; lắp ráp máy móc ... . Trong tương lai, nhu cầu nhân lực của các nghề trên sẽ tăng mạnh do tốc độ phát triển của các doanh nghiệp.

5. Phương hướng phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020

5.1. Nâng cao trình độ dân trí tạo điều kiện tiền đề phát triển đào tạo nhân lực

* Phát triển giáo dục toàn diện đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

- Tập trung nâng cao chất lượng học sinh tốt nghịêp cuối cấp để nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được nhập học ở cấp THPT, nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

- Triển khai cải cách, đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục, thực hiện giáo dục toàn diện trong các cấp học từ mầm non đến hết trung học phổ thông theo chương trình chung của Quốc gia và phù hợp với đặc điểm của tỉnh, đảm bảo phát triển con người toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ.

- Thực hiện phân luồng hợp lý học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đảm bảo đến năm 2020, trong tổng dân số trong tuổi đi học bậc phổ thông được phổ cập có 15% học nghề, 15% giáo dục chuyên nghiệp, 70% tốt nghiệp phổ thông và bổ túc.

- Đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp trong các trường học cấp trung học. Gắn học tập với thực hành phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán sản xuất của từng địa phương trong tỉnh (hướng vào phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như công nghiệp khai thác khoáng sản, luyện kim, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt-may, chế biến nông-lâm sản, du lịch...).

- Tăng thêm quy mô thu hút học sinh, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và cải thiện đời sống cho học sinh các Trường dân tộc nội trú trong tỉnh.

- Thực hiện các chương trình mục tiêu về giáo dục đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và các xã vùng khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

- Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thường xuyên và các hoạt động giáo dục cộng đồng.

5.2. Đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn-nghiệp vụ và kỹ năng làm việc cho người lao động

5.2.1. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 55% và năm 2020 đạt 70%. Đến năm 2020 khoảng 40-50% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được thu hút vào các trường nghề.

- Tăng quy mô tuyển sinh học nghề 8,0-10%/năm.

- Tổ chức đào tạo nghề cho người lao động theo các cấp trình độ (3 cấp trình độ chính là sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành) với cơ cấu cấp trình độ đa dạng phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế tỉnh và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh và khu vực.

- Tổ chức đào tạo nghề theo hướng đa dạng cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời tập trung đào tạo công nhân kỹ thuật làm việc trong ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như luyện kim, cơ khí, khai khoáng, hoá chất, xây dựng công nghiệp và dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm sản xuất khẩu...

- Cải tiến nội dung, phương pháp dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo nghề với yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực.

- Tăng cường dạy nghề cho nông dân bằng những hình thức linh hoạt (tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, tham quan...) để giúp họ nâng cao hiệu quả lao động, tạo thêm việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

- Thực hiện các chương trình đào tạo nghề có mục tiêu: Chương tình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, các dự án đào tạo của Chương trình quốc gia giải quyết việc làm và Chương trình xoá đói giảm nghèo...

- Mở rộng các hình thức đào tạo, dạy nghề ngắn hạn cho đồng bào các dân tộc thiểu số với hình thức tổ chức linh hoạt phù hợp với tập quán lao động sản xuất và sinh hoạt của đồng bào.

5.2.2. Phát triển mạnh giáo dục chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học (gồm từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên)

- Tăng quy mô học sinh là người Thái Nguyên được nhập học các cấp từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên.

- Tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được vào học các cấp từ trung cấp chuyên nghịêp đạt khoảng 50-60% năm 2020.

- Đa dạng hoá các hình thức tổ chức đào tạo nghề nghiệp. Cùng với mở rộng quy mô đào tạo trong các trường chính quy để đảm bảo đào tạo nhân lực chất lượng cao và các ngành nghề phức tạp, tăng cường đào tạo nhân lực theo các hình thức đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, đào tạo theo địa chỉ... để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh.

5.3. Giải quyết việc làm, tuyển dụng lực lượng lao động và tăng năng suất lao động

Trong thời kỳ đến năm 2020, nhu cầu giải quyết việc làm lớn, nhu cầu lao động làm việc trong nền kinh tế tăng tương đối nhanh. Tính trung bình hàng năm cần giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.000-16.000 lao động trong thời kỳ đến năm 2010 và khoảng 15.000-16.000 lao động trong thời kỳ 2012-2020.

Cơ cấu lao động làm việc trong nền kinh tế chuyển dịch tương đối mạnh. Lao động các ngành, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh, lao động khu vực nông-lâm-ngư giảm. Vì vậy, việc rút lao động ra khỏi khu vực nông-lâm-ngư để chuyển sang làm việc trong các khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ đòi hỏi công tác đào tạo kỹ năng ngành nghề phi nông nghiệp và giáo dục tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp cho người lao động, nhất là lao động ở khu vực nông thôn và lao động đồng bào các dân tộc thiểu số phải được đẩy mạnh.

Nhu cầu lao động tăng thêm khu vực phi nông nghiệp (công nghiệp, xây dựng và dịch vụ) thời kỳ 2008-2010 là 36.200 người (trong đó khu vực công nghiệp-xây dựng tăng thêm 18.100 người, khu vực dịch vụ tăng thêm 18.100 người); thời kỳ 2012-2015 tăng thêm là 74.600 người (trong đó khu vực CN-XD tăng thêm 42.800 người, khu vực dịch vụ tăng thêm 31.800 người); thời kỳ 2012-2020 tăng thêm là 92.200 người (trong đó khu vực CN-XD tăng thêm 52.500 người, khu vực dịch vụ tăng thêm 39.700 thêm người).

Biểu 28 : Lao động và cơ cấu lao động làm việc trong nền kinh tế (PA 1)

 

2005

2010

2015

2020

1. Lao động làm việc

 

 

 

 

Tổng số – 1.000 người

603,6

679,2

705,5

753,5

- Công nghiệp-xây dựng

70,2

102,1

172,0

224,5

- Dịch vụ

97,6

115,5

184,1

223,8

- Nông-Lâm-Ngư

435,7

459,9

349,5

305,2

2. Cơ cấu lao động

 

 

 

 

Tổng số - %

100,00

100,00

100,00

100,0

- Công nghiệp-xây dựng

11,63

15,03

24,38

29,79

- Dịch vụ

16,17

17,01

26,09

29,70

- Nông-Lâm-Ngư

72,18

67,71

49,54

40,50

Trong số lao động tăng thêm thuộc khu vực công nghiệp-dịch vụ, phần lớn tập trung vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh là khai khoáng, luyện kim, cơ khí chế tạo, hoá chất, điện tử-công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, du lịch, chế biến nông-lâm sản, xây dựng công nghiệp, hạ tầng và dân dụng… Do đó, cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo những ngành nghề cơ khí, xây dựng, kỹ thuật điện… để cung cấp lao động làm việc trong những ngành, lĩnh vực này.

Số lượng tuyệt đối lao động nông nghiệp tiếp tục xu thế giảm đã được hình thành trong thời kỳ từ năm 2001 đến nay. Trong thời kỳ 2008-2010 cầu lao động khu vực nông-lâm-ngư nghiệp sẽ giảm 14.700 người, thời kỳ 2012-2015 giảm 24.200 người và thời kỳ 2016-2020 sẽ giảm 44.300 người.

Như vậy, việc giảm nhanh cầu lao động (việc làm) trong khu vực nông-lâm-ngư và tăng nhanh cầu lao động (việc làm) trong các khu vực phi nông nghiệp đòi hỏi phải mở rộng, tăng cường đào tạo số lao động được giải phóng khỏi khu vực nông-lâm-ngư (tổng số là trên 83.200 người, trong đó thời kỳ 2008-2010 là 14.700 người, thời kỳ 2012-2016 giảm 24.200 người và thời kỳ 2016-2020 là hơn 44.300 người), nhanh chóng trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng lao động cơ bản để họ tiếp cận được việc làm trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Những phương hướng và giải pháp chủ yếu để tạo việc làm trong khu vực phi nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động giải phóng khỏi khu vực nông-lâm-ngư nghiệp trong thời kỳ đến năm 2020 là :

- Huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế (đạt 12,0-13%/năm thời kỳ 2012-2015 và 12,5-13%/năm thời kỳ 2016-2020, trong đó, tăng trưởng bình quân trong cả thời kỳ 2012 – 2020 của các ngành công nghiệp - xây dựng phải đạt 13,5 - 14,5%/năm và khu vực dịch vụ phải đạt 12,5 - 13,5%/năm) để tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động trong khu vực phi nông nghiệp, cũng như giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông nghịêp và nông thôn (theo kinh nghiệm từ thực tế của cả nước, hệ số co dãn việc làm là 0,3%, tức là cứ mỗi một % tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm được 0,3% lao động làm việc trong nền kinh tế).

