Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2321/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 01 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội Khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương; trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về việc quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS;

Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025;

Căn cứ Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025";

Căn cứ Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo;

Căn cứ Công văn số 1108/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 22/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;

Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2487/TTr-SGDĐT ngày 10/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
Gửi bản điện tử:
- Như Điều 2 (t/h);
- Bộ GD&ĐT (b/c);
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Trường Chính trị tỉnh;
- Báo Bắc Kạn, Đài PT&TH Bắc Kạn, Cổng TTĐT tỉnh;
- PCVP (Ô. Nguyên);
- Lưu: VT, VXNV (V).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ VÀ GIÁO VIÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2321/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

MỤC LỤC

PHẦN I

TÍNH CẤP THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Tính cấp thiết

2. Căn cứ pháp lý

3. Căn cứ thực tiễn

PHẦN II

THỰC TRẠNG MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP HỌC VÀ ĐỘI NGŨ CBQL, GIÁO VIÊN

1. Về quy mô số trường, số lớp phổ thông

2. Về đội ngũ CBQL, giáo viên

3. Cơ chế, chính sách đối với CBQL, giáo viên

4. Đánh giá chung

PHẦN III

MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

2. Mục tiêu cụ thể

PHẦN IV

NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. NỘI DUNG

1. Về tuyển dụng, sử dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ

2. Về đào tạo

3. Về bồi dưỡng

4. Lộ trình, thứ tự ưu tiên thực hiện

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với giáo dục

2. Nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng

3. Nâng cao năng lực quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng

4. Đảm bảo số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông

5. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ CBQL, giáo viên để thực hiện Chương trình GCPT 2018

6. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện chế độ báo cáo

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

CÁC TỪ VIẾT TẮT

STT

Tên viết tắt

Nội dung

1

THCS

THCS

2

THPT

THPT

3

TH&THCS

Tiểu học và THCS

4

THCS&THPT

THCS và THPT

5

PTDT

Phổ thông dân tộc

6

HĐND

Hội đồng nhân dân

7

UBND

Ủy ban nhân dân

8

GD&ĐT

Giáo dục và Đào tạo

9

GDPT

Giáo dục phổ thông

10

CBQL

CBQL

 

PHẦN I

TÍNH CẤP THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Tính cấp thiết

- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo là: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm”.

- Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tiếp tục khẳng định: “Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đảm bảo đủ giáo viên cho từng cấp học, môn học... Ưu tiên nguồn tài chính cho giáo dục, đảm bảo đủ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ tốt việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới”.

- Trong Luật Giáo dục năm 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, theo đó yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội, việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021, hoàn thành vào năm học 2024-2025. Để triển khai hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, 100% CBQL, giáo viên cần được tập huấn, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng về các nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình GDPT, đồng thời cần đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, chủng loại để thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

- Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS như sau: Tính từ nay đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân, ít nhất 60% số giáo viên THCS đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; tính từ 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học, THCS hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân trở lên.

- Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ quy định: Ưu tiên bố trí số biên chế nhà nước chưa sử dụng để thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc nhưng phải phù hợp với ngành nghề đào tạo và vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu.

- Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 29/3/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh đã giao nhiệm vụ trọng tâm: "Tiếp tục rà soát xác định nhu cầu giáo viên; khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên từng cấp học, môn học ở các địa phương, đơn vị; bố trí đủ giáo viên theo tiêu chuẩn, định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới". Đồng thời, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 đề ra nhiệm vụ: Đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy ở các cấp học. Nâng trình độ chuẩn đào tạo CBQL, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt 90% trở lên; trình độ đào tạo giáo viên THPT trên chuẩn đạt 20% trở lên. Đảm bảo 100% CBQL, giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị trước khi bổ nhiệm.

- Về thực tiễn, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua có sự phát triển và đã đạt một số kết quả quan trọng: Quy mô, mạng lưới trường, lớp học được sắp xếp tinh gọn, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước được nâng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL, giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo. Việc chuẩn bị các điều kiện và triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đảm bảo theo đúng lộ trình...

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số khó khăn khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, nhất là cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, thiếu giáo viên ở các cấp học, vì vậy đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ CBQL, giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và nâng cao về chất lượng là hết sức cấp thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của ngành giáo dục, đảm bảo thực hiện tết Chương trình GDPT năm 2018, trong đó ưu tiên bảo đảm số lượng giáo viên tiểu học dạy môn Tiếng Anh, Tin học bắt đầu từ năm học 2022-2023.

Từ thực tế trên, việc phát triển đội ngũ CBQL, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là cần thiết để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế và đảm bảo việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình.

