Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 22/2013/QĐ-UBND

Vị Thanh, ngày 09 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011 ; Căn cứ Luật Tố cáo ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại;

Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh Hậu Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Chánh

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định: trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (dưới đây gọi chung là Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước); quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức tại địa điểm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của công dân khi đến địa điểm tiếp công dân; thống nhất quản lý công tác tổ chức tiếp công dân trong phạm vi toàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định; cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân; công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Điều 2. Mục đích tiếp công dân

1. Tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh, góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước.

2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền để xem xét, giải quyết và các trường hợp không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Hướng dẫn, giải thích cho công dân thông hiểu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 3. Bố trí địa điểm tiếp công dân

1. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định phải bố trí địa điểm tiếp công dân có vị trí thuận lợi, đảm bảo các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Tại địa điểm tiếp công dân phải có nội quy tiếp công dân và niêm yết công khai Quy chế tổ chức tiếp công dân, trong đó phải nêu rõ trách nhiệm của người người đứng đầu và cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo; lịch tiếp công dân định kỳ và đột xuất, thể hiện cụ thể thời gian tiếp của cơ quan, đơn vị, họ, tên, chức vụ người tiếp công dân, phân công bố trí cán bộ tiếp công dân; thực hiện việc niêm yết trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo để công dân biết và thực hiện.

2. Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh:

Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh có nhiệm vụ giúp Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp công dân. Trụ sở Tiếp công dân do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy bố trí cán bộ làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân. Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh do một Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách, có con dấu riêng.

3. Địa điểm tiếp công dân của huyện, thị xã, thành phố (dưới đây gọi chung là cấp huyện) được thực hiện tại Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Cán bộ chuyên trách tiếp công dân có nhiệm vụ giúp Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Người phụ trách công tác tiếp công dân ở cấp huyện được sử dụng con dấu của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện trong hoạt động tiếp công dân.

Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện phối hợp với Văn phòng Huyện ủy, Thanh tra huyện, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy bố trí cán bộ làm nhiệm vụ thường trực tiếp công dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cử một Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND phụ trách công tác tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của cấp huyện.

4. Địa điểm tiếp công dân của UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) được thực hiện tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân; phân công cán bộ tư pháp hoặc cán bộ địa chính kiêm nhiệm công tác tiếp công dân.

5. Địa điểm tiếp công dân của các cơ quan tổ chức ở các sở, ban, ngành, các cấp được bố trí tại trụ sở nơi làm việc.

Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh, địa điểm tiếp công dân, người phụ trách nơi tiếp công dân.

1. Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh có nhiệm vụ tiếp công dân; hướng dẫn, giải thích, vận động, thuyết phục công dân thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền.

Người phụ trách Trụ sở Tiếp công dân có trách nhiệm chủ trì việc phối hợp công tác giữa cán bộ các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân; yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cử cán bộ có trách nhiệm đến Trụ sở Tiếp công dân để phối hợp tham gia tiếp công dân, bàn biện pháp xử lý khi có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kế hoạch, chương trình, hồ sơ, tài liệu cho người có thẩm quyền của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp công dân; kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trả lời việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do Trụ sở Tiếp công dân chuyển đến; phối hợp với Chánh Thanh tra cấp tỉnh tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân; báo cáo với Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh.

2. Bộ phận tiếp công dân cấp huyện có trách nhiệm tiếp công dân, hướng dẫn, giải thích, vận động, thuyết phục công dân thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền.

Người phụ trách công tác tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của cấp huyện có trách nhiệm chủ trì việc phối hợp công tác giữa cán bộ các cơ quan tham gia tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân; yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cử cán bộ có trách nhiệm đến địa điểm tiếp công dân để phối hợp tham gia tiếp, bàn biện pháp xử lý khi có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kế hoạch, chương trình, hồ sơ, tài liệu cho người có thẩm quyền của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tiếp công dân; Kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trả lời việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do bộ phận tiếp công dân chuyển đến; phối hợp với Chánh Thanh tra cấp huyện tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân; báo cáo Chánh Thanh tra cấp tỉnh và Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về công tác tiếp công dân.

3. Cán bộ tiếp công dân của cấp xã và các cơ quan, tổ chức ở cấp huyện có nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định, phải tổ chức tiếp công dân, hướng dẫn, giải thích, vận động, thuyết phục công dân thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Điều 5. Bố trí cán bộ, công chức tiếp công dân

1. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định phải bố trí cán bộ, công chức chuyên trách (đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố); bố trí cán bộ, công chức kiêm nhiệm (đối với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các sở, ban, ngành) tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân hàng tuần và tiếp công dân định kỳ cùng Thủ trưởng cơ quan. Khi Thủ trưởng cơ quan, tổ chức tiếp công dân, các cơ quan chuyên môn có liên quan phải cử đại diện lãnh đạo cùng dự theo đề nghị của người phụ trách công tác tiếp công dân.

2. Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải là người có đạo đức, phẩm chất, có năng lực chuyên môn và kỹ năng giao tiếp để xử lý các tình huống tại nơi tiếp công dân; am hiểu thực tế của ngành, địa phương, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, chỉ được tiếp công dân tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân đã quy định.

3. Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh được sử dụng con dấu riêng để tiến hành hoạt động giao dịch với các cơ quan, tổ chức có liên quan về lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết khiếu nại đã chuyển cơ quan có thẩm quyền; bố trí đủ biên chế theo quy định, phối hợp với các Văn phòng có liên quan bố trí cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân và xử lý đơn thư; bảo đảm hoàn thành tốt việc tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân định kỳ cùng Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo các cơ quan khác của tỉnh khi có yêu cầu.

4. Việc tiếp công dân định kỳ của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh được tổ chức theo Thông báo lịch tiếp công dân của Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh ban hành. Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp công dân, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý tiếp công dân đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan biết để tổ chức thực hiện.

5. Đối với cấp huyện: bố trí từ một đến hai công chức chuyên trách tiếp công dân thường xuyên và một số công chức không chuyên trách của các cơ quan: Thanh tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị...bảo đảm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và đột xuất cùng Thường trực Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và lãnh đạo các cơ quan khác của huyện. Giao Lãnh đạo Văn phòng (Chánh hoặc Phó Chánh Văn phòng) HĐND và UBND cấp huyện phụ trách tiếp công dân và được sử dụng con dấu của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện trong hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư.

6. Các sở, ban, ngành có tổ chức thanh tra thì giao công chức thanh tra thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Đối với các đơn vị không có tổ chức thanh tra thì bố trí ít nhất một công chức chuyên môn có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp công dân.

7. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tiếp công dân ở các cấp, các ngành thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN

Điều 6. Tiếp công dân thường xuyên

Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; địa điểm tiếp công dân cấp huyện; các cơ quan Thanh tra Nhà nước; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân thường xuyên. Các cơ quan, tổ chức còn lại tổ chức tiếp công dân theo quy định pháp luật.

Điều 7. Tiếp công dân theo định kỳ

1. Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh phục vụ việc tiếp công dân định kỳ (ít nhất một ngày trong tháng, không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu đột xuất) cho Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh theo thông báo lịch tiếp công dân của Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

2. Thời gian tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh, cấp huyện, cấp xã được quy định như sau:

a) Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành tỉnh định kỳ tiếp công dân tại nơi tiếp công dân của đơn vị mình ít nhất 01 ngày trong tháng, không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu đột xuất.

b) Thường trực Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp công dân định kỳ ít nhất là hai ngày trong tháng; không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu đột xuất.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong tuần, không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu đột xuất.

Điều 8. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân

1. Thực hiện việc tiếp công dân để nghe, xử lý và chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc lĩnh vực mình quản lý.

2. Chỉ đạo kịp thời các cơ quan chức năng thuộc quyền quản lý, kiểm tra, xác minh, đề xuất, kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng thời hạn quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân định kỳ theo quy định, không kể việc tiếp công dân theo yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất. Trường hợp có lý do chính đáng phải vắng mặt thì phân công cấp phó tiếp và phải thông báo công khai cho công dân biết. Không được cử người không có thẩm quyền giải quyết công việc làm nhiệm vụ tiếp công dân thay mình. Sau khi tiếp công dân phải có văn bản giải quyết hoặc giao cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và phải trả lời kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân theo quy định.

4. Trong mỗi lần tiếp công dân phải tổ chức tiếp đầy đủ tất cả các công dân đến yêu cầu được tiếp, trừ trường hợp công dân đó đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo chấm dứt việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không cung cấp tình tiết mới có thể làm thay đổi nội dung đã xem xét, giải quyết.

5. Bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị cần thiết, giữ gìn an ninh trật tự tại nơi tiếp công dân.

6. Có trách nhiệm cập nhật, theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ về tình hình công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Điều 9. Gắn tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo

Việc tiếp công dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh có hiệu quả. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài thì Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức phải tiếp công dân và có biện pháp chỉ đạo, giải quyết hoặc phối hợp với đơn vị liên quan giải quyết kịp thời, không để phát sinh "điểm nóng", gây mất ổn định chính trị - xã hội, trật tự công cộng hoặc tại nơi tiếp công dân.

Chương 3.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TIẾP CÔNG DÂN; QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN KHI ĐẾN NƠI TIẾP CÔNG DÂN

Điều 10. Nhiệm vụ của cán bộ, công chức khi tiếp công dân

Khi tiếp công dân, cán bộ, công chức phải trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức đúng quy định và thực hiện nhiệm vụ:

- Có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Hướng dẫn công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, những yêu cầu cần giải quyết, cung cấp những tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc; hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo đến đúng người có thẩm quyền giải quyết; giải thích cho công dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Giải thích, từ chối tiếp những người khiếu nại, tố cáo về những vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật.

- Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cán bộ của các cơ quan tham gia tiếp dân tại nơi tiếp công dân để làm tốt nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.

- Mở sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung công dân trình bày; tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Thực hiện nhiệm vụ khác do người phụ trách công tác tiếp công dân giao.

Điều 11. Quyền hạn của cán bộ công chức khi tiếp công dân

Khi tiếp công dân, cán bộ công chức có quyền:

1. Từ chối tiếp những trường hợp mà nội dung khiếu nại, tố cáo đã có kết luận hoặc quyết định giải quyết khiếu nại của các cơ quan Trung ương; các trường hợp đã được người có thẩm quyền giải quyết tổ chức, gặp gỡ, đối thoại; các trường hợp đã có quyết định giải quyết lần hai mà nội dung khiếu nại không có tình tiết mới, đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng;

2. Từ chối tiếp những người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, người đang trong tình trạng say rượu, bia hoặc các chất kích thích khác; người mang theo vũ khí bất hợp pháp, chất dễ cháy, nổ, người mắc bệnh tâm thần, người vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Yêu cầu công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Trường hợp công dân trình bày bằng lời nói các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nếu thấy cần thiết thì cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân viết thành văn bản và yêu cầu công dân ký hoặc điểm chỉ xác nhận.

Điều 12. Quyền của công dân tại nơi tiếp công dân

Khi đến nơi tiếp công dân, công dân có quyền:

1. Được người tiếp công dân lắng nghe, hướng dẫn, giải thích, trả lời về những nội dung mình trình bày.

2. Được khiếu nại, tố cáo hoặc phản ánh với Thủ trưởng trực tiếp của cán bộ, công chức tiếp công dân nếu người đó có những hành vi trái pháp luật, gây cản trở, phiền hà, sách nhiễu cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Đối với trường hợp tố cáo, được yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ người tố cáo.

Điều 13. Nghĩa vụ của công dân tại nơi tiếp công dân

Khi đến nơi tiếp công dân; công dân có nghĩa vụ:

1. Phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác; nếu công dân không trực tiếp đến tại nơi tiếp công dân thì có thể ủy quyền cho người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; những người đại diện phải có giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người ủy quyền cư trú. Không được ủy quyền khi thực hiện quyền tố cáo.

Xuất trình giấy giới thiệu, giấy tờ tùy thân của người được đại diện trong trường hợp cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Xuất trình giấy ủy quyền, giấy tờ tùy thân của người được đại diện trong trường hợp người đứng đầu cơ quan tổ chức ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện quyền khiếu nại.

2. Phải nghiêm chỉnh tuân thủ nội quy, quy chế tại nơi tiếp công dân và sự hướng dẫn của cán bộ, công chức tiếp công dân.

3. Trình bày trung thực sự việc, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo của mình khi có yêu cầu.

4. Ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung đã trình bày bằng lời nói.

5. Trường hợp có nhiều người đến nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung phải cử đại diện để trình bày với cán bộ, công chức tiếp công dân.

6. Không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự tại nơi tiếp công dân; không được vu cáo, xúc phạm cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Mọi trường hợp gây rối trật tự tại điểm tiếp công dân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 4.

MỐI QUAN HỆ GIỮA TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN VÀ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT

Điều 14. Xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh từ các tổ chức tiếp công dân chuyển đến

Khi nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do nơi tiếp công dân chuyển đến, thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết phải xem xét, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kết luận hoặc quyết định giải quyết thì trả lời cho công dân theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đồng thời, thông báo kết quả xử lý, giải quyết cho nơi tiếp công dân đã chuyển vụ việc đó biết.

Điều 15. Xử lý trách nhiệm không giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền

Đối với những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do tổ chức tiếp công dân chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nếu Thủ trưởng cơ quan đó để quá thời hạn quy định mà không giải quyết thì người phụ trách tổ chức tiếp công dân đã chuyển vụ việc, có quyền yêu cầu hoặc phối hợp với cơ quan thanh tra cùng cấp để theo dõi, đôn đốc giải quyết, hoặc kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có biện pháp xử lý nếu cơ quan hoặc người có thẩm quyền cố tình trì hoãn không giải quyết.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Quản lý công tác tiếp công dân

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai và thực hiện đúng các nội dung của Quy chế này.

Chánh Thanh tra tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý công tác tiếp công dân; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức tiếp công dân theo quy định của pháp luật và Quy chế tiếp công dân của UBND tỉnh; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tiếp công dân với Thường trực HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

Thời gian làm việc địa điểm tiếp công dân: Sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ.

Điều 17. Chế độ báo cáo công tác tiếp công dân

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thuộc quyền quản lý thực hiện việc tiếp công dân ở cơ quan mình theo quy định.

Hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, năm tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh đồng gửi Chánh Thanh tra tỉnh theo đúng thời hạn sau:

- Báo cáo quý I: trước ngày 15 tháng 3;

- Báo cáo 6 tháng đầu năm: trước ngày 25 tháng 5;

- Báo cáo 9 tháng đầu năm: trước ngày 25 tháng 8;

- Báo cáo năm: trước ngày 25 tháng 10.

Điều 18. Trách nhiệm thực hiện

1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

2. Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế; định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.