Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/2006/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH LỞ MỒM, LONG MÓNG, GIA SÚC VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG DỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ban hành ngày 29/4/2004 và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-TTg ngày 18/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch LMLM gia súc;

Căn cứ Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 18/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành “Quy định phòng, chống dịch LMLM gia súc”;

Căn cứ Thông tư số 44/2006/TT-BTC ngày 24/5/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ tài chính để phòng, chống dịch LMLM gia súc;

Xét đề nghị của Giám đốc liên sở: Nông nghiệp và PTNT - Tài chính tại Tờ trình số 45/TTrLN: NN&PTNT-TC ngày 29/5/2006 về việc ban hành “Quy định phòng, chống dịch LMLM gia súc và chính sách hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch trên địa bàn Hà Nội”.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về phòng, chống dịch bệnh lở mồm, long móng gia súc và Chính sách hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của UBND Thành phố trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Thương mại Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Văn hóa Thông tin, Khoa học và Công nghệ, Giao thông công chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, quận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quý Đôn

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG DỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 91/2006/QĐ- UBND ngày 08/6/2006 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có hoạt động về chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) là nơi có một hoặc nhiều gia súc mắc bệnh LMLM.

2. Vùng dịch là một hoặc nhiều, xã, huyện có dịch.

3. Vùng khống chế (còn gọi là vùng bị dịch uy hiếp) là các xã tiếp giáp với xã có dịch và các thôn chưa có dịch trong xã đó.

4. Vùng đệm là vùng tiếp giáp bên ngoài vùng khống chế trong phạm vi 5 km tính từ chu vi vùng khống chế.

5. Vùng nguy cơ cao là các thôn xung quanh chợ buôn bán gia súc và nơi giết mổ gia súc; các xã có điểm trung chuyển, tập kết gia súc; các thị trấn, thị tứ có đường quốc lộ đi qua.

Chương II

PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG

Điều 3. Phòng bệnh lở mồm long móng

1. Tuyên truyền bệnh LMLM và cách phòng chống

a) Chi cục Thú y Hà Nội có trách nhiệm xây dựng nội dung tuyên truyền phòng chống bệnh LMLM và hướng dẫn các Trạm Thú y Quận, Huyện triển khai chương trình tuyên truyền ở địa phương.

b) UBND các cấp chỉ đạo việc thực hiện thông tin tuyên truyền tại địa phương mình theo nội dung của các cơ quan Thú y.

c) Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về tính chất nguy hiểm và biện pháp phòng chống bệnh LMLM tới từng hộ gia đình và cộng đồng.

d) Tuyên truyền, vận động các chủ chăn nuôi ký cam kết thực hiện "5 không":

Không giấu dịch;

Không mua gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh đưa về địa phương;

Không bán chạy gia súc mắc bệnh;

Không thả rông, không tự vận chuyển gia súc bị mắc bệnh LMLM ra khỏi vùng dịch;

Không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh LMLM bừa bãi

2. Trách nhiệm của các cơ quan trong việc giám sát phát hiện bệnh

a) Chi cục Thú y Hà Nội có trách nhiệm

Thành lập tổ chuyên trách giám sát bệnh LMLM có ít nhất 4 cán bộ; Hướng dẫn các quận, huyện, triển khai các hoạt động điều tra, giám sát phát hiện dịch bệnh; Tổ chức lấy mẫu để chẩn đoán theo hướng dẫn của Cục Thú y.

b) Trạm Thú y có trách nhiệm

Phân công cán bộ thường xuyên theo dõi giám sát phát hiện dịch bệnh; Khi nhận được báo cáo gia súc nghi mắc bệnh LMLM, tiến hành xác minh ngay và báo cáo kịp thời lên cấp trên.

c) Ở cấp xã

Uỷ ban nhân dân xã phối hợp với Ban thú y xã theo dõi giám sát dịch bệnh tới tận thôn; Có sổ, sách theo dõi đàn gia súc, diễn biến tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng ở các thôn; Khi có chủ vật nuôi hoặc thú y tư nhân báo cáo có gia súc nghi mắc bệnh LMLM, Ban thú y xã kiểm tra ngay và báo cáo Trạm thú y huyện.

d) Ở thôn

Trưởng thôn, thú y viên chịu trách nhiệm giám sát dịch bệnh LMLM đến tận hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi trong thôn; Báo cáo tình hình dịch bệnh cho UBND xã và Ban thú y xã.

đ) Chủ vật nuôi: Khi nghi ngờ gia súc mắc bệnh, chủ vật nuôi phải báo ngay cho trưởng thôn hoặc nhân viên thú y.

3. Vệ sinh phòng bệnh:

a) Các cơ sở chăn nuôi, các hộ chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn dịch bệnh theo Điều 6 trong quy định phòng chống LMLM tại Quyết định 38/2006/QĐ-BNN , ngày 16/5/2006 của Bộ NN&PTNT.

b) Hoá chất khử trùng: Có thể sử dụng một trong các loại hoá chất sau: xút 2%, formol 2%, crezin 5%, nước vôi 20% hoặc vôi bột và một số hoá chất khử trùng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

4. Tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc theo quy định

a) Vùng tiêm phòng: Vùng được tiêm vắc xin phòng bệnh bao gồm: vùng dịch, vùng đệm, vùng khống chế, vùng có nguy cơ cao.

b) Đối tượng tiêm phòng gồm: Trâu, bò, dê, cừu, lợn (kể cả lợn nái, lợn đực giống) trên địa bàn vùng tiêm phòng;

Tất cả gia súc khi đưa ra khỏi Thành phố thì phải tiêm phòng kể cả gia súc nằm ngoài vùng tiêm phòng quy định trên (phải sau khi tiêm 14 ngày hoặc đã được tiêm phòng và còn miễn dịch).

c) Thời gian tiêm phòng:

Tiêm phòng 2 lần trong một năm, lần thứ nhất cách lần thứ hai 6 tháng; lần thứ nhất tiêm vào tháng 3-4, lần thứ hai tiêm vào tháng 9-10; Tiêm liên tục trong thời gian 2 năm kể từ thời điểm công bố hết dịch; Liều lượng, quy trình sử dụng vắc xin theo hướng dẫn của Chi cục Thú y và nhà sản xuất.

5. Kiểm dịch vận chuyển.

Chủ tịch UBND Thành phố quyết định thành lập trạm, chốt kiểm dịch tạm thời tại đầu mối giao thông theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi các tỉnh liền kề có dịch;

Tổ chức thu giữ, tiêu huỷ gia súc mắc bệnh hoặc gia súc vận chuyển vào Thành phố không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ; chủ gia súc không được bồi thường và phải chịu xử phạt hành chính, chịu chi phí tiêu huỷ;

c) Cơ quan Thú y chịu trách nhiệm thực hiện việc kiểm dịch tại gốc và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Chống dịch lở mồm long móng

1. Công bố dịch: Khi có đủ điều kiện công bố dịch theo quy định tại Điều 17 Pháp lệnh Thú y thì Chủ tịch UBND Thành phố ra quyết định công bố dịch.

2. Xử lý ổ dịch:

a) Cách ly và nuôi nhốt gia súc mắc bệnh: Chủ nuôi gia súc khi phát hiện gia súc

nhiễm bệnh phải nuôi cách ly và báo ngay cho trưởng thôn hoặc nhân viên thú y.

b) Xác minh và chẩn đoán: Khi nhận được thông báo, trong phạm vi một ngày cán bộ thú y huyện phải tiến hành xác minh và lấy mẫu chẩn đoán bệnh.

c) Chủ tịch UBND xã, phường có trách nhiệm:

Chỉ đạo trưởng thôn và cán bộ thú y xã kiểm tra, giám sát chủ nuôi gia súc thực hiện cách ly gia súc mắc bệnh với gia súc khoẻ; giúp cán bộ thú y huyện lấy mẫu bệnh phẩm; thống kê số lượng, loài gia súc mắc bệnh, số hộ gia đình có gia súc mắc bệnh.

- Lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục đường giao thông chính ra vào vùng dịch và vùng khống chế, trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa động vật, sản phẩm động vật ra ngoài vùng dịch. Đặt biển báo khu vực có dịch, tổ chức phun khử trùng các phương tiện vận chuyển từ vùng dịch đi ra ngoài.

- Thực hiện tiêu huỷ gia súc mắc bệnh trong vùng dịch theo hướng dẫn và giám sát của cơ quan thú y.

