Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2235/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 21 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI VÀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG LĨNH VỰC NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 3627/QĐ-UBND ngày 08/11/2012 của UBND tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện Nghị quyết số 56/2012/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 của HĐND tỉnh về cơ chế đầu tư cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012- 2015;

Căn cứ Quyết định số 3413/QĐ-UBND ngày 04/11/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về kiện toàn Ban Điều hành Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 215/TTr-SNN&PTNT ngày 14/7/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Điều hành Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Phước Thanh

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI VÀ THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG LĨNH VỰC NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2235/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Nam)

I. MỤC TIÊU, PHẠM VI

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với Biến đổi khí hậu (BĐKH) trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường đến năm 2020 nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời thực hiện phát triển bền vững nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Dự báo mức độ diễn biến của thiên tai và biến đổi của khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và mức độ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh Quảng Nam;

b) Xác định được các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh Quảng Nam;

c) Củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh về quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

d) Nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực ứng phó với rủi ro thiên tai và BĐKH trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

e) Tích hợp vấn đề Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành tại địa phương.

g) Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động của các Sở, ban, ngành, và cộng đồng địa phương trong toàn tỉnh để ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các dự án, trước tiên là các dự án thí điểm.

3. Phạm vi

Kế hoạch hành động này được xây dựng nhằm đưa ra các giải pháp quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH cho lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó các nội dung về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi) được giới hạn theo khuôn khổ những nội dung, hoạt động đã được đề ra trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

II. DỰ BÁO ẢNH HƯỞNG CỦA THIÊN TAI VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỚI NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG NAM

1. Kịch bản biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam

a) Kịch bản về nhiệt độ

Nhiệt độ khu vực tỉnh Quảng Nam có xu thế tăng dần qua các năm theo các kịch bản. Mức tăng nhiệt độ trung bình năm tại tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 theo kịch bản B1 và B2 là 0,5oC; và theo kịch bản A1FI là 0,6oC.

(Nguồn: Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2030).

Bảng 1: Nhiệt độ (oC) thay đổi trong 4 giai đoạn các tháng trong năm theo kịch bản phát thải B2

Giai đoạn

2020

2030

2050

2070

12-02

0,56

0,74

1,38

1,94

03-05

0,56

0,83

1,48

2,02

06-08

0,45

0,64

1,08

1,54

09-11

0,46

0,75

1,29

1,84

(Nguồn: Kế hoạch Chương trình hành động của tỉnh Quảng Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2030)

b) Kịch bản về lượng mưa

Kết quả xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho thấy mức tăng lượng mưa trung bình đến năm 2020 theo kịch bản phát thải thấp- B1 là 0,6%; theo kịch bản phát thải trung bình- B2 và kịch bản phát thải cao- A1FI là 0,7 %.

Theo các kịch bản qua các năm được đánh giá tổng lượng mưa dưới 2.000 mm tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng ven biển và lượng mưa tăng dần tại các khu vực gò đồi, trung du đến vùng núi cao; tổng lượng mưa trên 3.000 mm tập trung nhiều nhất ở các xã Chơm, Ga Ri, A Xan, A Nông thuộc huyện Tây Giang; xã Laêê, La Dêê, Đắk Pre, Đắk Pring thuộc huyện Nam Giang; các xã Phước Công, Phước Lộc thuộc huyện Phước Sơn và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My.

(Nguồn: Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2030)

Bảng 2: Lượng mưa(%) thay đổi của 4 giai đoạn các tháng trong năm theo kịch bản phát thải B2

Giai đoạn

2020

2030

2050

2070

12-02

-1,3

-1,8

-3,1

-4,4

03-05

-1,4

-2,1

-3,7

-5,2

06-08

0,5

0,7

1,2

1,5

09-11

2,3

3,1

6,2

8,8

(Nguồn: Kế hoạch Chương trình hành động của tỉnh Quảng Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2030)

c) Mực nước biển dâng

Đến năm 2020, theo các kịch bản B1, B2, và A1FI, ngập lụt chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển có địa hình thấp. Trong đó, địa phương bị ngập nhiều nhất là thành phố Hội An với 27,63% diện tích bị ngập; tiếp theo là các huyện Điện Bàn với 26,19% diện tích bị ngập; Duy Xuyên với 15,97% diện tích bị ngập; và Núi Thành với 15,10% diện tích bị ngập.

Bảng 3: Diện tích ngập lụt (km2) các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo các kịch bản

Huyện

Diện tích

Hiện trạng

2020

2030

km2

%

km2

%

km2

%

Điện Bàn

214,71

55.18

25.70

56.24

26.19

56.23

26.19

Duy Xuyên

299,09

47.66

15.94

47.9

15.98

47.82

15.99

Núi Thành

533,96

54.70

10.24

80.61

15.10

80.61

15.10

Thăng Bình

533,96

34.02

8.82

38.04

9.86

38.04

9.86

Tp. Hội An

385,60

11.37

18.42

17.05

27.63

17.07

27.65

Tp. Tam Kỳ

61,71

10.17

10.95

16.38

17.65

16.38

17.65

Quảng Nam

92,82

261.12

2.50

306.34

2.93

306.37

2.93

(Nguồn: Kế hoạch Chương trình hành động của tỉnh Quảng Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2030)

2. Dự báo tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu tới lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam

Biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trong tương lai với tần suất và cường độ ngày càng tăng cũng như khó dự báo sẽ có tác động trực tiếp đến việc cung cấp nước sạch. Các công trình cấp nước đặc biệt là các trạm cấp nước tập trung được thiết kế theo các tiêu chuẩn hiện tại sẽ khó an toàn và cung cấp đầy đủ các dịch vụ trong tương lai. Các công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình các vùng ven biển bao gồm chủ yếu các huyện Điện Bàn, TP Hội An, huyện Thăng Bình, TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao.

