ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2233/QĐ-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 23 tháng 10 năm 2014 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013;
Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BNV ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ và Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 515/TTTr.SNV ngày 15 tháng 10 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của các cụm, khối thi đua thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quy định có 5 chương và 16 điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Các Quyết định sau đây của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực: Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2011 ban hành quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của các cụm, khối thi đua thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quyết định số 1917/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2012 về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 14 của Quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của các cụm, khối thi đua thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành kèm theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2011.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT.CHỦ TỊCH |
VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÀ BÌNH XÉT THI ĐUA CỦA CÁC CỤM, KHỐI THI ĐUA THUỘC TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2233/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Điều 1. Mục đích của việc phân chia cụm, khối thi đua
Thông qua việc phân chia cụm, khối thi đua nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ban ngành, các địa phương, đơn vị trong công tác chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của ngành, địa phương, đơn vị; làm cơ sở cho việc bình chọn những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, bảo đảm cho việc đánh giá, bình xét công tác thi đua, khen thưởng của từng ngành, địa phương, đơn vị một cách chính xác.
Điều 2. Nguyên tắc phân chia cụm, khối thi đua
Việc phân chia cụm, khối thi đua dựa vào đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban ngành, các địa phương, đơn vị. Cụm thi đua gồm một số huyện, thành phố có đặc điểm tương đồng về địa lý, kinh tế, xã hội. Khối thi đua gồm một số đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ.
Chương II
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤM, KHỐI THI ĐUA
Điều 3. Tổ chức cụm, khối thi đua
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các cụm, khối thi đua như sau:
a) Cụm thi đua các huyện, thành phố thuộc tỉnh (02 cụm).
b) Cụm thi đua các xã, phường, thị trấn thuộc huyện, thành phố: mỗi huyện, thành phố tổ chức 1 cụm thi đua cho các xã, phường, trị trấn trực thuộc.
c) Khối thi đua các sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương:
- Khối thi đua các sở, ngành tổng hợp (01 khối).
- Khối thi đua các cơ quan đảng (01 khối).
- Khối thi đua các sở, ngành kinh tế (01 khối).
- Khối thi đua các sở, ngành khoa học - văn hóa - xã hội (01 khối).
- Khối thi đua các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh (01 khối).
- Khối thi đua các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (01 khối).
- Khối thi đua các tổ chức chính trị xã hội (01 khối).
- Khối thi đua các Ngân hàng trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (01 khối).
- Khối thi đua các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (01 khối).
- Khối thi đua các doanh nghiệp thuộc tỉnh (03 khối).
d) Khối thi đua các đơn vị trực thuộc:
- Khối thi đua các đơn vị trực thuộc các sở, ngành có từ 3 đơn vị trực thuộc trở lên: Giáo dục và Đào tạo (03 khối), Y tế (03 khối), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (02 khối), Tài nguyên và Môi trường (01 khối), Văn hóa - Thể thao và Du lịch (01 khối), Giao thông Vận tải (01 khối), Lao động - Thương binh và Xã hội (01 khối), Tư pháp (01 khối), Công thương (01 khối), Nội vụ (01 khối), Xây dựng (01 khối), Khoa học và Công nghệ (01 khối).
- Khối thi đua các hợp tác xã (02 khối).
- Khối thi đua các phòng, ban, đơn vị trực thuộc huyện, thành phố: mỗi huyện, thành phố tổ chức 02 khối thi đua cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc.
- Khối thi đua các trường học thuộc huyện, thành phố: mỗi huyện, thành phố tổ chức mỗi cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) 01 khối thi đua.
- Khối thi đua các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố (01 khối).
2. Đối với các cụm, khối thi đua nêu tại Điểm a, c Khoản 1 Điều này, giao cho Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh bố trí, sắp xếp các thành viên vào các cụm, khối thi đua hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Đối với các cụm, khối thi đua nêu tại Điểm b, d Khoản 1 Điều này, giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã bố trí, sắp xếp các thành viên vào các cụm, khối thi đua hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Riêng đối với khối thi đua các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố, giao cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức khối thi đua.