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH (tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng đạt 46,5% năm 2015 và 48% năm 2020, khu vực dịch vụ đạt 38,5% năm 2015 và 42-43% năm 2020) để tạo thêm nhiều việc làm phi nông nghiệp có năng suất cao, chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp...).

- Cải thiện môi trường đầu tư, môi trường chính sách để huy động các nguồn lực trong tỉnh, thu hút mạnh các nguồn đầu tư từ bên ngoài để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nguồn nhân lực.

- Xây dựng và phát triển 6 khu công nghiệp tập trung và 21 khu công nghiệp vừa và nhỏ để làm hạt nhân tạo việc làm phi nông nghiệp và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Triển khai đồng bộ và có hiệu quả Chương trình quốc gia giải quyết việc làm và Chương trình xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh để tạo lập việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động.

+ Thực hiện tốt quy trình cho vay và hệ thống tổ chức cấp tín dụng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm sao cho kịp thời, đúng đối tượng và bảo toàn được vốn vay.

+ Tập hợp, tổ chức người thất nghiệp, người thiếu việc làm đã đăng ký để họ tự tạo việc làm ( gắn với hướng dẫn, đào tạo nghề )

+ Tổ chức cấp tín dụng cho các cơ sở sử dụng lao động để họ tạo thêm việc làm mới nhằm thu hút lao động vào làm việc (mỗi năm thu hút khoảng 1/2 số người mới vào tuổi lao động, khoảng 7.000 – 8.000 người ).

+ Tổ chức hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ để đảm bảo việc làm cho số nữ đang làm việc tránh mất việc làm.

+ Tổ chức cho các cơ sở dạy nghề cho người tàn tật để tạo việc làm cho người đang làm việc và thu hút thêm lao động mới.

- Quan tâm đến việc xuất khẩu lao động: Để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động của tỉnh, tăng cường công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và những kiến thức cơ bản về phong tục, tập quán... của nước nhập khẩu lao động cho những người sẽ đi làm việc ở nước ngoài.

- Từng bước hình thành, xây dựng và phát triển thị trường lao động : Củng cố và xây dựng mạng lưới hướng nghiệp và dịch vụ thị trường lao động (tổ chức thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về lao động-việc làm, tổ chức tư vấn, giới thiệu lao động và việc làm, tổ chức giao dịch lao động và việc làm...).

5.4. Phát triển các nhóm nhân lực trọng điểm

5.4.1. Nguồn nhân lực khu vực sản xuất-kinh doanh

a) Phát triển đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật

- Đào tạo công nhân kỹ thuật

Tổng nhu cầu lao động công nghiệp của tỉnh năm 2010 là khoảng 130 nghìn người (trong đó trên 70% lao động qua đào tạo) và năm 2020 là khoảng 225 nghìn người (trong đó trên 95% lao động qua đào tạo). Tỷ lệ 1 kỹ sư/3-5 trung cấp/10-15 công nhân kỹ thuật tuỳ theo từng ngành nghề.

Tập trung đào tạo công nhân kỹ thuật phục vụ các ngành công nghiệp và một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh như sau:

+ Ngành luyện kim.

+ Ngành cơ khí.

+ Ngành khai thác và chế biến khoáng sản.

+ Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

+ Ngành công nghiệp dệt may-da giày.

+ Ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

+ Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, đồ uống.

+ Ngành xây dựng công nghiệp và xây dựng các công trình công cộng.

+ Ngành du lịch, khách sạn.

+ Ngành thương mại (tập trung cho mạng lưới các siêu thị và trung tâm thương mại chuyên ngành cao cấp).

- Đào tạo công nhân kỹ thuật các khu công nghiệp

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 đã được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dự kiến sẽ hình thành và phát triển 6 khu công nghiệp tập trung quy mô từ 200 ha trở lên ([1]) và 21 cụm công nghịêp nhỏ từ 2 ha đến 50 ha.

Tổng diện tích các khu công nghịêp là 5.320 ha (hiện tại đang sử dụng 2.820 ha, thời kỳ 2012-2020 sẽ đưa vào khai thác thêm 2.500 ha). Tổng nhu cầu lao động khi lấp đầy các khu công nghiệp này sẽ vào khoảng 90-120 nghìn người.

Để kịp thời cung ứng lao động kỹ thuật các cấp có trình độ và cơ cấu ngành nghề đa dạng cho những khu công nghiệp trên, cần khẩn trương triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án đào tạo những người mới tham gia thị trường lao động và đào tạo lại, bồi dưỡng-nâng cao trình độ lành nghề cho lực lượng lao động kỹ thuật.

Tập trung tăng nhanh quy mô dạy nghề (đào tạo nghề phải tăng nhanh hơn đào tạo đại học-cao đẳng và trung học chuyên nghiệp), trong đó tập trung vào đào tạo các nghề như cơ khí, điện tử, dệt-may, chế biến nông-lâm sản, kỹ thuật điện để sẵn sàng làm việc trên những dây truyền thiết bị, công nghệ mới...

Biểu số 29: Sơ bộ dự báo nhu cầu lao động kỹ thuật cho các khu công nghiệp đến năm 2020

Năm

Cầu lao động qua đào tạo (người)

Lao động theo trình độ

Tỷ lệ ĐH- CĐ&CN

ĐH

CĐ - TCCN-CNKT

2011

6.000

1.800

4.500

10-25

2015

32.270

6.460

25.800

10-40

2020

55.000

17.000

38.000

10-23

(Nguồn: Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên)

Cùng với nhu cầu lao động kỹ thuật trong hàng rào như trên, các khu công nghiệp còn tạo thêm khoảng 50.000-60.000 chỗ làm việc mới ở ngoài khu công nghiệp. Do đó, tổng nhu cầu đào tạo thêm nghề nghiệp cho người lao động kỹ thuật cũng tăng tương ứng.

b) Phát triển đào tạo đội ngũ doanh nhân và chuyên gia quản lý của các doanh nghiệp trong đó trước hết trú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đây là lĩnh vực đào tạo mới, đang có nhu cầu cao và tăng nhanh. Về thực chất đây là đào tạo các doanh nhân và chuyên gia quản lý doanh nghiệp theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường mở cửa với thế giới bên ngoài trong điều kiện hội nhập quốc tế. Hình thức đào tạo chủ yếu là bồi dưỡng nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp, quản lý công nghệ và cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường trong ngoài nước cho doanh nhân và các nhà quản lý.

Ước tính hàng năm nhóm đối tượng này cần đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức khoảng 1.000 -1.500 người.

Trong nhóm này đặc biệt quan tâm đến những đối tượng là chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là tầng lớp doanh nhân- nhân lực mới xuất hiện ở nước ta do kết quả của chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần. Năm 2007 ước tính toàn tỉnh có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hàng chục ngàn hộ sản xuất nhỏ có thuê lao động và tự làm kinh tế hộ gia đình. Nhóm thể chế kinh tế này đóng vai trò quan trọng và quyết định trong quá trình tạo việc làm cho người lao động và mặc dù có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nhưng cũng còn thiếu nhiều kiến thức về quản lý kinh tế. Họ cần được đào tạo thêm về luật pháp, khoa học quản lý, những kiến thức cơ bản về công nghệ, thông tin và thị trường...