2. Căn cứ pháp lý

Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập;

Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;

Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về việc quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS;

Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT;

Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế;

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025;

Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”;

Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung về vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập;

Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập dự toán quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông;

Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên;

Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định việc sử dụng giáo viên, CBQL giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng được trình độ chuẩn đào tạo;

Kết luận số 05-KL/TU ngày 25/12/2020 về nội dung làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh;

Công văn số 1108/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 22/3/2021 của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục.

3. Căn cứ thực tiễn

Trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Kạn đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc xây dựng đội ngũ CBQL, giáo viên có phẩm chất chính trị vững vàng, ý thức đạo đức tốt, đảm bảo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của tỉnh Bắc Kạn còn thiếu so với định mức nói chung, trong đó số lượng giáo viên tiểu học dạy môn Tiếng Anh, Tin học còn thiếu, chưa đáp ứng được việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, đội ngũ CBQL, giáo viên còn những hạn chế, bất cập: Cơ cấu đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ; còn hiện tượng thừa, thiếu cục bộ; còn một bộ phận giáo viên tiểu học, THCS chưa đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019; năng lực đổi mới phương pháp dạy học của một số giáo viên và cơ hội tiếp cận thông tin của giáo viên vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên giữa các địa bàn, giữa các trường chưa đồng đều.

Để đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 và quy mô giáo dục của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới, cần thiết phải bổ sung số lượng người làm việc để tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông, đồng thời gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong tình hình mới.

PHẦN II

THỰC TRẠNG MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP HỌC VÀ ĐỘI NGŨ CBQL, GIÁO VIÊN

1. Về quy mô số trường, số lớp phổ thông

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 184 trường phổ thông, trong đó: 73 trường TH, 41 trường TH&THCS, 56 trường THCS, 04 trường THCS&THPT, 10 trường THPT; có 211 điểm trường lẻ cấp tiểu học, với 2.287 lớp.

Mạng lưới trường, lớp học đang tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Quy mô trường, lớp được phân bố cơ bản đồng đều tại các địa bàn và đa dạng về loại hình (trường có một cấp học, trường có hai cấp học, trường Chuyên, trường PTDT Nội trú cấp huyện, cấp tỉnh và trường PTDT Bán trú) đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đến trường của học sinh.

2. Về đội ngũ CBQL, giáo viên

2.1. Số lượng CBQL, giáo viên phổ thông (tính đến thời điểm 31/5/2021)

- Năm 2021, tổng số biên chế được giao 6.808 biên chế, trong đó số CBQL, giáo viên phổ thông được giao 4.288 biên chế (cấp tiểu học 2297 biên chế với 197 CBQL, 2.100 giáo viên; cấp THCS 1.469 biên chế với 169 CBQL, 1.300 giáo viên; cấp THPT 522 biên chế với 48 CBQL, 474 giáo viên).

- Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 4.038 CBQL, giáo viên phổ thông, trong đó: cấp tiểu học 2.191 người (190 CBQL, 2.001 giáo viên); cấp THCS 1.343 người (152 CBQL, 1.191 giáo viên); cấp THPT 504 người (41 CBQL, 463 giáo viên).

So với định mức quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT, toàn tỉnh còn thiếu 436 CBQL, giáo viên phổ thông (cấp học tiểu học 254 người, cấp học THCS 164 người, cấp học THPT 18 người).

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn bản hướng dẫn hiện hành về việc thực hiện tinh giản biên chế, hàng năm ngành giáo dục và đào tạo đều phải thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động giáo dục và đảm bảo chất lượng ở các cơ sở giáo dục.

2.2. Trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 (tính tại thời điểm 31/5/2021)

- Cấp tiểu học: 2.191 người (190 CBQL, 2.001 giáo viên), trong đó trình độ trên chuẩn 04 người đạt 0,18%; đạt chuẩn 1.203 người đạt 54,9%; chưa đạt chuẩn 984 người chiếm 44,9 % (trong đó 484 người đang tham gia đào tạo trình độ đại học).

- Cấp THCS: 1.343 người (152 CBQL, 1.191 giáo viên), trong đó trình độ trên chuẩn 21 người đạt 1,56%; đạt chuẩn 1.085 người đạt 80,79%; chưa đạt chuẩn 237 người chiêm 17,65 % (trong đó 121 người đang tham gia đào tạo trình độ đại học).

- Cấp THPT: 504 người (41 CBQL, 463 giáo viên), trong đó trình độ trên chuẩn 120 người đạt 23,81%; đạt chuẩn 384 người đạt 76,19%

2.3. Nhu cầu giáo viên theo môn học từ năm học 2021-2022 đến năm học 2030-2031

Căn cứ các môn học để thực hiện Chương trình GDPT 2018 và kế hoạch phát triển giáo dục về trường, lớp, trên cơ sở giáo viên dự kiến nghỉ hưu, nghỉ tinh giản biên chế, chuyển công tác... các đơn vị còn thiếu nhiều giáo viên so với định mức được Bộ GD&ĐT quy định từ năm học 2021-2022 đến năm học 2030-2031, trong đó thiếu nhiều đối với một số môn mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018, cụ thể như sau:

- Cấp tiểu học thiếu 720 giáo viên, trong đó môn Tin học và Công nghệ thiếu 78 giáo viên, môn Tiếng Anh thiếu 65 giáo viên.