3. Điều hành hoạt động của cụm, khối có Cụm trưởng, Khối trưởng, Cụm phó, Khối phó. Cụm trưởng, Khối trưởng, Cụm phó, Khối phó do các thành viên trong cụm, khối bầu chọn trong Hội nghị tổng kết hàng năm và hoạt động luân phiên. Cụm trưởng, Khối trưởng, Cụm phó, Khối phó mới tổ chức điều hành hoạt động của cụm, khối ngay sau khi được lựa chọn.
4. Bộ phận Thường trực của cụm, khối là tổ chức hoặc cá nhân phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của Cụm trưởng, Khối trưởng, Cụm phó, Khối phó.
Điều 4. Nhiệm vụ của các thành viên trong Cụm, Khối
1. Cụm trưởng, Khối trưởng:
Cụm trưởng, Khối trưởng chịu trách nhiệm trước Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh về hoạt động của cụm, khối thi đua và có nhiệm vụ:
a) Chủ trì đôn đốc, theo dõi phong trào thi đua nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu thi đua đã đăng ký đầu năm thuộc cụm, khối thi đua của mình.
b) Xây dựng chương trình, kế hoạch, quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm, khối thi đua.
c) Xây dựng các tiêu chí thi đua, thang điểm phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của cụm, khối thi đua và các đơn vị thành viên; đảm bảo về nội dung các tiêu chí thi đua chủ yếu và khung điểm đã được quy định.
d) Tổ chức cho các đơn vị thành viên trong cụm, khối ký kết giao ước thi đua, tổ chức phối hợp giữa các đơn vị thành viên trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác thế mạnh của mỗi sở, ngành, đơn vị, địa phương. Định kỳ tổ chức hội nghị để các thành viên trao đổi về nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác thi đua, khen thưởng; bàn các biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và tuyên truyền, giao lưu, nhân rộng các điển hình tiên tiến để làm phong phú và nâng cao chất lượng hoạt động cụm, khối thi đua.
đ) Chủ trì việc chấm điểm thi đua, bình chọn, suy tôn và đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua, Băng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho các đơn vị tiêu biểu đạt thứ hạng trong cụm, khối theo quy định.
e) Tổng hợp, báo cáo kết quả thi đua của cụm, khối theo định kỳ 6 tháng, 01 năm gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh).
2. Cụm phó, Khối phó:
a) Phối hợp với Cụm trưởng, Khối trưởng xây dựng chương trình, kế hoạch và điều hành hoạt động của cụm, khối thi đua.
b) Thay mặt Cụm trưởng, Khối trưởng giải quyết một số công việc khi Cụm trưởng, Khối trưởng ủy quyền.
3. Bộ phận thường trực giúp việc cho Cụm trưởng, Khối trưởng:
a) Dự thảo kế hoạch, chương trình công tác, quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm, khối thi đua; chuẩn bị nội dung và các điều kiện, tham mưu tổ chức các hoạt động của cụm, khối thi đua.
b) Phối hợp với tổ chức hoặc cá nhân làm công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị thành viên trong cụm, khối thi đua để đánh giá tình hình tổ chức thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng; tổng hợp bảng điểm tự chấm của các đơn vị trong cụm, khối và gửi xin ý kiến của các cơ quan chức năng; tổ chức trao đổi, thảo luận thống nhất điểm thi đua từng đơn vị thành viên và báo cáo Cụm trưởng, Khối trưởng.
c) Chuẩn bị các nội dung hội nghị sơ kết, tổng kết của cụm, khối thi đua.