5.4.2. Phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực hành chính-sự nghiệp

a) Đào tạo cán bộ lãnh đạo - những người ra quyết định, chủ yếu là lãnh đạo các cơ quan đảng, bộ máy chính quyền nhà nước các cấp (từ Tỉnh cho đến huyện, xã/phường).

Với hệ thống tổ chức hành chính của Thái Nguyên bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện và 181 thị trấn, phường, xã cùng các cơ quan tham mưu, việc đào tạo mới nhằm bổ sung, thay thế và tái đào tạo đội ngũ công chức hiện có là nhu cầu rất cấp bách.

Cùng với việc đổi mới quản lý và các chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần theo hướng thị trường, vấn đề cải cách hành chính là một trong những chương trình trọng tâm của Nhà nước Việt Nam trong suốt cả thời kỳ CNH, HĐH. Nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước, ngoài những cải cách về quy định, thủ tục, thể chế hành chính, việc đào tạo công chức nhà nước các cấp đóng vai trò rất quan trọng. Hình thức đào tạo chủ yếu là bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn-nghiệp vụ, kỹ năng công vụ, giao tiếp ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và đào tạo lại.

Trên cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy và tinh giản biên chế, giả sử giữ nguyên cơ cấu bộ máy lãnh đạo của các cơ quan đảng, nhà nước về quản lý hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như hiện nay thì nhu cầu đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp dự kiến hàng năm sẽ như sau:

- Cấp tỉnh: Bao gồm lãnh đạo chủ chốt của cơ quan Tỉnh ủy và các ban tham mưu, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, Ban ngành và một số cơ quan tương đương khác: Tổng số khoảng 150 - 180 người.

- Cấp huyện và tương đương: Bao gồm lãnh đạo cơ quan huyện ủy và các Phòng, Ban thuộc Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, các phòng, ban ngành và một số cơ quan tương đương khác: Tổng số của 9 đơn vị (thành phố Thái Nguyên, Thị xã Sông Công và 7 huyện) vào khoảng 400 - 500 người.

- Cấp xã, phường: Trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp xã/phường có 12-15 chức danh lãnh đạo chủ chốt, nên tổng nhu cầu cán bộ chuyên trách cấp xã/phường là 2.100-2.200 người. Trung bình hàng năm bổ sung 5% và đào tạo nâng cao 20% thì hàng năm nhu cầu đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho 520-540 người.

Như vậy, hàng năm cần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghịêp vụ cho khoảng 1.100-1.200 cán bộ lãnh đạo hành chính các cấp.

Nội dung đào tạo chủ yếu đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo này là :

- Cập nhật các chủ trương, đường lối, pháp luật và chính sách mới nhất của đảng và nhà nước, cung cấp một cách thường xuyên những thông tin mới nhất về chính trị, kinh tế, tiến bộ khoa học-công nghệ, công nghệ thông tin..., trang bị những kiến thức, phương pháp quản lý Nhà nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Khác với trước kia Nhà nước không còn can thiệp trực tiếp và sâu vào các hoạt động kinh tế nữa mà chủ yếu là hỗ trợ, tạo điều kiện và quy định "hành lang" và thể chế... cho các hoạt động kinh doanh, vai trò của nhà nước tập trung vào giải quyết các vấn đề xã hội, an ninh và những nhu cầu nhân đạo và công bằng xã hội trong quá trình phát triển.

- Cung cấp kịp thời và thường xuyên những thông tin mới nhất về kinh tế, thị trường... trong nước và quốc tế có liên quan...

Hình thức đào tạo :

Nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý này sẽ được đào tạo theo hình thức tổ chức là các khoá ngắn ngày tập trung hoặc tại chức tại Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh và một số trường đại học kinh tế, tài chính, quản lý...

b) Đào tạo cán bộ tham mưu và chuyên gia quản lý (chủ yếu là những người có trình độ đại học và trên đại học)

Đối tượng này bao gồm cán bộ tham mưu, nghiên cứu làm việc ở các bộ phận chuyên môn (Sở, ban ngành của tỉnh, huyện).

Tổng nhu cầu cán bộ tham mưu và chuyên gia quản lý hành chính nhà nước cấp tỉnh và huyện vào khoảng 2.200-2.500 người. Nhìn chung, trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính và thực hiện tinh giản biên chế, nhu cầu về số lượng cán bộ loại này của tỉnh không biến động lớn trong thời kỳ đến năm 2020.

Tổng nhu cầu đào tạo hàng năm như sau :

- Đào tạo bổ sung thay thế giảm tự nhiên (khoảng 4-5% tổng số) : khoảng 100-120 người.

- Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao (khoảng 20%/năm tổng số : Khoảng 350-400 người.

Đào tạo, bổ sung thay thế sẽ được tuyển dụng trong số những người có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên theo những quy định chung của Bộ Nội vụ.

Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghịêp vụ được thực hiện theo hình thức tập trung và tại chức. Đào tạo tập trung dành cho những người học sau đại học (trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ). Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ người có trình độ chuyên môn sau đại học trong tổng số cán bộ tham mưu và chuyên gia quản lý hành chính nhà nước của tỉnh là trên 20%.

c) Đào tạo nhân lực khu vực sự nghiệp

Tập trung đào tạo và phát triển 4 nhóm nguồn nhân lực của các khu vực sự nghiệp lớn như sau :

- Ngành giáo dục-đào tạo

+ Giáo dục mầm non và phổ thông

Tổng nhu cầu giáo viên năm 2010 là 17.000-17.600, gồm mầm non 3.400-3.600 người và phổ thông các cấp 13.600-14.000 người; năm 2020 là 18.300-19.000 người, gồm mầm non khoảng 3.800-.4000 người và phổ thông các cấp khoảng 14.500 - 15.000 người.

Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo viên đảm bảo đến năm 2015 có 100% giáo viên phổ thông các cấp được công nhận đạt chuẩn. Nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hoá đội ngũ giáo viên cần nâng cao chất lượng tuyển sinh và đổi mới phương pháp đào tạo trong các trường sư phạm.

+ Đào tạo giảng viên các trường đại học, cao đẳng, TCCN và dạy nghề

Tăng đào tạo giảng viên trong các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo đúng tiêu chuẩn quy định : đại học-cao đẳng là 15-20 sinh viên/giảng viên; trung cấp chuyên nghiệp 15-20 học sinh/giảng viên; dạy nghề là 10-15 học sinh/giáo viên.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích chuyên gia, công nhân kỹ thuật trình độ cao tham gia đào tạo (nhất là trong quá trình thực hành).

- Ngành y tế-chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Tổng nhu cầu nguồn nhân lực ngành y tế-chăm sóc sức khoẻ nhân dân toàn tỉnh như sau :

+ Năm 2010 : Tổng số 3.000-3.100, trong đó có khoảng 800 bác sỹ.

+ Năm 2020 : Tổng số 4.500-4.800, trong đó có 1.100-1.150 bác sỹ.

Tập trung đào tạo bác sỹ và điều dưỡng viên. Phấn đấu đảm bảo đến năm 2015 mỗi xã có ít nhất 1 bác sỹ để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cấp xã và góp phần thực hiện mục tiêu 100% Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia trước năm 2020. Đào tạo điều dưỡng viên các cấp để đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa điều dưỡng viên và bác sỹ là 2-3 điều dưỡng viên/1 bác sỹ năm 2012-2015 và 4-6điều dưỡng viên/1 bác sỹ trong thời kỳ 2015-2020.

Đào tạo cán bộ ngành y tế chủ yếu tại các Trường chuyên ngành trên địa bàn tỉnh (Trường Đại học Y-Dược thuộc Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng y tế Thái Nguyên).

Đồng thời, cần lựa chọn trong số sinh viên giỏi, những sinh viên xuất sắc ở năm học cuối để cử đi học tiếp và gửi đào tạo sau đại học tại Trường Đại học Y Hà Nội, nhất là đối với các ngành nghề mới, kỹ thuật cao (bác sỹ các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, nội tiết, sản khoa, nhi khoa...), điều dưỡng viên (kể cả điều dưỡng viên cao cấp) và kỹ thuật viên cao cấp (vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị y tế hiện đại).