- Vệ sinh, tiêu độc khử trùng: Thực hiện theo Mục d Điều 10 trong quy định phòng Chống LMLM tại Quyết định 38/2006/QĐ-BNN , ngày 16/5/2006 của Bộ NN&PTNT

d) UBND Thành phố uỷ quyền cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định tiêu huỷ gia súc mắc bệnh, sau khi có đề nghị của cơ quan Thú y.

đ) Không được buôn bán gia súc nhiễm bệnh; không tổ chức triển lãm, tham quan, vui chơi trong vùng có dịch.

e) Chế độ báo cáo: UBND, Cơ quan thú y cấp dưới có trách nhiệm báo cáo hàng ngày lên UBND, cơ quan thú y cấp trên cho đến khi có quyết định công bố hết dịch; Khi xảy ra dịch, Chi cục Thú y phải thông báo ngay cho Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố lân cận biết để chủ động phòng, chống bệnh.

3. Kiểm soát vận chuyển

Chủ tịch UBND Quận, Huyện chỉ đạo các xã, phường và các cơ quan trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Xác định thôn, xã có dịch để khoanh vùng ổ dịch và lập các chốt kiểm dịch tạm thời, trực 24/24 giờ, có biển báo, hướng dẫn giao thông ngăn cấm việc đưa gia súc và sản phẩm của chúng ra ngoài vùng dịch. Tại các chốt phải có phương tiện và chất sát trùng để xử lý mọi đối tượng ra khỏi vùng dịch.

d) Không được vận chuyển gia súc nhiễm bệnh LMLM và sản phẩm của chúng ra khỏi vùng dịch và vùng khống chế;

4. Công bố hết dịch: Khi có đủ điều kiện công bố hết dịch theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Thú y thì Chủ tịch UBND Thành phố ra quyết định công bố hết dịch.

Chương III

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG

Điều 5. Mức chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch LMLM ở gia súc như sau:

1. Hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã chăn nuôi trên địa bàn Thành phố có gia súc phải tiêu, huỷ do mắc bệnh LMLM. Mức hỗ trợ: 12.000 đồng/kg hơi đối với lợn; 16.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu.

2. Chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia công tác tiêm phòng, chống dịch. Mức chi: 1.000 đồng/con/lần tiêm đối với lợn; đối với các loại gia súc còn lại 2.000 đồng/con/lần tiêm.

3. Chi hỗ trợ cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm tra dịch và làm nhiệm vụ phun hóa chất khử trùng vùng dịch. Mức chi 50.000/đồng/ngày/người đối với ngày làm việc và 100.000 đồng/ngày/người đối với ngày nghỉ, ngày lễ.

4. Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác tiêu huỷ gia súc. Mức chi 50.000 đồng/ngày/người đối với ngày làm việc và 100.000đồng/ngày/người đối với ngày nghỉ, ngày lễ.

5. Thời gian ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 1,2,3,4 Điều này kể từ ngày 01/5/2006 đến khi có quyết định công bố hết dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp trên địa bàn quận, huyện có ổ dịch LMLM phát sinh trước thời điểm l/5/2006, phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch, kể cả có gia súc xác định là dịch bệnh LMLM bị tiêu huỷ, UBND các quận, huyện tổng hợp, thống nhất với Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND Thành phố xem xét chỉ đạo để áp dụng thực hiện các mức hỗ trợ nêu trên.

Điều 6. Nguồn kinh phí:

Ngân sách Thành phố và ngân sách Quận, Huyện được sử dụng nguồn trong cân đối và dự phòng ngân sách để thực hiện:

1. Ngân sách Thành phố cấp cho Sở Nông nghiệp và PTNT (giao cho Chi cục Thú y) để thực hiện các nội dung:

a) Mua vaccin, hoá chất (theo nhu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn quận, huyện) để cung cấp cho các quận, huyện tổ chức tiêm phòng gia súc, phun khử trùng, tiêu độc; Mua trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tiêm vaccin, dụng cụ bảo hộ lao động phục vụ phun hóa chất.

b) Chi tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, bảo quản, vận chuyển thuốc, xét nghiệm và chẩn đoán bệnh dịch;

c) Chi cho công tác chỉ đạo phòng chống dịch LMLM ở cấp Thành phố.

2. Ngân sách các quận, huyện cân đối để thực hiện các nội dung:

a) Hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các đối tượng chăn nuôi có gia súc tiêu huỷ theo mức quy định. Gia súc bị tiêu huỷ phải có xác nhận của chính quyền xã, phường và cơ quan thú y về chủng loại, số lượng, trọng lượng gia súc tiêu huỷ; (Khi nhà nước thay đổi mức hỗ trợ, sẽ được điều chỉnh theo quy định).

b) Chi cho công tác tiêu huỷ gia súc với mức bình quân 150.000 đồng/con trâu bò tiêu huỷ và bình quân 50.000 đồng/con lợn, dê, cừu, hươu, nai tiêu huỷ, để thực hiện việc mua hoá chất các loại cho tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, môi trường, trang phục phòng hộ cho người tham gia tiêu huỷ gia súc.

c) Chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia công tác tiêm phòng, chống dịch, Chi hỗ trợ cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm tra dịch và làm nhiệm vụ phun hoá chất khử trùng vùng dịch; Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác tiêu huỷ gia súc.

d) Chi công tác tuyên truyền, chỉ đạo của Quận, Huyện.

Trường hợp nguồn cân đối ngân sách và dự phòng ngân, sách Quận, Huyện, không đảm bảo được cân đối và còn thiếu, ngân sách Thành phố sẽ bổ sung có mục tiêu về ngân sách các Quận, Huyện.

Điều 7. Việc xử lý về vay vốn của chủ chăn nuôi gia súc

Được thực hiện theo Điều 2 Quyết định số 738/QĐ-TTg ngày 18/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm:

- Tham mưu cho Thành phố trong việc xây dựng chương trình và lập kế hoạch phòng chống dịch lở mồm long móng.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định phòng chống dịch lở mồm long móng, tổng hợp tình hình, kết quả và khó khăn vướng mắc, báo cáo UBND Thành phố xem xét giải quyết kịp thời.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y tổ chức triển khai và nắm chắc tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch, định kỳ báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND Thành phố quyết định phạm vi, địa bàn áp dụng tiêm phòng, công bố dịch và hết dịch…; Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư lập dự toán kinh phí trình UBND Thành phố phê duyệt; Hướng dẫn các quận, huyện về chuyên môn, chỉ đạo lực lượng cán bộ Thú y thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đồng thời theo dõi kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định phòng chống dịch lở mồm long móng trên địa bàn Thành phố.

Điều 9. Sở Tài chính có trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các quận, huyện để kịp thời bố trí nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch và chính sách hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch LMLM trình UBND Thành phố quyết định.

Hướng dẫn, kiểm tra việc lập, phân bổ dự toán và quyết toán từ nguồn chi ngân sách về công tác phòng chống dịch LMLM đảm bảo đúng mục đích, chế độ theo quy định quản lý tài chính hiện hành.

Điều 10. UBND các Quận, Huyện có trách nhiệm:

Phối hợp với Chi cục Thú y chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng và quy định cụ thể việc xác định số lượng gia súc phải tiêu hủy và thực hiện công khai tại thôn, xã đảm bảo hỗ trợ trực tiếp đến người chăn nuôi. Đảm bảo kịp thời kinh phí cho công tác phòng chống dịch và mức bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch thực hiện theo quy định hiện hành.

Tổ chức việc tiêm phòng, phun khử trùng tiêu độc bắt buộc cho đàn gia súc trong vùng dịch và vùng có nguy cơ cao, vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường cùng lực lượng Thú y tổ chức kiểm soát chặt chẽ về thú y đối với việc vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch theo quy định của cơ quan thú y.

Chủ động cân đối ngân sách hàng năm để phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Điều 11. UBND các xã, phường có trách nhiệm:

Chủ trì cùng Ban thú y xã hướng dẫn kỹ thuật, thường trực và tổng hợp tình hình dịch bệnh; chỉ đạo trưởng thôn trực tiếp kiểm tra, giám sát đến hộ, cơ sở chăn nuôi; phối hợp các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân giám sát thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; Chỉ đạo công tác tiêu huỷ gia súc mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên địa bàn./.