4. Các thành viên trong cụm, khối thi đua:
a) Đăng ký các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ thi đua hàng năm gửi Cụm trưởng, Khối trường trong quý I hàng năm.
b) Tham gia xây dựng nội dung và các tiêu chí thi đua, thang bảng điểm của cụm, khối thi đua; tổ chức phát động các phong trào thi đua, thực hiện công tác khen thưởng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Căn cứ vào đặc điểm tình hình của đơn vị, xây dựng thang điểm cụ thể để chấm điểm thi đua cho các đơn vị cơ sở trực thuộc.
c) Phát hiện, phổ biến, giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm mới có hiệu quả trong phong trào thi đua.
d) Tham gia đầy đủ và đúng thành phần các cuộc họp và hoạt động do cụm, khối tổ chức.
đ) Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã ký kết giao ước thi đua; định kỳ báo cáo 6 tháng và cả năm phục vụ cho công tác sơ kết, tổng kết. Tự chấm điểm thi đua của đơn vị mình theo Quy chế hoạt động của cụm, khối thi đua với các nội dung và tiêu chí thi đua đã ký kết và gửi báo cáo kết quả cho Cụm trưởng, Khối trưởng theo đúng quy định.
Điều 5. Hoạt động của cụm, khối thi đua
1. Tổ chức sơ kết 06 tháng đầu năm:
a) Thành phần:
- Thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh phụ trách cụm, khối.
- Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh.
- Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương là Cụm trưởng, Khối trưởng..
- Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và cá nhân phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị thành viên.
b) Nội dung:
- Trao đổi nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng.
- Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu thi đua đã đăng ký và biện pháp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
- Giao lưu, gặp gỡ các điển hình tiên tiến.
c) Thời gian tổ chức sơ kết: Hoàn thành vào tháng 7 hàng năm.
2. Tổng kết hoạt động của cụm, khối thi đua:
a) Thành phần:
- Thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh phụ trách cụm, khối.
- Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh.
- Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương là thành viên cụm, khối thi đua.
- Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị thành viên.
b) Nội dung:
- Tổng kết, đánh giá hoạt động của cụm, khối thi đua và của các đơn vị thành viên trong năm và bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ năm tới.
- Trao đổi kinh nghiệm, phổ biến mô hình mới, cách làm hay và giao lưu điển hình tiên tiến.
- Bình chọn, suy tôn các đơn vị tiêu biểu đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen.
- Phát động, ký kết giao ước thi đua.
- Bầu Cụm trưởng, Khối trưởng, Cụm phó, Khối phó mới.
c) Thời gian tổ chức tổng kết: hoàn thành trước ngày 30 tháng 01 hàng năm.
NỘI DUNG, TIÊU CHÍ VÀ THANG ĐIỂM THI ĐUA
Điều 6. Thẩm quyền quy định nội dung, tiêu chí và thang điểm thi đua
1. Đối với cụm, khối thi đua quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều 3 của Quy định này, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định các nội dung, tiêu chí thi đua và thang điểm chung. Căn cứ quy định chung của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cụm, khối thi đua cụ thể hóa hoặc bổ sung thêm một số tiêu chí thi đua trong Quy chế tổ chức và hoạt động của cụm, khối cho phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của cụm, khối thi đua nhưng không vượt quá 30% số tiêu chí đã quy định trong từng nội dung. Việc cụ thể hóa nội dung và phân chia thang, bảng điểm không được vượt quá tổng số điểm quy định của mỗi tiêu chí thi đua chung và phải được dân chủ thảo luận, được các thành viên trong cụm, khối thi đua nhất trí làm căn cứ chấm điểm và bình xét thi đua hàng năm.
2. Đối với các cụm, khối thi đua quy định tại Điểm b, d Khoản 1 Điều 3 của Quy định này, giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã theo dõi, chỉ đạo hoạt động khối thi đua; quy định các nội dung, tiêu chí thi đua, thang điểm và trao đổi thống nhất với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh trước khi tổ chức thực hiện.
Điều 7. Nội dung, tiêu chí thi đua chung
1. Thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh (550 điểm), gồm các tiêu chí sau:
1.1. Đối với các huyện, thành phố:
a) Thu ngân sách trên địa bàn.
b) Giảm tỷ lệ hộ nghèo.
c) Giải quyết việc làm.
d) Giảm tỷ suất sinh.