- Tài chính, kế toán, ngân hàng, bảo hiểm

Đào tạo nhóm chuyên gia thuộc các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng, bảo hiểm chủ yếu được tổ chức tại Trường đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh thuộc Đại học Thái Nguyên.

Thực hiện hợp tác và liên kết với các trường đại học khối kinh tế có uy tín ở trong nước và nước ngoài để đào tạo chuyên gia có trình độ cao, hội nhập với trình độ chung của cả nước và thế giới.

- Văn hoá, thể thao và du lịch

Thái Nguyên là Trung tâm văn hoá của vùng Đông Bắc (nơi có Trường Cao đẳng Văn hoá-Nghệ thuật Việt Bắc và Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam). Vì vậy, cần tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật để phục vụ nhu cầu hoạt động, nghiên cứu văn hoá-nghệ thuật, dân tộc học và phát triển các dịch vụ văn hoá-nghệ thuật của Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng TD-MN Bắc Bộ.

Tăng quy mô đào tạo của Trường Cao đẳng Văn hoá-Nghệ thuật Việt Bắc lên khoảng 1.200-1.500 sinh viên theo tất cả các hình thức đào tạo. Đồng thời, đa dạng hoá các chuyên ngành đào tạo để đảm bảo kết hợp việc bảo tồn, phát triển bản sắc văn hoá dân tộc và các trào lưu văn hoá, nghệ thuật đương đại.

- Thông tin và Truyền thông

Phát triển Thông tin và truyền thông theo hướng là động lực, công cụ quan trọng, then chốt thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá báo chí, phát thanh và truyền hình làm giá trị cốt lõi. Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) là công cụ chính làm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công tác, tạo ra giá trị gia tăng lớn; phát triển Thông tin và Truyền thông phải được lồng ghép trong hoạt động chính trị, quản lý, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học công nghệ và quốc phòng - an ninh.

Phát triển mạnh nhân lực CNTT&TT, đảm bảo có đủ nhân lực phục vụ nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng kinh tế tri thức và xã hội thông tin, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và cung cấp nhân lực công nghệ thông tin cho thị trường lao động quốc tế.

Từng bước hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của hệ thống đào tạo nhân lực CNTT&TT trên địa bàn, nâng trình độ đào tạo nhân lực tiếp cận trình độ với Hà Nội, TP. HCM và quốc tế và tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Từng bước trở thành một trong những nơi cung cấp nhân lực CNTT&TT chất lượng cao cho cả nước, khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ tổ quốc.

5.4.3. Đào tạo nhân lực các dân tộc thiểu số

- Mở rộng quy mô và nâng cấp để nâng cao chất lượng dạy, học và điều kiện sinh hoạt cho học sinh các Trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện hình thức cử tuyển để đào tạo cán bộ trình độ cao là người các dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách trong tỉnh. Tăng số lượng thuộc diện cử tuyển đồng thời xây dựng kế hoạch sớm để nâng cao chất lượng học sinh được cử tuyển.

- Tăng cường và thường xuyên tổ chức đào tạo cán bộ cơ sở các cấp, đặc biệt là cấp xã và trưởng thôn, trưởng bản, trong đó chú trọng đến đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đảm bảo hàng năm có ít nhất 20% cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời, chủ động tìm và xác định nguồn cán bộ cơ sở để sớm có giải pháp bồi dưỡng từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên gia là người dân tộc thiểu số cho các mục tiêu đặc biệt (cán bộ của bộ máy chính trị và chính quyền cấp cơ sở, giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ xoá đói giảm nghèo, cán bộ văn hoá-thông tin cơ sở...): Xây dựng kế hoạch, dự án đào tạo, bồi dưỡng các nhóm cán bộ nói trên.

5.4.4. Đào tạo nông dân:

Thông qua các Chương trình mục tiêu (chương trình việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình khuyến nông, khuyến lâm...) tổ chức các lớp (khoá) dạy nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm... theo các mục tiêu cho nông dân trong tỉnh. Những ngành nghề cần tổ chức đào tạo là : kỹ thuật cơ giới hoá nông nghiệp, kỹ thuật trồng, chăn nuôi giống mới, kỹ thuật thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản và sơ chế sản phẩm sau thu hoạch... Đồng thời, tập trung đào tạo nghề cho những người lao động chuyển đổi việc làm từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực phi nông nghiệp (chủ yếu là những người trong độ tuổi thanh niên).

Phần III

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CỦA TỈNH

1. Tăng cường quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực

1.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân, trước hết là thanh niên về vai trò của tri thức, của kỹ năng lao động, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần hợp tác, tính tự chủ, sự cần thiết và tác dụng của kiến thức và đào tạo nghề. Lồng ghép những hoạt động này vào chương trình hướng nghiệp tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

- Tuyên truyền, thuyết phục đi đôi với những giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động tổ chức dạy nghề cho người lao động và đầu tư phát triển dạy nghề cho người lao động làm việc trong tổ chức, công ty của mình.

1.2. Đổi mới tổ chức và phương pháp quản lý nhà nước về phát triển nhân lực

Phương pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng phát triển nhân lực, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, gắn đào tạo nhân lực với nhu cầu sử dụng của xã hội. Những giải pháp chủ yếu là :

- Quan tâm thực hiện có hiệu quả chính sách của trung ương gắn với việc xây dựng các cơ chế linh hoạt của tỉnh trong phát triển nhân lực, định hướng rõ sự phát triển của từng ngành nghề, lĩnh vực, khu vực để thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhân lực trên địa bàn.

- Đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo và sử dụng nhân lực.

- Cải tiến, đổi mới các hình thức tổ chức đào tạo nhân lực theo hướng tăng cường sự gắn kết và mối quan hệ trực tiếp giữa cơ sở đào tạo nhân lực và doanh nghiệp sử dụng nhân lực. Mở rộng hình thức hợp tác trực tiếp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

- Đổi mới cơ chế quản lý, bồi dưỡng cán bộ quản lý lao động và quản lý giáo dục-đào tạo các cấp, nâng cao năng lực bộ máy quản lý; hoàn thiện hệ thống thanh tra giáo dục, thanh tra lao động; xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý giáo dục, thông tin thị trường lao động.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin, trong đổi mới phương pháp quản lý lao động, quản lý đào tạo nhân lực.

- Đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020.

- Tăng cường giám sát, kiểm tra để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và gắn đào tạo với nhu cầu xã hội.

1.3. Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhân lực

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý phát triển nhân lực của tỉnh gồm các cơ quan thực hiện chức năng quản lý tổng hợp (như Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính) và các đơn vị thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông...). Đồng thời tăng cường phối hợp của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ với các cơ quan quản lý nhà nước nói trên.

- Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Đoàn thể, quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (nhất là các doanh nghiệp do Trung ương quản lý, doanh nghịêp có vốn đầu tư nước ngoài) về phát triển nhân lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách chung của Nhà nước, tổ chức đào tạo, thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù riêng của tỉnh, tổ chức và doanh nghiệp.

- Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phát triển nhân lực.

2. Cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút và sử dụng nhân lực:

2.1. Chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực

- Thực hiện nghiêm chỉnh quy định và sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước dành cho phát triển nhân lực. Ngân sách Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí cho các cơ sở và hoạt động đào tạo trên địa bàn tỉnh theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách, Luật đầu tư và các chương trình của Bộ Gíao dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục dạy nghề.

- Thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực cho phát triển đào tạo nguồn nhân lực từ sự đóng góp của người dân, các doanh nghiệp.

- Khuyến khích mở rộng các hình thức tín dụng liên kết giữa cơ sở đào tạo, ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ sở sử dụng nhân lực và người học để tạo nguồn kinh phí cho cơ sở đào tạo và người học.

2.2. Chính sách trọng dụng và thu hút nhân tài

Có cơ chế ưu tiên trong bố trí và sử dụng nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản, tạo điều kiện cho công chức, viên chức trẻ được phát huy năng lực sở trường, quan tâm, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ (trên đại học) theo các ngành nghề mà tỉnh có nhu cầu đào tạo (quản lý hành chính nhà nước, chính sách công, chuyên gia cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ sinh học, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...).

- Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài gồm: điều kiện nhà ở, đất ở giao nhiệm vụ trọng trách, phụ cấp tiền lương, tiền thưởng, hỗ trợ trả thuế thu nhập cá nhân ...

2.3. Chính sách ưu tiên phát triển nhân lực các dân tộc thiểu số, vùng cao và vùng sâu, vùng xa

- Thực hiện công bằng, khách quan chính sách cử tuyển của Nhà nước đối với học sinh các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

- Tập trung các nguồn vốn nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và điều kiện sinh hoạt cho các trường dân tộc nội trú tỉnh và huyện.

- Quan tâm tổ chức các khoá đào tạo dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người lao động vùng ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa tại các Trung tâm Dạy nghề cấp huyện.

- Lồng ghép các chương trình, dự án đào tạo trong Chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình khuyến nông-khuyến lâm, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn... để tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng trình độ khoa học kỹ thuật cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

2.4. Chính sách xã hội hoá phát triển nhân lực

Cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hoá phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh với định hướng như sau:

- Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển nhân lực, trước hết là đào tạo nhân lực bằng những ưu đãi về đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng...

- Chính quyền các cấp đứng ra làm đầu mối liên kết các cơ sở đào tạo và doanh nghịêp để hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở đào tạo trong việc bố trí nơi thực tập, giáo viên thực hành và tiếp nhận học sinh tốt nghiệp...

2.5. Chính sách xây dựng và phát triển hệ thống công cụ thông tin và thị trường lao động

- Xây dựng và phát triển thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm tại Thái Nguyên.

- Tổ chức mạng lưới dịch vụ việc làm: Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về việc làm: thu thập, cung cấp thông tin, giới thiệu, môi giới tuyển dụng lao động, tư vấn và tổ chức tuyển dụng lao động, thường xuyên tổ chức điều tra về thực trạng lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh kết nối với các tỉnh trên cả nước và thị trường lao động quốc tế với những nội dung chủ yếu sau: Thông tin về các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực; thông tin về cung nguồn nhân lực; Thông tin về cầu lao động (nhu cầu về lao động của các cơ sở sử dụng lao động):

2.6. Mở rộng, tăng cường hợp tác để phát triển nhân lực

2.6.1. Sự phối hợp và hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương:

- Phối hợp giữa các cấp quản lý hành chính của Tỉnh, huyện và cấp cơ sở (xã, thôn) trong xây dựng chính sách, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án và chính sách phát triển nhân lực.

- Phối hợp giữa các ngành trên địa bàn tỉnh, gồm các ngành thuộc tỉnh và các cơ sở khác (doanh nghiệp, cơ sở đào tạo của các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, của nước ngoài…) trong đào tạo và sử dụng nhân lực.

- Phối hợp giữa tỉnh và trung ương trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án và chính sách phát triển nhân lực phù hợp với phương hướng chung của cả nước và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đối với tỉnh trong đào tạo nhân lực

- Xây dựng, tăng cường và duy trì thường xuyên mối liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nhân lực và các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nhân lực.

2.6.2. Sự phối hợp và hợp tác với các tỉnh bạn trong phát triển nhân lực

Sự phối hợp trong các lĩnh vực và theo những hình thức chủ yếu sau :

- Liên kết, hợp tác trong đào tạo nhân lực trình độ cao và các ngành nghề Thái Nguyên chưa có hoặc có nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.

- Thu hút các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các tỉnh bạn và nhà đầu tư Hà Nội đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo (trường học chất lượng cao, phân hiệu, khoa, trung tâm đào tạo...) hoặc tổ chức các chương trình đào tạo tại Thái Nguyên.

- Cung cấp, trao đổi thông tin về phát triển nhân lực: ngành nghề đào tạo mới, nhu cầu về lao động, dự báo di chuyển lao động giữa Thái Nguyên và các tỉnh, trước hết là các tỉnh lân cận.

- Liên kết, hợp tác đào tạo nhân lực trình độ cao với các tỉnh và các ngành nghề mà Thái Nguyên chưa có hoặc nếu có thì chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.

2.6.3. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực

- Xây dựng cơ chế, chính sách để phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư nước ngoài), doanh nghịêp sử dụng vốn ODA, doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, máy móc để gửi lao động đi đào tạo ở nước ngoài

- Tổ chức cung cấp thông tin, các hoạt động tuyên truyền, các cuộc hội thảo về du học nước ngoài để giới thiệu và cải tiến thủ tục để người dân của tỉnh có cơ hội và điều kiện thuận tiện đi du học ở nước ngoài.

3. Đào tạo, nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng lao động

Nhằm đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất phát triển, người lao động được đào tạo với ngành nghề phù hợp, kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực tế.

Xây dựng Quy hoạch tổng thể ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. Từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng dự báo nhu cầu và kế hoạch phát triển nhân lực trong ngắn hạn cũng như dài hạn, trong đó cần xác định cụ thể số lượng, ngành nghề, tiêu chuẩn, thời gian dự kiến tuyển dụng, đào tạo để làm cơ sở cho các dự báo cầu lao động, lao động qua đào tạo của các cơ quan chức năng có cơ sở thực tiễn và hiệu quả. Thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo phù hợp từng chuyên ngành, tránh hiện tượng đào tạo tràn lan, gây lãng phí ở ngành này và thiếu hụt lao động ở ngành khác.

3.1. Tăng cường cơ sở vật chất, đồng bộ hoá, chuẩn hoá theo hướng hiện đại mạng lưới giáo dục để tiếp tục nâng cao trình độ học vấn và chất lượng giáo dục làm cơ sở vững chắc cho phát triển đào tạo nhân lực

Xây dựng hệ thống giáo dục-đào tạo đồng bộ theo hướng hiện đại hoá để Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo đa ngành, chất lượng cao của vùng Trung du-Miền núi Bắc Bộ, góp phần quyết định vào việc thực hiện những mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực của tỉnh và của vùng Trung du-Miền núi Bắc Bộ (về cấp trình độ và cơ cấu ngành nghề đào tạo). Phấn đấu đảm bảo đủ cơ sở giáo dục và đào tạo để hầu hết thanh niên của tỉnh và các tỉnh trong vùng sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học hết trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp hoặc đào tạo nghề.

- Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và nâng cao trình độ chuyên môn, sư phạm của đội ngũ giáo viên để thực hiện được các chương trình và phương pháp giảng dạy mới theo lộ trình đổi mới giáo dục - đào tạo chung của cả nước.

- Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng những phương pháp dạy học tiên tiến theo lộ trình cải cách giáo dục chung của cả nước để nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học, đảm bảo trình độ giáo dục - đào tạo của tỉnh tiếp cận trình độ chung của cả nước.

- Thực hiện các chương trình mục tiêu về giáo dục - đào tạo đối với các nhóm đối tượng đặc thù gồm đồng bào các dân tộc thiểu số, thanh niên vùng nông thôn, người tàn tật, nhóm dân cư nghèo…

3.2. Xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực

- Xây dựng và phát triển 3-5 trường dạy nghề chất lượng cao (trong đó có 3-4 Trường cao đẳng nghề) để đào tạo công nhân kỹ thuật trình độ cao cho các ngành mũi nhọn của tỉnh: khai khoáng, luyện kim, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, trồng và chế biến sản phẩm cây công nghiệp, lâm nghiệp, du lịch... Khuyến khích phát triển đào tạo nghề trong các doanh nghiệp.

- Thực hiện chuẩn hoá các điều kiện về cơ sở vật chất-kỹ thuật của các cơ sở đào tạo các cấp đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế và hội nhập quốc tế.

- Thực hiện nghiêm và thường xuyên việc kiểm tra, đánh giá tình trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị... của các cơ sở đào tạo nhân lực căn cứ và đối chiếu với yêu cầu về chuẩn mực của Nhà nước.

- Xây dựng, mở rộng và hiện đại hoá các cơ sở dạy nghề.

4. Dự báo nhu cầu vốn và giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực

Nhu cầu vốn cho phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2020 bao gồm nhu cầu vốn cho đào tạo nhân lực (kinh phí chi thường xuyên) và nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực (kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và tăng cường trang thiết bị cho trường học).

4.1. Căn cứ tính toán

4.1.1. Đào tạo nhân lực

a) Đối với đào tạo nghề

- Căn cứ vào yêu cầu nâng cao chất lượng ĐTN trong thời gian tới, mức tăng tiền lương giáo viên và giá nguyên, nhiên vật liệu thực hành của thị trường, dự kiến mức chi thường xuyên bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/nghề/học sinh (sơ cấp nghề khoảng 4 triệu đồng/người/nghề; trung cấp nghề khoảng 9 triệu/đồng/nghề; cao đẳng nghề khoảng 12 triệu đồng/nghề/sinh viên).

- Dựa trên dự báo về tổng nhu cầu tuyển sinh ĐTN giai đoạn 2011-2020.

b) Đào tạo nhân lực trình độ Cao đẳng, Đại học và Trên Đại học

- Trên cơ sở yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy trong thời gian tới, mức tăng tiền lương giảng viên, dự kiến mức chi thường xuyên bình quân khoảng 4,0 triệu đồng/năm/sinh viên.

- Trên cơ sở ước lượng số lượng sinh viên tuyển sinh ở các trường đại học, cao đẳng tăng tuyến tính 5%/năm trong giai đoạn 2012 - 2020.

Bảng 30: Dự kiến quy mô tuyển sinh các cấp giai đoạn 2012-2020

Đơn vị tính: người

Danh mục

2012-2015

2016-2020

2012-2020

Dạy nghề

95 405

133 810

229 215

Trung cấp nghề

38 120

45 753

83 874

Cao đẳng

76 539

95 413

171 952

Đại học

79 509

101 476

180 896

Tổng cộng

289 573

376 453

666 026

(Nguồn: Các trường dự kiến quy mô tuyển sinh giai đoạn 2012-2020)

4.1.2. Đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực

a) Đào tạo nghề

- Trên cơ sở Bộ LĐ-TB&XH đề xuất suất đầu tư trung bình cho 1 chỗ học có trình độ cao đẳng là:

+ Khối nghề CN - xây dựng - giao thông vận tải: Từ 45-50 triệu đồng/1 chỗ học/khoá, trong đó, kinh phí đầu tư trang thiết bị từ 25-30 triệu đồng/1 chỗ học/khoá.

+ Khối nghề nông, lâm, thuỷ sản và DV: Từ 38-42 triệu đồng/1 chỗ học/khoá, trong đó, kinh phí đầu tư trang thiết bị từ 16-20 triệu đồng/1 chỗ học/khoá.

+ Đối với cơ sở ĐTN trọng điểm, chất lượng cao, suất trung bình cho một chỗ học tính trung bình tăng tối thiểu 1,5 lần.

- Giả định, suất đầu tư trung bình cho các ngành là 30 triệu đồng/chỗ học/khoá học cao đẳng nghề. Quy đổi cứ 4 suất đào tạo sơ cấp nghề thành 01 suất trung cấp nghề, cứ 1,5 suất trung cấp nghề thành 01 suất cao đẳng nghề. Thời gian 01 chỗ học/khoá là 3 năm.

- Dựa trên dự báo về tổng nhu cầu tuyển sinh ĐTN giai đoạn 2012-2020 đã tính toán và suất đầu tư nêu trên, xác định kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị ĐTN giai đoạn 2012-2020.

b) Đầu tư xây dựng đối với các trường ĐH-CĐ

- Dự kiến đến năm 2020, Thái Nguyên có 12 trường đại học, trong đó xây dựng mới 01 trường Đại học Việt Bắc.

- Trên cơ sở nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở mới và nâng cấp các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

- Giả định, suất đầu tư trung bình khoảng 6 triệu đồng/năm/sinh viên trong giai đoạn 2012 – 2020.

4.2. Nhu cầu vốn và khả năng huy động các nguồn vốn

4.2.1. Nhu cầu vốn

Bảng 31: Nhu cầu vốn đào tạo nhân lực

(Nhu cầu vốn đào tạo = dự báo số lượng tuyển sinh x định mức chi)

Đơn vị tính: Tỷ đồng

 

2012-2015

2016-2020

2012-2020

Đào tạo nghề

725

1 200

1 925

CĐ-ĐH-SĐH

625

790

1 415

Tổng cộng

1 345

1 990

3 340

Bảng 32: Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực

(Nhu cầu vốn đầu tư = dự báo số lượng tuyển sinh x suất đầu tư)

Đơn vị tính: Tỷ đồng

 

2012-2015

2016-2020

2012-2020

Đào tạo nghề

745

950

1 695

CĐ-ĐH-SĐH

940

1 180

2 120

Tổng cộng:

1 685

2 130

3 815

4.2.2. Khả năng huy động các nguồn vốn

- Để thực hiện quy hoạch nhân lực theo đúng mục tiêu, định hướng đặt ra, các cơ sở ĐTN, các trường ĐH-CĐ trên địa bàn cần sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Cụ thể:

+ Đối với cơ sở ĐTN, dự kiến phân nguồn cho nhu cầu đào tạo nhân lực theo tỷ trọng: NSNN 50% và huy động 50%.

+ Đối với trường Đại học ngoài công lập, nguồn vốn cho việc đào tạo nhân lực chủ yếu từ nguồn thu của người học và nguồn vốn huy động từ nguồn xã hội hóa.

+ Đối với các trường ĐH-CĐ công lập, nguồn vốn cho việc đào tạo nhân lực được trích từ nguồn chi thường xuyên của NSNN, nguồn thu của người học và nguồn vốn huy động khác.

4.2.3 Giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực

- Ưu tiên đầu tư cho Đại học Thái Nguyên để xây dựng CSVC, các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu, thực hành nhằm trở thành đại học trọng điểm vùng TDMN Bắc Bộ.

Kết hợp với các nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, các dự án tài trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp của các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên.

- Đến năm 2020, đầu tư đồng bộ (cải tiến chương trình đào tạo, trang bị CSVC, thiết bị và đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý), trọng điểm cho trường Đại học: Kỹ thuật Công nghiệp, Y Dược, Sư phạm, Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Khoa học, Nông lâm, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin và Truyền thông và thu hút đầu tư thành lập Trường Đại học Việt Bắc và Trường Đại học Quốc tế…

- Đối với các trường cao đẳng nghề thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đóng trên địa bàn đạt chuẩn kiểm định chất lượng, đào tạo từ 3-5 nghề trọng điểm theo đơn đặt hàng của tỉnh, được hỗ trợ đầu tư theo quy định.

- Quy định cụ thể trích một phần vốn thu được trong việc đấu thầu quyền sử dụng đất, khai thác quỹ đất, đấu giá đất các cơ sở đào tạo cũ có giá trị cao, … để xây dựng trường, phòng học ở những nơi phù hợp với yêu cầu và cảnh quan sư phạm.

- Đối với trường Đại học ngoài công lập: một là, tỉnh ưu tiên dành quỹ đất và vị trí cho xây dựng, mở rộng và phát triển các cơ sở đến năm 2020 theo quy hoạch được duyệt; hai là, có chính sách hỗ trợ về đất đai (miễn giảm tiền thuê sử dụng đất hoàn toàn hoặc trong một thời gian nhất định). Từ đó, các trường mạnh dạn đầu tư CSVC nhằm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.

- Các trường TCCN và các cơ sở ĐTN chủ động hợp tác với các doanh nghiệp nhằm huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp vào CSVC của trường.

- Khuyến khích các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để các trường ngoài công lập vay vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới trang thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi đầu tư vào phát triển ngành giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.

4.3. Xây dựng các đề án, dự án

Xây dựng và thực hiện các đề án, dự án ưu tiên để phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020 như sau:

4.3.1. Đề án mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá Đại học Thái Nguyên thành đại học vùng trọng điểm của cả nước.

4.3.2. Đề án thành lập Trường đại học Văn hoá-Nghệ thuật Việt Bắc trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hoá-Nghệ thuật Việt Bắc

4.3.3. Đề án nâng cấp, hiện đại hoá Trường cao đẳng sư phạm Thái Nguyên

4.3.4. Đề án nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt-Đức

4.3.5. Đề án nâng cấp, thành lập trường Đại học Kinh tế kỹ thuật trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật.

4.3.6. Đề án nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp.

4.3.7. Đề án nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Bắc TKV.

4.3.8. Đề án nâng cấp, hiện đại hoá phân hiệu Trường Đại học Công nghệ GTVT miền núi.

4.3.9. Đề án thành lập trường Đại học điều dưỡng trên cơ sở nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên.

4.3.10. Đề án thành lập trường Đại học Tài chính kế toán trên cơ sở nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên.

4.3.11. Nâng cấp hiện đại hoá Trường trung cấp Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin Miền núi thành phân hiệu Học viện Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin.

4.3.12. Nâng cấp, hiện đại hoá Trường Cao đẳng cơ khí-luyện kim

4.3.13. Nâng cấp hiện đại hoá Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên

4.3.14 Nâng cấp hiện đại hoá Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch

4.3.15. Dự án xây dựng “Công viên thể thao” (Khu liên hợp thể thao cao cấp)

4.3.16. Xây dựng y tế Thái Nguyên trở thành trung tâm y tế khu vực các tỉnh vùng Đông Bắc

4.3.17. Dự án Trung tâm văn hoá vùng Việt Bắc

4.3.18. Đề án xây dựng Trung tâm Thông tin thị trường lao động - mạng lưới giới thiệu việc làm vùng TD-MN Bắc Bộ tại Thái Nguyên.

4.3.19. Dự án xây dựng trường trung cấp nghề Nam Thái Nguyên.

4.3.20. Đầu tư xây dựng hoàn thiện Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh.

4.3.21. Dự án xây dựng khu đô thị sinh viên tại xã Quyết Thắng TP Thái Nguyên.

4.3.22. Thành lập trường Đại học Việt Bắc.

4.3.23. Thành lập mới Trường Đại học Quốc tế.

4.3.24. Xây dựng và phát triển CNTT&TT Thái Nguyên trở thành trung tâm vùng Đông Bắc.

4.3.25. Dự án xây dựng Khu công nghệ cao và phần mềm Quyết Thắng tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên; Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm dữ liệu quốc gia, Trường Đại học Thông tin và Truyền thông quốc gia tại Khu tổ hợp công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và đô thị Yên Bình, Thái Nguyên.

4.3.26. Dự án Trường Phổ thông Trung học Chuyên Thái Nguyên.

4.3.27. Xây dựng cơ sở đào tạo nghề chơi golf.

4.3.28. Tái thành lập Trung tâm dạy nghề huyện Phổ Yên.

4.3.29. Thành lập mới Trường Trung cấp nghề Cienco 8.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tổ chức thực hiện:

1.1. Sở Giáo dục – Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch phát triển Giáo dục - Đào tạo đến năm 2020, lập kế hoạch, đề án, chương trình cụ thể hóa quy hoạch cho từng giai đoạn, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

1.2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Xây dựng kế hoạch thực hiện những nội dung Quy hoạch liên quan đến lĩnh vực dạy nghề để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định;

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề triển khai quy hoạch có hiệu quả;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kêu gọi đầu tư, viện trợ để thực hiện quy hoạch;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề ngoài công lập.

- Chủ động lập kế hoạch sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật và phát triển nhân lực phục vụ công tác đào tạo nghề theo Quy hoạch.

1.3. Sở Kế hoạch – Đầu tư

- Hình thành bộ phận chuyên trách thuộc Sở, để tiếp nhận và nắm bắt nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp và đơn vị, khuyến khích sự ra đời của các công ty cung cấp dịch vụ cung ứng nhân lực theo đặt hàng.

- Tham mưu đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, dạy nghề có sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác đầu tư vào tỉnh trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được duyệt;

- Xúc tiến các dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển nhân lực; kêu gọi đầu tư xây dựng các trường tại Thái Nguyên.

1.4. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư phát triển nhân lực theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

1.5. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh;

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách nhằm phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

1.6. Đại học Thái Nguyên và các trường Cao đẳng, Trung cấp đóng trên địa bàn

Xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên – phần có liên quan đến khối các trường trực thuộc Đại học Thái Nguyên và các trường Cao đẳng trực thuộc các bộ.

1.7. Sở Tài nguyên – Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Đại học Thái Nguyên, các trường Cao đẳng đóng trên địa bàn và UBND các huyện rà soát, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương đảm bảo đủ quỹ đất phát triển các cơ sở đào tạo, dạy nghề.

1.8. Sở Ngoại vụ

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành kêu gọi đầu tư từ nguồn viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài;

- Nghiên cứu triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ trong các ngành, lĩnh vực quan trọng.

1.9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa áp dụng công nghệ cao. Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở khu vực bị mất đất, thực hiện thúc đẩy chuyển đổi lao động lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

1.10. Sở Công thương:

- Chủ trì xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển thương mại, du lịch.

- Xây dựng và phát triển hệ thống trung tâm thương mại và Siêu thị kinh doanh bán lẻ, các ngành hàng hoặc chuyên doanh. Khuyến khích phát triển HTX thương mại - dịch vụ ở các huyện để cung cấp dịch vụ, vật tư kỹ thuật; hàng công nghiệp, tiêu dùng và tiêu thụ nông sản.

1.11. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người dân giai đoạn (2011 - 2030) theo Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn (2011 - 2030).

- Phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo triển khai nhiệm vụ phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi. Tổ chức nâng cao chất lượng giờ học thể dục chính khóa; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa, hướng dẫn học sinh tự luyện tập thể dục thể thao để tăng cường thể lực, cải thiện chiều cao thân thể. Đảm bảo chất lượng dạy và học thể dục chính khóa, các hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh; xây dựng chương trình giáo dục thể chất hợp lý có kết hợp với giáo dục quốc phòng, triển khai đồng bộ với công tác y tế học đường và dinh dưỡng học đường.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc con người; Phổ biến rộng rãi trong xã hội các biện pháp tập luyện thể dục thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, phòng chống nguy cơ lây nhiễm bệnh tật.

- Chủ trì tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2020” theo Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng đội ngũ trí thức làm công tác văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch và quản lý gia đình trên địa bàn, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu; có trình độ chuyên môn cao và năng lực thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể dục thể thao và du lịch nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

1.12. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nội dung Quy hoạch liên quan đến lĩnh vực Thông tin và Truyền thông để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các Khu công nghiệp công nghệ cao và phần mềm, Khu công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện tử; các Trung tâm dữ liệu quốc gia, vùng; Trường Đại học Thông tin và Truyền thông Quốc gia.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, quản lý và phát triển ngành Thông tin và Truyền thông trong đó ưu tiên phát triển tại các Khu công nghiệp CNTT&TT tập trung; Khu công nghệ cao và phần mềm Quyết Thắng; Thực hiện tốt đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT&TT vào năm 2020, chương trình mục tiêu đưa thông tin về cơ sở của Chính phủ đã phê duyệt; các chương trình về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn đã được UBND tỉnh phê duyệt theo từng giai đoạn.

- Chủ trì xây dựng Đề án sớm đưa Thái Nguyên thành tỉnh mạnh và là trung tâm vùng Đông Bắc về CNTT&TT trước năm 2020.

1.13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo, dạy nghề phù hợp quy định của pháp luật.

- Tham gia phối hợp thực hiện các chương trình, đề án đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng đặc thù (người nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, người dân bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng,...).

1.14. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương:

Sau khi Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh được phê duyệt thì các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển nhân lực của đơn vị mình, thể chế hoá việc phát triển nhân lực gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đơn vị.

2. Kiến nghị và kết luận

2.1. Kiến nghị với Trung ương:

Đề nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành, các trường, các đơn vị thuộc Bộ, Ngành hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện quy hoạch. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các trường thuộc Đại học Thái Nguyên, các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc các Bộ, Ngành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Thái Nguyên và khu vực TDMN Bắc Bộ.

Có chính sách phát triển nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Tiếp tục xây dựng hệ thống ký túc xá sinh viên hiện đại.

2.2. Kết luận

Thực hiện xây dựng Quy hoạch Phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2020 giúp hiểu rõ sâu hơn về thực trạng nhu cầu phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên khả năng điều kiện để đào tạo phát triển nhân lực chất lượng cao từ đó đề ra phương hướng phát triển nhân lực trong giai đoạn 2012-2020 của tỉnh Thái Nguyên và có quan điểm, mục tiêu, giải pháp đồng bộ thích hợp để phát triển nhân lực trong giai đoạn tới.

Việc phát triển nhân lực trong giai đoạn vừa qua đã có những tiến bộ nhất định số lượng, chất lượng nhân lực ngày càng được nâng cao đã đáp ứng một phần yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy nhiên để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo của cả nước và phát triển bền vững. Đặt ra yêu cầu hết sức cần thiết là phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao trên cơ sở một quy hoạch phát triển nhân lực tổng thể và chi tiết giai đoạn 2012-2020 với cơ cấu đào tạo nhân lực về trình độ, ngành nghề và vùng miền hợp lý.

Phát triển nhân lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2020 là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ sở đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong đó Trường Đại học Thái Nguyên và các trường Cao đẳng giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo phát triển nhân lực, nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước nói chung, khu vực TDMN Bắc Bộ và tỉnh Thái Nguyên nói riêng./.

 

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết xây dựng quy hoạch

2- Mục đích, yêu cầu và phạm vi quy hoạch

2.1. Mục đích

2.2. Yêu cầu

2.3. Phạm vi quy hoạch:

3. Những căn cứ chủ yếu xây dựng quy hoạch

4. Kết cấu của quy hoạch:

Phần I

ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ NHÂN LỰC CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN

1. Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội

1.1. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010

1.2. Cơ cấu GDP và cơ cấu lao động:

1.3. Các lĩnh vực kinh tế của tỉnh

1.3.1. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng

1.3.2 Lĩnh vực dịch vụ - thương mại

1.3.3 Lĩnh vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản:

1.3.4. Các đặc điểm kinh tế đáng lưu ý của tỉnh

2. Đặc điểm phát triển nhân lực

2.1. Xu hướng biến động dân cư trên địa bàn tỉnh

2.2. Cơ cấu lao động

2.3. Đặc điểm nhân lực của tỉnh:

2.3.1. Trình độ học vấn của nhân lực

2.3.2. Nhân lực theo trình độ đào tạo

2.3.3. Nhóm lao động đặc biệt

a, Đội ngũ cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể:

b, Đội ngũ cán bộ, công chức khối quản lý nhà nước

2.3.4. Đặc điểm tâm lý-xã hội (phong tục, tập quán, truyền thống, lối sống, văn hoá…) của nhân lực

3. Hiện trạng đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh

3.1. Đại học-cao đẳng

3.2. Dạy nghề

4. Hiện trạng sử dụng nhân lực

4.1. Năng suất lao động

4.2. Trạng thái hoạt động của nhân lực

4.3. Trạng thái việc làm của nhân lực

5. Đánh giá tổng quan, thách thức và thời cơ

Phần II

PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2012-2020

1. Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh

2. Những nhân tố tác động đến phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020

2.1. Những nhân tố bên ngoài

2.2. Những nhân tố bên trong

2.2.1. Nhân tố trong nước

2.2.2. Phương hướng, quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên

3. Quan điểm và mục tiêu phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020

3.1. Quan điểm phát triển

3.2. Mục tiêu phát triển nhân lực đến năm 2020

3.2.1. Mục tiêu tổng quát

3.2.2. Mục tiêu cụ thể

4. Dự báo cung cầu nhân lực đến năm 2020.

4.1. Dự báo tổng số lực lượng lao động (tổng cung lao động) của tỉnh đến năm 2020

4.2 Dự báo nhu cầu lao động giai đoạn 2012-2020 và nhu cầu lao động qua đào tạo:

4.2.1. Dự báo cung lao động giai đoạn 2012-2020

4.2.2. Dự báo cầu lao động giai đoạn 2012-2020

5. Phương hướng phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020

5.1. Nâng cao trình độ dân trí tạo điều kiện tiền đề phát triển đào tạo nhân lực

5.2. Đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn-nghiệp vụ và kỹ năng làm việc cho người lao động

5.2.1. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

5.2.2. Phát triển mạnh giáo dục chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học (gồm từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên)

5.3. Giải quyết việc làm, tuyển dụng lực lượng lao động và tăng năng suất lao động

5.4. Phát triển các nhóm nhân lực trọng điểm

5.4.1. Nguồn nhân lực khu vực sản xuất-kinh doanh

5.4.2. Phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực hành chính-sự nghiệp

5.4.3. Đào tạo nhân lực các dân tộc thiểu số

5.4.4. Đào tạo nông dân:

Phần III

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CỦA TỈNH

1. Tăng cường quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực

1.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực

1.2. Đổi mới tổ chức và phương pháp quản lý nhà nước về phát triển nhân lực

1.3. Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhân lực

2. Cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút và sử dụng nhân lực:

2.1. Chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực

2.2. Chính sách trọng dụng và thu hút nhân tài

2.3. Chính sách ưu tiên phát triển nhân lực các dân tộc thiểu số, vùng cao và vùng sâu, vùng xa

2.4. Chính sách xã hội hoá phát triển nhân lực

2.5. Chính sách xây dựng và phát triển hệ thống công cụ thông tin và thị trường lao động

2.6. Mở rộng, tăng cường hợp tác để phát triển nhân lực

2.6.1. Sự phối hợp và hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương:

2.6.2. Sự phối hợp và hợp tác với các tỉnh bạn trong phát triển nhân lực

2.6.3. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực

3. Đào tạo, nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng lao động

3.1. Tăng cường cơ sở vật chất, đồng bộ hoá, chuẩn hoá theo hướng hiện đại mạng lưới giáo dục để tiếp tục nâng cao trình độ học vấn và chất lượng giáo dục làm cơ sở vững chắc cho phát triển đào tạo nhân lực

3.2. Xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực

- Xây dựng, mở rộng và hiện đại hoá các cơ sở dạy nghề.

4. Dự báo nhu cầu vốn và giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực

4.1. Căn cứ tính toán

4.1.1. Đào tạo nhân lực

4.1.2. Đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực

4.2. Nhu cầu vốn và khả năng huy động các nguồn vốn

4.2.1. Nhu cầu vốn

4.2.2. Khả năng huy động các nguồn vốn

4.2.3 Giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực

4.3. Xây dựng các đề án, dự án

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tổ chức thực hiện:

1.1. Sở Giáo dục – Đào tạo

1.2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

1.3. Sở Kế hoạch – Đầu tư

1.4. Sở Tài chính

1.5. Sở Nội vụ

1.6. Đại học Thái Nguyên và các trường Cao đẳng, Trung cấp đóng trên địa bàn

1.7. Sở Tài nguyên – Môi trường

1.8. Sở Ngoại vụ

1.9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

1.10. Sở Công thương:

1.11. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

1.12. Sở Thông tin và Truyền thông

1.13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

1.15. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương:

2. Kiến nghị và kết luận

2.1. Kiến nghị với Trung ương:

2.2. Kết luận

 



([1]) Ghi chú: Đó là các Khu công nghiệp : Luyện kim Lưu Xá, Sông Công, La Hiên,  Nam Phổ Yên, Bãi Bông, Tây TP Thái Nguyên và hơn 20 khu, cụm công nghiệp nhỏ ở các huyện  với tổng diện tích 5.320 Ha.