Do đặc điểm địa hình của tỉnh Quảng Nam là đồi núi phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi các hệ thống sông suối, dân cư phân bố rải rác cùng với tác động của thiên tai sẽ gây không ít những khó khăn trong việc bố trí xây dựng các công trình hạ tầng cấp thoát nước đặc biệt là vùng núi bao gồm 06 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My. Do vậy, việc bố trí xây dựng thi công các công trình đường ống, hệ thống cấp nước cho các cụm dân cư, làng bản trở nên khó khăn, tốn kém nhiều về công sức và tiền của nhân dân.

Lượng nước mặt của tỉnh Quảng Nam phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa, tuy nhiên ứng với kịch bản thay đổi lượng mưa trung bình năm trong tương lai với tổng lượng mưa dưới 2000mm tập trung chủ yếu về vùng đồng bằng ven biển do vậy nguồn nước mưa cung cấp nước cho sinh hoạt vùng này là một vấn đề rất đáng quan tâm. Trái lại, mặc dù dự báo lượng mưa trên 3000mm tăng dần tại các khu vực gò đồi, trung du và vùng núi cao, tuy nhiên do tình trạng chặt phá rừng ngày càng tăng sẽ dẫn đến mất thảm phủ thực vật không giữ được dòng chảy nước mặt và cũng gây khó khăn về nguồn nước mưa tại vùng này.

Quảng Nam có mạng lưới sông ngòi tương đối dày đặc gồm 3 sông lớn là sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ là nguồn chủ yếu cung cấp nước mặt cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do vận hành của các công trình thủy điện thượng nguồn cùng với sự biến đổi lượng mưa dẫn đến thay đổi dòng chảy hạ lưu sẽ ảnh hưởng đến nguồn cấp nước từ nước sông.

Hiện tượng lũ quét và sạt lở đất được dự báo ngày càng tăng do thay đổi lượng mưa cộng với nạn chặt phá rừng đầu nguồn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống dẫn nước từ nguồn, các công trình đầu mối sẽ bị bồi lắng hoặc phá hủy nghiêm trọng.

Theo quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam thì việc quy hoạch cấp nước sẽ được triển khai tại 3 tiểu vùng và do tác động của biến đổi khí hậu cũng như thiên tai trong tương lai, dự báo các tác động tiềm tàng đối với việc cấp nước tại 3 tiểu vùng như sau:

- Vùng đồng bằng ven biển (Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Núi Thành, Tam Kỳ). Vùng này có nguồn tài nguyên nước mặt, nước ngầm rất dồi dào, tuy nhiên sẽ được dự báo là chịu tác động của xâm nhập mặn và sự thay đổi dòng chảy do vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ. Các tác động cụ thể là thiếu nguồn nước, nước nguồn bị ô nhiễm do ở hạ du và bị xâm nhập mặn.

- Vùng đồng bằng, trung du, miền núi bán sơn địa (Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Phú Ninh). Đặc điểm vùng này là có địa hình đồi núi thấp, có tài nguyên nước mặt, nước ngầm tương đối phong phú. Vùng này được dự báo sẽ chịu tác động của ngập lụt, hạn hán, lũ quét và cũng chịu tác động của sự thay đổi dòng chảy do vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi trên thượng nguồn. Các tác động cụ thể được dự báo là suy giảm chất lượng và trữ lượng nước cung cấp cho các nhà máy nước tập trung, ô nhiễm đối với các công trình cấp nước nhỏ lẻ, thiệt hại đối với hệ thống ống dẫn nước.

- Vùng bao gồm các xã thuộc các huyện (tiểu vùng) miền núi cao của tỉnh (Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang). Đặc điểm vùng này là có nguồn nước ngầm, nước mặt rất khan hiếm vào mùa khô. Tác động đối với cấp nước của vùng này được dự báo rất nghiêm trọng đặc biệt là các tác động do lũ quét và sạt lở đất và tình trạng thiếu nước hạn hán. Các tác động đặc trưng là không có nguồn nước, công trình cấp nước cũng như đường ống bị phá hủy do lũ quét và sạt đất. Các tác động này sẽ càng trở nên nghiêm trọng do hạn chế và nhận thức của người dân đặc biệt là tại các vùng có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao.

Tình trạng ngập lụt gây diễn ra bất thường với cường độ và tần suất khó dự báo sẽ làm ngập các nhà tiêu tạm bợ của người dân dẫn đễn chất thải xâm nhập ra ngoài nguồn nước gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, sức khỏe cũng như là nguồn gây dịch bệnh đáng kể.