đ) Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia.
e) Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
g) Đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
h) Công tác tuyển quân và quân sự địa phương.
i) Thực hiện an toàn giao thông.
k) Kết quả thực hiện cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
l) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
m) Triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền, phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
n) Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
1.2. Đối với các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh:
a) Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu, kế hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh giao hoặc kế hoạch do sở, ban, ngành xây dựng và đăng ký thi đua tại các cụm, khối thi đua.
b) Kết quả công tác quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực phụ trách; công tác chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
c) Công tác nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến lĩnh vực quản lý của sở, ban, ngành kịp thời, đảm bảo chất lượng.
d) Công tác nghiên cứu khoa học; thực hiện các chuyên đề, dự án hoặc đề án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia hoặc hoặc phục vụ yêu cầu chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
đ) Thực hiện công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
e) Kết quả thực hiện cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
g) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
h) Thực hiện công tác dân vận chính quyền.
i) Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
1.3. Đối với các cơ quan Đảng;
a) Kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu, chương trình, kế hoạch do Tỉnh ủy giao.
b) Tình hình tham mưu cho Tỉnh ủy trong công tác chỉ đạo, điều hành và lĩnh vực công tác trọng tâm có liên quan đến hoạt động của cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
c) Kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
d) Công tác nghiên cứu khoa học; thực hiện các chuyên đề, dự án hoặc đề án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia hoặc phục vụ yêu cầu chỉ đạo của Tỉnh ủy.
đ) Thực hiện công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
e) Tình hình và hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
g) Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
1.4. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội:
a) Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hoạt động đã đăng ký với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và do Trung ương, Mặt trận, các đoàn thể chỉ đạo.
b) Tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
c) Công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng các chuyên đề, dự án hoặc đề án phục vụ xây dựng các chủ trương, chương trình lớn của tỉnh thuộc lĩnh vực tổ chức mình phụ trách.
d) Tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
đ) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
e) Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12 tháng 02 năm 2013 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị về ban hành quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
g) Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
1.5. Đối với các doanh nghiệp và ngân hàng:
a) Các chỉ tiêu về kinh tế (Tốc độ tăng trưởng; tổng doanh thu; năng suất lao động; lợi nhuận; tăng thu nhập cho người lao động; nộp ngân sách và các chỉ tiêu khác).
b) Thực hiện tốt pháp luật về lao động (bảo đảm chế độ tiền lương, tiền công, tiền thưởng; thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm đối với người lao động; thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ).
c) Tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
d) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
đ) Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
e) Tham gia đóng góp đầy đủ các quỹ xã hội do tỉnh phát động.
g) Thực hiện công tác bảo vệ môi trường (đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường phải có thêm tiêu chuẩn này để thực hiện chấm điểm, xếp hạng).
2. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (200 điểm)
a) Tổ chức học tập; quán triệt, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
b) Tổ chức có hiệu quả, có nhiều cách làm và mô hình hay để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
c) Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.
d) Tỷ lệ tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
Đối với các đơn vị không có hoặc chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể thì các thành viên trong khối tự thống nhất để thay thế bằng tiêu chí thi đua khác phù hợp.
3. Thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng (200 điểm)
a) Tổ chức phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua, đăng ký thi đua theo quy định.
b) Ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng để triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng.
c) Ban hành và tổ chức thực hiện tốt Quy chế quản lý công tác thi đua, khen thưởng; Quy chế xét sáng kiến của sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương.
d) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình công tác năm về thi đua, khen thưởng.
đ) Tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phát động. Tổ chức phát động, triển khai các phong trào thi đua thường xuyên, theo đợt, chuyên đề của cơ quan, đơn vị, địa phương (các phong trào phải có phát động, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng).
e) Thực hiện việc xét tặng và đề nghị các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời; thực hiện tốt việc khen thưởng người lao động trực tiếp.
g) Thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác thi đua, khen thưởng có chất lượng và đúng thời gian quy định.
h) Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; biện pháp, giải pháp xây dựng, tuyên truyền và nhân điển hình.