- Cấp THCS thiếu 509 giáo viên, trong đó môn Tin học thiếu 44 giáo viên, môn Tiếng Anh thiếu 45 giáo viên, môn Lịch sử và Địa lí thiếu 75 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 67 giáo viên.

- Cấp THPT thiếu 78 giáo viên, trong đó môn Nghệ thuật thiếu 21 giáo viên (Âm nhạc 10 giáo viên, Mỹ thuật 11 giáo viên).

(Chi tiết tại biểu 1, 2, 3)

2.4. Nguồn tuyển dụng giáo viên

Với số lượng giáo viên còn thiếu, cần thiết phải bổ sung trên cơ sở tuyển dụng để đảm bảo số giáo viên theo định mức. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều sinh viên đang theo học, đã tốt nghiệp các ngành sư phạm và một số ngành không phải là sư phạm (Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ thông tin, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chưa có việc làm.

(Chi tiết tại biểu 4)

3. Cơ chế, chính sách đối với CBQL, giáo viên

- Về tuyển dụng, sử dụng viên chức giáo dục: Hàng năm, căn cứ số biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo được Bộ Nội vụ giao, UBND tỉnh giao số lượng người làm việc và hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP cho các đơn vị dựa trên kế hoạch phát triển năm học và tình hình thực tiễn của các đơn vị. Căn cứ số biên chế được giao, các đơn vị, địa phương thực hiện bố trí, sử dụng viên chức theo số viên chức đã được tuyển dụng, đồng thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên đối với số biên chế chưa tuyển. Số giáo viên được tuyển dụng từ năm 2016 đến 2020 là 326 người (trong đó tiểu học 179 người, THCS 133 người, THPT 14 người). Các đơn vị, địa phương đã thực hiện việc bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, sử dụng giáo viên, CBQL giáo dục theo đúng quy định, phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị và phù hợp với yêu cầu chuyên môn, nguyện vọng của cá nhân.

- Về thực hiện chính sách đối với CBQL, giáo viên: Thực hiện các chế độ, chính sách đối với CBQL, giáo viên đầy đủ, kịp thời, đúng quy định là động lực cho các CBQL, giáo viên yên tâm công tác, tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó với nghề (chính sách công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, giảng dạy tại các trường chuyên biệt, chế độ phụ cấp đứng lớp, thâm niên nhà giáo,...).

- Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên, người lao động được thực hiện theo các quy định hiện hành. Từ năm 2016 đến năm 2020 đã giải quyết cho 22 công chức, viên chức, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ được 1.078 người, biệt phái viên chức được 138 người, đảm bảo hợp lý về cơ cấu chuyên môn của giáo viên giữa các trường học.

- Về đào tạo, bồi dưỡng: Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được quan tâm, tạo điều kiện để CBQL, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Từ năm 2016 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 24.753 lượt CBQL, giáo viên các cấp học; tổ chức 05 lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục cho 373 Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên trong quy hoạch; bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên Thanh tra giáo dục cho hơn 200 người; tổ chức 08 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho 331 học viên... Cử 119 CBQL, giáo viên đi đào tạo trình độ thạc sĩ, 515 trình độ đại học, 230 trình độ cao đẳng; hơn 300 cán bộ nguồn, CBQL đi học trung cấp và cao cấp lý luận chính trị.

4. Đánh giá chung

Với yêu cầu về đội ngũ CBQL, giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 và đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xi hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế dẫn đến nhu cầu cần bổ sung về số lượng và nâng cao chất lượng của đội ngũ CBQL, giáo viên.

4.1. Ưu điểm

- Đội ngũ giáo viên các cấp học cơ bản được sắp xếp, bố trí phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, địa phương, đáp ứng yêu cầu dạy, học.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL, giáo viên luôn được HĐND, UBND tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện lập thời, luôn tạo điều kiện cho đội ngũ CBQL, giáo viên được tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, chuẩn chức danh nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

- Đội ngũ CBQL, giáo viên luôn chủ động, tích cực trong việc tự bồi dưỡng, đào tạo nâng cao tay nghề; đổi mới sáng tạo trong dạy và học, phương pháp dạy học mới, các phương pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh...

4.2. Tồn tại, hạn chế

- Hiện nay, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông còn thiếu nhiều so với định mức, đặc biệt là trong những năm học tới khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 sẽ có thêm những môn học mới như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật. Do đó, việc bố trí, sắp xếp, phân công giảng dạy, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 và cử giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định sẽ gặp nhiều khó khăn.

