Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 22/2012/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH HỖ TRỢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03/12/2004;

Căn cứ Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Thông tư số 80/2008/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ tài chính đề phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại văn bản số 597/STC-HCSN ngày 10/4/2012, kèm theo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 714/SNN-KHTC ngày 15/3/2012 và Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 251/BC-STP ngày 30/3/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ tài chính hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành; bãi bỏ Quyết định số 1917/QĐ-UBND ngày 07/8/2006 của UBND tỉnh về việc Quy định chế độ tài chính hỗ trợ công tác phòng, chống dịch lở mồm long móng gia súc, Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 03/4/2007 của UBND tỉnh về việc Quy định chế độ tài chính hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, Quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 04/10/2007 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Quy định chế độ tài chính hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm ban hành kèm theo Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 03/4/2007 của UBND tỉnh, Quyết định số 1891/QĐ-UBND ngày 08/7/2008 của UBND tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Wesite Chính phủ (để b/c);
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính (để b/c);
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh (để b/c);
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các sở: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh;
- Các Phó VP. UBND tỉnh;
- Trung tâm CB – TH tỉnh;
- Lưu: VT, TM, TH, NL.
Gửi VB giấy và ĐT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH HỖ TRỢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 18/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm bao gồm:

a) Các hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm giống gốc, giống giữ quỹ gen gia súc, gia cầm quý hiếm của Nhà nước và các đơn vị quân đội (sau đây gọi tắt là các chủ chăn nuôi).

b) Lực lượng trực tiếp tham gia công tác tiêm phòng, các chốt kiểm dịch, những người làm nhiệm vụ phun hóa chất khử trùng vùng dịch và lực lượng làm nhiệm vụ tiêu hủy gia súc, gia cầm.

2. Phạm vi áp dụng: trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Đối tượng không được ngân sách nhà nước hỗ trợ

Các doanh nghiệp trong tỉnh, doanh nghiệp có vốn nước ngoài; các chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm không thực hiện tiêm phòng nhưng bị dịch bệnh buộc phải tiêu hủy.

Điều 3. Thời gian ngân sách hỗ trợ

Từ ngày có quyết định công bố dịch đến khi có quyết định công bố hết dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm (chưa đủ điều kiện công bố dịch), theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế lây lan, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước cho phù hợp, nhưng tối đa không vượt quá mức hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nội dung, mức chi cho công tác phòng, chống bệnh dịch gia súc, gia cầm

Bao gồm dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở lợn và cúm gia cầm với các nội dung và mức hỗ trợ như sau:

1. Tiền mua vắc xin: Thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Hỗ trợ trực tiếp cho các chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy;

a) Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn;

b) Hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu;

c) Hỗ trợ 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).

3. Hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng vắc xin với mức bình quân cho một lần tiêm: 2.000 đồng/con lợn; 4.000 đồng/con trâu, bò; 200 đồng/con gia cầm. Trường hợp mức bồi dưỡng theo lần tiêm dưới 100.000 đồng/người/ngày thì được thanh toán bằng mức 100.000 đồng/người/ngày.

b) Chi phí thực tế tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc trong vùng dịch phải tiêu hủy; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, trạm kiểm dịch động vật bắt buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật về thú y.

c) Chi phí hóa chất các loại để khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, môi trường; mua trang phục phòng hộ cho người tham gia phòng, chống dịch.

d) Hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch để thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm (kể cả gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, trạm kiểm dịch động vật bắt buộc phải tiêu hủy); phun hóa chất khử trùng tiêu độc và phục vụ tại các chốt kiểm dịch. Mức chi tối đa 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.

đ) Kinh phí tuyên truyền, kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch; mua sắm thiết bị, vật dụng cho kiểm tra phát hiện, chẩn đoán bệnh dịch và phòng chống dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

e) Đối với trâu, bò bị chết do sốc phản vệ sau tiêm phòng (trong vòng không quá 8 tiếng đồng hồ kể từ khi gia súc được tiêm vắc xin) buộc phải tiêu hủy theo quy định và được Hội đồng (thành lập theo quy định tại Điều 14 Quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm ban hành kèm theo Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 20/3/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh) xác nhận do nguyên nhân khách quan; mức hỗ trợ áp dụng bằng mức hỗ trợ gia súc bị tiêu hủy do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bệnh bắt buộc phải tiêu hủy.

g) Hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm giống gốc, giống giữ quỹ gen gia súc, gia cầm hiếm của Nhà nước do địa phương quản lý như sau:

- Hỗ trợ 100% tiền thức ăn nuôi dưỡng đàn gia súc, gia cầm giống gốc, giống giữ quỹ gen gia súc, gia cầm quý hiếm trong thời gian có dịch (chỉ áp dụng cho đàn giống đang trong thời kỳ khai thác sản xuất và theo số lượng giống gốc, giống giữ quỹ gen gia súc, gia cầm hiếm được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ nuôi cho cơ sở chăn nuôi) do không tiêu thụ được sản phẩm;

- Hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian có dịch trên địa bàn do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật về thú y, bao gồm: chi phí mua sắm vật tư, thiết bị, dụng cụ, thuốc tiêu độc, khử trùng, trang phục phòng hộ và bồi dưỡng cho người tham gia phòng, chống dịch.

Điều 5. Nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

1. Kinh phí mua vắc xin: Thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.

2. Chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia tiêm phòng, chống dịch: Ngân sách huyện, thành phố, thị xã, xã, phường, thị trấn đảm bảo 100%.

3. Chi hỗ trợ trực tiếp cho các chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm phải tiêu hủy: Ngân sách trung ương đảm bảo 70%, ngân sách tỉnh đảm bảo 20%, ngân sách huyện, thành phố, thị xã đảm bảo 10%.

4. Chi mua hóa chất cho tiêu độc, khử trùng: Ngân sách tỉnh đảm bảo 100%.

5. Mua dụng cụ, trang thiết bị rẻ tiền và bảo hộ lao động phục vụ phòng, chống dịch thuộc cấp nào thì ngân sách cấp đó chi trả.

6. Chi phí tiêu hủy: Gia súc, gia cầm bị tiêu hủy thuộc huyện, thành phố, thị xã nào thì ngân sách địa phương đó đảm bảo. Đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển trên đường, qua kiểm tra phát hiện vi phạm thì buộc chủ hàng phải chịu chi phí tiêu hủy, trong trường hợp không quy định được trách nhiệm của chủ hàng trong việc chi trả chi phí tiêu hủy thì gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bắt ở huyện, thành phố, thị xã nào thì ngân sách địa phương đó đảm bảo.

7. Chi hỗ trợ cho các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, tổ giúp việc, tổ công tác liên ngành, lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch và người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch: Các đối tượng trên thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó chi trả.

8. Chi tuyên truyền, hội nghị, tập huấn, chi khen thưởng cho công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó chi trả.

Điều 6. Lập, chấp hành dự toán và thanh quyết toán

1. Lập dự toán;

Khi phát sinh dịch bệnh trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với cấp tỉnh), phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc phòng Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố (đối với cấp huyện) lập dự toán kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch gửi cơ quan tài chính, Ủy ban nhân dân cùng cấp. Ủy ban nhân dân các cấp chủ động trích từ nguồn dự phòng ngân sách cấp mình bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và mức hỗ trợ được quy định tại Điều 1, Điều 4 trên đây và tình hình cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp dự toán chi cho công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm của cấp huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn.

Đối với các khoản kinh phí do ngân sách tỉnh đảm bảo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thú y). Chi cục Thú y tổng hợp dự toán chi cho công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm của các huyện, thị xã, thành phố và của cấp tỉnh, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm tra, soát xét, tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cấp bổ sung kinh phí.

Đối với khoản kinh phí do ngân sách huyện, thành phố, thị xã; xã, phường, thị trấn đảm bảo, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố để trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quyết định các nội dung chi của ngân sách huyện, thành phố, thị xã; xã, phường, thị trấn và bổ sung nguồn kinh phí.

2. Chấp hành dự toán:

Căn cứ vào nguồn kinh phí được ngân sách hỗ trợ và tình hình thực tế của từng địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập hồ sơ đề nghị thanh toán, tổng hợp gửi về Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các khoản kinh phí do ngân sách tỉnh đảm bảo), gửi về Phòng Tài chính – Kế hoạch (đối với các khoản kinh phí do ngân sách cấp huyện, thành phố, thị xã; xã, phường, thị trấn đảm bảo) để làm thủ tục cấp phát và chỉ đạo thực hiện.

Sở Tài chính căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện việc cấp kinh phí cho các đối tượng liên quan qua ngân sách huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc tỉnh. Các đơn vị trực thuộc tỉnh được cấp kinh phí thực hiện việc thanh, quyết toán theo chế độ quy định hiện hành của nhà nước. Phòng Tài chính – Kế hoạch các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm về việc cấp, phát và thanh, quyết toán nguồn kinh phí được cấp đúng chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Hồ sơ thanh toán:

a) Kinh phí mua vắc xin: Phải có danh sách các hộ có gia súc, gia cầm tiêm phòng có chữ ký của hộ chăn nuôi, chữ ký của người tiêm (cán bộ thú y cơ sở) và xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; tổng hợp các xã, phường, trị trấn sử dụng vắc xin phòng chống dịch gia súc, gia cầm, có chữ ký của Trạm trưởng Trạm Thú y và xác nhận của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

b) Kinh phí hỗ trợ cho các chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy:

Thủ tục để xét hỗ trợ cho chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm buộc phải tiêu hủy và chi phí xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm, yêu cầu phải có: Báo cáo và đề nghị của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp xã được Trưởng ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố, thị xã xác nhận; Quyết định cho xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đối với trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm (chưa đủ điều kiện công bố dịch), theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế lây lan thì phải có xác nhận của Chi cục Thú y.

Phải lập Hội đồng xử lý và có biên bản của Hội đồng xử lý tại cơ sở (Hội đồng xử lý bao gồm: Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trạm Thú y; đại diện của Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Chăn nuôi – Thú y xã, phường, thị trấn và chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm).

Tổng hợp số tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm buộc phải tiêu hủy của các xã, phường, thị trấn có chữ ký của Trạm trưởng Trạm thú y và xác nhận của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã.

c) Kinh phí bồi dưỡng cho lực lượng tham gia tiêm phòng, chống dịch: Phải có danh sách lực lượng tham gia tiêm phòng được nhận tiền bồi dưỡng, có chữ ký của từng người, có chữ ký của Trưởng ban Chăn nuôi – Thú y cơ sở và xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; tổng hợp số tiền bồi dưỡng cho lực lượng tham gia tiêm phòng của các xã, phường, thị trấn có chữ ký của Trưởng trạm Thú y và xác nhận của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã.

d) Kinh phí bồi dưỡng cho các thành viên Báo cáo phòng chống dịch gia súc, gia cầm; Tổ giúp việc Ban chỉ đạo; Tổ công tác liên ngành; các Chốt kiểm dịch và người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch: Phải có bảng chấm công của từng bộ phận và được Trưởng (hoặc Phó) Ban chỉ đạo của cấp đó phê duyệt.

4. Quyết toán kinh phí:

Kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được tổng hợp vào quyết toán chi thường xuyên của các cấp ngân sách.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các đơn vị

1. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Tài chính tổng hợp phần kinh phí do Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg trình Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào mức hỗ trợ và nguồn kinh phí hỗ trợ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ quy định. Kết thúc đợt dịch và cuối năm, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.