Điều 8. Thang điểm thi đua chung
Tổng số điểm chấm của các nội dung thi đua nêu tại Điều 7 của Quy định này là 1.000 điểm, mỗi nội dung có số điểm tối đa như sau:
1. Kết quả thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh: 550 điểm.
2. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: 200 điểm.
3. Tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng: 200 điểm.
4. Điểm thưởng: 50 điểm.
Chương IV
NGUYÊN TẮC, QUY TRÌNH, PHƯƠNG PHÁP CHẤM ĐIỂM, XẾP HẠNG THI ĐUA VÀ CƠ CẤU KHEN THƯỞNG
Điều 9. Nguyên tắc chấm điểm, đánh giá, xếp hạng thi đua
1. Căn cứ vào việc đăng ký, ký kết giao ước thi đua hàng năm.
2. Căn cứ vào kết quả thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch và số liệu cụ thể về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong năm. Khi chấm điểm cần lưu ý, phải tự nhận xét đánh giá khách quan, tránh việc che giấu khuyết điểm, tồn tại, chạy theo thành tích và phải chứng minh được kết quả công việc đã làm.
2. Chấm điểm, đánh giá, xếp hạng thi đua nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, do đó phải đảm bảo tính công khai dân chủ và cách làm phải thật sự nghiêm túc, chặt chẽ và được 2/3 thành viên của cụm, khối nhất trí.
Điều 10. Quy trình chấm điểm, đánh giá, xếp hạng thi đua
1. Các đơn vị tự đánh giá, chấm điểm cho đơn vị mình trên cơ sở thang điểm và phương pháp chấm điểm đã được thống nhất trong cụm, khối và gửi cho Cụm trưởng hoặc Khối trưởng. Thời gian hoàn thành trước ngày 05/01 hàng năm.
2. Để có căn cứ đánh giá tương đối chính xác và công bằng, trước phiên họp tổng kết, Cụm trưởng, Khối trưởng thực hiện các công việc sau:
- Tổ chức lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan.
- Tổ chức đoàn kiểm tra hoặc kiểm tra chéo việc tổ chức, thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng tại các đơn vị thành viên của cụm, khối nhằm đánh giá, ghi nhận những mặt đã làm được, chưa làm được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị thành viên.
Thời gian tổ chức lấy ý kiến và kiểm tra từ ngày 05/01 đến ngày 20/01 hàng năm.
3. Cụm trưởng, Khối trưởng tổ chức họp các đơn vị trong khối, thông qua bảng điểm, thảo luận, thống nhất nhận xét, đánh giá, xếp hạng (theo số điểm từ cao xuống thấp) để chọn ra những đơn vị dẫn đầu theo số điểm.
Thời gian hoàn thành: trước ngày 30/01 hàng năm.
4. Khi bình xét thi đua, Cụm trưởng, Khối trưởng phải chú ý những vấn đề sau:
- Chỉ bình xét và đề nghị tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh cho các tập thể thuộc các cụm, khối thi đua theo Quy định này. Những tập thể không tham gia các cụm, khối thi đua không được xem xét tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Không được tổ chức bình xét thi đua khi chưa thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình của Quy định này.
- Chỉ áp dụng hình thức bỏ phiếu kín đối với các đơn vị có tổng số điểm bằng nhau. Thẩm quyền bỏ phiếu phải là lãnh đạo đơn vị,
- Trường hợp lãnh đạo đơn vị vắng mặt thì đơn vị đó không được bình xét khen thưởng.
Điều 11. Tiêu chuẩn và cơ cấu khen thưởng
1. Tiêu chuẩn khen thưởng: Các đơn vị đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng; đơn vị đề nghị tặng Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban nhân dân tỉnh phải đạt số điểm từ 950 điểm trở lên; đơn vị đề nghị tặng Bằng khen phải đạt số điểm từ 900 điểm trở lên.
