Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 22/2006/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 10 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH HẠN MỨC GIAO ĐẤT Ở, HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT Ở VÀ XỬ LÝ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ KHI CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở, ĐẤT VƯỜN, AO TRONG CÙNG MỘT THỬA ĐẤT VỚI ĐẤT Ở

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 và Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại công văn số 231 CV/TN-MT ngày 30 tháng 3 năm 2006, Sở Tài chính tại công văn số 234 CV/VG-CS ngày 20/02/2006, Cục Thuế tỉnh tại công văn số 314 CT/THDN ngày 09/02/2006, Sở Xây dựng tại công văn số 64/XD-VP ngày 28/2/2006 và của Sở Tư pháp tại văn bản số 604/BC-STP ngày 17/02/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: Quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và xử lý một số vấn đề cụ thể khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất vườn, ao trong cùng một thửa đất với đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành và thay thế các Quyết định số 936 QĐ/UB ngày 25/8/1992, số 502 QĐ/UB ngày 21/3/1994, số 2394/2000/QĐ/UB-NL2 ngày 14/11/2000 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Các quy định trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các ngành và các hộ gia đình, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
 - Như điều 3;
 - Văn phòng Chính phủ;
 - Bộ Tài nguyên và Môi trường;
 - Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
 - Thường trực Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
 - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
 - Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
 - Sở Tư pháp;
 - Báo HT, Đài PT-TH tỉnh;
 - Các PVP UBND tỉnh;
 - Lưu: VT, TH, NL1

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Kỳ

 

QUY ĐỊNH

HẠN MỨC GIAO ĐẤT Ở, HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT Ở VÀ XỬ LÝ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ KHI CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở, ĐẤT VƯỜN, AO TRONG CÙNG MỘT THỬA ĐẤT VỚI ĐẤT Ở
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22 /2006/QĐ-UBND ngày 10 / 4 /2006 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Bản quy định này quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và xử lý một số vấn đề cụ thể khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất vườn, ao trong cùng một thửa đất với đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xác định lại diện tích đất ở theo quy định của Luật đất đai năm 2003 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

1. UBND huyện, thị xã là cấp có thẩm quyền quyết định việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất vườn, ao trong cùng thửa đất với đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa phương mình.

2. Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xin giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất vườn, ao trong cùng thửa đất với đất ở phải làm đơn nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất; đối với thị xã đã thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại phường có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Điều 3. Xác định diện tích đất ở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Diện tích đất ở được xác định để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân căn cứ vào giấy tờ về quyền sử dụng đất, thời điểm sử dụng đất, hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại địa phương và quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đất vườn, ao được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất có nhà ở trong khu dân cư.

Chương II

QUY ĐỊNH HẠN MỨC GIAO ĐẤT Ở, HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT Ở CÓ VƯỜN, AO TRONG CÙNG MỘT THỬA VỚI ĐẤT Ở

Điều 4. Hạn mức giao đất ở

Diện tích giao đất ở mới cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được quy định căn cứ vào quỹ đất thực tế của địa phương và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hạn mức giao đất ở mới cho mỗi vùng tối đa không vượt quá quy định sau:

Quy định hạn mức giao đất ở mới

Đơn vị tính: m2

TT

Khu vực

Hạn mức

1

 Khu vực đô thị

200

2

2.1

2.2

 Khu vực nông thôn

 - Vùng đồng bằng

 - Vùng trung du, miền núi

 

300

400

3

3.1

3.2

Ven đô, đầu mối giao thông tỉnh lộ, Quốc lộ

 - Vùng đồng bằng

 - Vùng trung du, miền núi

 

200

300

(Hạn mức này không áp dụng cho các trường hợp giao đất, thuê đất xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê theo dự án).