Mưa lũ bất thường sẽ làm hư hỏng các công trình vệ sinh, từ đó người dân không thực hiện được các hành vi vệ sinh đúng cách, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều hộ dân tại các vùng nông thôn vẫn còn dùng nước sông rạch bị ô nhiễm cho các sinh hoạt hàng ngày, nguy cơ mắc các bệnh lan truyền qua đường nước như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy… trong tương lai là rất cao khi trực tiếp sử dụng nước không sạch cho ăn uống và sinh hoạt.

III. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

1. Vùng ưu tiên

Vùng ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và BĐKH đối với cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn bao gồm các vùng cụ thể như sau:

Vùng I: gồm 7 huyện vùng đồng bằng, ven biển bao gồm Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Núi Thành, Tam Kỳ. Vùng này có địa hình bằng phẳng, có điều kiện kinh tế xã hội phát triển; trong đó trình độ sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí, mật độ dân cư sống tập trung cao hơn so với các vùng khác trong tỉnh. Tập trung chính và ưu tiên vào Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Đại Lộc;

Vùng II: gồm 5 huyện vùng đồng bằng, trung du, miền núi bán sơn địa, là vùng có tài nguyên nước mặt, nước ngầm tương đối phong phú thành phần dân cư tương đối đa dạng gồm Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Phú Ninh. Tập trung chính và ưu tiên vào Hiệp Đức, Nông Sơn;

Vùng III: gồm 6 huyện còn lại có địa bàn núi cao, có mật độ dân cư thấp, phân tán và thành phần dân cư đa dạng gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang. Tập trung chính và ưu tiên vào một số xã ảnh hưởng nặng của thiên tai như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…

2. Các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đến năm 2020

Nhiệm vụ 1: Tăng cường năng lực của tỉnh về mặt thể chế, tổ chức và các cơ chế, chính sách, giải pháp ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Nội dung:

- Rà soát lại chức năng liên quan tới phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH liên quan tới lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các cấp tỉnh, huyện, xã, xác định những thiếu hụt trong hệ thống hiện tại để bổ sung về tổ chức, thể chế;

- Kiện toàn và từng bước tăng cường bộ máy, tổ chức và lĩnh vực cơ chế, chính sách ban hành áp dụng cho nhiệm vụ thích ứng, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

- Tăng cường áp dụng các giải pháp và biện pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

- Xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trách nhiệm trong hệ thống tổ chức phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH đối với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở các cấp, từ cấp tỉnh cho tới cấp cơ sở và xác định các cơ chế cần thiết để thực thi các trách nhiệm này trong thực tế.

Nhiệm vụ 2: Đánh giá tác động của thiên tai, BĐKH đối với cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tại Quảng Nam và xác định những vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao và những giải pháp ứng phó phù hợp

Nội dung:

- Tiến hành công tác điều tra, khảo sát thực tế, sử dụng các công cụ mô hình và các công cụ hiện đại khác phân tích và đánh giá tác động của thiên tai và BĐKH đối với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho từng khu vực cụ thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

- Xác định các tiêu chí đánh giá tác động của BĐKH đối với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên cơ sở kịch bản BĐKH;

- Nghiên cứu các tác động của lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến các yếu tố gây BĐKH (phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính);

- Đề xuất các biện pháp/giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó với thiên tai và BĐKH đối với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho từng khu vực cụ thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Nhiệm vụ 3: Bảo vệ và phát triển nguồn cấp nước sinh hoạt cho những khu vực có nguy cơ khô hạn cao hay những khu vực thường xảy ra lũ lụt, trước các tác động của thiên tai và BĐKH.

Nội dung:

- Rà soát các quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước hiện có đảm bảo đáp ứng các tiêu chí phòng chống các tác hại do nước gây ra, phù hợp với đặc điểm diễn biến khí hậu, thời tiết trên địa bàn tỉnh. Áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật, các công trình khai thác, sử dụng nước, các biện pháp sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho mọi lĩnh vực.

- Ðẩy mạnh việc xây dựng các công trình chứa và dẫn nước theo quy hoạch đã được phê duyệt, thực hiện các biện pháp che phủ đất trống đồi trọc, bảo vệ rừng để giữ ẩm nhằm nâng cao năng lực trữ nước, giữ ẩm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường khả năng giữ nước ở các lưu vực có tính đến tác động của thiên tai và BĐKH.

- Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm tài nguyên nước; điều tra các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt do tác động tiềm tàng của thiên tai, BĐKH làm cơ sở đề xuất các biện pháp khắc phục, bảo vệ.

Nhiệm vụ 4: Nâng cao khả năng cấp nước của các công trình cấp nước sạch nông thôn trong điều kiện thiên tai và BĐKH.

Nội dung:

- Triển khai xây mới và nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn theo các tiêu chí đủ sức chống chịu với tác động của thiên tai và BĐKH đối với những vùng có nguy cơ cao, đồng thời với xây dựng các cơ chế tài chính phù hợp và áp dụng quy trình vận hành sau đầu tư để đảm bảo công trình hoạt động ổn định lâu dài;

- Xây dựng và thống nhất áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH trong xây dựng và vận hành các công trình cấp nước, áp dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả để đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt nông thôn;

- Áp dụng các công nghệ mới và phù hợp về xử lý và trữ nước an toàn trong các điều kiện thiên tai và BĐKH;

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn tại một số xã thí điểm có đủ điều kiện;

- Hỗ trợ phát triển cấp nước và trữ nước hộ gia đình tại những vùng khó khăn không phù hợp cho xây dựng công trình cấp nước tập trung;

- Nâng cao năng lực quản lý vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung thích ứng với Biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Nhiệm vụ 5: Phát triển vệ sinh môi trường nông thôn bền vững trong điều kiện thiên tai và BĐKH.

Nội dung:

- Xây dựng và phát triển mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh cho các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh có khả năng chống chịu được các điều kiện thiên tai và BĐKH đặc thù tại mỗi vùng cụ thể;

- Xây dựng và phát triển các mô hình chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cho các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh có khả năng chống chịu được các điều kiện thiên tai và BĐKH;

- Tuyên truyền vận động để hình thành thói quen bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và thực hiện vệ sinh cá nhân trong cộng đồng.

Nhiệm vụ 6: Các nhiệm vụ về truyền thông cộng đồng và nâng cao năng lực cho các đơn vị có trách nhiệm phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH cho lĩnh vực NS&VSMT nông thôn

Nội dung:

- Tổ chức các chương trình tập huấn cho các cán bộ cấp tỉnh và huyện hoạt động trong các đơn vị có liên quan tới lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH.

- Tổ chức tuyên truyền theo các nội dung về những kiến thức cần thiết để nâng cao khả năng tự ứng phó với thiên tai và BÐKH, các bệnh dịch phát sinh do sử dụng nước không an toàn và ô nhiễm môi trường khi xảy ra thiên tai, hoặc do tác động của BÐKH.

Nhiệm vụ 7: Hợp tác các đơn vị liên quan của Trung ương, các tổ chức quốc tế nhằm huy động nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và kinh phí để thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với thiên tai và BĐKH trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

Nội dung:

- Tăng cường tham gia các hoạt động trong khu vực và quốc tế về BĐKH;

- Tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ quốc tế trong lĩnh vực BĐKH, trao đổi thông tin, kinh nghiệm liên quan đến BĐKH với các nước, các tổ chức quốc tế;

- Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng đàm phán quốc tế cho đội ngũ cán bộ của các bộ, ngành, địa phương làm việc trong lĩnh vực BĐKH thông qua các khóa huấn luyện trong và ngoài nước;

- Xây dựng đề xuất các chương trình/dự án về BĐKH để kêu gọi các tổ chức quốc tế tài trợ;

- Phối hợp với các Sở và Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường tìm nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay cho việc thực hiện các chương trình, dự án BĐKH hoặc các chương trình, dự án ngành lồng ghép với BĐKH;

- Lập kế hoạch khai thác, sử dụng nguồn vốn viện trợ từ các Quỹ đa phương, Quỹ thích ứng với BĐKH của các tổ chức quốc tế và viện trợ song phương của các nước phát triển.

Nhiệm vụ 8: Giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

Nội dung:

- Xây dựng và tổ chức kế hoạch, phương án giám sát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động;

- Kế hoạch bổ sung và điều chỉnh các kế hoạch hành động bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ.

Nhiệm vụ 9: Lồng ghép vấn đề giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (CQK) phát triển của tỉnh có liên quan tới cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

Nội dung:

- Xây dựng, ban hành văn bản và hướng dẫn lồng ghép các nội dung giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với BĐKH vào quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh có liên quan tới lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

- Tổ chức thực hiện lồng ghép các nội dung giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với BĐKH cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của địa phương, phù hợp với Kế hoạch Hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương và triển khai các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch này.

3. Danh mục các dự án ưu tiên quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020

(Có phụ lục kèm theo)

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Cơ chế thực hiện

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý rủi ro thiên tai và BĐKH trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn;

Triển khai các cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực từ Trung ương và các tổ chức nước ngoài để triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn;

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn; chú trọng phối hợp liên ngành và đề cao vai trò cơ sở, sự tham gia của người dân.

2. Tổ chức

Phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị liên quan nhằm quản lý, triển khai thực hiện và giám sát có hiệu quả các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

3. Tài chính

a) Tổng kinh phí thực hiện: 147 triệu đồng;

b) Nguồn vốn:

Chủ động tìm kiếm, thu hút, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các nguồn tài trợ về tài chính và kinh nghiệm của các Chương trình liên quan của Trung ương và các tổ chức quốc tế trong quá trình triển khai các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn;

Đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ triển khai thực hiện Kế hoạch hành động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cũng như thông qua các hoạt động liên quan đã được xác định nguồn vốn kinh phí.

4. Giải pháp khác

Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong tỉnh làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới cấp nước nông thôn và VSMT về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;

Nghiên cứu áp dụng các giải pháp khoa học - công nghệ mới phù hợp với các điều kiện cụ thể của địa phương cũng như phát huy các kinh nghiệm và kiến thức dân gian để ứng phó với thiên tai và thích ứng với BĐKH đạt hiệu quả cao nhất;

Tăng cường phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành trong tỉnh để triển khai đồng bộ các hoạt động có tính hỗ trợ lẫn nhau, phát huy tính đồng thuận để đạt được hiệu quả chung cao nhất;

Thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra và đánh giá định kỳ để phát hiện kịp thời các bất cập, hư hỏng nhằm kịp thời sửa chữa, đảm bảo các công trình hoạt động ổn định lâu dài, đáp ứng đúng mục tiêu đề ra.

V.TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT (Trung tâm Nước sạch và Tư vấn thủy lợi là Văn phòng thường trực Ban Điều hành Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam)

- Chủ trì, tổ chức và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động;

- Là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn;

- Xây dựng và thực hiện đề án “Kế hoạch thực hiện quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020”;

- Căn cứ nội dung đề án được phê duyệt, xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh các dự án, kế hoạch thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

- Làm đầu mối liên hệ công tác giữa Ban điều hành Chương trình với các Sở, Ban ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Tổ chức các hoạt động phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban điều hành;

- Thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện dự án, kế hoạch và đề xuất hướng giải quyết những vấn đề mới phát sinh;

- Quản lý và đề xuất phân bổ kinh phí thực hiện các dự án, kế hoạch về biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn;

- Thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/07/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phân công đối với Ban điều hành Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Điều hành nghiên cứu tham mưu các chính sách có liên quan đến việc đầu tư và quản lý vận hành các trạm cấp nước sau đầu tư;

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối, đề xuất các nguồn kinh phí hằng năm của tỉnh cho Chương trình Quản lý rủi ro thiên tai và BĐKH trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực cung cấp, tiêu thụ nước sạch nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện việc vận động, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của TW, các nhà tài trợ quốc tế và các nguồn vốn khác để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình cấp nước theo Quy hoạch được phê duyệt;

- Tham mưu cho UBND tỉnh về việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trung hạn và hằng năm đối với các công trình cấp nước trên địa bàn;

- Tổ chức thẩm định, phê duyệt hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư công trình cấp nước theo phân cấp.

3. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực cung cấp, tiêu thụ nước sạch nông thôn phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế;

- Nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ cho các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý vận hành công trình cấp nước, nhằm đảm bảo các công trình cấp nước đã đầu tư phát huy hiệu quả, hoạt động bền vững lâu dài;

- Tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt giá nước sạch theo quy định của Nhà nước.

4. Sở Y tế (Trung tâm Y tế dự phòng)

- Thực hiện và phối hợp thực hiện công tác truyền thông, hướng dẫn, vận động cộng đồng về sử dụng bảo quản nguồn nước xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hộ gia đình;

- Kiểm tra chất lượng nước và tình trạng vệ sinh của các công trình cấp nước theo quy định của Bộ Y tế;

- Tăng cường công tác y tế; nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế các huyện, xã phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tăng cường phòng chống các dịch bệnh do sự thay đổi thời tiết, thiên tai gây ra.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp thực hiện công tác truyền thông, vận động trong hệ thống trường học theo phân công của Ban điều hành Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh; lồng ghép các chương trình giáo dục về sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường và các kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu vào các bậc học từ mầm non đến trung học trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động, cuộc thi tìm hiểu và vẽ tranh liên quan đến chủ đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước được phân công; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và huyện, thành phố thực hiện tốt kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Hiện đại hóa các trang thiết bị về phân tích đo đạc chỉ tiêu môi trường, khí tượng thủy văn, từng bước xây dựng hệ thống giám sát môi trường; tăng cường công tác bảo vệ môi trường nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học và các khu bảo tồn; đề xuất và thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu;

- Lồng ghép biến đổi khí hậu vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khai thác tài nguyên nước và các lĩnh vực công tác của ngành;

- Quản lý các cơ sở dữ liệu, thông tin và truyền thông liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường;

- Thẩm định, cấp phép hoặc trình cấp thẩm quyền cấp phép khai thác nước dưới đất, nước mặt và xả thải đối với công trình cấp nước; thực hiện công tác kiểm tra định kỳ việc thực hiện giấy phép đã cấp;

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư các công trình cấp nước về công tác thu hồi, đền bù giải tỏa đất xây dựng công trình;

- Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về việc ưu tiên cung cấp nguồn nước dưới đất và nước mặt cho các công trình cấp nước trong những trường hợp đặc biệt có tình trạng tranh chấp về nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức vận động, huy động nguồn vốn dân đóng góp và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư và quản lý sử dụng các công trình cấp nước theo quy định của UBND tỉnh;

- Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị quản lý vận hành các công trình cấp nước trực thuộc (nếu có) thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao;

- Hoàn thiện cơ chế, tổ chức ứng phó với biến đổi khí hậu cấp huyện;

- Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó cấp huyện và phải đồng bộ với kế hoạch cấp tỉnh; tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao;

- Hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong quá trình thi công xây dựng và quản lý vận hành khai thác các công trình cấp nước trên địa bàn, nhất là công tác bảo vệ tài sản công trình./.


PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI VÀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CHO LĨNH VỰC NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020

TT

Tên dự án/ hoạt động

Mục tiêu

Nội dung chính

Sản phẩm

Đơn vị chủ trì thực hiện

Đơn vị phối hợp

Dự kiến kinh phí (triệu đồng)

Thời gian triển khai

I

Tăng cường năng lực của tỉnh về mặt thể chế, tổ chức và các cơ chế, chính sách, giải pháp ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

1

Kiện toàn bộ máy tổ chức thể chế về phòng chống thiên tai và ứng phó BĐKH ở các cấp cùng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ để nâng cao khả năng PCTT và thích ứng với BĐKH của các công trình NS&VSMT nông thôn tại Quảng Nam.

Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ về tổ chức, thể chế liên quan tới phòng chống thiên tai và ứng phó BĐKH trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn ở các cấp.

Kiện toàn bộ máy tổ chức thể chế ở các cấp cùng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ để phân định rõ trách nhiệm quản lý nhằm nâng cao khả năng phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH cho các công trình NS&VSMT nông thôn tại các địa phương

-Rà soát lại chức năng liên quan tới PCTT và ứng phó với BĐKH liên quan tới NS&VSMT nông thôn tại các cấp tỉnh, huyện, xã, xác định những thiếu hụt trong hệ thống hiện tại để bổ sung về tổ chức, thể chế.

-Xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trách nhiệm trong hệ thống tổ chức PCTT và ứng phó với BĐKH đối với lĩnh vực NS & VSMT NT ở các cấp, từ cấp tỉnh cho tới cấp cơ sở, và xác định các cơ chế cần thiết để thực thi các trách nhiệm này trong thực tế.

-Hệ thống tổ chức thống nhất từ cấp tỉnh tới thôn bản với trách nhiệm rõ ràng về PCTT và thích ứng với BĐKH cho các công trình NS&VSMT NT trong tỉnh,

-Các văn bản pháp luật đồng bộ phân định nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho từng cấp do tỉnh ban hành.

Sở NN&PTNT

BCH PCLB, các Sở, Ban, ngành liên quan, UBND các huyện/thành phố

1.000

2014-2015

II

Đánh giá tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tại Quảng Nam và xác định những vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao và những giải pháp ứng phó phù hợp.

1

Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường (vệ sinh hộ gia đình và chuồng trại) nông thôn tại các vùng dễ bị tổn thương do thiên tai và biến đổi khí hậu.

- Thu thập dữ liệu và xây dựng bản đồ số các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tại các vùng dễ bị tổn thương do thiên tai và biến đổi khí hậu;

- Xác định loại hình thiên tai tiêu biểu ảnh hưởng tới các loại hình công trình nước sạch và vệ sinh môi trường tại mỗi vùng

- Khảo sát thu thập dữ liệu, xây dựng bản đồ số về các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tại các vùng dễ bị tổn thương do thiên tai và biến đổi khí hậu;

- Xác định loại hình thiên tai tiêu biểu ảnh hưởng tới các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường tại các vùng tiêu biểu.

- Cơ sở dữ liệu và bản đồ các công trình cấp nước và VSMT nông thôn tại các vùng dễ bị tổn thương do thiên tai và biến đổi khí hậu;

- Báo cáo về các loại hình thiên tai, BĐKH tiêu biểu tại những vùng có rủi ro cao về thiên tai và biến đổi khí hậu.

Sở NN&PTNT (PCERWASS)

Sở TN&MT

Sở Y tế

5.000

2015 -2016

2

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm đảm bảo khả năng chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

-Đánh giá hiện trạng và dự báo tác động của biến đổi khí hậu tới các hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh;

-Đề xuất các giải pháp quy hoạch, bảo vệ và phát triển hệ thống cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm đảm bảo khả năng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu.

- Khảo sát, xây dựng báo cáo hiện trạng và dự báo tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu tới các hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng các giải pháp quy hoạch, bảo vệ và phát triển các hệ thống cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo khả năng thích ứng với các điều kiện thiên tai và biến đổi khí hậu.

- Báo cáo hiện trạng và dự báo tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu tới các hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường trong tỉnh;

- Các giải pháp quy hoạch, bảo vệ và phát triển các hệ thống cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo khả năng thích ứng với các điều kiện thiên tai và biến đổi khí hậu cho những khu vực dễ bị tổn thương;

-Danh mục các dự án cần triển khai.

Sở NN&PTNT

Sở TN&MT

Sở Y tế

Ban Chỉ huy PCLB, UBND các huyện/thành phố

2.500

2015-16

3

Đánh giá tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tại Quảng Nam và xác định những vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao và xác định những giải pháp ứng phó phù hợp.

- Khảo sát và đánh giá tác động của thiên tai và BĐKH đối với cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

- Xác định những vùng có nguy cơ cao, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp

- Khảo sát và đánh giá tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với nguồn cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, xác định những vùng có nguy cơ thiên tai và biến đổi khí hậu cao đối với các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

- Xây dựng các giải pháp ứng phó với các nguy cơ trên, bao gồm cả các giải pháp công trình và phi công trình phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể từng vùng.

- Báo cáo hiện trạng và dự báo tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu tới tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh môi trường tại những vùng có nguy cơ cao trong tỉnh;

- Các giải pháp ứng phó để bảo vệ tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh môi trường tại các vùng nguy cơ cao về thiên tai và biến đổi khí hậu.