2. Cơ cấu khen thưởng:
a) Đối với cụm, khối thi đua các đơn vị trực thuộc tỉnh:
Số lượng đơn vị đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng không vượt quá 60% tổng số đơn vị thành viên trong cụm, khối, trong đó:
- Số lượng Cờ thi đua xuất sắc: Không quá 20%.
- Số lượng Bằng khen: Không quá 40%.
Khi tính tỷ lệ, nếu số dư quá bán thì được đề nghị thêm 01.
b) Đối với cụm, khối thi đua các đơn vị trực thuộc sở, ngành, địa phương:
- Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị 03 cờ cho các đơn vị dẫn đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở và 01 cờ cho đơn vị dầu đầu các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố.
- Sở Y tế đề nghị 03 cờ cho các đơn vị dẫn đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị 02 cờ cho các đơn vị dẫn đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
- Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị 01 cờ cho đơn vị dẫn đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
- Các Sở: Tư Pháp, Công thương, 02 năm một lần đề nghị 01 cờ cho đơn vị dẫn đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
- Các Sở: Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, 03 năm một lần đề nghị 01 cờ cho đơn vị dẫn đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
- Liên minh Hợp tác xã đề nghị 02 cờ cho các đơn vị dẫn đầu các hợp tác xã.
- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đề nghị 01 cờ cho địa phương dẫn đầu các xã, phường, thị trấn; 02 cờ cho đơn vị dẫn đầu các phòng, ban, đơn vị, đơn vị thuộc huyện, thành phố và 03 cờ cho đơn vị dẫn đầu mỗi cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).
3. Trong số những đơn vị xếp hạng nhất được tặng Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh xét chọn ra những đơn vị tiêu biểu xuất sắc nhất đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ (theo tỷ lệ quy định của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương).
Điều 12. Phương pháp chấm điểm thi đua
1. Kết quả điểm thi đua của từng huyện, thành phố trong Cụm thi đua được tính bằng cách lấy điểm bình quân của 03 kết quả điểm sau:
- Điểm của huyện, thành phố trực thuộc tỉnh (sau khi huyện, thành phố tự chấm và Cụm trưởng, Cụm phó tổng hợp, rà soát, trao đổi, thống nhất với các đơn vị thành viên).
- Điểm do sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh chấm cho các tiêu chí quy định tại các Khoản 1, 2 Điều 8 của Quy định này.
- Điểm do Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng chấm (theo các tiêu chí quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Quy định này, thông qua cơ quan thường trực của Hội đồng là Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh).
2. Kết quả điểm thi đua của từng sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong Khối thi đua được tính bằng cách lấy điểm bình quân của 02 kết quả điểm sau:
- Điểm của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (sau khi sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tự chấm và Khối trưởng, Khối phó tổng hợp, rà soát, trao đổi, thống nhất với các đơn vị thành viên).
- Điểm do Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng chấm (theo các tiêu chí quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Quy định này, thông qua cơ quan thường trực của Hội đồng là Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh).
3. Đối với các chỉ tiêu định lượng: lấy kết quả thực hiện so với kế hoạch được giao để so sánh, đánh giá. Thực hiện đạt bao nhiêu % kế hoạch thì đạt số % điểm tương ứng điểm chuẩn của tiêu chí thi đua đó (từng cụm, khối thi đua sẽ thống nhất quy định thang điểm cụ thể, tỷ lệ điểm và điểm thưởng nếu vượt chỉ tiêu).
4. Đối với các chỉ tiêu định tính, phân chia thành các loại xuất sắc, khá, trung bình, yếu kém; sau đó quy thành các bậc điểm tương ứng với kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ để làm cơ sở xét khen thưởng.
5. Điểm thưởng, cho các nội dung:
- Thưởng cho các tiêu chí thi đua quy định tại Khoản 1 Điều 7, cứ vượt 1% kế hoạch thì được cộng thêm 1% điểm chuẩn của chỉ tiêu đó, nhưng không vượt quá 10% điểm chuẩn. Tổng số điểm thưởng các tiêu chí thi đua quy định tại Khoản 1 Điều 7 không quá 15 điểm. Chỉ tiêu nào thực hiện không đạt kế hoạch, cứ giảm 1% thì trừ 2% điểm chuẩn, nhưng tối đa không quá 30% điểm chuẩn của chỉ tiêu đó.