- Một số địa phương, đơn vị vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học, cấp học. Chưa đồng bộ về cơ cấu giáo viên, chủng loại theo từng môn học, cấp học; một số CBQL, giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019.

- Theo Chương trình GDPT 2018, môn Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học là môn học bắt buộc từ năm lớp 3. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ học sinh lớp 1, lớp 2 được làm quen với 2 môn học này còn thấp. Đối với cấp THCS, THPT, do cơ cấu môn học, hoạt động giáo dục có sự thay đổi, có một số môn học, hoạt động giáo dục mới so với Chương trình GDPT 2006 nên gặp những khó khăn trong việc bố trí sắp xếp giáo viên để giảng dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới.

4.3. Nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, ngành giáo dục và đào tạo còn gặp khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ để đảm bảo nhiệm vụ dạy và học do:

- Bộ Nội vụ chưa giao đủ số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục theo định mức quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT.

- Hàng năm, tỉnh phải thực hiện việc tinh giản biên chế 10% theo quy định và ngành giáo dục và đào tạo cũng phải thực hiện như các đơn vị khác. Trong khi đó các đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục và đào tạo được quy định số lượng người làm việc theo số lớp và số tiết dạy/tuần. Để thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành giáo dục và đào tạo cần bổ sung đội ngũ giáo viên thực hiện một số môn học mới như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật.

- Địa bàn tỉnh rộng, mật độ dân thấp nên nhiều trường học quy mô nhỏ, nhất là trường Tiểu học, THCS nên việc bố trí giáo viên đảm bảo đủ số lượng và đúng cơ cấu gặp khó khăn.

Hiện nay, đội ngũ CBQL, giáo viên đã cơ bản đáp ứng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, tuy nhiên để đảm bảo về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và đáp ứng việc giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018 thì đội ngũ CBQL, giáo viên cần được bố trí, sắp xếp, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng với lộ trình, kế hoạch cụ thể.

PHẦN III

MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

- Xây dựng đội ngũ CBQL, giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn đội ngũ CBQL, giáo viên đáp ứng các tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và nâng cao năng lực, nhận thức, kỹ năng trong việc thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu về giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2025:

2.1.1. Về đào tạo

- Về đào tạo để đạt chuẩn trình độ:

Trên 90% giáo viên tiểu học, THCS được đào tạo, cấp bằng cử nhân.

Trên 25% CBQL, giáo viên THPT đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo.

- Về đào tạo liên thông: Phấn đấu 100% giáo viên có nhu cầu đào tạo liên thông được tham gia đào tạo trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của đơn vị nhằm đảm bảo giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.

- Về đào tạo lý luận chính trị: Phấn đấu 100% CBQL, giáo viên trong quy hoạch được đào tạo, đáp ứng tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị trước khi bổ nhiệm.

2.1.2. Về bồi dưỡng:

- 100% CBQL, giáo viên được bồi dưỡng năng lực triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

- 100% CBQL, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, trong đó có trên 90% đạt mức độ từ khá trở lên.

- 100% giáo viên trong quy hoạch được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục trước khi bổ nhiệm làm CBQL cơ sở giáo dục phổ thông.

- 100% CBQL, giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

- 100% CBQL, giáo viên cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục ngay tại trường.

- 100% CBQL, giáo viên được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, năng lực quản lý, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực công nghệ thông tin.

- Phấn đấu 100% CBQL, giáo viên công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng được ít nhất một tiếng dân tộc ở địa bàn công tác.

- Hàng năm, ít nhất 60% CBQL, giáo viên được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.

- Phấn đấu 100% CBQL, giáo viên hoàn thành chương trình BDTX theo quy định của Bộ GD&ĐT.

2.1.3. Về số lượng và cơ cấu giáo viên: Tuyển dụng, đào tạo giáo viên nhằm đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo tỷ lệ định mức giáo viên/lớp đối với các cấp học, trong đó tuyển đủ số giáo viên các môn mới còn thiếu ở mỗi cấp học như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật...

2.2. Định hướng đến năm 2030:

2.2.1. Về đào tạo

- Về đào tạo để đạt chuẩn trình độ:

100% CBQL, giáo viên tiểu học, THCS được đào tạo, cấp bằng cử nhân.

Phấn đấu đạt 2% CBQL, giáo viên tiểu học đạt trình độ thạc sĩ trở lên.

Phấn đấu đạt 8% CBQL, giáo viên THCS đạt trình độ thạc sĩ trở lên.

Trên 28% CBQL, giáo viên THPT đạt trình độ thạc sĩ trở lên.

- Về đào tạo liên thông: 100% giáo viên có nhu cầu đào tạo liên thông được tham gia đào tạo trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của đơn vị nhằm đảm bảo giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.

2.2.2. Về bồi dưỡng

- 100% giáo viên mới tuyển dụng được bồi dưỡng năng lực triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

- 100% CBQL, giáo viên được tham gia bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, chuẩn nghề nghiệp.

- 100% giáo viên trong quy hoạch được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục trước khi bổ nhiệm làm CBQL cơ sở giáo dục phổ thông.

- 100% CBQL, giáo viên có đủ năng lực thực hiện chương trình giáo dục, được chuẩn hóa, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

2.2.3. Về số lượng và cơ cấu giáo viên: Tiếp tục thực hiện tuyển dụng, đào tạo giáo viên nhằm đảm bảo đủ số lượng theo tỷ lệ định mức giáo viên/lớp đối với các cấp học, hợp lý về cơ cấu.

PHẦN IV

NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. NỘI DUNG

1. Về tuyển dụng, sử dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ

Rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, những khối lớp triển khai thực hiện trước thì cần ưu tiên đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định đối với mỗi cấp học; cần có thêm các phương án bố trí giáo viên theo cách thức một giáo viên dạy ở 2 trường trên cùng địa bàn; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu;...

2. Về đào tạo

2.1. Đào tạo CBQL, giáo viên các cấp đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

2.1.1. Đối với cấp Tiểu học

- Đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học.

Số lượng đăng ký nhu cầu đào tạo: 42 người (năm 2022: 42 người).

Số tín chỉ đào tạo: 90.

Dự kiến định mức kinh phí: 300.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

Dự kiến tổng kinh phí: 1.134.000.000 đồng (Một tỷ, một trăm ba mươi tư triệu đồng).

- Đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học

Số lượng đăng ký nhu cầu đào tạo: 194 người (năm 2022: 55 người; năm 2023: 49 người; năm 2024: 46 người; năm 2025: 44 người).

Số tín chỉ đào tạo: 60.

Dự kiến định mức kinh phí: 300.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

Dự kiến tổng kinh phí: 3.492.000.000 đồng (Ba tỷ, bốn trăm chín mươi hai triệu đồng).

2.1.2. Đối với cấp THCS (đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học)

- Số lượng đăng ký nhu cầu đào tạo: 71 người (năm 2022: 37 người; năm 2023: 34 người).

- Số tín chỉ đào tạo: 60.

- Dự kiến định mức kinh phí: 300.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

- Dự kiến tổng kinh phí: 1.278.000.000 đồng (Một tỷ, hai trăm bảy mươi tám triệu đồng).

(Chi tiết tại biểu 5)

2.2. Đào tạo CBQL, giáo viên các cấp đạt trình độ trên chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 trên cơ sở hàng năm xây dựng kế hoạch và nhu cầu đăng ký theo tình hình thực tiễn của các đơn vị.

2.2.1. Đào tạo trình độ thạc sĩ đối với ngành khoa học tự nhiên

- Số lượng: 112 người, trong đó cấp Tiểu học 24 người, cấp THCS 64 người, cấp THPT 24 người.

- Dự kiến định mức kinh phí: 35.000.000 đồng/khóa học/1 người.

- Dự kiến tổng kinh phí: 3.920.000.000 đồng (Ba tỷ, chín trăm hai mươi triệu đồng).

2.2.2. Đào tạo trình độ thạc sĩ đối với ngành khoa học xã hội

- Số lượng: 129 người, trong đó cấp Tiểu học 41 người, cấp THCS 64 người, cấp THPT 24 người.

- Dự kiến định mức kinh phí: 29.000.000 đồng/khóa học/1 người.

- Dự kiến tổng kinh phí: 3.712.000.000 đồng (Ba tỷ, bảy trăm mười hai triệu đồng).

(Chi tiết tại biểu 6)

2.3. Đào tạo liên thông cho CBQL, giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của đơn vị, thực tiễn của địa phương, đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, đảm bảo về chủng loại.

2.3.1 Đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học đối với các ngành khác với ngành đã được đào tạo

- Số lượng đăng ký nhu cầu đào tạo: 11 người, trong đó cấp tiểu học 10 người, cấp THCS 01 người (năm 2022: 08 người; năm 2023: 01 người, năm 2026: 02 người).

- Số tín chỉ bồi dưỡng: 60.

- Dự kiến định mức kinh phí: 300.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

- Dự kiến tổng kinh phí: 198.000.000 đồng (Một trăm chín mươi tám triệu đồng)

2.3.2. Đào tạo liên thông đối với những người đã có trình độ đại học

- Số lượng đăng ký nhu cầu đào tạo: 47 người, trong đó cấp tiểu học 33 người, cấp THCS 14 người (Năm 2022: 37 người; năm 2023: 02 người; năm 2024: 01 người; năm 2025: 04 người; năm 2026: 03 người).

- Số tín chỉ bồi dưỡng: 60.

- Dự kiến định mức kinh phí: 300.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

- Dự kiến tổng kinh phí: 846.000.000 đồng (Tám trăm bốn mươi sáu triệu đồng).

(Chi tiết tại biểu 7)

2.4. Đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ trên cơ sở hàng năm các đơn vị rà soát nhu cầu giáo viên.

2.5. Đào tạo lý luận chính trị CBQL, giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm (theo kế hoạch hàng năm).

3. Về bồi dưỡng

3.1. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, quản lý thực hiện Chương trình GDPT 2018; chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng...

3.2. Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới như Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ theo Chương trình bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT.

3.2.1. Môn Khoa học tự nhiên

- Đối tượng 1:

Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đơn ngành sư phạm hoặc cử nhân Vật lý, Hóa học, Sinh học. Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng các ngành sư phạm hoặc cử nhân song môn trong đó có 01 môn là Vật lý hoặc Hóa học hoặc Sinh học (Toán học - Vật lý, Vật lý - KTCN, Toán học - Hóa học, Sinh học - TDTT...).

Số lượng đăng ký nhu cầu bồi dưỡng: 199 người (năm 2022: 168 người; năm 2023: 21 người; năm 2024: 7 người; năm 2025: 01 người; năm 2026: 01 người; năm 2027: 01 người).

Số tín chỉ bồi dưỡng: 36.

Dự kiến định mức kinh phí: 250.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

Dự kiến tổng kinh phí: 1.791.000.000 đồng (Một tỷ, bảy trăm chín mươi mốt triệu đồng).

- Đối tượng 2:

Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành sư phạm Địa lí hoặc tốt nghiệp cao đẳng các ngành sư phạm song môn trong có 01 môn là Địa lí.

Số lượng đăng ký nhu cầu bồi dưỡng: 116 người (năm 2022: 94 người; năm 2023: 15 người; năm 2024: 4 người; năm 2025: 02 người; năm 2026: 01 người).

Số tín chỉ bồi dưỡng: 20.

Dự kiến định mức kinh phí: 250.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

Dự kiến tổng kinh phí: 580.000.000 đồng (Năm trăm tám mươi triệu đồng).

3.2.2. Môn Lịch sử và Địa lí

- Đối tượng 1:

Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành Sư phạm Lịch sử hoặc tốt nghiệp cao đẳng các ngành sư phạm song môn trong có 01 môn là Lịch sử.

Số lượng đăng ký nhu cầu bồi dưỡng: 149 người (năm 2022: 140 người; năm 2023: 07 người; năm 2025: 02 người).

Số tín chỉ bồi dưỡng: 20.

Dự kiến định mức kinh phí: 250.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

Dự kiến tổng kinh phí: 745.000.000 đồng (Bảy trăm bốn mươi lăm triệu đồng).

- Đối tượng 2:

Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành Sư phạm Địa lí hoặc tốt nghiệp cao đẳng các ngành sư phạm song môn trong có 01 môn là Địa lí.

Số lượng đăng ký nhu cầu bồi dưỡng: 60 người (năm 2022: 48 người; năm 2023: 08 người; năm 2024: 3 người; năm 2025: 01 người).

Số tín chỉ bồi dưỡng: 20.

Dự kiến định mức kinh phí: 250.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

Dự kiến tổng kinh phí: 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng).

3.2.3. Môn Tin học và Công nghệ

- Đối tượng: Giáo viên đang dạy môn Tin học ở cấp Tiểu học, đã có bằng Tin học hoặc có bằng tốt nghiệp song ngành trong đó có 1 ngành là Tin học.

Số lượng dự kiến trên nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị trong năm học 2021-2022: 33 người (năm 2022:33 người).

Số tín chỉ bồi dưỡng: 20.

Dự kiến định mức kinh phí: 250.000 đồng/1 tín chỉ/1 người.

Dự kiến tổng kinh phí: 165.000.000 đồng (Một trăm sáu mươi lăm triệu đồng).

(Chi tiết tại biểu 8a, 8b, 8c)

3.3. Bồi dưỡng thường xuyên

Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đối với CBQL, giáo viên; bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của CBQL, giáo viên; nâng cao mức độ đáp ứng của CBQL, giáo viên theo yêu cầu vị trí việc làm; đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp.

100% CBQL, giáo viên các cấp học phải tham gia bồi dưỡng thường xuyên với 03 chương trình bồi dưỡng (Chương trình bồi dưỡng 01: Chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học đối với các cấp học của giáo dục phổ thông; Chương trình bồi dưỡng 02: Chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phổ thông theo từng thời kỳ của mỗi địa phương; Chương trình bồi dưỡng 03: Chương trình bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm).

(Chi tiết tại biểu 9)

3.4. Bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin, nghiệp vụ quản lý giáo dục, chuẩn chức danh nghề nghiệp....

4. Lộ trình, thứ tự ưu tiên thực hiện

- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng về số lượng, chuyên môn cho những môn học mới thực hiện Chương trình GDPT 2018: Đào tạo liên thông, bồi dưỡng các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ.

- Thực hiện nâng chuẩn trình độ được đào tạo của đội ngũ CBQL, giáo viên theo Luật Giáo dục 2019.

- Bồi dưỡng thường xuyên theo chương trình, quy định của Bộ GD&ĐT.

- Đào tạo trình độ thạc sĩ cho đội ngũ CBQL, giáo viên phổ thông.

- Đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, thực hiện nhiệm vụ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với giáo dục

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong phát triển sự nghiệp giáo dục, thực sự coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Các cấp ủy đảng, chính quyền và các cấp quản lý giáo dục tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vai trò quan trọng của đội ngũ CBQL, giáo viên trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phong cách, lối sống cho đội ngũ CBQL, giáo viên. Quan tâm, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ CBQL, giáo viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

2. Nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng

- Tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ CBQL, giáo viên, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần xây dựng đội ngũ ngày càng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

- Tổ chức thực hiện bồi dưỡng, đào tạo trọng tâm, trọng điểm, quán triệt và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: “Học để làm việc”, “Làm việc gì thì học để làm việc ấy cho tốt”.

- Đề cao tinh thần học và tự học; tăng cường nhận thức về trách nhiệm học tập suốt đời, không ngừng nâng cao năng lực làm việc, năng lực thực thi nhiệm vụ. Tạo điều kiện và hỗ trợ đội ngũ CBQL, giáo viên được cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

- Trong công tác quy hoạch, việc đào tạo, bồi dưỡng cần có kế hoạch, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trẻ, cán bộ diện quy hoạch, gắn đào tạo với sử dụng để tạo điều kiện phát huy tốt sau khi đào tạo, bồi dưỡng.

3. Nâng cao năng lực quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo theo đúng kế hoạch, lộ trình, phù hợp với thực tế và nhu cầu của đội ngũ.

4. Đảm bảo số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông

- Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ trong các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, năng lực, điều kiện thực tế và đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018.

- Xây dựng Đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm, xác định số lượng và cơ cấu bộ môn từng cấp học, đánh giá chất lượng đội ngũ CBQL, giáo viên.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, căn cứ vào Đề án này, hằng năm theo phân cấp quản lý, tiến hành xây dựng kế hoạch tuyển dụng đủ số lượng đội ngũ giáo viên các cấp học, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên những bộ môn mới trong Chương trình GDPT 2018.

- Tiếp tục rà soát số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao hàng năm nhưng chưa tuyển dụng để tiếp tục thực hiện tuyển dụng giáo viên các cấp đủ về số lượng, cơ cấu theo môn học, cấp học, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học đảm bảo không để thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp.

- Xây dựng kế hoạch điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập trường, lớp theo lộ trình từng năm để sử dụng, bố trí đội ngũ hợp lý. Thực hiện bố trí giáo viên dạy liên trường đối với các trường có quy mô nhỏ, môn học ít tiết/tuần.

- Trên cơ sở số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao và nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các năm tiếp theo, tiếp tục rà soát, đăng ký nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

- Theo phân cấp quản lý, tiến hành rà soát, cử giáo viên hiện có ở những bộ môn có tỷ lệ biên chế cao hoặc thừa so với định mức, có năng khiếu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để đào tạo liên thông (chuyên ngành Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật); tham gia bồi dưỡng các môn học mới (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ) nhằm đảm bảo giáo viên đáp ứng thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018 và bổ sung cho những đơn vị còn thiếu giáo viên theo lộ trình, kế hoạch cụ thể.

- Rà soát, bố trí, sắp xếp lại những giáo viên không đáp ứng yêu cầu bằng các giải pháp thích hợp như: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; giải quyết nghỉ chế độ theo quy định, bố trí công việc khác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, năng lực, đồng thời bổ sung kịp thời lực lượng giáo viên trẻ có đủ điều kiện và năng lực.

5. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ CBQL, giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT 2018

- Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, giáo viên trong các cơ sở giáo dục theo hướng chuyên nghiệp hóa.

- Hằng năm, theo phân cấp quản lý, xây dựng kế hoạch đào tạo đạt chuẩn, trên chuẩn trình độ theo từng cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ CBQL, giáo viên tham gia đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học nhưng cần bảo đảm đủ giáo viên giảng dạy, hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của đơn vị.

- Trên cơ sở nhu cầu giáo viên từ năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025 và định hướng đến năm 2030, phối hợp, cung cấp thông tin nhu cầu cho các cơ sở đào tạo để đào tạo giáo viên các cấp học, bổ sung nhu cầu giáo viên do tăng quy mô số lớp, số học sinh và thay thế số giáo viên nghỉ hưu.

- Tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ CBQL, giáo viên để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hàng năm theo các Kế hoạch, Đề án về đào tạo, bồi dưỡng của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT để nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL, giáo viên, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp, lý luận chính trị, quản lý giáo dục... theo quy định.

- Tiếp tục cử CBQL, giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng theo Kế hoạch của Bộ GD&ĐT, của Sở GD&ĐT.

- Tăng cường các hình thức bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo trực tiếp, trực tuyến, từ xa; khuyến khích CBQL, giáo viên tăng cường tự đào tạo nâng chuẩn trình độ được đào tạo, tự bồi dưỡng, tham gia các hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

6. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục. Thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, trong đó tập trung về quản trị, quản lý giáo dục.

Tiếp tục thực hiện tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới và bồi dưỡng thường xuyên trên môi trường mạng internet bằng hệ thống quản lý học tập trung tâm (LMS).

7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện chế độ báo cáo

- Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp đội ngũ; xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ báo cáo định kỳ hàng năm, đột xuất về thống kê, công khai lĩnh vực giáo dục theo quy định.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Nguồn kinh phí

- Theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi đào tạo, bồi dưỡng.

- Do người học tự đóng góp.

2. Dự kiến tổng nhu cầu phí thực hiện Đề án: 60.888.600.000 đồng (Sáu mươi tỷ, tám trăm tám mươi tám triệu, sáu trăm nghìn đồng)

Nhu cầu kinh phí thực hiện các nội dung đề án theo từng năm có thể thay đổi căn cứ theo nhu cầu đăng ký đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị và định mức kinh phí của các cơ sở đào tạo.

(Chi tiết tại biểu 10 và các phụ biểu 10a, 10b, 10c, 10d, 10e)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Hằng năm, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện các nội dung sau:

Rà soát, hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch đào tạo nâng trình độ đạt chuẩn theo Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1535/QĐ-UBND ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh; rà soát, thống kê đào tạo trên chuẩn theo từng cấp học.

Rà soát giáo viên thừa, thiếu ở từng cấp học, môn học, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ GD&ĐT, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, giao bổ sung số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Tổ chức tuyển dụng giáo viên theo phân cấp quản lý.

Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện Đề án định kỳ từng năm, báo cáo UBND tỉnh.

- Quản lý và sử dụng có hiệu quả số lượng người làm việc được UBND tỉnh giao hàng năm.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng CBQL, giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 theo đúng lộ trình, kế hoạch.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai và tham mưu theo thẩm quyền để thực hiện tốt chính sách đối với CBQL, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, thu hút nhân tài, gồm:

Hỗ trợ, khuyến khích CBQL, giáo viên tham gia đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đến công tác tại tỉnh.

- Hằng năm lập dự toán, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí theo quy định và tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.

2. Sở Nội vụ

- Chủ trì thẩm định kế hoạch biên chế của Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thành phố bảo đảm biên chế theo định mức quy định của Chính phủ, Bộ GD&ĐT; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; thẩm định kế hoạch tuyển dụng; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tuyển dụng giáo viên theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành; phối hợp giải quyết chế độ, chính sách đối với giáo viên theo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh giao số lượng người làm việc cho các cơ quan, đơn vị bảo đảm phù hợp, đáp ứng nhiệm vụ dạy và học theo quy định.

3. Sở Tài chính

Trên cơ sở dự toán kinh phí hàng năm do Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị và căn cứ khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định hiện hành.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, cổng TTĐT tỉnh

Phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền về công tác phát triển đội ngũ CBQL, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

5. Trường Chính trị tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan để xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị theo chức năng, nhiệm vụ.

6. UBND các huyện, thành phố

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, chịu trách nhiệm thực hiện các mục tiêu của Đề án theo phân cấp quản lý tại địa phương.

- Hằng năm, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT thực hiện rà soát thực trạng giáo viên thừa, thiếu ở các cấp học; xây dựng kế hoạch điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu để bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL, giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý theo từng năm, từng giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tổ chức tuyển dụng giáo viên theo phân cấp quản lý.

- Quản lý, sử dụng có hiệu quả số lượng người làm việc được UBND tỉnh giao hàng năm.

- Chủ động bố trí ngân sách để thực hiện Đề án theo phân cấp quản lý (nếu có).

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục bố trí, sắp xếp, sử dụng giáo viên phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị; xây dựng kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu phù hợp để giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng bằng nguồn kinh phí tự túc.

- Thường xuyên đôn đốc, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án và báo cáo định kỳ theo từng năm về Sở GD&ĐT để báo cáo UBND tỉnh theo quy định.