Điều 5. Hạn mức công nhận đất ở

1. Trường hợp đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18/12/1980, mà trong hồ sơ địa chính hoặc các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5, Điều 50 của Luật đất đai có ghi rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư) thì toàn bộ diện tích đất đó được xác định là đất ở theo quy định tại khoản 2 Điều 87 của Luật đất đai; trường hợp ranh giới thửa đất chưa được xác định rõ trong hồ sơ địa chính hoặc trên các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai thì diện tích đất ở được xác định bằng 5 (năm) lần hạn mức giao đất ở mới, nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; phần diện tích còn lại sau khi đã xác định đất ở thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

2. Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 01/7/2004 và người đang sử dụng có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai mà trong giấy tờ đó ghi rõ diện tích đất ở, thì diện tích đất có vườn, ao được xác định theo giấy tờ đó. Trường hợp trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì hạn mức công nhận đất ở được xác định theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình (như bảng Quy định hạn mức công nhận đất ở kèm theo), nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích thửa đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; phần diện tích còn lại sau khi đã xác định đất ở thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

Quy định hạn mức công nhận đất ở

Đơn vị tính: m2

TT

Khu vực

Phân theo số lượng khẩu của mỗi hộ

1

Khu vực đô thị  

250

300

350

2

2.1

2.2

3

3.1

3.2

Khu vực nông thôn

 - Vùng đồng bằng

 - Vùng trung du, miền núi

Ven đô, đầu mối giao thông tỉnh lộ, Quốc lộ

 - Vùng đồng bằng

 - Vùng trung du, miền núi

 

350

550

 

250

350

 

450

600

 

300

450

 

500

650

 

350

550

3. Hạn mức công nhận đất ở được quy định tại Khoản 2 Điều này, thay thế hạn mức công nhận đất ở quy định tại Quyết định số 15 QĐ/UB-XD ngày 16/2/2005 của ubnd tỉnh.

4. Trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai thì diện tích đất ở có vườn ao được xác định theo hạn mức giao đất ở mới; phần diện tích còn lại được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

Chương III

QUY ĐỊNH XỬ LÝ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ KHI CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở, ĐẤT VƯỜN, AO TRONG CÙNG MỘT THỬA VỚI ĐẤT Ở

Điều 6. Xử lý khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai mà không có tranh chấp thì diện tích đất có giấy tờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp đất thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch mà đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích không có giấy tờ khi có đầy đủ các điều kiện sau:

a, Đất không có tranh chấp;

b, Đất được sử dụng trước thời điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được xét duyệt; trường hợp đất được sử dụng sau thời điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được xét duyệt thì phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đó. Thời điểm sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận;

c, Trường hợp sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 thì phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở có vườn, ao trong cùng thửa với đất ở nhưng có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở miền núi, hải đảo, nay được ủy ban nhân dân xã nơi có đất xác nhận là sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Điều 7. Ghi nợ tiền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ, nếu chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; số tiền sử dụng đất ghi nợ được tính theo giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2. Khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất), tặng cho quyền sử dụng đất đối với người ngoài diện thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 của Luật đất đai) hoặc được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi thì phải nộp cho Nhà nước số tiền còn nợ. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất có trách nhiệm chỉnh lý xóa số tiền nợ đã ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã nộp đủ tiền sử dụng đất còn nợ cho Nhà nước; Trường hợp chưa thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện.

Các giao dịch quyền sử dụng đất đối với đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn ghi nợ tiền phải nộp cho Nhà nước đều không có giá trị pháp lý.

Điều 8. Xử lý diện tích đất đã được xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống nhưng có diện tích lớn hơn hạn mức quy định.

Đối với phần diện tích đất đã được xây dựng nhà ở mà vượt diện tích đã được xác định là đất ở theo hạn mức quy định tại Điều 4 và Điều 5 của quy định này mà đảm bảo điều kiện quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 181/2004/ NĐ-CP thì phần diện tích vượt hạn mức đó được xác định là đất ở, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

Điều 9. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với quy hoạch.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, đất vườn, ao trong cùng một thửa đất với đất ở có một phần hoặc toàn bộ thửa đất nằm trong quy hoạch cho mục đích không phải là đất ở đã được cấp có thẩm quyền duyệt và công bố chỉ giới, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì phần nằm trong quy hoạch đó phải thể hiện vào sơ đồ thửa đất trên giấy chứng nhận và ghi rõ phần diện tích này sử dụng nguyên trạng, không được xây dựng, cơi nới nhà cửa hoặc các công trình khác (riêng những diện tích đất đã giải toả mặt bằng hoặc chưa giải toả nhưng đã có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đưa vào sử dụng các công trình theo quy định của pháp luật thì không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Điều 10. Cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bị mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, muốn cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải làm đơn khai báo tình trạng mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nộp tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Nội dung đơn khai báo phải trình rõ: Họ tên, nơi thường trú của người mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thời gian, địa điểm, lý do mất, cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về khai báo của mình.

2. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm vào sổ địa chính đăng ký tình trạng mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tại phần ghi “ Những thay đổi trong quá trình sử dụng”); chuyển đơn khai báo việc mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Thời gian thực hiện công việc tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khai báo. Trường hợp Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chưa được thành lập thì chuyển hồ sơ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã.

3. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện thẩm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo hiện trạng thửa đất (đối với nơi chưa đo đạc bản đồ địa chính), trích sao hồ sơ địa chính; xác nhận vào đơn xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, niêm yết thông báo về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mất tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; gửi trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính kèm theo hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. Thời gian thực hiện công tác thẩm định và xây dựng hồ sơ không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và 30 ngày kể từ ngày niêm yết thông báo. Trường hợp Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chưa được thành lập thì Phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện.

4. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, trình UBND huyện, thị xã quyết định huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Sau khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được cấp Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi thông báo kèm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện việc đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định và giao giấy chứng nhận quyền sử đất cho người sử dụng đất. Thời gian thực hiện công việc này không quá 7 ngày làm việc. Trường hợp Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chưa được thành lập thì Phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện.

Điều 11. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân do hộ gia đình, cá nhân lập; bao gồm:

1. Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo mẫu quy định).

2. Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Khoản 1,2 và 5 Điều 50 Luật đất đai.

3. Đối với trường hợp uỷ quyền xin cấp giấy chứng nhận thì phải có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp đã lập hồ sơ theo mẫu trước đây (theo Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999, Nghị định số 79 NĐ/CP ngày 01/11/2001 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 17/1999/NĐ-CP , hướng dẫn số 02 HD/BCĐ ngày 05/9/2000 của Ban chỉ đạo tỉnh hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60 NĐ/CP ngày 05/07/1994 của Chính phủ) đã được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận thì tiếp tục xem xét hồ sơ để xử lý.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của các sở, ngành cấp tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kịp thời giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý những cán bộ, công chức vi phạm quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập và chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định.

2. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã tham mưu, xây dựng quy định giá đất cụ thể ở địa phương trình UBND tỉnh ban hành theo quy định của Luật đất đai.

3. Sở Xây dựng có trách nhiệm thẩm định, trình duyệt quy hoạch xây dựng, công khai quy hoạch đã được duyệt, chỉ đạo việc cắm mốc quy hoạch trên thực địa, tổ chức soát xét quy hoạch, trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết cho phù hợp.

4. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; kiểm tra việc thu tiền sử dụng đất và các khoản tiền khác mà hộ gia đình, cá nhân phải nộp vào ngân sách theo quy định khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

5. Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ đạo Kho bạc Nhà nước cấp huyện, thị xã thu tiền sử dụng đất và các khoản thu khác mà hộ gia đình, cá nhân phải nộp theo quy định của pháp luật khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều 13. Trách nhiệm của UBND huyện, thị xã

Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã, phường, thị trấn lập phương án triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn theo quy định tại Điều 135, Điều 136 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ và Điều 12 của quy định này.

Điều 14. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Nhà nước và những nội dung của quy định này đến tận nhân dân, bố trí địa điểm, thời gian kê khai đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định.

2. Lập phương án triển khai và tổ chức thực hiện trong địa phương mình.

3. Xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng nhận của hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi địa phương mình quản lý, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ý kiến xác nhận đó; lập hồ sơ, trình duyệt theo quy định.

4. Phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường gửi thông báo cho hộ gia đình, cá nhân nộp tiền vào ngân sách nhà nước và tổ chức giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân kê khai, xác nhận không đúng sự thật các loại giấy tờ về sử dụng đất, giả mạo giấy tờ, gây khó khăn và trục lợi trong quá trình lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, lập thủ tục để xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm hướng dẫn trình tự, thủ tục cho người sử dụng đất và thực hiện nghiêm túc quy định này;

3. Tổ chức, cá nhân có thành tích sẽ khen thưởng theo chế độ, nếu vi phạm thì tuỳ theo mức độ để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, các ngành, các cấp, các hộ gia đình, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.