- Thưởng cho các đơn vị có các nội dung thực hiện sáng tạo, có hiệu quả nổi bật trong tổ chức các phong trào thi đua: 20 điểm.
- Thưởng cho các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền về công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến: 15 điểm.
6. Điểm trừ, cho các nội dung:
- Nếu bị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phê bình hoặc nhắc nhở bàng văn bản về công tác thuộc tiêu chí nào thì tiêu chí đó bị trừ 5 điểm.
- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo tổng kết, chấm điểm, xếp hạng thi đua cuối năm chậm so với thời gian quy định của cụm, khối trừ 5 điểm.
- Thiếu báo cáo thường xuyên theo quy định hoặc báo cáo đột xuất do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, mỗi lần thiếu trừ 3 điểm.
7. Không xét khen thưởng đối với những đơn vị có 01 trong các lý do sau đây:
a) Không đăng ký và ký kết giao ước thi đua hàng năm.
b) Không tham gia hội nghị bình xét thi đua của cụm, khối.
c) Không báo cáo sơ kết thi đua 6 tháng đầu năm và báo cáo tổng kết năm hoặc gửi báo cáo tổng kết phong trào thi đua hàng năm không đúng nội dung và thời gian quy định.
d) Để xảy ra điểm nóng ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
đ) Để xảy ra lãng phí, tham nhũng gây thiệt hại, thất thoát tài sản của Nhà nước.
e) Vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở; nội bộ mất đoàn kết (căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền).
g) Đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
8. Chưa xét thi đua đối với những đơn vị có dấu hiệu sai phạm đang chờ cơ quan có thẩm quyền kết luận.
Điều 13. Hồ sơ, thời gian đề nghị khen thưởng.
Sau phiên họp tổng kết, Cụm trưởng, Khối trưởng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố lập hồ sơ đề nghị khen thưởng gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh). Hồ sơ bao gồm:
1. Tờ trình của Cụm trưởng, Khối trưởng (đối với cụm, khối thi đua quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều 3 của Quy định này); Thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch huyện, thành phố (đối với các cụm, khối thi đua quy định tại Điểm b, d Khoản 1 Điều 3 của Quy định này).
2. Biên bản họp xét thi đua của cụm, khối hoặc của Hội đồng Thi đua - khen thưởng sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
3. Báo cáo thành tích của các đơn vị đề nghị khen thưởng.
4. Báo cáo tổng kết phong trào thi đua của cụm, khối.
5. Các văn bản, giấy tờ liên quan (nếu có).
Thời gian các cụm, khối gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng tổng kết năm: trước ngày 05/02 của năm sau.
Điều 14. Cụm trưởng, Khối trưởng các cụm, khối thi đua nêu tại các Điểm a, c Khoản 1 Điều 3 của Quy định này có trách nhiệm xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của cụm, khối để tổ chức cho thành viên trong cụm, khối hoạt động theo các nội dung của Quy định này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở; Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã, căn cứ Quy định này, chỉ đạo, hướng dẫn các cụm, khối thi đua các đơn vị trực thuộc xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của cụm, khối để tổ chức cho thành viên trong cụm, khối hoạt động.
Quy chế tổ chức và hoạt động của cụm, khối trước khi tổ chức thực hiện phải có sự thống nhất của cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh (Ban Thi đua - Khen thưởng).
Điều 15. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) có trách nhiệm phối hợp cùng các cụm, khối thi đua và các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng nội dung, tiêu chí thi đua, thang bảng điểm, hướng dẫn việc chấm điểm xếp hạng thi đua và tổng hợp kết quả trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét khen thưởng.