Sở TN&MT

Sở NN& PTNT

Sở Y tế

Ban Chỉ huy PCLB, UBND các huyện/thành phố

2.000

2015- 2016

III

Bảo vệ và phát triển nguồn cấp nước sinh hoạt cho những khu vực có nguy cơ khô hạn cao, hay những khu vực thường xảy ra lũ lụt, trước các tác động của thiên tai và BĐKH.

1

Điều tra, đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước phục vụ nhu cầu cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn dưới tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước dưới tác động của biến đổi khí hậu phục vụ công tác quy hoạch nguồn nước cho cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

Đánh giá trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước phục vụ nhu cầu cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn dưới tác động của biến đổi khí hậu;

Quy hoạch tài nguyên nước phục vụ nhu cầu cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn dưới tác động của biến đổi khí hậu

Báo cáo hiện trạng nguồn nước, trữ lượng và chất lượng nước phục vụ nhu cầu cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn dưới tác động của biến đổi khí hậu;

Báo cáo quy hoạch tài nguyên nước phục vụ nhu cầu cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn dưới tác động của biến đổi khí hậu

Sở TN&MT

Sở NN& PTNT

Sở Y tế

Ban Chỉ huy PCLB, UBND các huyện/thành phố

7.000

2015- 2016

2

Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

Xác định hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước cũng như nước thải trên địa bàn tỉnh.

Khảo sát điều tra, thu thập số liệu hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Đánh giá mức độ xả nước thải vào nguồn nước

Kiến nghị các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước

Báo cáo khảo sát điều tra, thu thập số liệu hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Báo cáo đánh giá mức độ xả nước thải vào nguồn nước

Các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước

 

 

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT

4.000

2015 -2016

IV

Nâng cao khả năng cấp nước của các công trình cấp nước sạch nông thôn trong điều kiện thiên tai và BĐKH.

1

Nâng cấp mở rộng 5 bể chứa nước xã Tam Hòa huyện Núi Thành

Nâng cấp mở rộng 5 bể chứa nước xã Tam Hòa huyện Núi Thành, phục vụ cho 745 hộ dân thuộc địa bàn của xã Tam Hòa

Nâng cấp mở rộng 5 bể chứa nước xã Tam Hòa huyện Núi Thành

5 bể chứa nước xã Tam Hòa huyện Núi Thành

UBND huyện Núi Thành

 

15.000

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh

2

Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Quế Long huyện Quế Sơn

Xây mới hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Quế Long huyện Quế Sơn, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 890 hộ dân thuộc xã Quế Long , góp phần từng bước cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn

Xây mới hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Quế Long huyện Quế Sơn

Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Quế Long huyện Quế Sơn

Sở NN&PTNT

 

15.000

2015 - 2016

3

Hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn 3 và thôn 4 xã Điện Hồng huyện Điện Bàn

Xây dựng mới hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn 3 và thôn 4 xã Điện Hồng huyện Điện Bàn, đảm bảo cung cấp nước sạch cho 1.010 hộ dân thuộc thôn 3 và thôn 4 xã Điện Hồng , góp phần từng bước cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn

Xây dựng mới hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn 3 và thôn 4 xã Điện Hồng huyện Điện Bàn

Hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn 3 và thôn 4 xã Điện Hồng huyện Điện Bàn

Sở NN&PTNT

 

20.000

2016 -2017

4

Hệ thống cấp nước khu vực Tắc Pỏ xã Trà Mai huyện Nam Trà My

Xây mới hệ thống cấp nước khu vực Tắc Pỏ xã Trà Mai huyện Nam Trà My

Xây mới hệ thống cấp nước khu vực Tắc Pỏ xã Trà Mai huyện Nam Trà My

Hệ thống cấp nước khu vực Tắc Pỏ xã Trà Mai huyện Nam Trà My

UBND huyện Nam Trà My

 

13.000

2016 -2017

5

Hệ thống cấp nước sinh hoạt HTX Duy Sơn 2, xã Duy Sơn – huyện Duy Xuyên

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho 750 hộ dân thuộc HTX Duy Sơn 2, xã Duy Sơn huyện Duy Xuyên

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Duy Sơn

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Duy Sơn

UBND huyện Duy Xuyên

 

10.000

2018 -2020

6

Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã A Vương huyện Tây Giang

Xây dựng mới đảm bảo cung cấp nước sạch cho 600 hộ dân góp phần từng bước cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn

Xây dựng mới Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã A Vương huyện Tây Giang

Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã A Vương huyện Tây Giang

UBND huyện Tây Giang

 

10.000

2018 -2020

7

Nâng cấp hệ thống cấp nước thôn Phú Nham xã Duy Sơn huyện Duy Xuyên

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho 764 hộ dân thuộc thôn Phú Nham xã Duy Sơn huyện Duy Xuyên

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Phú Nham xã Duy Sơn

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Phú Nham xã Duy Sơn

UBND huyện Duy Xuyên

 

10.000

2018 -2020

8

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã đảo Tân Hiệp Cù Lao Chàm TP Hội An

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho 4.000 hộ dân thuộc xã đảo Tân Hiệp Cù Lao Chàm

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã đảo Tân Hiệp Cù Lao Chàm TP Hội An

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã đảo Tân Hiệp Cù Lao Chàm TP Hội An

UBND thành phố Hội An

 

15.000

2018 -2020

V

Phát triển vệ sinh môi trường nông thôn bền vững trong điều kiện thiên tai và BĐKH.

1

Hỗ trợ cho nhân dân tại những vùng bị ảnh hưởng rủi ro thiên tai và BĐKH xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh

Góp phần nâng cao tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh

Xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh

 

Sở NN và PTNT

Phòng NN và PTNT/Phòng Kinh tế các huyện/thành phố; UBND các xã/phường

5.000

2015 - 2020

VI

Các nhiệm vụ về truyền thông cộng đồng và nâng cao năng lực cho các đơn vị có trách nhiệm phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH cho lĩnh vực NS&VSMT nông thôn

1

Các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo, đài phát thanh, đài truyền hình, in các tờ rô, pa nô, áp phích v.v…

Tuyên truyền về tác động thiên tai và biến đổi khí hậu;

Tuyên truyền phổ biến về các biện pháp ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Tuyên truyền vận động để hình thành thói quen bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và thực hiện vệ sinh cá nhân trong cộng đồng.

Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo, đài phát thanh, đài truyền hình, in các tờ rô, pa nô, áp phích v.v…

 

Sở NN&PTNT

Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế

3.000

2015 -2020

2

Nâng cao kiến thức, hiểu biết cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH,

Nâng cao kiến thức, hiểu biết cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực NS&VSMT nông thôn về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH,

- Xây dựng chương trình và tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH theo các đặc điểm của tỉnh,

- Giới thiệu các giải pháp kỹ thuật để nâng cao sức chống chịu của các công trình NS&VSMT trước các tác động của thiên tai và BĐKH

- Tổ chức, quản lý các hoạt động giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với BĐKH ở các cấp từ tỉnh, huyện, xã tới thôn.

- Chương trình tập huấn cho cán bộ cấp tỉnh, huyện về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực NS&VSMT

- Các khóa tập huấn cho các cán bộ tai Sở, Ban, ngành liên quan trong tỉnh

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT, Sở Y tế, BCH PCLB, các cơ quan liên quan khác, UBND các huyện/thành phố

1.000

2015-2016

3

Tập huấn cho các nhân viên quản lý, vận hành, duy tu bão dưỡng các công trình cấp nước sạch nông thôn

Nâng cao kiến thức và năng lực cho nhân viên quản lý, vận hành, duy tu bão dưỡng các công trình cấp nước sạch nông thôn

Xây dựng chương trình và tổ chức các lớp tập huấn cho nhân viên trong công tác quản lý, vận hành, duy tu bão dưỡng các công trình cấp nước sạch nông thôn.

 

Sở NN&PTNT

UBND các huyện/thành phố, các đơn vị quản lý công trình cấp nước

3.300

2015 - 2020

4

Nâng cao nhận thức và năng lực về bảo vệ sức khỏe, ứng phó thiên tai và BĐKH cho cộng đồng dân cư ở những vùng thường xảy ra thiên tai

Nâng cao nhận thức và năng lực về bảo vệ sức khỏe ứng phó thiên tai và BĐKH cho cộng đồng dân cư ở những vùng thường xảy ra thiên tai.

- Tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về các bệnh dịch phát sinh do sử dụng nước không an toàn và ô nhiễm môi trường để nâng cao khả năng tự ứng phó từ mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.

- Đào tạo và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên

- Phổ biến các kiến thức về thiên tai và BĐKH theo các đặc điểm của địa phương và những ảnh hưởng tới các công trình NS&VSMT.

- Phổ biến những kiến thức cơ bản về các bệnh dịch phát sinh do sử dụng nước không an toàn và ô nhiễm môi trường khi xảy ra thiên tai, hoặc do tác động của BÐKH

- Các biện pháp bảo vệ sức khỏe, ứng phó với thiên tai, BĐKH cho mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.

- Đội ngũ tuyên truyền viên được xây dựng tại các thôn bản thí điểm;

- Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Truyền thông thông qua các hoạt động hội họp ở cấp cơ sở;

- Các hoạt động truyền thông trực tiếp tại địa phương.

Sở Y tế (Trung tâm Y tế dự phòng)

Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, các cơ quan liên quan khác, UBND các huyện/thành phố

1.200

2015-2016

VII

Giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

1

Giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch hành động quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn

Đảm bảo các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động được thực hiện đúng tiến độ; các kinh nghiệm thu được và đề xuất điều chỉnh trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch các giai đoạn tiếp theo

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động;

- Tổ chức Hội thảo báo cáo và trao đổi kinh nghiệm thu được trong quá trình triển khai kế hoạch hành động;

- Kế hoạch bổ sung và điều chỉnh các nhiệm vụ cụ thể để đạt mục tiêu chung.

- Kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch hành động và kế hoạch giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ;

- Các hội thảo báo cáo và trao đổi kinh nghiệm

- Kế hoạch bổ sung và điều chỉnh các nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

Sở NN&PTNT

Sở Y tế, Các Sở, Ban, ngành liên quan.

4.000

2015 - 2020

Tổng cộng

 

147.000