Điều 16. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, có nội dung và chỉ tiêu thi đua cụ thể phù hợp với đơn vị, địa phương mình để góp phần đưa phong trào thi đua của tỉnh phát triển và đem lại hiệu quả thiết thực./.
- 1 Quyết định 2159/QĐ-UBND năm 2011 Quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm, khối thi đua thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 2 Quyết định 1917/QĐ-UBND năm 2012 sửa đổi Khoản 2 Điều 14 Quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm, khối thi đua thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kèm theo Quyết định 2159/QĐ-UBND
- 3 Quyết định 1917/QĐ-UBND năm 2012 sửa đổi Khoản 2 Điều 14 Quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm, khối thi đua thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kèm theo Quyết định 2159/QĐ-UBND
- 1 Quyết định 5331/QĐ-UBND năm 2017 về Quy định tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm, khối thi đua thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 2 Quyết định 489/QĐ-UBND năm 2017 Quy định về tổ chức hoạt động, bình xét thi đua và chia Cụm, Khối thi đua trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 3 Quyết định 280/QĐ-UBND năm 2017 về Quy chế tổ chức và hoạt động Cụm, Khối thi đua do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 4 Quyết định 502/QĐ-UBND năm 2015 Quy định tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của các Cụm, Khối thi đua thuộc tỉnh Bến Tre
- 5 Quyết định 239/QĐ-UBND công nhận các Khối thi đua và Trưởng các Khối thi đua năm 2015 do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 6 Quyết định 2275/QĐ-UBND năm 2014 sửa đổi Quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của Cụm, Khối thi đua kèm theo Quyết định 2617/QĐ-UBND do tỉnh Kiên Giang ban hành
- 7 Thông tư 07/2014/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 42/2010/NĐ-CP, Nghị định 39/2012/NĐ-CP và Nghị định 65/2014/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 8 Nghị định 65/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi năm 2013
- 9 Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 10 Quyết định 218/QĐ-TW năm 2013 về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 11 Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013
- 12 Nghị định 39/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng
- 13 Nghị quyết 30c/NQ-CP năm 2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 do Chính phủ ban hành
- 14 Nghị định 42/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng
- 15 Quyết định 3862/QĐ-UBND năm 2008 Quy định về hoạt động và bình xét thi đua của khối thi đua sở, ngành, cụm thi đua huyện, xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
- 16 Quyết định 28/2007/QĐ-UBND quy định về hoạt động và bình xét thi đua các Cụm thi đua do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 17 Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2005
- 18 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 19 Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 1 Quyết định 3862/QĐ-UBND năm 2008 Quy định về hoạt động và bình xét thi đua của khối thi đua sở, ngành, cụm thi đua huyện, xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
- 2 Quyết định 28/2007/QĐ-UBND quy định về hoạt động và bình xét thi đua các Cụm thi đua do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 3 Quyết định 2159/QĐ-UBND năm 2011 Quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm, khối thi đua thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 4 Quyết định 1917/QĐ-UBND năm 2012 sửa đổi Khoản 2 Điều 14 Quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm, khối thi đua thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kèm theo Quyết định 2159/QĐ-UBND
- 5 Quyết định 239/QĐ-UBND công nhận các Khối thi đua và Trưởng các Khối thi đua năm 2015 do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 6 Quyết định 502/QĐ-UBND năm 2015 Quy định tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của các Cụm, Khối thi đua thuộc tỉnh Bến Tre
- 7 Quyết định 2275/QĐ-UBND năm 2014 sửa đổi Quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của Cụm, Khối thi đua kèm theo Quyết định 2617/QĐ-UBND do tỉnh Kiên Giang ban hành
- 8 Quyết định 280/QĐ-UBND năm 2017 về Quy chế tổ chức và hoạt động Cụm, Khối thi đua do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 9 Quyết định 489/QĐ-UBND năm 2017 Quy định về tổ chức hoạt động, bình xét thi đua và chia Cụm, Khối thi đua trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 10 Quyết định 5331/QĐ-UBND năm 2017 về Quy định tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm, khối thi đua thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu